"Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta sẽ có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN. "
Tác giả: Thu Hà
Bài đã được xuất bản.: 08/12/2010 02:00 GMT+7
Ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TƯ, Chủ tịch Quốc hội khóa XI tiếp tục chia sẻ góc nhìn của mình xung quanh việc chuẩn bị cho Đại hội XI. Ông bày tỏ mong muốn Đại hội XI chọn khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện và triệt để cả về kinh tế và chính trị để tạo tiền đề cho đất nước tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
LTS: Đảng Cộng sản Việt Nam có hạnh phúc to lớn mà không dễ chính đảng nào có được: đó là sự tin yêu, đùm bọc, hy sinh, che chở của nhân dân trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập.
Trong hòa bình, dựng xây đất nước, có những lúc Đảng phạm những sai lầm, nhưng nhân dân vẫn đi theo Đảng, vẫn chung sức cùng Đảng sửa sai, mà sự nghiệp đổi mới thành công trong gần 25 năm qua là một minh chứng sinh động.
Hôm nay, trước thềm Đại hội 11, trước những vận hội mới mở ra với đất nước, người dân lại mang hết tâm huyết hiến kế để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước làm nên những trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Trong tinh thần đó, Tuần Việt Nam giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, với mong muốn Đại hội 11 sẽ thực sự là những ngày hội lớn của toàn dân, sẽ thổi lên hào khí cho đất nước. Mời bạn đọc cùng tranh luận, hiến kế với Đảng.
Các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng XI vừa được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: "Đây là một khâu rất quan trọng trong xây dựng Đảng về chính trị - vấn đề cốt tử của Đảng và là nhiệm vụ hàng đầu trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng". Bằng cách chân thành lắng nghe và tiếp thu thực chất những ý kiến đóng góp của dân, Đảng sẽ cộng hưởng được trí tuệ của toàn dân tộc để lãnh đạo đất nước vượt lên trong một thời đại rất nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thách thức.
Trò chuyện với Tuần Việt Nam, ông Nguyễn Văn An (nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đã chia sẻ nhiều ý kiến thẳng thắn xung quanh việc chuẩn bị cho Đại hội XI. Nhận mình là người sinh ra trong lòng chế độ, gắn bó máu thịt với chế độ, ông Nguyễn Văn An cho rằng cá nhân ông muốn nhân cơ hội này để nói những suy nghĩ của mình. Ông mong muốn thông qua cuộc trò chuyện này, chia sẻ những suy nghĩ, góc nhìn riêng của một đảng viên và một công dân bình thường với nguyện vọng để Đảng có chủ trương đổi mới toàn diện và triệt để hơn, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân hơn; để những giá trị cao đẹp của Nền Dân chủ Cộng hòa, của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ngày càng được thể hiện trong cuộc sống sinh động như di nguyện của Bác Hồ.
Suốt cuộc trò chuyện, ông An nhiều lần nhấn mạnh, góc nhìn của ông đôi chỗ có thể "khó nghe" hoặc cần phải tranh luận thêm, nhưng với trách nhiệm Đảng viên, trách nhiệm công dân, ông cứ mạnh dạn đưa ra, như một sự xới xáo vấn đề trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng những ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi.
Ông luôn nhắc đi nhắc lại rằng, nhận thức là một quá trình. Nhận thức của ông cũng thay đổi theo đường lối đổi mới của Đảng và sự phát triển của thế giới. Ông cũng luôn khẳng định phần trách nhiệm của mình về những nhận thức và việc làm còn nhiều hạn chế và yếu kém của ông khi còn đương nhiệm.
Thưa ông Nguyễn Văn An, các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XI vừa được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân, vừa rồi ông có tham gia ý kiến gì không?
Ông Nguyễn Văn An: Tôi đã có rất nhiều cơ hội tham gia ý kiến trực tiếp với một số hội nghị do Bộ Chính trị tổ chức, góp ý trực tiếp với nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương và một số địa phương. Hôm nay với tư cách là một đảng viên, một công dân bình thường, tôi chỉ phát biểu vài vấn đề chung, vì văn kiện thì có nhiều vấn đề lớn rất quan trọng.
Trong rất nhiều vấn đề quan trọng đó, lần này tôi chỉ tập trung nhấn mạnh hai vấn đề có ý nghĩa lý luận - thực tiễn cốt yếu, đó là: Vấn đề sở hữu và thành phần kinh tế; vấn đề xây dựng Đảng, đặc biệt là dân chủ trong Đảng, trong xã hội, đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cách nhìn thế nào, cách nhận thức thế nào,... từ đó sẽ đi tới những ý kiến khác nhau, đó cũng là điều dễ hiểu. Nhất là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Đại hội XI sẽ lắng nghe và chắt lọc như thế nào? Đó mới là khâu quyết định.
Dư luận trong Đảng và trong xã hội hiện đang có ít nhất hai khuynh hướng:
- Về cơ bản vẫn giữ cái khung các dự thảo văn kiện như hiện nay. Cụ thể, Cương lĩnh 2010 vẫn giữ khung cơ bản của Cương lĩnh 91 như dự thảo, có bổ sung sửa đổi đôi chút, hoặc thêm bớt, hoặc đảo từ,... chủ yếu bây giờ là đi vào nhân sự thôi.
- Hoặc, Cương lĩnh 2010 phải vượt qua cái khung cơ bản của Cương lĩnh 91 như dự thảo, để xây dựng một Cương lĩnh 2010 mới đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới toàn diện, triệt để, cả kinh tế và chính trị, tức là hoàn thiện ở mức độ cao hơn, mức độ SỬA LỖI HỆ THỐNG.
Tôi mong muốn Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, mong muốn Đại hội XI chọn khuynh hướng thứ hai, khuynh hướng SỬA LỖI HỆ THỐNG, khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện và triệt để, cả kinh tế và chính trị thì chúng ta mới khắc phục được lỗi hệ thống, vì chúng ta mắc lỗi hệ thống mà chúng ta chỉ chỉnh sửa theo khuynh hướng thứ nhất thì chúng ta không ra khỏi lỗi hệ thống được.
Đại hội XI chưa làm được như vậy thì đến đại hội XII, vì "ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay", và Đại hội XII bắt đầu từ Đại hội XI.
Nhiều nhà nghiên cứu lý luận khoa học đã đề cập đến lỗi hệ thống, song nó là cái gì thì chưa rõ. Ông có thể mô tả lỗi hệ thống một cách dễ hiểu nhất như thế nào?
Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay. Lâu nay chúng ta thường mới nói tới cái lỗi của mô hình thôi.
Có lẽ, lỗi hệ thống rõ ràng nhất, cụ thể nhất, toàn diện và triệt để nhất chủ yếu là từ khi chúng ta chuyển từ Cách mạng dân tộc dân chủ sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Cộng hòa Xô Viết - một mô hình rất xa lạ với những mô hình và lý thuyết phổ quát. Mà mô hình của Cộng hòa Xô Viết thì lại bắt nguồn từ những lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Tôi chỉ là người làm thực tiễn nên chỉ có thể đề cập đến vấn đề này từ góc độ thực tiễn. Đề nghị Hội đồng lý luận Trung ương, các Trung tâm nghiên cứu Khoa học giúp Đảng và Nhà nước ta làm rõ vấn đề này.
Tôi chỉ đề cập vài vấn đề về kinh tế và chính trị mà tôi cho là đã rõ, nhiều người đã cảm nhận được từ thành quả của công cuộc đổi mới của nước ta do Đảng ta lãnh đạo, từ sự sụp đổ của các đảng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô (cũ), từ sự đánh giá về thời đại ngày ngay,...
Từ chỗ đánh giá Cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành, chúng ta phải chuyển ngay sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo luận thuyết cách mạng không ngừng. Luận thuyết cách mạng không ngừng là đúng, còn cái sai là ở chỗ chúng ta đánh giá cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành tới mức phải chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Khi đó cũng có ý kiến cho rằng Cách mạng dân tộc dân chủ của ta chưa hoàn thành cơ bản, chúng ta mới làm được phần Cách mạng dân tộc, đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho dân tộc; còn phần Cách mạng dân chủ thì mới làm được một phần, mới đánh đổ vua chúa phong kiến, còn rất nhiều nội dung của Cách mạng dân chủ chúng ta chưa làm được, đến tận ngày nay vẫn còn nhiều vấn đề về dân chủ chúng ta cũng chưa làm được.
Lâu nay chúng ta quan niệm bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Có những người nêu ý kiến liệu mệnh đề này có còn phù hợp với tình hình hiện nay và tới đây không?
Chúng ta chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa là theo lý thuyết có tính tiền đề rằng, các nước kém phát triển có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, nếu được sự giúp đỡ vô tư trên tinh thần anh em của những nước xã hội chủ nghĩa hùng cường.
Tiền đề quan trọng đó trước đây và hiện nay là chưa có thật. Có lẽ đây chính là cái gốc ban đầu dẫn đến cái LỖI HỆ THỐNG như tôi vừa nói. Cái lỗi này là do nhận thức không đúng về thời cơ Cách mạng.
Thời cơ chuyển từ Cách mạng dân tộc dân chủ sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa có một vấn đề bao trùm chưa phù hợp, đó là vấn đề dân chủ mà chúng ta chưa hoàn thành cơ bản trong Cách mạng dân tộc dân chủ. Dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong chính trị, dân chủ trong văn hóa,... Mà dân chủ và phát triển là hai anh em song sinh. Nền dân chủ còn thấp thì nền kinh tế sẽ kém phát triển. Và, như vậy thì làm sao có xã hội xã hội chủ nghĩa - một xã hội đòi hỏi phải có nền dân chủ và nền kinh tế phát triển cao hơn các nước tư bản phát triển nhất hiện nay.
Điều ông vừa nói nên hiểu như thế nào? Và ông nghĩ như thế nào về quốc hiệu của Việt Nam trong giai đoạn đó?
Trong Cách mạng dân tộc dân chủ, Quốc hiệu của Việt Nam là: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" là rất đúng với bản chất, với nội dung của cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ, phù hợp với hình thức chính thể cộng hòa dân chủ mà nhân loại thừa nhận và hướng tới, lại vừa rất đúng với ngữ pháp Việt Nam. Khi chuyển sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa, Quốc hiệu của Việt Nam lại đổi thành: "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", vừa chưa phù hợp về bản chất và hình thức chính thể của nhà nước ta, vừa chưa thật rõ về nội dung, thực chất là chúng ta đã phải xác định lại nhiều lần mà vẫn chưa thật rõ, chỉ nói ngày càng rõ hơn mà thôi; mặt khác ngữ pháp lại không phải là ngữ pháp Việt Nam. Nó là ngữ pháp nước ngoài, không Tàu thì là Tây.
