Ngôi trường cũ, thày bạn xưa
Vài giòng tóm lược lịch sử Y Khoa Đại Học Hà Nội (1902-1954) và Y Khoa Đại Học Sài Gòn (1947-1975)
Đại Hội Quốc Tế Y Nha Dược Sĩ Việt Nam Tự Do Kỳ IV, năm 2002, có chủ đề là “Y Tế Việt Nam qua giòng thời gian”, một chủ đề rộng lớn, bao gồm tất cả những quá trình hoạt động và những thành quả trong quá khứ, hiện tại và có thể cả trong tương lai của ba ngành Y, Nha, Dược tại hải ngoại. Dựa theo chủ đề, và trong phạm vi giới hạn của bài này, chúng tôi cố gắng trình bầy một khía cạnh nhỏ trong nhiều khía cạnh của chủ đề, khía cạnh lịch sử liên quan tới hai trường Đại học Y Khoa Hà Nội và Sài Gòn, nơi mà một số lớn các y sĩ Việt Nam tại hải ngoại đã được đào tạo.
Khi nhắc tới lịch sử trường Y Khoa Đại Học Sài Gòn (YKDHS), thực khó có thể không nói tới Y Khoa Đại Học Hà Nội (YKDHH), vì trên thực tế, hai trường có một mối liên hệ mật thiết không thể tách rời. Những năm 1954 và 1975 được lựa chọn như những dứt điểm chúng ta không thể nào quên được, vì đây là những con mốc thời gian đánh dấu những diễn biến chính trị quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng tới cả hai trường. Những gì đã xẩy ra ở trường Hà Nội sau năm 1954 và ở trường Sài Gòn sau năm 1975, vì nhiều lý do, đều không được ghi chép trong bài này.
Trường YKDHH được thành lập vào năm 1902 (1). Năm 1947, sau khi quân Nhật đầu hàng và người Pháp trở lại bán đảo Đông Dương, một trường Y Khoa thứ nhì được thành lập tại Saigon để đáp ứng nhu cầu của số sinh viên càng ngày càng đông ở miền nam Việt Nam. Trước năm 1947, những sinh viên miền Nam muốn theo học y khoa sẽ phải hoặc ra Hà Nội hoặc sang Pháp, rầy rà và tốn kém. Cho tới năm 1954, cuộc chia rẽ đất nước Việt Nam ra làm hai phần đã kéo theo một cuộc di cư vĩ đại của hơn 1 triệu người dân từ miền bắc vào nam. Trong số này có một số đông sinh viên y khoa và phần lớn ban giảng huấn của YKDHH. Trường Y khoa Saigon đã mở rộng cửa thâu nhận số sinh viên từ miền bắc tới và trở thành YKDHS.
Sau đây chúng ta sẽ lần lượt coi xét những dữ kiện lịch sử của YKDHH trước, rồi tới YKDHS và sau cùng, thêm một phần báo cáo kết quả hoạt động của Hội Đồng Khoa lưu vong YKDHS tại Mỹ.
Y Khoa Đại Học Hà Nội.
Theo cuốn sách “L’Ecole de Plein Exercice de Médecine et de Pharmacie” do nha Học Chánh của chính phủ bảo hộ Đông Dương xuất bản năm 1931 (1), thì trường YKDHH được thành lập năm 1902 do nghị định ký ngày 8 tháng giêng năm 1902 của toàn quyền Paul Doumer. Người Pháp sau khi lập chính phủ bảo hộ cai trị toàn cõi Việt Nam đã có ý định thành lập một trường y khoa, không ngoài mục đích bành trướng ảnh hưởng văn hóa Pháp và thu phục nhân tâm dân bản xứ. Cơ sở giáo dục y khoa này trước định đặt ở Saigon, nhưng sau một thời gian nghiên cứu, lại chuyển ra Hà Nội. Trường có tên là Trường Y Khoa Đông Dương (Ecole de Médecine de l’Indochine). Vị Khoa trưởng đầu tiên không phải ai xa lạ mà chính là Bác sĩ Alexandre Yersin, người đã tìm ra vi trùng bịnh dịch hạch Yersinia pestis. Ngoài BS Yersin ra còn có hai Giáo Sư người Pháp là BS Leroy des Barres và BS Degorce, nguyên cựu nội trú các bịnh viện Paris, phụ trách giảng dạy hai môn Nội và Ngoại khoa. BS Yersin cùng với 4 phụ giảng khác lo dạy môn Sinh vật học và Khoa học căn bản. Cứ nhìn vào tầm vóc chuyên môn của những vị được đề cử lo việc giảng huấn, ta thấy chính phủ bảo hộ Pháp cũng khá chú trọng về trường Y Khoa Đông Dương. Tưởng cũng nên ghi nhận thêm là BS Yersin chỉ đảm nhiệm chức vụ Khoa trưởng có 2 năm, vì ông đã trở lại hoạt động tại viện Pasteur Nha Trang vào năm 1904, nơi mà ông yêu thích làm việc cho tới năm 1943 khi ông viên tịch.
