Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

Yersin ở Việt Nam

(Kỳ 1): Người chế ngự bệnh dịch hạch

Tên tuổi lừng lẫy của Alexandre Yersin khiến bất cứ ngòi bút nào cũng phải chùn bước. Liệu có thể viết về ông theo một cách khác, ví như không nhắc đến phát hiện trực khuẩn gây bệnh dịch hạch? Nhưng cũng giống việc nói về nhà văn gốc Ấn Salman Rushdie mà không thể không gợi lại fatwa (án tử hình) từ giáo chủ Iran Ruhollah Khomeini, chúng ta buộc phải nhắc đến phát hiện năm 1894 bởi nó liên quan đến phần đời Yersin ở Việt Nam và khởi thủy cho rất nhiều dự án quan trọng của ông tại đây.

LTS: Là một bác sĩ, nhà vi trùng học và nhà thám hiểm, lúc sinh thời, tên tuổi của Alexandre Yersin đã vượt khỏi biên giới Thụy Sĩ, nơi ông ra đời vào năm 1863, và khỏi biên giới Pháp, nơi ông theo học Louis Pasteur, nhờ phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch ở Hong Kong vào năm 1894 và sau mang tên ông, Yersinia pestis. Nhưng hầu như toàn bộ cuộc đời phi thường của Yersin, với những phát hiện và đóng góp lớn lao mang tính khai sơn phá thạch khác sau cột mốc 1894, đều diễn ra ở Việt Nam, nơi được thừa hưởng toàn bộ di sản của ông.

Tưởng nhớ công lao này, nhân dịp tròn 160 năm ngày sinh (22/9/1863) và 80 năm ngày mất (1/3/1943) của Alexandre Yersin, Tia Sáng xin giới thiệu với bạn đọc một góc nhìn về ông qua loạt bài viết dài kỳ “Yersin ở Việt Nam”.

Alexandre Yersin trong trang phục bác sĩ của Hãng Vận tải đường biển Pháp năm 1890.

Ở Nha Trang, mùa du lịch đã nhộn nhịp trở lại sau mấy năm im lìm vì COVID. Tháng sáu, những dòng khách nước ngoài, chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, đổ dồn về các khách sạn và làm đầy các bãi tắm ven đường Trần Phú, con đường đẹp nhất thành phố. Nhưng ở đây, trong không gian rộng 100m2 tầng hai của Bảo tàng Yersin, vào ngày chúng tôi tới, hầu như vắng bóng du khách. Chị Cao Hoàng Đoan Thục, hướng dẫn viên da nâu duyên dáng của bảo tàng, cho biết, trung bình mỗi tháng trước dịch có khoảng 300 đến 400 lượt khách thưởng lãm, nhiều nhất là hơn 500 lượt khách, hầu hết là người châu Âu. Cũng giống như mỗi lần dịch bệnh qua đi, mấy ai còn nhớ đến những điều đau đớn tồi tệ, và có lẽ, cả những người âm thầm chế ngự nó, nhất là khi dịch hạch đã im lìm trong quá khứ trăm năm…

Nhưng lẽ nào người ta không nhớ đến Yersin? Ở Nha Trang, đường Yersin kéo dài gần suốt chiều rộng thành phố, nhìn thẳng ra bờ biển lộng gió và vuông góc với đường Pasteur để hình thành một khối liên ngành kỳ lạ: Viện Pasteur Nha Trang, Bảo tàng Yersin, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), trường Trung cấp KTXN Y học dự phòng, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, Bảo tàng Khánh Hòa… Trực tiếp hay gián tiếp, tất cả đều nhắc nhở về ông. “Trước hết, ông là một bác sĩ, sau đó là nhà thám hiểm, nhà vi trùng học, nhà nông học, nhà thiên văn, nhà khí tượng, nhà cơ khí… Ông cũng đặt nền móng cho ngành thú y Đông Dương và nhiều lĩnh vực khác”, lời giới thiệu của chị Đoan Thục về Yersin, có lẽ được nhắc đi nhắc lại vài trăm lần một năm nhưng vẫn rung lên trong một xúc cảm khó nhận biết.

Các hiện vật trong bảo tàng này đều ẩn chứa một sức hút lạ thường. Nó thôi thúc người ta bước vào cuộc đời của một con người, sống gần một thế kỷ trước, với những niềm đam mê khác nhau, và cả những quan điểm khác biệt với suy nghĩ thông thường. “Mẹ có hỏi liệu con có thích hành nghề y hay không? Có và không, con rất vui khi được chăm sóc những người đến khám, nhưng con không muốn biến y khoa thành một nghề, có nghĩa là không bao giờ con có thể đòi tiền người bệnh cho việc chăm sóc họ. Con coi y khoa như một chuyên môn và nhiệm vụ. Đòi tiền để chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào nói với người đó rằng tiền hay mạng sống. Đó là suy nghĩ mà con biết rằng không phải đồng nghiệp nào cũng chia sẻ nhưng ít nhất thì đó là suy nghĩ của riêng con và con tin là mình sẽ khó có thể từ bỏ nó”, Yersin từng thổ lộ như thế trong một lá thư gửi mẹ từ Sài Gòn, đề ngày 30/1/1891.

Vậy có phải việc phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, với Yersin, chỉ là một nhiệm vụ?

Ngự lâm quân của Pasteur

Trước cơn bão dịch hạch năm 1894 ở Trung Quốc, Alexandre Yersin được biết đến như một trong số các ngự lâm quân của Louis Pasteur. Vào năm 1883, sau khi học Y ở tại Lausanne (Thụy Sĩ) và Marburg (Đức), Yersin sang Paris và bị thu hút bởi nhà hóa học tài ba người Pháp. Lúc này, danh tiếng của Louis Pasteur đã lên tới đỉnh điểm khi phát hiện ra vai trò của vi sinh vật vào quá trình lên men, các nguyên tắc thanh trùng, và hơn thế, khẳng định các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật là do các vi sinh vật. Đây là một bước tiến trong ngành miễn dịch học, dịch tễ học và đặt nền móng cho nhiều tiến bộ sau này.

Giáo sư Maxime Schwartz, Giám đốc Viện Pasteur Paris từ năm 1988 đến năm 1999, trong bộ phim tài liệu A. Yersin – Vainqueur de la paste” (A. Yersin – người chiến thắng bệnh dịch hạch) của đạo diễn Stefan Kleeb năm 2016, đã lý giải về nguyên nhân để Yersin lựa chọn phòng thí nghiệm của Pasteur ở trường École Normale Supérieure, mối nhân duyên ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông theo nhiều cách: “Yersin dĩ nhiên đã được nghe nhiều về Pasteur và phấn khích những gì mới mẻ trong suốt cuộc đời mình”. 

Dường như có sự sắp đặt sẵn của số phận, đó cũng là thời điểm đáng nhớ của Pasteur: ông đang giới thiệu phương pháp điều trị bệnh dại bằng vaccine mình làm ra cho người bị chó dại cắn. Và một sự cố tình cờ đã xảy ra: trong phòng thí nghiệm, Yersin được giao khám nghiệm tủy sống một bệnh nhân chết sau khi bị chó dại cắn; và lúc mổ tủy sống, Yersin bị đứt tay; ông lập tức tiến đến phòng của Pasteur và được Pasteur nhờ Emile Roux, trợ lý của mình, tiêm vaccine phòng bệnh dại. Đó là khởi điểm cho một tình bạn lâu dài giữa ba người lần lượt nắm các vị trí quan trọng ở Viện Pasteur Paris sau này. Đặc biệt Roux, dù lớn hơn Yersin 10 tuổi, đã nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết của Yersin đến tận cuối đời. “Roux ủng hộ con hoàn toàn. Những gì khiến con vui nhất là anh ấy thấu hiểu mục tiêu những cuộc khám phá của con bởi với anh ấy, mục tiêu đề ra [trước mỗi hành động] là điều rất quan trọng và cần thiết. Điều khiến con hạnh phúc hơn là từ rất lâu rồi, con đã mong ước có được sự thấu hiểu của một người ngay thẳng và đáng kính như vậy”, Yersin viết trong thư gửi mẹ từ Paris, đề ngày 2/11/1892.

Cuộc triển lãm thế giới ở Paris vào năm 1889, một màn giới thiệu văn hóa về các thuộc địa nhiệt đới của Pháp không chỉ truyền cảm hứng và chất liệu mới cho những nhà soạn nhạc như Debussy mà còn bứng Alexandre Yersin vĩnh viễn khỏi châu Âu và đặt ông vào vùng đất mới mà thời kỳ đó gọi là Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có Việt Nam.

Với ảnh hưởng của mối quan hệ này, Yersin bắt đầu quan tâm đến vi khuẩn học và thường dành thời gian ở các phòng thí nghiệm của Pasteur và Roux. Ông cũng được Roux hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị luận án tiến sĩ y khoa tại Pháp. Hai người cùng nhau khám phá ra cơ chế hoạt động của Corynebacterium diphtheriae, vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu, và cách điều trị bệnh bạch hầu bằng kháng độc tố, khi đó là một căn bệnh ác tính gây chết người, đặc biệt trẻ em. “Trong giai đoạn đầu, nghiên cứu của hai người đã chỉ ra, vi khuẩn bạch hầu tiết ra một chất độc gọi là độc tố bạch hầu, độc tố ấy gây bệnh ở động vật như chuột, thỏ, những triệu chứng nhiễm bệnh bạch hầu như ở người, do đó độc tố này là nguyên nhân gây bệnh”, giáo sư Maxime Schwartz, nói về sự kiện phân lập độc tố vi khuẩn đầu tiên trong lịch sử y khoa thế giới này.

Ở Viện Pasteur, cách tiếp cận mà Pasteur và cộng sự nuôi cấy vi khuẩn là cho nó tiếp xúc với oxy hoặc nhiệt – sau được các học trò Albert Calmette và Camille Guérin tối ưu bằng kỹ thuật nuôi cấy trong ống nghiệm hoặc trên vật chủ – để thu được một chủng đã được giảm độc lực để có thể bảo vệ chống lại các bệnh truyền nhiễm ở người (Calmette thành lập Viện Pasteur Sài Gòn vào năm 1891). Đáng chú ý là Yersin đã tham gia vào phát triển huyết thanh chống bệnh chó dại và năm 1888, ở tuổi 25, ông nhận bằng tiến sĩ với luận án “Étude sur le Développement du Tubercule Expérimental” (Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm).

Yersin gia nhập quốc tịch Pháp, có lẽ là chuẩn bị cho tương lai (vì lúc đó ở Pháp có quy định, chỉ người có quốc tịch Pháp mới được hành nghề y), hơn nữa, cho một sự nghiệp xán lạn ở Viện Pasteur với những đồng sự xuất sắc, nếu không có một sự kiện quan trọng xảy ra.

Đó là cuộc triển lãm thế giới ở Paris vào năm 1889, một màn giới thiệu văn hóa về các thuộc địa nhiệt đới của Pháp không chỉ truyền cảm hứng và chất liệu mới cho những nhà soạn nhạc như Debussy mà còn bứng Alexandre Yersin vĩnh viễn khỏi châu Âu và đặt ông vào vùng đất mới mà thời kỳ đó gọi là Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có Việt Nam (lúc đó là An Nam). “Quyết tâm của con là không bao giờ trở lại làm việc tại Viện Pasteur. Con đã dành quá đủ thời gian ở đó và giờ thì con đã ở xa, con có thể tỉnh táo để nói một cách khách quan nhất như vậy. Cuộc đời trong phòng thí nghiệm dường như trở nên không thể với con, sau khi đã nếm trải cảm giác tự do và cuộc sống ngoài trời”, Yersin viết thư gửi mẹ từ Sài Gòn, lá thư đề ngày 6/9/1891. 

Bệnh dịch ở Hongkong

Yersin đứng bên ngoài túp lều tranh dựng tạm ở Hong Kong.

Không có chữ nếu tồn tại, có lẽ vào năm 1894, người được cử tới Hong Kong hoặc bất cứ địa điểm nào đó xảy ra bệnh dịch hạch, Vân Nam chẳng hạn, có thể không phải là Yersin bởi những ngự lâm quân của Pasteur, ngoài Roux, Calmette, Guérin như chúng ta đã biết, còn có cả Paul-Louis Simond, nhà sinh vật học sau phát hiện con đường lây truyền bệnh dịch hạch, và Ilya Mechnikov, người sau đó giành giải Nobel Y sinh năm 1908.

Nhưng lịch sử đã xảy ra đúng như cách nó tồn tại, một sự sắp đặt gần như vừa khéo để Yersin xuất hiện và lĩnh lấy nhiệm vụ của mình. Khi đó, trong vòng hai năm (1892-1894), Yersin đã có ba chuyến thám hiểm từ Nha Trang tới Kratié, Stung-Streng (Campuchia), khám phá cao nguyên Langbiang, từ Nha Trang tới Attopeu (Lào) và Đà Nẵng – những điều chúng ta sẽ có dịp bàn tới ở các kỳ sau. Yersin ở tuổi 31 còn đang ngây ngất với thám hiểm, dẫu có lần suýt phải trả giá bằng cả tính mạng, thì nhận được điện tín xuyên châu lục của Roux, từ Paris gửi tới tất cả những nơi có thể gặp được Yersin. 

Roux nóng lòng muốn thông tin cho Yersin về việc dịch hạch bùng phát ở Trung Quốc. Với người châu Âu, dịch hạch gắn liền với những ký ức khủng khiếp. Nếu không tính đến cơn bùng phát ở Athens vào năm 430 trước Công nguyên khiến 100.000 người chết và là đại dịch liên vùng đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử loài người, thì có hai đại dịch do dịch hạch gây ra, thứ nhất là dịch hạch Justinian ở vùng Địa Trung Hải, châu Âu, Cận Đông với 30 – 50 triệu người chết, từ năm 541 đến năm 750 sau Công nguyên; thứ hai là Cái chết Đen vào những năm 1340 ở châu Âu khiến 50 triệu người chết, tỷ lệ tử vong khi mắc là 90%, cao hơn cả COVID. Ai nấy đều hoảng sợ, thầy thuốc và nhà thờ đều nghĩ rằng nguồn gốc gây bệnh là do đấng siêu nhiên nào đó và nhiều người bị xử tử do bị cáo buộc làm lây truyền, gieo rắc bệnh dịch. Không có cách nào ngăn chặn nổi dịch hạch, một khi nó đã khởi phát. 

Giờ đây nhìn về quá khứ với tâm thế của người thuộc về thời đại đã kiểm soát tốt bệnh dịch hạch, ắt hẳn chúng ta cảm thấy kinh ngạc trước sức tàn phá của căn bệnh này. Không phải ngẫu nhiên trong tiếng Anh, từ “plague” (dịch hạch) lại còn mang thêm các nghĩa tai họa, gây tai hại, làm phiền muộn. Ở màn 1, cảnh một của Othello, vở bi kịch mà William Shakespeare có lẽ viết vào năm 1603 (khoảng 250 năm sau Cái chết Đen), nhân vật phản diện Iago đã nói với Roderigo, một nhân vật phản diện mê muội nhan sắc Desdemona khác, rằng ‘Hãy để anh ta [Othello] gặp tai họa’ (Plague him…).

Lúc Roux gửi điện tín thì tình thế đã rất nguy cấp bởi từ tháng 1/1894, căn bệnh được cho là bắt nguồn từ Vân Nam năm 1792 đã làm tám vạn người chết. Sang tới tháng ba thì các bác sĩ người Anh ở Hong Kong mới coi đây là đại dịch. Hong Kong hay Vân Nam quá gần với Đông Dương và việc để dịch lan truyền tới đây sẽ đe dọa tính mạng của người châu Âu sống tại đây, dĩ nhiên cả người bản xứ. Chính quyền Pháp cầu cứu Pasteur và Pasteur nghĩ ngay đến người học trò xuất sắc đang ở Đông Dương. Ở đây, giáo sư Maxime Schwartz lưu ý, ban đầu, Yersin được gợi ý tới Vân Nam nhưng bằng óc phân tích của mình, Yersin nhận ra tâm điểm của dịch là Hong Kong, nơi có đủ điều kiện gia tốc căn bệnh truyền nhiễm: mật độ người, mật độ giao thương, điều kiện vệ sinh…

Cuộc cạnh tranh ngoài ý muốn

Chiếc kính hiển vi giúp Yersin phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạnh được trưng bày ở Bảo tàng Yersin, Nha Trang.

Với hành lý không nhiều nhặn gì – một cái rương đựng ít thiết bị y tế, bao gồm vật liệu nuôi cấy, kính hiển vi và nồi khử trùng, Yersin rời Hà Nội ngày 12/6, cập bến Hong Kong vào ngày 15/6 và nhận ra một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đến trước mình ba ngày. Giới chức Anh ở đây đã chọc giận người Pháp bằng việc mời nhà vi trùng học Kitasato Shibasaburō, học trò của Robert Koch, đối thủ truyền kiếp của Pasteur. Chúng ta cần nhớ là nửa cuối thế kỷ 19, thế giới đã chứng kiến cuộc cạnh tranh đầy căng thẳng giữa hai gương mặt hàng đầu lĩnh vực vi sinh học hai quốc gia Đức và Pháp, Robert Koch và Luis Pasteur. Giờ nó lại được nối dài ở thế hệ tiếp theo, Yersin và Kitasato, trong một bối cảnh thu gọn còn cân não hơn, Hong Kong. Yersin cố gắng trao đổi với Kitasato bằng tiếng Đức nhưng không thành công.

Rõ ràng, Yersin ở thế bất lợi. Ông đơn thương độc mã, Kitasato có lợi thế thời gian, 6 trợ tá và hơn thế, sự ủng hộ của người Anh. Lúc đó bệnh viện thành phố Kennedy Town đầy rẫy bệnh nhân đang ốm nặng và chết nhưng Yersin không được vào nhà xác do lệnh cấm của tiến sĩ Lawson, giám đốc bệnh viện. Sau nhiều lần đề xuất, Yersin được phép đặt một cái bàn nhỏ trong góc hành lang, gần phòng bệnh nhưng vẫn không được vào nhà xác. 

May mắn theo giới thiệu của bạn bè ở Hà Nội, ông liên lạc với linh mục Ý Vigano, người sau đó hỗ trợ ông làm một cái lều nhỏ bên ngoài bệnh viện, nơi có thể kê một cái giường gấp, một phòng thí nghiệm sơ sài. Theo lời khuyên của cha Vigano, Yersin đưa cho hai lính thủy Anh vài USD để vào được nhà xác. Giờ thì Yersin có thể vào đó trong vòng vài phút, tiếp cận thi hài bệnh nhân dịch tả mới qua đời, chờ khoảng một, hai giờ thì chôn cất. Tài khéo phẫu thuật mà Yersin rèn được ở Đức đã phát huy công dụng: nắp quan tài hé mở, rất nhanh chóng, ông gạt đám vôi rắc trên thi hài ở vùng đùi để trong vòng một phút cắt lấy những hạch bạch huyết, nơi nghi ngờ chứa những vi khuẩn gây ra bệnh. Sau đó, ông chạy về phòng thí nghiệm dã chiến, đặt một ít lên kính hiển vi, một phần khác tiêm thẳng vào mấy con chuột lang chuẩn bị sẵn. Ông cũng kiểm tra thêm một số hạch khác, kết quả cũng tương tự. Vào ngày hôm sau, ông lặp lại thí nghiệm của mình và luôn luôn cùng kết quả. Ông đóng dấu niêm phong ống nghiệm chứa vi khuẩn rồi gửi về Paris cho Roux bằng đường bưu điện, điều có vẻ khó tưởng tượng vào ngày nay. 

“Phát hiện này không đòi hỏi những phương pháp hay kỹ thuật phức tạp, ngoại trừ sự tò mò, các khả năng phán đoán, quan sát tốt của người làm nghiên cứu thông minh, kiên trì, được trang bị một cái kính hiển vi và một ý chí vững vàng”
(TS. Ludwik Gross)

Sở dĩ chúng ta có thể biết được những điều này là một phần nhờ Ludwik Gross – nhà virus học người Mỹ đã có thời gian nghiên cứu ở Viện Pasteur Paris vào trước Chiến tranh thế giới thứ hai và năm 1938, đã viết thư trao đổi chi tiết với Yersin về khám phá bệnh dịch hạch. Yersin kể với ông là đã vô cùng phấn khích khi nhìn vào kính hiển vi. Sau đó, Yersin cũng ghi lại trong cuốn sổ công tác: “Ngày 20/6/1894. Bệnh phẩm đầy rẫy các con vi khuẩn, tất cả đều giống nhau: đầu tròn, bắt màu rất kém (vi khuẩn gam âm); đây có thể là vi khuẩn gây bệnh dịch hạch”. Trong thư gửi mẹ, ông miêu tả sống động hơn “Thoạt nhìn, con nhận ra một đám vi khuẩn dày đặc, tất cả đều giống nhau: chúng hình que, bé xíu, béo lùn, có đầu tròn và màu xấu xí”. Cuốn sổ ghi chép một, hai ngày sau thêm vài dòng “những con chuột lang bị tiêm dịch từ hạch bạch huyết đã chết, máu chúng và các nội quan đều tràn ngập cùng một loại vi khuẩn”. Vào ngày 23/6, Yersin ghi nhận sự hiện diện của vô số vi khuẩn này trong chuột. Chúng cũng chết với những hạch bạch huyết giống như người. Giờ thì ông đã biết là mình đã phân lập được vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Ông thông báo cho tiến sĩ Lawson các quan sát của mình và được phép vào nhà xác. 