Nếu theo ngữ pháp Việt Nam thì phải viết là: "Việt Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa" mới đúng. Ngữ pháp Việt Nam tính từ bao giờ cũng đi sau danh từ (ví dụ: Quả gấc đỏ, chứ không nói quả đỏ gấc).
Quốc hiệu Việt Nam vừa phải thể hiện chính xác hình thức chính thể của nhà nước ta, vừa phải đúng với ngữ pháp Việt Nam. Những người quan tâm đến sự lựa chọn chính xác chính thể; những người quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt, những người có lòng tự trọng dân tộc đều băn khoăn đến Quốc hiệu hiện nay. Ngay Trung Quốc, Lào... họ cũng vẫn giữ Quốc hiệu cũ của họ là "Cộng hoà dân chủ nhân dân...", họ chưa đổi thành Quốc hiệu có tính từ XHCN.
Khi nói đến cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vẫn nói đến dân chủ, nhưng tính dân chủ được hiểu nhẹ đi, tính chuyên chính vô sản được hiểu nổi trội hơn, có phần cực đoan hơn, thể hiện rõ nhất là thông qua cải tạo XHCN. Do đó mà nhiều người Việt Nam muốn trở lại với Quốc hiệu Việt Nam thời Cách mạng dân tộc dân chủ, tức là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", vừa đúng với bản chất và nội dung của hình thức chính thể của nước ta, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, lại vừa đúng với ngữ pháp Việt Nam, là sửa cái lỗi hệ thống ban đầu của chúng ta. Nếu được trưng cầu dân ý, tôi tin chắc sẽ được sự đồng tình của tuyệt đại đa số nhân dân.
Bản chất của công cuộc đổi mới trên lĩnh vực kinh tế đó chính là dân chủ hóa trên lĩnh vực này có phải không?
Đúng vậy. Từ chỗ chủ yếu có hai thành phần kinh tế đến chỗ có nhiều thành phần kinh tế. Từ chỗ đảng viên, công chức nhà nước không được làm kinh tế đến chỗ đảng viên, công chức nhà nước được làm kinh tế theo pháp luật. Từ chỗ đất đai là thuộc sở hữu nhà nước đến chỗ người sử dụng đất đai đã được 5 quyền như người chủ sở hữu, tuy còn có điểm rất mù mờ....
Sở hữu tư nhân thực chất vẫn là vấn đề dân chủ tự do trên lĩnh vực kinh tế, trong mưu cầu hạnh phúc của mỗi người, nó là cội nguồn cảm hứng, là động lực to lớn cho sự phát triển. Kết quả của nó kỳ diệu như thế nào mọi người đã biết.
Vẫn biết rằng nó cũng đẻ ra những bất công mới, những mâu thuẫn mới đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn khách quan trong từng giai đoạn. Song đây là con đường dân chủ, con đường phát triển, con đường sống ngày càng hạnh phúc hơn.
Chúng ta cần sửa cái sai từ gốc này một cách toàn diện hơn, triệt để hơn như nhiều ý kiến đề xuất của quần chúng, của nhiều tổ chức và nhiều nhà khoa học, trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước.
Sở hữu tư nhân là động lực vô cùng to lớn, song không phải không cần đến sở hữu nhà nước. Nhưng sở hữu nhà nước không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện trong giai đoạn nào, thời điểm nào, trong lĩnh vực cụ thể nào, vì lợi ích đích thực của nhân dân và của nhà nước chứ không phải vì mục đích tự thân.
Vấn đề đất đai và một loạt tập đoàn kinh tế của nhà nước đang còn nhiều vấn đề bức xúc, kém hiệu quả, cần phải được nghiên cứu giải quyết. Nhiều vụ án bê bối về đất đai cũng như Vinashin chỉ là những bộc lộ điển hình. Nhiều tập đoàn tư nhân ở trong và ngoài nước cũng có hiện tượng phá sản, bê bối như thế, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Kinh tế thị trường là như vậy. Nhưng đối với đất đai và các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam lại có đặc điểm riêng của nó.
Vinashin đang là vấn đề nổi cộm, tranh cãi, nhiều ý kiến khác nhau. Phải chăng sự khác nhau mà người ta không muốn nói đến chính là có phần do lỗi hệ thống?
Tôi cũng nghĩ có phần sâu xa là như vậy. Tôi cho rằng Vinashin vừa là hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vừa có căn nguyên sâu xa bắt nguồn từ lỗi của hệ thống, lỗi từ gốc, từ chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị xuất phát từ quan điểm rằng: xã hội xã hội chủ nghĩa phải được xây dựng dựa trên "... chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu". Mô hình này lại xuất phát từ một lý thuyết cực đoan cho rằng: tư hữu về tư liệu sản xuất là nguồn gốc của mọi sự bóc lột.
Từ một lý thuyết cực đoan đi tới một mô hình kinh tế không có động lực mà thực tế cuộc sống đã bác bỏ. Chính phủ là người thực thi chủ trương đó của Đảng về mặt nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có quyền lớn như vậy thì có phải chịu trách nhiệm gì không?
Với thể chế như hiện nay ở Việt Nam thì mọi thành công hay thất bại đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng. (Ông cười tủm tỉm, nói nhỏ rằng: Không nên nói "mất mùa là tại thiên tai, được mùa là tại thiên tài Đảng ta" - pv).
Đành rằng phải có trách nhiệm cá nhân trong quản trị hành chính và quản trị doanh nghiệp, phải xem xét cẩn trọng, có lý, có tình, không tranh công, đổ lỗi. Song phải rất chú ý đi sâu làm rõ cái lỗi của hệ thống, do sai sót của hệ thống làm trầm trọng thêm.
Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ điều kiện "chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu" thì xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng sẽ chẳng khác gì các nước tư bản phát triển văn minh cả?
Rất nhiều người không đồng tình với quan điểm này. Nếu nước ta khác về đời sống vật chất và tinh thần cao hơn, văn minh hơn, tức là chất lượng cuộc sống cao hơn, nhất là dân chủ tự do cao hơn thì đồng ý. Còn nước ta phải công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu để khác với các nước tư bản phát triển thì lại là vấn đề sai từ gốc. Rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ đoạn này trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XI.
Vả lại, ngay ở các nước tư bản chủ nghĩa cũng có phần sở hữu nhà nước, quy mô lớn nhỏ là tùy lúc, tùy nơi, họ không coi đó là mục đích, mà chỉ coi là phương tiện; xuất phát điểm của họ là vì lợi ích, cái gì nhà nước làm tốt hơn (theo nghĩa tổng thể) hoặc tư nhân không làm thì nhà nước làm, cái gì tư nhân làm tốt hơn thì tư nhân làm. Họ không xuất phát từ lý thuyết coi tư hữu về tư liệu sản xuất là nguồn gốc của mọi sự bóc lột, họ xuất phát từ lợi ích, từ hiệu quả tổng hợp của nền kinh tế, có tính cả đến vấn đề quốc phòng và an ninh của quốc gia.
Ngay ở Việt Nam chúng ta, kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể theo kiểu cũ đã có vai trò và đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là điều cần phải được khẳng định. Song sang thời bình như hiện nay thì chúng ta buộc phải đổi mới, đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, không thể tiếp tục cách làm cũ, vì nó không có động lực. Đó cũng là điều đã được cuộc sống khẳng định.
Vấn đề chủ yếu của quản trị hành chính nhà nước là có chính sách kiểm soát, phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý, chứ không phải là công hữu hóa tư liệu sản xuất chủ yếu. Do đó chúng ta phải dứt khoát từ bỏ lý thuyết và mô hình sai trái từ gốc này, vì hậu quả của nó gây ra như thế nào mọi người đều đã biết. Đó là con đường trở về thời kỳ thiếu thốn và đói khổ.
Tóm lại, vấn đề sở hữu, vấn đề cơ chế quản trị tài sản công (đất đai và các tập đoàn kinh tế nhà nước...) cần được xem xét giải quyết dứt khoát, cụ thể và triệt để. Tức là phải dân chủ hóa triệt để hơn nữa trong kinh tế, các cấp ủy Đảng không trực tiếp tham gia vào quá trình quản trị doanh nghiệp, luật pháp cần phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng quản trị doanh nghiệp và quản trị hành chính nhà nước phải được thông suốt, tách bạch, trách nhiệm rõ ràng.
Trở lại với câu chuyện xây dựng Đảng, vừa rồi báo Nhân dân có loạt bài kể lại câu chuyện của Liên Xô cũ. Báo Nhân dân đặt ra câu hỏi: Vì sao một đảng hùng mạnh, đã lãnh đạo nhân dân Nga chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và cống hiến to lớn cho thắng lợi của thế giới trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một đảng giành được thành tựu rực rỡ trong xây dựng CNXH lại đổ sụp nhanh đến vậy, sau 74 năm cầm quyền? Ông suy nghĩ thế nào về câu hỏi này?
Bài học của Liên Xô (cũ) vẫn còn nguyên giá trị. Từ đó mới thấy yêu cầu xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, đoàn kết trong Đảng và trong xã hội là vấn đề cốt tử của những vấn đề cốt yếu, vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta. Mọi thành công hay thất bại của Cách mạng Việt Nam đều từ đây mà ra. Không kẻ thù nào có thể phá được Đảng ta trừ chính những người cộng sản chúng ta.
Quan sát sự tan rã của một số Đảng cộng sản ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu, thì thấy rằng, những người cộng sản phá Đảng không phải chỉ là những người cộng sản phản bội Đảng, những người cộng sản bị kẻ thù mua chuộc, bị diễn biến hòa bình,... Mà phần nhiều lại chính là những người cộng sản chân chính, những người cộng sản không muốn bảo vệ Đảng của mình nữa, vì thực tế Đảng của mình đã thoái hóa biến chất mất rồi, nhất là vì Đảng của mình đã phạm sai lầm có tính hệ thống mà không nhận ra được và không khắc phục được. Đảng đã trở thành lực lượng cản trợ dân chủ, tự do, cản trợ sự phát triển của xã hội. Đảng đã trở thành ông Vua tập thể, đã trở thành Đảng trị mất rồi.
Chúng ta rút được bài học gì từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô?
Hãy thử quan sát và phân tích sự giải tán của một Đảng tại quê hương của Cách mạng tháng Mười thì rõ. Tại sao một người đứng đầu Đảng và Nhà nước tuyên bố giải tán Đảng là Đảng đó bị giải tán ngay? Một người có làm được việc đó không? Hay người đó chỉ là người thay mặt cho số đông những người trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị? Đội ngũ trí thức đâu? Liên minh giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động đâu? Hệ thống thông tấn, báo chí đâu? Lực lượng vũ trang hùng hậu đâu mà không bảo vệ Đảng? Tại sao họ quay mặt đi? Hay là họ cũng đồng tình? Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, tại sao quần chúng không bảo vệ?
Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Vấn đề là lòng dân: Thuận lòng dân thì còn, trái lòng dân thì mất. Ý dân là ý trời.
Nhiều cơ quan thông tin đại chúng của chúng ta thường đưa tin chủ yếu là do nguyên nhân bị diễn biến hòa bình, một số cán bộ chủ chốt bị mua chuộc phản bội lại Đảng, dẫn tới cách mạng màu,... mà chưa đi sâu vào nội bộ Đảng, vào lỗi hệ thống của Đảng, vào sự thoái hóa biến chất trong Đảng, Nhà nước và Xã hội do lỗi hệ thống gây ra. Đảng đã trở thành lực lượng cản trở sự phát triển của xã hội, đã trở thành lực cản của sự phát triển tự do dân chủ của xã hội. Nói theo tinh thần của Marx thì cái gì cản trở sự phát triển là thối nát, là phản động. Chính những người cộng sản chân chính, chính liên minh giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động, chính độ ngũ trí thức cũng không muốn bảo vệ một Đảng đã thoái hóa biến chất như vậy. Đó mới là nguyên nhân chính, chứ không phải do kẻ thù của chủ nghĩa xã hội phá hoại là chính. Chính những người cộng sản chân chính cũng muốn giải tán Đảng đã biến chất để xây dựng Đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu.
Và như chúng ta đã biết, nhân dân ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) đã phúc quyết Hiến pháp mới để xác lập chính thể mới phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm sửa cái lỗi hệ thống của họ. Một bài học quá đắt giá trong lịch sử nhân loại. Chúng ta cần tỉnh giác để suy ngẫm, để chỉnh đốn Đảng ta như trong di chúc thiêng liêng của Bác Hồ đã ghi.
Ngược về quá khứ, Bác Hồ đã xây dựng nền tảng của hệ thống như thế nào?
Lúc chọn đường đi cho dân tộc, trong khi nhiều nước phương Tây chọn Quốc tế II thì Bác Hồ lại chọn Quốc tế III, vì Quốc tế II không ủng hộ giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa, Quốc tế III ủng hộ giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa.
Bác Hồ là người tiếp thu các học thuyết, các chủ nghĩa tiên tiến của phương Tây, tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông, Tư tưởng - Minh triết của Bác đã soi đường và thúc đẩy phong trào Cách mạng Việt Nam. Trong Bác Hồ chúng ta thấy có cả những phần tinh túy và phù hợp với Cách mạng Việt Nam của chủ nghĩa Marx-Lenin, của cách mạng tư sản phương Tây, có cả tư tưởng từ bi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có cả tư tưởng bác ái của Đức chúa Zesu, có cả tư tưởng nhân nghĩa của Đức Khổng Tử, có cả Chủ nghĩa Tam dân của cụ Tôn Dật Tiên,... Bác kế thừa những tư tưởng tiến bộ của các bậc cách mạng tiền bối của Việt Nam.
Bác Hồ chọn Quốc tế III là vì mục đích giải phóng dân tộc trước nhất, các vấn đề khác hạ hồi phân giải, vì dân tộc chưa được giải phóng thì vạn năm giai cấp cũng chưa được giải phóng. Đấy là sự lựa chọn sáng suốt mang tính lịch sử. Bác ở trong dòng thác đó song vẫn độc lập trong chừng mực có thể vì mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc trên nền dân chủ cộng hòa.
Do đó, khi xây dựng Đảng, tôi đề nghị trở về với Lý luận - Hành động, với Tư tưởng - Minh triết Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động của chúng ta. Tôi đề nghị chúng ta vẫn giữ học thuyết Marx-Lenin, nhưng chúng ta không chỉ biết và vận dụng duy nhất học thuyết Marx-Lenin, mà cần phải biết và vận dụng những học thuyết tinh hoa của nhân loại như chúng ta bắt đầu làm từ khi đổi mới. Từ đó Đảng ta mới phát huy được dân chủ, tự do trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội ta. Vì chỉ có dân chủ tự do mới có thể có điều kiện thật sự cho sự phát triển vững mạnh, mới có sức mạnh vô địch để vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ được thành quả của Cách mạng và không ngừng đưa Cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước cùng với bạn bè năm châu bốn biển.
Theo đánh giá của ông, người dân đã thực sự được làm chủ như mong nguyện của Bác Hồ chưa?
Theo luật pháp thì dân ta là người chủ đích thực của đất nước. Song đến nay dân ta mới được bầu và bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bầu và bãi miễn Đại biểu Quốc hội, bầu và bãi miễn trưởng thôn. Chúng ta đều biết, chất lượng bầu cử còn thấp, còn việc bãi miễn thì hầu như chưa làm được bao nhiêu, nguyên nhân thì có nhiều.
Dân ta chưa được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thông qua trưng cầu dân ý. Tuy Hiến pháp 1946 đã ghi song chưa thực hiện được vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó. Đến các Hiến pháp sửa đổi sau này lại bỏ quyền đó của dân mà Quốc hội tự giao cho Quốc hội có quyền lập hiến và lập pháp.
Dân ta cũng chưa có quyền lựa chọn cương lĩnh phát triển đất nước và người đứng đầu đất nước thông qua tranh cử trong tổng tuyển cử. Các hình thức hoạt động tự nguyện của các cộng đồng, các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy mọi nguồn lực và góp phần phản biện xã hội theo hướng xây dựng xã hội dân sự còn nghèo nàn và hạn chế. Nạn hành chính giấy tờ quan liệu, nhũng nhiễu còn khá nặng nề,...
Nghĩa là còn rất nhiều quyền dân chủ đương nhiên của một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà nhân dân ta đến nay vẫn chưa được hưởng một cách trọn vẹn.
Đã có lần ông đã nói về sự phân quyền, vậy phân quyền trong thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện nên được hiểu thế nào?
Hiến pháp và Pháp luật đã ghi rất rõ: Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ chị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng. Thực chất chúng ta có hai hệ thống quyền lực song song, đó là hệ thống của Đảng và hệ thống Nhà nước đi kèm theo là hai hệ thống tòa nhà của hai cơ quan đảng và nhà nước cồng kềnh chưa từng có. Đây là mô hình của cộng hòa Xô Viết. Thông lệ quốc tế không có như vậy.
Quốc hội là nhánh lập pháp có quyền lực cao nhất, song cũng còn nhiều hình thức, thực chất là Trung ương, Bộ Chính trị quyết.
Chính phủ là nhánh hành pháp song cũng rất yếu, chủ yếu là chấp hành chỉ thị nghị quyết của Đảng.
Chủ tịch nước từ chỗ tập trung thực quyền như khi Bác Hồ đảm nhận, ngày nay đã dần trở thành hình thức, nghi lễ. Quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ra làm ba nơi, ba người nắm giữ, đó là Tổng Bí thư thống lĩnh lực lượng vũ trang, Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch nước đại diện cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng không thực quyền.
Tòa án là nhánh tư pháp lại càng yếu thế.
Cả ba nhánh quyền lực đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban lãnh đạo Đảng (Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương).
Quyền lực nhà nước được phân công ra làm ba nhánh song lại thống nhất ở nơi Đảng. Vậy, Đảng trở thành ông vua tập thể rồi. Không phải dân chủ nữa mà là đảng chủ rồi. Mô hình của cộng hòa Xô Viết là như vậy. Đây là cái sai từ gốc về hệ thống tổ chức quyền lực gây nên lỗi của hệ thống cần phải được khắc phục theo quy luật phổ quát là phân chia ba nhánh quyền lực nhà nước một cách rạch ròi, minh bạch, thống nhất theo Hiến pháp và Pháp luật, tức là thống nhất ở nơi dân, (tam quyền phân lập).
Nếu chúng ta hiểu ba nhánh quyền lực nhà nước đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được thể chế hoá trong Hiến pháp và Pháp luật là đúng, còn nếu hiểu thống nhất trực tiếp ở ban lãnh đạo hoặc cá nhân lãnh đạo cụ thể nào đó thì lại là sai, lại là có vua cộng sản mất rồi, dân chỉ còn là người chủ hình thức, nhà nước trở thành công cụ của đảng chứ không phải công cụ của dân nữa rồi. Mọi chủ trương chính sách của đảng phải được cụ thể hoá bằng Hiếp pháp và Pháp luật. Chấp hành Hiến pháp và Pháp luật là chấp hành sự lãnh đạo của Đảng. Xã hội sẽ được nhà nước quản trị bằng pháp luật, chứ không quản trị bằng chỉ thị, nghị quyết trực tiếp của đảng. Pháp luật là tối thượng.
Một trong những biểu hiện dân chủ trong xã hội đó là việc chọn lựa cụ thể qua lá phiếu. Theo ông, lá phiếu của chúng ta hiện nay đã thể hiện được tính dân chủ của nó đến mức nào rồi?
Theo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng thì ở Quốc hội, ở Hội đồng nhân dân, đảng viên phải bỏ phiếu theo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, làm đúng như ở các nước có đa đảng tham chính. Như vậy có đúng với bản chất của Đảng và Nhà nước ta không? Đảng của dân, Nhà nước cũng của dân cơ mà?
Ở Việt Nam, Đảng ta không phải tranh giành lá phiếu với đảng nào cả mà chỉ là lá phiếu của những đảng viên, của những người đại biểu nhân dân tán thành hay không tán thành một điểm nào hay cả chủ trương, chính sách nào đó của Ban lãnh đạo Đảng, có khi chỉ là ý kiến của một người có trọng trách trong Đảng, (không được nhầm lẫn với Đảng nói chung).
Ở nước có đa đảng tham chính, khi tranh cử nguyên thủ quốc gia, đảng nào chuẩn bị đưa người ra tranh cử phải có quy trình tranh cử trong nội bộ đảng để chọn người xuất sắc của đảng mình ra tranh cử với đảng khác. Người ra tranh cử phải có cương lĩnh tranh cử, cử tri sẽ căn cứ vào cương lĩnh tranh cử và người đứng đầu cương lĩnh đó của các đảng để lựa chọn cương lĩnh và người đứng đầu đất nước, khi đó cương lĩnh của đảng thắng cử sẽ trở thành cương lĩnh phát triển của đất nước, người đứng đầu đảng thắng cử sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia. Còn khi bỏ phiếu về vấn đề quan trọng nào đó thì thông thường các Đảng họ quy định đảng viên của Đảng đó phải bỏ phiếu theo lập trường của Đảng đó. Vì đây là các Đảng tranh giành lá phiếu với nhau, tranh giành lợi ích cho Đảng mình.
