Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Tiếng Việt đang “dài” ra!


GS.TS Nguyễn Đức Dân

SGTT.VN - Trong một chương trình Chào buổi sáng (VTV1) mới đây, viên sĩ quan cảnh sát giao thông trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi đã xác định được những cơn mưa kéo dài trên một tiếng đồng hồ hoặc dưới một tiếng đồng hồ gây ngập lụt là 53 điểm”. Sao không nói: “Chúng tôi đã xác định được 53 điểm cứ mưa to là ngập” cho gọn?
Cũng chương trình này, hàng ngày vẫn ra rả “người tham gia giao thông”, “các phương tiện tham gia giao thông”. Sao không nói “người đi lại”, “xe cộ” cho ngắn?
Hiện tượng nói dài đang ngày càng trở nên phổ biến trong sách báo và văn bản tiếng Việt hiện nay. Vì sao?
Dai, dài, nhưng an toàn!
Anh dân quân đánh vần chưa thạo chữ quốc ngữ trong truyện Đôi mắt của Nam Cao đã nói thuộc lòng một bài ba giai đoạn kháng chiến phòng ngự, cầm cự, tổng phản công… “dài đến năm trang giấy”. Những người này cứ nói ra “là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả tân dân chủ nữa…” (trích Đôi mắt, 1948). Cách nay 63 năm đã xuất hiện trên cửa miệng người dân bình thường những khái niệm cao xa mấy ai hiểu hết ý nghĩa này. Sáu, bảy thập kỷ là khoảng thời gian tạo ra hai thế hệ, đủ dài để hình thành thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo. Điều này dẫn tới hệ luỵ là xã hội hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của từ ngữ, câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Vả lại, nếu ai đó muốn bình luận sẽ tạo ra những lời nghịch nhĩ và trở thành “người có vấn đề”. Kết quả là người ta lo nói năng an toàn, cầm giấy phát biểu theo những giáo điều, dần dần hình thành thói quen kết luận mà không chú ý tới lý lẽ thuyết phục. Nhiều người nghèo đi về ngôn từ và tư duy, nhưng vẫn cần thể hiện mình. Vậy là sinh ra lối nói sang trọng với nhiều từ Hán – Việt nhưng lại không hiểu thấu đáo và những câu hùng hồn dài dòng rỗng nghĩa.

Những lối nói dư thường gặp
Qua phim truyền hình và một số chương trình truyền hình gần đây, có thể bắt gặp những lối nói dư sau:
Dùng lặp hai từ Hán – Việt và thuần Việt đồng nghĩa: như “Nạn rải đinh tái xuất hiện trở lại” (Chào buổi sáng, 6.5.2011). Tái xuất hiện là xuất hiện trở lại. Nói nạn rải đinh “xuất hiện trở lại” là đủ. Và “Mời các bạn nghe những tin tức cập nhật đầu tiên trong ngày” (Chào buổi sáng, 13.1.2010). “Cập nhật” là trong ngày. Nói “tin tức đầu tiên trong ngày” là đủ. Nguyên nhân chính của loại dư quá phổ biến này là trong nhận thức của người Việt hiện nay, nghĩa của nhiều yếu tố Hán – Việt đã “mờ” đi nên nhiều người không thấy “dư” nữa.
Lặp lại những diễn đạt đồng nghĩa: như “Mục đích cô đến đây để làm gì?” (phim Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 18, VTV3). Sao không biên tập thành “Cô đến đây làm gì?” cho gọn? Lại nữa: “Chắc có lẽ là vậy” (phim Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 19). “Chắc” và “có lẽ” là hai từ thể hiện hành vi phỏng đoán một khả năng không chắc chắn. Nói “Chắc vậy” hoặc “Có lẽ vậy” là đủ.
Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ luỵ là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản.
Đưa vào lời nói những yếu tố đương nhiên tồn tại: như “Anh xin lỗi! Anh đã tát vào má em” (phim Sự quyến rũ của người vợ, VTV3, 1.6.2011). Một khi mở bàn tay đánh vào má thì gọi là “tát”, đánh vào mông gọi là “phát”, đánh vào mồm miệng gọi là “vả”, đánh vào tai gọi là “bạt”. Vậy nói “Anh xin lỗi! Anh đã tát em” là đủ.
Nói dư thành sai: như “Ở Việt Nam chủ yếu có mấy loại gấu? Gợi ý: hai, ba hay bốn?” (Đấu trường 100, VTV3, 30.5.2011). Đáp án (lời MC): “Hai. Không có thêm loại gấu nào nữa đâu”. Từ “chủ yếu” khiến câu hỏi định lượng này mang tính xác suất. Đáp án “hai” khiến người nghe nghĩ rằng còn một loại gấu thứ ba (thứ yếu) nữa. Dù 99,9% gấu ở Việt Nam là hai loại gấu ngựa và gấu chó thì vẫn có 0,1% thuộc loại gấu thứ ba. Nói như MC “Không có thêm loại gấu nào nữa đâu” là không chuẩn. Còn như, nếu chỉ có hai loại gấu thì từ “chủ yếu” làm câu hỏi trên sai.
Ví dụ khác: “Sáng tác này của Trần Hoàn vào năm nào: a) 1948, b) 1958, hay c) 1968?” Đội A: 1958. Lời MC: “Đáp án này hoàn toàn sai”; Đội B: 1948. Lời MC: “Vâng, hoàn toàn chính xác!” (Trò chơi âm nhạc, VTV3, 29.7.2011). Nếu 1948 là hoàn toàn chính xác, 1958 là hoàn toàn sai thì năm nào là chính xác không hoàn toàn, năm nào là sai không hoàn toàn? MC nói dư từ “hoàn toàn”.
Dùng chập những cụm từ đồng nghĩa: như “Một nữ tử tù trốn thoát, điều này chưa từng xảy ra bao giờ từ trước đến nay” (phim Nữ tử tù, VTV3, 17.5.2009). “Chưa từng” là chưa bao giờ và cũng là từ trước đến nay chưa xảy ra. Vì vậy, câu trên dư chập ba. Có ba cách nói ngắn hơn: “điều này chưa xảy ra bao giờ”; “điều này chưa từng xảy ra” và “điều này từ trước đến nay chưa xảy ra”.
Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ luỵ là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới lối nói dư thừa.


Phản hồi bài viết Tiếng việt đang “dài” ra!

SGTT.VN - Bài viết về hiện tượng tiếng Việt ngày càng được sử dụng một cách dài dòng rối rắm của GS.TS Nguyễn Đức Dân trong số báo trước đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Trong các phản hồi này, có nhận xét của bạn đọc Chu Xuân Việt (vietubtn@...): “Bài rất tốt. Nhưng tác giả lại vô tình mắc phải lối nói dài này khi dùng “dư thừa” (dư nghĩa là thừa rồi)”…

Chúng tôi xin giới thiệu trả lời của tác giả bài báo về ý kiến này, vì trả lời của ông lại bắt sang một hiện tượng đáng chú ý khác trong tiếng Việt: từ ghép đẳng lập hai yếu tố đồng nghĩa!

GS.TS Nguyễn Đức Dân: Xin cám ơn bạn Chu Xuân Việt khi đọc bài Tiếng Việt đang “dài” ra! (SGTT, 29.8.2011) đã cho nhận xét về từ dư thừa liên quan đến một hiện tượng thú vị trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt có những từ ghép do hai từ đơn ghép lại. Từ ghép có nhiều loại:
Nhà gạch, nhà hàng, nhà máy… là những từ ghép chính phụ – tiếng đứng đầu là chính, tiếng thứ hai là phụ nhằm làm rõ nghĩa cho tiếng thứ nhất.
Nhà cửa, đường sá, chùa chiền, chợ búa, vợ chồng, ăn chơi… là những từ ghép đẳng lập – hai từ cùng loại ghép với nhau để tạo ra một từ cùng loại nhưng có ý nghĩa khái quát hơn. Tốt xấu, phải trái, trước sau, trên dưới, đi lại, thắng thua, được mất… cũng là những từ ghép đẳng lập gồm hai yếu tố trái nghĩa hợp với nhau thành một từ có ý nghĩa khái quát.
Trật tự những tiếng trong từ ghép là một hiện tượng rất thú vị liên quan đến triết lý của người Việt, đáng được thảo luận, nhưng chưa phải là đối tượng trình bày trong vài dòng ngắn ngủi này.
Tôi chỉ xin nêu một hiện tượng liên quan đến từ ghép đẳng lập hai yếu tố đồng nghĩa: có hàng loạt từ ghép hai yếu tố đồng nghĩa mà một thuộc phương ngữ Bắc bộ, một thuộc phương ngữ Nam bộ.
Có từ, tiếng Nam đặt trước, như dơ bẩn, chén bát, kêu gọi, dư thừa… Lại có từ tiếng Bắc đặt trước, như nông cạn, thứ hạng, tìm kiếm, đón rước… (tôi chưa giải thích được vì sao lúc thì tiếng Nam đặt trước, lúc tiếng Bắc đặt trước, ai biết xin chỉ giùm). Vậy những từ này không dư. Viết cho Sài Gòn Tiếp Thị là toà báo ở TP.HCM nhưng có bạn đọc cả ở Hà Nội. Vậy nên tôi có ý thức khi viết “dư thừa”. Nó không dư mà cũng chẳng thừa.

