Gạc Ma, cách đây 31 năm, bức điện cơ yếu cuối cùng tàu HQ-604 gửi về Sở chỉ huy lữ đoàn 146 chỉ vẻn vẹn 5 chữ 'Chúng tôi đang chiến đấu'...
Thế hệ bộ đội Trường Sa những năm 80 - 90 khi kể chuyện những ngày giữ đảo, hết thảy đều nhắc đến Phó lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Hoàng Trung Cang. Khi tôi tìm đến nhà ông trong hẻm nhỏ trên đường D3 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hỏi chuyện Gạc Ma, ông cười móm mém: “Tiếng là thủ trưởng nhưng toàn ở đảo với anh em, chia nhau từng điếu thuốc chén cơm. Mình còn không quên nữa là anh em”…
“Nhìn ánh mắt anh em ướt ướt”…
Tháng 2.1978, Philippines đưa quân ra chiếm đóng đảo Ponata làm cho tình hình khu vực biển ngày càng nóng. Cùng với toàn quân, Quân chủng Hải quân (QCHQ) được lệnh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Ngày 2.3.1978, Thường vụ Đảng ủy và BTL QCHQ báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho HQ đóng giữ tiếp 1 số đảo trên quần đảo Trường Sa. Đồng thời, Tư lệnh HQ Giáp Văn Cương chỉ đạo Phòng Quân báo trinh sát tiến hành trinh sát để chuẩn bị tổ chức đóng giữ.
Cùng thời gian này, Tư lệnh Cương cũng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 146 (nay là Lữ đoàn 146, thuộc BTL Vùng 4 HQ) tổ chức 4 trung đội tăng cường cùng với lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá của các Hải đoàn 125, 128 và Trung đoàn công binh 83, chia thành 4 đoàn ra đóng giữ các đảo mới.
Đoàn 1 do thiếu tá Cao Ánh Đăng (Trung đoàn trưởng 146) chỉ huy, cùng với các chiến sĩ phân đội đặc công nước Lữ đoàn 126 theo tàu HQ-601 tổ chức đóng giữ đảo An Bang đêm 10.3.1978.
Đoàn 2 do thiếu tá Ngô Sĩ Ta (Chủ nhiệm chính trị trung đoàn 146) và thiếu tá Võ Xuân Triều (Phó trưởng phòng Quân báo QCHQ) đi trên tàu HQ-679 của Đoàn 128, đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông trưa 17.3.1978.
Đoàn 3 đi tàu HQ-680 của đoàn 128 do trung tá Vũ Xuân Hòa (Phó tham mưu trưởng) chỉ huy, cùng 31 cán bộ chiến sĩ đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh) ngày 30.3.1978.
“Tôi lúc ấy là Tham mưu trưởng Trung đoàn 146, dẫn 19 cán bộ chiến sĩ lên tàu HQ-681 của Đoàn 125 từ Cam Ranh ra đóng giữ đảo Trường Sa Đông. Ngày 2.4.1978 hoàn thành việc đổ bộ. Đến ngày 19.4, lực lượng khác gồm 17 cán bộ, chiến sĩ ra thay phiên đóng giữ đảo. Chỉ huy trưởng đảo lúc này là thiếu úy Bùi Xuân Nhã. Chính trị viên là thiếu úy Nguyễn Đức Vượng, nay là Chuẩn Đô đốc - Chính ủy Vùng 4 HQ”, ông Cang kể.
“Đổ bộ lên Trường Sa Đông thuận lợi hơn các đảo chìm bởi đây có phần nổi. Nhưng cũng vì nổi nên chim biển tập trung kín đảo, bộ đội phải đuổi chim bay sang chỗ khác để lấy chỗ dựng nhà bạt. Những ngày đầu, lính tráng không ăn không ngủ được vì rệp chim đốt khắp người, phải lấy thuốc đỏ bôi cho đỡ bị cắn và anh nào cũng loang lổ. Khi đã hoàn thành đóng giữ, tôi lên tàu trở về bờ, anh em nó tràn ra bờ cát im lặng đứng nhìn theo. Nhìn ánh mắt anh em ướt ướt, thấy cứ như đem con bỏ đảo, tội lắm”, ông Cang bồi hồi.
“Thông chết thay tôi”…
Tết Mậu Thìn 1988, đại tá Nguyễn Trung Cang (khi đó là Phó lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng lữ đoàn 146, BTL Vùng 4 HQ) được về ăn Tết với vợ con tại TP.HCM. Ngày 18.2.1988, đúng mồng 2 Tết Mậu Thìn, ông đang nhậu với mấy người bạn thì con gái đạp xe đến hớt hải: “Các chú hải quân đến nhà tìm ba về đơn vị có việc quan trọng”.
