Lời nói đầu
Tôi viết tập "hồi ký" này từ cuối những năm bảy mươi. Viết xong, tôi nhờ anh em ở Long An ̶ tỉnh nhà ̶ đánh máy; ý muốn viết hồi ký để con cháu xem chớ không phải để in ra thành sách, vì trong hồi ký có lắm chuyện "không lấy gì làm hay", buồn nữa là khác. Nhưng vài ba anh em Long An, không xin phép tôi, tự ý đánh máy thêm mấy bản, chỉ giao lại cho tôi hai bản, họ giữ mấy bản tôi không biết, nhưng tôi được biết họ đã chuyền tay đọc khá rộng. Nhiều bạn bảo tôi cứ phát hành tập hồi ký này đi. Tôi không ưng. Có lý do.
Tôi thấy rằng không ít hồi ký đã được in ấn kể sự việc rất hay mà cũng chen vào một ít điều hoặc tác giả bịa hoặc lúc nghe kể đã thất thiệt. Viết hồi ký trước hết là viết những điều mình mắt thấy tai nghe và tự làm là chính, mà viết về mình thì dễ "chủ quan": bớt cái dở thêm cái hay là điều khó tránh khỏi; tôi ngập ngừng khi định viết hồi ký là vì vậy. Nhưng có một số việc, nếu mình không kể lại thì không ai biết, không ai nhớ, không ai viết, không ai làm sáng tỏ cho mình bằng mình. Thành ra viết hồi ký vừa là đóng góp sử liệu vừa là yên ủi mình. Trong lịch sử dù là lịch sử của một khoảng đời ngắn ngủi, mình chỉ là một tiếng của ngàn trùng ngọn sóng trên biển sôi động: ghi lại một tiếng, thật ra có nghĩa lý gì lớn lắm đâu, có thêm bớt gì lắm đâu? Nhiều lắm thì làm cho một số người mất thì giờ đọc, hay mất tiền mua. "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng"; tục ngữ thì như vậy. Song, da, dầu là da cọp, nhiều năm rồi sâu mọt đục cũng hết. Tiếng, trừ ra tiếng của một số ít vĩ nhân, làm sao mà còn mãi với thời gian? Năm trăm năm sau cách mạng tháng Tám, dân ta sẽ còn nhớ chỉ tên của một mình cụ Hồ, mình ông Giáp. Cho nên, viết hồi ký này, tôi chỉ mong cho cháu một đời sau mình biết được rằng ông nó đã gắng sức làm tròn trách nhiệm ở đời, đã sống có nhân cách. Thế là đủ.
Tôi chỉ viết hồi ký khoảng thời gian 1940-1945 vì đó là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời dài quá 80 năm, xấp xỉ 90 năm. Tôi viết "Lời nói đầu" này ngày 27 tháng 10 năm 1995, sau khi tôi đọc lại bản hồi ký lần thứ ba.
*Tặng vợ tôi, bà Đỗ Thị Đạo, người vợ trung thành, người đàn bà theo đúng truyền thống Việt Nam và truyền thống gia đình.Trần Văn Giàu
Mong rằng cuốn hồi ký Trần Văn Giàu sẽ sớm đến tay bạn đọc một ngày gần đây
Sử gia Trần Văn Giàu qua đời
Nguyễn Ngọc Giao
Viết từ Paris, Pháp
GS. Trần Văn Giàu tiếp GS. Ngô Vĩnh Long tại nhà riêng, tháng 8.2008
Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà cách mạng lão thành, đã từ trần ngày 16.12.2010, lúc 17g20 (giờ Việt Nam), tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 100 tuổi.
Ông sinh ngày 6 tháng 9 năm 1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An trong một gia đình khá giả ở nông thôn. Năm 1926, lên Sài Gòn học trung học, năm 1928 sang Pháp tiếp tục học trung học (ở "Thành phố Hồng" Toulouse, miền tây-nam nước Pháp).
