"Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện Quy hoạch - Kiến trúc" là tập sách đầu tay của TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chọn lọc những góp ý, bài viết, phát biểu của ông vì sự tiến bộ trong quá trình phát triển đô thị suốt hai thập niên qua. Tuy nhiên, cuộc thảo luận giữa chúng tôi lại bắt đầu từ vụ hỏa hoạn thương tâm tại Hà Nội khiến 56 nạn nhân tử vong.
- Nước không lối thoát bởi quá tham lam
- Đà Lạt lại đề xuất cao tầng hóa để xóa bỏ khu Phố Việt di sản Hòa Bình!
- Từ Sài Gòn đến Tiểu Sài Gòn
Ông Sơn bình luận: “Tôi nghĩ chính quyền trung ương đóng vai trò then chốt, thông qua việc thiết kế hành lang pháp lý. Áp dụng pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện nay thì nơi quá cứng nhắc, chỗ lại lỏng lẻo.
Trong tình huống một căn nhà phố 6 tầng có một gia đình 5 người sinh sống, tầng trệt cho thuê buôn bán, thì có thể chỉ cần Sở Xây dựng cấp phép xây dựng mà không cần trình duyệt PCCC. Nhưng khi chủ nhà tăng mật độ xây dựng và chuyển đổi công năng thành chung cư mini, thì trước khi cấp phép đăng ký kinh doanh dịch vụ cho thuê hoặc chuyển nhượng sở hữu các căn hộ, cơ quan quản lý đô thị có trách nhiệm phải yêu cầu bổ sung văn bản nghiệm thu PCCC, đòi hỏi cầu thang bộ phải đảm bảo an toàn phòng cháy và thoát người theo tiêu chuẩn chung cư, thêm cửa ngăn tại từng tầng ngăn khói, chịu lửa tối thiểu hai tiếng đồng hồ.
Nếu có thể làm đúng như vậy, thì có lẽ đã không xảy ra tình huống thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng vừa qua. Chủ đầu tư dự án bị khởi tố, bắt tạm giam. Nhưng những dự án tương tự đang đặt người dân vào tình thế nguy hiểm thì sắp tới phải được rà soát và sửa sai, vì chúng “chưa cháy” chứ không phải “không cháy”.
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn trong cuộc thảo luận với Người Đô Thị. Ảnh: Trung Dũng
Chung cư mini đáp ứng nhu cầu của tầng lớp thu nhập thấp. Sau thảm họa, nhiều ý kiến xoay quanh nguồn cung nhà ở xã hội. Liệu rằng chương trình này có phải là giải pháp căn cơ, theo ông?
Quy hoạch có hai cấu phần gồm định hướng chiến lược và thực thi. Theo tôi, tư duy xây nhà giá rẻ bán cho người dân thu nhập thấp sai từ xuất phát điểm. Cái gốc của vấn đề là Nhà nước cần thiết kế cơ chế để cho thuê chỗ ở phù hợp với mức lương của các gia đình thu nhập thấp, và chỉ đến khi cuộc sống đã được nâng cao hơn trong nhiều năm sau, thì mới tính đến hỗ trợ sở hữu nhà.
Nhà nước cần thiết kế cơ chế để cho thuê chỗ ở phù hợp với mức lương của các gia đình thu nhập thấp, và chỉ đến khi cuộc sống đã được nâng cao hơn trong nhiều năm sau, thì mới tính đến hỗ trợ sở hữu nhà."
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn
Cơ chế từ thuê dài hạn đến mua là lựa chọn khả dĩ hơn cho việc hỗ trợ đúng đối tượng thu nhập thấp. Tiền thuê nhà hằng tháng chỉ được tính khấu trừ, lúc ký hợp đồng mua bán, sau khi người thu nhập thấp đã thuê chính căn nhà đó để ở đủ lâu, trong thời hạn 10-15 năm. Đây là phương thức phổ biến ở nhiều quốc gia tiên tiến, có tỷ lệ sở hữu nhà thấp hơn nhiều lần so với Việt Nam.
