LỄ BÁCH NHẬT TƯỞNG NIỆM GIÁO SƯ PHẠM BIỂU TÂM (100 ngày mất của thầy Tâm)
Nguyên Hạnh
Y Sĩ Việt Nam thành lập giải thưởng Y Khoa Phạm Biểu TâmGần 300 nhân vật thuộc nhiều thế hệ y khoa và đại học Việt Nam đã trân trọng tham dự Lễ Bách Nhật tưởng niệm Giáo Sư Thạc Sĩ Y Khoa Phạm Biểu Tâm, Cựu Khoa Trưởng Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn.
Buổi lễ được tổ chức trọng thể vào chiểu Chủ Nhật, 19 tháng 3 năm 2000, tại chùa Việt Nam, Garden Grove, California, với sự chứng minh của Hòa Thượpng Thích Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trong số quan khách tham dự có đông đủ các đại diện của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các Hội Y Sĩ Việt tại cả hai miền Nam Bắc Cali, San Diego và nhiều y sĩ về từ các tiểu bang xa.
Buổi Lễ đặt dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, đã nói lên cảm tưởng của mình về buổi lễ rằng Hòa Thượng đã rất xúc động về sự tôn kính của mấy thế hệ bác sĩ đã dành cho vị Thầy khả kính, đức độ, mà bất khuất.
Bác Sĩ Võ Văn Tùng giới thiệu chương trình và thành phần giáo phẩm Hòa Thượng Thích Mãn Giác và các Thượng Tọa, đại đức, chư tăng; gia đình Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm gồm có Bà Phạm Biểu Tâm, Thứ Nam Ông Phạm Biểu Chí, Thứ Nữ Bà Phạm Biểu Kim Hồng; Ông Phạm Biểu Trung, Bà Phạm Bửu Kim Liên, ông Phạm Biểu Tình và dưỡng nữ Bà Trần Thị Hồng. Đặc biệt có sự tham dự của GS Đặng Văn Chiếu, Cựu Khoa Trưởng ĐH Y Khoa SG và quý vị giáo sư trường Y. GS Tô Đồng, Cựu Khoa Trưởng ĐH Dược Khoa SG và quý giáo sư trường Dược BSNK Lê Trọng Phong cựu Phó Khoa Trưởng trường Đại Học Nha Khoa SG; Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Y Sĩ VN tại Hoa Kỳ; Bác Sĩ Nguyễn Văn Sĩ, Chủ Tịch Hội Y Sĩ Miền Nam Cali, BS Trần Duy Tôn, Chủ Tịch Hội Y Sĩ VN San Diego là những Hội Y Sĩ đồng tổ chức buổi lễ hôm nay. Dược Sĩ Trần Đức Hiếu, Chủ Tịch Hội DS VN tại Hoa Kỳ và Ông Tôn Thất Hy và Trần Đức Hạnh, đại diện Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Bác Sĩ Tùng cũng sơ lược qua về thân thế và sự nghiệp của cố Giáo Sư mà vì đức tính khiêm nhường của GS, nên ít người biết đến.
Giáo Sư Phạm Biểu Tâm sinh ngày 13/12/1913 tại làng Nam Trung, Tổng Sư Lỗ, Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong một gia đình nho học và khoa bảng. Nội Tổ của Giáo Sư là cụ Tổng Binh Phạm Tấn quê quán tại làng Long Phú tỉnh Gia Định được vua nhà Nguyễn triệu về kinh làm quan vào khoảng năm 1864. Thân Phụ của GS Tâm là Cụ Phạm Hữu Văn, bút hiệu là Mai Nam, tiến sĩ Hán học triều Nguyễn, khoa Quý Sửu (1913), có bia ghi tên ở Văn Miếu Hà Nội và Văn Thánh Huế. Cụ làm quan đến chức Bố Chánh tỉnh Thanh Hóa và khi về hưu được thăng Thượng Thư.
Tuy ra Trung làm quan và sinh sống ở Huế, nhưng tâm hồn các cụ gốc miền Nam vẫn hướng về cố hương của mình nên đã cùng nhau lập ra một ngôi làng đặt tên là làng Nam Trung, ghép hai chữ Nam - Trung lại và được triều đình Huế công nhận.
Đặc biệt làng này không có lũy tre, nhà san sát và quan nhiều hơn dân, là nơi Giáo Sư Phạm Biểu Tâm ra đời.