GS.TS Nguyễn Đức Dân

HÃY SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT CHO ĐÚNG
Xin nêu thêm một trường hợp nữa: khi báo cáo trong các phiên họp của Quốc hội, nhiều quan chức đã dùng từ tỷ trọng, như “Trong năm 2010 sản lượng lúa xuất khẩu đạt x triệu Mỹ kim chiếm tỷ trọng y% tổng số kim ngạch xuất khẩu”. Ở đây phải dùng từ tỷ lệ mới đúng, vì tỷ trọng là từ được dùng để so sánh trọng lượng riêng của một chất nào đó so với nước.
GS.TS.BS Hoàng Trọng Kim
Ngày nào tôi cũng lái xe và nghe VOV giao thông. Thật khó chịu khi nghe những cụm từ không chính xác tiếng Việt của nhà đài, như “các phương tiện tham gia giao thông”, “các phương tiện xe máy”, “các phương tiện ôtô”... Rồi biển báo giao thông “cấm các phương tiện rẽ trái”... Từ “phương tiện” được dùng sai với một mật độ dày đặc, chói tai.
Ngô Tuyến (ngotuyen1@...)
Đồng ý với phần lớn ý kiến của GS.TS Nguyễn Đức Dân, tuy nhiên câu hội thoại “Mục đích cô đến đây để làm gì?” rõ ràng là dư thừa, nhưng trong văn nói, sự dư thừa này là hợp lý và chấp nhận được. Nếu rút ngắn lại “Cô đến đây làm gì?” thì sắc thái của câu nói đã thay đổi, có thể sẽ không phù hợp trong đoạn hội thoại nữa.
Chu Văn Tài (chuvantai@...)



Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Cây cúc đắng trổ hoa vàng

SGTT.VN - Khi triều Nguyễn vời ông chủ bút Nam Phong tạp chí Phạm Quỳnh vào Huế nhậm chức ngự tiền văn phòng, cậu con trai thứ chín là Phạm Tuyên lúc đó mới năm tuổi, theo cha vào cung. Tại đây, tác phẩm âm nhạc đầu tiên của cậu bé đã ra đời, mang tên Sóng sông Hương… Kể từ con sóng đầu tiên đó, Phạm Tuyên đến nay đã có trong tay khoảng 700 ca khúc, góp phần tạo nên diện mạo nền âm nhạc cách mạng Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua…
Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh thời từng viết một câu thơ rất hay về nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay…”
Cuộc sống rất đa dạng, tôi là người luôn muốn tìm niềm vui trong cuộc sống, khi tiếp cận đời sống ở những góc khác nhau. Chưa chắc những cái mình cho là “được” đã là được; những cái mình “mất” đã là mất… “Đắng” mà vẫn “trổ hoa vàng” mới là có nghị lực sống… Nhà thơ Phạm Tiến Duật ngày còn sống đã từng xung phong làm MC cho nhiều đêm nhạc của tôi, anh ấy nói: “Em rất hiểu anh!”, và đã có hai câu thơ trên.

Một cậu ấm con quan, vượt qua những bi kịch và những định kiến giai cấp nặng nề, được kết nạp Đảng từ năm 20 tuổi, với ông đó có phải là chặng đời khó khăn nhất?
Khi cha bị xử tử do làm việc cho Pháp, tôi mới 15 tuổi. Chị em tôi được bí mật đưa lên tàu hoả ra Hà Nội gặp Cụ Hồ. Cuộc gặp đó vô cùng quan trọng, có thể nói nó đã quyết định niềm tin của gia đình và sự nghiệp của bản thân tôi. Tại cuộc gặp này, Cụ Hồ cho biết đã gặp cha tôi trước đây ở Pháp, chia sẻ nỗi đau mất cha của chúng tôi, và nói: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Các cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng!” Tôi đọc nhiều sách và hiểu, cuộc cách mạng nào cũng có những thời điểm không tránh khỏi sự manh động: cách mạng Pháp, cách mạng Nga, cách mạng Trung Quốc… và với chúng tôi, việc cần thiết lúc đó là phải “vững tâm” như Cụ Hồ đã dạy.

Đó cũng là thời điểm ông bắt đầu cuộc sống tự lập của mình bằng việc học?
Tôi lao vào tự học, mua sách vở để đọc, đi tản cư cũng mang theo sách… Nghe tin ở Ninh Bình có tổ chức thi tú tài, tôi khăn gói vào, kết quả mấy trăm người thi chỉ ba người đỗ, trong đó có tôi. Đỗ tú tài, tôi lại muốn học tiếp. Lúc đó bậc đại học chỉ có hai trường pháp lý và y khoa, tự thấy mình không hợp với nghề y, tôi đã theo học luật. Cùng học với tôi có mấy người sau nay đều nổi tiếng như nhà thơ Lê Đạt, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng… Một lý do khác, rất sâu kín trong lòng: tôi chọn học luật còn vì muốn có kiến thức để một ngày nào đó tìm lại công lý cho người cha đã mất.

Tham gia kháng chiến, ông đã được tôi luyện “lửa thử vàng” ra sao?
Khi Pháp đánh lên Thái Nguyên, trường luật phải giải tán. Tôi bấy giờ 17 — 18 tuổi, tinh thần hăng hái lắm, xung phong vào bộ đội, đi học sĩ quan, trở thành đại đội trưởng trường Thiếu sinh quân Việt Nam, rồi bị thương trong một trận máy bay địch bắn phá… Sau trận đó, hiệu trưởng Lê Chiêu (sau là thiếu tướng quân đội) đề nghị kết nạp tôi vào Đảng, dù vẫn có ý kiến xem lại lý lịch con quan lại. Sau gặp lại ông Chiêu, tôi có hỏi chuyện đó, ông ấy nói ông cũng bị phiền trách, nhưng không ân hận vì “Tuyên là người tốt”!

Trong gia tài âm nhạc của ông, sáng tác cho thiếu nhi là một bộ phận quan trọng...
Công chúng sẽ đánh giá thấp trình độ của người xét giải khi anh không đại diện cho ai ngoài chính anh.

Thời kỳ rời quân đội sang làm giáo viên phụ trách văn — thể — mỹ ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, sự nghiệp âm nhạc cho thiếu nhi của tôi đã được bắt đầu. Hiện tôi có khoảng 1/3 các sáng tác là ca khúc viết cho thiếu nhi. Nhưng có lẽ vấn đề này thời sự hơn: dạo này, ca khúc cho thiếu nhi thiếu quá. Nếu thiếu sự quan tâm đến các em, sẽ dẫn đến nguy cơ bị xâm lăng về văn hoá. Tại một vài cuộc họp, tôi đã có ý kiến về chuyện này. Nhạc sĩ trẻ của ta khá đông, nhưng hầu như chỉ viết một loại ca khúc là ca khúc thất tình mà thiếu người viết cho thiếu nhi. Một phần vì loại ca khúc này ít tiền; phần nữa có cái khó là ngay cả đã viết được, cũng không biết lấy kinh phí ở đâu để dựng bài…

Ông có cảm thấy buồn khi khá nhiều sáng tác trẻ hiện đang bị rơi vào bế tắc, quẩn quanh, “sến”?
Có lúc ngồi taxi, tôi cũng bị “tra tấn” bởi các loại nhạc như vậy… Tôi thông cảm với các nhạc sĩ trẻ hiện có những thiệt thòi so với lớp trước, một số thể nghiệm không được chấp nhận. Phải ủng hộ những thể nghiệm, tìm tòi. Vấn đề là kỹ thuật âm nhạc của họ nói chung rất tốt, nhưng kiến thức văn hoá nền thấp, điều đó rất đáng lo lắng. Dẫu vậy, tôi vẫn tin sau chúng tôi, thế hệ trẻ chắc chắn sẽ có sự tiếp nối tích cực. Tôi có một lời khuyên: hãy nâng cao trình độ văn hoá, nếu không sẽ không thể có sáng tác âm nhạc có giá trị!