Đã 13 năm kể từ khi ông chính thức quay về Việt Nam làm việc. Quyết định xuất bản tập sách đầu tay có ý nghĩa như thế nào?
Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, tôi vẽ và làm tư vấn thiết kế nhiều hơn viết. Từ khi có cơ hội làm việc với chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi mới nhận ra những bài viết có hiệu ứng lan tỏa cộng hưởng và tác động xã hội cùng chung tay hợp sức, có thể đem lại hiệu quả to lớn cho việc phát triển đô thị và phát triển quốc gia, cao hơn rất nhiều so với những bản vẽ thiết kế. Tầm quan trọng này xứng đáng để tôi phân bổ quỹ thời gian công sức, mặc dù viết một bài báo khoa học, nhiều khi cũng mất công sức tương đương với việc phác thảo ý tưởng chủ đạo cho một dự án lớn.
Từ những bài báo cho đến cuốn sách này, có sự động viên rất lớn từ những thân hữu, như nhà báo Trần Trọng Thức, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương… cũng như công phu biên tập của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên. Tập sách vừa là quà tặng cho những địa phương và cá nhân quan tâm đến những vấn đề đô thị mà tôi đã từng có cơ hội hỗ trợ, vừa là nguồn tham khảo cho những người cần nắm bắt những phương pháp tư duy cơ bản khi ứng xử với đô thị.
Từ phải: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Đan, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn và cha con kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - Ngô Viết Nam Sơn trong chuyến công tác tại vùng Đồng Tháp Mười năm 1987. Ảnh: TL.GTS
Quy hoạch đô thị là ngành khoa học phức tạp. Đâu là “khẩu quyết” để tiếp cận tác phẩm này?
Công tác quy hoạch đô thị thường bị tác động, chi phối, quyết định bởi những người có liên quan (stakeholders), gồm chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia trong nhiều ngành, và nhất là người dân.
Quy hoạch đô thị có nhiều yếu tố phức tạp đan xen, nhưng luôn cần bảo tồn, chỉnh trang, xây dựng - phát triển, và vận hành trên nền tảng phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Nhà đầu tư đi tìm lợi nhuận không sai, nhưng bên cạnh việc hỗ trợ nhà đầu tư, chính quyền đồng thời phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, phải cân đối giữa bảo tồn và phát triển; ngắn hạn và dài hạn.
Sức người hữu hạn, nên tôi ưu tiên dành thời gian tận lực tư vấn hoặc cố vấn cho những nơi cầu thị"
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn
Vậy nên, tôi cố gắng diễn dịch các kiến thức phức tạp một cách đơn giản, dễ hiểu, nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận đến mọi người dân, sao cho với trình độ tiểu học trở lên vẫn có thể hiểu được. Tri thức lan tỏa là cơ sở để hy vọng có thêm những cánh tay cùng chung sức hướng đến những thay đổi tích cực vì lợi ích cộng đồng.
Quan sát thực tiễn trong hai thập niên trở lại đây, có vẻ như rất ít những dự án hướng đến sự “hài hòa”, chẳng hạn như Ba Son và sắp tới đây có thể là Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt mà ông đã thảo luận trên nhiều diễn đàn, có cảm giác người biết việc thì không được làm và ngược lại. Về phần mình, có khi nào ông cảm thấy bất lực?
Tôi chưa từng bi quan, dù không phải lúc nào mình cũng tìm được tiếng nói chung với chính quyền địa phương. Nhiệm kỳ này chưa tiếp thu góp ý, thì mình đành tạm gởi gắm tâm tư hoài bão vào những bài viết truyền cảm hứng, đợi khóa sau. Môi trường làm việc đã rèn luyện cho tôi sự kiên nhẫn.
Sức người hữu hạn, nên tôi ưu tiên dành thời gian tận lực tư vấn hoặc cố vấn cho những nơi cầu thị. Đã có nhiều địa phương sử dụng các ý kiến tư vấn hoặc bài viết của tôi đưa vào quy định quản lý đô thị, chẳng hạn như Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa, quy định hạn chế phát triển bức tường cao ốc chắn mặt tiền ven biển hoặc ven sông, khuyến khích xu hướng phát triển đảm bảo tầm nhìn thoáng ra không gian xanh mặt nước và dẫn gió mát vào sâu trong đất liền.
