Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

'Chuyện nghề của Thủy' còn vài điều chưa kể

 TP - Sau 10 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, cuốn “Chuyện nghề của Thủy” của đạo diễn Trần Văn Thủy được tái bản với một diện mạo mới. Xung quanh ấn bản long seller (cuốn sách có giá trị lâu dài) này, còn vài điều chưa kể.

Chuyện hậu trường của hai bộ phim nổi tiếng

“Chuyện nghề của Thủy” (Lê Thanh Dũng chấp bút với sự đồng hành của Trần Văn Thủy, NXB Hội nhà văn) được in lần đầu vào năm 2013, được trao giải Sách hay năm 2016 và được dịch sang tiếng Anh, phát hành ở Mỹ cùng năm. Xung quanh cuốn tự truyện này có nhiều chi tiết đáng chú ý: sau 2 năm ra mắt cuốn sách đã tái bản đến lần thứ 7, trở thành best seller ở thời điểm đó. Đây cũng là cuốn tự truyện có thời gian ra mắt dài nhất từ trước đến nay. Nó đồng thời đi qua năm thành phố lớn, từ TP. Hồ Chí Minh, qua Nha Trang, Đà Nẵng, Huế và ngược lại Hà Nội.

Trái với dự đoán ban đầu về sự “ế ẩm” của cuốn sách, “Chuyện nghề của Thủy” gặt hái thành công ngoài mong đợi. Cuốn hồi ký được bắt đầu từ cuộc phỏng vấn đạo diễn Trần Văn Thủy của 2 học giả người Mỹ: Micheal Renov và Dean Wilson. Họ từng hỏi Trần Văn Thủy: Điểm xuất phát trong cuộc đời làm nghề của ông là gì? Đạo diễn trả lời mà không đắn đo: Tôi yêu đất nước này! Tôi có một tấm lòng tha thiết với xứ sở đã sinh ra mình và tôi muốn góp phần làm cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn!

'Chuyện nghề của Thủy' còn vài điều chưa kể ảnh 1

“Chuyện nghề của Thủy” được NXB Hội nhà văn và Phanbook tái bản.

Ông bảo: Tất cả những phim tôi đã làm đều xuất phát từ trách nhiệm với xứ sở, từ những vui buồn với mảnh đất mà ông gắn bó, thuộc về.

Tác phẩm thu hút bạn đọc không chỉ vì Trần Văn Thủy là một trong những “con sư tử của dòng phim tài liệu”, mà còn vì những chuyện hậu trường đầy sóng gió, chông gai mà đạo diễn gặp phải trong suốt quá trình thực hiện và giới thiệu hai bộ phim nổi tiếng của ông: “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”.

Năm 1982, Trần Văn Thủy được giao làm một bộ phim du lịch về Hà Nội “cho đủ chỉ tiêu”. “Hà Nội trong mắt ai” ra đời và cuộc sống điêu đứng của ông bắt đầu. Có thời gian vợ chồng ông phải leo qua mái nhà đi thủ tiêu tài liệu, băng hình và tị nạn ở nhà người chị để khỏi bị bắt.

Nhiều người khi đó nghĩ Trần Văn Thủy thế là “chột” rồi, “xong” rồi. Bị theo dõi như thế, từ nay chắc sẽ “ngậm miệng ăn tiền”. Không ai hình dung được sống trong hoàn cảnh bị theo dõi, phim bị cấm, nhà không có gạo ăn, ông vẫn âm thầm làm “Chuyện tử tế”. Nếu như “Hà Nội trong mắt ai” là dành cho những người cầm quyền, thì “Chuyện tử tế” hướng đến đại chúng, hướng đến việc sống đẹp. Cả hai bộ phim đều là một tình yêu tha thiết với Hà Nội.

'Chuyện nghề của Thủy' còn vài điều chưa kể ảnh 2

Đạo diễn Trần Văn Thủy. Ảnh: Hồ Như Ý

Nhiều năm nhìn lại

Sau này nhìn lại, Trần Văn Thủy lý giải về sự liều lĩnh của mình: “tôi không hề nghĩ về sự dũng cảm khi làm phim. Tôi làm vì trách nhiệm công dân của mình. Khi bắt đầu một công việc, một bộ phim, tôi không bao giờ vì tiền, vì danh lợi, vì để vừa lòng ai đó và cũng tuyệt đối không phải để được cất nhắc. Tôi mà ham tiền thì sập bẫy từ lâu rồi. Tôi trân trọng việc làm nghề, khi làm nghề tôi chỉ chăm chăm một điều: Có ích không? Người xem có sướng không”?

Thậm chí vị đạo diễn này cũng không có nhiều hứng thú khi nhắc lại “Hà Nội trong mắt ai”. Theo ông: “Đó là bộ phim chẳng có thủ pháp, ấn tượng gì đáng kể, không có chất “cinema”, chỉ là những cảnh đơn sơ lắp ghép lại, đi đôi với những lời bình mang tính ẩn dụ”.

Ở thời điểm ra mắt, “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” gần như làm rung chuyển cả hệ thống phát hành, được khán giả xếp hàng để xem trong suốt nửa năm, kéo dài khắp trong Nam ngoài Bắc. Đặc biệt “Chuyện tử tế” trở thành một “vụ án văn hóa” vào thời điểm đầu những năm 80. Liên đới tới nhiều lãnh đạo cao cấp phải trực tiếp vào cuộc minh oan cho phim như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Trần Độ và Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau này. Đây cũng là bộ phim duy nhất Văn phòng TW Đảng phải ra văn bản chỉ đạo để phát hành.

Cùng với cơn dư chấn ở trong nước, “Chuyện tử tế” cũng gây chấn động dư luận ở nước ngoài. Nó được hơn 10 đài truyền hình quốc tế mua bản quyền với cái giá chưa từng có trong lịch sử phim tài liệu Việt Nam: Đài truyền hình Pháp trả một lần chiếu 70.000fr; Đài truyền hình Anh trả một lần chiếu 30.000usd...

Tại Liên hoan Phim Đà Nẵng, 3/1988, đạo diễn Santiago Anvares sau khi xem “Chuyện tử tế” đã cảm thán: “Đây mới là cái cần xem, đây mới là cái quan trọng, nếu không được xem bộ phim này thì chẳng đến Festival này làm gì”.

Còn một nhà văn nổi tiếng nói: “Có thể nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thủy có một cái gì hơi giống Trịnh Công Sơn, bởi sự hòa quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của tư liệu lên rất nhiều. Một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”.

NSND Trần Văn Thủy sinh năm 1940.

Các tác phẩm chính của ông: Phim đầu tay “Những Người Dân Quê Tôi” giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim Leipzig 1970. Phim “Phản Bội”, về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1980, giải Đạo diễn xuất sắc. Phim “Hà Nội Trong Mắt Ai” (bị cấm từ 1982 – 1987), giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988. Phim “Chuyện Tử Tế” (1985) giải Bồ câu bạc Liên hoan phim quốc tế Leipzig. Phim được đạo diễn người Mỹ John Gianvito đề cử là 1 trong 10 bộ phim tài liệu hay nhất thế giới của mọi thời đại. Phim “Tiếng Vĩ Cầm Ở Mỹ Lai” (1999), giải vàng Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43...