Ở Paris, ngày 30/6, tiến sĩ Émile Duclaux, Giám đốc Viện Pasteur khi đó, đã thông báo phát hiện của Yersin trong cuộc họp của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Người Pháp phất cờ chiến thắng.

Nhưng Kitasato không phải người tầm thường. Năm 1889, ông đã tìm ra vi trùng Clostridium tetani trong máu bệnh nhân uốn ván và sau là phát triển huyết thanh kháng. Ở Hong Kong, ông không đi tìm vi khuẩn trong hạch bạch huyết như Yersin mà tìm trong máu bệnh nhân, một cách làm quen thuộc của mình. Yersin cũng lưu ý trong sổ ghi chép là Kitasato dường như phớt lờ các hạch trong khám nghiệm bệnh lý.

Trong lịch sử y khoa khó có trường hợp dịch bệnh nào lại có đầy rẫy vi khuẩn trong máu và trong các hạch bạch huyết như thế. Vấn đề là Kitasato đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh sớm hơn Yersin vài ngày nhưng các báo cáo ban đầu của ông thì không thiếu mơ hồ và mâu thuẫn. Việc xác định Kitasato có là đồng khám phá ra vi trùng dịch hạch hay không còn được giới khoa học tranh luận vào những năm 1970 và cuối cùng, vi khuẩn chính thức mang tên Yersinia pestis như một hành động vinh danh Yersin.

Yersin được dựng tượng ở Hong Kong.

Ludwik Gross, người của “phe Pasteur”, đã nhận xét về Yersin vào năm 1995 “Phát hiện này không đòi hỏi những phương pháp hay kỹ thuật phức tạp, ngoại trừ sự tò mò, các khả năng phán đoán, quan sát tốt của người làm nghiên cứu thông minh, kiên trì, được trang bị một cái kính hiển vi và một ý chí vững vàng”. Mặt khác, Yersin không hẳn chỉ gặp bất lợi. Vi khuẩn dịch hạch trớ trêu lại phát triển tốt hơn ở nhiệt độ thấp, phù hợp với điều kiện dã chiến của Yersin và giúp ông có lợi thế hơn Kitasato, người sử dụng một tủ sấy ở Bệnh viện Kennedy Town. 

Trong một bài báo xuất bản ngày 18/2/1897, Nature nhấn mạnh vào việc Yersin quan sát khu nhà ổ chuột không có cửa sổ, thấp hơn mặt đường của người bản xứ, xác chuột chết đầy trên phố ngay từ ngày đầu tới Hong Kong, xác ruồi đầy trong các phòng có bệnh nhân dịch hạch. Sau khi lấy mẫu chuột và ruồi, ông phát hiện ra các mẫu đều chứa đầy vi khuẩn dịch hạch. Dù cho đây cũng là nguyên nhân gây bệnh nhưng ông chưa lý giải được vì sao chúng lây cho người. Công việc của Yersin với bệnh dịch hạch, sau này được Simond hoàn tất khi phát hiện con đường lây truyền vào năm 1898: con bọ chét (Xenopsylla cheopis) sống ký sinh trên chuột, làm nhiễm bệnh cho chuột, sau đó nhảy từ vật chủ chuột chết sang người, đúng theo cách thức các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật.

Ngày nay nhìn lại, có thể thấy góp phần đem lại thành công của Yersin chính là sự quan sát rất kỹ lưỡng những biểu hiện lâm sàng của người bệnh cũng như môi trường xung quanh. Dù trước cả thế kỷ nhưng cách tiếp cận của ông rất gần với One Health hiện nay – một cách tiếp cận liên ngành, thực hiện từ quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường.

Yersin hậu khám phá như thế nào? Ông về Paris điều chế huyết thanh chống dịch hạch cùng với hỗ trợ của Roux, Calmette, Roux và Borrel, nơi họ chủng vi khuẩn dịch hạch đã nuôi cấy trong môi trường nhiệt độ cao lên ngựa, con ngựa suýt chết nhưng sau sáu tuần, cung cấp một thứ huyết thanh chống độc tố hiệu quả. Yersin trở lại Đông Dương và làm nên điều kỳ diệu với thứ huyết thanh ấy: cứu sống một chàng trai Trung Quốc 18 tuổi gần như cận kề cửa tử vào ngày 26/6/1896. Ông đã chứng minh căn bệnh truyền nhiễm ấy có thể chữa khỏi được. 

Yersin ở lại Viện Pasteur như mong muốn của mẹ? Ồ không, ông vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Ông rồi sẽ về Nha Trang, ấp ủ những kế hoạch khác, ví dụ sản xuất các loại huyết thanh chống dịch bệnh như cách đã làm ở Paris bởi xứ Đông Dương đầy rẫy lam sơn chướng khí và mầm bệnh cần nó. Nhưng để làm như thế, ông phải có ngựa, chuột, thỏ. Được thôi, ông sẽ lập một phòng thí nghiệm, tìm mảnh đất phù hợp để gây dựng một trại chăn nuôi. Đó là khởi điểm cho sự ra đời của Viện Pasteur Nha Trang, và Trại Chăn nuôi Suối Dầu (nay trực thuộc IVAC), một di sản rực rỡ ông để lại cho Việt Nam mà nay vẫn vươn cành đơm trái, từ tầm nhìn của con người xuất chúng ấy.□

(Còn tiếp)

———————————

Tài liệu tham khảo: 

“Travels of Alexandre Yersin: Letters of a Pastorian in Indochina, 1890-1894”Jack E. Moseley. Perspectives in Biology and Medicine, Volume 24, Number 4, Summer 1981.

“How the plague bacillus and its transmission through fleas were discovered: Reminiscences from my years at the Pasteur Institute in Paris”. Ludwik Gross. PNAS. Vol. 92, pp. 7609-7611, August 1995

“Plague history: Yersin’s discovery of the causative bacterium in 1894 enabled, in the subsequent century, scientific progress in understanding the disease and the development of treatments and vaccines”. Thomas Butler. Clinical Microbiology and Infection. 2014

“Alexandre Yersin’explorations (1892-1894) in French Indochina before the discoverry the Plague baccillus”. Antonis A. Kousoulis et all. Acta med-hist Adriat. 2012.

Phim tài liệu “A. Yersin – Vainqueur de la paste”, đạo diễn Stefan Kleeb, năm 2016.

“Dr. Yersin, and plague virus”. Nature. 1897

(Kỳ 2) – Đặt nền móng cho nền y học Việt Nam hiện đại

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm tồn tại của bệnh dịch hạch, không còn nghi ngờ gì nữa, chiến công phát hiện ra trực khuẩn Yersinia pestis có thể đưa Yersin vào một vị trí vững chắc ở Viện Pasteur và mở ra con đường nghiên cứu không thể thuận lợi hơn. Nhưng tại sao Yersin lại quay về Nha Trang? Ông có nghĩ mình sẽ tạo ra một di sản rực rỡ ở Việt Nam?

Alexandre Yersin.

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta thử cùng trở lại Nha Trang. Bất chấp tình trạng các rạn san hô đang ngày một chết mòn, Nha Trang hiện vẫn là một điểm đến hút du khách nước ngoài. Nha Trang của thế kỷ 21, với những khách sạn cao tầng và nhà hàng sang chảnh ở mặt tiền con đường Trần Phú ven biển, như một thế giới khác với chính mình ở điểm giao thời cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Từ những bức ảnh do Yersin chụp vào năm 1894 và 1895, nay được chọn lọc in thành tập nhỏ và được bán ở Bảo tàng Yersin, người ta có thể thấy thành phố biển này khi đó phần lớn là những mái nhà tranh vách nứa, cửa liếp lụp xụp được cất ngay trên mặt cát, cạnh các con thuyền nhỏ đánh cá buồm cuộn lại thảnh thơi, dập dềnh theo sóng nước. Hơn trăm năm trước, tất cả đều hoang sơ nhưng quá đỗi thanh bình.

Vậy điều gì khiến Yersin lại về Nha Trang mà không chọn trở lại Viện Pasteur, một trong hai tiền đồn nghiên cứu về vi sinh vật của thế giới lúc đó? Để hiểu được sự lựa chọn này, chúng ta phải quay về giai đoạn ông làm việc cho Công ty Vận tải đường biển: vào đầu năm 1891, ông đã chuyển sang làm bác sĩ trên con tàu nhỏ Saigon, chạy chuyến Sài Gòn – Hà Nội. Nha Trang là điểm dừng chân đầu tiên của con tàu xuất phát từ Sài Gòn này và lịch sử ghi ngày 8/8/1891. Chính vẻ đẹp hoang sơ lộng lẫy và thanh bình của cái vịnh nhỏ, hơn bất cứ nơi nào khác trên dải bờ biển dài hơn 3.300 km của xứ An Nam, khiến ông choáng ngợp. Từ khoảnh khắc ban đầu, trái tim ông đã vĩnh viễn thuộc về Nha Trang. Và nói như nhà văn Cung Giũ Nguyên “Yersin đã chọn được ở Nha Trang, một cảnh không chỉ là toàn núi, hay toàn thung lũng, hay biển sông, mà đúng ra một khung cảnh hài hòa, có trời có nước, có đất liền với những non cao, oai dũng nhưng cố định, cân bình với biển cả, linh hoạt với độ sâu không ngờ được, và từ nơi đó, chân trời bao la kích thích, nuôi dưỡng những sự suy ngẫm trước vô cực và về vô cực”.

Việc nếm trải ba cuộc thám hiểm sau đó, chủ yếu xuất phát từ nơi này và vùng lân cận, từ năm 1892 đến 1894, khiến ông cảm nhận rõ rệt hơn sự gắn bó của mình. Đây cũng là lý do mà ông chú tâm vào học tiếng Việt, dẫu đã có thể bập bẹ một vài câu đơn giản như từng khoe với mẹ trong bức thư gửi từ Sài Gòn, đề ngày 13/12/1890.

Một chương mới đầy kỳ lạ của cuộc đời ông, sau phát hiện vi khuẩn Yersinia pestis vào năm 1894, đã được mở ra, ngay với những thứ ông từng muốn chối bỏ. 

Nhánh mới của Viện Pasteur Paris tại hải ngoại

Trước khi đến với cột mốc thành lập Viện Pasteur đầu tiên tại nước ngoài thì chúng ta có thể cùng nhìn vào lịch sử đặc biệt của “viện mẹ”, Viện Pasteur Paris. Thành công của vaccine dại do Pasteur điều chế (dù vẫn còn gây nhiều tranh cãi) đã làm khuấy lên một cuộc vận động quyên góp ở tầm quốc tế, thu hút cả những nhân vật nổi tiếng như Sa hoàng Nga và Hoàng đế Brazil, để có kinh phí xây một cơ sở nghiên cứu độc lập cho cha đẻ của vaccine chống bệnh than và dại. Điều này đem lại cho viện một vinh quang đặc biệt ngay từ khi khởi đầu, một nơi dành riêng cho nghiên cứu về sinh học, vi sinh vật, bệnh dịch, vaccine… “Pasteur có phẩm chất của một kẻ mộng mơ và một nghệ sĩ lãng mạn; ông cho phép mình dẫn lối và truyền cảm hứng về sự kỳ diệu của sức tưởng tượng vượt ra ngoài chân trời kiến thức, tại những thời điểm thậm chí còn ở ngoài phạm vi lẽ thường”, nhà vi trùng học René Dubos viết như vậy trong cuốn Louis Pasteur: Free Lance of Science, xuất bản năm 1950. 

Được khánh thành vào năm 1888, có thể Viện Pasteur không chứng kiến thêm một phát hiện mới nào của chính Pasteur nhưng giúp ông tạo ra một không khí tự do, khuyến khích những ngự lâm quân của mình có được khám phá mới ghi danh vào lịch sử y học thế giới. Kể từ năm 1908, có 10 nhà khoa học ở Viện Pasteur được trao giải Nobel Y sinh, riêng năm 2008, hai nhà khoa học ở đây cùng đón giải thưởng bởi “những khám phá ra virus làm suy giảm hệ miễn dịch của người”. 

Viện Pasteur Nha Trang thời kỳ đầu. Nguồn: Báo Khánh Hòa

Được làm việc ở Viện Pasteur là một vinh dự, và rõ ràng Yersin đã khước từ cơ hội. Nhưng ở đời, không ai biết trước được chữ ngờ. Bất chấp việc nói lên nguyện vọng với mẹ, trong bức thư đề ngày 6/9/1891, là sẽ không trở lại Viện Pasteur và làm việc trong phòng thí nghiệm dường như trở nên không thể, nhưng cuộc đời Yersin sẽ là gì, nếu không phải là tìm hiểu các mầm bệnh, trên vật chủ này hay vật chủ khác. Rút cục thì từ Paris, ông bạn chí cốt Emile Roux (mà chúng ta đã biết ở kỳ một), đã bố trí cho Yersin gặp Albert Calmette, một ngự lâm quân khác của Pasteur nhưng gia nhập nhóm muộn hơn, ngay tại Sài Gòn. Căn nguyên là theo gợi ý của Sở Y tế Thuộc địa, Pasteur quyết định mở chi nhánh đầu tiên của Viện Pasteur tại hải ngoại, với địa điểm là Sài Gòn, và đề nghị Calmette làm viện trưởng. 

Gặp Yersin ở Sài Gòn, Calmette cảm thấy phấn chấn bởi có thể đây là cơ hội để hai người cùng nghiên cứu các bệnh nhiệt đới truyền nhiễm mà mình quan tâm, bởi ông nhận ra rằng đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của người dân thuộc địa. Yersin quả là một đối tác hoàn hảo, nhất là đã mở một phòng khám ở chính Xóm Cồn, Nha Trang, sau khi thôi việc ở Công ty Vận tải đường biển. Nhưng Yersin thận trọng chưa nhận lời ngay, sau đó còn từ chối đi Sydney cùng Adrien Loir, cháu của Pasteur, bởi ấp ủ việc lên đường khám phá những vùng đất chưa ai đặt chân tới, cuối cùng diễn ra từ năm 1892 đến 1894. Vậy là Viện Pasteur Sài Gòn chính thức mở cửa vào ngày 1/4/1891 mà không có Yersin như mong muốn của Calmette.

Tình thế chỉ xoay chiều sau sự kiện năm 1894. Yersin đột nhiên thấy ham thích trở lại với phòng thí nghiệm và mong muốn mở một thứ như thế ở Xóm Cồn. Khi trở về từ Paris vào tháng 8/1895, với sự hỗ trợ của Văn phòng Thuộc địa và cả Calmette, người mà bây giờ đã là bạn chí cốt như Roux, ông lập phòng thí nghiệm ở Nha Trang, cơ sở để hình thành Viện Pasteur Nha Trang (Institut Pasteur de Nha Trang). Theo lời kể của giáo sư Nguyễn Thị Thế Trâm, người tiếp quản Viện Pasteur Nha Trang sau năm 1975 và là viện trưởng trong nhiều năm, phòng thí nghiệm tiền thân của Viện đã có khuynh hướng đặc biệt: ở Sài Gòn, Calmette hướng về độc học – một lĩnh vực đang ở thuở bình minh của nó và có kết nối quan trọng với miễn dịch học – nghiên cứu về nọc rắn, ong, nhiễm độc thực vật, sản xuất vaccine phòng dại, đậu mùa, dịch tả…; ở Nha Trang, Yersin tập trung vào các bệnh nhiễm trùng của gia súc, cách phòng bệnh và điều trị, đồng thời tiếp nhận huyết thanh chống dịch hạch do Viện Pasteur Paris bào chế. 

“Yersin, cũng như Louis Pasteur, đều thuộc trào lưu tư tưởng khoa học đã mở đường cho y khoa hiện đại”.

(Giáo sư Jean Luc Durosoir)

Có thể thấy rằng, ngay từ điểm khởi đầu, cả hai cơ sở Nha Trang và Sài Gòn đều có kết nối với Paris và điều hành theo cách mà ngày nay người ta vẫn gọi là “theo tiêu chuẩn quốc tế”. Điều này luôn được giữ vững trong suốt quá trình Yersin và Calmette dẫn dắt viện, bởi các kết quả nghiên cứu đều được xuất bản trên các tập san quốc tế, không chỉ trong tạp chí của Viện Pasteur Paris. Khoa học không biên giới. Nền y học Việt Nam hiện đại thực sự bắt đầu từ đây, từ chính nỗ lực của những người đã xuất hiện ở mặt tiền khoa học. Giáo sư Jean Luc Durosoir, tổng đại diện điều phối mạng lưới quốc tế các Viện Pasteur trên thế giới, đã tự hào “Yersin, cũng như Louis Pasteur, đều thuộc trào lưu tư tưởng khoa học đã mở đường cho y khoa hiện đại”.

Việc đưa Yersin vào vị trí dẫn dắt phòng thí nghiệm ở Nha Trang – khi Calmette về nước để mở một nhánh khác của viện ở Lille, Pháp thì ông phụ trách cả Nha Trang lẫn Sài Gòn – là một sự phân công hoàn hảo, không chỉ ông là nhà nghiên cứu xuất sắc mà còn vì ông có tài xoay xở và tổ chức. Chúng ta đã rõ sự linh hoạt của Yersin ở Hong Kong nhưng chưa mấy người biết chuyện ông từng được đích thân Pasteur cử sang Đức ‘học’ hai tháng ở Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm mà sau mang tên Viện Robert Koch, chủ yếu để quan sát cách thức Robert Koch bố trí các phòng thí nghiệm rồi xây dựng một loạt phòng thí nghiệm mới theo đúng cách thức như vậy ở Paris và vẫn dùng tốt ở thế kỷ 20, giáo sư Maxime Schwartz, nguyên Giám đốc Viện Pasteur Paris từ năm 1988 đến năm 1999, cho biết trong bộ phim tài liệu A. Yersin – Vainqueur de la paste” (A. Yersin – người chiến thắng bệnh dịch hạch). 

Trong hội thảo “Alexandre Yersin: Nửa thế kỷ ở Việt Nam”, diễn ra vào tháng 3/1991 tại Nha Trang, giáo sư Jean Luc Durosoir đã nhận xét xác đáng “Lúc đầu chỉ là một phòng thí nghiệm khiêm tốn, Viện Nha Trang không bao lâu đã trở thành một cơ sở khoa học mà tiếng tăm đã vượt qua các biên giới… Có lẽ thiên chức của Yersin đã nảy sinh ở Paris, tại nơi ông là đồ đệ của Louis Pasteur, một cộng sự riêng và bạn thân của Emile Roux. Nhưng chính tại châu Á, tại Việt Nam, tại Nha Trang, cuộc đời ông mới có bước ngoặt quyết định”.

Nhưng đó là chuyện về sau còn giờ, chúng ta hãy nhìn vào lưng vốn của Yersin ở điểm xuất phát. Cũng như khi đến Hong Kong một năm trước, ông chả có gì nhiều nhặn trong tay, như lời kể của giáo sư Thế Trâm, “một căn nhà làm bằng vật liệu tạm bợ, chừng 20 con ngựa để làm huyết thanh, và duy nhất một bác sĩ thú y”, đó là Eugène Pesas 29 tuổi từ Sài Gòn ra vào năm 1896 nhưng chẳng bao lâu sau qua đời vì nhiễm độc tố trong phòng thí nghiệm khi điều chế huyết thanh dịch hạch (năm 1897). Và rồi cả “những con ngựa cái sản xuất huyết thanh sau đó lại lăn đùng ra chết vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân”.

Được hung tin khi đang ở Bombay, Ấn Độ cứu chữa bệnh nhân dịch hạch, Yersin vội vã trở về để vực dậy cả phòng thí nghiệm đang chực chờ rời rã. Rút cục thì cũng phải có cách nào đó chứ nhỉ?

Trang trại Suối Giao – nay là Trại chăn nuôi Suối Dầu, thời kỳ Yersin mới thành lập.

Tầm nhìn trăm năm ở Suối Dầu 

Lẽ đời luôn công bằng theo cách của mình. Gian nan đặt trước mắt Yersin có thể là dịp để ông sắp xếp lại cách thức tổ chức nghiên cứu và sản xuất huyết thanh chống dịch hạch của cơ sở Nha Trang, đồng thời tách nơi nuôi ngựa, lấy huyết thanh ngựa, cùng với việc nuôi một số loài chuột, thỏ xa nơi làm thí nghiệm để đảm bảo tính an toàn và có thể sẵn sàng mở rộng quy mô. 

Vào năm 1899, Toàn quyền Đông Dương đã cấp cho ông 500 ha đất ở cách Nha Trang 20 km, nơi có dòng sông nhỏ mang tên Suối Giao chảy qua, nay thuộc Cam Lâm, Khánh Hòa. Theo Khánh Hòa online, phát nguyên tại Hòn Bà, con sông này trở thành phụ lưu cuối cùng của sông Cái, chảy theo hướng Ðông Bắc rồi chia thành hai nhánh ở xã Suối Hiệp, một chảy xuống phía Đông, một chảy ra sông Cái Nha Trang rồi đổ ra biển. Có lẽ không cần tưởng tượng nhiều thì cũng có thể hình dung cả vùng đất này, khi đó, toàn là rừng rú, đầm lầy lau lách hoang vu. Quanh sông chủ yếu là cây dầu, đó là lý do vì sao mà mọi người đều gọi đây là Suối Dầu. “Trước đây quanh khu vực này, cây dầu nhiều lắm nhưng sau cơn bão năm 2017, những cây lớn như thế đã bị bão quật đổ gần hết”, ThS. Nguyễn Văn Minh, Trại trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu, ngày nay thuộc Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), nói. 