Nếu ta làm như các Đảng ở các nước có đa Đảng tham chính thì chẳng hóa ra Đảng ta tranh giành lá phiếu với dân à? Mà điều đó là điều không thể hiểu được, vì nó trái với bản chất của Đảng, rằng Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Đảng lãnh đạo chứ không quyết thay nhân dân.
Trong thực tiễn đã có rất nhiều trường hợp đảng viên trong Quốc hội, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, cán bộ cao trung cấp của Đảng đã bỏ phiếu thuận theo lòng dân, không theo chỉ thị nghị quyết của Bộ chính trị, của Ban chấp hành TƯ và đã được Đảng và Nhà nước chấp nhận, nhân dân đồng tình và hoan nghênh. Đó là điều Đảng ta cần và phải làm khác với các đảng ở các nước có nhiều đảng tham chính để phát huy dân chủ thật sự trong đảng, trong xã hội.
Chỉ có một Đảng duy nhất tham chính, theo ông chúng ta nên làm thế nào để có dân chủ thực chất?
Nếu chúng ta chỉ đưa ra một cương lĩnh, một người ra ứng cử như một đảng của các nước có đa đảng tham chính, thì sẽ không có tranh cử, dân sẽ không có cơ hội lựa chọn cương lĩnh và nguyên thủ. Làm như lâu nay thì chưa thật dân chủ trong Đảng, cũng chưa thật dân chủ trong dân, còn mang nhiều tính hình thức, thụ động, dân ít quan tâm.
Như tôi đã nói trong một cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam hồi năm ngoái, dân chủ là phải có tranh cử, phải công khai minh bạch,.. để có sự lựa chọn trong Đảng và trong xã hội, sẽ thu hút được sự quan tâm xây dựng nhà nước của đông đảo nhân dân. Dân chủ không đồng nhất với đa Đảng. Mất dân chủ không đồng nhất với một Đảng. Dân chủ là dân phải được lựa chọn cả cương lĩnh, cả nhân sự, dân phải được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Khi nào có sự lựa chọn dân chủ thật sự như vậy là có dân chủ thực sự trong xã hội.
Trong Đảng ta có thể có nhiều đồng chí đưa ra những cương lĩnh tranh cử khác nhau, dăm ba cương lĩnh chẳng hạn, sau đó trong Đảng lựa chọn ra hai ba cương lĩnh tranh cử để đưa ra dân lựa chọn, như sự tranh cử trong nội bộ một Đảng của các nước có đa đảng tham chính. Như vậy, dân sẽ có cơ hội lựa chọn cương lĩnh tranh cử và người đứng đầu cương lĩnh để trở thành cương lĩnh phát triển của đất nước và nguyên thủ quốc gia trong một nhiệm kỳ xác định.
Dân chủ trong Đảng gắn với dân chủ trong dân, trong xã hội sẽ tạo ra sự đồng thuận giữa Đảng và Nhà nước và Nhân dân. Ý Đảng lòng dân là một. Khối đại đoàn kết sẽ được củng cố và tăng cường trong thực tiễn. Dân chủ có lãnh đạo đúng đắn, không ai làm thay ai, đó chính là nguồn sức mạnh vô địch cho sự sáng tạo và phát triển, là sự sống còn của Đảng và chế độ.
Như tôi đã nói trong các câu trả lời ở trên, vấn đề dân chủ và trách nhiệm trong quản trị hành chính của nhà nước ta còn nhiều vấn đề tồn tại lớn cần phải được nghiên cứu giải quyết, nhất là về vai trò lãnh đạo của Đảng, để phát huy đầy đủ sức mạnh của bộ máy quản trị hành chính nhà nước, phát huy đầy đủ sức mạnh của nhân dân - người chủ đích thực của đất nước.
Trong bài viết mới đây nhất, ông có cho rằng đã đến lúc phải xây dựng luật về Đảng?
Đúng. Trước đây, khi Đảng chưa cầm quyền, khi Đảng còn đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân thì Đảng hoạt động ngoài vòng pháp luật, chống lại pháp luật của chính quyền thực dân phong kiến.
Ngày nay Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền rồi, thì không được làm như trước nữa, mà phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật và hoạt động theo luật về Đảng. Song tiếc rằng đến nay Đảng ta vẫn chưa có luật về Đảng. Do vậy không tránh khỏi một số trường hợp Đảng vẫn đứng trên Nhà nước, đứng trên pháp luật. Người ta gọi như vậy là Đảng trị. Chúng ta đã khắc phục được nhiều rồi, song vẫn còn những thói quen về cách làm việc cũ, như khi Đảng chưa cầm quyền, khi chính quyền Nhà nước còn non trẻ.
Ngày nay nhà nước ta đã trưởng thành, đã là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng ta là Đảng cầm quyền đã được ghi trong Hiến pháp, song chưa được cụ thể hóa thành luật, Quốc hội phải sớm ban hành luật về Đảng, khi đó Đảng sẽ không còn bao biện, làm thay Nhà nước, Đảng cũng sẽ không buông lỏng lãnh đạo. Đảng sẽ hoạt động lãnh đạo hợp Hiến và hợp pháp.
Xin được hỏi câu cuối, theo ông tư tưởng chủ đạo để hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là gì?
Đó là Tư tưởng - Minh triết Hồ Chí Minh, là Lý luận - Hành động Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, trong Hiến pháp năm 1946, trong di chúc thiêng liêng của Bác..., trong lời nói và việc làm của Bác. Cụ thể là:
1- Quán triệt tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc;
2- Bảo đảm phát huy tự do dân chủ, dân là người chủ đích thực của đất nước, dân phải được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia;
3- Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, pháp luật là tối thượng, quyền lực nhà nước là của dân, thống nhất ở nơi dân, thể hiện trong Hiến pháp và Pháp luật theo mô hình phổ quát phân chia ba nhánh quyền lực nhà nước một cách rạch ròi, minh bạch (tam quyền phân lập).
4- Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam nhưng không được tự cho mình là đương nhiên, mãi mãi, mà Đảng phải giành quyền lãnh đạo thông qua tranh cử trong Đảng và ngoài Xã hội. Đảng phải hoạt động hợp pháp, theo Luật về Đảng do Quốc hội ban hành.
***
Với Đại hội VI, Đảng ta đã vượt lên chính mình, thông minh và dũng cảm mở đột phá khẩu để thoát ra khỏi lỗi hệ thống.
Từ đó tới nay chúng ta đã đi được quãng đường khá dài, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, với xu thế không thể đảo ngược.
Hy vọng rằng, với Đại hội XI, XII, đảng ta sẽ tiếp tục vượt lên chính mình để thoát khỏi lỗi hệ thống một cách triệt để và hoàn toàn.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của Đảng
Tác giả: Nguyễn Văn An
"Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai. Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta sẽ có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN".
LTS: Theo ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội và Trưởng ban tổ chức Trung ương: "Dân chủ trong Đảng gắn với dân chủ trong Dân, trong Xã hội sẽ tạo ra sự đồng thuận, ý Đảng lòng Dân sẽ là một. Dân chủ có lãnh đạo đúng đắn, không ai làm thay ai đó chính là cội nguồn sức mạnh cho dân tộc, là sự sống còn của Đảng và chế độ". Đây cũng là nội dung chính trong bài viết ông vừa gửi tới Tuần Việt Nam với tựa đề: Bàn về tính Dân tộc và Dân chủ của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Những nội dung chính trong bài viết này đã được ông Nguyễn Văn An chia sẻ tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hồi trung tuần tháng 11.
Ông bộc bạch: góc nhìn của ông trong bài viết này, đôi chỗ có thể "khó nghe" hoặc cần phải tranh luận thêm, nhưng vì trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm công dân, ông cứ mạnh dạn đưa ra như một sự xới xáo trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng những ý kiến khác biệt mà đảng luôn kêu gọi. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết này để quí vị độc giả cùng suy ngẫm và tranh luận cùng ông.
>> Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp
>> "Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới"
Tính dân chủ của MT DTTN Việt Nam còn rất yếu so với tính dân tộc
Dân chủ là mục tiêu nền tảng, là quốc hiệu của Việt Nam: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", song tính dân chủ còn yếu hơn rất nhiều so với tính dân tộc.
Năm 1945, khi còn nhỏ, tôi đã hát khản cổ câu hát "Tiến lên nền dân chủ cộng hoà" trong bài hát "Diệt phát xít" của ông Nguyễn Đình Thi. Cũng như nhiều người, hồi đó tôi chưa hiểu về khái niệm thế nào là nền dân chủ cộng hoà, mặc dù đó là quốc hiệu của chúng ta.
Nhiều ý kiến cho rằng Mặt trận Dân tộc Thống nhất nước ta có hai tính chất cơ bản là tính dân tộc và tính dân chủ. Trong đó, tính dân tộc xuyên suốt, nổi trội và trở thành một đặc trưng cơ bản của Mặt trận, nó là truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam ta đã được rèn luyện trong đấu tranh chống địch họa và thiên tai. Thế còn tính dân chủ thì sao? Nó còn quá mới mẻ với Việt Nam? Có lẽ đây là ý kiến cần được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc, vì nó mang ý nghĩa sâu sắc, quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.
Để làm rõ vấn đề này, hãy trả lời câu hỏi: Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng gì? Ai cũng có thể trả lời dễ dàng: Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nên Mặt trận phải có cả hai tính chất vừa là dân tộc, vừa là dân chủ. Đương nhiên Đảng ta cũng có cả hai tính chất đó và Nhà nước ta cũng không thể thiếu hai tính chất này.
Nếu xem xét tính dân tộc và tính dân chủ ở cả hai giai đoạn Cách mạng dân tộc dân chủ và Cách mạng XHCN thì chúng ta dễ nhận thấy rằng, tính dân tộc ở cả hai giai đoạn đó đều nổi trội hơn tính dân chủ. Tính dân chủ ở Việt Nam còn mới mẻ vì dân tộc ta bị sống trong đêm dài phong kiến, nô lệ quá lâu so với nhiều nước ở phương Tây.
"Dân quyết" là thực chất của tính Dân chủ.
Khi chuyển lên hình thái Cách mạng XHCN, cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng chúng ta có hơi vội quá chăng? Vì Cách mạng dân tộc dân chủ của ta chưa hoàn thành cơ bản, mới làm được cách mạng dân tộc, còn cách mạng dân chủ thì vừa bắt đầu. Điều đó có nghĩa, trong giai đoạn cách mạng XHCN tới đây, cần làm sao cho tính dân chủ cũng trở thành nổi trội, xuyên suốt, dần trở thành chủ đạo và truyền thống như tính dân tộc. Làm được như vậy thì thành quả của cách mạng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội sẽ được giữ vững.