Tới đây tôi xin phép mở một dấu ngoặc để kể thêm một vài chi tiết lý thú về việc khám phá vi trùng dịch hạch của BS Yersin. Theo những điều được ghi chép lại thì sự khám phá này, cũng như một số khá nhiều những khám phá quan trọng trong khoa học, được thành hình nhờ một sự may mắn ngẫu nhiên. Nguyên là năm 1894 có một trận dịch hạch hoành hành ở Hong Kong và Phúc Kiến bên Trung Hoa với rất nhiều người chết. BS Yersin được cử sang Hong Kong để nghiên cứu. Trong khi đó thì chính phủ Nhật Bản cũng cho một phái đoàn lớn với đầy đủ phương tiện sang Trung Hoa để tìm hiểu, cầm đầu là GS Kitasato, một nhà vi trùng học nổi danh. Vì không được sự ủng hộ của chính quyền Anh ở Hong Kong, và nhất là vì sự cạnh tranh bất hợp tác của phái đoàn Nhật, ông phải ở trọ trong một căn nhà tranh nhỏ bé, không có đủ tiện nghi cho cuộc khảo cứu. Không có lồng ấp (incubateur), ông phải treo những ống cấy vi trùng ra ngoài hàng hiên dể lấy sức ấm của ánh nắng mặt trời. May mắn sao vi trùng bịnh dịch hạch, khi được cấy lần đầu, lại thích mọc ở nhiệt độ thấp 27-28 độ là nhiệt độ ngoài trời, chứ không ưa nhiệt độ cao 37 độ của những lồng ấp, vì ở nhiệt độ này các vi trùng khác loại mọc mau lẹ hơn, chèn ép làm cho vi trùng dịch hạch không mọc nổi. Trong khi đó, đoàn nghiên cứu Nhật Bản, vì xài lồng ấp, nên chỉ cấy được một loại vi trùng Gram tính dương sau này được đặt tên là Streptococcus pneumoniae, không có liên hệ gì với bịnh dịch hạch.
Năm đầu có 105 sinh viên dự kỳ thi tuyển và số được nhận vô học là 29 người. Chương trình học dài 4 năm, và các sinh viên ra trường được cấp bằng Y sĩ phụ tá (Médecin auxiliaire). Khóa ra trường đầu tiên vào năm 1907 gồm có 5 người được bổ đi làm việc tại các tỉnh nhỏ. Theo như tài liệu của GS Trần ngọc Ninh (2) thì thủ khoa khóa đầu tiên là BS Nguyễn Văn Thinh. BS Thinh sau này qua Pháp học thêm và đã đậu bằng Bác sĩ Y Khoa Pháp. Ông trở về nước cho tới năm 1946, ông lên làm Thủ tướng đầu tiên cho chế độ Nam kỳ Tự trị và ít tháng sau thì tự vẫn chết. Trong những năm sau, số sinh viên ra trường tăng dần, cho tới năm 1920 thì lên tới 25 người. Tưởng cũng nên ghi nhận là các Y sĩ xuất thân từ trường Y khoa Đông Dương đã tham dự tích cực trong cuộc Đại chiến Thế giới thứ nhất với quân đội Pháp, trực tiếp điều trị các thương binh trong bịnh viện Đông Dương ở Marseilles.
Trong những năm kế tiếp, trường tiếp tục mở rộng và được chấn chỉnh thêm. Năm 1914 mở thêm phân khoa Dược. Vào năm 1923, toàn quyền Albert Sarraut đã thực hiện những cải tổ quan trọng: trường mang tên chính thức là Trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp Y Dược Khoa (Ecole de Plein Exercice de Médecine et de Pharmacie). Các môn học Vật lý, Hóa và Tự Nhiên (Sciences Physiques, Chimiques et Naturelles) gọi tắt theo tiếng Pháp là PCN được bắt đầu giảng dạy cho các sinh viên mới. Đây là bước khởi đầu cho những năm tiền y khoa sau này. Và cũng bắt đầu từ năm 1923, trường có hai chi nhánh rõ rệt: một chi nhánh Pháp dành cho những sinh viên có bằng Tú Tài Pháp, khi ra trường sẽ có bằng Bác sĩ Y Khoa Pháp, và một chi nhánh bản xứ dành cho những sinh viên có bằng Tú Tài bản xứ, khi ra trường có bằng Bác sĩ Y Khoa Đông Dương (Médecin Indochinois). Trên lý thuyết có sự phân chia rõ rệt, nhưng trên thực tế sinh viên của hai chi nhánh đều học lý thuyết và thực tập chung trong một trường sở duy nhất. Tuy nhiên sự phân chia này dù sao cũng đã gây ra một sự cách biệt xã hội khá tế nhị, và chi nhánh Y khoa bản xứ dần dần thu hẹp lại và sau cùng thì bãi bỏ hẳn vào thập niên 30.
Về vấn đề trường sở, trường Y Khoa Hà Nội lúc đầu được đặt tại vùng ấp Thái Hà cách trung tâm thành phố chừng 5 cây số. Tuy nhiên, vì khu này có khá nhiều ao hồ, sình lầy, đầy rẫy ruồi muỗi nên chẳng bao lâu, các sinh viên y khoa cũng như các bịnh nhân đều bị bịnh sốt rét hành hạ, và trường phải rời về gần trung tâm thành phố. Tới cuối thập niên 20 thì trường chính thức dọn về cơ sở tọa lạc trên đường Bobillot (nay là đường Lê Thánh Tôn), gần viện Pasteur và các nhà thương thực tập chính. Cơ thể Học viện, nơi hoạt động thường xuyên của GS Nguyễn Hữu và các Phụ tá Cơ thể học cũng được xây cất trong thời điểm này. Học viện cho tới nay vẫn còn và vẫn được sử dụng làm nơi thực tập mổ xẻ cho các sinh viên y khoa.