Xe U Oát quân sự chạy xuyên đêm ra Cam Ranh, đưa ông Cang đến tận Sở chỉ huy tiền phương của QCHQ gặp Tư lệnh Giáp Văn Cương nhận lệnh: “Tình hình căng rồi, cậu là Lữ phó - Tham mưu trưởng về trực chỉ huy lữ đoàn ngay”.
Thời điểm này, cả Lữ đoàn trưởng Phạm Công Phán và Lữ đoàn phó Ngô Sỹ Ta đi biển chỉ huy bộ đội đóng giữ một số đảo chìm. Hai Lữ phó Nguyễn Trung Cang và Trần Đức Thông nghỉ Tết, chỉ còn 2 Lữ phó chuyên ngành Võ Tiến Cai và Nguyễn Trực quán xuyến công việc trong bờ nên việc Lữ phó quân sự Nguyễn Trung Cang trả phép sớm, khiến ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Đầu tháng 3.1988, phía Trung Quốc huy động lực lượng xuống Trường Sa, tăng số lượng tàu chiến, tàu hỗ trợ, tàu vận tải, tàu cá giả dạng, liên tục trinh sát, thăm dò các khu vực, gây lên tình trạng rất căng thẳng.
Được sự đồng ý của trên, Tư lệnh HQ kiêm Chỉ huy trưởng Vùng 4 quyết định lập khung đóng giữ bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Theo kế hoạch, ta sẽ đóng giữ Gạc Ma trước để làm chỗ dựa đóng giữ tiếp Cô Lin, Len Đao. Trách nhiệm chỉ huy lực lượng đóng giữ được giao cho Lữ phó Nguyễn Trung Cang và sáng 6.3.1988, ông Cang trực tiếp giao nhiệm vụ cho 2 khung đi đảo.
Chiều 6.3.1988, trung tá lữ phó Trần Đức Thông vào đơn vị trả phép, thấy mình được giao nhiệm vụ ở sở chỉ huy thay ông Cang, anh Thông đề nghị: “Anh là Lữ phó quân sự - Tham mưu trưởng thì phải ở nhà điều hành mọi việc trong bờ ngoài biển. Em đã nhiều năm làm đảo trưởng, lại mới lên phụ trách chung, để em đi”.
Tư lệnh Giáp Văn Cương nghe vậy đồng ý và 19 giờ 05 ngày 7.3.1988, trung tá Trần Đức Thông chỉ huy bộ đội lên tàu HQ-604 xuất phát từ Cam Ranh ra Gạc Ma.
Trên tàu, ngoài lực lượng của Lữ đoàn 146, còn có 70 cán bộ chiến sĩ thuộc 2 khung xây dựng đảo của Trung đoàn công binh 83 do 2 thượng úy Nguyễn Minh Tâm và Trần Văn Phòng làm khung trưởng. Cùng đi còn có 4 cán bộ chiến sĩ Đoàn đo đạc và biên vẽ hải đồ (Đoàn 6) thuộc Bộ Tham mưu HQ do thượng úy QNCN Lê Đình Thơ phụ trách, ra làm nhiệm vụ đo đạc ở các đảo. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sóng to gió lớn nên tàu HQ-604 không đi được, phải quay lại Cam Ranh.
Sáng 10.3, Tư lệnh HQ Giáp Văn Cương hạ quyết tâm đưa thêm lực lượng đi đóng giữ, bảo vệ đảo Cô Lin do thượng úy Hoàng Bùi Hải làm Đảo trưởng kiêm Bí thư chi bộ, trung úy Đinh Ngọc Doanh giữ chức đảo phó. Riêng đảo Len Đao, vẫn chỉ sử dụng tàu HQ-605 đến neo giữ ở đảo, sẵn sàng ủi bãi khi cần thiết. 20 giờ 10 ngày 11.3.1988, tàu HQ-604 chở lực lượng đi làm nhiệm vụ, dưới sự chỉ huy của trung tá Trần Đức Thông.
Chiều tối ngày 13.3.1988, các tàu HQ-604 (đóng giữ Gạc Ma) và HQ-505 (đóng giữ Cô Lin) khôn khéo vượt qua sự ngăn chặn của các tàu Trung Quốc, thả neo tại vị trí quy định. Tàu HQ-605 mãi 5 giờ ngày 14.3.1988 mới tới Len Đao thả neo đúng chỉ lệnh.
