Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Nguyễn Mạnh Tường - Luật sư huyền thoại

Kiều Mai Sơn

GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 - 1997) là một trong những người trí thức Việt Nam thông minh siêu việt gắn với nhiều huyền thoại, một nhà sư phạm mẫu mực giàu tài năng. Ông sinh ngày 16/9/1909 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Năm 22 tuổi, là học sinh Việt Nam (lúc đó còn thân phận thuộc địa) du học trên nước Pháp, Nguyễn Mạnh Tường đã lập nên kỷ lục làm chấn động học đường nước Pháp: trong một năm lấy luôn hai bằng Tiến sĩ Quốc gia Văn khoa và Luật khoa.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt nhằm ngăn chặn âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp. Với tầm kiến thức rộng lớn, ông tham gia vào các Đoàn đại biểu của Chính phủ kháng chiến dự Hội nghị Bảo vệ Hòa bình ở Bắc Kinh (Trung Quốc - 1952), Đại hội Hòa bình Thế giới ở Vienna (Áo - 1952), rồi làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới ở Bruxelles (Bỉ - 1956). Lập luận và trí thức uyên thâm của Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ...
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã tham gia giảng dạy tại Trường Bưởi (nay là Trường trung học Quốc gia Chu Văn An) cùng với các đồng nghiệp là những trí thức tài danh thời bấy giờ như Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn... Ông còn tham gia đào tạo trí thức phục vụ kháng chiến tại Trường dự bị đại học Liên khu IV tại Thanh Hóa, Phó giám đốc (nay là Phó hiệu trưởng) Trường đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Trường ĐHSP Hà Nội) khi miền Bắc mới giải phóng.
GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường từ trần ngày 13/6/1997, để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp và học trò. Tổng Bí thư Đỗ Mười đến viếng ông và ghi vào sổ tang: "Vô cùng thương tiếc Giáo sư - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam”.
Chào vĩnh biệt
Đỗ Mười

1. Tại phiên toà xét xử ông cố vấn Vĩnh Thụy


Hình 1. Cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, chiều ngày 21/8/2009
Chiều ngày 21/8/2009, bà Vũ Bảo Tuyên con gái của cụ Vũ Đình Hòe nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Lâm thời tháng 8 năm 1945, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ tháng 3 năm 1946 đến năm 1960 khi Bộ Tư pháp giải thể) dẫn tôi đến nơi hai cụ đang cư trú thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Bậc công huân của đất nước vịn ghế bước ra, phong thái quắc thước, mái tóc bạc phơ phơ rung rung theo, thần thái tinh anh. Tôi tới xin cụ kể cho một số kỷ niệm với GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (16/9/1909 – 16/9/2009) người trí thức nổi danh trong nền giáo dục hai nước Việt-Pháp từ những năm ba mươi của thế kỷ XX. Là hàng cháu chắt, tôi giữ mãi ấn tượng về nụ cười hiền, tiếng nói vang và ấm của cụ Vũ Đình Hòe trong suốt câu chuyện:
- Về luật sư Nguyễn Mạnh Tường, à hà. Bây giờ cũng lâu năm lắm rồi, quên hết rồi. Ông Nguyễn Mạnh Tường là người trí thức cao cấp, được cấp học bổng của Chính phủ Pháp, học giỏi, đỗ 2 bằng Tiến sĩ Quốc gia nước Pháp về Văn, về Luật. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 và trong kháng chiến tôi có tiếp xúc với ông rồi cũng có gặp nhau ở Mặt trận Tổ quốc.
Đi theo kháng chiến cũng rất vất vả và ông Nguyễn Mạnh Tường làm được việc quý hóa đó là luật sư tích cực đi cãi cho người nghèo. Ở Tòa án, các vụ hình sự thường có luật sư giúp đỡ. Cãi trước tòa án quân sự, thứ nhất là những vụ về chính trị, thứ hai là những vụ phá rối là điều bắt buộc. Người Pháp thì vẫn cứ muốn lôi kéo ông Nguyễn Mạnh Tường về thành. Kéo không được thì họ làm trở ngại công việc của ông.
- Có lần cụ từng kể, luật sư Nguyễn Mạnh Tường từng bào chữa cho ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ tại Tòa án Quân sự. Sự việc này cụ thể ra sao ạ?
- Ông Vĩnh Thụy được Chính phủ, được Cụ Hồ giao công tác tham gia đoàn đi sang Trung Quốc để gặp Trung ương Đảng Quốc Dân Trung Hoa -Tưởng Giới Thạch. Lúc bấy giờ cách mạng Trung Quốc chưa thành công, hãy còn đánh nhau giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản. Mãi đến năm 1949 Đảng Cộng Sản mới đánh thắng được Tưởng Giới Thạch. Trước đó, Tưởng Giới Thạch có cộng tác đánh Nhật với Đảng Cộng Sản, hai lần hợp tác mà rồi nó lại giở chứng ra, thế là lủng củng hai phe, rồi mâu thuẫn, rồi đánh nhau bằng quân sự.
Tôi không được đọc báo cáo của ông Vĩnh Thụy, chỉ có nghe nói chuyện lại lõm bõm thôi. Nửa đường ông Vĩnh Thụy lợi dụng cơ hội tìm cách đi Hồng Kông, nửa đường không về nước, từ đấy liên hệ với phái viên của Pháp. Dần già ông ấy chịu để Pháp lôi kéo đi ngược với đường lối đánh Pháp của dân ta, Chính phủ ta và Cụ Hồ.
Việc đưa ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy ra xét xử trước Tòa án, Chính phủ ta phải cân nhắc nhiều. Tôi lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên cũng được họp trong phiên Chính phủ họp bàn về xử vụ ông Vĩnh Thụy đào nhiệm. Đó là vào hồi năm 1950 - 1951. Cụ Hồ không muốn truy tố. Cụ tin là nếu mà mình khéo quan hệ thì vẫn có thể đưa ông ấy về lại với chính nghĩa được. Nhưng anh em khác thưa với Cụ Hồ là phong trào cách mạng trong nước yêu cầu phải truy tố. Bởi vì ông ấy là người của Chính phủ, làm Cố vấn tối cao, được cử đi làm công tác ngoại giao mà ông ấy lại đào nhiệm không quay về báo cáo với Chính phủ, với Hồ Chủ tịch, tự ý đi Hồng Kông… Để hợp thủ tục dân chủ, Hồ Chủ tịch đề nghị giơ tay biểu quyết. Tất cả thành viên Chính phủ đều giơ tay lên, trừ cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Cụ nói đồng ý là ông Vĩnh Thụy phạm tội nặng đối với Tổ quốc, nhưng cụ không nỡ giơ tay biểu quyết. Mọi người nhớ xưa cụ đã một thời giữ chức Thượng thư trong triều đình Bảo Đại. Cuối cùng Chính phủ quyết định giao cho Tòa án xét xử theo đúng pháp luật, phải làm đàng hoàng đầy đủ thủ tục, có luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt.
Mấy tháng sau, Toà án quân khu III được thành lập do ông Lê Văn Chất làm Chánh án, ông Bùi Lâm làm Công cáo uỷ viên, một Hội thẩm chính trị là đại biểu quân đội, một Hội thẩm chuyên môn là ông Trần Đình Trúc - Thẩm phán do Giám đốc Tư pháp khu III phái sang. Hai luật sư cùng bênh vực cho bị cáo Vĩnh Thụy là ông Đỗ Xuân Sảng và ông Nguyễn Mạnh Tường.
Bản cáo trạng buộc tội ông Vĩnh Thuỵ rất đanh thép. Sau khi đã thực thi đủ thủ tục pháp lý và bàn luận kỹ càng, Hội đồng xét xử đã ra phán quyết vắng mặt bị cáo: Tử hình đối với Nguyễn Vĩnh Thuỵ về tội phản quốc.
- Thưa cụ, tư liệu về phiên tòa xét xử ông Vĩnh Thụy ngày nay liệu có còn không ạ?
- Có lẽ vẫn còn trong các Trung tâm lưu trữ Quốc gia của Trung ương Đảng. Xử xong anh em có báo clên Chính phủ và Bộ Tư pháp. Tôi chỉ biết đến thế thôi. Nội dung lời biện hộ của ông Nguyễn Mạnh Tường rất tiếc là tôi không được trực tiếp nghe và cũng không được đọc bản án.
Chuyện xảy ra đã lâu, tôi chỉ còn cảm tưởng: Nói chung là ông Nguyễn Mạnh Tường đã làm đúng nhiệm vụ của người luật sư. Pháp luật của mình lúc ấy, cũng chưa được hoàn chỉnh. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đề nghị ghi vào bản án xử theo điều luật của nhiều nước trên thế giới là: Tử hình vắng mặt, khi nào bắt lại được can phạm thì sẽ mở lại phiên toà chứ không được thi hành cái án đã tuyên trước đó. Tòa án cũng đồng ý. Vụ án ông Vĩnh Thụy được xét xử thận trọng, nghiêm minh, được dư luận dân chúng, nhất là anh em trí thức hoan nghênh, ủng hộ.
***
Câu chuyện tạm thời bị gián đoạn vì căn bệnh giãn phế nang kinh niên trong cơ thể cụ. Cụ Vũ Đình Hòe là hậu duệ trực hệ của cụ Nghè làng Tự Tháp, Tiến sĩ Vũ Tông Phan triều Nguyễn, một danh sĩ ưu dân ái quốc, người đã cùng cụ Nguyễn Siêu và các danh sĩ Bắc Hà dựng lên quần thể kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm với Đài Nghiên – Tháp Bút – Cầu Thê Húc – Đền Ngọc Sơn. Vào thành phố Hồ Chí Minh từ mấy năm nay để đảm bảo sức khỏe, cụ tiếp tục hoàn thành công trình nghiên cứu đang dang dở: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Sống ở đô thị phương Nam từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng cụ vẫn không nguôi nhớ về Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn hiến, nơi cụ đã sinh ra và thừa kế lớp sĩ phu yêu nước.
Như con tằm rút ruột nhả tơ, đi trọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đến nay tuổi đời đã ngót một thế kỷ, cụ Vũ Đình Hòe vẫn không nguôi nhớ bạn đồng nghiệp trong ngành giáo dục và luật học. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, cụ Nguyễn Mạnh Tường dạy trường Bưởi (nay là trường Trung học Quốc gia Chu Văn An) thì cụ Vũ Đình Hòe dạy trường tư thục Gia Long và tư thục Thăng Long. Khi cụ Vũ Đình Hòe tốt nghiệp khoa Luật khóa 2 của Đại học Đông Dương cũng là giai đoạn cụ Nguyễn Mạnh Tường mở Văn phòng Luật sư tại 77 Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo – Hà Nội). Tháng 10 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe và luật sư Nguyễn Mạnh Tường lại cùng đứng chung bục giảng tại Ban Văn khoa trường Đại học Đông Dương.
Cuối cùng cụ Vũ Đình Hòe hỏi tôi:
- Không biết bà Tường cao tuổi lắm rồi đấy nhỉ. Bà có được khỏe không?
- Thưa, cụ bà Nguyễn Mạnh Tường hai năm về trước bị ngã gãy chân và hoại tử chân, bà con gái Nguyễn Dung Nghi và ông con trưởng Nguyễn Tường Hưng phải mời thầy đến bó thuốc lá, nay cụ bà đã khỏi nhưng vì tuổi cụ đã cao nên không đi ra ngoài được ạ.
- Ớ! Thế bây giờ bà ấy ở đâu?
- Dạ thưa, cụ bà vẫn ở 34 Tăng Bạt Hổ – quận Hai Bà Trưng – Hà Nội.
- Tăng Bạt Hổ, vẫn cái nhà có vườn? Đấy là nhà của gia đình. Bà ấy là con cụ Tống Nguyên Lễ, tên bà là Tống Lệ Dung, cùng ở trong tổ Phụ nữ nội trợ trí thức của Trung ương Hội Phụ nữ. Bà xã nhà tôi lại là Tổ trưởng tổ ấy thành ra cũng đi lại khá thân. Nhưng mà có một dạo ít đi lại thăm nhau, bây giờ tôi nghĩ lại cũng cứ ân hận.
Vừa lúc đó, bà Vũ Bảo Tuyên bước đến sau lưng tôi. Tôi nhìn đồng hồ, đã được bà “đặc cách” cho hầu chuyện cụ tới 30 phút. Tôi vội đứng dậy xin phép cụ ra về…