Việc trường Y Khoa Hà Nội dọn về cơ sở chính thức trên đường Lê Thánh Tôn còn có một quan trọng tinh thần rất đáng kể vì trường đã trở thành trường Đại Học Y Khoa (Faculté de Médecine), và cùng với phân khoa Luật và phân khoa Khoa Học, đã trở thành một trong ba thành viên nòng cốt của trường Đại Học Đông Dương trong thập niên 30. Năm 1936 là năm trường chínuh thức mang tên Đại Học Y Khoa, với 4 Giáo sư Thạc sĩ ở Pháp về tăng cường ban giảng huấn: GS Charles Massias (Nội khoa), GS Jacques Mayer May (Giải phẫu), GS Pierre Huard (Cơ thể học) và GS Bernard Joyeux (Mô học & Cơ thể Bịnh lý). (2)
Từ khi thành lập năm 1902 cho tới năm 1954, trường liên tục hoạt động. Chỉ riêng niên khóa 1945-1946, khi quân đội Nhật bản đầu hàng kéo theo những biến chuyển chính trị lịch sử, trường phải ngưng hoạt động trong một thời gian. Kết quả là năm 1946 không có sinh viên nào trình luận án ra trường. Khi trường hoạt động trở lại năm 1946, tôi được các bậc đàn anh kể lại cho nghe là GS Khoa trưởng Huard phải đi kiếm từng sinh viên để giục và giúp cho họ có điều kiện tiếp tục đi học.
Tổng số Y sĩ đào tạo tại YKDHH được bao nhiêu không thấy ghi chép trong sách vở và thống kê quốc gia. Vì vậy, muốn biết được tổng số này, ta cần phân tích quá trình của YKDHH ra từng giai đoạn, số sinh viên của mỗi giai đoạn được ghi chép từ những tài liệu rải rác, rồi sau cùng sẽ được tổng kết.
Trước hết là số Y sĩ phụ tá được đào tạo từ năm 1902 cho tới năm 1923 là năm mà chương trình Bác sĩ Y khoa được áp dụng. Theo như tài liệu của nha Học Chính Đông Dương (1), thì con số này cũng không nhiều cho lắm. Số sinh viên thay đổi từ 6 người lúc ban đầu cho tới 25 người năm 1920, trung bình vào khoảng 15 người một lớp. Trong 23 năm, từ 1907 là năm khóa Y sĩ phụ tá đầu tiên ra trường cho tới 1930 là năm chương trình này bị thay thế, tất cả có 294 sinh viên ra trường với bằng cấp Y sĩ phụ tá.
Từ năm 1930 cho tới 1935, số Bác sĩ ra trường không được ghi rõ. Tuy nhiên, tài liệu của nha Học chính (1) cho thấy là trong niên khóa 1930-1931 có 19 sinh viên ghi danh theo học chương trính Bác sĩ Y khoa. Như vậy trong 5 năm (1930 cho tới 1935) với số sinh viên chừng 20 người một lớp, có khoảng chừng 100 sinh viên đã theo học và tốt nghiệp với bằng Bác sĩ.
Từ 1935 trở đi thì số luận án Y khoa Bác sĩ của trường YKDHH được ghi chép khá đầy đủ. Theo cuốn “Bibliographie des Thèses de Médecine” của GS Nguyễn Đức Nguyên (3), từ năm 1935 cho tới 1954, có tất cả 254 luận án đã được trình và chấp thuận.
Như vậy ta có thể kết luận là từ năm 1902 cho tới năm 1954, trường YKDHH đã đào tạo được tất cả 648 người bao gồm cả Y sĩ phụ tá, Y sĩ Đông Dương và Bác sĩ Y Khoa. Con số này so với sĩ số ra trường trong những thập niên 60 và 70 thì không lớn là bao, nhưng các chuyên viên Y khoa kể trên đã đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc canh tân nền y khoa quốc gia và đáp ứng nhu cầu y tế của đồng bào trong nước.
Thành phần ban giảng huấn của YKDHH trong khoảng 1950-1954 được ghi nhận như sau:
• Khoa trưởng: GS Pierre Huard.
• Khoa Giải Phẫu: GS Huard, GS Phạm Biểu Tâm, GS Nguyễn Hữu, BS Trần Ngọc Ninh, BS Trần Anh, BS Đào Đức Hoành
• Khoa Nội Thương: GS Blondel, GS Đặng Văn Chung, GS Rivoalen, BS Lê Khắc Quảng
• Khoa Cơ Thể Học: GS Huard, GS Nguyễn Hữu, BS Trần Anh, BS Nguyễn Ngọc Kính
• Khoa Sản Phụ: GS Montagné, BS Đinh Văn Thắng
• Khoa Tai Mũi Họng: GS Ollier
• Khoa Nhãn: GS Keller, BS Nguyễn Đình Cát, BS Nguyễn Văn Nguyên
• Khoa Bì phu và Hoa liễu: GS Grenier Bolley
• Khoa Mô học & Bịnh lý học: GS Vũ Công Hòe
• Khoa Sinh Lý: GS Rivoalen
Cùng với nhiều Phụ giảng, các Giáo sư trên đây dành toàn thời gian trong công việc giảng giạy cho một số sinh viên thay đổi từ năm, sáu chục người cho hai năm đầu (năm Y 1 và Y 2) cho tới không quá ba chục người cho năm chót (Y 6). GS Huard là người rất có công trong việc tích cực dẫn dắt một số giáo sư Việt qua Pháp thi Thạc sĩ như GS Phạm Biểu Tâm (Giải phẫu), GS Đặng Văn Chung (Nội khoa), GS Vũ Công Hòe (Cơ thể bịnh lý), GS Trịnh Văn Tuất (Nha Khẩu Xoang) và GS Nguyễn Hữu (Cơ thể học).