Sinh trưởng ở đất thần kinh, GS đã học tiểu học ở trường Đông Ba, Huế, Trung Học ở trường Vinh (College de Vinh), tú tài trường Quốc Học Huế và trường Bưởi (Lycee du Protectorat) ở Hà Nội.
Năm 1932 GS học ngành Y ở Đại Học Dược Khoa Hà Nội, Nội trú Bệnh viện là môn đệ của Thạc Sĩ Huard lúc bấy giờ là Khoa Trưởng trường Đại Học Y Dược Khoa Hà Nội, kiêm Giám Đốc BV Phủ Doãn (BV Yersin) Hà Nội. Năm 1944, GS lập gia đình, Bà Phạm Biểu Tâm tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Tuyết Lê, thuộc hoàng tộc, sinh hạ được ba trai hai gái.
Năm 1947 Giáo sư Tâm sang Pháp, đậu bằng Thạc Sĩ Y Khoa với chuyên môn giải phẫu tại trường Đại Học Y KHoa Paris và sau đó được phong làm GS Thạc Sĩ Y Khoa tại Đại Học Y Dược Khoa Hà Nội. Cùng với Giáo Sư Pierre Huard, Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm đã huấn luyện một số bác sĩ kế tiếp, nhiều người đã trở thành giáo sư có sự nghiệp vẻ vang, trong số đó có Giáo Sư Trần Ngọc Ninh và Giáo Sư Đào Đức Hoành.
Theo Kỷ Yếu 50 năm Hướng Đạo Bạch Đằng, BS Phạm Biểu Tâm đã hoạt động hăng say trong ngành hướng đạo VN, nguyên là tráng sinh Tráng đoàn Lam Sơn Hà Nội cùng thời với BS Tôn Thất Tùng, Hoàng Đạo Thọ, và nguyên trưởng ban bảo trợ Tráng đoàn Bạch Đằng Sài Gòn.
Năm 1984, Giáo sư Tâm bị bệnh tai biến mạch máu não. Tháng 7, 1989, hai Ông Bà được sang Hoa Kỳ đoàn tụ với con cháu và chữa bệnh. Giáo sư đã tạ thế vào lúc 8:30 sáng ngày 11 tháng 12, 1999 tại tư gia, California, hưởng thọ 86 tuổi.
Bác Sĩ Đặng Văn Chiếu, Cựu Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Sài Gòn trong phần phát biểu đã nói:
“GS Phạm Biểu Tâm đã có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc, nhân viên giảng huấn và phẫu thuật viên từ 1944 đến 1975. Ông đã cứu sống và bình phục biết bao bịnh nhân. Ông coi nghề y như một sứ mạng. Ông giữ gìn và tranh đấu cho tự trị và tự do Đại Học. Luôn luôn công bằng, liêm khiết và trung trực, Ông là một y sĩ lý tưởng, có đức, có tài, giàu tình nhân ái, là một gương sáng cho đàn em và các thế hệ sau.Tôi đề nghị cùng quý vị và BS Phạm Tu Chính, xưng danh Hội Quốc Tế Y Nha Dược Sĩ Việt Nam Tự Do là Đại Hội Phạm Biểu Tâm vì Ông đã có công lớn phát triển cả ba ngành tại Sài Gòn.”
Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu, cựu Bộ Trưởng Y Tế trong chính phủ VNCH trước 1975, hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phát biểu trong buỗi Lễ:
“Đại diện cho Hội Đồng Quản Trị và Ban Chấp Hành Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ và Hội Y Sĩ Việt Nam Thế Giới Tự Do, tôi xin được phép, trước tiên kính tỏ lòng cám ơn Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã hoan hỉ đến chứng minh, chủ lễ Bách Nhật Tưởng Niệm cố Giáo Sư Thạc Sĩ Phạm Biểu Tâm, một vị thầy tài ba và đức độ, đã từng dìu dắt bao thế hệ Y giới Việt Nam. Đây là phước duyên lớn lao mà Hòa Thượng đã dành cho vong linh vị Thầy kính mến của Y giới Việt Nam.
Kế đến chúng tôi xin nhân dịp này, gởi lời phân ưu đến Bà Giáo Sư và gia đình cố Giáo Sư Phạm Biểu Tâm. Mặc dầu theo tinh thần Phật Giáo, chúng ta đều có ý thức lẽ Vô Thường của mọi vật, có sinh tất có hoại. Nhưng sự ra đi của Giáo Sư Phạm Biểu Tâm là một mất mát lớn lao cho gia đình bà Giáo Sư và cũng là một mất mát lớn cho các môn đệ của cố giáo sư.