Trên diện tích 135 ha mà hiện IVAC quản lý, Suối Dầu, như một ốc đảo xanh yên ả, được bao bọc bằng hồ trữ nước tưới và các cánh đồng trồng cỏ xen kẽ với những bãi mía để cung cấp thức ăn cho ngựa. Con đường bao quanh trại cũng rợp bóng cây, đâu đó lác đác trái dầu rụng sớm, hai cánh xoay xoay theo chiều gió như cả trăm năm trước. Giữa cao điểm hè tháng sáu, cái nắng như đổ lửa được lọc qua những tán lá chợt như dịu lại, không khí trở nên trong lành, dễ chịu hơn. “Nơi này vô cùng đặc biệt và được thiên nhiên rất ưu đãi. Ông [Yersin] thực sự là một thiên tài về nông nghiệp, khí tượng bởi ông đã chọn vùng có lượng mưa trung bình hằng năm lớn nhất cả tỉnh, thường cứ hai, ba giờ chiều lại có một cơn mưa. Nhiệt độ vì thế luôn ổn định, thuận lợi cho nuôi động vật làm thí nghiệm”, ThS. Nguyễn Văn Minh nói về những điều mình trải nghiệm trong hơn 20 năm làm việc ở Suối Dầu. Anh cũng lý giải việc trại trồng nhiều cây xung quanh khu vực đường đi, vùng đệm giữa khu vực hành chính, sản xuất với chăn nuôi giống như ý tưởng của người khởi tạo, “chủ yếu để không khí được trao đổi thường xuyên và ngăn cách mầm bệnh”. 

Không khí xưa nay đan xen hòa quyện trong Suối Dầu, không chỉ ở những bức ảnh “đôi” quang cảnh quá khứ – hiện tại của trại được xếp đặt một cách tự hào trong phòng họp xây cách đây vài năm mà cả ở việc bố trí các khu vực nuôi theo đúng cách thức bố trí của bậc tiên tổ.

Trại Chăn nuôi Suối Dầu giờ vẫn là một nơi nuôi chuột, thỏ làm thí nghiệm, ngựa lấy huyết thanh đúng theo thiết kế thuở đầu của Yersin. Những gì ông gây dựng ở Suối Dầu vẫn còn sừng sững, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. “Thời trước, ông nuôi chuột lang và thỏ trong dãy nhà này, nuôi theo điều kiện tự nhiên nên thiết kế chuồng đã rất thông thoáng”, ThS. Nguyễn Văn Minh giới thiệu dãy nhà xinh xắn có khuôn cửa hình chữ U ngược, thoạt trông có nét giống nhà của Baggins trong loạt phim Người Hobitt. Nhà mái lệch, tường dày 30 cm, xung quanh trổ những ô cửa để lấy ánh sáng và gió tự nhiên lùa vào đủ “nên luôn thoáng mát vào mùa hè, mùa đông luôn ấm”, anh nói và chỉ những ống phun nước li ti quanh nhà. “Thông thường, 27oC là mức lý tưởng trong chăn nuôi, trên 27oC phải có điều hòa để làm mát nhưng ở đây, mình dùng hơi nước để làm mát”.

Ngay từ ban đầu, Yersin đã thiết kế dãy nhà chữ U này gồm 176 ô, với đầy đủ chỗ thoát nước để công nhân có thể vệ sinh chuồng thường xuyên. Ông cũng không khi nào nuôi chuột thỏ đầy các ô, và không nuôi liên tục mà để chuồng nghỉ cho sát trùng, vệ sinh, trống một thời gian mới nuôi trở lại. Những quy tắc an toàn sinh học ấy vẫn được tiếp nối ở Suối Dầu ngày nay. 

Qua khung cửa sổ nhỏ có bịt lớp rào mắt cáo, người ta có thể thấy lũ chuột lang bụ bẫm với màu lông vàng, nâu, trắng kêu chít chít trong các ô chuồng. Chúng sẽ được chăm sóc mỗi ngày ở đây cho đến khi có đơn đặt hàng với những yêu cầu cụ thể từ nhiều trường, viện trong cả nước. Mỗi năm, trại nuôi khoảng 3.500 đến 4.000 con chuột nhắt, 2.000 con chuột lang, 500 con thỏ. “Tùy từng loại vaccine mà sử dụng chuột lang hay chuột nhắt để đánh giá tiền lâm sàng về an toàn và công hiệu, ví dụ với vaccine BCG phòng lao thì an toàn đặc hiệu trên chuột lang, an toàn chung trên chuột nhắt”, ThS. Nguyễn Thành Tín (IVAC) nói.

Không khí xưa nay đan xen hòa quyện trong Suối Dầu, không chỉ ở những bức ảnh “đôi” quanh cảnh quá khứ – hiện tại của trại được xếp đặt một cách tự hào trong phòng họp xây cách đây vài năm mà cả ở việc bố trí các khu vực nuôi theo đúng cách thức bố trí của bậc tiên tổ. Nhìn vào những bức ảnh, thấy rõ không có nhiều đổi khác ở bộ khung nhà nuôi thỏ, chuột, chỉ có cái khác là thay đổi mái. Dấu ấn của Yersin đậm đặc đến mức người ta có thể mường tượng ra trong phút chốc, thấp thoáng đâu đó những bước chân của ông và cộng sự từ dãy nhà chữ U, rẽ vào con đường mòn, đi qua vùng đệm ra đến những tàu ngựa, được đặt biệt lập trong một khu có rào kín và cổng. “Chuồng ngựa này cũng được xây từ thời ông luôn. Do qua ngày tháng bị hư hỏng, xuống cấp nên chúng tôi có sửa sang, thay ngói tô tường lại trên cái nền, cái móng ngày xưa”, ThS. Nguyễn Văn Minh giới thiệu, không dấu sự ngưỡng mộ về một thiết kế tổng thể không lỗi thời sau cả trăm năm. 

Dãy nhà nuôi chuột lang và thỏ do Yersin xây dựng, giờ vẫn được sử dụng.

Ở đây, hai dãy chuồng yên tĩnh cách nhau cả khoảng sân rộng lớn, lũ ngựa đang rì rầm ăn cỏ, thi thoảng hí vang phấn khích. Không rõ chính xác ban đầu ở Suối Dầu, Yersin nuôi bao nhiêu con ngựa để có các sản phẩm, “chủ yếu là các loại vaccine và huyết thanh phòng, điều trị bệnh cho động vật (trâu, bò) như dịch hạch, tụ huyết trùng, tả…, sau này phát triển sản phẩm dùng cho người chuyên biệt như hiện nay như huyết thanh kháng uốn ván, kháng dại, kháng nọc rắn…”, như giới thiệu của TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC. Giờ đây, “Suối Dầu có 357 con ngựa được luân phiên khai thác máu để làm huyết thanh kháng uốn ván, kháng dại, kháng các loại nọc rắn – hổ đất, hổ mang, lục, cạp nia, chàm quạp… IVAC là nơi duy nhất ở Việt Nam cung cấp các loại huyết thanh này”, ThS. Nguyễn Văn Minh nói. 

Việc lấy máu ngựa được tuân theo một quy trình nghiêm ngặt mà từ khởi thủy, Yersin và cộng sự đã thiết lập cơ bản, thậm chí quy trình này cũng tránh cả sự gây đau đớn cho ngựa. “Thực ra không cần gây mê nhưng khi khai thác vẫn cần phải cột dây vào vị trí để cố định ngựa. Con ngựa khôn đều biết khi dắt nó như vậy là vào lấy máu, nó để yên, gần như nó thấy như một nghĩa vụ của mình trong cứu người. Suối Dầu cũng có những kỹ thuật viên rất giỏi, đưa kim tiêm vào động mạch rất nhanh cho ngựa ít đau đớn nhất”, ThS. Nguyễn Thành Tín nói. Cũng như thời Yersin, việc dùng huyết thanh kháng độc tố hay kháng khuẩn đều vào thời điểm cấp bách của người bệnh, nếu không kịp thời có thể sẽ dẫn đến cái chết, như giải thích của ThS. Nguyễn Văn Minh “trong trường hợp bị chó cắn, mình nghi ngờ nó bị dại nhưng nếu tiêm vaccine vào để nó sinh kháng thể diệt virus dại thì lại chậm, không còn đủ thời gian nữa. Do đó, phải tiêm huyết thanh có sẵn kháng thể vào để nó trung hòa, nó diệt con virus dại liền”. 

Tầm nhìn trăm năm của Yersin thể hiện trong mọi ngóc nghách ở Suối Dầu, ngay cả vấn đề tưởng rất bình dị là nước.

Tầm nhìn trăm năm của Yersin thể hiện trong mọi ngóc nghách ở Suối Dầu, ngay cả vấn đề tưởng rất bình dị là nước. Với một cơ sở chăn nuôi lớn như Suối Dầu, ngay từ khởi thủy, nhu cầu về nước rất cao, thậm chí sống còn. Nếu lấy nước từ sông Suối Giao thì sẽ phải đào kênh dẫn mất rất nhiều công sức, tốn kém, Yersin chọn cách khác. “Ông là một nhà địa chất tài ba”, ThS. Nguyễn Văn Minh tấm tắc. “Ông đã cho đào giếng đúng túi nước có trữ lượng lớn nhất khu vực này. Cách đây mấy năm, chúng tôi đã mời cả cán bộ địa chất ở Khánh Hòa đi khảo sát các nguồn nước ở đây và họ xác nhận như vậy”. Do mở rộng quy mô chăn nuôi và sản xuất, không chỉ cho chuột, thỏ, ngựa mà còn ba nhà gà và nhà máy sản xuất vaccine cúm dựa trên công nghệ trứng gà có phôi, mỗi ngày cần 200m3 nước, Trại đã nhờ tới một nguồn nước bên ngoài là hồ Suối Dầu. Nước được dẫn về một nhà máy xử lý nước riêng có công suất 43m3/giờ để cung cấp cho toàn bộ trại.

Cả cơ ngơi bề thế được thiết kế và xây dựng đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng để Yersin hình thành một viện nghiên cứu hiện đại với đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết ở Nha Trang. Nhưng cơ nghiệp kỳ diệu mà Yersin gây dựng nên không chỉ dừng lại ở chỗ đó. Từ năng lực giải quyết thách thức và ham thích khám phá của mình, Yersin đã mở rộng sự phát triển sang những hướng khác. Ở góc Nha Trang bé tí này, ông đã đi song song (hay là đi trước?!) với Emil von Behring ở lục địa già trong việc mà ngày nay người ta vẫn gọi là thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Behring lập Behringwerke, công ty sản xuất huyết thanh kháng độc từ bò và ngựa ở Marburg vào năm 1904, còn Yersin từ Suối Dầu cung cấp huyết thanh phòng, điều trị bệnh cho động vật cho toàn Việt Nam, một nguồn thu không nhỏ để cho Viện Pasteur Nha Trang và cả Suối Dầu có thể tồn tại.

Sau này, nếu von Behring thành lập thêm công ty Aventis Behring, ngày nay là một phần của Sanofi Pasteur, thì Yersin còn đi xa hơn và táo bạo hơn: thành lập Trường Y khoa Đông Dương, đặt nền móng cho nền thú y Việt Nam hiện đại, mở công ty “Các ông Yersin, Roux & Calmette” – một dạng công ty spinoff chuyên kinh doanh mủ cao su để tự tìm nguồn thu đầu tư cho nghiên cứu… 

Di sản đồ sộ ấy, giờ đây, vẫn khiến người ta không thôi kinh ngạc, không chỉ ở cái nhìn viễn vọng xuyên thời gian mà cả sức lao động phi thường của ông.□

(Còn tiếp)

Đọc thêm
Yersin ở Việt Nam (Kỳ 1): Người chế ngự bệnh dịch hạch
Di sản của “ngài viện trưởng” Calmette
Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen về giáo dục thuộc địa Đông Dương
Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen về giáo dục thuộc địa Đông Dương (Kỳ 2 “Huyền thoại đen”)

———-

Tài liệu tham khảo:

“Alexandre Yersin (1863- 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”. Tháng 3/1991. Thư viện Lâm Đồng

“Lịch sử Viện Pasteur Nha Trang từ năm 1895 đến năm 1975”. Bảo tàng Yersin

“History of Passive Antibody Administration for Prevention and Treatment of Infectious Diseases”. Current Opinion in HIV and AIDS. May 2015.

“The Story of the Pasteur Institute and Its Contributions to Global Health”. Marie-Hélène Marchand. Cambridge Scholars Publishing. 2018.

(Kỳ 3) – Khởi điểm của y học Việt Nam hiện đại

Di sản khoa học của Alexandre Yersin nói riêng và y học thuộc địa nói chung, giờ đã trở thành một phần không thể tách rời của y học Việt Nam hiện đại, dẫu đã có lúc các di sản ấy phần nào bị khuất lấp trong dòng chảy thời gian và thời cuộc…

Tượng Yersin trong khuôn viên trường ĐH Y Hà Nội.

Vào ngày 25/2/2016, tại trường Đại học Y Hà Nội trên đường Phạm Ngọc Thạch đã diễn ra một sự kiện rất có ý nghĩa với ngành y tế, với sự tham gia của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor… Tuy ngày rằm tháng giêng mới quá được vài bữa nhưng đây không phải là lễ trồng cây như thông lệ đầu xuân năm mới ở Việt Nam. Đây là lễ khánh thành tượng Alexandre Yersin, người sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương, tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội, sau hơn một thế kỷ thành lập. Được đặt trên bệ cao giống tượng Lenin ở đường Điện Biên Phủ, bức tượng Yersin được phỏng theo bức ảnh chụp ông vào năm 1900, thời điểm bốn năm trước khi ông làm việc ở Trường Y khoa Đông Dương. 

Từ thời điểm đó, không gian của ĐH Y Hà Nội chợt trở nên đặc biệt hơn, khi có sự hiện diện của Yersin, người đặt nền móng cho y học Việt Nam hiện đại, bên cạnh con đường mang tên Phạm Ngọc Thạch, cựu sinh viên Trường Y dược Đông Dương (1928 – 1932), Đại học Y khoa Paris (1932 – 1934) và sau đó là Bộ trưởng Bộ Y tế trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1958-1968). Qua nhiều thăng giáng thì cuối cùng, quá khứ cũng được kết nối liền mạch với hiện tại và tương lai…

Bởi hiện tại là gì nếu không được bắt nguồn từ quá khứ. Dưới hồi quang của quá khứ, chúng ta có thể hiểu ngọn ngành hơn những gì mình được thụ hưởng ngày nay. Dĩ nhiên, không phải vô cớ mà vào thập kỷ cuối thế kỷ 19, những cơ sở nền tảng cho ngành y hiện đại ở một nước thuộc địa như Viện Pasteur Sài Gòn (1891), Viện Pasteur Nha Trang (1894) và sau là Trường Y khoa Đông Dương (1902)… lại lần lượt được ra đời. Cuộc cạnh tranh trong y học ở châu Âu đã đưa các nhà khoa học lục địa già đến với các vùng đất mới, trong đó có Viễn Đông và châu Á. Người Đức cắm rễ ở Nhật Bản, người Anh ở Trung Quốc đã mang danh như người tiên phong ở lĩnh vực ký sinh trùng học. Người Pháp cũng có lợi thế trong cuộc bám đuổi người Đức và Anh, bởi việc chiếm Đông dương làm thuộc địa của họ trùng khớp với thời điểm thành lập Viện Pasteur Paris, nơi sau đó trở thành trường giảng dạy các khóa về vi trùng học mà Émile Roux gọi là “Grand Cours” từ năm 1889. Thuộc số những người ghi danh theo học “Grand Cours”, các bác sĩ quân đội Pháp ở thuộc địa mong muốn học hỏi thêm về các thực hành trong phòng thí nghiệm nhiệt đới – một trong số đó là Albert Calmette (mà chúng ta đã biết ở kỳ trước). Sau này, Pháp đã thành lập Trường Ứng dụng Y học thuộc địa vào năm 1906 ở Marseilles (vẫn được gọi là le Pharo), không chỉ để đáp ứng nhu cầu này của các bác sĩ quân đội ở các thuộc địa mà còn do thấy lợi ích của việc đào tạo chuyên sâu về các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới.

Một sự chuyển đổi về y học diễn ra trong lòng một xã hội thuộc địa mà gốc rễ gắn chặt với “dao cầu, thuyền tán” của y học cổ truyền Trung Quốc (Trung y) và y học cổ truyền dân tộc (Nam y) để hướng về sự hiện đại hóa (Tây y), cùng với một tên tuổi chúng ta đã quen thuộc, Alexandre Yersin. 

Khởi thủy, lịch sử của y học hiện đại ở Việt Nam, cũng như ở nhiều thuộc địa Pháp trên thế giới, đã bao hàm cuộc chiến chống lại đại dịch và những căn bệnh truyền nhiễm nhiệt đới, cuộc chiến được bắt đầu thông qua việc xây dựng mạng lưới bệnh viện không ngừng được mở rộng – Bệnh viện Đồn Thủy, Bệnh viện Saint Paul, Nhà thương Cống Vọng, Bệnh viện Indigène du Protectorat ở Hà Nội, Bệnh viện Hải quân, bệnh viện Lalung Bonnaire, Bệnh viện Saint Paul ở Sài Gòn… – và thông qua các chiến lược tiêm chủng quy mô lớn chống lại bệnh đậu mùa. Thành quả rực rỡ của Yersin khi phát hiện ra trực khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch vào năm 1894 cũng thuộc về cuộc chiến này. 

Sẽ có nhiều cách nhìn khác nhau về mục tiêu của người Pháp khi gây dựng nền y học hiện đại ở Việt Nam (điều này chúng ta sẽ còn thảo luận trong bài viết khác) nhưng chắc chắn, họ là những người đầu tiên đưa các lý thuyết và thực hành chăm sóc sức khỏe hiện đại của phương Tây trên quy mô lớn vào xứ này. Đây cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc vẽ lại ‘bản đồ dịch bệnh’ Đông Dương và tái định hình mối quan hệ giữa người bản xứ, về mặt cá nhân và cộng đồng, với thực hành chăm sóc sức khỏe trước bệnh dịch, ngăn ngừa dịch bệnh, thậm chí cả mối quan hệ của họ với chính quyền thuộc địa và phương Tây, theo đánh giá của Laurence Monnais, nhà nghiên cứu về y học thuộc địa ở ĐH Montreal, Canada. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, một sự chuyển đổi về y học đã diễn ra trong lòng một xã hội mà gốc rễ gắn chặt với “dao cầu, thuyền tán” của y học cổ truyền Trung Quốc (Trung y) và y học cổ truyền dân tộc (Nam y) để hướng về sự hiện đại hóa (Tây y), cùng với một tên tuổi chúng ta đã quen thuộc, Alexandre Yersin. 

Sáng lập trường Y khoa Đông dương 

Rõ ràng thời kỳ này, Yersin đã muốn yên vị ở Nha Trang và cật lực làm việc. Ông đang vực dậy một cơ sở nghiên cứu sau cái chết bất ngờ của bác sĩ thú y Eugène Pesas khi điều chế huyết thanh dịch hạch (năm 1897) và mới đổ công sức vào Trại Chăn nuôi Suối Giao (nay là Trại Chăn nuôi Suối Dầu) rộng 500 ha trên đất đầm lầy lau lách hoang hóa, được thành lập vào năm 1899. Không có khoảng trống thời gian nào để nghĩ về việc khác.

Sinh viên trường Y khoa Đông dương thực hành trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, bất ngờ luôn xảy ra trên con đường của Yersin, oái oăm là nó thường đến vào lúc không lường trước nhất, giống như sự thôi thúc phải đến với các vùng đất mới xuất hiện khi ông đang chuẩn bị hành nghề y tại Paris. Lúc này, Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1902, đã thực thi nhiều chính sách thuộc địa mới, một trong số đó là thành lập một trường y ở xứ An Nam. Có thể là thành công của Viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang đã khiến người Pháp nghĩ đến việc thực thi chính sách mới, đó là tạo ra một cách thức khác biệt để hình thành một một trung tâm văn hóa – khoa học, một nơi cũng gần Trung Quốc, vốn nổi tiếng về sự đa dạng sinh học và ẩn chứa nhiều mầm bệnh (ví như khởi nguồn bệnh dịch hạch năm 1894), qua đó phát huy ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây, đặc biệt là của Pháp, như nhận xét của bác sĩ Đặng Vũ Viêm, ĐH Y Hà Nội, trong hội thảo “Alexandre Yersin (1863 – 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”, được tổ chức vào tháng 3/1991.