Tháng 3.1929 ông gia nhập Đảng cộng sản (đảng bộ Pháp).
Cuộc đời chính trị
Tháng 5.1930, ông từ Toulouse lên Paris, tham gia cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Việt Nam trước cổng điện Elysée (phủ tổng thống Pháp, phố Faubourg Saint-Honoré, quận 8, Paris). Đây là cuộc biểu tình chính trị đầu tiên của Việt kiều tại Pháp, nhằm mục đích đòi xóa án tử hình 13 liệt sĩ Yên Bái. Những người chủ xướng cuộc biểu tình như Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu... bị bắt giam ở nhà tù La Santé và bị trục xuất ngay về nước. Trần Văn Giàu, lúc đó chưa đầy 21 tuổi (tuổi trưởng thành theo pháp luật lúc đó), bị giam ở khu vị thành niên ở nhà tù La Roquette (dành cho phụ nữ và thiếu niên) rồi bị trục xuất vài tháng sau đó.
Về tới Sài Gòn, ông dạy học ở trường tư thục Huỳnh Công Phát và hoạt động trong hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam, được phân công cùng Hải Triều phụ trách Ban học sinh và Ban phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ.
Năm 1931, sau cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, chính quyền thực dân đàn áp mạnh mẽ. Theo lời ông kể lại cho chúng tôi, trong một cuộc phỏng vấn ghi hình năm 1989 tại Paris, một hôm đang đi trên đường phố Sài Gòn, ông được tin mật thám đến lùng bắt ông tại nhà, ông bèn tìm đường xuất dương trở lại Pháp. Tình cờ ông gặp Tạ Thu Thâu, ông Thâu dẫn ông tới nhà bà chị ruột và xin được của bà một cà rá (nhẫn) vàng để ông Giàu độ thân lên đường.
Từ Pháp, Trần Văn Giàu sang Liên Xô học Trường đại học Đông Phương. Năm 1933, ông tốt nghiệp với luận văn "Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương". Về nước, ông tham gia xây dựng lại xứ ủy Nam Kì và xuất bảo báo Cờ Đỏ. Sau thất bại của Mặt trận Bình dân Pháp, ông bị bắt giam ở Côn Đảo, Tà Lài. Năm 1941, ông vượt ngục Tà Lài.
Năm 1943 ông được cử làm bí thư Xứ ủy Nam Kì. Sự thật phức tạp hơn thế : nội bộ ĐCS ở Nam Kì phân hóa, có hai xứ ủy được thành lập. Xứ ủy kia (của nhóm bà Nguyễn Thị Thập) chủ trương thành lập Thanh niên cứu quốc, theo đúng nguyên xi chủ trương của Trung ương.
Bí thư Trần Văn Giàu thì nắm vận hội chính quyền Nhật muốn tổ chức một đoàn thể thanh niên để cạnh tranh với tổ chức của thực dân Pháp do đại tá Ducoroy cầm đầu ông quyết định để bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (mà ông kết nạp vào ĐCS đầu năm 1945) thành lập Thanh niên Tiền phong.
TNTP đã tập hợp đông đảo thanh niên ở nông thôn và thành thị và đóng vai trò quan trọng trong cuộc giành chính quyền cuối tháng 8.1945 ở Sài Gòn và Nam Bộ, và sau đó là hạt nhân cho các lực lượng vũ trang kháng chiến.
Trần Văn Giàu tại quảng trường La Bastille tháng 7-1989
Cuộc biểu tình nắm chính quyền ở Sài Gòn ngày 25.8.1945 (hơn một lần ông nói với tôi, lẽ ra ông muốn làm ngay từ ngày 21.8) chứng tỏ sự nhạy bén và óc quyết đoán của Trần Văn Giàu. (Sự phân hóa giữa hai "xứ uỷ" còn để lại nhiều vết tích trên "lý lịch" của nhà cách mạng lão thành: theo chúng tôi biết, mãi đến mùa xuân năm 1989, Trần Văn Giàu mới được minh oan hoàn toàn -- tháng 7.1989, ông xuất ngoại lần đầu tiên sau mấy chục năm, sang Pháp dự lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, theo lời mời của chính quyền Mitterrand).