Nhân ngày Lễ Bách Nhật tưởng niệm cố Giáo Sư, Ban Tổ Chức đã nhận được bao nhiêu thư và điện thư của Y giới từ Âu Châu, Úc Châu và trên toàn thế giới đồng tâm góp phần tưởng niệm vị Thầy tài năng cao cả, vừa đức độ vừa khiêm nhường đã từng góp công xây dựng bao thế hệ đàn em.”
Giáo sư Trần Ngươn Phiêu còn đề nghị, tên tuổi và sự nghiệp của Giáo Sư Thạc Sĩ Phạm Biểu Tâm trong lịch sử Y Khoa xứng đáng được ghi công, ít nhất cũng một tượng đài hay một giảng đường cho đại Học Y Nha Dược mai sau tại quê hương, khi đất nước đã thực sự thanh bình, tự do, dân chủ.
Giáo sư tiếp lời:
“Trong khi chờ đợi sự ghi danh xứng đáng trong một đất nước Việt Nam thanh bình và dân chủ, trong buổi Hội vào ngày 4 tháng 3/2000 vừa qua ở Washington DC, toàn thể Hội Đồng Quản Trị và Ban Chấp Hành Hội đã đồng ý thiết lập một giải thưởng mang tên: Giải thưởng “Giáo Sư Thạc Sĩ Phạm Biểu Tâm” để tặng cho các đồng nghiệp có công và thành tích xuất sắc trong ngành Giáo Dục Y Khoa. Đây là một giải thưởng để nhắc nhở thường xuyên đến tấm gương hy sinh phục vụ của cố Giáo Sư cho các thế hệ Y Khoa đàn em. Giải thưởng đầu tiên dự trù sẽ phát vào Đại Hội Toàn Quốc Hoa Kỳ và năm 2000 tại New York...”
Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu đã trao tặng Bà Phạm Biểu Tâm một tấm bảng vinh danh biểu hiệu lòng kính mến và tri ân của Y giới đối với cố Giáo Sư Phạm Biểu Tâm.
Ông Tôn Thất Hy và Ông Trần Đức Hạnh cũng đại diện Hội Hướng Đạo Việt Nam, trao tặng Bà Phạm Biểu Tâm bảng vinh danh của Hội Hướng Đạo VN dành cho cố tráng sinh Phạm Biểu Tâm.
Giáo Sư Tô Đồng, Cựu Khoa Trưởng ĐH Dược Khoa Sài Gòn nói về buổi tưởng niệm:
“Nhân ngày giỗ một trăm ngày Ông về Trời, nơi có hoa đào và nước chảy, có hạc múa và oanh ca, chúng tôi muốn được bày tỏ lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ đến một bậc đàn anh khả kính của đại gia đình Y Nha Dược Việt Nam.
Chúng tôi cũng mạn phép được cung tiến đôi câu đối sau đây để tưởng nhớ tới Ông.
“Tài nối Hoa Đà, Nam Trung Bắc chói ngời gương dạy dỗ
Đức noi Khổng Tử, Dược Y Nha ghi mãi nghĩa vun trồng...”
Trong phần phát biểu cảm tưởng, người đã làm quan khách cảm động nhất là Bác Sỹ Nguyễn Văn Sĩ, Chủ Tịch Hội Y Sĩ Việt Nam Nam California. Bác sĩ Sĩ cho biết, lúc sang Mỹ, ông mới 13 tuổi, lúc theo học ngành y toàn với các giáo sư Mỹ. Lần interview đầu để được vào chương trình nội trú, giáo sư Mỹ đã hỏi ông về Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm. Ông nói không biết. Hỏi về Trường Y Khoa Sài Gòn trước 75, ông cũng nói không biết. Kết quả kỳ thi đó ông bị trượt. Lần thứ hai, cũng giáo sư Mỹ, hỏi Ông về Giáo Sư Tâm và các Giáo sư Bác Sĩ Việt Nam, Ông cũng trả lời không biết. Hỏi về trường Y Khoa Sài Gòn. Ông cũng trả lời không biết. Vị giáo sư này khuyên Ông nên tìm hiểu về các danh y Việt Nam có trong sách vở, nhờ đó, Ông tìm về cội nguồn và biết được Giáo Sư Phạm Biểu Tâm.
Qua sách vở Mỹ, Ông đọc và học hỏi được rất nhiều điều ở vị Thầy Việt Nam khả kính này. Bằng giọng đầy xúc cảm và đôi mắt rưng rưng lệ, Bác Sĩ Nguyễn Văn Sĩ đã tỏ lòng biết ơn vị thầy khả kính đã đem bao nhiêu vinh dự cho nền Giáo Dục Y Khoa trước đây và thế hệ sau được hãnh diện học hỏi.
