Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Nhà văn Chu Lai: “Cái gì đã qua thì cho qua”

Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Bay Vút đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Chu Lai (*), một cây bút quân đội đã có nhiều tác phẩm văn học viết về chiến tranh và những người lính trong chiến trận, về vấn đề hòa giải dân tộc.
[title]
Nhà văn Chu Lai. (Hình ảnh do nhân vật cung cấp)

Bay Vút: Thưa ông, khi còn là một người lính tham gia chiến trận, ông có cái nhìn như thế nào về những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) khi đó?
Chu Lai: “Đó là một cái nhìn hai chiều. Chiều thứ nhất nằm trong quy luật chiến tranh một mất một còn, tức là theo bản năng tự vệ, nếu tôi không diệt anh thì anh sẽ diệt tôi. Chiều thứ hai thường xảy ra hơn, đó là chúng ta đều là con người, cũng buồn vui, cũng tâm trạng, cũng mang những nỗi niềm trăn trở, khắc khoải như nhau Tình thế buộc chúng ta phải nằm trong thế đối địch nhưng tự trong thâm tâm vẫn là người trong một nhà, máu đỏ da vàng, cầm súng nã đạn vào ngực nhau cũng thấy khổ tâm lắm.Ví dụ như tôi là lính đặc công nên đã có nhiều đêm bò rào, nằm ngay dưới chân đối phương, nghe họ nói, họ ca vọng cổ, họ nhắc về vợ con, mà chỉ muốn đứng dậy vỗ vào vai họ và nói rằng: Thôi, nện nhau vậy đủ rồi, giờ ra quán làm một tô hủ tiếu cho ấm bụng đi, đói lắm rồi. Thế nhưng, chiến tranh mà”.

Bay Vút: Và đến bây giờ, ở ngoài đời thực lẫn trong cái nhìn văn học, hình ảnh đó có gì thay đổi không, thưa ông?
Chu Lai : “Không, vẫn một chiều cảm thông như thế, thậm chí còn cảm thông sâu sắc hơn. Tôi thường nói: Không ai dễ bỏ qua chuyện cũ hơn những thằng lính đã từng nện vào mặt nhau và khi bỏ qua rồi coi như hòa để sau đó tập trung đầu óc vào chuyện làm ăn.Thực chất, chiến tranh dù với bên này hay bên kia đều là bi kịch, là mất mát. Vì vậy, khi chiến tranh qua rồi, nhắc lại mãi làm gì. Cuộc sống trường tồn mới là tất cả. Cho nên trước những người lính bên đối lập dù lúc này đang ở trong nước hay đã di cư sang nước khác, tự trong thâm tâm tôi không thấy có một điều gì lấn cấn hay xa cách cả. Thậm chí có những người, bằng tư cách của họ, tôi còn tri ân hơn cả những người bạn bình thường bởi đã có cùng nhau những ngày nhọc nhằn và bôn ba trên xa trường”.

Bay Vút: Có ý kiến cho rằng vấn đề hận thù dân tộc vẫn còn đó âm ỉ trong lòng nhiều người. Ông có nghĩ rằng chỉ khi nào thế hệ của những người trực tiếp tham gia chiến trận ‘nằm xuống’ thì vấn đề hận thù dân tộc mới được giải quyết hết không?
Chu Lai: “Không, sao lại muộn thế? Vấn đề đó phải được giải quyết ngay từ bây giờ, giải quyết ngay sau khi không còn cầm súng. Tại sao lại thù hận khi chuyện đó chỉ là một khoảng rất ngắn trong lịch sử mà tình thương yêu đùm bọc, tình nghĩa đồng bào, tính cốt nhục là trường tồn mãi mãi. Hết chiến tranh, tức là hết biện pháp tình thế rồi mà vẫn còn khư khư ôm lấy điều cũ rích, trái quy luật, ngược lại ý tưởng ông cha, là một hiểm họa khôn lường và cũng ngược lại với bản tính nhân ái của người Việt Nam. Chính cái nhân tình đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua hết những chặng đường giông gió này đến chặng đường bão tố khác”.

Bay Vút: Chúng ta vẫn thường nghe câu “lịch sử thuộc về những người chiến thắng”. Tuy nhiên, những kiểu rao giảng hiện nay đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông dễ làm cho người ta có cảm giác những người lính Việt Nam Cộng Hòa là những người vô cùng độc ác. Trong sách giáo khoa lẫn truyền thông đều gọi họ bằng những cái tên như “hắn”, “bọn”, “tên”. Theo ông thì làm sao để thay đổi được điều này?
Chu Lai: “Lịch sử thuộc về tất cả chứ không thuộc về bên nào. Ngay khái niệm chiến thắng cũng chỉ nên gọi trong trường hợp chống ngoại xâm. Như thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ai thắng ai bại hay chỉ còn là nối đau trăm năm không muốn nhắc tới. Chính thế, phải nhìn nhận người một thời phía bên kia, dù họ không thắng, chỉ là một sai lầm về địa dư chí, địa chính trị và ý thức hệ. Non sông liền giải rồi, cả nước chỉ có một chủ thuyết đi lên hạnh phúc ấm no, nếu ai đó, cơ quan truyền thông nào đó còn cực đoan gọi họ bằng những cái tên hắn, nó, bọn… thì chính họ đã tạo nên một vết hằn thâm thù vẫn còn chưa lên da non trong lòng dân tộc. Còn tôi, ngay trong văn học, tôi chưa bao giờ miệt thị người phía bên kia bằng cách gọi và bằng cả những kiểu miêu tả võ đoán xấu xa, thô bạo, độc ác thậm chí nhân vật của tôi còn cả những tướng Sài gòn về một mặt nào đó, trí tuệ, tâm hồn, phong cách còn dễ chịu hơn người bên này. Họ thua vì chủ thuyết và con đường đi”.