Phải chăng, Cách mạng XHCN chính là cách mạng dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ thực sự cho dân, có thêm tính từ XHCN cũng nhằm làm rõ cuộc cách mạng của chúng ta dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ giả hiệu. Tính dân chủ càng sâu rộng thì tính dân tộc càng được nâng cao. Hai tính chất này trong mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng ở giai đoạn phát triển XHCN chúng ta phải nâng cả tính dân tộc và cả tính dân chủ lên rất nhiều. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực, song dân chủ phải là mục tiêu nền tảng. Mệnh đề công bằng - văn minh phải trên nền tảng dân chủ cộng hoà; tự do, hạnh phúc cũng phải trên nền tảng dân chủ cộng hoà. Không có dân chủ thì không có công bằng, văn minh, không có tự do, hạnh phúc đích thực đối với mỗi người dân.
"Dân quyết" là thực chất của tính Dân chủ
Cách đây bốn năm, trong bài viết "Dân làm chủ", "Đảng lãnh đạo" tôi đã đề cập đến vấn đề "dân quyết". Dân làm chủ thì dân phải quyết, quyết trực tiếp và quyết gián tiếp thông qua cơ quan đại diện. Song về bản chất là dân quyết chứ không phải vua quyết, cũng không phải đảng quyết. Đảng lãnh đạo, dân quyết. Hồi đó, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN cũng đồng ý với quan điểm của tôi. Đồng chí đã phát biểu công khai trong một phiên họp toàn thể của Quốc hội. Đại ý: Dân là chủ thì dân phải quyết, tất nhiên không phải là cái gì dân cũng quyết mà phải quyết theo pháp luật. Dân làm chủ trực tiếp thường là những vấn đề lớn của quốc gia, còn lại dân làm chủ gián tiếp thông qua cơ quan đại diện và thông qua cơ quan Nhà nước do cơ quan đại diện bầu cử ra.
Đảng quyết theo chức năng của cơ quan lãnh đạo, dân quyết theo chức năng của người làm chủ, còn nhà nước quyết theo chức năng của người quản lý. Ba chủ thể đó đều có quyền quyết, nhưng quyết theo chức năng của mình, không ai quyết thay ai. Vì nếu "hăng hái" quyết thay người khác thì người bị quyết thay sẽ trở thành bù nhìn, hữu danh vô thực. Trong một gia đình cũng vậy, người chủ của gia đình mà không có quyền quyết định công việc của gia đình mình mà lại do người khác quyết, thì người chủ gia đình đó chỉ là bù nhìn, không phải chủ đích thực.
Đời sống chính trị ở nhiều nước phân vai rất mạch lạc. Như ở Anh, trước khi quyết định chọn sử dụng đồng Euro, Thủ tướng phải đưa ra trưng cầu dân ý để dân phúc quyết. Dân Anh không chịu dùng Euro và Thủ tướng buộc phải theo. Pháp cũng vậy, khi Tổng thống Pháp trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp liên minh châu Âu, dân Pháp trả lời không tán thành, và đương nhiên Tổng thống phải chấp hành theo ý dân.
Quyền lực Nhà nước thống nhất ở nơi Dân là bản chất của nhà nước dân chủ
Khi nhận trọng trách Chủ tịch QH, tôi từng hỏi ý kiến của nhiều vị gần gũi và có trọng trách rằng: Quyền lực nhà nước "thống nhất" ở đâu? Ý kiến trả lời là rất khác nhau. Người thì bảo thống nhất ở Đảng, người thì bảo thống nhất ở QH, người khác lại nói thống nhất ở nơi dân.
Theo tôi, quyền lực Nhà nước là của dân, là thống nhất ở nơi dân chứ không phải thống nhất ở QH, cũng không phải thống nhất ở Đảng (nhưng mà thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở Hiến pháp và pháp luật).
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai. Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN. Nếu vậy thì còn gì là dân chủ nữa mà là Đảng chủ, là Đảng bao biện, làm thay. Và như vậy là mất dân chủ. Dân chủ thì quyền lực nhà nước phải thống nhất ở nơi dân.
Phải có Luật về Đảng để khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay và buông lỏng lãnh đạo để đảm bảo tính dân chủ được thực hiện trong thực tiễn
Trong dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội lần thứ XI của Đảng cũng có đề cập đến vấn đề bao biện làm thay, buông lỏng lãnh đạo. Khi chúng ta nói bao biện làm thay thì thấy nó nhẹ nhàng, nó đã trở thành thói quen và thậm chí có người nói rằng nó là chai lì, nó trở thành đương nhiên, nó đã trở thành bình thường rồi. Nhưng khi hỏi rằng bao biện và làm thay là đúng hay sai so với Hiến pháp, so với Pháp luật, so với Cương lĩnh, so với Điều lệ thì nó lại là vấn đề lớn. Mà muốn khắc phục, không cách gì khác cần phải có Luật về Đảng. Đảng sẽ hoạt động theo luật về đảng, sẽ khắc phục được cả tình trạng bao biện làm thay, cả tình trạng buông lỏng lãnh đạo, đảng sẽ không vi phạm pháp luật và Điều lệ đảng nữa.
Đảng đã chính thức cầm quyền 65 năm, song cho đến giờ vẫn chưa có Luật về Đảng. Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể,... đều có luật do Quốc hội ban hành để điều chỉnh hành vi hoạt động, để nhân dân giám sát, để Nhà nước quản lý theo pháp luật.
Giai đoạn Đảng cầm quyền phải khác với giai đoạn Đảng còn đang đấu tranh hợp pháp và bất hợp pháp để giành chính quyền về tay nhân dân, vì khi đó chính quyền thực dân, phong kiến không cho phép đảng ta hoạt động hợp pháp, đặt đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Ngày nay, Đảng cầm quyền hợp hiến (trong Hiến pháp điều 4 đã ghi), càng cần phải có Luật để tránh bao biện, làm thay, buông lỏng lãnh đạo; và cũng để dân có cơ sở giám sát, xây dựng Đảng; để nhà nước có cơ sở kiểm soát các tổ chức và đảng viên, cán bộ của Đảng làm theo Hiến pháp và Pháp luật..
Xem lại phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng để tránh bao biện làm thay và buông lỏng lãnh đạo
Trong Dự thảo văn kiện đảng trình Đại hội XI cũng có đề cập đến hiện tượng bao biện làm thay và buông lỏng lãnh đạo. Tôi cũng như các đồng chí khác đều cho rằng, để khắc chế hiện tượng này, không có cách gì khác ngoài việc phải có luật về đảng, đồng thời chúng ta phải xem xét lại phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng. Nếu người đứng đầu của Đảng ứng cử chức danh đứng đầu nhà nước ở các cấp sẽ khắc phục được hiện tượng bao biện làm thay và buông lỏng lãnh đạo.
Khác với hồi mới lập quốc, ngày nay các đồng chí Tổng bí thư và Bí thư cấp ủy không phải đảm nhiệm chức vụ gì của cơ quan hành pháp cùng cấp, nhưng mà quyền lực của các đồng chí đó thì lại rất lớn. Mô hình tổ chức tách biệt giữa người đứng đầu Đảng với người đứng đầu Nhà nước như vậy nên không ít trường hợp nảy sinh mâu thuẫn giữa đồng chí Bí thư với đồng chí Chủ tịch. Bởi vậy, mới có tình trạng nơi nào đồng chí Bí thư yếu thì hình như là buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng quan niệm như vậy là chưa chính xác, vì đồng chí Chủ tịch cũng là Phó bí thư, cũng là người trong cấp ủy. Tại sao nói chỉ đồng chí Bí thư mới là người của Đảng, còn đồng chí Chủ tịch không phải là người của Đảng. Đây là quan hệ giữa hai cá nhân với nhau chứ không phải quan hệ giữa Đảng và Nhà nước.
Cần phân biệt rất mạch lạc rằng: đây là mâu thuẫn giữa hai cá nhân mà do cơ chế của chúng ta tạo ra, do phương thức cầm quyền và phương thức lãnh đạo tạo ra, chứ không thể nói là mâu thuẫn giữa Đảng với Nhà nước, hoặc nói Nhà nước coi thường sự lãnh đạo của Đảng.
Thực tiễn cho thấy, bao biện làm thay cũng như buông lỏng lãnh đạo là do phương thức cầm quyền, phương thức thức lãnh đạo tạo ra. Trên thế giới hình như cũng không có nước nào tách riêng người đứng đầu Đảng cầm quyền với người đứng đầu Nhà nước. Lúc mới lập quốc, Bác Hồ đã chọn mô hình thống nhất giữa người đứng đầu Đảng với người đứng đầu nhà nước. Lúc đó Bác là người đứng đầu Đảng (Đại hội II đã bầu Bác làm Chủ tịch Đảng) kiêm Chủ tịch nước. Đây cũng là mô hình phổ quát trong nhiều chính thể cộng hòa trên thế giới từ trước tới nay.
Vi Hiến mà coi là bình thường thì rất đáng phải báo động
Trong bài trò chuyện gần đây với Tuần Việt Nam, bàn về việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới, tôi cũng đã đề cập vấn đề này. Người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư hay Chủ tịch Đảng sẽ được dân lựa chọn làm người đứng đầu Nhà nước, là Chủ tịch nước, ở các nước thì họ gọi là Tổng thống hoặc Thủ tướng. Như vậy sẽ không còn bao biện làm thay cũng như buông lỏng lãnh đạo nữa. Xin nói thêm, Tổng bí thư của chúng ta còn là Bí thư Quân ủy trung ương, tức là người thống lĩnh lực lượng vũ trang. Trong khi đó, Hiến pháp lại ghi Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang. Như vậy là phân công trong Đảng và trong Nhà nước có sự chưa ăn khớp. Trong Hiến pháp của chúng ta vẫn ghi Chủ tịch Nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, song không thực quyền trong thực tế, nếu nói theo pháp luật là chúng ta vi phạm Hiến pháp. Chỉ khi nào Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước thì chúng ta sẽ khắc phục được hiện tượng chưa ăn khớp đó, sự vi hiến đó. Vi hiến mà chúng ta coi là thói quen, coi là bình thường thì rất đáng phải báo động.