Bà Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm trong chiếc áo dài giản dị, đã lên cám ơn Ban Tổ Chức và quan khách. Bà xin được nói tiếng Huế để nhắc nhở tới người bạn đời của bà. Theo bà, Ông là một người bình dị, đức tính khiêm nhường và tận tụy. Ông dành ít thì giờ cho gia đình, còn lại, thì giờ dành hết cho Khoa Học và Y Khoa. Trong 10 năm ở Mỹ, ông một lòng son sắt với quê hương, dân tộc.
Trước khi qua đời, ông có để lại bài thơ thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo.
“Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi.”
Bây giờ thì Ông đã về miền Vĩnh Hằng, thân đã trở thành cát bụi, nhưng mong rằng tấm gương sáng của Ông vẫn mãi mãi trong lòng các Bác Sĩ Việt Nam Tự Do.
Sau lời cảm tạ của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Hòa Thượng Thích Mãn Giác chứng minh buổi lễ trong một không khí thiêng liêng, trang trọng. Tất cả quan khách đều cùng đọc kinh theo để cầu nguyện cho anh linh của Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm được yên vui nơi cõi Phật, sau khi đã một đời tận tụy với chức nghiệp, để lại cho thế hệ về sau một kho tàng quí giá về Giáo Dục Y Khoa.
Trong buổi thụ trai thanh đạm kết thúc buổi Lễ, sự nghiệp và tấm lòng của người thầy y khoa Việt Nam vẫn không ngừng được nhắc nhở.
Lễ Bách Nhật Tưởng Niệm Giáo Sư Phạm Biểu Tâm đã được 4 hội y sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ giao phó cho các bác sĩ Võ Văn Tùng, Nguyễn Ngọc Kỳ và Nguyễn Văn Sĩ đặc trách tiến hành việc tổ chức.
TƯỞNG NHỚ THẦY PHẠM BIỂU TÂM: Vị bác sĩ từ chối nhận con gái cố vấn Ngô Đình Nhu học y khoa
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhiều bác sĩ gạo cội Sài Gòn còn nhắc chuyện người thầy mẫu mực ngành y - cố GS Phạm Biểu Tâm - từ chối nhận con gái cố vấn tổng thống theo học.
“Chỉ có thể nói là thần phục”, bác sĩ nguyên giám đốc một bệnh viện lớn tại TPHCM, nay ngoài 70 tuổi khi hồi tưởng về GS Tâm đã lắng lòng bày tỏ. Dù có cơ hội được tiếp xúc nhiều hay ít với người thầy lỗi lạc, trong ký ức của nhiều bác sĩ thời ấy đều dành vẹn nguyên những xúc cảm ngưỡng mộ đáng kính.
Gốc miền Nam nhưng chào đời năm 1913 tại Huế trong gia đình nho học và khoa bảng, giáo sư Phạm Biểu Tâm hấp thu nền giáo dục đất cố đô trước khi ra Hà Nội theo nghiệp y khoa.
Năm 1947 ông sang Pháp học chuyên môn giải phẫu, đậu bằng thạc sĩ y khoa, cùng với giáo sư Trần Quang Đệ trở thành một trong hai người Việt đầu tiên đạt học vị danh giá này.
Trở về nước ông giảng dạy tại Đại học Y khoa Hà Nội, làm Giám đốc BV Yersin, Phó giám đốc Trường Quân y trước khi cùng gia đình vào Nam năm 1954. Tại đây GS Tâm trở thành giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại khi BV Bình Dân thành lập và là khoa trưởng người Việt đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Sài Gòn.
Thời gian đảm nhiệm chức vụ khoa trưởng, mọi người lan truyền chuyện năm 1963, con của cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy không đỗ trong kỳ thi tuyển sinh Đại học Y khoa Sài Gòn. Dù có sự can thiệp của Bộ trưởng Giáo dục theo ý nguyện của ông Nhu, GS Phạm Biểu Tâm vẫn nhất mực từ chối cho Lệ Thủy vào học.
Nhiều ý kiến cho rằng cô gái Ngô Đình Lệ Thủy chưa bao giờ thi hoặc học ngành y mà theo học tại khoa Văn chương Pháp, Đại học Văn khoa Sài Gòn nên không có chuyện bị giáo sư Biểu Tâm từ chối.