2. 80 tuổi trở lại nước Pháp
Lòng tự trọng và danh dự của người trí thức

Chớm đông. Cái nắng hanh hao dát vàng cảnh vật. Thêm một lần tôi nhẹ bước vào ngôi biệt thự rêu phong 34 phố Tăng Bạt Hổ (Q. Hai Bà Trưng – Hà Nội). Bà Nguyễn Dung Nghi, người con gái thứ hai của cố luật sư Nguyễn Mạnh Tường đón tôi với một sự thân thiện trong lần gặp đầu tiên. Nhắc đến ba mẹ, bà luôn tự hào về hai đấng sinh thành. Niềm hạnh phúc của người con khi đã sắp bước vào “câu lạc bộ cổ lai hy” vẫn còn được hàng ngày chăm sóc mẹ.
Vậy là tròn 20 năm, cũng những ngày chớm đông Hà Nội, năm 1989 nhân dịp thọ 80 tuổi, cụ Nguyễn Mạnh Tường sang Paris theo lời mời của bạn bè Việt Nam và Pháp đi du lịch sang thăm lại nước Pháp …
“Ông sang Pháp một mình, cũng tội nghiệp ông, tuổi già phải tự mang va-ly nặng toàn quần áo rét. Khi ông xuống sân bay Orly vào một chiều tháng mười, học trò ra đón, trong đó có anh ruột của bà là dược sĩ Tống Lịch Cường. Danh chính ngôn thuận là bác Cường viết thư mời ông sang chơi nhưng bác cũng nghèo, không có đủ tiền. Học trò của ông bên đó mong được gặp thầy nên đã cùng nhau góp tiền lại, giúp bác…”.
Vừa lần lại những tấm ảnh trở thành kỷ vật của gia đình, bà Nguyễn Dung Nghi vừa kể với một niềm xúc động chân thành:
“Tại Paris ông đến ở với gia đình ông Nguyễn Văn Lung, em vợ bác Hoàng Xuân Hãn vì nhà bác Hãn không có người phục vụ. Hai bác Hãn không có con cho nên rất là quý em trai của vợ. Ông Hãn hay mời ông đến nhà chơi.
Bên đó ông bị tai biến mạch máu não. Ông Lung đưa vào bệnh viện. May mắn là ông bị nhẹ, chỉ thoáng qua, nằm viện một tuần là bình phục. Có lẽ ở bên ấy đông đảo học trò cùng đến thăm hỏi, ông phải tiếp khách nhiều, nên cũng căng thẳng, ông lại nghỉ không chơi tennis. Trong khi đó ở nhà 80 tuổi ông vẫn tập luyện thể thao đều đặn”.
Để tôi biết rõ hơn, bà đọc một đoạn Hồi ký của cha - luật sư Nguyễn Mạnh Tường viết về thời gian này:
“Các bạn bè Việt - Pháp ở đây đã dành cho tôi một sự tiếp đón thật xúc động. Sau sáu mươi năm xa cách, tôi mới được thấy lại đất nước mà tôi đã được sống và học tập trong nhiều năm, đồng thời nhận được sự tiếp đón tế nhị và ân cần chăm chút của những trái tim vàng. Cái ước nguyện ôm ấp từ nhiều năm nay bây giờ mới được thực hiện. Thế là mãn nguyện.
Sau mười ngày tôi lại bắt đầu tiếp xúc với các bạn bè và tiếp tục hoạt động của tôi. Tôi là đối tượng của một cuộc phỏng vấn trên vô tuyến truyền hình ở hệ thống TF1. Tôi có hai buổi diễn thuyết, một ở Clermont l'Hérault ở gần Montpellier. Ở đây tôi cũng lại đi sưu tầm tư liệu về Jules Boissière là đề tài bổ sung bản Luận án Tiến sĩ văn chương Quốc gia và cuộc thứ hai ở Sorbonne thuộc quận Paris VII.
Sự kiện bất ngờ, không thể biết trước đã cuốn hút tôi và làm tôi xáo trộn cả đầu óc là các cuộc nổi dậy của quần chúng trong các nước Đông Âu. Nhiều nhà báo đã đến hỏi ý kiến của tôi về hậu quả của nó có thể xảy ra ở Việt Nam.


Hình 2. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (bên phải) cùng anh vợ - dược sĩ Tống Lịch Cường
***
Thế hệ những nhà trí thức đầu thế kỷ XX ít nhiều vẫn mang trong mình vốn văn hóa phương Đông nên luật sư Nguyễn Mạnh Tường không bao giờ mang những câu chuyện ngoài xã hội về kể trong gia đình. May thay, sau những ngày bên Pháp trở về, cụ đã kể lại cho những nhà trí thức và những học trò về chuyến đi này.
Nhận lời mời của ông Hoàng Nguyên (tức Nguyễn Bá Huấn: 1924-2007); luật sư, nhà ngoại giao, vốn là học trò cũ trường Bưởi; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thời sự - Khoa học dành cho các nhà trí thức; Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã tới nói chuyện tại Câu lạc bộ Thời sự - Khoa học (53 Nguyễn Du – Hà Nội) trong suốt 2 giờ đồng hồ. Cụ đã dành thời gian kể lại cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Le Monde – một tờ nhật báo lớn ra buổi chiều ở Paris. Nhà báo tập trung vào vấn đề chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và gắn với tình hình Việt Nam.
PV: Ngài thấy thế nào về cuộc khủng hoảng ở Đông Âu?
NMT: Tôi là một luật sư, quen bào chữa, chứ không phải một công tố viên, quen lên án. Hơn nữa, ngụ ngôn Pháp có câu: Cú đá của con lừa (le coup de pied de l’âne) để nói về những kẻ hèn hạ thừa cơ người khác gặp khó khăn mà lợi dụng. Các ông đừng ép tôi làm con lừa ngu ngốc ấy.
PV: Ngài thấy chủ nghĩa cộng sản bây giờ thế nào?
NMT: Trước hết, các ông đừng lẫn lộn chủ nghĩa cộng sản, mà nhiều trí thức Pháp đã coi là hy vọng cuối cùng của loài người, với những người thực hiện nó.
PV: Vậy ngài thấy các lãnh tụ cộng sản thế nào?
NMT: Cũng như vậy, các ông chớ xếp chung các lãnh tụ cộng sản vào một gói. Làm sao có thể đặt ngang hàng Ceaucescu với Hồ Chí Minh? Các ông đều biết Cụ Hồ đến khi chết vẫn chỉ có hai bộ quần áo và đôi dép cao su…
PV: Liệu Việt Nam có như Đông Âu không?
NMT: Việt Nam có giải pháp của Việt Nam. Người Việt Nam không giống người châu Âu.
1. Người Việt Nam có truyền thống Âu Cơ: cùng một mẹ đẻ ra trong trăm trứng, luôn luôn đùm bọc lẫn nhau. Các ông thấy đấy, tôi sang được Pháp chuyến này cũng là nhờ sự đùm bọc của anh em, bè bạn.
2. Người Việt Nam có truyền thống hiền hậu, lại có tư tưởng nhân nghĩa, thủy chung của Khổng Nho.
3. Người Việt Nam có truyền thống Diên Hồng: mỗi khi nước nhà gặp khó khăn, mọi người cùng nhau bàn việc cứu nước.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có những sai lầm, nhưng không ai quên công lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập, thống nhất, giải phóng dân tộc.
Như vậy Việt Nam khác các nước châu Âu.
***
Trở lại thủ đô ánh sáng với kinh đô Ba-lê một thuở, hơn nửa thế kỷ đã qua từ ngày tranh khôi đoạt giáp với 2 bằng Tiến sĩ Quốc gia ở tuổi 22 (1932), báo chí Pháp vẫn không ngớt lời tụng ca “thiên tài sinh nhầm thế kỷ”. Về cuộc đời của mình, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã tự đánh giá:
“Con người có những thăng trầm. Tôi không thoát khỏi định luật chung đó. Ba mươi năm dài tôi đã sống và đau khổ. Cuộc đời có lúc mình cảm thấy thất vọng muốn điên lên được. Tôi đã thấy những giờ phút đó.
Bằng cách dốc toàn lực vào nghiên cứu, vào việc thực hiện những ý tưởng của mình, tôi đã hoàn toàn thỏa mãn về cuộc đời, vì mọi ước mơ của tôi đều đã thành đạt. Tôi mơ làm Giáo sư văn chương Tây thì tôi đã là Giáo sư. Tôi mơ trở thành Trạng sư cãi những vụ nổi tiếng, tôi đã là Trạng sư. Tôi mơ một cuộc sống thật gần gũi người dân, nghề giáo và trạng sư đã giúp tôi cảm thông và sống được những nỗi niềm của người dân bình dị. Tôi mong được nhiều người thương thì đâu đâu cũng gặp tình cảm thân thương. Việc tôi sang đây chứng tỏ hùng hồn tình cảm và sự giúp đỡ to lớn của các bạn trí thức dành cho tôi.
Cuối cùng, tôi muốn đóng góp chút gì ích quốc lợi dân, thì tôi đã hoàn thành những tác phẩm mong muốn.
Sang đây gặp gỡ nhiều bạn trẻ, thấy ai cũng thao thức về quê hương, đất nước, tôi mừng và an tâm. Thế hệ chúng tôi được lòng yêu nước thôi thúc. Thế hệ ngày nay cũng được lòng yêu nước nuôi dưỡng. Chúng ta gặp gỡ trong tâm tình. Tôi chỉ xin cầu chúc các bạn:
Hãy luôn sống đúng danh dự của người trí thức
Hãy vun trồng không nguôi lòng yêu nước và luôn nuôi dưỡng việc nghiên cứu và hướng nó về quê hương.
Khi qua thăm nước Pháp, một số học trò bên đó mời tôi ở lại vì thấy tôi đến già vẫn sống đạm bạc. Nhưng tôi từ chối: “Tôi là người trí thức Việt Nam, tôi có lòng tự trọng của mình. Tôi không thể vì miếng cơm, manh áo mà bỏ đất nước nghèo mà ra đi”.