Mặt trận phải có tiếng nói tới nơi, tới chốn để đảm bảo tính dân chủ của mình
Đây cũng là vấn đề về quyền dân chủ của nhân dân. Và Mặt trận phải có tiếng nói tới nơi, tới chốn để Tổng bí thư, Bí thư cấp ủy các cấp, người có quyền lực chính trị lớn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, muốn vậy thì các đồng chí đó phải đồng thời đứng đầu cơ quan hành pháp. Quyền lực mà không gắn liền với trách nhiệm là điều tối kỵ vì nó không được kiểm soát, chẳng khác gì nhà vua, nhà vua thì không ai kiểm soát được.
Bàn về Mặt trận mà lại nói nhiều về Đảng vì tôi cho rằng, nói đến Mặt trận là nói đến dân vận, là nói đến đại đoàn kết, mà dân vận, đại đoàn kết là phải từ mục tiêu lý tưởng của Đảng, của dân tộc, là độc lập, tự do, hạnh phúc trên nền tảng dân chủ cộng hòa, nay là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tức là chỉ có trên nền tảng dân chủ, chỉ có trên nền tảng đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và năng lực lãnh đạo ngang tầm của Đảng thì Mặt trận mới làm tốt được chức năng dân vận, mới làm tốt được chức năng đại đoàn kết dân tộc.
"Để bảo đảm cho MT và các đoàn thể, cho Nhà nước và cho Nhân dân phát huy dân chủ, Đảng có nên tự coi mình là lực lượng lãnh đạo đương nhiên không?"
Nếu đường lối của Đảng không đáp ứng, năng lực lãnh đạo của Đảng không đáp ứng thì Mặt trận không tài nào làm tốt được chức năng dân vận, không tài nào làm tốt được chức năng đại đoàn kết dân tộc. Chính vì vậy, tôi nói nhiều về Đảng, vì không thể tách rời Đảng ra khỏi Mặt trận, không thể tách Đảng ra khỏi Nhà nước trong điều kiện Đảng cầm quyền. Không trên nền tảng dân chủ thì Mặt trận sẽ không làm được những chức năng đó. Mà nền tảng dân chủ phải từ đường lối, chính sách của Đảng. Cho nên, nói về tính dân chủ của Mặt trận, không thể tách rời tính dân chủ của Đảng và Nhà nước được.
Để bảo đảm cho Mặt trận và các đoàn thể, cho Nhà nước và cho Nhân dân phát huy dân chủ, Đảng có nên tự coi mình là lực lượng lãnh đạo đương nhiên không?
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng là Đảng phải tự xác định vị trí của mình trong Mặt trận như thế nào? Đảng vừa là thành viên của Mặt trận, vừa là lực lượng chính trị lãnh đạo Mặt trận. Vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng có phải là đương nhiên và mãi mãi không?
Tôi xin trích lời của Bác Hồ: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo" (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, NXB Sự Thật 1983, Trang 115). Đây là Đảng giành địa vị lãnh đạo chứ không phải là Đảng bắt người ta thừa nhận vị trí lãnh đạo. Bác Hồ nói về địa vị lãnh đạo của đảng đối với Mặt trận cũng tức là nói với các đoàn thể khác, cả với nhà nước và xã hội.
Tư tưởng của Bác Hồ là tư tưởng lấy dân là gốc, dân là chủ. Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận, đòi hỏi dân phải thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải qua hoạt động thực tiễn, phải được Mặt trận và nhân dân suy tôn, lựa chọn. Lựa chọn đây là lựa chọn Cương lĩnh và người đứng đầu đất nước thông qua tổng tuyển cử.
Dân suy tôn và lựa chọn bằng cách nào. Dân suy tôn và lựa chọn Cương lĩnh phát triển của Đảng, lựa chọn người đứng đầu Đảng trở thành người đứng đầu đất nước thông qua tổng tuyển cử. Bây giờ Cương lĩnh của Đảng chưa được dân lựa chọn, chưa được dân bỏ phiếu, người đứng đầu Đảng chưa sang ứng cử chức danh người đứng đầu đất nước. Dân chưa được lựa chọn như vậy cho nên dân chưa được làm chủ thật sự.
Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo thì chẳng khác gì nhà vua cha truyền con nối. Từ một nhà vua cá nhân thời quân chủ, nay trở thành một nhà vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Như vậy là Đảng chủ chứ không phải dân chủ.
Tính dân chủ phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và nổi trội trong cách mạng Xã hội chủ nghĩa mà chúng ta, cả Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể và cả xã hội ta còn yếu, chưa quen, chưa có truyền thống nên chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chúng ta phê phán, phân tích để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm chứ không được phủ định sạch trơn. Tính dân chủ hiện nay còn yếu hơn tính dân tộc, song nó sẽ lớn dần, nổi trội và trở thành truyền thống như tính dân tộc. Mặt trận và các đoàn thể chúng ta cũng sẽ lớn lên cùng với cả hai tính chất đó. Phải chăng Đảng, Nhà nước và cả Xã hội chúng ta cũng sẽ lớn lên với cả hai tính chất đó, cả tính dân tộc và tính dân chủ chứ không phải chỉ riêng Mặt trận.
Nói đến Mặt trận là nói đến dân tộc, dân chủ, nói đến đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết vẫn có đấu tranh nhưng đấu tranh để đại đoàn kết. Đấu tranh là quy luật của sự phát triển, song đại đoàn kết lại là lực lượng vô địch cho sự phát triển. "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công" là để cân bằng lại với đấu tranh giai cấp cực đoan, với chuyên chính vô sản cực đoan, để tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại nhằm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng xã hội nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Đấu tranh và tình thương, trong đó tình thương phải vượt lên trên đấu tranh, tình thương phải vượt lên trên hận thù, vì lấy oán báo oán thì oán không bao giờ vơi, Đức Thích ca dạy chúng ta từ bi, Đức Giê su dạy chúng ta bác ái, Đức Khổng Tử dạy chúng ta nhân nghĩa. Bác Hồ của chúng ta đã tiếp thu những tinh hoa trí tuệ của nhân loại, những tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản phương tây, của chủ nghĩa Marx - Lenin, của các nhà minh triết phương Đông, của các vị cách mạng tiền bối Việt Nam, cho nên Tư tưởng - Minh triết Hồ Chí Minh cũng chính là Lý luận - Hành động Hồ Chí Minh, ngọn đuốc soi đường làm nên phong trào cách mạng Việt Nam. Bác nói: "Dân chủ là dân làm chủ". Dân chủ là chìa khóa đi tới tự do hạnh phúc. Điều đó cũng nói lên tầm quan trọng của tính dân chủ của Mặt trận và các đoàn thể, của cả Đảng, Nhà nước và Xã hội ta trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta phấn đấu sao cho tính dân chủ ngày càng nổi trội và cũng trở thành truyền thống như tính dân tộc.
Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt
NGUYỄN VĂN AN VÀ CHUYỆN Z30
Bùi Hoàng Tám
LỜI TÁC GIẢ:
Trong suy nghĩ của tôi, ông Nguyễn Văn An là nhà pháp trị và có tinh thần dân chủ rất cao. Trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Nguyễn Văn An đã trả lại vị thế “là cơ quan quyền lực cao nhất” của Quốc hội đồng thời ban hành nhiều luật và bộ luật. Những cuộc chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường dưới thời ông làm Chủ tịch luôn sôi động, được cử tri quan tâm, theo dõi và đánh giá cao. Ngay từ năm 1983, Nguyễn Văn An và Đoàn Duy Thành (người khởi xướng là ông Thành) đãkhông thực hiện Chỉ thị Z30. Nếu ở Đoàn Duy Thành là cái tâm của nhà cách mạng với đời sống nhân dân thì với Nguyễn Văn An, là cơ sở pháp lý. Lần đầu tiên sang Pháp, ông An đã tìm đến bờ sông Sen để tận mắt được nhìn nơi thanh tra Zave (một nhân vật trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vichto Huygô) trẫm mình vì không chứng minh được Giăngvanzăng là người ăn cắp. Đã hơn một lần ông nói với tôi về QUYỀN và HẠN, về Luật Đảng…. Cuộc trò chuyện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An với tôi diễn ra vào năm 2006, tại Văn phòng Quốc hội – 37 Hùng Vương, khi đó ông còn đương chức và 2 năm sau, tôi mới bắt tay viết bài báo này. Sau đó, đã được báo Pháp luật TPHCM và nhiều báo đăng lại. Gần đây, ông Nguyễn Văn An tiếp tục phát biểu những suy nghĩ của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng và được quần chúng nhân dân, nhân sĩ trí thức đồng tình hưởng ứng. Xin đăng tải lại bài viết đã từng công khai trên nhiều cơ quan thông tin đại chúng và được đưa vào cuốn sách 20 năm - Những bài báo Đổi mới của NXB Trẻ TP HCM 2010.
25 năm (1983 - 2008) đã trôi qua kể từ ngày xảy ra sự kiện Z30 bi thảm. Một phần tư thế kỉ không phải thời gian dài, song cũng không phải ngắn. Nó là khoảng cách đủ để lùi lại nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chân xác, khách quan. Trở lại vụ Z30, chúng tôi muốn nhìn lại sự ấu trĩ của một thời chưa xa để càng hiểu thêm giá trị to lớn của đổi mới và cùng nhau rút ra những bài học cho hôm nay và cho cả tương lai. Đây cũng là những thời khắc lịch sử của trước đêm dài đổi mới. Vì vậy, cùng với sự dày đặc của màn đêm đã thấy đâu đó xuất hiện những nhân tố mới với lối tư duy mới. Chính những khoảng sáng le lói đó là nền tảng cho công cuộc đổi mới và chính những nhân tố này sau đó trở thành một trong số những hạt nhân quan trọng của công cuộc đổi mới. Và một trong số những người đó là Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, khi đó là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh.
Vào một ngày giữa năm 2006, Chủ tịch Nguyễn Văn An cho gọi tôi đến Văn phòng Quốc hội – 37 Hùng Vương. Việc được gặp ông khiến tôi hồi hộp dù rằng là một nhà báo, tôi đã từng gặp khá nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hay Quốc hội. Nhưng với ông An, không hiểu sao tôi lại có cái e dè đó. Có lẽ tôi ngại vì ông vốn là người làm công tác tổ chức Đảng lâu năm, nói năng luôn nghiêm túc và rất cẩn trọng. Còn tôi, cái máu văn nghệ sỹ nửa mùa hay khoa môi múa mép nên sợ có lỡ lời thất thố mà e ngại chăng ? Thế nhưng chỉ sau mấy tiếng gõ nhè nhẹ, đã thấy ông hiện ra ngay sau cánh cửa. Nụ cười hào sảng, cái nắm tay ấm và chặt của ông đã khiến sự e dè của tôi như bay biến. Câu chuyện bỗng trở nên gần gũi, chân tình và nhiều chia sẻ. Nó có gì đó tờ tợ như câu chuyện của một thủ trưởng với một nhân viên cũ lâu ngày gặp lại dù tôi chỉ mới lần đầu được trực tiếp gặp ông, nghe ông nói chuyện. Và hôm đó, ông đã kể cho tôi khá tường tận về lý do vì sao khi còn làm Bí thư tỉnh uỷ, ông đã không đồng ý cho tỉnh Hà Nam Ninh thực hiện Chỉ thị Z30.