Các cơ sở thực tập gồm hai Bịnh Viện chính là Bịnh Viện Bạch Mai và Bịnh Việnn Phủ Doãn. Bịnh Viện Bạch Mai là một bịnh viện đa khoa lớn trên 700 giường, gồm các khu Nội khoa, Sản khoa, bịnh Truyền nhiễm, và Tai Mũi Họng. Bịnh Viện Phủ Doãn (còn có tên là BV Yersin) chuyên về Giải Phẫu và Cấp cứu nhưng cũng có một khu Sản khoa. Ngoài ra còn Bịnh viện Mắt, là nơi chuyên trị các bịnh mắt, nhất là bịnh lông quặm (mắt hột; trachoma). Tưởng cũng nên ghi nhận là tuy không có các bịnh viện dành riêng cho trẻ em và phụ khoa nhưng các bịnh viện lớn như Bạch Mai và Phủ Doãn đều có nhũng trại riêng dành cho phụ nữ và trẻ em. Ngoài Cơ thể Học viện là nơi các sinh viên y khoa dành một số thời gian khá lớn trong hai năm đầu để học Cơ thể học, Viện Pasteur được tích cực sử dụng trong công cuộc giảng dạy lý thuyết cũng như thực tập cho những bộ môn Vi trùng học và Ký sinh trùng. Môn Mô học được giảng dạy tại Viện Quang tuyến. Kẻ viết bài này còn nhớ rõ những buổi thực tập Mô học mỗi chiều thứ ba, vào khoảng hai giờ. Giờ này là giờ buồn ngủ, đạp xe đạp lên viện Quang tuyến trong những ngày lập đông lạnh lẽo u ám, lại phải qua một tiệm phở với những ly cà phê thơm nhức mũi, nên thường thường số sinh viên trong tiệm phở đông hơn là số trong phòng thực tập.
Y Khoa Đại Học Saigon.
Như trên ta đã thấy trường Y Khoa Saigon được thành lập năm 1947 như là một chi nhánh của YKDHH để đáp ứng nhu cầu của các sinh viên y khoa miền Nam. Cho tới năm 1954 khi phần lớn sinh viên và ban giảng huấn của YKDHH di tản vào Nam thì trường chính thức trở thành YKDHS.
Trụ sở chính được đặt tại số 28 Trần Quý Cáp, gồm một căn nhà cao hai tầng dùng làm văn phòng, thư viện và phòng họp các giáo sư, và 3 căn nhà ngang dùng làm nơi giảng giạy lý thuyết. Thành phần ban giảng huấn gồm có:
• Khoa trưởng: GS Charles Massias
• Khoa Nội thương: GS Massias, GS Rivoalen, BS Nguyễn Ngọc Huy, BS Phạm Tấn Tước, BS Trần Lữ Y
• Khoa Giải Phẫu: GS Trần Quang Đệ, GS Phạm Biểu Tâm, GS Nguyễn Hữu, GS Trịnh Văn Tuất, BS Đặng Văn Chiếu, BS Hoàng Tiến Bảo
• Khoa Sản Phụ: GS Trần Đình Đệ, BS Nguyễn Văn Hồng, BS Hồ Trung Dung
• Khoa Nhãn: GS Nguyễn Đình Cát, BS Nguyễn Ngọc Kính
• Khoa Tai Mũi Họng: GS Tissié
• Khoa Mô Học & Bịnh lý học: GS Joyeux, BS Nguyễn Lưu Viên
Trong vòng 4-5 năm, các Giáo sư người Pháp dần dần trở về Pháp và ảnh hưởng Pháp trong ngành y khoa cũng dần dần suy giảm. Tưởng cũng nên ghi nhận là 1962 là năm cuối cùng mà văn bằng Y khoa Bác sĩ của trường YKDHS còn được công nhận tại Pháp. Các cơ sở thực tập gồm có:
• Bịnh viện Chợ Rẫy: Nội Ngoại Khoa, Tai Mũi Họng
• Bịnh viện Bình Dân: Ngoại Khoa, Nhãn khoa, Bịnh Ngoài Da, Niệu Khoa, Ung thư
• Bịnh viện Nhi Đồng: Nhi Khoa
• Bịnh viện Từ Dũ: Sản Phụ Khoa
• Bịnh viện Hồng Bàng: bịnh Phổi và Lao
• Bịnh viện Chợ Quán: bịnh Truyền nhiễm & Thần kinh
• Bịnh viện Saigon: Tai Mũi Họng, Cấp cứu
• Bịnh viện Nguyễn Văn Học (khai trương 1967): Nội Ngoại khoa, Sản phụ
Các phòng thực tập khoa học căn bản nằm rải rác trong thành phố như Cơ thể Học viện (Cơ thể học), BV Saigòn (Hóa học), Viện Pasteur (Vi trùng và Ký sinh trùng). Một cơ sở riêng biệt tọa lạc gần Cơ thể Học viện được dùng làm nơi thực tập cho các môn Sinh lý, Cơ thể Bịnh lý và Mô học. Chương trình học dài 6 năm và một năm tiền y khoa (PCB hoặc SPCN). Số sinh viên trung bình từ 100 tới 120 người một lớp. Sĩ số này tăng dần cho tới năm 1962 thì trường quyết định giới hạn số sinh viên ở mức 200 người cho năm đầu và các sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển. Sinh viên Y khoa và Dược khoa sử dụng chung trường ốc tại số 28 Trần Quý Cáp cho tới năm 1961 khi trường Đại học Dược Khoa thành lập với GS Nguyễn Vĩnh Niên là Khoa trưởng. Phân khoa Nha Khoa, trước là bộ môn Hàm Miệng trong YKDHS, trở thành Đại học Nha Khoa niên khóa 1964-1965 với GS Trịnh Văn Tuất là Khoa trưởng.