3. Năm 1945: Vụ án tờ báo Tin Mới, vụ Quản Dưỡng

1. VỤ ÁN TỜ BÁO TIN MỚI
Cụ Trịnh My – nhân chứng báo chí Hà Nội một thời. Trước cách mạng Tháng Tám 1945 cụ làm phóng viên cho nhiều tờ báo, trong đó có báo Tin Mới. Sau Cách mạng Tháng 8, cụ đi làm thông tin tuyên truyền kháng chiến. Theo bước chân bộ đội, cụ đã xông pha nhiều trận đánh, đã vào đồn Đông Khê khi còn mịt mù khói súng để lấy tin chiến thắng (như chiến dịch Biên giới năm 1950).
Năm 1952, mắc bệnh hiểm nghèo, nhờ có bác sỹ Tôn Thất Tùng giúp đỡ, cụ trở về Hà Nội chữa trị. Khỏi bệnh, cụ lại cầm bút. Hiệp định Genève được ký kết, chủ báo di cư vào Nam, nhà báo Trịnh My cùng nhà báo Hiền Nhân và anh em công nhân đã khéo léo đấu tranh để giữ máy móc, duy trì nhà in, chờ quân ta vào tiếp quản và báo lại được ra đều. Từ đó cụ được giao chuyên mục thể thao - bóng đá của báo Thời Mới với bút danh TR.M (sau này báo Thủ đô Hà Nội và báo Thời Mới sáp nhập thành báo Hà Nội mới).
Khi làm báo Tin Mới, cụ có vướng vào pháp đình và nhờ sự vào tài biện hộ của luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Về sự kiện này, cụ nhớ lại.


Hình 3. Cụ Trịnh My
***
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, lập Chính phủ Trần Trọng Kim, bổ nhiệm Khâm sai hai miền Nam – Bắc, Tỉnh trưởng người Việt thay cho Công sứ người Pháp. Các cơ quan hành chính, tư pháp đều do quan chức Nhật nắm quyền. Báo chí vẫn được xuất bản bình thường, trừ một vài thay đổi nhỏ: Báo La volonté indochinoise (Ý chí Đông Dương) của Pháp buộc phải đổi tên là L’Entente (Hòa hợp), báo Đông Pháp phải đổi tên là Đông Phát. Chỉ thị đầu tiên cho các báo là chỉ được đưa tin của hãng thông tấn Domei (Nhật Bản) và Transocean (Đức quốc xã) cấm đưa tin của các hãng thông tấn Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô… Kiểm duyệt chặt chẽ các báo chí toàn bộ nội dung đến từng dòng, từng chữ, chỉ sơ suất một từ hoặc một ý nghi ngờ là báo bị tịch thu, đình bản, người viết bị truy tố, hoặc bị bắt. Nhà báo Trần Xuân Sinh bị Nhật nghi ngờ vô căn cứ giam ở hầm hãng nhà dầu Shell (trụ sở Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước - phố Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội ngày nay) mấy tháng cho tới ngày 19-8-1945 mới được cách mạng giải cứu.
Thời gian đó tôi (Trịnh My) làm ở báo Tin Mới – Chủ nhiệm là bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, Chủ bút là nhà báo Tam Lang Vũ Đình Chí, Quản lý báo là ông Vũ Kiên. Trụ sở báo đóng ở phố Lagisquet (nay là phố Chân Cầm). Tình cờ lấy được một tin của ủy ban thóc gạo Bắc Kỳ thành lập “kho thóc Nghĩa Xương” sức cho các tỉnh thông báo cho các chủ ruộng đóng góp vào kho thóc để cứu tế, phòng khi mất mùa, bão lụt (thực chất để nuôi quân Nhật) có định mức căn cứ vào số ruộng nhiều hay ít. Tin này được đăng để người đọc ở Hà Nội có ruộng ở quê biết.
Nạn đói tràn lan khủng khiếp. Ở nông thôn phát xít Nhật bắt đồng bào ta nhổ lúa trồng đay. Làng mạc xơ xác tiêu điều. Hàng vạn người từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… bồng bế nhau lũ lượt rời bỏ quê hương lên các tỉnh, thành phố xin ăn. Nhiều bà mẹ gạt nước mắt cho con để khỏi chết đói. Các tổ chức từ thiện không sức nào cứu tế nổi. Hà Nội bao phủ cảnh thương tâm. Có thể nói ra khỏi nhà là gặp xác chết. Sáng sớm, xe chở rác thu nhặt xác chết như củi khô chở ra chôn ở ngoại thành.
Bẵng đi đến đầu tháng năm, tôi nhận được giấy gọi của tòa án gửi đến tòa soạn. Viên dự thẩm căn vặn tôi: “Ý đồ tin đó nhằm mục đích gì?” Tôi trả lời: “Để bạn đọc ở Hà Nội có ruộng ở quê biết và cũng để thể hiện phong tục tốt đẹp của nhân dân ta “lá lành đùm lá rách”. Y báo cho tôi biết sẽ bị truy tố trước tòa vì tội “tiết lộ bí mật quốc gia”.
Báo nhờ luật sư Nguyễn Mạnh Tường bào chữa. Văn phòng luật sư của ông hồi đó ở góc đường Quán Thánh trông sang đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên - quận Tây Hồ - Hà Nội).
Vụ án được xử tại tòa án Hà Nội trước vài trăm người trong đó có nhiều anh em làm báo. Anh Vũ Kiên và tôi (Trịnh My) ngồi ghế bị cáo. Ai cũng lo cho chúng tôi vì đây là phiên tòa do sức ép của Nhật. Sau lời buộc tội của viên phó biện lý Nguyễn Văn Hòa, luật sư Nguyễn Mạnh Tường bào chữa cho chúng tôi độ 30 phút. Ông nói về trách nhiệm người làm báo đối với bạn đọc, bác lời buộc tội của viên phó biện lý là “thiếu căn cứ” và ông kết luận:
- “Hai thân chủ của tôi ngồi đây không có tội. Bị cáo phải là ban kiểm duyệt vì chính ban kiểm duyệt đã cho đăng tin này”.
Trước bồi thẩm đoàn, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đưa ra bản dập thử (mo-rát) có dấu phòng kiểm duyệt, không thấy bút chì xanh xóa bỏ tin đó.
Trước bằng chứng rành rành, tòa án không có lý lẽ gì kết tội chúng tôi, song để giữ thể diện, vẫn trắng trợn tuyên án chúng tôi một năm tù án treo và 10. 000 đồng tiền phạt. Chúng tôi định chống án, xong luật sư Nguyễn Mạnh Tường bảo: “Chẳng cần. Thời cuộc sắp thay đổi đến nơi. Bản án sẽ không còn giá trị”.
Quả thực không bao lâu sau sau phiên xử, khắp mọi nơi nhân dân ủng hộ mạnh mẽ mặt trận Việt Minh. Sau ngày 19-8-1945 cách mạng thành công, tôi sung sướng tiếp tục làm báo dưới chế độ dân chủ cộng hòa độc lập và tự do. Và tôi không bao giờ quên là ngày 2-9-1945, tôi được đi cùng đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Bắc Bộ Phủ lên Quảng trường Ba Đình, tường thuật cuộc mit-tinh lịch sử.