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Trần Văn Giàu được cử làm chủ tịch Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ, sau ngày 23.9.45 là Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.
Nghiên cứu lịch sử
Năm 1949, ông được điều động ra Việt Bắc, làm tổng giám đốc Nha thông tin. Từ năm 1951 trở đi, ông chuyển sang ngành giáo dục. Năm 1954, chủ nhiệm Khoa lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ 1962 đến 1975, công tác tại Viện sử học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Sau thống nhất đất nước, ông trở về Nam Bộ, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục nghiên cứu về lịch sử Việt Nam.
Trần Văn Giàu để lại một sự nghiệp đồ sộ trong "cuộc đời thứ nhì" của ông: đào tạo cả một thế hệ các nhà sử học với những tên tuổi quen biết : Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm ; trước tác về nhiều lãnh vực (sử học, triết học, lịch sử tư tưởng).
Ông bà Trần Văn Giàu và bốn môn đệ (từ phải sang trái : Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng) (nguồn : VNU)
Tên tuổi Trần Văn Giàu đã chói sáng từ những năm 1930 trong lịch sử chính trị Việt Nam. Nếu công lao đào tạo và trước tác của ông được mọi người thừa nhận, cuộc đời hoạt động chính trị của ông, đặc biệt trong thập niên 1940 (thời gian ông lãnh đạo xứ ủy Nam Kì của ĐCS, lãnh đạo Khởi nghĩa và Kháng chiến) là chủ đề nhiều cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, và còn nhiều vùng tối.
Tranh luận từ ngay trong nội bộ Đảng cộng sản: như đã nói trên, sự bất đồng giữa hai nhóm lãnh đạo đảng bộ Nam Kì cho đến nay vẫn chưa được công khai kết luận; thêm vào đó, việc ông cử ông Lê Duẩn đơn thuần làm trưởng phòng du kích Nam Bộ (khi ông Lê Duẩn ở Côn Đảo trở về) dường như đã có ảnh hưởng tới "tiền đồ chính trị" của Trần Văn Giàu, thậm chí đến cả việc ông phải đợi khá lâu mới được trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975.
Một sự kiện khác, quan trọng không kém, là việc năm 1951, ông rời khỏi cương vị lãnh đạo chính trị, chuyển sang giáo dục và nghiên cứu.
Tranh cãi
Các nhà nghiên cứu nước ngoài (thí dụ như Jean Lacouture) cho rằng Trần Văn Giàu cũng như Trần Huy Liệu, hai người phụ trách công tác thông tin tuyên truyền, đã mắc sai lầm "tả khuynh", kêu gọi "tống tấn công" quá sớm. Năm 2005, chúng tôi có dịp hỏi ông, sau ít phút do dự, ông đưa ra một giải thích khác hẳn.
"Ông là một nhân vật lịch sử, đồng thời là nhà sử học uyên bác trong hiểu biết, sắc sảo trong nhận định, trong sáng và dí dỏm trong văn phong."
Ông bà Trần Văn Giàu và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1994, ảnh THD).
Ông nói từ năm 1950, chủ nghĩa Mao tràn vào Việt Bắc, ông kiên quyết chống lại và phê phán "tư tưởng Mao Trạch Đông", và đó là lí do ông bị/được "chuyển công tác".
Rất tiếc rằng lúc ấy ông không cho phép tôi công bố việc này, cũng như theo sự thỏa thuận mùa hè năm 1989, 3 giờ phỏng vấn ông ở Paris không được phổ biến lúc sinh thời. Ông còn dặn kỹ tôi : "Nếu chú viết về việc này, thì tôi sẽ cải chính đấy".