Nếu ta thấy trường YKDHH có một giòng lịch sử tương đối êm đềm, ít biến chuyển thì nhiều diễn tiến lịch sử quan trọng đã xẩy ra cho YKDHS. Năm 1955, GS Massias về Pháp và GS Phạm Biểu Tâm lên thay thế, đánh dấu lần đầu tiên trường có một Khoa trưởng người Việt Nam. Thành phần giảng huấn, tương đối nhỏ lúc ban đầu, dần dần được tăng cường trong những năm 1954-1956 với :
- GS Trần Ngọc Ninh (Chỉnh Trực, Giải Phẫu Nhi Đồng)
- GS Trần Vỹ (Sinh lý học)
và trong những năm 1960-1963 với các Giáo sư:
- GS Nguyễn Huy Can (Cơ Thể Bịnh lý)
- GS Lê Xuân Chất (Huyết Học)
- GS Đào Đức Hoành (Ung Thư)
- GS Bùi Quốc Hương (Thần kinh)
- GS Nguyễn Ngọc Huy (Tim Học)
- GS Ngô Gia Hy (Gây Mê)
- GS Nguyễn Văn Út (Ngoài Da & Hoa liễu)
Trong nỗ lực tăng cường ban giảng huấn, một số nhân viên giảng huấn trẻ đã được tuyển dụng và gửi qua Pháp theo học các lớp huấn luyện hậu đại học trong những năm 1958-1960. Tuy nhiên một số lớn các vị này đã quyết định ở lại Pháp quốc sau khi huấn luyện xong làm chương trình bị gián đoạn.
Từ sau cuộc di tản của YKDHH từ Bắc vào Nam năm 1954, chính phủ Mỹ bắt đầu gia tăng viện trợ cho miền Nam Việt Nam. Chương trình giáo dục y khoa được chú ý tới và cơ quan USAID được chỉ định nghiên cứu, xây cất một Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa cùng một bịnh viện thực tập 500 giường. Theo cuốn sách “Saigon Medical School: an Experiment in International Medical Education” (4) của BS W. Ruhe thì việc xây cất trung tâm này tốn hết 2,500,000 mỹ kim, một số tiền khá lớn khi mà một ly cà phê giá 5 xu và một gallon xăng giá 20 xu. Một nửa ngân khoản này do USAID đài thọ và một nửa do ngân sách quốc gia Việt Nam đài thọ. Cùng với việc xây cất trung tâm Y khoa, một số nhân viên giảng huấn mới tuyển dụng được gửi đi Mỹ tu nghiệp, ngắn hạn và giài hạn. Tới năm 1965 những nhân viên này trở về tăng cường ban giảng huấn, trong số ta thấy có:
- BS Đào Hữu Anh (Cơ thể Bịnh lý),
- BS Hoàng Tiến Bảo (Chỉnh trực),
- BS Vũ Quí Đài (Vi trùng học),
- BS Nguyễn Khắc Minh (Gây mê),
- BS Đỗ Thị Nhuận (Ký sinh trùng học),
- BS Bùi Duy Tâm (Sinh hóa học).
Đồng thời, cũng trong thời điểm này, ta thấy có một số chuyên viên từ các nước tiếp tục trở về phục vụ tại YKDHS như :
- BS Nguyễn Thế Minh (Nội Khoa, Pháp),
- BS Trần Kiêm Thục (Bịnh Tiêu Hóa, Pháp),
- BS Trần Thế Nghiệp (Quang Tuyến, Pháp),
- BS Lê Dư Khương (Giải Phẫu, Đức),
- BS Liễu Thanh Tâm (Quang Tuyến, Pháp)
- BS Phó Bá Đa (Giải Phẫu, Mỹ)
- BS Nguyễn Ngọc Giệp (Sản-Phụ Khoa, Mỹ).
Tổng số nhân viên giảng huấn cho niên khóa 1967-68 được ghi nhận là 91 người, với 16 Giáo sư Thực thụ, 7 Giáo sư Diễn giảng, 27 Giảng sư và 41 Giảng nghiệm viên (4).