Năm 1982, Nguyễn Văn An khi đó mới 45 tuổi, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và nhận nhiệm vụ Bí thư tỉnh uỷ Hà Nam Ninh. Ngày đó, Hà Nam Ninh là một tỉnh rộng, gồm các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình sáp nhập lại (giờ thì lại chia ra, tỉnh nào về tỉnh đó) nên đất rộng, dân số rất đông. Vào thời điểm những năm đầu thập niên tám mươi, do chính sách cấm vận của Mỹ cùng với những chính sách kinh tế non kém, ấu trĩ, sai lầm… đã khiến đời sống nhân dân cả nước vô cùng khó khăn. Ngân sách kiệt quệ. Lạm phát luôn ở mức phi mã không phải hai mà ba con số/năm. Tiếng là thành phố công nghiệp nhưng đa số người dân Nam Định sống dựa vào nghề nông. Nhà máy dệt Nam Định, niềm tự hào của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa khi đó máy móc thì cổ lỗ, dây chuyền lạc hậu và thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hàng ngàn cán bộ, công nhân của tất cả các phân xưởng đều nằm trong tình trạng thất nghiệp triền miên. Công nghiệp thì đổ vỡ. Thương mại thì lưu thông trì trệ, luôn tạo ra sự độc quyền, đặc lợi cho một số người và nạn ngăn sông, cấm chợ ở hầu hết các địa phương. Nông nghiệp thì thất bát. Cơ chế hợp tác xã đánh kẻng, chấm công trở thành một gánh nặng đè lên vai người nông dân. Năng suất lúa suy giảm, ruộng đất bị bỏ hoang. Các chương trình đánh bắt cá ven biển èo uột và thường xuyên thất bại. Sở hữu hàng ngàn km bờ biển nhưng cả nước thiếu từ hạt muối thiếu đi… Đời sống nhân dân đói khổ, mấp mé cảnh lầm than.
Vốn là kỹ sư công nghiệp nhưng với tư duy sắc sảo của mình, Nguyễn Văn An hiểu rằng bây giờ không phải là lúc ngồi đó mà vạch ra những ý tưởng viển vông, trên mây dưới gió với nhà máy to, công trường lớn mà con đường thoát đói nghèo cho mảnh đất này là phải ngay lập tức chỉnh đốn nông nghiệp. Vì vậy, nhiều chính sách “cởi trói” cho nông dân đã được tỉnh “vụng trộm“ ban hành nên đời sống nhân dân trng tỉnh tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước được cải thiện.
Giữa lúc công việc bước đầu có chiều thuận lợi thì một buổi chiều, Nguyễn Văn An nhận được công văn từ Công an Thành phố Nam Định gửi sang trình Bí thư Tỉnh uỷ duyệt phương án kiểm tra hành chính và tịch thu tài sản bất minh. Kèm theo đề nghị Tỉnh uỷ đồng ý cho ban hành quyết định tịch thu tài sản là một bản danh sách gồm hơn 200 gia đình nằm trong diện phải thi hành quyết định này. Tiêu chí để lập danh sách là những đối tượng có nhà từ hai tầng trở lên và được xếp thứ tự ABC. Mới nhìn qua bản danh sách, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn An đã không khỏi giật mình. Ông tự hỏi: Sao lại có chuyện vô lý thế này? Để có tiền xây căn nhà tránh mưa, tránh nắng, người dân phải trả bằng biết bao mồ hôi, công sức với khoảng thời gian nhiều khi đằng đẵng cả chục năm trời. Thế mà giờ đây lại có lệnh tịch thu tài sản của họ là cớ làm sao? Để kiểm chứng lại những suy nghĩ của mình, ông An đã yêu cầu văn phòng lục tài liệu để tìm xem từ trước đến nay có văn bản pháp luật nào quy định về việc này hay không nhưng tuyệt nhiên không thấy có. Ông An gọi điện sang ông giám đốc Công an Thành phố:
- Tôi dã tìm hiểu rất kỹ và được biết từ trước đến nay, Đảng và Chính phủ chưa bao giờ có chỉ thị dạng như thế này. Như vậy nghĩa là Bộ Chính trị không chỉ đạo và Chính phủ cũng không chỉ đạo. Bên các anh lấy văn bản này ở đâu ra vậy?
- Dạ, cái này do cấp trên chỉ đạo ạ - Ông giám đốc Công an Thành phố trả lời.
- Cấp trên là cấp nào? Cụ thể là ai chứ? Mà sao không đưa ra bàn ở cấp uỷ?
- Báo cáo anh, đây là chỉ thị vào hàng tuyệt mật của Trung ương nên không thể dưa ra bàn ở cấp uỷ được. Vả lại, Hà Nội và một số địa phương đã cho triển khai rồi ạ.
Ngẫm nghĩ một lát, ông An nói:
- Để tôi trực tiếp lên Hà Nội xem xét tình hình và tìm hiểu cụ thể. Từ giờ đến khi tôi về, các anh phải “án binh bất động” đợi lệnh của tôi - Ông An chỉ đạo.
Suốt đêm đó, Nguyễn Văn An không tài nào chợp được mắt. Tính đi tính lại, nghĩ tới nghĩ lui nhưng ông vẫn không hiểu vì sao lại có cái chỉ thị miệng kỳ quái này. Tờ mờ sáng hôm sau, ông An gọi cho lái xe đến đón. Để kiểm chứng cảm xúc của mình, trước khi lên đường đi Hà Nội, ông yêu cầu lái xe chạy một vòng quanh thành phố Nam Định. Ngắm những dãy nhà lúp xúp chen chúc nhau ở các khu phố Trần Hưng Đạo, Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Hàn Thuyên, Cổng Hậu… ông không khỏi chạnh lòng. Trưởng thành từ một công nhân điện, lăn lộn cùng cơ sở, gắn bó với đồng ruộng nhiều năm rồi mới trở thành người lãnh đạo cao nhất của một tỉnh, ông quá hiểu sự vất vả, gian nan của người dân quê hương ông. Những con người cần kiệm và thông minh nhưng vẫn đang phải sống vật lộn cùng nghèo khổ. Thế mà giờ đây, ông đang phải đối mặt với một việc cực kỳ gian nan: Ký lệnh đồng ý để các cơ quan công quyền tịch thu tài sản của họ mà không cần tòa án và cũng không có bất cứ một bằng chứng nào để cớ thể khẳng định đó là tài sản bất minh. Ông chợt rùng mình khi nghĩ đến bản danh sách hơn 200 hộ nằm trong diện này rồi sẽ ra sao khi bị tịch thu nhà cửa, tài sản.
Khi chiếc ô tô chở ông đến Hà Nội, trời chưa sáng rõ mặt người, các công sở cửa còn đóng im ỉm. Lân la các khu phố, ông được biết Hà Nội đã triển khai Chỉ thị này từ mấy hôm nay và tình hình rất xấu. Ông còn nghe nói có gia đình cả nhà thắt khăn tang, bị tống lên xe, kêu khóc ầm ĩ. Khi ông về đến Văn phòng Trung ương cũng là lúc các phòng ban đã bắt đầu làm việc. Ông định vào thẳng Văn phòng Trung ương Đảng để hỏi cho ra nhẽ nhưng lại thôi vì nghĩ mình là cán bộ trẻ, mới nhậm chức chưa lâu nên cũng có phần rụt rè, e ngại. Đi dò hỏi các phòng, ban người thì bảo nên làm, người lại bảo không, chẳng ai có ý kiến gì khẳng định, toàn mập mờ, rất khó hiểu. Lang thang tìm hiểu tình hình thấy không kết quả, ông cho xe về Nam Định.
Con đường từ Hà Nội về Nam Định hôm ấy bỗng trở nên dài dằng dặc bởi trong tâm trí, Nguyễn Văn An đang rất hoang mang không biết xử trí thế nào cho phải. Nếu không ký quyết định triển khai thì biết đâu lại làm trái ý chỉ đạo của trên mà ký thì không có cơ sở pháp luật. Đã không ít lần ông tự nhủ các nơi đã làm rồi hay là mình cũng triển khai cho xong. Thế nhưng lần nào cũng vậy, cứ nghĩ đến đấy là hình ảnh người dân lam lũ lại hiện lên trong tâm trí ông. Đang lúc bối rối, một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu Nguyễn Văn An: Gặp ông Thành (Đoàn Duy Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng) để tham khảo ý kiến. Nếu bên ông Thành triển khai thì sẽ liệu mà nếu ông ấy chưa làm thì mình cũng không nên vội.
Đối với Đoàn Duy Thành, Nguyễn Văn An có tình cảm rất riêng biệt. Tuy cùng là Bí thư, cùng Uỷ viên Trung ương Đảng nhưng ông Thành lớn tuổi, thuộc thế hệ đàn anh, tham gia cách mạng trước lại là người có trình độ nên ông An có phần kính trọng và ngưỡng mộ. Mỗi khi có việc gì hệ trọng, ông An thường trao đổi, bàn bạc với ông Thành và ngược lại, không ít lần gặp vấn đề nan giải hoặc khó đưa ra quyết định, ông Thành vẫn thường tham khảo ý kiến của ông An. Nghĩ vậy nên ngay sáng hôm sau khi từ Hà Nội về Nam Định, ông An gọi ông Thuật - Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh cùng đi ra Hải Phòng để gặp ông Thành bàn bạc.
- Có lẽ cùng suy nghĩ nên khi tôi đến Hải Phòng, đã thấy ông Thành chờ sẵn - Ông An kể với tôi tại nhà ông ở số 02, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội - Thế là hai bên tiến hành trao đổi công việc ngay. Tôi hỏi vì sao Hải Phòng chưa thấy triển khai Chỉ thị Z30, ông Thành có nói rằng Hải Phòng chưa làm bởi còn đang chờ chỉ thị chính thức của Ban bí thư hoặc của bên Chính phủ. Rồi ông ấy phân tích về mặt pháp lý thì từ trước đến nay không có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định tịch thu tài sản bằng quyết định hành chính cả. Còn về tình, cuộc sống của nhân dân hiện nay còn rất nhiều khó khăn, thậm chí là khổ cực. Việc tích cóp được chút tiền làm nhà, làm cửa không dễ dàng gì. Nay tịch thu thì người dân ở vào đâu? Rồi ông ấy hạ giọng nói là chủ nghĩa xã hội tươi đẹp nhưng người dân không có nhà ở thì sao gọi là tươi đẹp được?… Vì cũng có suy nghĩ giống như ông Thành nên chúng tôi nhanh chóng đi đến nhất trí là phải chờ chỉ đạo chính thức bằng văn bản của Trung ương chứ không thể chỉ đạo miệng. Tôi cám ơn ông Thành đã giúp chúng tôi vững tâm.