2. VỤ QUẢN DƯỠNG - VỤ ÁN LỚN DƯỚI CHÍNH THỂ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Sau khi dự Hội nghị Đà Lạt về, GS Nguyễn Mạnh Tường quay trở về nghề luật sư, nhưng lần này do Chính phủ cử ra để bào chữa cho bị cáo. Hồi ký của GS Nguyễn Mạnh Tường viết: “Hồi đó ông Bùi Lâm có đến bảo tôi là Chính phủ yêu cầu luật sư bào chữa cho những vụ xét xử hiện nay và nay mai rất là quan trọng, cần phải những luật sư có tên tuổi”.
Tôi nói: “Tôi là giáo sư, là luật sư, nếu Chính phủ muốn giao cho tôi nhiệm vụ luật sư, tôi xin sẵn sàng”.
Luật sư ở trong nước thì có nhiều nhưng những người được bà con biết tên tuổi như Bùi Tường Chiểu, Trần Văn Chương, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Anh, Đỗ Xuân Sảng… thì còn ít. Lúc đó luật sư Trần Văn Chương đang trong nhà lao, còn các vị khác như luật sư Hồ Đắc Điềm, Phan Anh, Phan Mỹ... thì bận nhiều việc hành chính trong chính quyền mới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vụ án luật sư Nguyễn Mạnh Tường được mời bào chữa lần này là vụ Quản Dưỡng.


Hình 4
Vào thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945 đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình của quần chúng để ủng hộ Việt Minh. Sáng ngày 19 tháng Tám, sang Phủ Khâm sai theo thông lệ hàng ngày, giáo sư Nguyễn Xiển, Giám đốc Đài Thiên văn Phủ Liễn – từ Kiến An (Hải Phòng) về Hà Nội đã can ngăn Khâm sai đại thần Bắc Bộ mới (thay cụ Phan Kế Toại vừa từ chức) là y sĩ Nguyễn Xuân Chữ, không được nổ súng vào quần chúng biểu tình đang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai.
“Bấy giờ bên cạnh ông (Nguyễn Xuân Chữ), tôi (Nguyễn Xiển) nhìn thấy có mặt một số người tôi không quen. Chưa nói chuyện được bao nhiêu thì đoàn người biểu tình có vũ trang kéo đến bao vây Phủ Khâm sai, sau này mới được gọi là Bắc Bộ Phủ. Cái cảnh nhân dân bao vây và vượt vượt qua hàng rào sắt xông vào tòa nhà đó thì máy ảnh đã ghi vào lịch sử. Còn chuyện gì xảy ra ở bên trong, có lẽ tôi (Nguyễn Xiển) là một người hiếm hoi có may mắn tình cờ được chứng kiến.
Thật tình sáng hôm ấy tôi cũng bị bất ngờ như Nguyễn Xuân Chữ. Nhiều người bạn của ông Chữ tháo chạy ra cổng sau. Tôi ở lại vì không nỡ bỏ mặc một mình ông ấy. Lúc đó đội bảo vệ Phủ Khâm sai đã dàn quân, tì súng vào bao lơn trước cửa chính dẫn vào phòng khách. Có cả lính núp ở dưới nhà hầm chĩa súng ra bên ngoài. Tôi khuyên ông Chữ ra lệnh cho đội bảo vệ rút lui vì nghĩ rằng một tiếng súng nổ có thể gây tai họa. Sau này tôi mới được biết anh em đội bảo vệ đã được cách mạng vận động từ đêm trước nên đã sẵn sàng nộp súng cho Việt Minh. Ông Chữ có lẽ quá bàng hoàng trước tình thế đột ngột diễn ra nên cứ đờ ra không biết làm gì. Tôi phải dẫn ông ra gặp đại biểu của quần chúng. Ông Chữ ra đối diện với đoàn biểu tình nhưng không nói được một lời nào. Quần chúng ùa vào chiếm Bắc Bộ Phủ…
Tôi đi ra tìm xe đạp về nhà, trong lòng rất phấn khởi trước khí thế cách mạng của nhân dân, vui mừng một phần vì đã quyết định theo tình cảm tự nhiên của mình, ngả về phía quần chúng, không chần chừ ngay trong giây phút vừa qua, giây phút mà sau này được coi là lịch sử” (Theo Hồi ký của cụ Nguyễn Xiển, Tạp chí Xưa & Nay số 78 – tháng 8-2000).
***
Nhưng ở Hà Đông, Trần Văn Dưỡng, người gốc Quảng Yên, trước làm lính khố xanh, khố đỏ cho thực dân Pháp, thường gọi là Quản Dưỡng đã ra lệnh cho lính Bảo an binh bắn vào đoàn người biểu tình làm 70 người chết.
Vụ án được xét xử tại Hà Đông. Đây là vụ án lớn đầu tiên kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Chánh án phiên toà là luật sư Phan Mỹ (em ruột luật sư Phan Anh thời điểm đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng).
“Khi ô tô tôi (Nguyễn Mạnh Tường) vào đến Hà Đông, vào trong phòng đợi, hai bên quần chúng đều đeo khăn tang, toàn là gia đình người bị nạn. Khi bào chữa cho Quản Dưỡng, mỗi lời tôi (Nguyễn Mạnh Tường) nói lên là kèm theo tiếng khóc của một bà vợ hay một người con”.
Sau này luật sư Nguyễn Mạnh Tường còn tham gia bào chữa nhiều vụ án khác tại các Toà án Quân sự, Toà án Nhân dân, Toà án trong Cải cách Ruộng đất theo yêu cầu của Nhà nước.

4. Làng Sêu - Cứu một phụ nữ thoát án tử hình

Đã sắp bước sang tuổi 80, nhưng nhà giáo Nguyễn Lâm (sinh năm 1932), quê xã Viên Nội, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ, từng là giáo viên cấp 3 tại thị xã Bắc Kạn, rồi trường Trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An - Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu, vẫn lưu giữ trong ký ức của ông những kỷ niệm đẹp về một vùng quê và một con người – người trí thức huyền thoại – luật sư Nguyễn Mạnh Tường.
***
Thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ. Một làng quê trù phú, thanh bình, đứng soi mình bên dòng sông Đáy thơ mộng với tên nôm rất hóm: làng Sêu. Làng Sêu có chợ Sêu ở giữa làng, mỗi tháng họp sáu phiên, mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hăm mốt, hăm sáu. Làng nằm trên dải bậc thềm phù sa cổ, nhiều truyền thuyết.
Theo các cụ già của làng thì từ Sêu bắt nguồn từ chữ Bối Lang, là tên cổ nhất của làng. Sau này làng còn có tên Trinh Tiết từ một xuất xứ thật đẹp. Đó là câu chuyện về người con gái xinh đẹp của làng có người yêu đi đánh giặc, phò vua. Nặng lời ước hẹn, cô gái đã một lòng thuỷ chung, trinh tiết để chờ đợi vị hôn phu. Còn chàng trai ra đi đánh trận, đi mãi không về. Cô gái mòn mỏi đợi chờ nên tuổi xuân qua đi lúc nào không hay. Rồi nàng mất đi trong sự cảm thông, thương tiếc của dân làng. Về sau, có một vị vua đi qua làng đã được nghe câu chuyện cảm động trên. Cảm phục và tiếc thương, vua đã lấy tấm tình của cô gái thành tên gọi của làng. Cái tên Trinh tiết được ra đời từ đấy.
Làng Sêu đẹp và thơ mộng với những ngôi đình, chùa cổ kính khắc dấu ấn thời gian lên từng mạch gỗ. Đường làng lát vỉa, sạch sẽ sau mỗi cơn mưa. Những ngõ xóm hẹp ẩn hiện những ngôi nhà nhỏ sau lớp rào râm bụt hoặc chuối được cắt tỉa vồng lên thành những cái cổng xinh xắn.
Hàng cau, bể nước, sân gạch, những nong tằm nhả tơ vàng óng, tiếng khung cửi lách cách đêm khuya… Đẹp nhất vẫn là dòng sông Đáy chảy lững lờ bên làng. Bãi dâu xanh ngát trải dài ven sông… Có chợ, có trường, có đường, có bến sông. Buổi chiều về, những cánh buồm đủ kiểu no gió đưa những con thuyền lướt trên sông nước khi ẩn khi hiện trong màn sương buông xuống mờ đục.
Trong kháng chiến chống Pháp, Sêu là một trong những thị trấn sầm uất của Liên khu III. Cuộc sống thanh bình, thơ mộng khi đó vẫn diễn ra bất chấp chiến tranh đang đến gần.
Cách xa Hà Nội khoảng 50 cây số, có dáng dấp một thị trấn hậu cứ, thấp thoáng những con người của thị thành, làng Sêu lúc đó thật là lý tưởng để tụ hội và giao lưu những mạch chảy của bộ máy kháng chiến chống Pháp. Sêu là điểm dừng chân xuôi ngược trên đường lên Việt Bắc hoặc vào khu Tư… Nhiều nhân vật có tên tuổi trong kháng chiến đã qua đây.
Cũng nơi đây, dưới mái đình làng, trường Trung học Nguyễn Huệ trong kháng chiến đã ra đời theo phương pháp giáo dục Hoàng Xuân Hãn.
Trường làng Sêu hồi đó hay tổ chức xử án, có luật sư Nguyễn Mạnh Tường nổi tiếng, bào chữa cho các bị cáo rất hùng biện, hấp dẫn quần chúng.
Các phiên toà được diễn ra vào ban đêm, ngoài giờ học nên đã lôi cuốn nhiều bà con và các em học sinh tới dự không chỉ vì tò mò hay giải trí mà muốn nghe tài biện hộ của luật sư.