Năm 1966, trường YKDHS chính thức dọn về Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa tọa lạc trên đại lộ Hồng Bàng (nay là An Dương Vương). Trung tâm bao gồm cả hai trường Y và Nha, đầy đủ với đại giảng đường, thư viện, và các khu Khoa học Căn bản cùng với các phòng thí nghiệm. Dự án xây cất bịnh viện thực tập 500 giường bị lui lại cho tới năm 1972 khi người Mỹ rút khỏi Việt Nam thì hủy bỏ.
Niên khóa 1967-68 là niên khóa đầu tiên tại Trung Tâm Y Khoa mới, đã đánh dấu một sự cộng tác của chính phủ Mỹ trong công cuôc giáo dục y khoa Việt Nam. Qua sự dàn xếp của cơ quan USAID, Hiêp Hội Y Khoa Mỹ (American Medical Association) đã mang các bộ môn chuyên khoa của nhiều trường y khoa Mỹ sang Saigòn để trực tiếp yểm trợ cho các bộ môn của trường YKDHS. Một trong những bộ môn đầu tiên tiếp nhận sự yểm trợ này là môn Sinh lý học với GS Lilienfield, một GS Mỹ nổi danh. Vì tình trạng cúp điện liên miên ở Saigon trong những năm 67-68 nên một trong những lớp của GS Lilienfield đã được tiến hành ngoài trời, bên bờ hồ cạnh thư viện với sinh viên ngồi trên cỏ và bảng đen dựng bên cây me già. GS Lilienfield có nói với tôi sau lớp học là chưa bao giờ ông đã được tham dự một buổi giảng dạy lạ lùng và thích thú như vậy. Sự yểm trợ trực tiếp giữa các bộ môn chuyên khoa Mỹ và Việt Nam qua sự dàn xếp của hiệp hội AMA kể trên đã được tiếp tục cho tới năm 1975 và đã giúp ích rất nhiều cho công cuộc tăng cường nhân viên giảng huấn qua những chuyến tu nghiệp ngắn và dài hạn, cũng như trợ giúp sách vở cho thư viện và dụng cụ cho các phân khu. Nhiều sách y khoa của Mỹ đã được phóng ảnh (có sự cho phép của nhà xuất bản) để bán cho sinh viên với một giá rẻ. Đồng thời với việc giảng dạy các bộ môn khoa học, môn ngoại ngữ cũng được chú trọng: các sinh viên y khoa phải lựa hoặc Anh văn hoặc Pháp văn làm ngoại ngữ chính và phải trau dồi ngoại ngữ này qua những lớp học hàng tuần.
Kể từ khi Trung Tâm Y Khoa khai trương cho tới năm 1973, tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam bỗng trở nên sôi động. Không niên học nào mà không bị gián đoạn bởi những biến cố như biến cố Tết Mậu Thân, bởi những cuộc biểu tình, xuống đường của sinh viên, và hai cuộc thảm sát các cố Giáo sư Trần Anh và Lê Minh Trí.
Ban lãnh đạo trường YKDHS cũng phải chịu nhận nhiều thay đổi. Khởi đầu là vụ ngưng chức GS Phạm Biểu Tâm tháng giêng 1967. Một ủy ban 5 người được chỉ định để diều hành công việc cho tới tháng năm 1967, cuộc bầu cử Khoa trưởng đầu tiên với các Giảng sư được phép bầu đã tiến hành và GS Ngô Gia Hy cùng GS Vũ Thị Thoa được bầu lên nắm giữ chức vụ Khoa trưởng và Phó Khoa trưởng. Tháng giêng 1968, biến cố Tết Mậu Thân xẩy ra, các sinh viên phải đi thực tập quân sự và niên học bị tạm gián đoạn. Tháng mười một 1968, một cuộc bầu cử Khoa trưởng thứ hai được tổ chức và các GS Phạm Tấn Tước, Đào Hữu Anh và Nguyễn Phước Đại được bầu vào các chức vụ Khoa trưởng và Phó Khoa trưởng. Tháng giêng 1969, trong khi tình hình chính trị tạm lắng đọng, thì GS Lê Minh Trí bị thảm sát, và hai tháng sau đó, tới GS Trần Anh. Các cuộc biểu tình sinh viên bắt đầu tái diễn, chống kỳ thi tuyển Nội trú và GS Phạm Tấn Tước từ chức tháng 12 năm 1970. GS Đào Hữu Anh lên giữ chức Quyền Khoa trưởng cho tới tháng giêng 1972 thì GS Đặng Văn Chiếu được bầu lên chức vụ Khoa trưởng. Chương trình giảng giạy tại YKDHS được tiếp tục trôi chẩy trong mấy năm sau chỉ trừ một cuộc công kích hồi tháng tư 1972.