Đó là lý do Paul Doumer chọn địa điểm đặt trường là Hà Nội thay vì Sài Gòn như dự kiến, và lựa chọn một nhân vật có đủ uy tín và thực tài vào vị trí hiệu trưởng, theo tiêu chí đề ra của Albert Decrais, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa từ năm 1899 đến 1902. Mặc dù giáo sư Paul Brouardel, hiệu trưởng ĐH Y Paris, đã đề cử một số cái tên nhưng ở thời điểm này, không ai phù hợp hơn Yersin, một đại diện xuất sắc của trường phái Pasteur ở Đông dương, dẫu trước đó, Yersin cũng không có mặt trong Ban nghiên cứu điều kiện tổ chức và vận hành một trường y, theo Nghị định số 565 ngày 12/8/1898 (bác sĩ Hénaff, Giám đốc Bệnh viện Chợ Quán Sài Gòn là trưởng ban). 

Yersin có lưỡng lự khi nhận được lời mời không? Rất có thể là có vì quá nhiều việc dồn lên vai ông ở Nha Trang. Nhưng rõ ràng là ông bị cám dỗ bởi cơ hội mới từ người bạn từng cùng mình lên cao nguyên Langbiang để thiết lập nền móng cho một thành phố nghỉ mát kiểu Pháp ở đó, cùng từng ngược dòng Me Kong tới Phnompenh. Cơ hội mới này lại phản ánh đúng suy nghĩ và mong ước của ông, đó là người bản xứ có thể trở thành những bác sĩ giỏi, nếu được đào tạo bài bản, và họ sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh ở cái xứ đầy rẫy lam sơn chướng khí và mầm bệnh nhiệt đới này. 

Chính phủ thuộc địa đã nâng cấp cơ sở vật chất ở Nha Trang để Yersin có thể dẫn dắt viện trở thành nơi sản xuất thuốc, đào tạo nhân lực song song với hoạt động nghiên cứu về bệnh sốt rét và các loại vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh cho người, súc vật và cây cối. 

Yersin nhận lời, dẫu ông biết rằng điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải tạm xa cái chốn thân thương ở Nha Trang để tạm sống ở Hà Nội. Người ta tự hỏi, Yersin sẽ vào vai hiệu trưởng như thế nào? Liệu ông có làm được điều gì đáng giá ở một nơi mới không, bởi thiết lập và vận hành một cơ sở đào tạo sẽ đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý trong một thời gian dài. Đó cũng là cách duy nhất để thuyết phục những kẻ đầy hoài nghi, cả ở Pháp lẫn xứ An Nam, về năng lực của những bác sĩ bản xứ tương lai. Với tầm nhìn xa của một nhà khoa học, ông đã đưa vào quy chế, nhiệm vụ của trường một số quy định quan trọng liên quan đến nghiên cứu trong trường: trường có những phòng thí nghiệm để các nhà khoa học tại chỗ hoặc đến trường công tác có thể sử dụng; theo đề nghị của hiệu trưởng, các nhà khoa học Pháp và nước ngoài muốn nghiên cứu tại Đông Dương có thể được phép vào các phòng thí nghiệm và bệnh phòng để làm việc.

Và ông sẽ phải tiến hành mọi việc hết sức nghiêm túc, từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất đến tuyển sinh. Đợt tuyển sinh đầu tiên của trường được tiến hành vào ngày 1/2/1902 với sự đăng ký của 121 thí sinh và cuối cùng tuyển được 15 người ở Bắc Kỳ, ngoài ra có 5 người ở Trung Kỳ, 8 ở Nam Kỳ và 1 Cao Miên. Trong số 29 sinh viên khóa đầu tiên, có những người được trao học bổng trị giá 8 đồng/tháng. Để hiểu được giá trị học bổng, chúng ta tham khảo thêm thông số từ tư liệu lịch sử trường ĐH Y Hà Nội: nếu xét hệ thống lương bổng hành chính thì lương tri huyện vào khoảng 25 đồng/tháng còn nếu xét giá cả trên thị trường tự do, 6 đồng mua được 1.000 quả trứng gà hoặc 3-4 tạ gạo. 

Năm học đầu tiên được khai giảng ngày 1/3/1902. Có lẽ, chúng ta không thể hình dung hết những khó khăn bước đầu của Yersin khi đặt nền móng cho một cách tiếp cận mới về chăm sóc sức khỏe, về cả lý thuyết và thực hành, cho những người chủ yếu chịu ảnh hưởng của nền Hán học. Có một cột mốc đối chiếu để chúng ta có thể hiểu thêm đôi chút là còn phải chờ tới 17 năm sau thì triều đình nhà Nguyễn mới chính thức khép lại chế độ thi cử theo kiểu Hán học bằng kỳ thi cuối cùng vào năm 1919 và đi vào truyện ngắn Khoa thi cuối cùng trong tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Khi đó, trình độ của sinh viên quá thấp và hầu như không biết tiếng Pháp. Do vậy, Yersin tập trung một khóa dự bị dài sáu tháng với các kiến thức nền tảng, cần thiết như động vật học, thực vật học, hóa học, vật lý học cơ sở, số học, hình học, tiếng Pháp…

Viện Pasteur Nha Trang năm 1985.

Kể từ tháng 10, chương trình học chính thức bắt đầu. Trên thực tế, Yersin đã cố gắng thiết lập một chương trình học giống như khuôn mẫu trường y ở Pháp: ở ấp Thái Hà, buổi sáng, các sinh viên sẽ thực hành ở một bệnh viện, buổi chiều học lý thuyết tại một giảng đường cách đó 200 m. Trên lớp, ngoài các môn thuần túy y học, sinh viên sẽ học một số môn cơ bản: hóa học, vật lý, số học – hình học, tiếng Pháp, lịch sử, địa lý, địa chất, thiên văn, khí tượng học. Yersin đích thân lên lớp dạy các môn khoa học cơ bản và giải phẫu, môn mà ông rất xuất sắc khi học ở Đức.

Có thể giờ đây, ai đó sẽ nhướng mày ngạc nhiên, giống như cách trước đó cả trăm năm, có người phản đối cách xây dựng chương trình của Yersin, cho là ông toàn đưa vào kiến thức thừa từ các môn cơ bản khiến sinh viên không được tập trung vào các môn chuyên ngành. Yersin phản hồi trong bức thư gửi Paul Doumer đề ngày 20/8/1902 “Đây chỉ là chương trình tạm thời và có thể thay đổi… Chúng tôi cho rằng cần phải dạy học sinh một số kiến thức về phương Tây vì y học hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây. Giả sử ngược lại, y học hiện đại có nguồn gốc từ phương Đông thì chúng ta sẽ phải dạy sinh viên châu Âu các kiến thức về Trung Quốc. Dù các thầy thuốc do trường đào tạo sẽ chỉ hành nghề chủ yếu ở đất nước họ nhưng đây không phải là lý do để chỉ dạy họ những môn thuần túy y học, nghĩa là chỉ muốn họ trở thành những thầy thuốc tồi”. 

Những nỗ lực này đã có chút kết quả, bất chấp sự khởi đầu ở mức thấp đến thất vọng. Ông viết thư khoe mẹ “Sinh viên y khoa của con đã học tập rất chăm chỉ, trong đó có những người thực sự xuất sắc ngang với sinh viên ở Pháp”. Đó là một nhận xét sớm, trùng khớp với đề xuất vào năm 1906 của thanh tra giáo dục Pháp trong một báo cáo kiểm tra hoạt động của trường: “Đề nghị gửi số học sinh xuất sắc nhất sang Pháp thi bác sĩ Y khoa và thử sức với sinh viên Pháp. Chắc chắn họ sẽ làm nên chuyện và trường Y Đông Dương sẽ không phải xấu hổ”.

Yersin sẽ đảm trách vai trò Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương từ năm 1905 đến năm 1923. Ông không chăm chút riêng cho Nha Trang mà còn lên kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất cho cả Sài Gòn.

Tuy nhiên, trong đời Yersin, như chúng ta đã biết, bất ngờ luôn xuất hiện vào lúc không chờ đợi nhất. Chính sách đột ngột thay đổi khi cái ghế Toàn quyền Đông Dương thuộc về người mới Paul Bert, thay thế Paul Doumer trở về Pháp tiếp tục đời chính trị (cuộc đời ấy lên tới đỉnh cao khi trúng cử Tổng thống Pháp vào tháng 5/1931 nhưng khép lại bi thảm bằng một phát súng vào năm 1932). Và chính sách của Paul Bert đi ngược với kế hoạch phát triển trường y của Yersin. Vì vậy sau hai năm rưỡi, ngày 9/7/1904, Yersin chia tay Hà Nội, từ bỏ ước mơ xây dựng một trường y chính quy, hiện đại ở Đông Dương và có quy chế tương tự ĐH Y Paris.

Nhưng có một nơi ông rồi sẽ vĩnh viễn không rời xa, hơn thế, ngày một vun đắp cho nó trở nên đẹp đẽ, Nha Trang với Xóm Cồn, Suối Giao và thêm một địa danh mới là Hòn Bà trong tương lai.

Quản lý các Viện Pasteur ở Đông dương

Yersin là một con người mâu thuẫn kỳ lạ. Trong suốt cuộc đời, một mặt ông luôn giữ được sự say mê, tò mò trước cái mới – ông học hỏi rất nhiều lĩnh vực khác nhau như vật lý, cơ khí, điện tín, thiên văn và hiểu biết ấy có đất dụng võ khi ông đứng trên bục giảng trường Y ở Hà Nội và những cơ hội thú vị khác ở tương lai; mặt khác, dẫu thích dịch chuyển thì trong ông vẫn luôn tồn tại một sự gắn bó kỳ lạ với Nha Trang, thời gian chỉ làm nó thêm sâu sắc. Đó là lý do dù đi bất cứ nơi đâu, chốn duy nhất ông muốn lui về vẫn là Xóm Cồn, Nha Trang.

Lần này, chuyến trở về của Yersin, sau hai năm lao động cật lực ở Hà Nội, là để ông củng cố về mặt tổ chức và vận hành ở Nha Trang. Trước đó, ông đã bắt đầu tuyển lựa, đào tạo được một số nghiên cứu viên người bản xứ với sự hỗ trợ của một số bác sĩ Pháp, và hình thành một ‘tập đoàn’ những người bản xứ khai hoang và cần cù lao động trong cái chốn Utopia độc đáo của ông ở Suối Giao. 

Những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Yersin.

Cũng vào chính năm 1904, phòng thí nghiệm Nha Trang của ông được đổi tên thành Viện Pasteur Nha Trang và được sát nhập vào Viện mẹ Pasteur. Theo tư liệu của Bảo tàng Yersin, chính phủ thuộc địa đã nâng cấp cơ sở vật chất ở Nha Trang với các phòng thí nghiệm, phòng bào chế thuốc, nhà giải phẫu, chuồng nuôi súc vật, lầu chứa nước, nhà máy nước đá… để Yersin có thể dẫn dắt viện trở thành nơi sản xuất thuốc, đào tạo nhân lực song song với hoạt động nghiên cứu về bệnh sốt rét và các loại vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh cho người, súc vật và cây cối. 

“Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”, Yersin trở thành ủy viên Viện Pasteur Paris, thực hiện được một nửa mong ước của mẹ, nửa còn lại là phần tự do của ông, khi lựa chọn một điểm ngoài Pháp. Dĩ nhiên, Yersin là người phụ trách cả cơ sở Nha Trang và Sài Gòn, sau khi ông bạn Albert Calmette bị bệnh nặng và phải về Pháp từ năm 1893, và hợp nhất cả hai cơ sở dưới cái tên chung Viện Pasteur Đông Dương (Instituts Pasteur d’Indochine). Đáng chú ý là một hợp đồng được ký với hiệu lực trong 30 năm nhằm đảm bảo sự tồn tại của Viện Pasteur Đông Dương, với cả chữ ký của Viện Pasteur Paris và Toàn quyền Đông Dương, trong đó có nội dung đảm bảo nguồn tài chính cho viện: Toàn quyền Đông Dương, chính quyền Nam Kỳ, Viện Pasteur Paris, tuy nhiên một số hoạt động khác thì Viện Pasteur Đông Dương phải tự xoay xở qua việc bán huyết thanh, vaccine… Nhìn chung, Viện Pasteur Paris sẽ giám sát hoạt động khoa học của các viện ở Đông Dương trong khi phần nhiều nguồn tài chính hoạt động thuộc về trách nhiệm của Toàn quyền Đông Dương. Dĩ nhiên là Yersin cũng có chút thuận lợi khi kể từ năm 1904, ông bạn Émile Roux trở thành Giám đốc Viện Pasteur Paris. Roux thực thi một chính sách không khoan nhượng là dành hết mọi tiền bạc đầu tư cho khoa học, kể cả tiền có được từ giải thưởng “Nếu anh có cái thứ gì đó muốn cho đi, hãy mang nó đến Viện Pasteur; theo cách đó anh có thể có được công cụ để cứu nhiều cuộc đời”. Roux đã quyên được nhiều tiền từ các nhà hảo tâm và tìm kiếm mọi hỗ trợ có thể từ chính phủ để hỗ trợ cho các viện Pasteur trên khắp toàn cầu, trong đó có Đông Dương.

Yersin sẽ đảm trách vai trò Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương từ năm 1905 đến năm 1923. Ông không chăm chút riêng cho Nha Trang mà còn lên kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất cho cả Sài Gòn. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu về mầm bệnh trên người tiếp tục được thiết lập vào năm 1905, trong khuôn viên của một chủng viện cũ. Dẫu chức năng ban đầu của các tòa nhà không phải là dành để cho nghiên cứu nhưng dưới sự bố trí và hoạch định của Yersin, cuối cùng một xây dựng cổ xưa cũng thích nghi với chức năng mới của viện. Năm 1920, ngân sách của miền Nam đã chi trả cho việc tái thiết toàn bộ cơ sở, trải dài trong nhiều năm, hai phần ba trong số đó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 1922.

Yersin sẽ còn giữ vị trí Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho đến năm 1927, tập hợp quanh mình những cộng sự xuất sắc theo cách Pasteur đã từng làm, quy tụ cả người Pháp lẫn người bản xứ, để theo đuổi nhiều hướng đi khác nhau

Không có nỗ lực và tâm huyết nào mà con người phi thường này bỏ ra lại không được đền đáp. Theo Bảo tàng Yersin, kể từ năm 1914, Nha Trang bắt đầu sản xuất được vaccine chống bệnh dịch hạch và từ năm 1917 là vaccine tả. Cũng như các viện khác của Viện Pasteur Paris, sản phẩm của Nha Trang chủ yếu dựa trên nền tảng miễn dịch học cổ điển, nghĩa là đưa kháng nguyên, ở đây là các vi khuẩn đã được bất hoạt, vào cơ thể để các tế bào chữ T của lympo bào trong hệ miễn dịch tham gia phản ứng miễn dịch, tạo ra kháng thể đặc hiệu và hình thành trí nhớ miễn dịch. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản của việc tiêm chủng. 

Sản xuất được vaccine tả là một thành công quan trọng của Nha Trang. Đây là công nghệ được chuyển giao từ Viện mẹ Pasteur: vaccine tả đầu tiên trên thế giới do Pasteur phát triển và thử nghiệm trên gà vào năm 1877. Để hiểu về sự nguy hiểm của bệnh tả, loại bệnh mà ngày nay chúng ta có thể coi thường nhưng vào giai đoạn đó thì thật nguy hiểm. Chúng ta có thể tham khảo một vài thông số trong tư liệu của WHO: vào năm 1922, ở Nam Kỳ ghi nhận 984 người mắc bệnh tả và 632 người chết; tình trạng lên đến đỉnh điểm vào bốn năm sau khi có 5.035 người mắc và 3.979 người chết. 

Một mình Nha Trang không thể tả xung hữu đột với các loại dịch bệnh ở Đông Dương, vì vậy Yersin đã thành lập một trung tâm đào tạo y sĩ thú y và người bào chế vaccine cho cả Đông Dương. Lúc này, Nha Trang đã có những nhân viên kỹ thuật từ Viện Pasteur Paris, các bác sĩ thú y, đa phần nhân viên trong Bộ Y tế thuộc địa, Y tế Hàng hải… Không chỉ những người trẻ ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Campuchia tìm thấy ở đây tất cả những gì họ cần như kiểm tra nhiệt độ, lấy mẫu, băng bó, đại phẫu, tiểu phẫu, tiêm chủng, các khóa học cơ bản trong phẫu thuật, bệnh lý, ngoại khoa, vi sinh vật và mầm bệnh, vệ sinh, kỹ thuật thú y, kiểm tra lò giết mổ… mà các bác sĩ, các nhà vi trùng học từ ĐH Y Paris, Viện mẹ Pasteur cũng thấy Nha Trang và Sài Gòn là nơi thực hành cần thiết cho mình. Một không khí học thuật và thực hành ở nhiều cấp độ đã sôi nổi diễn ra tại những nơi này.  

Yersin điều phối mọi hoạt động, và mỗi năm một lần ông trở về Viện mẹ ở Paris để họp hành, bàn thảo kế hoạch. Ông sẽ đảm trách vị trí này rồi tìm cách rút lui dần: đến năm 1919, trao quyền cho nhà vi sinh vật Noël Bernard làm Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn và từ năm 1923 đến 1935 trở thành Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương. Không chỉ là người kế nhiệm Yersin, Noël Bernard sẽ còn là người đầu tiên viết tiểu sử Yersin, cuốn Yersin. Pionnier – Savant – Explorateur 1863-1943 (Yersin. Nhà tiên phong – học giả – nhà khám phá 1863-1943), ra mắt vào năm 1955. Theo tuần tự, vào năm 1925, Viện Pasteur Hà Nội ra đời (nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và năm 1936 là Viện Pasteur Đà Lạt. Còn Yersin sẽ được trao một vị trí mang tính chất tưởng thưởng, giám đốc danh dự của Viện mẹ Pasteur.

Nhưng đó là chuyện của tương lai. Yersin sẽ còn giữ vị trí Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho đến năm 1927, tập hợp quanh mình những cộng sự xuất sắc theo cách Pasteur đã từng làm, quy tụ cả người Pháp lẫn người bản xứ, để theo đuổi nhiều hướng đi khác nhau. Dường như cái ham thích khám phá những điều mới mẻ ở Yersin đã chuyển từ việc khám phá những vùng địa lý còn chưa được ghi trên bản đồ xứ An Nam và cả xứ Đông Dương, sang mở đường cho những lĩnh vực mới phát triển: y học, thú y, di thực thực vật (cao su, canh-ki-na…). 

Nhìn cả hành trình của ông, từ một ngự lâm quân của Pasteur ở Paris đến việc gây dựng cả một di sản lớn lao ở Việt Nam, tất cả cho thấy một điều: không thành công nào đến một cách dễ dàng, ngay cả với người xuất chúng. Khó có câu nói nào về ông một cách chính xác hơn câu nói của Elbert Hubbard – một nhà văn, nhà xuất bản Mỹ cùng thời với Yersin, “Thiên tài là gì nếu không phải là nghệ thuật chịu đựng sự khó nhọc. Tất cả những thành công lớn lao có được đều phải được thành hình trên cái cẩn trọng cực độ và sự cần cù vô hạn, thậm chí đến từng chi tiết nhỏ”.

Đó là lý do vì sao, ngày nay, những chùm tia rạng rỡ vẫn không ngừng tỏa ra từ cuộc đời phi thường của Yersin. 

(Còn tiếp)
———–
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký quyết định bổ nhiệm Yersin vào vị trí Hiệu trưởng Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine) vào ngày 8/1/1902. Trong quyết định có ghi rõ những điều liên quan đến sứ mệnh và cung cách vận hành của trường: xây dựng tại Hà Nội một trường Y khoa trực thuộc Toàn quyền Đông Dương và phụ thuộc vào Nha Nội Chính về mặt hạch toán (theo tư liệu của Trường ĐH Y Hà Nội, ở năm đầu tiên, ngân sách dành cho thư viện và sách giáo khoa của trường là 2.000 đồng); trường có nhiệm vụ đào tạo các thầy thuốc người châu Á có khả năng đảm nhiệm, cùng với các thầy thuốc người Pháp và dưới sự chỉ đạo của họ, công tác y tế ở Đông Dương và các chức vụ ở bên ngoài, đồng thời góp phần nghiên cứu khoa học về căn nguyên và điều trị các bệnh của người Âu và người bản xứ ở Viễn Đông. 

———————-

Tài liệu tham khảo:

Kỷ yếu hội thảo “Alexandre Yersin (1863- 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”. Tháng 3/1991. Thư viện Lâm Đồng

“Lịch sử Viện Pasteur Nha Trang từ năm 1895 đến năm 1975”. Bảo tàng Yersin Nha Trang. 

 “Lịch sử hình thành và phát triển trường ĐH Y Hà Nội”. Ban Lịch sử ĐH Y Hà Nội. Năm 2003.

“Trường Đại học Y Đông Dương: Một thập kỉ khởi đầu bấp bênh”. Lê Xuân Phán. Tia Sáng. Năm 2021.

(Kỳ 4): Cuộc phiêu lưu trong thế giới thực vật

Chiếu rọi từ góc độ nào, di sản Alexandre Yersin để lại cho Việt Nam cũng thật rực rỡ. Như vua Midas trong thần thoại Hy Lạp có đôi bàn tay quyền năng biến mọi thứ thành vàng, hầu hết những gì bàn tay và khối óc Yersin chạm tới đều đem đến những thành quả đáng kinh ngạc. Cuộc phiêu lưu của ông trong thế giới thực vật, vì thế, không phải là một dịch chuyển ngẫu hứng, ngược lại tạo ra nguồn tài chính vững chắc để có thể tự do làm khoa học.