Hình 5. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (năm 1952)
Nhà giáo Nguyễn Lâm ghi nhớ mãi phiên toà của toà án quân sự đặc biệt Liên khu III được mở để xét xử bị can là vợ của một lãnh tụ Quốc dân đảng ở Vĩnh Yên, sào huyệt của tổ chức phản động này hồi đó đã được tổ chức trong ánh đèn măng-sông. Chánh án là luật sư Lê Văn Chất.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường khoác chiếc áo thụng đen, tay áo rộng đã vung vẫy đôi tay “biểu diễn” những lời bào chữa dành cho thân chủ của mình:
- “Đối với nhân thân người phụ nữ này, tôi cho rằng đó là một người phụ nữ có nhan sắc, nói năng lưu loát và sắc sảo, đã có một đời chồng là thợ may, sau này làm vợ của một tên tướng Quốc dân đảng, bà ta còn đảm nhiệm việc cung cấp lương thực cho đội quân của chồng. Tuy là người có tội vì phục vụ cho bọn Việt gian phản động, với mức án dự kiến là tử hình, nhưng xét về khía cạnh nào đó, bà ta là một người có tài mà không dễ gì một phụ nữ có thể đảm đương được”.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cho là người thợ may làm sao xứng đáng làm chồng của người vợ này. Vì vậy bà ta đã có đời chồng thứ hai là tướng của Quốc dân đảng. Lấy chồng thì phải theo chồng kể cả phải đảm nhiệm là người tổ chức hậu cần cung cấp lương thực cho đội quân của chồng là điều có thể hiểu được.
- “Về mặt luật pháp đúng là người đàn bà này có tội nhưng xét về mặt nhân đạo có nên áp đặt án tử hình cho người phụ nữ này không? Nhất là trong khi đó ở nước ta chưa có tiền lệ áp dụng tử hình cho một người phụ nữ nào cả”.
Chánh án Lê Văn Chất, liền viện dẫn ở Pháp đã có trường hợp một phụ nữ bị án tử hình, ông còn nêu tên tuổi của người đó. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường liền đáp một cách nhanh nhẹn:
- “Thưa ông Chánh án, làm sao chúng ta lại bắt chước thực dân Pháp, chính thể của chúng ta là chế độ Dân chủ Cộng hoà. Ngoài ra chúng ta còn đang chiến đấu chống lại thực dân Pháp để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ. Vì vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng án tử hình cho người phụ nữ này”.
Sau thời gian nghị án một cách chóng vánh, phiên toà được kết thúc với mức án tuyên không phải là án tử hình và tính mạng của người phụ nữ này đã được bảo toàn nhờ tài năng của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.

5. Nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường

Thái Bình là tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị Pháp chiếm đóng sau. Vì thế, thời kỳ 1947-1949, nhiều trí thức tên tuổi của đất nước theo cơ quan hoặc tản cư về Thái Bình: Bùi Kỷ, Tăng Xuân An, Trịnh Đình Rư, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tường Phượng, Hoàng Như Mai, Nguyễn Mạnh Tường…
Tiến sĩ Luật khoa Đào Quang Huy, học trò Giáo sư - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ở trường Bưởi (nay là trường Trung học Quốc gia Chu Văn An - Tây Hồ - Hà Nội) kể lại một chuyện có thật nhưng đầy huyền thoại về một phiên toà diễn ra ở làng Xuân Thọ, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình.
Vào thời kỳ 1947-1949 có một câu chuyện dân gian xuất hiện, lan truyền rất nhanh. Chuyện rằng: Một thanh niên nông dân đi làm đồng về, thấy anh Đại đội trưởng đóng tại nhà, đang ôm ấp vợ mình. Sẵn cái cuốc trên tay, anh ta phang một cái, Đại đội trưởng chết ngay. Phiên toà mở ra với ý định xử thật nghiêm tội giết người và làm mờ nhạt các tình tiết khác để giữ uy tín cho bộ đội.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được chỉ định bào chữa. Ông chỉ có ít phút gặp thân chủ của mình. Diễn biến phiên toà đúng như chủ định: Anh nông dân chịu án tử hình và được phép nói lời cuối cùng. Anh nhìn Chánh toà, nhìn Luật sư, ngập ngừng nói: “Xin phép được hôn bà Chánh toà trước khi chết”.
Bị bất ngờ, Chánh toà không kịp trấn tĩnh, đập bàn quát mắng anh nông dân rằng tội lỗi đến thế mà còn dám hỗn láo, nói liều. Nhân đó, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nói thêm: “Thưa ông Chánh toà, ông là người có học thức, suy nghĩ chin chắn, mà trước một câu nói không đâu của người sắp chết, còn nổi giận ghê gớm như thế. Phương chi, anh nông dân nghèo ít học kia, trông thấy người đàn ông khác trong buồng vợ mình thì sự giận dữ đến mức hành động thiếu suy nghĩ là điều có thể hiểu được”.
Kết quả cuối cùng, anh nông dân được giảm án, thực chất là tha bổng vì hồi ấy Thái Bình đâu có trại giam.
Sau phiên toà, luật sư Lê Văn Chất mắng luật sư Nguyễn Mạnh Tường: “toa xỏ moa”, rồi hai ông cả cười. Chánh toà là luật sư Lê Văn Chất, có người vợ trẻ, đẹp. Và ai cũng hiểu rằng câu nói cuối cùng của anh nông dân do “ai”mớm lời, là “nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường”.


Hình 6.
Đoạn trên được trích từ bài viết “Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường: người thầy giáo, nhà sư phạm tài danh” của nhà giáo Phạm Viết Hoàng, trong cuốn “Gương mặt người thầy” (NXB Giáo dục 2008) .
***
Tôi nhìn lại danh sách những trí thức tên tuổi của đất nước theo cơ quan hoặc tản cư về Thái Bình trong bài viết của nhà giáo Phạm Viết Hoàng thấy chỉ còn duy nhất GS.NGND Hoàng Như Mai – nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh (tỉnh Thái Bình) trong kháng chiến chống Pháp.
Trưa ngày 13/8/2009, theo lời hẹn trước, tôi đến ngôi biệt thự trong phố Trần Quốc Tuấn – quận 1 – thành phố Hồ Chí Minh như một ẩn sĩ trầm mặc giữa phố thị. GS-NGND Hoàng Như Mai chống can (ba-toong) nhẹ bước ra thanh thoát, gương mặt hồng hào nhân hậu toát lên cùng mái tóc bạc như mây trời.
Cụ mới ra viện được 5 ngày, sức khỏe hãy còn yếu, nhưng cụ vẫn đồng ý tiếp, để kể cho tôi nghe chuyện về Giáo sư – Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh Tường. GS-NGND Hoàng Như Mai mở đầu câu chuyện với một giọng thanh, ấm và truyền cảm, nếu không được biết từ trước có lẽ tôi không đoán được người học trò của thầy Nguyễn Mạnh Tường ở trường Bưởi năm xưa, nay đã 91 tuổi.
Sắp đại hội văn nghệ khu 3, thì ông Trần Thiếu Bảo – Giám đốc nhà xuất bản Minh Đức chơi trội, đăng cai cả một cuộc “luận chiến văn nghệ” tại đình làng Khuốc (Cổ Khúc – Tiên Hưng – Thái Bình) trong 3 ngày. Địa điểm tổ chức là mượn của một gia đình giàu có.
“Dịp này thầy Nguyễn Mạnh Tường về để dự hội nghị văn nghệ Thái Bình kết hợp bào chữa cho một vụ án. Độ mới đầu kháng chiến cũng có tòa án xử đàng hoàng cả.
Anh lục sự ở đấy nghe tiếng ông Nguyễn Mạnh Tường hùng biện nổi như cồn thì muốn thử xem sự thực hư ra sao. Anh ta mời thầy Tường đến và cứ thao thao bất tuyệt kể chuyện nọ xọ chuyện kia để thầy không có thì giờ xem hồ sơ. Thầy Tường lật lật qua hồ sơ rồi ra ngoài ngồi nói chuyện. Hôm sau, trước tòa, thầy cãi rất hay. Anh lục sự phải sợ khiếp vía. Vì ông chỉ xem qua vài sự kiện trong hồ sơ thôi mà ông cãi được.
Vụ thầy Tường cãi đó là: cô con dâu cầm dao đâm bố chồng. Tôi không dự cái cuộc ấy nhưng được nghe người ta kể lại.
Thầy Tường bào chữa: Xưa nay chuyện bố chồng con dâu, nhất là mẹ chồng nàng dâu xung đột với nhau là chuyện rất điển hình ở xã hội Việt Nam xảy ra coi như cơm bữa. Nhưng vì sao cô này lại đâm bố chồng? Vì khẩu hiệu của kháng chiến: Mỗi người sẵn sàng cầm vũ khí trong tay để giết giặc. Cho nên lỗi tại có vũ khí kia chứ không thì chị ấy không phạm tội giết bố chồng.
Thành ra người ta kính trọng thầy Nguyễn Mạnh Tường tại sao ông giỏi thế.
Vụ cãi của thầy Tường tôi nghĩ cái đó cũng rất điển hình – thầy thông minh lắm.