Một số người bi quan cho rằng đời sống âm nhạc hiện nay đang có những nhiễu nhương và đã đến lúc cần đặt lại vấn đề đâu là giá trị âm nhạc đích thực. Ý kiến của ông?
Đây quả là một vấn đề lớn. Tôi chỉ có thể nói rằng, khi chúng ta hội nhập thì vấn đề văn hoá nhất thiết phải được coi trọng đúng mức. Hội nhập có nhiều cái hay có thể thu nhận, nhưng những rác rưởi của nó cũng không ít, rất phải cẩn thận… Văn hoá xuống cấp là nguy cơ có thật, và có người đã cảnh báo “mất chủ quyền về văn hoá là mất hết!” Hiện trong âm nhạc đang có hai thái cực: phía bảo thủ cổ suý cho ca trù, quan họ, chèo… phía tân tiến thì ngược lại. Vấn đề là mỗi thể loại âm nhạc là sản phẩm của một thời kỳ, không thể áp đặt cứng nhắc; không nên nhại lại mà hãy để cho những cái hồn cốt của nó nhập vào mình. Tôi nhớ, một nghệ sĩ Nhật Bản đã nói về vấn đề này: “Hãy nghiền nát truyền thống, cho nó ngấm vào máu của mình, để mà sáng tác…”

Ngày càng nhiều cuộc thi về âm nhạc được tổ chức. Từng làm giám khảo những cuộc thi như vậy, ông có yên tâm về chất lượng chấm giải, xét giải nói chung?
Thực ra, mặc dù rất ủng hộ các phong trào, nhưng gần đây tôi thường từ chối việc trở thành giám khảo các cuộc thi như vậy. Do ban tổ chức thường hay công bố trước thành phần ban giám khảo, người ta biết, chạy vạy quà cáp ghê lắm, dẫn đến quá trình chấm giải khó khách quan…
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:
Phạm Tuyên đã có đóng góp rất quan trọng cho nền âm nhạc cách mạng và có ảnh hưởng lớn đến công chúng. Đó là một người yêu nước, suốt đời chỉ có một con đường phục vụ nhân dân, con đường đó rất rõ ràng, nhờ thế đã tạo được những cột mốc trong sự nghiệp âm nhạc cá nhân của ông và của cả nền âm nhạc. Ngoài đời, Phạm Tuyên là người lạc quan, sống hiền lành, chan hoà. Lẽ ra Phạm Tuyên phải là một trong số những người đầu tiên được trao giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông đã phải chịu thiệt thòi. Việc ông không “xin” giải thưởng, đó là một thái độ đúng của một trí thức, một nghệ sĩ chân chính.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Phạm Tuyên là một đại thụ có rất nhiều cành, nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng vạm vỡ và sum suê. Một trong những nhánh tươi non ấy, ông dành hiến dâng cho con trẻ. Và chỉ riêng mảng ca khúc viết cho thiếu nhi cũng đủ để ông là một nhạc sĩ lớn không phải ai cũng có được…

Nếu coi đây là một “trận địa”, việc từ chối đó của ông có thể xem là trốn tránh trách nhiệm hay không?
“Không mợ thì chợ vẫn đông” ấy mà, còn có nhiều người khác có thể đảm nhiệm việc đó thay tôi. Phải nói rằng, hiện nay tiêu cực thi cử khá phổ biến, các cuộc thi nghệ thuật cũng không nằm ngoài tình trạng chung đó. Việc thẩm định giá trị nghệ thuật không thật chuẩn, vì cơ chế thị trường và đồng tiền đã trở nên quá quan trọng… Ví dụ, thi hát, người ta công bố số tin nhắn bầu cho thí sinh qua điện thoại, chưa nói đến việc đúng sai, làm thay đổi kết quả chấm của ban giám khảo như thế nào, nhưng trước hết, chỉ có anh điện thoại là được lợi…
Ngay cả việc lớn như xét giải thưởng
Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật những năm gần đây trong một số trường hợp cũng đã vấp phải phản ứng từ phía các nghệ sĩ. Việc từ chối xin giải thưởng của ông cũng là một sự kiện!
Nhiều năm trước tôi đã có tên trong danh sách đề cử xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Nay, người ta nói tôi phải làm đơn xin giải thưởng thì mới được xét. Tôi thấy làm thế rất buồn cười nên kiên quyết không làm đơn. Đó là hậu quả của cơ chế xin — cho trong lĩnh vực âm nhạc. Người ta bỏ tiền để chạy xin — cho chức vụ, quyền hạn, vào bệnh viện cũng xin — cho, đưa con đi học trường công cũng xin — cho, đâu đâu cũng thế nên quen rồi, nhưng tôi thì không. Hiện tại, tôi đã chuẩn bị tinh thần: nếu tôi không nộp đơn và người ta lấy đó làm lý do để không xét trường hợp của tôi, thì cũng là điều tốt. Vấn đề quan trọng với một nhạc sĩ, là họ có chỗ đứng trong lòng công chúng hay không. Bài hát của họ có được ai nhớ, có tiếp tục được vang lên sau sự thanh lọc của thời gian hay không.

Có quan điểm khác về vấn đề này: kết quả thẩm định của hội đồng chuyên môn luôn cao hơn sự thẩm định của công chúng, nhất là trong một quy trình thẩm định cụ thể?
Quan điểm của tôi là, nhạc sĩ sáng tác và chính đời sống sẽ thẩm định giá trị đích thực của những tác phẩm âm nhạc đó. Cơ quan thẩm định âm nhạc phải có trách nhiệm thăm dò, tìm hiểu, đánh giá đúng về những tác phẩm đã đi vào đời sống. Xin chớ coi thường công chúng, chớ nghĩ rằng họ không có kiến thức âm nhạc đủ để thẩm định chính xác chất lượng tác phẩm. Vì công chúng không chỉ là những người dân bình thường, mà bao gồm những người già người trẻ, bộ phận trí thức và những người am hiểu về âm nhạc… Công chúng sẽ đánh giá thấp trình độ của người xét giải khi anh không đại diện cho ai ngoài chính anh.

Không chấp nhận “xin” giải thưởng là hành động của kẻ sĩ. Ông có nghĩ thế?
Cả đời mình, tôi không làm việc vì giải thưởng! Cuộc đời đã ấn định như thế rồi. Có giải thưởng hay không cũng thế thôi. Tôi lên Cao Bằng, người ta không hề biết tôi và họ hát bài hát của tôi, đó mới là phần thưởng lớn hơn mọi giải thưởng. Tôi từng được gọi là “nhạc sĩ của… nhân dân” khi lên thuyền nghe hát trên sông Hương, ban tổ chức muốn giới thiệu tôi là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú… tôi đều lắc đầu bảo “tôi không có bất cứ danh hiệu nào ngoài danh hiệu “nhạc sĩ” và hãy giới thiệu tôi như vậy”.

Ông quan niệm thế nào về vấn đề “cuộc sống có công bằng với ta hay không”?
Tỉ phú Bill Gates có một câu mà tôi thấy rất đúng: “Cuộc sống vốn không công bằng, phải biết cách thích nghi và vượt lên nó”. Tôi cho rằng, người nào cứ đòi cuộc sống phải công bằng với mình, người đó suốt đời sẽ là một kẻ bất mãn. Làm sao có thể bắt cuộc sống luôn chiều theo ý mình? Đó là điều không tưởng.

Băn khoăn lớn nhất của ông hiện nay?
"Người ta bỏ tiền để chạy xin — cho chức vụ, quyền hạn, vào bệnh viện cũng xin — cho, đưa con đi học trường công cũng xin — cho, đâu đâu cũng thế nên quen rồi, nhưng tôi thì không. "

Là quỹ thời gian không còn nhiều. Mà tôi lại còn rất nhiều việc chưa làm xong. Gần đây, một nửa thời gian của tôi là tìm tư liệu cho các nhà xuất bản trước tác của cha tôi. Tôi vẫn hằng mong mỏi: sống đến ngày được chứng kiến thân phụ mình được giải toả, dù đã hơn 65 năm rồi, nhưng tôi vẫn tin vào sự công minh của lịch sử… May mắn là, kể từ năm 2000 tới nay, lần lượt các nhà xuất bản uy tín trong nước đã phát hành hàng ngàn trang sách của ông như cuốn: Mười ngày ở Huế (NXB Văn Học — 2001), Mục lục Nam Phong (NXB Thuận Hoá — 2002), Luận giải văn học và triết học (NXB Thông Tin — 2003), Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà Văn — 2004), Thượng Chi văn tập (NXB Văn Học — 2007), Du ký Việt Nam (NXB Trẻ — 2007)… Tôi không ngạc nhiên khi thấy trong những tác phẩm đó, cha tôi đã đặt những vấn đề lớn lao về số phận dân tộc. Bản chất cha tôi là vậy, luôn đấu tranh cho độc lập dân tộc, ông cũng là người đã đấu tranh cho bằng được việc đưa tiếng Việt vào dạy ở bậc tiểu học khi ông làm thượng thư bộ Học…
Không đi theo con đường ký giả như cha mình, nhưng ngòi bút trong tay ông được đánh giá là rất tài hoa trong cả nét nhạc lẫn ca từ…
Phải nói là tôi rất cảm ơn tủ sách của cha tôi. Sở dĩ, ca khúc của tôi ngoài phần nhạc, còn có phần lời, là do những kiến thức mà tôi thu nạp được từ những cuốn sách. Tám mươi tuổi rồi song tôi vẫn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày mấy tiếng là vì thế…

Ông nghĩ sao về nhận xét: nhạc sĩ Phạm Tuyên có một cuộc đời khác thường?
Tôi thấy mình là một người bình thường và một cuộc đời bình thường. Niềm vui lớn nhất của tôi là làm được điều gì có ích. Tôi sống và viết nhạc đều với tinh thần đó. Là nhạc sĩ, tôi hiểu sức mạnh của âm nhạc là rất to lớn… Âm nhạc đã cho tôi niềm vui, phần nào đó thì âm nhạc cũng là lẽ sống của tôi.