Tượng bán thân Yersin ở vườn hoa Yersin Hà Nội, cạnh Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (trước là Viện Pasteur Hà Nội). Ảnh: Mỹ Hạnh.

Thế giới Yersin theo đuổi là thế giới của những vi sinh vật có kích thước siêu nhỏ chúng ta chỉ quan sát được dưới kính hiển vi, nhưng lại đủ sức mạnh đoạt mạng sống con người, thậm chí vẽ lại bản đồ phát triển của những vùng đất, một khi chúng gây bùng phát những dịch bệnh truyền nhiễm chết chóc. Thế nhưng thuở ban đầu, Yersin từng tỏ ý không muốn đi theo con đường khoa học này. Ông tâm sự với mẹ qua bức thư gửi từ Sài Gòn đề ngày 6/9/1891 để lý giải nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn của mình “Công việc nghiên cứu khoa học vô cùng thú vị nhưng thầy Pasteur đã vô cùng chính xác khi nói với con là, trừ phi là một thiên tài, còn thông thường người ta phải thật giàu sụ mới có thể làm việc tốt trong một phòng thí nghiệm và tránh được sự tồn tại của mọi thứ phiền nhiễu khốn khổ, ngay cả khi họ đã có một danh tiếng khoa học nhất định…”.  

Lời chia sẻ pha chút cay đắng của Louis Pasteur với các ngự lâm quân của mình cũng là những điều rút ruột của ông, từ quá trình lao động của mình. Và những gì Yersin học hỏi từ Pasteur và ngày đầu vận hành cái tổ chức mang tên người thầy xuất chúng này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm và cách làm khoa học của mình. Pasteur, “nhà khoa học vĩ đại này là người trước hết có khả năng nhận diện được đúng vấn đề và đúng thời điểm, khi thấy đó là một khả năng có thể giúp tìm ra được giải pháp”, theo nhận xét của François Jacob, nhà sinh học ở Viện Pasteur từng được trao giải Nobel Y sinh năm 1965. 

Viện Pasteur là một sản phẩm từ sáng kiến “huy động vốn đám đông” ở quy mô toàn thế giới của Louis Pasteur, sau thành công của vaccine bệnh chó dại. Đây thực sự là một cơ sở nghiên cứu về vi sinh vật và mầm bệnh phi lợi nhuận, độc lập với chính phủ. Do đó, thế mạnh cũng đồng thời là thế yếu của nó: mặc dù có được sự tự do học thuật, không bị gò ép trong khuôn khổ, chịu mệnh lệnh từ trên xuống nhưng lại phải chật vật chèo chống để có bằng được nguồn kinh phí duy trì sự tồn tại của chính mình. Việc để một viện nghiên cứu đỉnh cao như vậy sống được là tài khéo vận hành của chính người sáng lập ra nó: một mặt Louis Pasteur luôn nghĩ đến sự kết nối với các ngành công nghiệp thông qua việc giải quyết những vấn đề của họ hoặc tự thúc đẩy phát triển và sản xuất các sản phẩm vaccine; mặt khác ông cầu viện đến sự hỗ trợ của chính phủ khi gặp khó khăn về kinh tế. Điều đáng nể là Pasteur luôn giữ được sự độc lập nhất định của Viện thông qua đón nhận sự ủng hộ tài chính từ nhiều nguồn (hỗ trợ của chính phủ, phí tư vấn, tiền bản quyền, doanh thu qua các hợp đồng sản xuất, sự đóng góp của các nhà hảo tâm…).  

Tinh thần đó đã được các thế hệ trong đại gia đình Viện Pasteur tiếp nối. Ví dụ như trong thời gian ngắn ngủi ba năm ở Sài Gòn, Albert Calmette ngoài những nghiên cứu cơ bản về huyết thanh kháng nọc rắn, dịch tả… mà còn có những nghiên cứu về phương pháp lên men rượu gạo và thuốc phiện. Đặc biệt, khi khám phá ra bí mật lên men rượu truyền thống của người Trung Quốc – sản phẩm chứa đựng trong lòng nó cả một cộng đồng vi khuẩn và nấm men, Calmette đã phân lập được một loài nấm men có sức mạnh vượt trội, đặt tên cho nó là Amylomyces rouxii để vinh danh Emile Roux, rồi tìm cách nuôi cấy và phát triển đến mức có thể thương mại hóa nó.

Cả Yersin lẫn Vernet đều trải qua rất nhiều thử nghiệm để ương trồng, chăm sóc để rút cục đi đến vấn đề làm sao để chọn được cây khỏe? làm sao để nó cho mủ? kỹ thuật lấy mủ cao su như thế nào là tối ưu? làm sao để sơ chế mủ cao su? làm sao để việc trồng cây cao su thực sự có lãi? Đó là vấn đề của đồn điền Suối Dầu trong thời kỳ mò mẫm di thực cây cao su.

Là một người của Viện Pasteur Paris, và hơn ai hết là học trò thân cận của Pasteur, Yersin đã biết thật vô cùng thách thức để ông duy trì sự tự do trong nghiên cứu khoa học. Đó cũng là điểm xuất phát cho việc ông di thực cây canh ki na (Cinchona) và trồng cây cao su (Hevea Brasiliensis), qua đó dẫn đến sự ra đời của công ty spinoff “Các ông Yersin, Roux & Calmette” chuyên bán mủ cao su cho Michellin, công ty sản xuất lốp xe ô tô ở chính quốc. 

Cuộc phiêu lưu của ông trong thế giới thực vật, do vậy, không thuần túy chỉ để thỏa mãn đam mê khám phá cúa chính mình ở một địa hạt khoa học mới hay thử nghiệm di thực những cây cỏ ngoại lai vào vùng nhiệt đới thuộc địa. Đây là phương thức duy trì sự tồn tại của cơ sở nghiên cứu ông dẫn dắt, ở Việt Nam.

Chứng kiến sự bén rễ của cao su tại Việt Nam

Nếu tình cờ đi qua vùng Đông Nam Bộ, thủ phủ của cây cao su Việt Nam, vào đúng mùa cây thay lá, hẳn ai cũng thấy xao xuyến trước vòm lá thưa lao xao như những quầng lửa thắp trên các hàng cây thanh thoát, mọc đều tăm tắp. Tưởng chừng loài thực vật thân gỗ họ Đại kích này đang tồn tại ở chính chốn quê hương bản quán của mình. Phút chốc, người ta tạm quên mất rằng cây cao su (Hevea Brasiliensis) có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được người Pháp di thực vào Việt Nam trong quá trình khai thác thuộc địa.

Hẳn vào thời kỳ đó, đây là một thách thức. “Di thực thực vật luôn là việc không dễ dàng, ngay cả ở thời điểm này”, PGS. TS Trần Văn Ơn (Bộ môn Thực vật, ĐH Dược Hà Nội), một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phân loại thực vật, cho biết. “Phần lớn việc di thực đều thất bại bởi cây cần phải thích nghi được với môi trường mới. Vùng đất mà nó sinh sống với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao… đã được nó thích nghi trong hàng triệu năm rồi. Kết quả của việc di thực hoặc là cây chết hoặc nếu có sống được thì phẩm chất của nó bị kém đi, và thoái hóa dần theo thời gian”. 

Cây cao su ở Suối Dầu cho mủ lần đầu vào năm 1905. Nguồn: Bảo tàng Yersin.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra ở Việt Nam, trong thời kỳ đầu cây cao su được đưa vào trồng khảo nghiệm, tuy có rất nhiều kinh nghiệm từ những cuộc di thực loài cây này từ trước. Vào cuối những năm 1870, những hạt cây cao su từ những khu rừng mưa nhiệt đới Amazon thuộc lãnh thổ Brazil đã được người Anh đưa về Vườn thực vật hoàng gia Kew ươm trồng và từ 12 hạt giống đầu tiên, cây cao su đã bén rễ ở khắp các thuộc địa của họ khắp thế giới, trong đó có châu Á, để rồi trở thành một trong những nguồn thu dồi dào của đế chế Anh vào đầu thế kỷ 20. Trao đổi với Tia Sáng, TS. Nguyễn Anh Nghĩa (Viện Nghiên cứu Cao su), đã dẫn tư liệu từ cuốn “100 năm cao su ở Việt Nam” (NXB Nông nghiệp, năm 2000) của tác giả Đặng Văn Vinh, “Những hạt giống cao su đầu tiên được Jean Baptiste Louis Pierre, nhà thực vật học và giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, nhập năm 1877 về trồng tại Thảo cầm viên và sống được hai cây. Tuy nhiên, về sau người ta không còn thấy các cây này, có thể chúng đã bị đốn bỏ sau các đợt tu chính Thảo cầm viên. Năm 1884, một số cây con lại được gửi từ Vườn thực vật Buitenzorg (Indonesia) nhưng đều bị chết sau khi trồng. Năm 1881, kỹ sư Seeligmann gửi về Sài Gòn 50 cây cao su, đến năm 1883 chỉ còn lại vài cây sống èo uột và sau đó cũng mất tích. Cuối cùng những cây cao su được nhập lẻ tẻ vào Việt Nam từ trước năm 1884 đã không còn dấu vết”.

Chỉ những dòng ngắn ngủi đó đã cho chúng ta thấy phần nào nỗ lực ban đầu của những người đưa cây cao su vào Việt Nam, bất kể họ là ai. Có lẽ, ở thời điểm ngày nay, “trong các cây công nghiệp lâu năm, cây cao su có diện tích trồng lớn nhất, trải rộng từ Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc, đưa Việt Nam trở thành nước thứ ba thế giới về sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên, với sản lượng năm 2022 ước đạt 1,29 triệu tấn và xuất khẩu ước đạt hơn 2,1 triệu tấn (kể cả nguồn tạm nhập tái xuất)” như lời chia sẻ của TS. Nguyễn Anh Nghĩa, không ai mường tượng được những khó khăn ban đầu đó. Tất cả không đơn giản là bứng một cây từ một xứ nhiệt đới này sang một xứ nhiệt đới khác. 

Năm 1897 là năm cây cao su chính thức được di nhập vào Việt Nam khi “ông E. Raoul, một dược sĩ hải quân Pháp, đã nhập một số lượng lớn hạt giống cao su từ Indonesia vào Việt Nam. Hạt giống được ương tại vườn ương Thảo cầm viên Sài Gòn và mọc được 1.800 cây. Số cây ương được phân phối 1.000 cây cho Trạm thực nghiệm Ông Yệm (Bình Dương); 200 cây cho bác sĩ A. Yersin trồng ở Suối Dầu…”. 

Hiện tại vẫn có nhiều thông tin sai lạc cho rằng, Yersin là người đầu tiên mang cây cao su vào Việt Nam nhưng thông tin từ sách của ông Đặng Văn Vinh, không chỉ với tư cách là nguyên Tổng giám đốc Viện Khảo cứu Cao su Việt Nam, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Cao su Việt Nam mà còn là một trong những người từng làm việc ở trang trại Suối Dầu, đã cho thấy Yersin chỉ là một trong những người góp phần vun xới cho cây cao su bén rễ ở Việt Nam. Ở đây, Yersin đã được hưởng một chút lợi ích từ chính quyền thuộc địa bởi những nghiên cứu thăm dò, khảo nghiệm và những khám phá sâu khác về đặc tính cây cao su đều được chính quyền thuộc địa cấp ngân sách. 

Trước Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Yersin có 4.000 cây cao su trên 307 ha tại Suối Dầu và từ năm 1930 đến 1940, ông đã sản xuất được mỗi năm 100 tấn mủ cao su khô, đem lại nguồn thu nhập quá đủ và hơn nữa hết sức ổn định để có thể vận hành Viện của mình một cách độc lập.

Sự lan tỏa của cây cao su ở Việt Nam cũng như nhiều thuộc địa khác là nhờ vào sự phát triển của ngành thực vật học cũng như nhiều ngành khoa học khác như khoa học đất, sinh hóa vào đầu thế kỷ 20. Các phòng thí nghiệm sinh hóa bắt đầu trở thành những yếu tố quan trọng trong nghiên cứu nông nghiệp vì các nhà khoa học có thể kiểm tra được các mẫu đất và các mẫu thực vật để xác định thành phần dinh dưỡng trong những thực nghiệm được kiểm soát, hiệu chỉnh một cách cẩn trọng. Tuy nhiên trong ngành cao su thời kỳ đó, những thí nghiệm dạng như vậy vẫn chủ yếu được thực hiện tại hiện trường và một trong số đó ở Suối Dầu, Nha Trang, được thành lập từ năm 1902.

Nhưng lẽ thường, những gì đạt được có bao giờ đến một cách ngẫu nhiên…   

Lập công ty spinoff bán mủ cao su

Không phải là một người được đào tạo về thực vật nhưng Yersin vẫn có lợi thế ở một nhãn quan khoa học. Ông đã đặt rất nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành về thực vật, khoa học đất từ Pháp để học hỏi một cách nghiêm túc. Cây cao su cũng chỉ là một trong những ý tưởng của ông bởi hẳn ông nghĩ là “mình có 500 ha đất trang trại ở Suối Dầu, mình có cộng sự hỗ trợ, mình có kiến thức, tại sao lại không thử nghiệm nhiều loại cây có tiềm năng đem lại nhiều tiền?”. Phải, ý tưởng nào cũng đưa ông về mục đích cuối cùng, giống như ông thầy Pasteur, đó là tạo ra một nguồn thu ổn định để không phụ thuộc vào bất cứ nguồn trợ cấp nào và có thể chủ động làm khoa học. 

Trước cao su hay song song với nó, Yersin đã bắt đầu thử trồng cà phê vào năm 1896, với các giống liberia, sau là arabica nhưng chỉ có liberia là chịu được khí hậu xứ này. Năm 1897, ông trồng thành công 40 ha cây coca, loài cây có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, sau một năm là cây cola để tách chiết chất coke từ hạt rồi pha chế thành một loại nước giải khát có nhiều nét tương tự Coca cola. Nhiều năm sau, ông thử nghiệm nhiều loại cây khác như nho, tiêu, vanilla, thuốc lá, ngô… nhưng đều thất bại hoặc chỉ có thể canh tác ở quy mô nhỏ lấy thức ăn cho ngựa thay vì phải nhập lúa mì ở châu Âu về. Năm 1923, ông dành cả 15 ha để chăm bón cây cọ dầu châu Phi, một loại cây không chỉ đem lại cho ông dầu mà còn cả phần bã sau ép nuôi gia súc. Cùng với đó là hai ha trồng sắn (khoai mì) lấy củ. Rút cục thì đám bò ngựa của ông cũng cần được chăm sóc đầy đủ chứ. 

Chừng ấy cho chúng ta thấy, Yersin xoay như chong chóng giữa các ý tưởng mới khác nhau. Khi chưa thành công với cao su, ông còn thử cả cây guttapercha (các thầy thuốc Đông y gọi loài cây này là đỗ trọng) vì thấy nó cũng cho mủ, tuy cứng hơn mủ cao su. 

Những bước chân của Yersin trong không gian mới đã vẽ ra những chặng đường tiềm năng khác nhau, dẫu không phải lúc nào cũng đi kèm doanh thu. Đúng như thành ngữ dân gian “trăm bó đuốc mới được con ếch”, cuối cùng thì thành công lớn nhất mà ông thu về vẫn là cây cao su, một công cuộc mà ông chính thức bắt đầu từ năm 1899. 

Một cây cao su, được nẩy mầm từ các hạt cao su còn sót lại ở Suối Dầu, giờ vẫn còn xanh tốt trên đường lên mộ Yersin. Ảnh: Thanh Nhàn.

Để có được thành công như hằng khao khát, Yersin đã cất công tìm hiểu cách di thực cây cao su ở Java (Indonesia), Singapore và Ceylon (Sri Lanka). Qua trao đổi với các nhà thực vật Hà Lan ở vườn thực vật Buitenzorg ở Java về việc thử nghiệm các loài cao su khác trong trong điều kiện nhiệt đới châu Á, Yersin đã đi đến kết luận, giống Hevea brasiliensis phù hợp với mình hơn cả. Ông kể lại với mọi người là không có mối quan tâm mới nào của mình khiến ông thấy háo hức như đọc các trang sách giới thiệu về cây cao su. Nhưng có lẽ, trăm hay không bằng tay quen, “chủ yếu, ông học về cây cao su thông qua chính thực tế trồng trọt và sản xuất tại Suối Dầu cũng như bằng sự nỗ lực nghiên cứu và thí nghiệm tại chỗ của mình. Ông cùng với kỹ sư nông học Georges Vernet mà ông mời từ Pháp sang tiến hành các thí nghiệm từ đó đưa ra những kỹ thuật phù hợp cho việc canh tác cây cao su”, TS. Nguyễn Anh Nghĩa cho biết.

Có lẽ, cả Yersin lẫn Vernet đều trải qua rất nhiều thử nghiệm để ươm trồng, chăm sóc để rút cục đi đến vấn đề làm sao để chọn được cây khỏe? làm sao để nó cho mủ? kỹ thuật lấy mủ cao su như thế nào là tối ưu? làm sao để sơ chế mủ cao su? làm sao để việc trồng cây cao su thực sự có lãi? Đó là vấn đề của đồn điền Suối Dầu trong thời kỳ mò mẫm di thực cây cao su, theo nhận xét của ông Đặng Văn Vinh trong cuốn sách của mình. 

Khi đặt nhiều công sức vào đó thì một Yersin với sự hỗ trợ của kỹ sư Vernet gặt hái được thành công sớm hơn những ông chủ đồn điền Pháp khác. Trong những thước phim tài liệu “A. Yersin – Vainqueur de la paste” có trích dẫn một bức thư của ông “Tôi tin chắc vào tiềm năng của cây cao su hiện nay… Tôi mong ước một cây cao su trưởng thành cho trên một cân mủ khô mỗi năm và mỗi héc ta có tối thiểu 400 cây”. Khi kể với mẹ ở Thụy Sĩ qua lá thư đề ngày 11/12/1904, Yersin không dấu nổi niềm vui về sự hứa hẹn phía trước “Kết quả cạo mủ thử ở Suối Dầu rất đáng khích lệ: các cây cao su cho mủ ngày càng nhiều, có thể chúng con sẽ đạt được 250 gam mủ khô cho một cây vào năm sau, và đạt được 100 kg mủ khô thì có thể bán ít nhất 1.000 Franc”. 

Thực tế cho thấy ông không phải là người lạc quan sớm. “Vào năm 1905, những cây cao su trồng từ năm 1897 đã được mở miệng cạo và Yersin bán được 1,316 kg cao su khô cho Công ty Michelin với số tiền 28,5 franc”, TS. Nguyễn Anh Nghĩa nói. Đó là sự mở đầu ngoạn mục và dẫn Yersin tới một quyết định: thành lập công ty spinoff cùng hai đồng nghiệp, hai người bạn thân thiết của mình với cái tên “Các ông Yersin, Roux & Calmette”. Chắc hẳn số vốn liếng ban đầu của công ty không thật nhiều nhặn, bởi cả ba đều là nhà khoa học, đặc biệt Roux dù lên chức Viện trưởng Viện mẹ Pasteur nhưng thu nhập thanh đạm và bao nhiêu tiền đổ vào nghiên cứu nên cũng chẳng có bao nhiêu tiền để góp vào. 

Và từ năm 1908, Suối Dầu đã có thể tự chủ về tài chính, đó là thông tin quan trọng mà Yersin thông báo với chị mình trong bức thư đề ngày 6/7/1908. Các nhà khoa học chia sẻ niềm vui với nhau, trong bức thư Roux gửi Yersin đề ngày 15/5/1910 có dòng chữ “Toàn quyền Klobuwski đã ‘lác mắt’”. 

Vào đầu thế kỷ, sự phát triển của những chiếc xe đạp và ô tô ở châu Âu cùng những tiềm năng phong phú khác mà các giọt mủ cao su hứa hẹn mang lại đã đưa cây cao su trở thành một trong những mặt hàng được thế giới công nghiệp khao khát. Đó là thị trường rộng lớn cho nhiều công ty và đặc biệt là “Các ông Yersin, Roux & Calmette” ở xứ Đông dương. Không lý do gì mà không chớp cơ hội ấy, Yersin đã mở rộng diện tích trồng cao su. Tính đến năm 1914, tổng diện tích trồng cao su ở Suối Dầu đạt 1.200 ha. Trước Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Yersin có 4.000 cây cao su trên 307 ha tại Suối Dầu và từ năm 1930 đến 1940, ông đã sản xuất được mỗi năm 100 tấn mủ cao su khô, đem lại nguồn thu nhập quá đủ và hơn nữa hết sức ổn định để có thể vận hành Viện của mình một cách độc lập.

Để hiểu được phần nào giá trị mà mỗi ký lô mủ cao su bán cho hãng Michelin đem lại cho Suối Dầu, chúng ta hãy nhìn vào cuốn sổ kế toán của nơi này qua nhận xét của giáo sư Nguyễn Thị Thế Trâm, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang sau năm 1975 (bà mới qua đời vào những ngày cuối tháng 7/2023) “Ngày 1/6/1896, Yersin đã tự tay mình viết trong sổ nhật ký kế toán của đồn điền Suối Dầu: chi phí tháng đầu tiên lên tới 135 đồng (vào thời đó, với một đồng bạc Đông Dương, người ta có thể mua ít nhất 30 ký lô gạo, và có thể nói rằng, đó là công chuyện làm ăn của đại tư bản)”.