Sau đây là danh sách các vị Khoa Trưởng của YKDHS từ 1954 tới 1975:
- 1954-1955: GS Charles Massias
- 1955-1967: GS Phạm Biểu Tâm
- 1967-1969: GS Ngô Gia Hy
- 1969-1970: GS Phạm Tấn Tước
- 1970-1971: GS Đào Hữu Anh
- 1972-1974: GS Đặng Văn Chiếu
- 1974-1975: GS Vũ Quí Đài
Như trên ta đã thấy từ 1962, số sinh viên y khoa được tuyển vào học năm thứ nhất được giới hạn là 200 người. Chương trình học dài 6 năm và khi ra trường phải trình bày một luận án. Theo tài liệu của GS Nguyễn Đức Nguyên (3), thì tổng số luận án được trình và chấp thuận tại YKDHS từ năm 1947 cho tới năm 1972 là 1779 luận án. Số luận án từ 1972 tới 1975 là bao nhiêu không rõ vì không có ghi chép trong tài liệu nào. Tuy nhiên với sĩ số 200 người một lớp, ta có thể đoán phỏng là có vào khoảng trên dưới 600 luận án đã được trình trong thời kỳ đó. Như vậy, tổng số luận án ra trường của YKDHS từ 1947 cho tới 1975 là vào khoảng 2380 luận án.
Những sự kiện đã xẩy ra từ 1975 tại quốc ngoại.
Sau sự sụp đổ của chính quyền Quốc Gia miền Nam Việt Nam hồi tháng tư năm 1975, một số đông dân Việt Nam trên dưới 2 triệu người đã lần lượt bỏ nước ra đi, trong số này có khá nhiều các bác sĩ và sinh viên y khoa. Họ định cư tại nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên phần lớn đã chọn Mỹ quốc làm nơi sinh sống.
Một trong những mối ưu tư đầu tiên của người dân di tản là làm sao có thể sinh tồn trong một xã hội mới hoàn toàn xa lạ. Đối với các bác sĩ và sinh viên y khoa thì mối ưu tư đó chính là làm sao để có thể hoạt động trở lại trong ngành y tế.
Với sự yểm trợ đắc lực của cơ quan USAID và hiệp hội AMA, một Hội Đồng Khoa lưu vong (Faculty Council-in-Exile) của YKDHS được thành lập tại Mỹ với mục tiêu chính là làm sao có thễ giúp cho các sinh viên y khoa được tiếp tục học y khoa ở Mỹ, và các bác sĩ Việt Nam có thể hành nghề tại các tiểu bang Mỹ.
Thành phần Hội Đồng Khoa gồm:
- GS Đặng Văn Chiếu: Giải Phẫu.
- GS Đào Hữu Anh: Khoa Học Căn Bản.
- GS Phan Đình Tuân: Nhi Khoa.
- GS Nguyễn Văn Hồng: Sản Phụ Khoa.
- GS Lê Quốc Hanh: Nội Khoa.
Hội Đồng Khoa họp buổi họp đầu tiên tại Chicago, tháng 9 năm 1975. Trong thời điểm đó, liên lạc ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam hoàn toàn bị cắt đứt. Các bác sĩ và sinh viên y khoa Việt ở Mỹ không thể nào có được những giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ học trình và học bạ cần thiết của trường YKDHS để nộp cho các cơ sở Mỹ. Vì vậy, HĐK đã quyết định là sẽ đứng ra đảm nhiệm việc cấp giấy chứng nhận cũng như cấp phát văn bằng cho các sinh viên và bác sĩ của YKDHS cũ hiện đang ở quốc ngoại.
Trong buổi họp kể trên, HĐK đã chứng nhận và cấp phát 122 Chứng chỉ thay thế cho văn bằng Y Khoa Bác sĩ (Certificate in lieu of Diploma). Sự chứng nhận này được căn cứ trên những giấy tờ hình ảnh mà các đương sự mang theo được, những chứng nhận (affidavit) của các bạn bè cùng lớp hoặc cùng nơi hành nghề, và những tài liệu đã được in thành sách như Danh sách luận án (3), danh sách Y Sĩ Đoàn, v.v.. Nhờ sự ủng hộ của hiệp hội AMA, văn bằng của HĐK đã được các tiểu bang Mỹ công nhận là có giá trị tương đương như các văn bằng của các trường Y khoa khác, và có đầy đủ giá trị để có thể được thâu nhận vào các chương trình huấn luyện hậu đại học.
Sau gần 25 năm hoạt động, HĐK đã cấp phát được tất cả 1261 văn bằng. Trừ một số nhỏ đã xuất thân từ Y Khoa Đại Học Hà Nội, hầu hết các thụ đắc viên văn bằng này đều là sinh viên của Y Khoa Đại Học Sài Gòn. Đa số các thụ đắc viên đều cư ngụ tại Mỹ. Tuy nhiên một số văn bằng cũng được cấp phát cho các bác sĩ cư ngụ ngoài nước Mỹ. Bảng danh sách sau đây liệt kê các quốc gia và số văn bằng đã cấp phát tại quốc gia đó:
- Hoa kỳ: 1167 văn bằng
- Gia Nã Đại: 48 văn bằng
- Pháp quốc: 18 văn bằng
- Úc Châu: 17 văn bằng
- Bỉ quốc: 5 văn bằng
- Anh quốc: 2 văn bằng
- Tây Đức, Hòa Lan, Thụy Sĩ và Do Thái: 1 văn bằng cho mỗi nước.
Ngoài văn bằng kể trên, các thành viên HĐK cũng còn ký rất nhiều giấy giới thiệu cho các sinh viên cũng như bác sĩ để giúp họ tìm nơi học tập hoặc huấn luyện.