thực hiện Kim Hoa
chân dung hội hoạ Hoàng Tường

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

THƯ LUÂN LƯU CỦA CHA GIÀ


Con yêu dấu,
Chắc con có nghe hay đọc về chuỗi Thiên Linh Cái và một lá thơ mà khi nhận được, con phải làm 10 phó bản rồi gởi đi 10 địa chỉ khác nhau; nếu không, con sẽ nhận lãnh một hình phạt dữ dội nào đó. Lá thư này cũng vậy, ta muốn con phải làm 10 phó bản và gởi đi cho 10 người thân nhất. Tuy nhiên, nếu con không làm như thế, ta sẽ không có một hình phạt nào. Trong ta, chỉ có thương yêu và khen thưởng. Với con, ta chỉ muốn chia sẻ cái nồng ấm và thanh bình, là số phần duy nhất ta dành cho con.
Ta cũng không xa lạ gì với con. Nhiều tôn giáo, nhiều sắc dân, nhiều phong tục đều có nhiều tên khác nhau để gọi ta. Nào là Thương Đế, Thiên Chúa, Allah, God, Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hóa, Ông Trời, Tinh Thần Vĩnh Cửu, v.v... nhưng thực ra, ta chỉ thích cái tên đơn giản là cha già. Và dù bận rộn đến đâu trong cuộc sống xô bồ, ta cũng muốn con ngồi ra chỗ vắng, bỏ 10 phút nghe lời ta trong lá thư này. Bởi vì ...
Ta nghe tiếng than khóc của con.
Nó bay đi trong đêm tối, qua bao nhiêu vì sao, bao nhiêu tầng vũ trụ để lên tận đỉnh trời, vào trong trái tim ta. Ta đã đau đớn vô cùng mỗi lần nghe tiếng kêu gào của con thỏ khi bị sập bẫy, của con chim khi bị tên đạn, của đứa trẻ thơ khi bị đau yếu. Và dĩ nhiên, ta cũng đã nghe lời than khóc của con. Hãy bình an. Hãy tĩnh lặng với chính mình.
Bởi vì ta sẽ đỡ nhẹ cho con niềm khổ đau này và bởi vì ta đã biết lý do cũng như giải pháp cho con.
Con than khóc cho những ước mơ thời thơ ấu giờ đây đã tan biến theo tháng ngày.
Con than khóc cho những tự tin thời mới lớn giờ đây đã bị những thất bại tàn phá.
Con than khóc cho bao nhiêu tiềm năng, cơ hội bị đổi chác để yên thân.
Con than khóc cho cái cá tính độc đáo đã bị dày vò bởi thị phi của thiên hạ.
Con than khóc cho cái thân thể khỏe đẹp giờ đã suy sụp vì những lựa chọn sai lầm.
Con nhìn lại con với tất cả khinh bỉ, ghê sợ và con quay mặt đau đớn mỗi lần soi gương. Ai đã lấy mất đi cái khuôn mặt ngây thơ tươi tắn, cái đầu óc bén nhậy, cái xử thế hào phóng? Ta biết rõ lý lịch của tên trộm này. Con có biết?
Ngày nào con nằm dài trên đồi cỏ xanh, nhìn lên những lâu đài xây bằng đám mây trắng và nghĩ đến những lâu đài đích thực mình sẽ xây cho gia đình.
Ngày nào con say sưa đọc lời hay ý đẹp của bao nhiêu bậc tiền nhân và tự nhủ mình đã thu thập đủ khôn ngoan để bước đi vững chãi trong cuộc đời.
Ngày nào con đi giữa thiên nhiên vĩ đại, tin tưởng rằng chung quanh con lúc nào cũng chứa đầy những thanh bình mầu nhiệm.
Con có biết ai đã gieo đặt vào trong con những ước mơ và hy vọng đó không? Con không biết.
Con không nhớ được cái phút giây con ra khỏi lòng mẹ và ta đã đặt tay ta lên trán con, đã nói nhẹ vào tai con những lời ân phúc? Đó là bí mật giữa ta và con. Con không nhớ?
Tháng năm đã tiêu hủy đi những trí nhớ của con, bởi vì đầu óc con đã bị xâm chiếm bởi sợ hãi và nghi ngờ, bởi âu lo và ân hận, bởi ghen tị và nhỏ nhen. Nó không còn chỗ cho những trí nhớ êm đẹp và thương ái.
Nhưng hãy lau khô dòng lệ. Ta đang ở với con và giây phút này là một bắt đầu tinh khôi cho đời con. Tất cả những gì đã qua, đã xảy ra ... hãy chôn sâu chúng vào huyệt sâu. Chúng đã chết.
Ngày này, con sẽ trở về từ cõi chết. Hôm nay là ngày sinh nhật mới của con. Những gì đã qua thuộc về kiếp trước. Như trong một vở kịch, đó chỉ là màn tập diễn. Lần này, bức màn nhung sẽ thực sự kéo lên. Lần này vở tuồng sẽ thực sự bắt đầu. Thiên hạ sẽ chăm chú coi và sẽ tán thưởng. Lần này con không thể thất bại.
Hãy thắp lên những ngọn nến. Hãy cắt bánh ra. Hãy rót đầy ly rượu. Lần này, con sẽ bay cao. Lần này, không ai có thể níu kéo trì trệ con dưới vũng bùn.
Con có cảm thấy tay ta đang đặt trên trán con?
Con có nghe lời ta thì thầm về bí mật ta đã nói cho con nghe ngày sinh nhật trước. Bí mật mà con đã quên? Hãy nghe ta lập lại.
CON LÀ MỘT SÁNG TẠO NHIỆM MÀU NHẤT CỦA TA. Đó là những ngôn từ đầu tiên con nghe khi ra khỏi lòng mẹ. Rồi con khóc. Rồi mọi người cùng khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc.
Nhưng con đã không tin lời ta ... và những năm tháng kế tiếp, không gì có thể khiến con thay đổi cái nghi ngờ này. Làm sao con có thể là một phép mầu khi con đã vụng về thất bại trong những công việc cỏn con nhất? Làm sao con có thể là một phép mầu khi bao nhiêu là nợ nần đang đè nặng trên vai con và mỗi đêm con kinh sợ khi nghĩ đến cơm áo cho tương lai?
Ta đã gởi đi không biết bao nhiêu là tiên tri, thánh nhân và siêu nhân để lập lại lời ta về nhiệm mầu mang tên con. Rằng con chính là một hiện thân của ta. Rằng con có đủ quyền năng để cai trị muôn loài, vá sông lấp biển và tạo dựng những công trình vượt quá trí tưởng tượng của bao thế hệ.
Nhưng con không tin ai. Con đốt cháy cái bản đồ vẽ đường hạnh phúc, con bỏ mất cái bằng khoán ban cho người nhận niềm vui thanh nhàn, con thổi tắt những ngọn nến thắp sáng con đường hoan lạc hiền hòa. Rồi con vấp ngã, con lạc lối, con run sợ trong bóng tối của hèn nhát và tự kỷ. Con rơi vào một địa ngục do chính con tạo nên.
Dĩ nhiên, con la khóc, con chửi bới cái định mệnh xấu xa của mình. Con không chấp nhận trách nhiệm của mình, rằng chính những ý nghĩ nhỏ nhoi và những hành động lười biếng của con là những nguyên nhân cho những hậu quả gặt hái. Con tìm một con dê tế thần để đổ lỗi.
Con đổ thừa cho ta. Con than rằng những thiếu sót, những hèn mọn, những cơ hội lỡ, những thua lỗ ... là do một định mệnh mà ta đã sắp sẵn cho con.
Con không thể nào sai hơn.
Để ta tính cho con. Trước hết là những thiếu sót bất hạnh của con. Ta đồng ý rằng nếu con không đủ dụng cụ làm sao con có thể xây một đời mới?
Nhưng hãy kiểm điểm. Con có bị mù lòa? Không, cả trăm ngàn tế bào thị giác ta đã đặt vào mắt con đã giúp con vui hưởng cái hùng vĩ của núi đồi biển cả, cái tuyệt mỹ của ngàn cánh hạc trên lá đỏ rừng thu, cái tinh khiết của tuyết trắng đêm sao, cái môi cười của một tình nhân ngàn kiếp. Hãy đếm một ân phúc.
Tai con có điếc? Không ... 24,000 sợi dây âm thanh ta đặt vào tai con đã rung động những lời thì thầm của sóng biển trên ghềnh đá, của chim hót chào bình minh, của tiếng trẻ cười đùa ngoài công viên, của bài tình khúc trên phím dương cầm. Hãy đếm hai ân phúc.
Miệng con có câm? Không ... chỉ có một sinh vật trên trái đất này có khả năng dùng lời nói để dịu nhẹ người giận dữ, để nâng cao tinh thần người yếu đuối, để khen thưởng người thành công, để dậy dỗ người ngu dốt, để bày tỏ tình yêu thơ mộng. Hãy đếm ba ân phúc.
Tay chân con có tê liệt? Không ... Con không phải là một cây thông bị chôn chặt vào mảnh đất nhỏ, chịu đựng những mưa gió hàng ngày. Ta đã đặt cho con hơn 500 bắp thịt, 200 khúc xương và 10 cây số dây tủy thần kinh để con có thể chạy nhảy, viết lách, luân vũ và vuốt ve. Hãy đếm bốn ân phúc.