Đêm 14.3.1988, các lực lượng công binh, phòng thủ đảo đã đổ bộ từ tàu HQ-604 và HQ-505 lên đảo Gạc Ma và Cô Lin để vận chuyển vật liệu xây dựng và bảo vệ đảo.
6 giờ ngày 14.3.1988, phía Trung Quốc thả 3 xuồng nhôm chở lính đổ bộ lên đảo Gạc Ma của Việt Nam, bao vây, giật cờ của ta đang cắm trên đảo.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ giành giật với bộ đội ta nhưng không đạt kết quả, lính Trung Quốc rút, cho các loại hỏa lực mạnh trên các tàu hộ vệ 502, 531 đồng loạt nổ súng.
Bộ đội ta đánh trả quyết liệt, nhưng súng bộ binh không đối chọi được với pháo hạm tầm xa, sức công phá mạnh, nên tàu HQ-604 bị cháy, chìm khiến đa số bộ đội trên tàu HQ-604 và Gạc Ma anh dũng hy sinh.
Ở đảo Cô Lin, khi quan sát thấy tàu HQ-604 bị tàu địch bắn cháy và chìm dần, thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 ra lệnh cho tàu nhổ neo ủi bãi. Khi trườn lên bãi đá Cô Lin được 2/3 thân thì tàu bốc cháy nhưng cả con tàu đã trụ vững trên đảo.
8 giờ 15 ngày 14.3.1988, mặc dù tàu đang bị cháy nhưng bộ đội vừa triển khai dập lửa vừa đưa xuồng máy đến Gạc Ma cứu vớt được 43 cán bộ chiến sĩ ở Gạc Ma và tàu HQ-604 đưa về sơ cứu ban đầu.
12 giờ 00 cùng ngày, tàu HQ-671 đến cứu hộ, cứu nạn, đưa bộ đội và thương binh - liệt sĩ về Sinh Tồn cách Cô Lin khoảng 8 hải lý.
Trên hướng Len Đao, tàu hộ vệ tên lửa 556 Trung Quốc liên tục áp sát mạn phải tàu HQ-605 để đe dọa. Lúc 7 giờ 50 ngày 14.3.1988, khi thấy HQ-604 bị tàu Trung Quốc tấn công, thượng úy Lê Lệnh Sơn, thuyền trưởng tàu HQ-605 lệnh cho tàu nhanh chóng ủi bãi.
Thấy HQ-605 nổ máy, tàu 556 Trung Quốc bắn vào tàu ta làm toàn bộ khoang máy và ca bin bị bốc cháy, tàu HQ-605 mất khả năng cơ động và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn cho bộ đội rời tàu, lên xuồng chèo tay về Sinh Tồn.
“Rạng sáng 14.3.1988, tôi trực Sở chỉ huy lữ đoàn tại Cam Ranh thì nhận được điện của tàu HQ-604: Có tàu TQ đến, đuổi chúng tôi. 8 giờ, nhận được bức điện thứ 2 chỉ vẻn vẹn 5 chữ: Chúng tôi đang chiến đấu”, đại tá Nguyễn Trung Cang nhớ lại.
TIN LIÊN QUAN
Ông Cang trầm ngâm: “Suốt ngày hôm ấy tôi chờ nhận thêm tín hiệu nhưng không thấy gì. Mãi mới nhận được điện cơ yếu của Sinh Tồn: Anh em hy sinh, bị thương nhiều lắm, đã sử dụng hết cơ số dự trữ. Đề nghị tiếp tế. Tôi mới viết điện đề nghị QCHQ, Bộ tổng tham mưu cho máy bay An-26 chi viện hàng không cho Sinh Tồn. Hôm ấy nếu tôi ra chỉ huy, chắc cũng hy sinh. Thông đã chết thay tôi...".
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14.3.1988, tàu chiến Trung Quốc đã bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải quân sự của ta, khiến 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 11 người bị thương và bị bắt. Phía Trung Quốc chiếm được bãi đá Gạc Ma. Các lực lượng ta kiên cường chốt giữ Cô Lin, Len Đao trước sự đe dọa khiêu khích của phía Trung Quốc. Với lòng quyết tâm vô hạn và dũng cảm phi thường, công binh HQ đã hoàn thành xây dựng nhà cấp 2 trên đảo Len Đao (7.7.1988) và Cô Lin (10.7.1988), bàn giao cho lực lượng bảo vệ thuộc Lữ đoàn 146 HQ.
|
(còn tiếp)