Dẫu còn nhiều tranh cãi nhưng các bác sĩ đều nhận định: “Giả sử nếu con gái cố vấn tổng thống không đủ điểm mà muốn theo học thì thầy Tâm nhất định cũng sẽ ứng xử kiên quyết vậy thôi”.
Là một trong những cánh chim đầu ngành ngoại khoa Việt Nam, nhiều học trò của GS Tâm đã trở thành những bác sĩ giỏi giang nổi tiếng. Hiện nay trong phòng làm việc của GS Văn Tần, nguyên phó giám đốc, hiện là cố vấn khối ngoại BV Bình Dân, hình ảnh của GS Biểu Tâm được treo một góc trang trọng.
Dù phòng làm việc thay nơi đổi chỗ nhiều lần thì bức ảnh ấy vẫn luôn được ông kính cẩn mang theo. “May mắn lớn của tôi là đã được gặp thầy và được dẫn dắt từ thuở mới vào nghề”, GS Văn Tần nói.
Trong hồi ức vị giáo sư gần tuổi 80, thầy Biểu Tâm gắn liền với hình ảnh ngày ngày tự chạy xe đến bệnh viện, nghiêm túc say mê công việc từ sáng sớm đến tận tối mịt. Rất khiêm nhường, kiệm lời, ít khi chia sẻ cuộc sống riêng tư nhưng với kiến thức chuyên môn, thầy luôn truyền dạy học trò một cách thấu đáo.
Cách đào tạo sát sao, kỹ lưỡng của người thầy đức độ khả kính đã giúp nhiều bác sĩ vững vàng tay nghề, đề cao y đức. Vì thương bệnh nhân mà vết mổ của thầy bao giờ cũng ngắn nhất, chỉ đủ để hoàn tất cuộc mổ một cách mỹ mãn.
Với sinh viên y khoa, thầy từng có lời căn dặn nổi tiếng: "Nghề y là một nghề đặc biệt, nếu chúng ta muốn nó cao quý thì nó sẽ cao quý. Nếu chúng ta muốn nó hạ tiện thì nó sẽ hạ tiện. Hạ tiện hay cao quý là sự lựa chọn của chúng ta chứ không phải của nghề nghiệp chúng ta".
Cùng với người vợ thuộc dòng dõi hoàng tộc đất Huế, GS Biểu Tâm sinh hạ được ba trai hai gái. Một đời gắn mình với ngoại khoa, 5 đứa con của thầy được gọi tên ở nhà theo dụng cụ phòng mổ là Kim, Chỉ, Bông, Băng, Gạc.
Ngôi nhà trên đường Ngô Thời Nhiệm trở thành nơi tiếp đón các vị khách quốc tế, đồng nghiệp, học trò thân thiết. Niềm vui đời thường của thầy lúc sinh thời là xem bóng đá và thỉnh thoảng có mặt nơi khán đài bình dân tại sân banh Tao Đàn.
"Ở vị trí quyền cao chức trọng như vậy, nếu muốn mưu cầu lợi ích bản thân thì quá dễ dàng nhưng thầy Tâm vẫn hết mực liêm chính, sống thanh bạch, khiêm tốn", một bác sĩ chia sẻ.
Theo GS Ngô Gia Hy thì GS Phạm Biểu Tâm còn là người con mẫu mực hiếu thảo. Là giáo sư nhưng mỗi khi về Huế, thầy vẫn mặc áo the thâm hầu hạ phụ thân đã cao tuổi như một người con nhỏ. Đối với những thầy cũ của mình, bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào, thầy Tâm vẫn tỏ lòng kính trọng, lắng nghe.
Năm 1984, GS Tâm bị tai biến mạch máu não. Các học trò khắp nơi tình nguyện chia nhau chăm sóc tại bệnh viện và về tận nhà giúp đỡ thầy trong quá trình tập vật lý trị liệu. Năm 1989, giáo sư sang Mỹ đoàn tụ cùng con cháu và tiếp tục chữa trị. Ngày 11/12/1999, vị bác sĩ được đồng nghiệp ví "Tài nối Hoa Đà, Đức noi Khổng Tử" tạ thế tại Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi.
* Bài viết sử dụng hình ảnh, tư liệu từ nhiều nguồn
Tác giả: Lê Phương
.........
Sưu tầm
Nguyễn Trọng Minh, Y80-86
BV Chợ Rẫy (1987-2020)
Phòng khám đa khoa quốc tế
Việt Healthcare (2021- nay)
........