Tim con có mạnh khỏe? Con có biết ta đã đặt 100,000 cây số mạch máu lớn nhỏ khắp châu thân con với một cái bơm có nhịp đập hơn 36 triệu lần mỗi năm, không hề sai trật. Hãy đếm năm ân phúc.
Da con có bị ghẻ hủi? Thời gian có thể làm hao mòn và rỉ sét mọi sắt thép, nhưng da con là một sáng tạo diệu kỳ. Nó tái sinh liên tục, tế bào mới thay thế tế bào chết thật tự nhiên. Hãy đếm sáu ân phúc.
Rồi lá phổi của con? Bao nhiêu triệu lít dưỡng khí đã được lọc tươi mội năm? Và bộ máy tuần hoàn của con? Mỗi một giây, hơn hai triệu tế bào máu được thay thế. Hãy đếm mười ân phúc.
Trí óc con có bình thường? Con vẫn còn suy nghĩ tính toán được? Hãy đếm ngàn ân phúc. Bởi vì đây là bộ máy tinh vi hiện đại nhất của vũ trụ này. Chỉ với hai kí lô nặng, ta đã đặt vào đó 13 tỉ tế bào và hơn ngàn tỉ tỉ ký ức, dữ kiện hồ sơ. Con đã dự trữ trong đó tất cả mọi tiếng động, mọi mùi vị, mọi hình ảnh, mọi cảm nhận từ ngày con sinh ra. Và con sẽ tái nhận bất cứ một kỷ niệm nào trong quá khứ chỉ bằng một chớp mắt. Không một máy điện toán nào, bây giờ hay ngàn kiếp sau, có thể so sánh với trí óc con. Không một kỳ quan nào của thế giới, từ khai thiên đến tận thế, có thể tuyệt kỹ như trí óc này.
Và hơn hết, trái tim con có rung động? Con có cảm thấy tình yêu đang bàng bạc khắp nơi, hay con thấy một cô đơn lạnh buốt đang vây kín?
Ta nói cho con thêm một bí mật về tình yêu. Rằng tình yêu đích thực là một tình yêu không đòi hoàn trả. Yêu là cho đi, là trao gửi hoàn toàn, mà không cần biết sẽ nhận lại những gì. Bởi vì luồng điện yêu thương không vị kỷ, không điều kiện, mới đủ tinh khiết để lọc sạch tim con và mang đến cho chính con, không phải người nhận, một thanh bình tuyệt đối. Hãy đếm ân phúc bằng triệu lần.
CON LÀ MỘT SÁNG TẠO NHIỆM MẦU NHẤT CỦA TA. Con có nghèo như con nghĩ? Hãy đếm lại tài sản của con. Hãy đếm lại vài ân phúc mà ta vừa kể. Và hãy tự hỏi. Có một nhà tỉ phú nào trên thế giới này mà không trao đổi hết gia tài của họ để hưởng thêm những ân phúc đó trước giờ nhắm mắt?
Như vậy, con đã hiểu cái bí mật đầu tiên của hạnh phúc và thành công = đó là con có đầy đủ dụng cụ và khả năng để xây dựng một nền móng cho tòa lâu đài của đời con.
Hãy đếm những ân phúc và hiểu rằng con là một sáng tạo nhiệm mầu nhất của ta. Không hiểu và cảm nhận được nguyên lý này, con sẽ không bao giờ có thể trở về từ cõi chết mòn hiện tại.
Và ngay cả nếu con đang thiếu hụt vật chất, hãy nhớ rằng ... người nghèo không phải là người có ít, mà là người muốn nhiều ... rằng an sinh thực sự không do những của cải con có mà do những của cải con không cần. Những thiếu hụt thua kém mà con nghĩ làm con thất bại, thực ra, chỉ hiện hữu trong đầu óc con.
Hãy đếm lại những ân phúc của mình. Đếm thật kỹ. Ghi thật rõ. Đừng bao giờ quên chúng.
Bây giờ con hãy nhận thêm nguyên lý thứ hai. Hãy tuyên dương cái hiếm quý và độc đáo của mình.
Bao lâu nay con đã hủy diệt lần mòn đời con với những tự kỷ, những mặc cảm, những bi quan. Con không thể tha thứ cho chính con những lầm lỡ, những thất bại, những yếu đuối. Thế nhưng có bao giờ tự hỏi là tại sao ta sẵn sàng tha thứ tất cả tội lỗi, sai trật của con mà con lại không thể tự tha thứ cho chính mình? Ta nói cho con nghe bí mật này.
Con là một báu vật của ta bởi vì cái hiếm quý và độc đáo của con.
Con thử nghĩ tại sao bức tranh Mona Lisa của DaVinci, 9 hợp tấu khúc của Beethoven, vở kịch Romeo and Juliet của Shakespeare... là những tuyệt phẩm vĩ đại. Bởi vì chúng độc nhất vô nhị. Không thể có một tác phẩm nào so sánh nổi. Con cũng vậy. Từ khai niên lập địa, ta đã gọt nắn ra hơn 70 tỉ người, có con người nào hoàn toàn giống con hay không? Và ngàn năm sau, cho đến khi tận thế, hãy tin rằng sẽ không ai hoàn toàn giống con, từ tinh thần đến vật chất, sẽ bước đi trên cùng mặt đất này.
Con là một sáng tạo hiếm quý và độc đáo nhất của ta.
Vậy mà con không hề biết hay cảm nhận sự thật này. Con có biết về sự kết hợp kỳ diệu của đời con? Rằng trong 400 triệu tinh trùng từ cha con, chỉ có một con tinh trùng là sống sót trong chặng hành trình nối liền với âm trứng của mẹ con. Cái con tinh trùng độc nhất ấy là mầm mống của đời con. Hơn 300 ngàn triệu tỉ tinh trùng, ta đã tạo dựng hoàn toàn khác biệt. Ta độc đáo thêu dệt con bằng cả ngàn triệu DNA thật đặc biệt.
Vậy mà con đã đánh giá con quá thấp khi gia tài ta cho con quá lớn?
Tệ hơn nữa, con còn nghe những dèm pha chê bai của những tiểu nhân quanh con ... và con đã tin lời họ. Tại sao?
Ngày hôm nay, con hãy tuyên dương thật hào hùng cái hiếm quý và độc đáo của mình. Đừng dấu diếm chúng trong bóng tối. Hãy phô diễn cho toàn thế giới. Đừng đi theo những bước đi của đám đông, đừng nói theo những lời nói của dư luận, đừng gắng làm một người tầm thường. Đừng bao giờ bắt chước. Nhưng kẻ bắt chước luôn luôn thua kém người mẫu vì phó bản không bao giờ so sánh nổi với nguyên bản. Hãy ngẩng cao đầu và cười hãnh diện với con người hiếm quý và độc đáo của mình.
Bây giờ con đã nhận hai nguyên lý. Thứ nhất, nhớ đếm những ân phúc hằng ngày. Thứ hai, luôn luôn phô trương cái độc đáo của mình.
Hai điều đó đã giúp con thấy rằng con không bị trì trệ vì thiếu sót dụng cụ hay vì con quá tầm thường.
Bây giờ đến lời than trách kế tiếp. Rằng con không bao giờ gặp được cơ hội tốt.
Ta nói cho con nghe cái nguyên lý thứ ba về sự thành công. Bao nhiêu người áp dụng cái bí mật đơn giản này đã hưởng nhận hạnh phúc, danh tiếng, của cải và an bình. Nhưng đa số không thích sử dụng nó. Họ đi tìm thành công bằng những con đường tắt, bằng dối trá, bằng tội lỗi ... và họ đợi ma quỷ đem đến cái gọi là MAY MẮN. Họ sẽ đợi và đợi trong thiên thu, như con đã đợi. Và họ sẽ than khóc như con đã than khóc và họ sẽ đổ thừa cho định mệnh, đổ lỗi cho ta.
Nguyên lý này thật đơn giản. Nó ứng dụng hữu hiệu cho mọi lớp người không phân biệt tuổi tác, màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Đó là ... nếu con phải đi một dặm đường, hãy cố gắng đi hai dặm. Luôn luôn bước thêm một bước nữa.
Cách duy nhất để thành công trong bất cứ một hoàn cảnh nào, một công việc nào ... là luôn luôn cố gắng vượt quá chỉ tiêu đòi hỏi nơi mình, luôn luôn dâng hiến nhiều hơn, từ sản phẩm đến dịch vụ, từ công việc đến xử thế, bất cứ trong hoàn cảnh nào. Đây là thói quen số một của mọi người thành công. Cách chắc nhất khiến con người trở thành hèn mọn là chỉ làm đủ việc mà con đã được trả lương để làm.
Đừng nghĩ rằng nếu con cho đi nhiều hơn con nhận là con bị lừa gạt. Giống như một quả lắc, con càng kéo về một phía thật xa, quả lắc sẽ dao động qua chiều đối diện gấp chục lần lực đẩy. Nếu ngày nay, con không nhận được phần mình, để càng lâu, phần của con sẽ sinh sôi nảy nở gấp trăm lần.
Nếu con không chịu bước đi một bước nữa, chỉ làm vừa đủ, là con đã tuyên án cho đời con một kiếp sống hèn mọn. Luật nhân quả và thừa trừ luôn luôn tuyệt đối. Trái chín mà ngày nay con hưởng thụ đã hiện diện trong cái nhân con vừa gieo trồng ngày hôm qua. Không bao giờ sai trật.