Quá trình làm việc còn giúp tôi may mắn có được một “cộng đồng” ngày càng nhiều người chung chí hướng, bao gồm thân hữu, đồng nghiệp, giáo sư đại học, chuyên gia đa ngành trong và ngoài nước, chủ đầu tư, và nhiều lãnh đạo địa phương trong các nhiệm kỳ khác nhau.
Đồ án quy hoạch phân khu Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn do TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn làm chủ nhiệm đồ án, định vị theo tiêu chí phát triển đô thị với mật độ thấp, tăng cường không gian xanh, công bố tháng 6.2023. Ảnh: TLNV
Nhiệm kỳ lãnh đạo kéo dài 5 năm, trong khi một bản quy hoạch có khi cần đến vài ba chục năm để chứng minh được hiệu quả kinh tế. Trồng cây không đợi được đến ngày hái quả có làm suy giảm động lực thực thi công vụ?
Những dự án hàng trăm triệu USD, tỷ USD thường làm nhiều địa phương choáng ngợp, khi những nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính thuê mướn những chuyên gia tầm cỡ giúp đề xuất phương án. Tuy nhiên, các đề xuất có xu hướng nhấn mạnh điểm mạnh cùng cơ hội, lờ đi những điểm yếu và rủi ro khi trình bày phương án đầu tư.
Vì vậy, chính quyền địa phương rất cần những chuyên gia độc lập và chính trực, để cố vấn, tư vấn chiến lược, hỗ trợ đánh giá toàn diện tác động của dự án trong cả ngắn, trung và dài hạn. Mà có khi chưa cần chính quyền ngỏ lời, những tiếng nói trách nhiệm vẫn cất lên dõng dạc cảnh báo trách nhiệm công vụ của nhà lãnh đạo, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trách nhiệm của chuyên gia độc lập còn giúp vạch ra cho doanh nghiệp phương án vừa bảo đảm lợi nhuận, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, tạo giá trị cho cộng đồng.
Việt Nam có nhiều nhà đầu tư tên tuổi và giàu có, nhưng lại ít người thể hiện được trách nhiệm xã hội như Chú Hỏa. Hậu thế nhớ đến thương gia gốc Hoa không chỉ vì khối tài sản hàng chục ngàn căn nhà, mà còn vì nhiều khu dân cư, cơ sở hạ tầng đến nay vẫn có giá trị di sản phục vụ tốt cho cộng đồng.
Chú Hỏa thuộc về giai đoạn trước năm 1975. Đã 48 năm từ cột mốc này, theo ông, Việt Nam đã có những cơ hội gì?
Sau chiến tranh, nhiều đô thị được xây dựng, đời sống vật chất cải thiện, nhiều người phấn khởi. Tôi cũng phấn khởi, nhưng vẫn thấy tiếc cho Việt Nam khi so sánh với Trung Quốc. Giai đoạn 1990-2010 là khoảng thời gian châu Á bùng nổ phát triển đô thị. Trong đó, Trung Quốc có nhiều khởi điểm tương đồng với Việt Nam từ thể chế chính trị, mô hình kinh tế tập trung...
Đất nước ta đáng lý ra đã có thể tiến xa hơn nhiều, nếu không bị những thiếu sót, sai lầm của từng dự án, từng địa phương tích tụ... trì kéo tốc độ phát triển."
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn
Qua kinh nghiệm cùng Skidmore, Owings & Merrill (SOM) thực hiện dự án quy hoạch Thượng Hải, tôi từng được chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) mời góp sức cố vấn cho dự án Thủ Thiêm, nơi có bối cảnh phát triển tương tự. Thượng Hải thành công lớn qua chiến lược bảo tồn khu trung tâm hiện hữu tại bờ Tây, giải tỏa trắng bờ Đông để phát triển đô thị hiện đại. Sau 15 năm, phố Đông lột xác trở thành trung tâm kinh tế tài chính quốc tế như Hong Kong, còn Thủ Thiêm đến nay vẫn lận đận.