- Nghe nói ngay khi đó, bác đã cho đốt các quyết định về tịch thu nhà những gia đình thuộc diện bị tịch thu tài sản? Tôi hỏi.
- Chuyện ấy là có thật. Tôi cho đốt vì không muốn nghĩ ngợi gì về nó nữa.
- Còn chuyện tháng 6 năm đó (6/1983), ông Thành đem việc này ra phát biểu tại một kỳ họp của Trung ương?
- Tháng mấy thì tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ khoảng giữa năm gì đó, Trung ương tổ chức hội nghị. Lần ấy, ông Thành đã nói liền 2 tiếng đồng hồ về những sai lầm của Chỉ thị Z30. Ông ấy cho rằng Chỉ thị Z30 là sai lầm, là trái pháp luật và phi đạo lý. Việc vô cớ tịch thu nhà cửa của người dân khi họ không vi phạm pháp luật, không bị pháp luật xử mà chỉ bằng một quyết định của chính quyền là xông vào đuổi người ta ra đường là vô lý. Ông ấy nói găng, rất găng về những điều chúng tôi đã bàn với nhau từ trước. Thấy ông ấy càng phát biểu càng hăng, tôi cũng thoáng lo lo. Nhất là những lúc ông ấy thống thiết nói rằng đã trực tiếp xem tịch thu 3 căn nhà ở Hà Nội. Ông ấy tả thảm thiết lắm. Khi đội công tác đẩy họ lên xe chở đi, họ kêu khóc, họ đội khăn tang. Rồi ông ấy đặt câu hỏi: Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Người Cộng sản là phải hy sinh suốt đời vì nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Những việc chúng ta làm như thế này là trái đạo lý, là vi phạm pháp luật. Ông ấy còn kể thời ông ấy làm Bí thư Quận uỷ Ngô Quyền, đã nói với người dân rằng khi kháng chiến thắng lợi, bà con sẽ hết cảnh nghèo khổ, không còn phải chui rúc trong cái nhà tranh, vách đất, dột nát quanh năm mà sẽ ở nhà xây to đẹp, họ đã vỗ tay hoan hô không ngớt mà giờ đây, hơn 30 năm sau khi thắng Pháp, chúng ta không có tiền xây nhà cho dân, nay dân xây, ta lại tịch thu thử hỏi còn đâu là đạo lý… - Ông An chợt ngừng kể, đôi mắt dõi ra ngoài cửa sổ, nơi có cây mít già đang mùa bói quả. Tôi hiểu rằng ông đang xúc động mạnh. Chờ cho ông nguôi ngoai cảm xúc, tôi hỏi :
- Khi ông Thành nói thế, bác có lo không?
- Lo chứ. Chuyện này hệ trọng lắm, chỉ cần sơ xảy là hỏng cả một sự nghiệp chứ không đùa nên tôi luôn liếc nhìn sang chỗ Tổng bí thư Lê Duẩn và Phó Thủ tướng Phạm Hùng, thấy cả hai ông đều nghe rất chăm chú và có chiều đăm chiêu lắm. Nhất là đến đoạn ông Thành yêu cầu khi nào có ý kiến chính thức của Bộ Chính trị, Ban bí thư và Thủ tướng Chính phủ sẽ thi hành nghiêm túc còn điện thoại nhắc nhở “theo Hà Nội mà làm” để có phong trào thì ông ấy không làm và xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tôi thấy Phó Thủ tướng Phạm Hùng hườm hườm vài cái, cười rồi nói: “Sáng tạo, rất sáng tạo. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Thành”. Mấy phút im lặng nặng nề trôi qua. Rồi Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng dậy, hỏi có ý kiến nào phân tích đạo lý hơn thì phát biểu, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và không ngờ việc làm của mình những ngày qua lại được lãnh đạo và nhiều đồng chí rong trung ương ủng hộ mạnh mẽ thế.
Nỗi ám ảnh sau hơn một phần tư thế kỉ
Cách đây ít lâu, ông An gọi tôi, bảo:
- Cái chuyện Z30 tôi kể với cậu ấy, nhắc lại không chỉ để làm một bài học kinh nghiệm mà còn khẳng định thành tựu của đổi mới. Hơn hai mươi lăm năm qua, chúng ta đã đi một quãng đường dài, rất dài đặc biệt là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bây giờ, muốn tịch thu của người dân dù chỉ bao diêm cũng phải có toà án. Thế mà ngày ấy, tịch thu cả một gia sản của người ta mà chỉ thông qua kiểm tra hành chính. Không hiểu ngày ấy vì sao họ cứ nói mập mờ, cái này bí mật, không phổ biến rộng, cứ triển khai theo ý của trên… Sau này, tôi được biết thì hình như ông Bộ trưởng Nội vụ (Bộ Công an) khi đó cũng không biết gì về vụ việc này.
- Có người đánh giá Z30 ghê gớm chẳng khác gì hồi Cải cách ruộng đất. Quan điểm của bác thế nào? Tôi hỏi.
- Phạm vi của nó hẹp hơn nhiều nhưng với những người liên quan trực tiếp thì hậu quả chẳng khác là mấy. Cũng may chứ nếu ngày đó Hải Phòng và Nam Định cùng làm rồi sẽ lan ra cả nước thì sự thể không biết sẽ ra sao. Mãi gần đây khi tôi lên làm Quốc hội, cái Z30 nó vẫn còn dư âm nặng nề lắm, người dân còn kêu ca, oán thán lắm. Cũng may chứ nếu thực hiện, tôi sẽ ân hận suốt đời!
- Nhưng họ (những người trong danh sách bị tịch thu nhà cửa, tài sản) có giầu thật không?
- Có giàu có gì đâu? Cả thành phố Nam Định ngày đó cũng nghèo lắm, của cải có được là bao nhiêu. Những cái nhà đó so với bây giờ, nó như cái chuồng chim thôi. Gìờ thì họ đã tự dỡ bỏ gần hết để xây nhà mới to hơn, đẹp hơn rồi. Tôi vẫn nhớ những cái nhà trong danh sách ấy, nó bé tí tẹo ấy mà.
- Nhưng lỡ trong số những người được coi là giầu có thời đó có những người là do bất minh? Tôi hỏi.
- Về tài sản có bất minh hay không thì anh phải điều tra để chứng minh mà chưa chứng minh hoặc không chứng minh được thì không thể kết luận. Với góc độ luật pháp, anh chỉ được suy diễn theo hướng gỡ tội chứ không được suy diễn theo hướng kết tội. Một vụ án tham nhũng cũng vậy. Anh phải chứng minh được người ta tham nhũng chứ không được phép bắt người ta phải chứng minh nguồn gốc tài sản của mình. Hai cái đó khác nhau lắm. Bây giờ vẫn còn không ít người có lối suy diễn theo kiểu kết tội. Có cả vị là cán bọ lãnh đạo gần đây cũng mắc lỗi này. Pháp luật là chứng cứ chứ không phải tin hay không tin. Cái lối quy chụp ấy… Ông An chợt ngừng lại.
- Nghe nói ngày ấy bác cũng bị quy chụp là hữu khuynh?
- Có chuyện đó đấy. Một số cán bộ lão thành lên án tôi là hữu khuynh. Nguy hại nhất là có người coi Chỉ thị Z30 như là biện pháp trong đấu tranh giai cấp, chống bọn tham nhũng. Mà chống tham nhũng cũng phải dựa trên luật pháp chứ. Có ở nơi nào mà kiểm tra hành chính lại tịch thu tài sản đâu? Ông giám đốc Công an khi ấy là người tốt, tốt cả với cá nhân tôi. Nhưng dù sao ông ấy cũng không phải là cấp trên của tôi. Tôi là Bí thư tỉnh uỷ, là Uỷ viên Trung ương mà Bộ Chính trị không chỉ đạo, Thủ tướng không chỉ đạo thì làm sao tôi nghe ông ta được.
- Giả sử như có sự chỉ đạo của trên, bác có làm không?
- Nếu trên đã quyết, đương nhiên tôi phải chấp hành. Đó là một nguyên tắc. Nguyên tắc chấp hành pháp luật, nguyên tắc cấp dưới phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Nhưng ngược lại, tôi sẽ có ý kiến phản hồi đồng ý thì nói rõ vì sao, không đồng ý cũng nói rõ là vì sao. Mỗi khi nhận chỉ thị, tôi đều có ý kiến cái đó có phù hợp với địa phương hay không, phù hợp với luật pháp hay không? Trước khi thực hiện bát cứ việc gì, tôi luôn túc trực ý thức như vậy. Cấp trên ra lệnh, anh không làm không được. Nhưng làm mà thiếu trách nhiệm cũng không được. Anh phải có trách nhiệm với trên và cả với dân. Tôi nghĩ nên xây dựng một nếp công vụ như thế. Tôi không thích những người không thể hiện thái độ. Phải có chính kiến rõ ràng và thể hiện chính kiến một cách xây dựng. Cán bộ không phải là cái máy chỉ biết thực thi.
Rồi ông kể cho tôi chuyện lần sang thăm nước Cộng hòa Pháp lần đầu tiên, ông đã đến sông Sen để tận mắt được nhìn nơi thanh tra Zave (một nhân vật trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vichto Huygô) trẫm mình vì không chứng minh được Giăngvanzăng là người ăn cắp.
Câu chuyện về Z30 khép lại như một chuyện cổ tích có hậu và cũng để lại một bài học xương máu, tuy giản dị nhưng lại hệ trọng và cũng rất thời sự: Mọi người phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Một chân lý giản dị nhường ấy nhưng không phải bao giờ và lúc nào chúng ta cũng thực hiện được. Không hiểu sao mỗi lần đi tàu từ Nam ra Bắc hay ngược lại, tôi cứ băn khoăn tự hỏi nếu ngày đó không có những người như ông An, ông Thành và cả sự sáng suốt của cố Phó Thủ tướng Phạm Hùng, đặc biệt là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã kịp thời ngăn chặn thì không hiểu sự thể sẽ đi đến đâu? Và sâu xa hơn, công cuộc Đổi mới sẽ như thế nào nếu “cơn bão Z30” không bị ngăn chặn kịp thời?