Luôn luôn bước thêm một bước nữa.
Nếu con nghĩ rằng con đang phục vụ một tên chủ không biết điều, hãy tiếp tục phục vụ hắn. Hãy để ta làm người mang nợ của con. Và ta hứa là ta sẽ trả cho con đầy đủ ... nợ càng lâu, lãi xuất càng tích lũy và con sẽ thụ hưởng toàn vẹn cái tích lũy cấp số của món nợ này.
Ta không thể ban cho con sự thành công... chỉ có con là xứng đáng với trái quả mà con đã gieo trồng.
Hãy bước thêm một bước nữa. Và nhìn lại quanh con. Con đường ngày hôm qua mới mang đầy dấu tích của tự kỷ và ghen ghét, đã trở thành một thảm nhung của bông hoa hạnh phúc và cơ hội. Cái gì đã xảy ra? Thực ra không gì cả, chỉ có chính con đã thay đổi ... Và con là tất cả. Con là niềm sáng tạo nhiệm màu mhất của ta, ta đã nói.
Con nhớ lại ba nguyên lý chưa? Đếm những ân phúc. Tuyên dương cái độc đáo của mình và đi thêm một bước nữa.
Kiên nhẫn với sự tiến bộ của con. Con không thể thực hiện những nguyên lý, sửa đổi lối suy nghĩ của con bằng một chớp mắt. Và con nên nhớ rằng những gì con thu thập bằng cách thức khó khăn nhất là những báu vật mà con sẽ gìn giữ lâu dài nhất; rằng những ai phải tự tạo ra của cải sẽ giữ được lâu bền hơn là kẻ thừa tự.
Và đừng sợ hãi khi bước vào cuộc đời mới. Không một hành trình vĩ đại nào mà không bị vây quanh bởi trắc trở và rủi ro. Kẻ lo sợ sẽ chồn chân và không bao giờ tới đích. Con đã biết con là một phép màu. KHÔNG THỂ CÓ SỢ HÃI TRONG MỘT PHÉP MÀU.
Hãy tự hãnh diện. Con không phải là một tai nạn chợt xảy đến trong một phòng thí nghiệm về đời sống. Con không phải là một nô lệ cho những quyền lực mà con không thấu hiểu. Con là một biểu hiện của tự do tuyệt đối, không tùy thuộc vào một quyền lực nào hay một tình yêu nào ngoài ta. Con là một sáng tạo với một mục đích.
Hãy cảm nhận bàn tay âu yếm của ta. Hãy lắng nghe lời ta thì thầm = Ta cần con ... và con cần ta.
Chúng ta còn phải tái dựng một thế giới mới, còn cần một phép mầu mới. Ta và con đều là những phép màu và giờ đây, chúng ta có nhau.
Ta không bao giờ đánh mất niềm tin vào con từ ngày con sinh ra. Ta không bao giờ đánh mất niềm tin vào con người, từ khi ta hoàn chỉnh chúng hơn 30,000 năm trước. Ta không phải cải thiện những sáng tạo này.
Vì làm sao có thể cải thiện được một phép lạ? Ta đã hãnh diện với những sáng tạo đó, đã ban cho chúng đầy đủ quyền năng để cai trị quả đất này.
Ta cho con quyền năng để suy nghĩ.
Ta cho con quyền năng để yêu thương.
Ta cho con quyền năng để phấn đấu.
Ta cho con quyền năng để sáng tạo.
Ta cho con quyền năng để cười, để nói, để nghe và để cầu nguyện.
Niềm hãnh diện của ta về con không có giới hạn. Con là một kỳ quan tuyệt mỹ, một sinh vật toàn diện. Con có thể thích ứng với mọi khí hậu, mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn, mọi thử thách. Chỉ có con là nắm trong tay hoàn toàn cái định mệnh của con mà không cần một can thiệp nào của ta. Chỉ có con là sinh vật độc đáo nhất có thể hành động, không bằng bản năng, mà bằng suy tính và cân nhắc.
Như vậy, ta sẽ nói thêm cho con cái nguyên lý thứ tư về thành công và hạnh phúc ... là ta đã cho con một quyền năng mà ngay cả những thiên thần quanh ta cũng không có.
Đó là quyền năng để lựa chọn.
Với ân phúc này, ta đã nâng con lên một cấp bậc cao hơn cả thiên thần, cả ta, bởi vì thiên thần không thể tự do chọn lựa tội lỗi. Ta cho con được làm chủ hoàn toàn định mệnh của con. Giữa thiên đường và địa ngục, con được tự do uốn nắn con người của chính con theo sở thích của mình. Con có quyền năng để biến cải con trở thành một sinh vật thấp hèn nhất của thế giới hay hoàn chỉnh con người con thành một thánh nhân hòa đồng với thiêng liêng của vũ trụ.
Và ta đã không bao giờ lấy đi cái quyền năng lựa chọn này của con.
Con hãy tự hỏi con đã làm gì với quyền lực ghê gớm này? Hãy nhìn lại con. Hãy nghĩ đến những lựa chọn con đã làm trong quá khứ và hãy nhớ lại những lần con đau đớn quỳ xin cho con được chọn lựa trở lại.
Thế nhưng quá khứ là quá khứ. Bây giờ con đã biết thêm một định luật mới của thành công và hạnh phúc. Đó là con hãy sử dụng cái quyền năng lựa chọn này thật khôn ngoan.
Hãy chọn yêu thương. Hãy xóa bỏ ghen ghét.
Hãy chọn sáng tạo. Hãy xóa bỏ hủy diệt.
Hãy chọn tiếng cười. Hãy xóa bỏ lời than khóc.
Hãy chọn phấn đấu. Hãy xóa bỏ tinh thần chủ bại.
Hãy khen, đừng chê.
Hãy cho, đừng ăn cắp.
Hãy tăng trưởng, đừng mục rữa.
Hãy hành động, đừng lười biếng.
Hãy cầu nguyện, đừng nguyền rủa.
Nói tóm lại, con hãy chọn sự sống, đừng nghĩ đến cái chết.
Bây giờ, con đã thấu hiểu được rằng những gì con cho là bất hạnh, đều là tự con tạo dựng, bằng những suy nghĩ và hành động của chính con trong quá khứ. Những ân phúc mà ta đã giao cho con, cùng với những quyền năng, đã quá lớn và quá nhiều cho bản thân nhỏ bé của con. Để xứng đáng, con phải tăng trưởng, phải khôn ngoan hơn. Những trái ngọt cây lành của mặt đất này sẽ hoàn toàn là phần thưởng dành cho con.
Con không phải chỉ là một sinh vật, con phải là một con người đúng nghĩa.
Khả năng con không có một giới hạn nào. Có một sinh vật nào đã tự gây ra lửa? Có một sinh vật nào đã làm chủ trọng lực, đã bay thấu trời cao, đã chiến thắng bệnh tật và khí hậu?
Đừng bao giờ đánh giá quá thấp khả năng của con.
Đừng bao giờ an phận sống trong đống rác của loài người.
Từ nay, đừng bao giờ che đậy tài năng của mình. Và đừng trì trệ. Con có nhớ đứa trẻ hay nói "đến khi ta lớn", rồi khi hắn lớn, "đến khi ta lập gia đình", rồi sau đó, "đến khi ta về hưu". Ngày hắn về hưu, hắn sẽ nhìn lại con đường hắn đã đi qua, hắn sẽ chỉ thấy một cánh đồng hoang vắng tàn tạ với những ngọn gió lạnh buốt châu thân. Và hắn sẽ than tiếc tại sao hắn đã bỏ lỡ cả một cuộc đời.
Hãy vui hưởng ngày hôm nay ... rồi ngày mai. Con đã trở về từ cõi chết. Con đã làm một phép lạ cho thế giới.
Đừng bao giờ tự kỷ. Mỗi ngày sẽ là một niềm vui mới, một thử thách mới.
Con đã được tái sinh. Hãy nhớ ngày sinh nhật mới này. Nhưng như lần trước, con vẫn toàn quyền chọn lựa cho cuộc đời mới của con, hoặc hạnh phúc hay tuyệt vọng, hoặc thành công hay thất bại. Một chọn lựa hoàn toàn của chính con. Ta chỉ có thể đứng nhìn, như lần trước với tất cả hãnh diện, hay buồn rầu.
Và luôn nhớ bốn định luật của hạnh phúc và thành công.
Đếm những ân phúc.
Tuyên dương cái độc đáo của mình.
Bước thêm một bước nữa.
Và khôn ngoan với những lựa chọn trong đời sống.
Sau cùng, một sợi dây để nối liền những nguyên lý trên. Đó là hãy sống và làm tất cả mọi sự với yêu thương ... yêu thương cho chính con, yêu thương cho tha nhân và yêu thương cho ta.
Hãy lau khô những dòng lệ. Hãy nắm tay ta và đứng cao người lên. Hãy để ta cắt đứt những dây rợ đã trói buộc đời con.
Ngày hôm nay con đã nhận lãnh lời tuyên cáo của ta.
"CON LÀ MỘT SÁNG TẠO NHIỆM MÀU NHẤT."
Với tất cả thương yêu,