Thành công của Thượng Hải đã góp phần không nhỏ để Trung Quốc vươn lên vị trí tiệm cận số 1 thế giới sau hơn 4 thập niên. Xuất phát sau Trung Quốc 10 năm nhưng đáng tiếc chúng ta vẫn chưa tận dụng được tốt lợi thế người đi sau, vẫn chưa học được cái hay và tránh lập lại sai lầm của họ, để phát triển kinh tế xã hội có thể bứt tốc nhanh hơn nữa. Đất nước ta đáng lý ra đã có thể tiến xa hơn nhiều, nếu không bị những thiếu sót, sai lầm của từng dự án, từng địa phương tích tụ... trì kéo tốc độ phát triển.
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn trình bày quan điểm quy hoạch bờ Đông - bờ Tây sông Sài Gòn, tại hội thảo tháng 4.2016. Ảnh: Tấn Phúc
Đô thị chức năng là một khái niệm được thị trường thảo luận sôi nổi những năm gần đây. Loại hình này liệu đã có một diện mạo hoàn chỉnh, thưa ông?
Tôi cho rằng phát triển nhiều dự án đô thị ở Việt Nam đang lệch hướng thành dự án địa ốc. Chủ đầu tư tìm mọi cách tăng diện tích mét vuông sàn. Bán nhanh, thu tiền nhanh, trong khi nhiều hạ tầng kỹ thuật (đường sá, hệ thống thoát nước, công viên...), hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện…) vẫn chưa có. Người mua bị thiệt thòi. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà quản lý đô thị, chú trọng phê duyệt quy hoạch nhưng buông lỏng công tác giám sát kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Thiết nghĩ Nhà nước nên quy định trước khi được cấp phép mở bán từng giai đoạn, chủ đầu tư bắt buộc phải nộp biên bản bàn giao hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho chính quyền địa phương, theo tỷ lệ tương xứng với diện tích sàn của giai đoạn đó, đảm bảo cư dân mới được phục vụ ngay khi nhận bàn giao nhà ở.
Ngoài ra, việc “cắm” dự án vào khu dân cư hiện hữu khiến hạ tầng quá tải, cần phải được mở rộng và nâng cấp. Do đó, nhà đầu tư có nghĩa vụ phải chi trả kinh phí để Nhà nước giải quyết tác động môi trường.
Ở những quốc gia tiên tiến, quy chế bắt buộc việc chính quyền thuê đơn vị độc lập đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM) nhằm đối chiếu với ĐTM do chủ đầu tư thực hiện. Trước khi cấp phép, nhà đầu tư và chính quyền sẽ thương lượng mức độ đóng góp. Việt Nam hiện nay còn xem nhẹ nguồn thu này, làm tăng gánh nặng cho ngân sách.
Nhiều phát biểu, bài viết của ông đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của nhiều chủ đầu tư có “máu mặt”. Liệu điều đó có khiến ông gặp rắc rối?
Không ít lần tôi nhận được đề nghị giao cho những dự án lớn đổi lấy sự im lặng của tôi, nhưng tôi luôn tìm cách thuyết phục họ thay đổi cách nghĩ. Tôi thường tập trung góp ý cho chủ trương chính sách quản lý đô thị, hơn là việc “gọi tên” nhà đầu tư. Bởi lẽ khi công tác quản lý đô thị chưa tốt, thì dù nhà đầu tư này không làm, luôn có nhà đầu tư khác muốn làm. Doanh nghiệp không giận tôi dù phần lớn rút lại lời đề nghị.
Nghĩa là vẫn còn những nhà đầu tư tìm được tiếng nói chung với ông?
Chúng ta vẫn có nhiều nhà đầu tư có tâm và có tầm. Dự án mới nhất quy hoạch Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn quy mô trên 500 ha vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ủng hộ, phê duyệt. Nhà đầu tư chấp thuận đề xuất tăng quy mô gấp rưỡi hạ tầng xã hội để người dân ở khu vực lân cận ngoài dự án vẫn có thể tiếp cận y tế, giáo dục chất lượng cao.