Công việc sinh ra công việc. Việc chăm sóc và cạo mủ cao su trên diện tích lớn như vậy ở Suối Dầu đòi hỏi một lượng nhân công lớn để đảm nhiệm. Và khi tuyển mộ người bản xứ cho công việc này, Yersin nhận ra ông phải lo rất nhiều cho công nhân của mình. Vì vậy, ông cắt ra tới 80 ha đất trồng trọt để cấy lúa và thu hoạch lấy thóc gạo làm nguồn cung lương thực cho họ. Đến đây, chúng ta đã tạm mường tượng ra sức lao động phi thường của Yersin trong việc quản lý hệ thống Viện Pasteur ở Đông Dương, làm nghiên cứu khoa học, sản xuất các loại vaccine, huyết thanh, đào tạo nhân lực và chăm lo cho Suối Dầu, nơi quy tụ không chỉ đám chuột, thỏ thí nghiệm, bò ngựa làm huyết thanh mà còn cả hàng trăm ha cao su và hàng chục thứ cây khác nữa…   

***

Nhưng thật lạ lùng, nguồn lợi mà cây cao su đem lại cho Suối Dầu và cho Yersin cũng không chỉ thuần túy là tiền bạc, dẫu đó là đích đến mà Yersin đã vẽ ra trên tuyến đường mới của mình. Có lẽ, sự nghiêm túc của nhà khoa học nơi Yersin đã thúc đẩy ông công bố những thông tin mới mà mình và cộng sự tìm ra. Trong hoàn cảnh nào, nhà khoa học vẫn làm khoa học. Do đó, các kết quả nghiên cứu thực nghiệm được ông và Vernet xuất bản trên những tập san khoa học thuộc địa, một trong số đó là Agricultural Bulletin of the Indochinese Scientific Institute (BAISI) mà sau do Vernet là tổng biên tập, và chính Vernet đã viết cuốn “L’Heavea Brasiliensis – Sa culture et son exploitation dans le Sud – Annam” (Hevea Brasiliensis: its cultivation and exploitation in South Annam), xuất bản năm 1905 ở Paris, và sau được những người trồng cao su tham khảo rất nhiều. Đánh giá về vai trò của Yersin trong sự phát triển của loài cây công nghiệp này, TS. Nguyễn Anh Nghĩa trả lời qua e-mail “Trong những năm đầu của thế kỷ 20, Suối Dầu đã cung cấp hạt giống cao su cho một số đồn điền ở Nam Trung Bộ và đóng góp kinh nghiệm về trồng và cạo mủ cao su. Hơn thế, sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu và sản xuất, giữa phòng thí nghiệm với đồn điền; sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ do ông khởi xướng vẫn còn có giá trị thực tiễn đến ngày nay”.

Yersin đã toại nguyện mơ ước ổn định về tài chính. Ồ nhưng đó không phải cái đích cuối cùng của Yersin, bởi nói như giáo sư Jean Luc Durosoir, tổng đại diện điều phối mạng lưới quốc tế các Viện Pasteur quốc tế “Không có thứ gì liên quan đến sự đau khổ và nhu cầu của con người ở đất nước này lại xa lạ hoặc không quan trọng đối với ông”. 

Hơn thế, vì họ, ông sẽ san sẻ đến giọt máu cuối cùng trong huyết quản của mình. □ (Còn tiếp).

————————————

Tài liệu tham khảo

“Alexandre Yersin: Medical Doctor and Scientist, Explorer, Veterinary Scientist and Agronomist”. Bruno Goddeeris. Khoa Thú y, UGent và Khoa Kỹ thuật y sinh, KU Leuven.

“The Scientist, the Governor, and the Planter: The Political Economy of Agricultural Knowledge in Indochina During the Creation of a ‘Science of Rubber’,” 1900–1940. Michitake Aso. East Asian Science, Technology and Society: an International Journal (2009).


(Kỳ 5): Sự thăng trầm của cây canh-ki-na

Không thiếu những huyền thoại và bài học lịch sử, nếu nhìn vào di sản đồ sộ của Yersin. Ngay câu chuyện về cây canh-ki-na, loài cây ông di thực thành công ở Việt Nam nhưng ngày nay gần như vắng bóng trong các vườn dược liệu, cũng chứa đựng những điều mà người ta không thể lãng quên.

Tượng bán thân Alexandre Yersin đặt tại Viện Pasteur Nha Trang. Ảnh: Thanh Nhàn.

Thế giới của thực vật ẩn chứa những điều lạ lùng bậc nhất mà chúng ta thường dễ bỏ qua, hoặc cho nó quá đỗi bình thường. Đôi khi, chúng ta chấp nhận sự tồn tại của cỏ cây quanh mình như một lẽ đương nhiên mà không hề mảy may nghĩ đến gốc tích của chúng. Có phải chúng đều là loài thực vật bản địa? nếu không thì chúng từ đâu đến? tại sao chúng lại có mặt ở đây?… Vì thế, có thể đi dưới tán lá xà cừ, phượng vĩ, me tây…, ngắm những cánh hoa lay ơn, mõm sói, cẩm chướng, mi mô za, păng xê…, uống các tách cà phê, cacao…, mua nhiều loại rau củ như su hào, cà rốt, bắp cải, cà chua, khoai tây, cải soong, ngô, rau mùi, cần tây…, chọn những quả thanh long, hồng xiêm, chanh leo/chanh dây, lê ki ma/trứng gà, dưa hấu, dứa/thơm… song chúng ta lại không nhớ ra: chúng đều là loài thực vật ngoại lai. Được di thực vào Việt Nam từ lâu, theo thời gian, chúng đâm rễ, nảy chồi trong điều kiện nhiệt đới và sinh sống một cách thanh bình cạnh các loài thực vật bản địa. Không chỉ trở thành thứ rau xanh trong bữa cơm thường nhật, nhiều loài trong số chúng nằm trong danh sách hơn chục loài hoa trái xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thậm chí được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Nhưng những loài thực vật ngoại lai thì liên quan gì đến Alexandre Yersin? Có thể, chúng ta sẽ đặt câu hỏi này cho đến khi chợt nhận ra sinh giới mà nhà vi khuẩn học này say mê, không chỉ bao hàm các loài vi khuẩn mà còn có cả những loài thực vật. Những sinh vật rất giỏi tận dụng các nguyên liệu cơ bản của tự nhiên như nước, ánh sáng và không khí này không chỉ góp thêm vào sự đa dạng sinh học của thế giới chúng tồn tại mà còn đem lại rất nhiều lợi ích cho những sinh vật khác, trong đó có con người. Dĩ nhiên, với một người như Yersin, có muôn vàn khía cạnh khiến các loài thực vật trở nên đặc biệt thu hút: cỏ, mía cho trâu bò; sắn/khoai mì, lúa để tạo nguồn cung lương thực; hồ tiêu, vanilla, thuốc lá, cao su, cọ dầu, cà phê, coca… có tiềm năng tạo nguồn thu nhập ổn định…, và không thiếu những cẩm chướng, lan… cho các khu vườn của ông. Thậm chí ở khu thí nghiệm trên Hòn Bà – ngọn núi cao nhất Nha Trang mà Yersin và Armand Krempf, nhà sinh học biển Pháp và là giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học Nha Trang, cùng khám phá sau hai ngày đi thuyền và leo núi – cũng dành cho lan và các loài hoa ôn đới một nơi ương giống, trồng trọt. 

Ở khía cạnh này, Yersin không đi tiên phong. Ông chỉ là một trong số rất nhiều người châu Âu, trong quá trình “khai hóa văn minh” như cách nói của người Pháp, đã tham gia vào quá trình di thực nhiều loại rau quả, hoa, cây lấy gỗ, cây công nghiệp… từ nhiều nơi trên thế giới vào xứ xở này. Việc bứng các cây trồng từ những vùng đất xa lạ đến đây, dĩ nhiên, không chỉ để tô điểm cho cảnh sắc nơi chốn mà quan trọng hơn là để bắt đầu cho một quá trình khai thác thuộc địa trên quy mô lớn mà thành công nhất là cây cao su, cà phê và các đồn điền bạt ngàn ở Đông Nam Bộ, Tây nguyên, tương tự như những đồn điền cọ dầu, cao su mà người Hà Lan tạo dựng ở Indonesia và người Anh ở Malaysia. Nhân vật chính của quá trình di thực thời kỳ thuộc địa là hệ thống các vườn thực vật được đặt tại chính quốc và thuộc địa. Tại Việt Nam thời kỳ đó chính là Thảo Cầm viên Sài Gòn (khánh thành năm 1865) và Vườn Bách thảo Hà Nội (thành lập vào năm 1890), hai nơi được coi là những phòng thí nghiệm thực vật lớn nhất Đông Dương và thực nghiệm thành công nhiều loại cây mà ngày nay được trồng khắp Việt Nam, ví dụ cây cao su từ Brazil, chuối rẻ quạt, phượng vĩ từ Madagascar, xà cừ/sọ khỉ từ châu Phi, lê-ki-ma, hồng xiêm từ Nam Mỹ, dứa từ Paraguay và miền Nam Brasil… 

Quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông dương không chỉ dẫn đến những biến chuyển về xã hội, đất đai, môi trường, con người… mà còn tái định hình mối quan hệ giữa cây cối, con người và nơi chốn của bán đảo này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương không chỉ dẫn đến những biến chuyển về xã hội, đất đai, môi trường, con người… mà còn tái định hình mối quan hệ giữa cây cối, con người và nơi chốn của bán đảo này. Cũng như người Anh, Hà Lan trên các vùng đất mình xâm chiếm, họ đã nhào nặn và tạo ra một cảnh sắc, một thế giới để phục vụ nhu cầu của chính mình, rồi nuôi sống thế giới ấy bằng những dòng chảy di cư bất tận của con người, thực vật, động vật và mầm bệnh. Những dòng chảy vật chất đặc biệt này di chuyển giữa các trung tâm đô thị, nơi đặt bộ máy chính quyền thuộc địa, và các đồn điền, những cỗ máy sinh lời không ngơi nghỉ, và giữa các thuộc địa với nhau. 

Rất nhiều nảy sinh từ quá trình dịch chuyển ấy đã tác động trực tiếp đến chính quyền thuộc địa. Do đó, nếu bỏ qua các vườn thực vật và mối quan hệ của chúng với bối cảnh khai thác thuộc địa, có thể chúng ta sẽ không hiểu được vì sao các đội quân thực dân lại chăm chút cho nghiên cứu thực vật nhiều đến thế và vì sao các khu vườn này có thể được coi là giữ vai trò trung tâm trong quá trình thực dân hóa. 

Tất cả đã hòa quyện trong một loài cây có gốc tích Nam Mỹ mà rút cục được Yersin di thực thành công vào Việt Nam: cinchona/canh-ki-na/quinine/ký ninh.

Phương thuốc thần kỳ chống sốt rét 

Không phải đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thế giới mới biết đến tính năng thần kỳ của cinchona. Câu chuyện lưu truyền về loài cây Nam Mỹ bản địa họ Thiến thảo/Cà phê (Rubiaceae) cứu mạng nữ bá tước Chinchon, vợ của Phó vương Peru, khi bị sốt ngã nước. “Người bản địa nói rằng cứ lấy vỏ cây ấy sắc lấy nước, uống thì khỏi”, PGS. TS Trần Văn Ơn (Bộ môn Thực vật, ĐH Dược khoa Hà Nội) cho biết tình huống khiến người châu Âu biết đến “cây chữa sốt”. “Đến thế kỷ 18, nhà thực vật học Thụy Điển Carl Linnaeus đã đặt tên chi và loài cho cây thuốc. Khi đặt tên, ông nhớ đến tích này và lấy tên Cinchona để ghi nhớ một trong những người châu Âu đầu tiên được chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm vùng nhiệt đới”, anh nói.

Tuy được biết đến rộng rãi vào thế kỷ 18 nhưng cây canh-ki-na đã có lịch sử tồn tại lâu dài. PGS. TS Trần Văn Ơn nhận xét “Lịch sử sử dụng cây này vào khoảng 400 năm nhưng người thổ dân châu Mỹ người ta đã dùng từ rất lâu rồi”. Một đồng nghiệp của anh, Nataly Canales, nhà sinh học ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Đan Mạch đang truy dấu lịch sử di truyền của cinchona, năm 2021 trả lời trên BBC “Quinine đã được người bản địa Quechua, Cañari và Chimú mà ngày nay là Peru, Bolivia và Ecuador biết đến công dụng chữa sốt từ rất lâu trước khi người Tây Ban Nha đến”.

Cây cinchona/canh-ki-na/quinine/ký ninh. Nguồn: Wikipedia

Thật đáng ngạc nhiên, loài cây này cũng góp phần đặt một lằn ranh phân định giữa hiểu biết và mông muội của người châu Âu trong kháng cự lại bệnh sốt rét cũng như bệnh tật nói chung. “Trước thời kỳ thực dân, khi người châu Âu bị sốt rét, người ta thường đổ cho khí độc nên chữa trị bằng việc chích máu, uống thuốc xổ, thậm chí cắt chân, cắt tay…”, anh nói. “Trong quá trình xâm chiếm thuộc địa ở châu Á, Nam Mỹ, châu Phi, họ mới dần khám phá các loài cây cỏ có dược tính như cinchona”.

Phép màu của cinchona nằm trong đặc tính khác biệt của nó. Trong chi Cinchona có vài ba chục loài thì chỉ “vài loài chứa hàm lượng alkaloid rất cao trong vỏ và trong chất alkaloid này, thành phần chính là quinine”, PGS. TS Trần Văn Ơn nói. Giữa các nhóm chức thường xuất hiện trong các loài cây có dược tính, nhóm những hợp chất hữu cơ có chứa nhân dị vòng mang nitrogen này được nhiều nhà dược học và hóa học chú ý bởi tính hai mặt của nó: vừa gây kích thích hệ thần kinh trung ương, có thể đem lại sự hưng phấn, giảm đau, vừa có thể tác động nhiều chiều lên hệ thống trao đổi chất ở người và động vật… Tính hai mặt của alkaloid khiến người ta nhớ đến biểu tượng ngành dược: một con rắn quấn vào một cái bát có chân, tượng trưng cho sự khôn ngoan và cẩn trọng cần phải có trước tác dụng nhiều mặt của các dược chất. 

Quinine là một đại diện tiêu tiểu cho cả hai mặt tốt và xấu đó của alkaloid. “Quinine tuy có tác dụng kháng vi trùng sốt rét rất mạnh nhưng lại có điểm đáng chú ý là cực kỳ độc và tác dụng phụ của nó rất nhiều. Uống quinine vào có thể trị được sốt rét nhưng rất có nguy cơ làm mắt mờ, tai ù, uống nhiều thì có thể dẫn đến suy giảm thính giác trầm trọng, tim loạn, người bồn chồn”, PGS. TS Trần Văn Ơn nói. 

Tuy nhiên vào thời điểm cách đây hàng trăm năm thì quinine là ứng cử viên số một chữa sốt rét. Trong vòng 200 năm, người ta khai thác vỏ cinchona, xay và giã thành bột rồi mang về chính quốc sắc lấy nước rồi ngâm với rượu. Cho đến năm 1820, hai nhà hóa học và dược học Pháp Pierre Pelletier và Joseph Caventou lần đầu tiên phân lập được quinine và hoàn thiện quy trình tách chiết từ vỏ cinchona, qua đó tạo ra một phiên bản quinine tốt hơn, sử dụng thuận tiện hơn và dễ vận chuyển hơn. 

Tình trạng khai thác thuộc địa đi kèm với sự gia tăng số lượng đồn điền trồng các cây công nghiệp đã làm bệnh sốt rét lan tràn, không chỉ tác động đến người dân bản địa mà cả đội quân thực dân. Bộ phận quân y của Anh bắt đầu sử dụng quinine từ năm 1848 để chữa trị cho binh lính. “Người ta chặt gần hết các cây ở vùng bản địa đi, bóc vỏ nó cho nhanh. Và cinchona bắt đầu hiếm. Đó là lý do người ta nghĩ đến chuyện di thực nó sang những vùng đất khác”, PGS. TS Trần Văn Ơn nói.

Cinchona đã trở thành công cụ quyền lực của các đế chế, giúp họ thêm an toàn ở các vùng thuộc địa nhiệt đới. Nhưng trong cuộc cạnh tranh này, người Pháp lại chậm chân hơn đối thủ gần cả trăm năm.

Nhu cầu cinchona tăng đột biến khi các đế chế châu Âu mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở châu Phi và châu Á, ví dụ vào những năm 1930, riêng vùng Vân Nam, Trung Quốc cần đến 16 tấn cinchona để điều trị sốt rét. Điều này dẫn đến sự hình thành mạng lưới trồng trọt cinchona toàn cầu, với sáng kiến của Anh và Hà Lan vào giữa thế kỷ 19. Các nhà thực vật học và địa lý học như Clements R. Markham, Richard Spruce, đã lén mang các hạt cây cinchona ra khỏi Nam Mỹ và trồng ở Vườn thực vật Calcutta, Ấn Độ và Vườn thực vật hoàng gia Kew, Anh vào những năm 1850 để thuần hóa. Đây là một cách làm khôn ngoan bởi trong thời gian từ năm 1848 đến 1861, Chính phủ Anh đã phải dành mỗi năm một khoản tương đương 6,4 triệu bảng ngày nay để nhập khẩu vỏ cinchona cho đội quân thực dân của mình. Người Hà Lan cũng bắt đầu tự trồng “cây sốt” vào những năm 1860, lập đồn điền trồng loài cây này ở đảo Java. Với sự hỗ trợ của các vườn thực vật, một mạng lưới trồng trọt toàn cầu và hiểu biết có hệ thống về thực vật đã được mở rộng khắp các thuộc địa Ấn Độ, Nam Phi, Caribe, Ceylon (Sri Lanka), Indonesia… 

Cinchona đã trở thành công cụ quyền lực của các đế chế, giúp họ thêm an toàn ở các vùng thuộc địa nhiệt đới. Nhưng trong cuộc cạnh tranh này, người Pháp lại chậm chân hơn đối thủ gần cả trăm năm.

Chờ người mát tay

Ở Đông Dương, sự xáo trộn về con người và môi trường đã làm bệnh sốt rét từ vùng núi lan xuống đồng bằng. Phu ở các đồn điền nhiễm sốt rét không chỉ làm thiệt hại về kinh tế cho các đồn điền mà còn khiến bùng lên nguy cơ người da trắng ở thuộc địa cũng bị mắc bệnh.  

Người Pháp đứng ngồi không yên. Nhu cầu điều trị sốt rét toàn cầu khiến Cinchona cũng trở thành một món hàng béo bở bậc nhất toàn cầu. Người Hà Lan đã bắt đầu hưởng thụ lợi nhuận kinh tế từ cây này: từ năm 1890 đến tận năm 1940, công ty Đông Ấn Hà Lan đã vượt qua công ty Đông Ấn Anh để chiếm ưu thế trên thị trường cinchona khi chiếm 90% chuỗi cung cấp toàn cầu.

Bồn đá trong khu vườn thí nghiệm của Yersin trên đỉnh Hòn Bà. Nguồn: Hội Ái mộ Yersin Nha Trang.

Người Pháp từng bắt đầu thử nghiệm trồng cây cinchona vào năm 1848 nhưng đều thất bại. Vào năm 1869, những hạt giống cinchona được chuyển từ Vườn thực vật Buitenzorg, Java đến Thảo Cầm viên Sài Gòn giao cho nhà thực vật học Jean Baptiste Pierre, giám đốc đầu tiên của nơi này (từ năm 1865 đến năm 1877). Cũng không ăn thua. Đơn giản là cinchona, với những đòi hỏi về môi trường sinh trưởng nghiêm ngặt, thuộc nhóm thực vật khó trồng bậc nhất sinh giới. Cinchona chứa hàm lượng quinine cao cần được trồng ở 10° vĩ độ Bắc đến 20° vĩ độ Nam, tại cao độ từ 1.200 đến 2.000m so với mực nước biển, trong dải nhiệt độ từ 18°C đến 22°C, lượng mưa trung bình hằng năm từ 2,5 đến 3,5 mét và mức độ dao động về độ ẩm đất hàng tháng thấp.

Nỗ lực của Toàn quyền Đông dương Paul Bert vào năm 1886 khi thí điểm trồng cinchona ở Ba Vì, Hà Nội, cũng thất bại. Một trong những nguyên nhân là vào thời điểm này, ‘known-how’ về kỹ thuật trồng cinchona được người Anh, Hà Lan coi như bí mật quốc gia. 

Tuy nhiên, người Pháp còn có một con át chủ bài khác, Yersin, người có bàn tay vàng khi thành công với cây cao su. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Yersin bắt đầu khảo sát các địa điểm phù hợp để chọn lấy một nơi tối ưu. Việc khám phá Hòn Bà cùng Armand Krempf cũng là một phần của việc di thực cây cinchona. Trong bài báo “Le Hon Ba” xuất bản năm 1944, ông đã kể lại phần việc mình đã thực hiện vào năm 1914: “Núi Suối Giao đặc biệt hấp dẫn tôi, vì lúc đó tôi đang tìm kiếm đất ở độ cao, cạnh đồn điền, để thử nghiệm trồng nhiều loại cây. Đặc biệt hơn, tôi đã du nhập và thuần hóa cây canh-ki-na tại Việt Nam. Các thử nghiệm đầu tiên ở đồng bằng tại Suối Giao đã thất bại, điều đó không có gì ngạc nhiên, bởi vì theo các nhà thực vật học, cây canh-ki-na là loại cây chỉ sống trên núi, ở cao độ khoảng 1.500m và chỉ ở vùng xích đạo”. Mục tiêu của ông lúc này là “thăm dò Suối Giao, lập bản đồ, tìm kiếm một vị trí thích hợp để thiết lập một trạm thử nghiệm”.