Lời căn dặn của ông cho tôi thêm cơ hội để hỏi ông: anh đã viết xong hồi kí chưa ? và "bảo quản" ra sao ? Ông mỉm cười, cho biết đã xong và đã trao cho vài người gìn giữ, bảo đảm an toàn. Mong rằng cuốn hồi ký Trần Văn Giàu sẽ sớm đến tay bạn đọc -- tốt nhất là trên mạng, để tránh mọi sự hốt cắt đục của bộ 4T.
Tên tuổi của ông Trần Văn Giàu còn được nêu lên trên các tài liệu của nhóm trốt-kít. Nhiều người trốt-kít tố cáo trách nhiệm của ông trong cái chết của những nhà cách mạng trốt-kít như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... Trong cuộc phỏng vấn năm 1989 nói ở trên, tôi đã hỏi thẳng ông.
Ông dứt khoát bác bỏ trách nhiệm của mình trong cái chết của ông Tạ Thu Thâu (tháng 9 năm 1945 tại Quảng Ngãi), nhưng ông giữ im lặng, không trả lời câu hỏi của tôi về việc ông Phan Văn Hùm và các đồng chí đã bị thủ tiêu ở Nam Bộ năm 1946. Sự đối lập và thù nghịch giữa hai xu hướng đệ tam và đệ tứ, kể cả (hay nhất là) ở Nam Bộ là nơi họ đã hợp tác với nhau trong thời khì làm báo La Lutte, thì mọi người đều biết.
Nhưng căn cứ vào những thông tin mà người ta có được về tình hình các xu hướng cộng sản ở Quảng Ngãi năm 1945 (là nơi, ngoài Tạ Thu Thâu, các ông Ngô Đình Diệm, Lê Văn Hiến (cộng sản) đều bị bắt trên đường vào nam hay ra bắc, ông Diệm được cụ Hồ cứu kịp, ông Lê Văn Hiến thì đã bị dẫn ra trường bắn, thoát chết vào phút chót, nhờ sự tỉnh ngộ của người cán bộ chỉ huy đội xử bắn), căn cứ vào tình hình thông tin khó khăn giữa các nơi (đó là không kể nạn địa phương cát cứ nửa thế kỉ sau vẫn còn tồn tại), tôi tin rằng ông Giàu đã nói thực về ông Tạ Thu Thâu.
Chính trong lúc trả lời về ông Thâu mà ông Trần Văn Giàu đã kể cho tôi nghe câu chuyện cái cà rá vàng của bà chị ông Thâu, nhờ đó năm 1931 ông đã trở lại nước Pháp, tránh được sự lùng bắt của mật thám thực dân. Tôi có thêm lí do để tin lời ông, vì Trần Văn Giàu đã giữ im lặng về cái chết của ông Phan Văn Hùm. Đối với tôi, lúc ấy và bây giờ, sự im lặng ấy mặc nhiên thừa nhận trách nhiệm của mình. Ở mức độ nào, trong hoàn cảnh nào, mong rằng trong hồi kí, ông sẽ nói rõ hơn.
Tính theo tuổi ta, Trần Văn Giàu vừa tròn trăm tuổi -- cùng tuổi với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gặp ông lần cuối vào mùa hè năm 2008, tôi đã thấy ông yếu lắm, tuy vẫn tinh anh và sôi nổi trong lúc bàn luận. Cái chết của ông như đã được báo trước, nhưng vẫn đột ngột và tạo ra sự hụt hẫng, thiếu vắng. Ông là một nhân vật lịch sử, đồng thời là nhà sử học uyên bác trong hiểu biết, sắc sảo trong nhận định, trong sáng và dí dỏm trong văn phong.
Chiều nay, được tin ông ra đi, xin viết vội mấy dòng tiểu sử, thêm vào đó một vài thông tin được ông cung cấp trong những lần được gặp ông ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Paris. Xin hẹn, một lần sau, vài kỉ niệm với người đã khuất.
Bài viết đã đăng lần đầu tiên trên trang Diễn đàn.