6. Vụ án quân nhân Liên khu IV giết người

Mùa hè năm 1951, trăng hạ huyền đã gác đầu non, cả thị trấn Đức Thọ - Hà Tĩnh im lìm trong giấc ngủ say. Riêng quán “Mẹ chiến sĩ” do bà Cửu Mân phụ trách vẫn sáng ánh lửa. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường không chợp được mắt, dẫu cho ông vừa có một hành trình dài đạp xe từ Thanh Hoá vào Đức Thọ. Nhiệm vụ của ngài luật sư là biện hộ cho một quân nhân giết người. Đây không phải là lần đầu tiên ông tranh tụng trước tòa về vụ án quân nhân. Tình tiết vụ án lần này mà luật sư nhận được từ hồ sơ... không phức tạp về lý nhưng về tình thì...
Một anh thanh niên cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi anh khôn lớn, rồi anh xung phong nhập ngũ vào chiến trường Bình Trị Thiên. Trải qua những ngày đầu chiến đấu gian khổ nhưng thành tích có được đủ để anh tự hào. Được về phép, anh như đứa trẻ háo hức muốn khoe với mẹ. Vừa bước chân vào nhà, đúng lúc đó, anh bắt gặp một cảnh tượng mà dẫu có trong mơ không bao giờ anh ngờ tới… Mẹ anh và ông hàng xóm... theo ngôn ngữ lúc đó gọi là hủ hóa. Sự uất ức dồn nén của mặc cảm, anh vác gậy đánh ông ta chết ngay tại chỗ. Toà án quân sự Liên khu IV đem ra xét xử công khai tại sân vận động Đức Thọ một quân nhân giết người.
***
Lặng im bao quanh! Cơn gió lướt qua như những cơn mưa rơi xuống vai luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Ông đang có mặt trên đất tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ, xã Châu Phong, một vùng quê khá đặc biệt. Cái làng nho nhỏ nằm bên bờ La Giang này là quê hương của bốn dòng họ lớn, thiên hướng rất khác nhau.
Đầu làng là họ Hoàng, sinh ra Hoàng Cao Khải (1850–1933), tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, một đại thần thân Pháp dưới triều nhà Nguyễn: Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ, tước Duyên Mậu quận công, thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái; Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ, Tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sứ Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy quản lý cấp xã ở Bắc Kỳ. Mặc dù sau này đã xây dựng Thái Hà ấp ngoài Hà Nội nhưng trước đó Dinh của Hoàng Cao Khải ở Đông Thái vẫn chiếm diện tích gần nửa làng.
Cuối làng là họ Trần, học rộng, có chức sắc trong triều, là Giải nguyên Trần Văn Phổ, tri huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đồng thời lại là thân sinh ông Trần Phú - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 – một ông trùm Cộng sản.
Giữa làng là hai chi của hai dòng họ Phan. Họ Phan Đình có cụ Đình nguyên Phan Đình Phùng đã dấy binh Cần Vương, khởi nghĩa chống Pháp, oanh liệt một thời trong suốt 10 năm (1885 – 1896). Họ Phan Văn, có Phan Văn Điện, thường gọi là cụ Đồ Điện, thông minh, trí tuệ nhưng không đi làm quan, cũng không đi làm cách mạng. Phan Văn Điện chuyên môn đi thi thuê, nhiều quan huyện, quan phủ và cả quan Tổng đốc đầu tỉnh đỗ đạt được làm quan là nhờ mua các bài thi của cụ. Cụ ngất ngưởng, đi kinh lý khắp nơi, thấy chướng tai gai mắt là cụ chửi, chọc ngoáy, các quan tức mà không dám làm gì. Cụ Đồ Điện lại là thân sinh ra hai ông luật sư Phan Anh và luật sư Phan Mỹ đang giữ trọng trách trong Chính phủ kháng chiến Cụ Hồ. Ông Phan Anh là Bộ trưởng Kinh tế và ông Phan Mỹ là Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường lần giờ lại tất cả các vụ án đã được học khi còn là sinh viên cho đến những vụ án thực tế của người dân Việt Nam mà ông từng biện hộ dưới hai chế độ thực dân và Chính phủ Cụ Hồ. Ông nhớ tới một vụ án, khi Chưởng lý đã kết án tử hình. Người luật sư nhìn lên đồng hồ, lúc đó đã gần 12 giờ đêm, ông ta thuyết phục quan toà hãy cố lán lại đến 0 giờ.
Đúng 0 giờ! Tiếng chuông Noel vang lên. Luật sư dõi đôi mắt nhìn khắp lượt bồi thẩm đoàn cho đến người tử tù vừa bị kết án, ông dõng dạc:
- “Thưa quý Ngài! Hôm nay là Noel, ngày Thiên Chúa giáng sinh. Vậy lẽ nào chúng ta lỡ kết tội tử hình một con chiên của Chúa”?
Câu hỏi từ chuyện tiếng chuông Noel đã đánh thức lòng trắc ẩn của Chánh án và bồi thẩm đoàn. Đó là thủ thuật của luật sư, phải biết lựa thời điểm...
Khi tiếng chim mòng biển lảnh lót rít lên vào lúc rạng đông xoáy sâu trong tâm trí cũng là lúc luật sư Nguyễn Mạnh Tường tìm gỡ được đầu mối vụ án.
***
Toà án Liên khu IV xét xử quân nhân giết người được trang trí như một sân khấu dưới trăng, tại sân vận động huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh, với một bàn luật sư bên cạnh bàn chủ tọa. Cáo trạng trong hồ sơ mà ông Chánh án đọc lên với những lời luận tội nghiêm khắc dành cho anh quân nhân: tử hình! Xong, ông nghiêng mình lịch thiệp mời luật sư biện hộ.
Nghe tên Luật sư Nguyễn Mạnh Tường dân chúng hiếu kỳ phía dưới bắt đầu ồn ào bàn tán gây mất trật tự. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường bước lên, một động tác rất khéo, rất kỹ thuật mà không ai hiểu là cố ý hay vô tình. Một cú ngã! Ông nghè sõng soài xuống sàn và nằm chỏng chơ trước phiên toà. Phía dưới dân chúng được một tràng cười rộ lên. Cười xong, tất cả đều im lặng.
Lúc này luật sư Nguyễn Mạnh Tường mới bắt đầu lên tiếng bào chữa. Ông hỏi:
- Ai là tội phạm trong vụ giết người này?
- Luật sư hỏi chi lạ rứa ? Cáo trạng ghi rành rành ra đó - Ông Nguyễn Xuân Linh, Chánh án của phiên tòa khẽ cười nụ - Anh quân nhân kia là kẻ giết người chứ ai.
- Chính người bị giết, chính ông hàng xóm kia mới là tội phạm.
Cả phiên toà bất ngờ ồ lên. Luật sư nói tiếp:
- Hãy xem xét lại tâm thế của anh bộ đội. Yêu mẹ, kính mẹ từ bé đến lớn. Anh đi chiến đấu vì Tổ quốc, vì lý tưởng cao đẹp. Được nghỉ phép, anh trở về gặp mẹ trong niềm vui báo công nhưng chính trong hoàn cảnh ông hàng xóm hủ hóa với mẹ đã làm anh không còn là mình nữa. Đây là động tác của tình mẫu tử. Tội giết người do ông hàng xóm là tác nhân gây lên. Anh bộ đội về trong tâm thế gặp mẹ, trong tình cảm hạnh phúc chứ. Chính ông hàng xóm đẩy anh vào tình thế giết người. Vì vậy tội lỗi hoàn toàn do ông hàng xóm gây ra.
Tiếng luật sư Nguyễn Mạnh Tường trầm ấm:
- Thưa quý tòa, thưa bà con Liên khu IV, bây giờ chúng ta xử như thế nào? Ta đưa một anh thanh niên, một quân nhân có thành ích giết giặc như thế này, chỉ vì động tác của tình mẫu tử mà phạm tội giết người, vào tội tử hình, để quân đội, để Tổ quốc mất một chiến sĩ hơn hay ta để cho anh trở về chiến đấu với đơn vị thì hơn?
Luật sư vừa dứt lời, quần chúng phía dưới vỗ tay vang dội hưởng ứng.
***
Đứng lẫn trong đám đông người xem hôm đó, nhà giáo Nguyễn Đình Chú không thể ngờ được, chỉ 2 năm sau, ông lại có vinh dự trở thành người học trò của Giáo sư – Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ở trường Dự bị Đại học Liên khu IV năm 1953. Sau ngày 10-10-1954, những anh bộ đội Cụ Hồ trong tư thế của người chiến thắng từ Điện Biên Phủ trở về tiến vào tiếp quản Thủ đô. Trong bộn bề công việc của một đất nước mới được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã mở ngay trường Đại học để đào tạo trí thức. Và Nguyễn Đình Chú là một trong những thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào trường Đại học Sư phạm Văn khoa (nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội) năm 1954.
Sau 3 năm học, là một trong những sinh viên khóa đầu tiên dưới mái trường Đại học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được thụ giáo các bậc “sư biểu” hàng đầu là những nhà trí thức uyên bác tầm cỡ thế giới của thời vàng son “một đi không trở lại” như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lân, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Khánh Toàn… Tốt nghiệp Đại học năm 1957, Nguyễn Đình Chú được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm.