Dẫu được coi là mát tay thì Yersin không tránh khỏi thất bại ở chính Hòn Bà, trên cả cây ươm từ hạt và ghép. Những gì còn sót lại ở đây, trên đỉnh Hòn Bà, một khoảng vườn cây mọc lô xô, một vài bồn ươm cây giống bên cạnh nếp nhà gỗ hai tầng phần nào giúp chúng ta mường tượng về những ngày ông ở lì ở đây vì canh-ki-na. “Việc di thực rất khó, một là cây chết, hai là sống nhưng phẩm chất của nó đã kém đi, và thậm chí là thoái hóa theo thời gian. Thoái hóa ở đây có thể là giảm đi các hoạt chất”, PGS. TS Trần Văn Ơn phân tích. “Việt Nam mình du nhập nhiều giống cây dược liệu lắm, cả trăm cây nhưng thất bại cũng nhiều. Phải mất rất nhiều thời gian mày mò, thất bại rồi thì mới có cây sống được”. 

Nhận xét đó phản ánh đúng nỗ lực suốt hai thập kỷ của Yersin. Canh-ki-na trên Hòn Bà phát triển chậm, đã thế còn dễ bị đốm lá rỉ sắt, một căn bệnh khủng khiếp của thực vật vì làm lá vàng và rụng sớm, cành cây bị teo tóp, chồi phát triển kém và có thể héo khô. Yersin cho rằng cây Canh-ki-na không phát triển được trên Hòn Bà vì đất có tỷ lệ đạm thấp và nghèo mùn nên cần một nơi mới. 

Năm 1923, ông đưa 300 cây lên trồng ở Dran, trên cao nguyên đất đỏ Đồng Nai Thượng. Hai năm sau, tất cả các cây bắt đầu ra hoa. Cây phát triển nhanh khiến mọi người cũng cảm thấy lo lắng bởi liệu điều này có ảnh hưởng đến hàm lượng quinine trong vỏ cây không? Kết quả phân tích ở phòng thí nghiệm sinh hóa ở Paris vào năm 1926 khiến ai nấy thở phào: hàm lượng tương đương với cây ở Java (8 đến 10%). Không có nỗ lực nào bỏ ra lại không được đền đáp, nhất là khi nỗ lực ấy được khoa học dẫn đường. 

Đó là lý do vào năm 1933, ông mua thêm mua 180 ha đất ở vùng Di Linh, năm 1933, mua thêm 460 ha đất đỏ và cuối cùng là 686 ha để thử nghiệm sản xuất quinine ở qui mô bán công nghiệp. Năm 1936, Yersin bắt đầu khai thác phần lớn cây canh-ki-na, thu về 29.600 kg vỏ, sản xuất được 2.045 kg quinine tinh chế. 

Vào năm 1923, khi Yersin còn đang chật vật thì Viện Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Đông Dương (ERAFI)  đã nhập nội giống canh-ki-na từ Java và thử nghiệm trồng ở ba nơi là Lang Hành (độ cao 500 mét), Mang Yang (độ cao 800 mét), Thủ Pháp (Sơn Tây cũ dưới 400 mét), mỗi nơi khoảng 10 ha. Nhưng kết quả là giống của IRAFI kém hơn của Viện Pasteur Nha Trang, và kết quả khiêm tốn hơn nhiều.

Với suy nghĩ của một nhà khoa học muốn thử nghiệm khai thác ở nhiều góc độ khác nhau để tìm ra phương án tốt nhất, Yersin còn kết hợp với nhà nghiên cứu ở ĐH Dược Paris và công ty chế biến Quinquina ở Pháp để cùng nghiên cứu phẩm chất quinine trên nhiều giống canh-ki-na khác nhau, được khai thác ở nhiều vụ khác nhau, trồng trên các loại đất khác nhau và trên những bộ phận khác nhau của cây. “Giai đoạn thử nghiệm thích nghi cây Quinquina trên đất Đông Dương của chúng tôi còn lâu mới kết thúc. Mỗi ngày xuất hiện những việc mới và những khó khăn không lường trước được. Nhưng chúng tôi hy vọng giải quyết những bất cập luôn luôn nảy sinh bằng những biện pháp thích hợp mà kinh nghiệm sẽ gợi ý cho chúng tôi”, ông viết trong bài báo cuối cùng về di thực cây canh-ki-na, xuất bản năm 1939 trên tạp chí Revue de Botanique appliquée (chuỗi bài này của ông gồm 6 bài, xuất bản từ năm 1927 đến năm 1939). 

Một công bố của A. Yersin và A. Lambert về canh-ki-na, “Essais d’Acclimatation de L’arbre a quinquina en Indochine”.

*****

Lịch sử luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà đôi khi người ta không tưởng tượng nổi. Từ một loài cây được săn đuổi bậc nhất thế giới, cứu hàng triệu triệu người khỏi sốt rét, và hơn nữa trở thành công cụ quyền lực của các đế chế, canh-ki-na vụt trở thành một loài cây bị lãng quên. Sự thăng giáng của canh-ki-na theo dòng thời cuộc gắn liền với việc Hans Andersag và cộng sự tại phòng thí nghiệm công ty dược phẩm Bayer AG tổng hợp được chloroquine kháng vi trùng sốt rét vào năm 1934. “Lập tức người ta chuyển sang dùng thuốc này và bỏ quinine đi. Sau một thời gian, vi trùng sốt rét lại kháng được chloroquine và người ta lại quay trở lại quinine. Người ta vẫn túc tắc dùng chứ không bỏ, cho đến khi cách đây khoảng 40 năm, trong một dự án của Trung Quốc mà Việt Nam có tham gia, chứng minh được cây thanh hao hoa vàng (Artemisia annua) có khả năng chống sốt rét và lại không bị kháng. Thế là người ta lại ùn ùn chuyển sang trồng trọt và khai thác cây thanh hao hoa vàng”, PGS. TS Trần Văn Ơn kể.

Chuyện kể về cây canh-ki-na diễn ra trong không khí trầm mặc ở Bộ môn Thực vật, ĐH Dược Hà Nội, ở căn phòng mà cách đây cả trăm năm thuộc về trường Y khoa Đông Dương, một hệ thống cơ sở vật chất được Yersin ấp ủ lên kế hoạch từ khi trường Y còn đặt ở Thái Hà. Bàn làm việc, tủ sách gỗ lim lên nước đen bóng, những cuốn sách dược liệu cũ, mới như những chứng nhân về một khởi điểm của nền dược học Việt Nam hiện đại và cả những thăng trầm của nó. PGS. TS Trần Văn Ơn nói “Cây canh-ki-na nay đã trở thành cây lịch sử. Khu trồng canh-ki-na của ông Yersin ở Lâm Đồng đã không còn, sau này có đi tìm thì chẳng thấy cây nào…” (theo Hội Ái mộ Yersin, vào tháng 8/2020 mới tìm được dấu vết canh-ki-na tại Xuân Thọ, Lâm Đồng). 

Yersin cũng là một người di cư và một cái cây ngoại lai tự bứng mình khỏi gốc rễ châu Âu để rồi chọn lấy cho mình một nơi mới, Việt Nam và xây dựng một chốn Utopia ở Nha Trang. Ông đã dành cả cuộc đời của mình ở nơi này, bằng cả khối óc và đôi tay đem điều kỳ diệu đến cho mọi người một cách vô vụ lợi.

Không giống như cây cao su hay những loài cây được di thực khác, số phận của canh-ki-na khiến lòng người bùi ngùi. Nhưng những gì mà canh-ki-na nói riêng và những cây di thực khác của đế chế đã dự phần ở Việt Nam cho thấy một điều: chúng đem lại lợi ích cho nơi chốn mới, bất kể chúng bắt nguồn từ đâu. Những cuộc tranh cãi về thực vật bản địa và phi bản địa vẫn đang liên tục diễn ra quanh các câu hỏi: loài nào có ích, loài nào có hại? chúng ta có nên chỉ khuyến khích việc trồng các cây bản địa và cấm, hoặc ít nhất giới hạn, các loài ngoại lai? phải ứng xử như thế nào với cây ngoại lai?… Trong một nghiên cứu của ĐH Geneva và Vườn thực vật Geneva, các nhà khoa học đã chứng minh 95% loài cây ở thành phố này là thực vật phi bản địa. Không chỉ góp phần vào đa dạng sinh thái, chúng còn giúp nâng cao chất lượng môi trường và cuộc sống của con người, nếu xét từ cách tiếp cận dịch vụ sinh thái. Đáng chú ý, chỉ có 5% trong số cây phi bản địa có tiềm năng dẫn đến vấn đề khó xử cho môi trường sinh thái. 

Đóng góp của cây cối cho không gian sinh tồn mới khiến người ta không khỏi nghĩ đến sự đóng góp của những dòng người di cư trong lịch sử và hiện tại ở nơi đến nhưng ít khi được đánh giá đúng mức. Có lẽ, khi nghĩ đến điều này, người ta rồi cũng nhớ ra: Yersin cũng là một người di cư và một cái cây ngoại lai tự bứng mình khỏi gốc rễ châu Âu để rồi chọn lấy cho mình một nơi mới, Việt Nam và xây dựng một chốn Utopia ở Nha Trang. Ông đã dành cả cuộc đời của mình ở nơi này, bằng cả khối óc và đôi tay đem đến những điều kỳ diệu cho mọi người một cách vô vụ lợi.

Khởi thủy là hành động. Tình yêu Yersin dành cho con người và mảnh đất này gắn liền với việc bắt tay vào giải quyết những vấn đề của người bản xứ, trong phạm vi có thể của mình, điều mà mục sư Martin Luther sau này diễn tả thành lời “Câu hỏi dai dẳng và thôi thúc nhất cuộc đời là ‘anh đang làm điều gì cho những người khác’?”.

Tinh thần nhân văn trong những nỗ lực phi thường đó khiến người ta luôn trân trọng di sản của Yersin, bất chấp “vật đổi, sao dời”.□ (Còn tiếp)

———————————

Tài liệu tham khảo:

“Botanical decolonization: rethinking native plants”. Tomaz Mastnak, Julia Elyachar, Tom Boellstorff. Environment and Planning D: Society and Space. 2014

“Products of the Empire: Cinchona: a short history”. Cambridge University Library. 

Kỷ yếu hội thảo “Alexandre Yersin (1863- 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”. Tháng 3/1991. Thư viện Lâm Đồng

“Cultivating China’s Cinchona: The Local Developmental State, Global Botanic Networks and Cinchona Cultivation in Yunnan, 1930s–1940s”. Yubin Shen. Soc Hist Med. 2021

Tập chuyên san kỷ niệm 159 ngày sinh của bác sĩ A. Yersin. Hội Ái mộ Yersin Nha Trang

“Cây cối mang lợi ích đến cho xã hội, bất kể nguồn gốc”. Nguồn: tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/cay-coi-mang-loi-ich-den-cho-xa-hoi-bat-ke-nguon-goc-26640/

Yersin ở Việt Nam (Kỳ cuối): Chuyến đi cuối cùng của một đời phi thường

Nếu nói như văn hào Bernard Shaw “Cuộc sống không phải là để tìm kiếm bản thân mình, mà là để tạo ra chính mình” thì Alexandre Yersin đã vượt khỏi lằn ranh này. Dẫu sự lao động miệt mài đủ đem lại cho mình một vị trí vững chắc trong lịch sử khoa học thế giới và Việt Nam, điều ông hướng đến chính là sự nhân văn, bởi “ý nghĩa duy nhất của cuộc đời là phụng sự con người” (Lev Tolstoy).

Tượng Alexandre Yersin đặt tại Công viên Yersin ở thành phố Nha Trang.

Ở bảo tàng nhỏ mang tên Yersin đặt trên lầu ngôi nhà sơn màu vàng nhạt nằm trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang, thời gian như ngưng đọng hàng thập kỷ. Chúng tôi và cả hướng dẫn viên Cao Hoàng Đoan Thục lặng lẽ đi thêm một vòng nữa quanh bảo tàng… Không gian vỏn vẹn 100m2 tĩnh lặng, ánh nắng chói chang giữa hè được lọc qua tán cây và rèm cửa chợt trở nên nhẹ nhõm, hắt những dải sáng dịu dàng lên các bức ảnh, tủ sách, kính hiển vi và những hiện vật được trưng bày khác trong bảo tàng. “Nước sơn son thếp vàng phai đi, chỉ có da còn mãi”, người kể chuyện thần tiên Hans Christian Andersen từng nghe thấy tiếng thì thầm như lời nhắc nhở về sự trường tồn của những giá trị đích thực, khi đi qua hàng lang ngôi nhà cổ một thời hội hè phù hoa. Tinh thần ấy cũng toát lên ở đây, một hiển thị đời người quá đỗi giản dị và khiêm cung, khiến mọi tụng ca cũng tự thấy e dè bởi nỗi sợ mạo phạm đến chính sự giản dị ấy. 

Yersin có đọc chuyện thần tiên của Andersen không nhỉ? Khi Yersin ra đời vào năm 1863 thì Andersen đã là một tên tuổi lớn trên văn đàn châu Âu, tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng… Một tâm hồn trong trẻo như Yersin chắc hẳn không bỏ lỡ. Đến tận cuối đời, ông vẫn giữ được sự trong trẻo, tươi mới và óc tò mò như trẻ thơ. Tủ sách hơn 2.200 cuốn của Yersin không thiếu những cuốn sách đẹp đẽ dành cho nhi đồng, và một điều lạ là ở những năm trước khi qua đời, “ông bắt đầu học trở lại tiếng Hy Lạp và Latin một lần nữa”, dòng cuối về người ngự lâm quân ưu tú này trên trang web Viện mẹ Pasteur ẩn giấu một sự kinh ngạc trìu mến và cả niềm ngưỡng mộ khôn nguôi. 

“Cuộc đời tự nó đã là một câu chuyện thần tiên kỳ diệu nhất”, Andersen từng nói vậy, bất chấp bầu không khí kỳ ảo ông vẽ lên từ những trang sách. Khi soi chiếu ánh sáng này vào Yersin, người ta thấy tỏa rạng sự thuần khiết, vô vụ lợi, những thứ không phải cứ cố là có được.

Theo thời gian, nếu Đông Dương chỉ là một dấu chấm trên hành trình của những người Pháp xuất sắc như Albert Calmette, Noël Bernard, Paul Simond, Henri Jacotot… thì ngược lại, Yersin vĩnh viễn khắc vào tim mình địa danh này, hay ở độ phân giải chi tiết hơn là Nha Trang, để rồi không bao giờ lìa xa nó.

Phải chăng Yersin được sinh ra là cho Việt Nam?

***

Alexandre Yersin và Henri Jacotot. Nguồn: Bảo tàng Pasteur.

Khi đến xứ An Nam, một Yersin ở độ tuổi “tam thập nhi lập” háo hức với những miền đất mới. Thật khó diễn tả thành lời cảm xúc nảy nở từng ngày trong ông, một phần ngay từ khi ở Viện Pasteur, ông cũng không ưa bộc lộ ý nghĩ sâu kín của mình. Trong cuốn Alexandre Yersin, le vainqueur de la peste (Alexandre Yersin, người chiến thắng bệnh dịch hạch), xuất bản năm 1985, Henri H. Mollaret và Jacqueline Brossollet đã nhấn mạnh đến sự thật là ông “chỉ cảm thấy thoải mái ở giữa bọn trẻ và những người yếm thế trong xã hội”. Có thể lý giải thêm theo cái nhìn của Hubert Marneffe, người kế vị chức Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn và Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương, “ông đã hào phóng trao toàn bộ trái tim và lòng tốt cực độ của mình cho họ”. 

Thật khó hình dung ra một Yersin nào khác. Cũng không khó để cắt nghĩa vì sao con người rụt rè ấy lại có thể thu phục được nhân tâm người Tây Nguyên. Có điều gì đó toát ra ở con người này khiến người bản địa cảm thấy dễ chịu, tin tưởng ngay từ lần gặp đầu. Những thước phim ông chụp trong chuyến thám hiểm năm 1892-1894, trước thời điểm ông nhận lệnh lên đường sang HongKong, giờ được lưu trữ ở bảo tàng Pasteur Paris. Một số rất ít ỏi trong đó được in thành các bưu ảnh xinh xắn, bày bán ở rìa phòng trưng bày của bảo tàng Yersin. Trong các bức ảnh ông chụp, những khuôn mặt đẹp đẽ, ánh nhìn tin cậy, vẻ thoải mái, tự do pha chút tò mò, những con lợn, con voi cũng bình thản… – tất cả cho thấy người cầm thiết bị quang học ghi lại những khoảnh khắc ấy không phải một quan Tây hiếu kỳ trước những biểu hiện của văn hóa ngoại lai mà là người bình đẳng với họ. “Đó là những con người có vóc dáng cao lớn, thân chỉ quấn khố. Khuôn mặt họ khác rất nhiều so với người An Nam, dáng vẻ cũng kiêu hãnh hơn và man dã hơn… Các làng chỉ gồm duy nhất một ngôi nhà nhưng rất lớn, được dựng trên các cây cột. Đây thực sự là một cuộc sống cộng đồng. Ở chỗ người Mọi, tiền không có giá trị gì”, các dòng miêu tả ngắn gọn của ông về người Tây Nguyên trong bức thư gửi mẹ rất gần với những ghi chép dân tộc học. Bản thân từ “Mọi” mà ông dùng, thuở ấy cũng không mang nghĩa hạ thấp như cách hiểu sau này; nguyên thủy của từ này là “tơ moi” (khách) của người Ba Na. 

Yersin cũng thấm thía hơn rằng trên trái đất này, không có nền văn hóa nào cao hơn hay thấp hơn, tốt hơn hay đúng hơn, bởi tất cả mọi người đều nhìn thế giới qua lăng kính văn hóa của chính họ và đánh giá nó theo quan điểm của riêng họ.

Trong ba chuyến đi khám phá các vùng đất chưa có trên bản đồ, Yersin thường được đón tiếp theo tục lệ địa phương – “ở làng của B Doï, anh ta trải chiếu xuống trước mắt các vị khách rồi đặt nước và mấy bình rượu gạo xuống” – thậm chí khi đến làng của tù trưởng Kheung, ông được Kheung mời làm trung gian hòa giải với làng bên cạnh khỏi một mối bất hòa tồn tại đã lâu. Ông thường chất đầy những vải vóc, đồ dùng thiết yếu và cả thuốc men, vaccine… trong chiếc rương nổi tiếng – giờ được phủ tấm vải đỏ và đặt trong bảo tàng – để tặng, tiêm phòng hoặc trao đổi với người Mọi… 

Nếu chiếu theo phương pháp tiếp cận dân tộc học là hòa nhập vào đời sống của cộng đồng dân cư địa phương, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt hằng ngày với họ, phỏng vấn và ghi chép lại tỉ mỉ những gì quan sát được, những tương tác qua lại với người bản địa thì có lẽ, Yersin đã có những quan sát dân tộc học theo đúng nghĩa của nó. “Những người Pháp ở Phnom Penh không thể tin được là con không ăn gì ngoài gạo trong vòng hai tháng. Người bản xứ hài lòng với điều đó và khi không có gì khác để ăn thì con cũng phải làm như họ thôi”, Yersin viết trong thư gửi mẹ từ Phnom Penh ngày 16/6/1892. “De Nha Trang à Tourane par les pays moïs” (Từ Nha Trang đến Tourane qua vùng đất người Mọi), tập ghi chép dày 35 trang được ông xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1894. Sau đó, Yersin được Bộ môn Nhân học, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Pháp mời nói chuyện về những phát hiện mới này. Năm 2016, NXB độc lập Editions Olizane Thụy Sĩ đã tập hợp các bài viết của Yersin trên nhiều tạp chí và ấn phẩm khác nhau từ năm 1893 đến năm 1943 để in thành cuốn sách dày 218 trang “Voyages chez les Moïs d´Indochine” (Những chuyến đi đến vùng đất người Mọi ở Đông Dương).

Những cuộc tiếp xúc với người bản địa có tác động nhiều đến Yersin không? Ngoài những dữ liệu về nhân khẩu xã hội học và môi trường, ắt hẳn Yersin cũng thấm thía hơn rằng trên trái đất này, không có nền văn hóa nào cao hơn hay thấp hơn, tốt hơn hay đúng hơn, bởi tất cả mọi người đều nhìn thế giới qua lăng kính văn hóa của chính họ và đánh giá nó theo quan điểm của riêng họ. 