CHA GIÀ


P.S. Nếu con đọc lá thư này mỗi tối trước khi đi ngủ, trong 30 đêm liên tiếp, ta hứa sẽ ban cho con một phần thưởng thật ngạc nhiên và thật tuyệt diệu.
(Xin phổ biến lá thơ nếu thích và xin ghi chú rõ là bản dịch từ Og Mandino và xuất xứ từ http://www.gocnhinalan.com/)
bản dịch từ Og Mandino

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Trực tiếp: Trận đánh chiếm Tripoli

Video:

2112: Jeffrey Kofman, phóng viên đài ABC tại Libya cho hay đã nhìn thấy các nhóm chiến binh thuộc phe nổi dậy từ khu tượng đài Chiến thắng ở Tripoli về nhà mang theo các hòm đạn cướp ra từ kho của lực lượng Gaddafi.

2056: BBC tiếng Anh hỏi 'Ông Gaddafi đang ở đâu' giữa lúc có nhiều tin đồn đoán khó kiểm chứng về số phận ông ta.

Các bài liên quan:
Đại tá Gaddafi tuyên bố tử thủ tại Tripoli nhưng không hề xuất hiện ở bất cứ đâu. Các kênh truyền hình của chính quyền ông không còn phát đều.
Phóng viên CNN, Sarah Sidner đăng trên mạng Twitter rằng người đọc tin cho truyền hình nhà nước Libya, bà Hala al-Misrati đã bị phe nổi dậy bắt nhưng không làm sao.
1950: Tổng thống Barack Obama nói "42 năm cầm quyền của ông Gaddafi đã chấm dứt". Hoa Kỳ cũng tuyên bố công nhận lực lượng thuộc Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia đóng tại Bengazhi và đang chuyển về Tripoli, là đại diện chính thức hợp pháp cho Libya.

Tổng thống Barack Obama nói "42 năm cầm quyền của ông Gaddafi đã chấm dứt"
1820 (giờ Anh): Truyền thông Phương Tây và đài Al Jazeera đưa tin giao tranh ác liệt diễn ra quanh khu Bab al Aziziyah là nơi trú ẩn của Đại tá Gaddafi (nếu ông ta còn trong đó).
Phóng viên BBC Matthew Price cho hay anh ở trong khách sạn Rixos tại trung tâm Tripoli, không xa trụ sở của nhà lãnh đạo Libya và ở sảnh khách sạn vẫn có quân lính trung thành với ông Gaddafi.
Đài truyền hình Nam Phi SABC đưa tin Angola m̀ơi ông Gaddafi sang tỵ nạn.
1701: Người đứng đầu Hội đồng Chuyển giao Quốc gia, Mustafa Abdel Jalil, nói ông sẽ từ chức nếu quân của ông tìm cách trả thù những người ủng hộ chính phủ.
1659: Pháp nói họ sẽ tổ chức cuộc họp giữa các cường quốc và lãnh đạo phe nổi dậy trong tuần sau.
Nga nói các nước nên giúp Libya thành lập chính phủ hợp pháp nhưng cảnh báo không ai nên can thiệp công việc nội bộ của Libya.
1630: Ban Ki-moon nói LHQ, do cố vấn đặc biệt Ian Martin dẫn dắt, đã lên kế hoạch giúp tái thiết Libya từ hai, ba tháng qua. Trong tuần này, ông sẽ họp với các tổ chức trong vùng.
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Đại tá Dave Lapan, nói họ “không có thông tin” là Đại tá Gaddafi đã rời Libya.
1624: Ban Ki-moon: “Tôi kêu gọi lực lượng của Đại tá Gaddafi chấm dứt bạo lực tức thì và mở đường cho sự chuyển giao hòa bình.”
1623: Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đang phát biểu ở New York. Ông nói “nay thật cần thiết để cuộc xung đột chấm dứt mà không gây thêm tổn hại về nhân mạng và trả thù.”
1520: Đại sứ Libya ở Kuwait, Muhammad al-Mubarak, tuyên bố nay ông làm việc cho phe nổi dậy. Ông nói sứ quán Libya ở Kuwait “từ hôm nay sẽ làm đại diện của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia.”
1519: Kenneth Roth (KenRoth), người đứng đầu tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, viết trên Twitter: “Có ai lại nghĩ Qaddafi lẽ ra đã đầu hàng sớm hơn nếu không phải vì lệnh bắt của Tòa Hình sự Quốc tế? Không phải đâu. Thông thường mọi tên độc tài đều giữ lấy quyền lực cho đến khi không giữ nổi nữa.”
1506: Thủ tướng Anh David Cameron đã nói chuyện với lãnh đạo hội đồng, Mustafa Abdul Jalil. Thủ tướng Anh “nhắc lại rằng Nato sẽ tiếp tục sứ mạng bảo vệ dân thường cho đến khi họ không còn bị Gaddafi đe dọa.”
1455: Ai Cập, nước láng giềng bờ đông của Syria và là nơi đã xảy ra nổi dậy đầu năm nay, nói họ nay công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của phe nổi dậy.

Khói bốc lên từ một khu phố của Tripoli trong ngày Thứ Hai
AFP cho hay Kuwait cũng nói họ xem Hội đồng là đại diện hợp pháp cho nhân dân Libya.
1428: Rana Jawad BBC News, Tripoli: “Mọi người ở đây nói chung cảm thấy sắp có kế liễu, nhưng có một số lo lắng về nơi ở của Đại tá Gaddafi, vì đã không thấy ông ta trong hơn hai tháng. Người dân lo ngại trận chiến sẽ rất đẫm máu và người ta chỉ chờ đến phút được nói mọi thứ đã xong. Nhưng chúng tôi phải nhấn mạnh mọi sự chưa xong.”
1327: Người phát ngôn Bộ ngoại giao Italy Maurizio Massari nói với BBC World Service: “Chính thể Gaddafi đã dứt. 40 năm độc tài sắp chấm hết. Điều này gửi ra tín hiệu rất quan trọng và rõ ràng cho mọi kẻ độc tài trong khu vực.”
1317: Mustafa Abdul-Jalil, chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, nói với kênh al-Arabiya rằng vẫn chưa biết Đại tá Gaddafi đang ở đâu.
1303: Mời quý vị chia sẻ Bấm suy nghĩ, bình luận về Libya ở đây.
1205: Thương lượng đang diễn ra giữa Tòa Hình sự Quốc tế và phe nổi dậy Libya quanh việc chuyển giao con trai của Đại tá Gaddafi, Saif al-Islam. Ông này đã bị bắt khi quân nổi dậy tiến vào Tripoli. Tòa Hình sự Quốc tế muốn đưa ông này về Hague để đối diện cáo buộc phạm tội chống nhân loại.
Một người con trai khác, Mohammed, cũng đang bị giam giữ.
1100: Giao tranh còn đang tiếp tục ở một số nơi trong thủ đô Tripoli.
Một phóng viên BBC tại thành phố nói dường như đang có nhiều mặt trận, mặc dù phe nổi dậy nói họ kiểm soát đa phần thủ đô.
Các lãnh đạo nổi dậy thúc giục quân lính kiềm chế và không trả thù.
1048:Luis Moreno-Ocampo, công tố viên của Tòa Hình sự Quốc tế, nói với AP rằng ông sẽ liên hệ với quân nổi dậy để yêu cầu họ trao lại Saif al-Islam Gaddafi, con trai của Đại tá Gaddafi.

1040: BBC Monitoring cho biết kênh truyền hình nhà nước Al-Jamahiriyah đang không nói gì về các diễn biến thời sự mà lại truyền một chương trình về bệnh tim.
1033:Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Hoa Kỳ về quan hệ ngoại giao, nói với Financial Times rằng có thể cần lực lượng quốc tế để “phục hồi và duy trì trật tự”.
1028:“Hội đồng (Chuyển tiếp Quốc gia) sẽ làm gì với Gaddafi? Tôi thuộc trong số những người muốn thấy ông ta còn sống,” Omar Turbi, cố vấn cho Hội đồng, nói với BBC World Service. “Điều đó sẽ gửi cho thế giới tín hiệu rất quan trọng. Chúng tôi muốn làm điều văn minh.”
1017: Liên hiệp châu Âu (EU) nói họ đang lên kế hoạch cho một Libya không có Muammar Gaddafi.
1013: Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này tôn trọng lựa chọn của nhân dân Libya và hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định. Tuần rồi, phe nổi dậy nói sẽ giữ nguyên các hợp đồng làm ăn của Trung Quốc ở nước này và đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ tái thiết, theo Tân Hoa xã.

Chiến sự trên phố Tripoli
Phe nổi dậy bắn trả quân của Đại tá Gaddafi trong giao tranh trên phố Tripoli trong ngày đầu tuần
1009: Theo BBC Ả Rập sáng 22/8 tại London, thành phố Sirte, lớn thứ nhì Libya hiện vẫn chưa rơi vào tay quân nổi dậy. Nếu phe Gaddafi cố thủ tại đây, nơi có cả một sân bay quân sự, thì diễn biến tình hình những ngày tới sẽ khó đoán trước.
Các trang mạng Bắc Phi, Ả Rập có nhiều tin đồn thổi khó kiểm chứng về số phận Đại tá Muammar Gaddafi, nói rằng ông ta "đã trốn sang Algeria", hoặc "sang Chad", "Nam Phi" hoặc thậm chí "sang Venezuela".
Đêm 21/8 tin cho hay đài truyền hình của riêng ông Saif al-Islam, con trai ông Gaddafi, đã ngưng phát sóng. Đài truyền hình trung ương Libya thì chỉ phát các chương trình giải trí đã cũ.
Nato xác nhận đã bắn phá giúp quân nổi dậy các vị trí của quân chính phủ Gaddafi ngày hôm qua 21/8 tại Tripoli.
0956: Tùy viên Mahmud Nacua ở sứ quán Libya ở London tuyên bố chính phủ quân nổi dậy nay sẽ chuyển từ Benghazi sang Tripoli.
Quân nổi dậy tiến vào thủ đô Tripoli sau một ngày chiến sự căng thẳng trong tiếng hò reo của người dân Libya.
Đám đông trên Quảng trường Xanh chào đón họ, vẫy cờ và bắn súng chỉ thiên.
Nato tuyên bố chế độ Gaddafi đang 'sụp đổ'. Anh quốc cũng nói ngày đã tàn đối với Đại tá Muammar Gaddafi và kêu gọi ông này ra đi để tránh đổ máu cho người dân.
Có tin phe nổi dậy đã bắt được con trai ông Gaddafi là Saif al-Islam, trong khi bản thân lãnh tụ Libya thề tiếp tục chiến đấu.