Xin cảm ơn ông.
Khuê Anh thực hiện
Hơn 7 năm trước, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn là một trong những tiếng nói chuyên môn mạnh mẽ đã sớm đưa ra khuyến cáo tại cuộc hội thảo mà Người Đô Thị khi tường thuật đã gặp nhiều thế lực gây trở ngại: “Xây nhà cao tầng dọc bờ sông khu Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn… sẽ tạo thành bức tường chắn gió thổi vào phía trong. Chắc chắn những công trình này xây xong sẽ chắn tầm nhìn của khu trung tâm ra hướng sông, chắn gió từ phía sông thổi vào.
Khi đó, khí hậu TP.HCM sẽ nóng hơn, bức bối hơn. Phần lớn khu vực Ba Son không nên dành cho nhà cao tầng, mà nên dành cho không gian xanh kết nối liên hoàn với Thảo Cầm Viên, các công trình công cộng, văn hóa, và bảo tồn, bảo tàng phục vụ nhu cầu không gian xanh và không gian công cộng. Xu hướng chung của các nước thường là nhà cao tầng nằm ở phía trong và giảm dần độ cao về phía gần bờ sông…”.
Mới đây, tại văn bản của UBND TP.HCM ngày 19.9.2023 thông báo kết luận cuộc họp nghe báo cáo tiến độ lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã lưu ý Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cần nghiên cứu hạn chế tối đa việc bố trí công trình cao tầng dọc khu vực sông để phát huy giá trị cảnh quan khu vực và ưu tiên dành không gian phục vụ công cộng.
Song Nguyễn
Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại
Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện Quy hoạch - Kiến trúc (Phanbook và NXB Dân Trí phát hành tháng 9.2023) là tập hợp những bài viết khoa học, ý kiến chuyên môn đầy trách nhiệm trước những vấn đề của đô thị Việt Nam trong khoảng hai mươi năm qua của TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn. Cuốn sách chia làm hai phần:
Không gian & thời gian đô thị: từ tầm nhìn của một chuyên gia quy hoạch, tác giả đi sâu vào những vấn đề như bảo tồn di sản vật chất và tinh thần trong các đô thị đang phát triển; đưa ra các ý tưởng và giải pháp tiềm năng như xây dựng đô thị sức khỏe, đô thị di dưỡng và giáo dục, đô thị sân bay hay đô thị thông minh... Với lối viết thiên về học thuật, tác giả đưa ra nhiều luận điểm lý thuyết để kiến giải thực tế phát triển đô thị Việt Nam đương đại. Tác giả sử dụng phương pháp đối chiếu, đặt các đô thị Việt Nam bên cạnh những đô thị lớn trên toàn cầu như New York, Tokyo, Paris, Milan, Thượng Hải... nhằm mở rộng góc nhìn, cho thấy toàn cầu hóa đô thị và bản sắc đô thị đang là vấn đề chung của nhiều quốc gia.
Thành phố & những hình dung: tác giả mổ xẻ những câu chuyện đã từng là thời sự và nhiều khả năng lặp lại, cụ thể tại Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Thủ Đức, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM, Mã Pì Lèng, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ... để trình bày ý kiến, cảnh báo với tinh thần xây dựng, phản biện chính trực của một nhà khoa học, một chuyên gia. Bằng tập hợp những tiểu luận ngắn, tác giả dẫn dắt vào từng trường hợp cụ thể để triển khai các luận điểm có thể đã được đưa ra ở phần một, đặt các nguyên lý trong mối quan hệ và yêu cầu của thực tiễn.
Đặc biệt, cuốn sách gói lại bằng bài viết tưởng nhớ thân phụ của tác giả - nhà quy hoạch, KTS. Ngô Viết Thụ - với một sự kính trọng, hàm ơn; cho thấy một dòng chảy, một sự tiếp nối thú vị.
L.G.T