Kể từ 1995, số bác sĩ Việt Nam di cư qua Mỹ càng ngày càng giảm. Cộng thêm với việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt, các bác sĩ Việt ở ngoại quốc có thể trực tiếp xin chứng chỉ học trình và phó bản văn bằng từ Saigòn, nên hoạt động của HĐK cũng giảm dần. Văn bằng sau cùng được cấp phát vào tháng 3 năm 1998. Cho tới năm nay, năm 2002, các thành viên của HĐK đều đã về hưu, các thụ đắc viên văn bằng của HĐK cũng đều an cư lạc nghiệp trong nghề của mình, nhiệm kỳ của HĐK thiết tưởng cũng đã chấm dứt một cách bán chính thức. Có còn chăng chỉ là những chứng chỉ thay thế văn bằng do HĐK đã cấp phát, như để đánh dấu những hoạt động trong quãng thời gian trên một phần tư thế kỷ của cộng đồng YKDHS tại hải ngoại.
Kết luận.
Như trên đã trình bầy, tổng số bác sĩ trình luận án ra trường tại YKDHS từ 1947 tới 1975 là 2380 người. Trong khi đó, số chứng chỉ thay thế văn bằng do HĐK lưu vong cấp phát là 1261. Như vậy có nghĩa là hơn nửa số bác sĩ Việt Nam ra trường trước năm 1975 tại YKDHS đã di tản ra ngoại quốc. Nếu kể thêm cả những bác sĩ đã ra ngoại quốc mà không hành nghề, và những người đã mất đi trong cuộc chiến hay trong những trại cải tạo, thì số bác sĩ còn lại ở Việt Nam chỉ vào khoảng trên dưới một phần ba tổng số ra trường mà thôi.
Nhìn lại quãng đường đã đi qua sau 25 năm hoạt động, HĐK lưu vong đã đạt được một kết quả không nhỏ trong công cuộc hỗ trợ các bác sĩ và sinh viên y khoa Việt Nam để họ có thể trở lại với nghề mà mình đã lựa chọn. Phần đông các sinh viên y khoa đã tiếp tục học lại tại các Y khoa Đại Học Mỹ và đã ra trường, và hầu hết các bác sĩ Việt tại Mỹ cũng như tại các nước khác đã có một chỗ đứng vững chắc trên phương diện nghề nghiệp. Phần lớn thành quả này tất nhiên là do sự cố gắng không ngừng của các đương sự, nhưng phần nhỏ cũng là một niềm an ủi cho các thành viên HĐK đã không uổng công trong công việc yểm trợ các đồng nghiệp và dẫn dắt đàn em trong những ngày đầu tiên nơi xứ lạ.
Tất cả những điều ghi nhận trên đây nay đã đi vào dĩ vãng. Trường YKDHH đã di chuyển ra chỗ khác. Ngôi trường cũ nay là Đại học Dược và chỉ còn một bộ môn Y khoa ở lại là bộ môn Ký sinh trùng. Năm 2000, tôi có dịp ghé thăm trường, và trong khu Ký sinh trùng, vẫn thấy còn chiếc bàn giấy cũ kỹ nhưng đồ sộ của cựu Khoa trưởng GS Galliard của những thập niên xa xưa. Và ở Institut du Radium của bà Marie Curie (nay là bịnh viện K) vẫn thấy những tủ đựng “lames” cũ kỹ từ thời GS Vũ Công Hòe (của những buổi thực tập Mô học không bao giờ quên được) và chiếc đèn treo trên trần nhà bằng đồng đen thực đồ sộ đã nổi tiếng từ thời bà Curie.
Trường YKDHS nay đã đổi tên là trường Đại Học Y Dược thành phố HCM. Trường sở vẫn còn như cũ, tuy có xây thêm vài cơ sở phụ thuộc. Đại giảng đường, hồ nước bên quán ăn không thay đổi. Số sinh viên mỗi lớp vào khoảng 200 người. Chương trình học thay đổi nhiều với những môn Chính trị học, Đông y, Dược thảo, Châm cứu, v.v.. Sách vở sinh viên sử dụng là những sách do ban giảng huấn viết bằng tiếng Việt cho từng bộ môn. Ngay cổng vào có một quán bán sách y khoa, phần lớn sách bày bán là sách bằng tiếng Việt. Tháng 10 năm 2000 khi tôi ghé thăm, một cuộc thi tuyển Nội trú đang tiến hành, làm tôi chợt nghĩ tới năm 1970 khi mà vấn đề Nội trú đã là đề tài cho những cuộc biểu tình liên miên của sinh viên y khoa thời đó. Tôi có cảm tưởng là đã quay được một vòng 360 độ và đã trở về vị trí cũ.
Bác sĩ Đào Hữu Anh
______________________
Tài liệu tham khảo:
1. L’Ecole de Plein Exercice de Médecine et de Pharmacie: Direction Générale de l’Instruction Publique du Gouvernement Général de l’Indochine. Imprimerie d’Extrême –Orient, Hanoi, 1931.
2. Một chút lịch sử giáo dục y khoa Việt Nam: GS Trần Ngọc Ninh. Hội Quốc tế Y sĩ Việt Nam Tự do, 1997.
3. Bibliographie des Thèses: Dr. Nguyên Đưc Nguyên, Centre d’Education Médicale, Université de Saigon, 1972.
4. Saigon Medical School: An Experiment in International Medical Education. C.H. William Ruhe, MD, American Medical Association, 1988.
5. Các tài liệu cá nhân (của tác giả).
Cái Đình - 2004