Bay Vút: Những năm gần đây có vẻ như hai bên đều muốn hòa giải, kể cả chính quyền. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc đứng ở xa cười xã giao chứ chưa thấy bên nào tiến tới bắt tay nhau. Theo ông, đâu là nguyên do của vấn đề này? Và nếu để làm được việc này thì chúng ta nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?
Chu Lai: “Tôi đã từng dùng một hình ảnh trong tác phẩm điện ảnh: Bà mẹ liệt sĩ vào thành cổ Quảng Trị thắp hương cho đứa con độc nhất của mình đã lặng lẽ thắp hương cho cả kẻ đã giết con mình, khiến cho bà mẹ kia quỳ xuống nghẹn ngào.
Câu thơ nổi tiếng của một chiến sĩ thành cổ còn sống: “Đò xuôi thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” không hiểu người lính ấy có biết không, dưới đáy con sông ấy có cả xác người bên này và cả người bên kia? Cho nên, vào những ngày kỷ niệm chiến thắng, người tổ chức nên có những câu nói, những hành động chia sẻ, những sự thăm hỏi cả những người bên kia đã ngã xuống bởi họ cũng có cha mẹ, vợ con. Chẳng lẽ cứ mỗi lần bên này reo vang thì bên kia ngậm ngùi cúi đầu hổ nhục?”

Bay Vút: Một nhà quân sự đã từng nói: Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp. Tuy vấn đề mâu thuẫn dân tộc ở Việt Nam không có cao trào và nóng bỏng như ở các nước Hồi Giáo nhưng nó âm ỉ trong thâm tâm nhiều người, dẫn đến cách đối xử đôi khi vẫn chưa thực sự được ‘thoải mái’. Vậy trong chuyện này đâu là thái độ hợp lý và nhân văn, thưa ông?
Chu Lai: “Âm ỉ ư? Tôi không tin. Người Việt mình đôn hậu lắm. Ngay đến cả phi công Mỹ, lính Mỹ gây nhiều khổ đau là thế nhưng khi họ trở lại vẫn được sự nhìn nhận, đón tiếp chân tình từ các bà mẹ thì huống chi là người Việt mình với nhau. Tất nhiên vẫn có những hận thù, những ám ảnh khó gỡ nhưng cùng với thời gian và dòng chảy cuộc sống, nhất định mọi sự sẽ qua và có lẽ cho đến bây giờ đã qua nhiều lắm. Cũng như con em những người vào diện HO đang sống ở hải ngoại, họ đâu còn khái niệm gì về chiến tranh bên này bên nọ. Họ chỉ mong làm ăn yên ổn và thỉnh thoảng được trở về thăm quê mẹ. Và thái độ duy nhất lúc này là cái gì đã qua thì cho qua, cùng nhau bắt tay xiết cánh đưa dân tộc lên một đỉnh cao mới, đó chính là hòa hợp. Thái độ này không chỉ nằm trong sâu thẳm trái tim người trong cuộc mà còn phải nằm ở tư duy, tầm nhìn của các cấp lãnh đạo và nằm cả ở những người một thời là phía bên kia".

Bay Vút: Vâng, xin cám ơn Ông.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đại tá, nhà văn Chu Lai có tên khai sinh là Chu Văn Lai, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1946, tại xã Hưng Đạo, huyện Phù Tiên nay là huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, hiện đang ở Hà Nội. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1980).

Cuộc đời
Ông là con trai của nhà viết kịch Học Phi. Trong chiến tranh Việt Nam ông công tác trong đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn. Sau 1973, ông về làm trợ lý tuyên huấn Quân khu 7. Đến cuối năm 1974 ông tham dự trại sáng tác văn học Tổng cục Chính trị và sau đó học tại Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Sau khi tốt nghiệp, ông biên tập và sáng tác cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà văn Chu Lai còn viết một số kịch bản sân khấu, kịch bản phim và tham gia đóng phim.

Một số tác phẩm:
Tiểu thuyết
Nắng đồng bằng (1978)
Đêm tháng hai (1979)
Sông xa (1986)
Gió không thổi từ biển (1984)
Vòng tròn bội bạc (1987)
Bãi bờ hoang lạnh (1990)
Ăn mày dĩ vãng (1991)
Phố (1992)
Ba lần và một lần (1999)
Cuộc đời dài lắm (2001)
Chỉ còn một lần (2006)

Truyện
Vùng đất xa xăm (1981)

Truyện ngắn
Người im lặng (1976)
Đôi ngả thời gian (1979)
Phố nhà binh (1992)

Thể loại khác
Út Ten (1983)
Nhà lao cây dừa (1992)

Kịch bản sân khấu và kịch bản phim
Hà Nội đêm trở gió
Người Hà Nội (chuyển thể từ tác phẩm Phố)
Người mẹ tự cháy
Người đi tìm dĩ vãng
Hà Nội 12 ngày đêm

Giải thưởng
Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh Cách mạng và lực lượng vũ trang (Hội Nhà văn) cho quyển tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (1993);
Giải thưởng Văn học Bộ quốc phòng 1994;
Giải thưởng tiểu thuyết Nhà xuất bản Hà Nội với tiểu thuyết Phố 1993;
Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2007.

Liên kết ngoài
Nhà văn Chu Lai: "Sống đúng mình, phải trả giá"