Hình 7. GS.NGND Nguyễn Đình Chú (năm 2008)
Sắp đến ngày 20-11, ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời kỷ niệm 55 năm nhập trường của lớp sinh viên trường Đại học Sư phạm Văn khoa khóa 1954 – 1957 tại đại giảng đường 19 Lê Thánh Tông, GS.NGND Nguyễn Đình Chú, người học trò năm xưa, nay thành danh sáng nghiệp vẫn không nguôi nhớ về các bậc ân sư một thuở. Cùng với các bạn sinh viên nay là các cụ ông, cụ bà chân chậm, mắt mờ, tóc bạc, ông lại đến thắp hương các thầy. Đã 81 tuổi, thắp nén hương thơm lên mộ, lên ban thờ, trước di ảnh thầy, GS.NGND Nguyễn Đình Chú xúc động mà rơi nước mắt: “Bái lạy linh hồn thầy…”…

7. Hội nghị Nhân Dân Thế Giới Bảo Vệ Hoà Bình và bức thư gửi người bạn Pháp

Trong những hoạt động đối ngoại trên trường quốc tế, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã tham dự Hội nghị Nhân dân thế giới bảo vệ Hòa bình họp ở Viên – thủ đô nước Áo. Ông Nguyễn Tường Hưng, trưởng nam cố luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đã tìm hiểu và cho tôi biết về những diễn biến sau hội nghị này.
Song song với cuộc chiến tranh vũ trang, cuối năm 1953, chúng ta mở rộng đấu tranh ngoại giao mà có lẽ nền ngoại giao nhân dân đã được bắt đầu từ những hoạt động tham gia Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ Hòa bình ở Viên. Một tổ chức được thành lập để đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới đó là Hội đồng Hòa bình Thế giới mà Đại hội Nhân dân Thế giới họp ở Viên là sự khởi đầu.
Để thế giới biết rõ lập trường yêu chuộng hòa bình của Việt Nam, đồng thời khẳng định kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng và Hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra chỉ thị ngày 2-12-1953 về việc giải thích lời tuyên bố của phái đoàn Việt Nam ở Hội nghị Hội đồng hòa bình thế giới tháng 11 năm 1953, xin trích như sau:
“Phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Hội đồng hòa bình thế giới ở Viên vừa phát biểu lập trường, chủ trương của nhân dân Việt Nam đối với chủ trương của Mặt trận Dân chủ hòa bình thế giới hiện nay là giải quyết mọi sự xung đột quốc tế bằng phương pháp hòa bình và giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam...
Nhân dân Việt Nam từ trước tới nay vẫn chủ trương chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam và giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam bằng phương sách thương lượng hòa bình.
Bởi vì chủ trương đó là nguyện vọng chung của nhân dân thế giới và cũng phù hợp với quyền lợi của nhân dân hai nước Việt – Pháp.
… Chúng ta ủng hộ phong trào hòa bình thế giới nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng hòa bình là một việc dễ dàng. Hòa bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được. Chúng ta chỉ có một con đường để tranh lấy hòa bình thực sự. Con đường ấy là:
Vượt mọi khó khăn, tự lực cánh sinh, cải cách ruộng đất, đẩy mạnh kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi…
Thay mặt Ban Bí thư
Trường Chinh”
Trước đó, tháng 11 năm 1953, Hồ Chủ tịch đã có lời tuyên bố trả lời nhà báo EXPRESEN Thụy Điển:
“Lập trường của nhân dân Việt Nam là: Kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Song nhân dân và Chính phủ Việt Nam cũng tán thành thương lượng nhằm mục đích giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam…
Đối với nhân dân Việt Nam, Hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp cho độc lập, dân chủ, hòa bình và đòi đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam”.
Để đáp lại thiện chí Hòa bình của nhân dân Việt Nam, thì ngày 20-11-1953 Pháp đã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.
***
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được cử đi dự Hội nghị bảo vệ hòa bình châu Á – Thái Bình Dương, Trưởng đoàn là đồng chí Xuân Thủy, sau đó đi dự Hội nghị Nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình họp tại Viên – thủ đô nước Áo. Về hội nghị ở Viên, trong hồi ký cụ viết:
“Ở thủ đô nước Áo – Viên, những hậu quả của cuộc chiến tranh hãy còn tồn tại ở một vài khu phố, ở đó có nhà chung cư đổ nát còn nhiều chỗ trống mà người ta phải quay lại bằng những rào bằng ván gỗ. Dưới những sân hiên của các cửa hàng cà phê, những bến dọc sông Đan-nuýp hầu như vắng khách. Khách đến chủ yếu là khách du lịch thường say mê các điệu Valse của Strauss. Nhưng nhân dân thủ đô nước Áo lại dành một sự tiếp đón nhiệt tình cho những đại biểu đến để bảo vệ hòa bình. Hàng nghìn đại biểu đến từ các nước khác nhau để thể hiện quyết tâm bảo vệ hòa bình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một sự kiện như thế đã xảy ra. Một đại hội gồm các đại biểu của tất cả các nước trên thế giới không phân biệt giới, chủng tộc, chế độ chính trị và xã hội, tôn giáo, ngành nghề đến họp với mục tiêu là bảo vệ hòa bình.
Khi những trái bom nguyên tử Mỹ đã xóa sổ thành phố Hiroshima và Nagasaki ra khỏi bản đồ thế giới đã làm cho nhân loại khiếp sợ. Mọi người đều biết rằng vũ khí nguyên tử không chừa một ai trên trái đất này, đó là những người chiến đấu và không tham chiến, trong cuộc chiến này không có người thắng kẻ bại.
Một khi chiến tranh nguyên tử xảy ra, trái đất sẽ không còn nhiều người sống sót, sẽ trở thành một tinh tú chết trong khoảng không của vũ trụ bao la. Vì vậy, mỗi người đang sống đều có trách nhiệm bảo vệ hòa bình. Tất cả các dân tộc đều thành lập một mặt trận chung chống chiến tranh vì nền hòa bình lâu dài trên trái đất này.


Hình 8. Hàng đầu, từ trái sang phải, luật sư Nguyễn Mạnh Tường (thứ 3), anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên (thứ 4)…
Trong đoàn đại biểu hòa bình Pháp, có ông J.P. Sartre, nhà triết học nổi tiếng.
Tôi có dịp gặp và nói chuyện với ông ta trong thời gian nghỉ ngơi của hội nghị về chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp. Ông J.P. Sartre đã biểu hiện sự đồng tình ủng hộ cuộc chiến tranh trường kỳ của nhân dân Việt Nam dành độc lập, tự do. Tôi cũng có dịp nghe giao hưởng thứ năm của Bét-tô-ven khi ngồi cạnh chị Raymonde Dien. Tôi hỏi chị: Với động cơ gì chị đã nằm ngang đường sắt để chắn đoàn xe lửa sắp khởi hành? Chị nói với tôi: Khi tôi biết chuyến xe lửa này mang vũ khí đến Việt Nam, tôi không chịu được khi biết bao người mự, người vợ phải khóc chồng, con. Tôi nghe theo mệnh lệnh của trái tim tôi. Tôi vào nhà ga và thấy đoàn tàu sắp chạy và tôi nhảy vào đường ray, chỉ thế thôi…
Trong hội nghị, đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam có nói với tôi:.
Anh hãy cố nói gì với đại hội trước khi chia tay. Thế là bài phát biểu của tôi được đưa cho ông Claude Morgan chủ tạp chí Bảo vệ hòa bình (Revue defense de la Paix).
“Sau chừng ấy năm với sự khắc nghiệt của thời gian khiến cho tôi chỉ thoáng nhìn thấy bạn qua lớp sương mù kỷ niệm, giờ đây tôi mới có dịp gặp lại bạn giữa biết bao khuôn mặt đầy xúc cảm của các thành viên Phái đoàn Pháp đi dự Hội nghị các Dân tộc. Tôi viết cho bạn những dòng này từ Vienne. Tôi cảm tạ sự tình cờ đã cho tôi được gặp lại bạn ở một thành phố tôi đã biết tới hồi còn trẻ và rất yêu quý, dù cho không yêu quý bằng so với Paris, nơi tôi đã sống những năm dài hạnh phúc, nhưng chắc chắn là nhiều hơn so với London hay Berlin, Madrid hay Rome, Athènes hay Bruxelles, La Haye hay Istanbul mà tôi từng viếng thăm trong những đợt hành hương đầy mê say. Rất có thể những đám mây yêu kiều mà tuổi hai mươi bao bọc lấy con người tôi đã làm cho tôi bước đi trong thế giới với nhiều mộng tưởng hơn thực tế, nhưng tôi thấy như thể sông Danube hồi ấy thật xanh, và tại Vienne, thủ đô của âm nhạc, điệu valse chính là biểu hiện hoạt bát của niềm vui và giống như là tinh chất êm dịu của cuộc đời (…)
Người bạn Pháp thân mến, vì đã sống tại đất nước của bạn trong vòng mười năm, đã học tập văn chương của bạn trong vòng ba mươi năm, ngưỡng mộ văn hóa của bạn, yêu mến các nhà văn và nghệ sĩ của bạn, gần gũi với những đứa con trai của bạn trên ghế giảng đường Đại học, tại các thành phố và vùng đồng quê của bạn, tôi biết rõ là nếu chỉ dựa vào dân chúng Pháp, Paris hẳn đã không rơi vào tình thế không xứng đáng với quá khứ như thế, và nước Pháp hẳn là đã không đánh mất đi thứ hạng mà nó từng sở hữu suốt trong ba thế kỷ trên đỉnh cao của lòng nhân đạo và ở mũi nhọn của tiến bộ.
Nhưng chưa phải mọi thứ đã bị mất đi. Dân tộc Pháp vẫn luôn được hưởng lòng tin cậy và tình bạn của các dân tộc, ngay cả khi các dân tộc này có đủ lý do để phàn nàn về chính sách của chính phủ Pháp(…)
Cầu cho những dòng này tạo nên được một tiếng vọng trong trái tim bạn, Người bạn Pháp mà tôi không hề muốn gọi tên, không mang một khuôn mặt nào. Trong suy nghĩ của tôi, bạn là người đàn ông hay người phụ nữ trong tim đang gầm lên sự căm thù nỗi bất công và bạo lực, người đem đam mê phụng sự cho vinh dự của nước Pháp. Nước Pháp đã đánh mất rất nhiều. Nó không được đánh mất nhiều thêm nữa và nhất là không được đánh mất nền văn hóa ấy, nền văn hóa mang lại cho nó một niềm kiêu hãnh chính đáng, bởi vì nó được truyền cảm hứng từ lòng tôn trọng con người và tình yêu hòa bình, nền văn hóa đã tạo dựng được tên tuổi vững chắc nhất cho tình bạn giữa các dân tộc và sự biết ơn các trí tuệ, một nền văn hóa đang bị một chính sách kém cỏi mỗi ngày lại làm hại thêm một chút. Bạn ơi, người anh em thân mến, tay tôi đây, hãy nắm lấy, chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu bảo vệ những gì quý giá đối với chúng ta”.