Đó là lý do khiến Yersin đồng cảm với người dân địa phương. Ngay trong bức thư gửi mẹ từ Sài Gòn, đề ngày 8/2/1891, chúng ta có thể lờ mờ nhận ra điều đó: “Một trong số những bệnh nhân của con có ngón tay sưng tấy, đau nhức khủng khiếp nhưng sau điều trị đã trở nên tốt hơn nhiều. Ông ấy trao cho con hai con vật nhỏ, một con chim và một con tôm mà giờ đang được treo ở cửa sổ phòng con. Khi đến túp lều của ông ấy để khám bệnh, con đã nhìn thấy chúng và nói với ông ấy là chúng thật thú vị… Con dần hiểu tại sao sẽ không dễ dàng gì, sau khi sống một thời gian nhất định ở đất nước này, ai rồi cũng khó điều chỉnh lại nhịp sống của mình để phù hợp trở lại với lề thói châu Âu”. 

“Yersin là nhà tiên tri theo nghĩa ngay từ đầu ông đã hiểu rõ được những thành tựu của khoa học đạt được ở châu Âu sẽ được áp dụng để phục vụ cho những vùng luôn bị dịch bệnh đe dọa. Yersin thực sự đã làm điều mà ngày nay chúng ta mới có từ để chỉ, đó là giúp đỡ cho sự phát triển”.

(Peter Friederich, đại sứ Thụy Sĩ)

***

Ở Xóm Cồn, Yersin xây một ngôi nhà vuông một trệt, hai lầu có hành lang chạy dọc xung quanh trên nền một lô cốt cũ sát mép nước, nơi một nhánh của con sông Cái đổ ra biển. Người Xóm Cồn gọi đó là lầu ông Tư, chốn thân thuộc họ thường ghé chơi, thậm chí trú ngụ khi có bão lớn về. Không chỉ cởi mở với người ở đây, Yersin thường mở cửa cho người chốn khác tới tham quan. Trong số ra ngày 17/6/1943 của Nam Kỳ tuần báo – tờ báo Quốc ngữ xuất bản số đầu tiên vào tháng 10/1897 – có bài viết đề cập đến ngôi nhà của Yersin “Một người khách đàn bà coi đã thạo Nha Trang xen vào ‘Nó không phải ngôi nhà đồ sộ đâu. Ông sống giản dị, nhà cửa đơn sơ. Nhưng sách thì nhiều lắm. Lại đó mà coi sách của ông. Ông rất dễ. Ai muốn đi coi cũng được. Nhiều khi sợ khách ngại, ông lánh mặt để khách được tự do xem xét’”.

Lầu ông Tư nay chỉ còn trong các bức ảnh do chính Yersin chụp. Nguồn: Bảo tàng Pasteur.

Ở ngôi nhà mà giờ chỉ còn hiển thị trên những bức ảnh do chính tay Yersin chụp, Yersin đã có một cuộc sống bình dị, đầm ấm giữa những người ông cảm mến, gắn bó. Sau cái chết của thầy Pasteur, mẹ và chị gái, Yersin đã coi dân Xóm Cồn là người trong nhà. Nhà văn Cung Giũ Nguyên, một trong những người trẻ tuổi may mắn được tiếp xúc với Yersin khi ấy, đã ghi lại “Yersin yêu mến đám dân hèn mọn mà ông biết ngôn ngữ, ông ưa thích dân tộc tầm thường ấy vì nhận ra được sự tế nhị, lễ phép, hiền hậu, tính tình bỉnh thản, cũng như sự khéo tay, tài quan sát, lanh lẹ, những đức tính ăn khớp với tính ông. Và những người Việt Nam cũng yêu đức tính Yersin vì nhận ra nơi ông sự giản dị, kín đáo, nhút nhát được xem như là một dạng của lễ phép, sự dịu hiền, lòng khoan dung vô hạn, sự khinh miệt hào nhoáng giả dối và những bề ngoài vô bổ, bao nhiêu điều phù hợp với truyền thống nhân bản của họ, phù hợp với những quan niệm lâu đời của họ về cái tâm”. Nam Kỳ tuần báo nhận xét về tính nhân hậu của ông mà người đời ngưỡng mộ “Có tích mới dịch ra tuồng. Người ta không bỗng dưng bịa đặt ra sự nhơn đức của một kẻ bạc ác để mà tán tụng”.

Trong thế giới quan của Yersin, mọi người, mọi vật đều bình đẳng một cách lạ lùng. Vào những năm 1990, ông Phạm Văn Phê, điều chế viên làm việc tại Viện Pasteur Nha Trang từ năm 1927, kể Yersin có thói quen dùng đại từ nhân xưng “người ta” cho tất thảy người, vật, dù ở số ít hay số nhiều. “Tôi thả người ta ra hết rồi. Tôi nhốt người ta lâu quá, người ta buồn. Người ta muốn ở với tôi thì ở, người ta không muốn ở thì người ta cứ đi…”, Yersin từng nói như vậy khi ông Phê hỏi vì sao lại thả đám chim mình vẫn chăm chút. Kỳ lạ là “người ta” cứ quyến luyến, không chịu bay đi, dù đã được thả.

“Những người Việt Nam cũng yêu đức tính Yersin vì nhận ra nơi ông sự giản dị, kín đáo, nhút nhát được xem như là một dạng của lễ phép, sự dịu hiền, lòng khoan dung vô hạn, sự khinh miệt hào nhoáng giả dối và những bề ngoài vô bổ, bao nhiêu điều phù hợp với truyền thống nhân bản của họ, phù hợp với những quan niệm lâu đời của họ về cái tâm”.

Nhà văn Cung Giũ Nguyên

Những tháng ngày đẹp đẽ của Yersin trôi đi như vậy ở Nha Trang. Những thập kỷ sau, đôi khi, người ta vẫn tự hỏi vì sao một người xuất sắc, một ngự lâm quân mà tương lai ở Viện mẹ Pasteur hứa hẹn rực rỡ, có thể kế thừa vị trí của Pasteur hay Roux, lại chọn chốn này? Ông nghĩ rằng mình sẽ làm được nhiều thứ ở đây ư? Trong những thước phim tài liệu A. Yersin – Vainqueur de la paste” (A. Yersin – người chiến thắng bệnh dịch hạch) của đạo diễn Stefan Kleeb năm 2016, đứa trẻ con một điều chế viên Viện Pasteur Nha Trang mà khi phỏng vấn đã ngoài 70, nghẹn ngào kể rằng “ông thường hay lái ô tô đi làm nhưng kể từ khi có một đứa trẻ nhìn thấy ô tô, sợ quá ngã lăn ra, ông không đi ô tô nữa mà đi xe đạp… Khi chúng tôi hỏi ông về chiến tích ở HongKong, ông không nói gì mà chỉ làm động tác vất vật gì đó qua vai”. 

Một Yersin coi việc phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch chỉ là một trong những việc đáng làm và cần làm chứ không phải để lưu danh tên tuổi. Năm thập niên sau, Peter Friederich, đại sứ Thụy Sĩ, cho rằng “Yersin là nhà tiên tri theo nghĩa ngay từ đầu ông đã hiểu rõ được những thành tựu của khoa học đạt được ở châu Âu sẽ được áp dụng để phục vụ cho những vùng luôn bị dịch bệnh đe dọa. Yersin thực sự đã làm điều mà ngày nay chúng ta mới có từ để chỉ, đó là giúp đỡ cho sự phát triển”.

***

Ở Nha Trang, Yersin có ba ngôi nhà, một là lầu ông Tư giữa Xóm Cồn, hai là mái nhà nhỏ ven sườn núi nhìn xuống trang trại Suối Giao/Suối Dầu và ba là căn nhà gỗ hai tầng ở đỉnh Hòn Bà, nơi ông chăm chút ương trồng cây cối. Đó cũng là toàn bộ chốn địa đàng Utopia mà ông dựng lên, một nơi đẹp đẽ như thiên tiên, nơi mang lại những liều vaccine hay huyết thanh kháng bệnh cho người và trâu bò. 

Hơn ngàn bức thư của Yersin là một di sản vô giá mở cánh cửa đưa hậu thế bước vào thế giới tâm hồn của ông, đồng thời có thể giúp hiểu được những quan sát, suy nghĩ, hành động của một người Pháp ở Đông Dương. 

Ông có tự cô lập mình khỏi thế giới ông từng sống? Không, trong suốt cuộc đời mình, ông viết cả ngàn bức thư gửi mẹ Fanny Moschell (từ năm 1884 đến năm 1905), trong đó nhiều bức dài tới hơn 10 trang, và cho chị Emilie (từ năm 1906 đến năm 1936) cũng như hàng trăm bức khác cho Roux, Calmette… Đó là một di sản vô giá mở cánh cửa đưa hậu thế bước vào thế giới tâm hồn của ông, đồng thời có thể giúp hiểu được những quan sát, suy nghĩ, hành động của một người Pháp ở Đông Dương. 

Việc định cư và lập nghiệp ở Nha Trang và tạo dựng chốn Utopia của mình, Yersin đã trốn thoát khỏi chiến tranh, những âm mưu chính trị đầy rẫy ở châu Âu thời kỳ đó, một chốn phản địa đàng Dystopia, theo cách nhìn của ông. Đó là hai cuộc chiến tranh thế giới khiến cả Roux, Calmette và những người ở Viện Pasteur đều phải dự phần, đó cũng là nơi ông mất đi những người bạn như Paul Doumer… Có lẽ, ở góc độ nào đó thì cả chiến tranh cũng bắt kịp ông…

Và cả thời gian. Cuộc đời con người, dài ngắn vô chừng, Yersin còn chứng kiến những chia cắt vĩnh viễn mà ông không thể thản nhiên nghĩ rằng “từ cát bụi lại trở về cát bụi”. Đó là một phần của cuộc đời ông, một phần của thế giới ông sống. Calmette nồng hậu và tràn đầy tình nhân ái qua đời vào tháng 10/1933 ở tuổi 70, vị thánh khổ hạnh Roux, người từng khiến Yersin chia sẻ với mẹ “điều khiến con hạnh phúc hơn là từ rất lâu rồi, con đã mong ước có được sự thấu hiểu của một người ngay thẳng và đáng kính như vậy”, cũng ra đi một tháng sau ở tuổi 80. Có lẽ, cảm giác của Yersin cũng như cảm giác của Pierre Darriulat, nhà vật lý Pháp chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai, khi phải lìa xa những người bạn “Khi chúng ta ngày một già hơn thì những người bạn của chúng ta ngày một mất dần. Thế giới mà chúng ta sống đang mờ dần đi trong sương mù, cái thế giới ấy dường như không thuộc về chúng ta nữa”…

Mái nhà nhỏ ven sườn núi nhìn xuống trang trại Suối Giao/Suối Dầu, giờ nằm trong khuôn viên chùa Linh Sơn Pháp Ấn. Ảnh: Thanh Nhàn

Yersin hiểu rằng phải tự chuẩn bị một cuộc từ giã cho chính mình, điều ông không thể lần lữa. Vào ngày 9/9/1938, ông lặng lẽ lập di chúc, để lại tài sản trong ngân hàng Thụy Sĩ cho các cháu ở Thụy Sĩ, để lại nhà cửa, thiết bị cho Viện Pasteur Nha Trang, và “tôi mong muốn những người An Nam đã phục vụ tôi, đã già và trung thành, hưởng những món tiền trợ cấp trọn đời từ tiền lãi một trái phiếu mà tôi đã mua cho mục đích này tại ngân hàng HongKong Shanghai ở Sài Gòn và do ông M.A Galois ở Suối Dầu đứng tên. Ông Jacotot sẽ phụ trách việc phân chia những món tiền này cho họ…”. 

Rút cục, chuyến đi cuối cùng của Yersin không phải là chuyến đi dối già về Paris vào tháng 5/1940 để điều phối một cuộc họp ở Viện mẹ Pasteur, nơi ông nói lời vĩnh biệt với cả thầy Pasteur lẫn Roux, những người nằm lại ngôi đền thiêng được xây dựng từ tiền quyên góp của toàn thế giới, mà chính là chuyến về với đất mẹ vào rạng sáng ngày 1/3/1943. Người ta kể lại, buổi chiều hôm trước, ông vẫn ngồi trên chiếc ghế mây bập bênh, ngắm ráng chiều lộng lẫy trên biển, và giữ thói quen “quan sát mực nước thủy triều một ngày bốn lần, vào 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều, 12 giờ đêm. Ông ghi chép rất nhiều tư liệu về hải dương học, ghi lại những cơn bão ở Nha Trang rất chi tiết trong vòng bốn thập niên. Có hơn 20 quyển như vậy…”, hướng dẫn viên Đoan Thục nói. 

Ông không lập thêm quyển nào nữa, con chữ đã vĩnh viễn dừng lại ở sáu giờ chiều ngày 28/2/1943… Không thời gian được xóa nhòa, giờ thì Thụy Sĩ, Pháp, hay Việt cũng là một. Chốn đặt chân cuối cùng của ông là ngọn đồi nhỏ ở Suối Dầu, giữa những tán lá xanh bốn mùa và dòng Suối Dầu nhỏ bé lượn quanh. Đất mẹ Gaia ôm trọn vào lòng hình hài đứa con kỳ lạ mà phi thường, một bậc thánh nhân không đòi hỏi được tôn vinh, một thiên thần cho đi mà không cần nhận lại. 

Đất mẹ Gaia ôm trọn vào lòng hình hài đứa con kỳ lạ mà phi thường, một bậc thánh nhân không đòi hỏi được tôn vinh, một thiên thần cho đi mà không cần nhận lại.

… Bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, dòng người tiễn đưa ông trong cái ngày đau buồn sâu sắc của cuộc đời họ, ngày 3/3/1943, không chỉ có các quan chức Pháp và Nam triều, mà cả dằng dặc những mái đầu bản xứ chít tang trắng mà người ta có thể nhận ra dân Xóm Cồn, người làm ở Suối Dầu, người từ Tây Nguyên xuống… Xóm chài bàng hoàng lập bàn thờ ông, thắp hương, đặt lên đó bát cơm quả trứng, con gà, nải chuối và tấm tình nguyên sơ của họ. 

***

Những gì Yersin để lại, theo dòng thời gian, đều nhuốm màu huyền thoại. “Người ở đây thường hay đến mộ ông thắp hương cầu khấn, có người hiếm muộn, có người mong con đỗ đạt thi cử”, anh Nguyễn Trường Vũ, nhân viên của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Ytế (IVAC), cho biết khi đưa chúng tôi đến khu mộ Yersin. Không có chỉ dấu nào về nơi an nghỉ của một bậc vĩ nhân. Tất cả quá đỗi giản dị và khiêm nhường, như di chúc của ông “tôi mong muốn được chôn cất đơn giản, không cầu kỳ, không điếu văn”. Xung quanh chỉ có tiếng chim hót lảnh lót và làn gió thổi rì rào qua vòm lá biếc.

Lẽ thường, lịch sử chỉ có một nhưng huyền thoại thì vô số và đẹp hơn lịch sử. Người Nha Trang truyền tai nhau “ông thiêng lắm, chuyện tâm linh không đùa được đâu”. Có người còn nói rằng “ông đã cứu Suối Dầu khỏi bị cắt đất”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi này, cả Viện trưởng IVAC Dương Hữu Thái và ThS Nguyễn Văn Minh, trại trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu (IVAC) đều trầm ngâm. “Năm 2018, trong dự án làm đường cao tốc Hồ Chí Minh, phần đi qua Nha Trang – Cam Lâm, có thiết kế đường nối cao tốc Nha Trang – Cam Lâm với quốc lộ 1, tỉnh lộ 3 qua Suối Dầu. Đường nối cao tốc sẽ chạy qua dãy nhà nuôi chuột, gà, thỏ, nghĩa là ảnh hưởng đến sản xuất vaccine và cung cấp động vật thí nghiệm… Chúng tôi đã nêu chức năng, đề đạt nguyện vọng của mình và được UBND tỉnh ủng hộ. Rất may là Bộ Giao thông Vận tải cũng chuyển đổi thiết kế, nắn lại con đường. Dù mất đi 2.230 m2 nhưng đổi lại, trại Suối Dầu và khu mộ Yersin vẫn yên bình”, TS. Dương Hữu Thái nói. 

Xe ngựa bác sĩ Yersin đi từ năm 1932 đến năm 1938, nay được Trại chăn nuôi Suối Dầu bảo quản. Ảnh: Thanh Nhàn.

Hằng năm, IVAC vẫn cung cấp cho toàn quốc những liều vaccine chống cúm, lao, uốn ván, bạch hầu… cũng như các liều huyết thanh kháng nọc rắn, kháng dại, từ di sản của Yersin.

Nhưng di sản của Yersin đâu chỉ gói gọn trong những sản phẩm hữu hình. Có nhiều điều còn lớn hơn thế từng ngày, từng ngày được lưu truyền ở mảnh đất này. 30 năm qua, Hội Ái mộ Yersin Nha Trang mở phòng khám thiện nguyện ở số 11 đường Sinh Trung, hỗ trợ người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo, dạy trẻ em khuyết tật cách pha chế, phục vụ trong các cơ sở du lịch “để các em có thể phần nào tự tin bước vào đời”, theo lời chia sẻ của ông Đống Lương Sơn, chủ tịch Hội. 

Dường như tinh thần nhân ái của Yersin có ở khắp nơi nơi, từ bếp cơm thiện nguyện 20 năm tuổi của bệnh viện đa khoa Khánh Hòa ở số 19 đường Yersin đến các bếp “dân sinh”, “tự phát”… Điều đó thật quý giá ở Nha Trang, thành phố biển hiền hòa, khi đằng sau những khách sạn, nhà hàng sang chảnh ven đường Trần Phú, bên lề những resort cao cấp tấp nập hoặc bỏ hoang, thậm chí có cả nhà hát trên đường ra sân bay Cam Ranh chỉ-sử-dụng-một-lần, vẫn tồn tại những nghèo khó. Theo báo Nha Trang, đến cuối năm 2022, toàn thành phố có 2.565 hộ cận nghèo (chiếm 2,31% tổng số hộ), 546 hộ nghèo (chiếm 0,49%), trong đó có 203 hộ không đủ khả năng thoát nghèo. 

Tròn tám thập kỷ sau khi Yersin qua đời, Nha Trang vẫn khôn nguôi tự hào về người công dân đặc biệt của mình. Từ đây, bệnh viện, trường học, con đường mang tên Yersin tỏa đi mọi ngả. Ngôi nhà trên đỉnh Hòn Bà mới được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Mái nhà nhỏ ven sườn núi ở Suối Dầu thành một phần của chùa Linh Sơn Pháp Ấn. Yersin được thờ phụng như vị Bồ tát lưu lại trần gian cứu nhân độ thế, cả đời phát tâm vô lượng vì lợi ích chúng sinh. 

Và Xóm Cồn không thể quên ông, dù quy hoạch mới đã đưa họ xa khỏi chốn cũ. “Hằng năm, vào ngày giỗ của ông, con cháu Xóm Cồn vẫn thành kính làm giỗ như với bậc cha ông”, hướng dẫn viên Đoan Thục nói. Lòng thương yêu, đức vị tha và sức lao động phi thường của ông, sau cả thế kỷ, vẫn làm rung động mọi người. Có phải vì thế mà chị chấp nhận làm việc ở một nơi không hấp dẫn về lương bổng? Đoan Thục mỉm cười “Lúc mới về bảo tàng, mình từng nản vì môi trường quá khác biệt so với công việc trước đây. Nhưng càng làm, có điều gì đó từ cuộc đời Yersin khiến mình càng hiểu ra và thấy phải làm tốt hơn…”. Chị lặng lẽ dịch một cuốn sách của Yersin, không chắc có xuất bản hay không nhưng đủ mang đến hơi thở mới cho bài trình bày ở bảo tàng. “Việc trưng bày hiện vật và nội dung giới thiệu do Bảo tàng Pasteur Paris thiết kế nhưng nhờ tìm tòi, bổ sung thông tin mà nay bài giới thiệu cũng có nhiều điểm khác ban đầu”. 

Lúc sinh thời, chắc hẳn Yersin không bao giờ nghĩ rằng mình lại được ngưỡng mộ, yêu thương đến thế. Dù ở cái góc thiên đường bé tí này nhưng không ai quên ông. Ở Paris, Viện mẹ Pasteur kể từ năm 2020 lập một học bổng mang tên Calmette – Yersin để trao hằng năm cho các kỹ thuật viên, nghiên cứu sinh, postdoc trong mạng lưới Viện Pasteur toàn cầu. Trên các tạp chí chuyên ngành, cộng đồng khoa học quốc tế vẫn lật lại các bài học, các vấn đề quanh cuộc đời ông. Còn ở mảnh đất này, di sản đồ sộ ức vạn cành nhánh của ông ngày một vươn cành đơm trái, lan tỏa đến các thế hệ sau. (Hết) □

Cám ơn Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), TS. Nguyễn Anh Nghĩa (Viện Nghiên cứu Cao su), Hội Ái mộ Yersin Nha Trang đã hỗ trợ Tia Sáng nguồn tư liệu quý để hoàn thành chuỗi bài viết “Yersin ở Việt Nam”.     

——————————

Tài liệu tham khảo 

“Alexandre Yersin’ explorations (1892-1894) in French Indochina before the discovery of the plague bacilius”. AA Kousoulis. Acta Med Hist Adriat. 2012.

“Dân học học tự sự”. Nguyễn Văn Chính. Tạp chí Dân tộc học, số 3/2023. 

Kỷ yếu hội thảo “Alexandre Yersin (1863- 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”. Tháng 3/1991. Thư viện Lâm Đồng.