8. Kỳ cuối - Tôi nhất định sống và chết với nhân dân trên bờ cõi của đất nước

Luật sư có một cái đầu biết suy nghĩ và cái miệng biết nói lên lời, họ hiểu biết pháp lý, biết tranh luận và phê phán, có ý thức cao về nhân phẩm, về danh dự và trách nhiệm. Luật sư phải có cổ cứng để giữ cho khuôn mặt luôn ngẩng cao, có cái nhìn thẳng trước mặt, có con mắt quan sát và tâm trí thì phê phán. Họ luôn đứng thẳng hết chiều cao của tầm vóc mình và bao giờ cũng đứng về phía nhân dân.
Tôi nghĩ rằng có thể khẳng định nghề luật sư là tiêu chuẩn của một nền dân chủ. Ở nước nào mà tiêu chuẩn ấy đang tác động và nghề luật sư với đầy đủ tư cách chính thức được hoạt động thì ở đó nền dân chủ đã thắng lợi” (Nguyễn Mạnh Tường).

“Khi gặp hiểm nguy tôi chỉ tìm cách thoát nạn. Lúc cơn sóng gió qua rồi, suy nghĩ về hoạn nạn vừa qua tôi cảm thấy có cái gì là lạ trong đầu óc mình: “À, cái chết chỉ là thế thôi ư?”. Montaigne đã dạy rằng: “Cuộc sống chỉ là một sự chuẩn bị cho cái chết, học tập để làm quen với cái chết”.
Tôi đã có lần đã qua một cái chết rồi.
Trong một lần đi công tác bị ngã xuống sông, nếu không có người cứu chắc chắn không còn sống.
Hôm đó tôi được mời đi bào chữa cho bị can ở Tòa án nhân dân Đức Thọ gần chợ Thượng Lâm. Khi làm xong nhiệm vụ, sáng sớm tinh mơ tôi nhảy lên xe về Thiệu Hóa – Thanh Hóa là địa điểm của trường Dự bị Đại học. Tôi vừa là giáo sư và là thành viên trong Ban giám đốc cần có mặt tối hôm đó là ngày hội của sinh viên nhân kết thúc năm học. Tôi cố gắng đạp xe về tới trường. Khi đạp được hơn 100 cây số, trời sẩm tối, tôi mệt quá ngã xuống Nông Giang bất tỉnh nhân sự. Nếu không có người cứu, nhất định tôi đã chết đuối. Khi tỉnh lại tôi không biết mình là ai, tên là gì, làm việc gì, tại sao lại ngã xuống Nông Giang. Không biết sau đó ai biết tôi và đưa tôi về nhà. Nhưng khi về đến nhà tôi cũng không nhận được vợ con nữa. Hồn bay phách lạc, tôi như con người mất trí.
Dần dần từ ngày này sang ngày nọ tôi mới nhận thức được mình là ai, tên là gì, làm gì…

Hình 9. Hai cụ Nguyễn Mạnh Tường – Tống Lệ Dung
Tôi được xem những dòng hồi ký của cụ Nguyễn Mạnh Tường viết về vụ tai nạn trên dòng Nông Giang vào buổi chiều tết Trùng thập (mồng 10 tháng 10 năm Kỷ Sửu). Chiều hôm ấy, bà Nguyễn Dung Nghi vừa ra mở cửa, tôi đã thấy cụ bà Tống Lệ Dung đang ngồi trước hiên nhà. Mái tóc bạc trắng xếp từng lớp thời gian, cụ vẫn minh mẫn ôn lại từng kỷ niệm hơn nửa thế kỷ trước với những năm tháng sống tại huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa, cạnh sông Chu, làm hàng xóm với gia đình cụ Hồ Đắc Liên – kỹ sư mỏ địa chất, bác Nguyễn Khánh Đàm – anh ruột nhà văn Nguyễn Tuân…
Bà Nguyễn Dung Nghi lại điểm vào một nốt nhạc của bản hồi ức kỷ niệm:
“Vào một buổi chiều sẩm tối, trên đường đê Nông Giang, ba tôi đi một xe đạp nam với cặp hồ sơ tài liệu kể cả giấy tờ tùy thân được treo ở thanh ngang. Trời bắt đầu mưa. Đi trước là hai anh bộ đội đang trên đường công tác.
Để tránh mưa, ba tôi đạp xe vượt lên trước. Hai anh bộ đội đi bộ thấy ba tôi vượt lên trước nhưng sau đó mất hút mặc dù trên bờ sông Nông Giang không còn ai nữa. Đi được một đoạn, các anh phát hiện có chiếc xe đạp rơi xuống vệ đê... Sau khi tìm kiếm dưới sông, rồi làm sơ cứu, các anh đã đưa ba tôi tới một quán nước gần đó cạnh một cây đa.
Tỉnh dậy, ba tôi thấy trên mình là quân phục bộ đội. Ngạc nhiên, ba cứ tự hỏi: Mình có bao giờ là bộ đội đâu nhỉ? Bà cụ chủ quán khơi thêm bếp lửa sưởi ấm và cho biết các anh bộ đội thay quần áo cho ba tôi rồi sau đó lại tiếp tục lên đường công tác. Trong đêm tối, bà cụ chủ quán đã cho ba tôi ăn một bát cháo nóng. Sáng hôm sau có người đưa ba tôi về nhà với cặp tài liệu còn nguyên vẹn. Rất tiếc gia đình tôi không gặp được người đưa ba tôi về để cảm ơn và hỏi han chi tiết về tai nạn đã xảy ra”.
Cụ bà Tống Lệ Dung:
“Hôm đó ba con được đưa về nhà cứ luôn hỏi đi hỏi lại mợ rằng hôm nay là ngày bao nhiêu? Mợ trả lời hôm nay là ngày 26-6 (năm 1951).
Tiếng người con gọi cha bằng ba tôi vẫn được nghe thường xuyên, nhưng gọi mẹ bằng mợ, phải rất lâu rồi tôi mới được nghe lại. Tiếng gọi mợ của người Hà Nội xưa thanh lịch...
Đã 92 tuổi, do một cú ngã, từ hai năm nay cụ bà không tự mình đi lại được, phải có người giúp việc là điều bất đắc dĩ. Cụ vẫn thường tâm niệm sống ở trên đời phải biết tự lực, còn nếu ngại khó khăn, ngại lao động là mình thất bại trong cuộc đời, không làm được việc gì có ích cho gia đình, cho đất nước.
Qua bao thăng trầm của cuộc đời gần trọn trăm năm cõi người, chiều đông được hầu chuyện và cùng cụ bà Tống Lệ Dung nhìn từng dòng người xe qua lại trên phố Tăng Bạt Hổ như hôm nay, tôi lại thầm cảm phục: cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của GS.TS Nguyễn Mạnh Tường.
Như dòng sông quặn thắt lặng lẽ chở phù sa vun đắp cho đời; trong sự nghiệp giáo dục, thầy Nguyễn Mạnh Tường, đã để lại nhiều thế hệ học trò nay đã sáng nghiệp; trong những năm tháng hành nghề luật sư, cụ để lại nhiều huyền thoại… Và cầm trên tay cánh cung hai dây vừa làm thầy giáo vừa làm thầy cãi cũng có lúc cụ gặp tai nạn như chuyện bên bờ Nông Giang; để rồi sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần trở về với nhân dân, người trí thức lớn ấy lại toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân:
Tôi có thể nói được rằng tôi đã chết rồi.
Tôi tiếc rằng từ lúc tôi ngã xuống đến lúc tỉnh dậy, tôi không còn nhớ được gì đã xảy ra.
Một lỗ hổng tối đen mang quãng đời nhận thức của tôi mất đi toàn vẹn. Trong ký ức của tôi có một khoảng trống, không tồn tại một hình ảnh, một nhận thức nên nữa. Tôi đi đến kết luận rằng: Ranh giới giữa cái sống và cái chết rất là mỏng manh. Chết là mất nhận thức và chìm đắm trong một vực tối đen. Có thế thôi, vì vậy tôi cảm thấy cái chết không phải là cái gì đáng sợ và từ đó tới nay tôi vẫn sẵn sàng chờ đợi cái chết một lần nữa. Ai đã vớt tôi khỏi chết, ai đã níu áo tôi lại để tôi không nằm lại đáy Nông Giang. Một người nào đó vô danh đã cứu tôi và vô tình buộc tôi lại bước vào cuộc sống lần thứ hai cũng như bố mẹ tôi đã sinh ra tôi lần thứ nhất, nhập tôi vào cuộc đời.
Nếu tôi nhận định rằng con người của tôi ngày nay là con đẻ của nhân dân thì đúng hay sai?
Bổn phận và nghĩa vụ của tôi đối với nhân dân trước đây đã có nay lại được tăng cường lên vì tôi không chỉ là một con người trong nhân dân mà chính là đứa con của nhân dân đẻ ra. Vì vậy, không có gì lạ rằng tôi phải sống và chết vì nhân dân. Dù phải chịu nỗi khổ cực điêu đứng, tai hại đến đâu đi nữa, tôi không thể nào quên được rằng cái gì đã gắn bó tôi với nhân dân và mối tình cốt nhục còn nặng hơn tình yêu hoặc tình bè bạn. Một mối tình như vậy không phải chỉ nói lên trên môi mà phải thấm thía trong lòng, phải biểu hiện bằng hành động cụ thể, bằng những hy sinh để xứng đáng với nhân dân, bố mẹ “tinh thần” của tôi.
Khổ thế này chứ khổ hơn nữa tôi cũng không thể xa rời, từ bỏ bố mẹ để đi mưu cầu một số phận tươi vui hơn được. Một người con làm trọn bổn phận đối với những người đã sinh thành ra mình là cảm thấy rất sung sướng và bình tĩnh.
Đó là bí quyết tại sao tôi vẫn vui vẻ lạc quan và tin tưởng ở tương lai. Nhân dân đã trả lại cho tôi một Tổ quốc, lại cứu sống tôi, tôi nhất định sống và chết với nhân dân trên bờ cõi của đất nước”.

Trở về trang "Hồ sơ Nguyễn Mạnh Tường"