Con trai Đại tá Muammar Gaddafi (phải) là Saif al-Islam Gaddafi (trái) đã bị bắt
Công tố viên Tòa Hình sự Quốc tế Luis Moreno-Ocampo cho hay ông đã được thông báo về vụ bắt con trai Gaddafi.
Tòa này đã truy tố Saif về tội tra tấn và giết hại dân thường. Các nguồn tin của phe nổi dậy nói một người con trai khác của Gaddafi, Muhammad, cũng bị bắt.
Chiến sự còn đang tiếp diễn tại một vài nơi trong thành phố. Phóng viên BBC Matthew Price có mặt tại Tripoli nói quân nổi dậy dường như đang tìm cách kiểm soát khách sạn mà các phóng viên nước ngoài đang trú ngụ.
Đại tá Gaddafi được tin vẫn còn trong tay hàng nghìn lính trong khi có tin nói nhiều người đã ra hàng quân nổi dậy.
Chủ tịch Hội đồng Chuyển giao Quốc gia của phe nổi dậy, Mustafa Mohammed Abdul Jalil, nói sáng sớm thứ Hai: "Tôi xin cảnh báo là vẫn còn các điểm kháng cự ở trong Tripoli và ngoại ô".
Bộ trưởng Thông tin của Gaddafi, Moussa Ibrahim, thì nói chiến sự kể từ trưa Chủ nhật đã làm 1.300 người chết và 5.000 người bị thương. Ông cũng nói thêm các bệnh viện đã quá tải.
Yêm trợ của Nato
Quân nổi dậy đã tiến về Tripoli từ các ngả đông và tây dưới sự yểm trợ của không quân Nato, vốn làm công việc thực thi nghị quyết của LHQ về bảo vệ thường dân.
Chính phủ Anh tối Chủ nhật ra thông cáo: "Cảnh tượng mà chúng tôi chứng kiến tại Tripoli cho thấy rõ ràng là ngày của Gaddafi đã tàn. Ông ta đã gây tội ác đáng ghê tởm chống lại người dân Libya và cần phải ra đi".
Cũng kêu gọi Đại tá Gaddafi từ chức, Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Rõ ràng là cuộc tấn công Tripoli đang diễn ra."
Truyền hình chiếu cảnh người Libya quỳ gối, hôn mặt đất trong cử chỉ tạ ơn điều mà họ gọi là "một ngày tốt lành".

Dẫm chân lên hình Đại tá Gaddafi
Dẫm chân lên hình Đại tá Gaddafi
Phóng viên của chúng tôi nói ở nhiều nơi trong thành phố Tripoli đã xảy ra giao tranh đẫm máu.
Bộ trưởng Thông tin Libya trong khi đó khẳng định là chính phủ "rất kiên cường" và nói họ còn hàng nghìn chiến binh.
Ông này cáo buộc Nato đã hậu thuẫn cho "các băng đảng có vũ trang" bằng không lực. Ông cũng nói thêm rằng trong hôm thứ Bảy 376 người chết và gần 900 người bị thương, tuy nhiên các con số này chưa thể được kiểm chứng độc lập.
Bộ trưởng Ibrahim nói rằng chính quyền Gaddafi sẵn sàng thảo luận với Ủy ban Chuyển giao Quốc gia của phe nổi dậy, nhưng trái với điều này, vào tối Chủ nhật ông Gaddafi lại lên truyền hình kêu gọi "thanh lọc" quân nổi dậy khỏi Tripoli.
Trong khi đó, người đứng đầu phe nổi dậy Mustafa Mohammed Abdul Jalil nói quân của ông có thể ngừng tấn công nếu như Đại tá Gaddafi chịu ra đi.
Nói về việc bắt giữ Said al-Islam Gaddafi, ông cũng cho biết con trai Gaddafi hiện "đang được giữ tại một nơi an toàn dưới sự bảo vệ cẩn mật cho tới khi được giao cho tòa án".
Ông Jalil cũng nói thêm rằng quân nổi dậy sẽ cho phép Đại tá Gaddafi và các con của ông ta được rời khỏi Libya một cách an toàn.


As Libyan rebels fought to consolidate their hold on Tripoli on Monday and early Tuesday, reports emerged that two sons of Libya's longtime leader were free despite earlier reports that rebels had captured them.

Saif al-Islam Gadhafi, son of Libyan leader Moammar Gadhafi, appeared to reporters in a convoy of armored Land Cruisers in Tripoli on Tuesday morning, more than a day after rebels claimed they had captured him. Hours earlier, Libya's ambassador to the United States said that one of Moammar Gadhafi's other sons, Mohammed Gadhafi, had escaped.
Here are the latest developments:
[Updated at 6:28 a.m. ET, 12:28 p.m. in Libya] A spokesman for the International Criminal Court (ICC), Fadi El Abdallah, tells CNN it did not receive confirmation from the National Transitional Council that Saif al-Islam Gadhafi was in their custody. But he said the Libyan authorities and Moammar Gadhafi had an obligation to co-operate with the ICC. “If the suspects go to another state we will seek the co-operation of that state,” he said.
[Updated at 6:12 a.m. ET, 12:12 p.m. in Libya] Al Jazeera reports that truckloads of armed rebel fighters have surrounded Libyan leader Moammar Gadhafi's Bab al Aziziya compound in Tripoli.
[Updated at 5:36 a.m. ET, 11:36 a.m. in Libya] Explosions heard near Gadhafi's compound in Tripoli, according to the Al Arabiya Arabic-language news station.
[Updated at 5:32 a.m. ET, 11:32 a.m. in Libya] A missile fired from Gadhafi's hometown of Sirte landed in the sea near the rebel-held city of Misrata Monday evening, NATO said Tuesday. The alliance said it had no reports of damage or injuries, but called the attack a "direct threat to innocent people."
[Updated at 5:05 a.m. ET, 11:05 a.m. in Libya] A boat that was supposed to evacuate foreign nationals stranded in Tripoli Tuesday will be delayed, the International Organization for Migration said.
The boat, which can carry 300 people, left the Libyan city of Benghazi Monday morning but the deteriorating security situation at Tripoli's port is causing delays, the organization said in a statement.
[Updated at 4:31 a.m. ET, 10:31 a.m. in Libya] NATO confirmed Tuesday that it has been dropping leaflets in the area of Zawiya, Libya.
One set of leaflets is intended to warn residents to stay away from military activities, NATO said in a statement to CNN. "The other leaflets were aimed at mercenaries fighting for (Gadhafi), encouraging them to give up the fight and to leave Libya."
The leaflets are in Arabic and French.
[Updated at 4:13 a.m. ET, 10:13 a.m. in Libya] News coming thick and fast now. British Prime Minister David Cameron made a series of calls to world leaders Monday, his office announced Tuesday.
Cameron spoke with U.N. Secretary-General Ban Ki-moon; the crown prince of the United Arab Emirates, the Qatari prime minister, and the presidents of the United States and France.
According to Downing Street:
– The calls showed a strong international resolve that Gadhafi needs to go and that it is essential that NATO and its partners play a vital role in protecting civilians
– Strong support for the important role of the National Transitional Council, including responding in a coordinated manner to any requests for assistance from the council once the conflict ends.
[Updated at 4:07 a.m. ET, 10:07 a.m. in Libya] A NATO spokeswoman in Naples, Italy, has reported that one surface-to-surface missile was fired within Libya Tuesday, landing in the sea near the rebel-held city of Misrata.
Earlier, NATO said three missiles had been fired.
[Updated at 3:36 a.m. ET, 9:36 a.m. in Libya] Doctors in Tripoli are overwhelmed, and there are not enough medical supplies, the International Committee of the Red Cross has said.
One clinic "has 40 beds, and all of the beds are taken. Some of the people have been treated or discharged and taken to other houses nearby in order to be treated," said the ICRC's Robin Waudo in Libya's capital.
[Updated at 2:30 a.m. ET, 8:30 a.m. in Libya] New details on the battle for Tripoli according to an opposition supporter who spoke to CNN's Rosemary Church and Jonathan Mann.
According to the opposition supporter, identified as "Ehab," the rebels set up sleeper cells in various neighborhoods across Tripoli. A "supervisor" was designated, who reported to a "commander."
Ehab says the eastern side of Tripoli is under rebel control. And adds that among the areas still in regime control include the Rixos Hotel/Bab al-Aziziya compound and the Bouslim neighborhood – home of the notorious Bouslim prison and one of the poorest sections of Tripoli.
When asked about who was in control of “Martyrs” Square, Ehab said that on Sunday/Monday, emotions overtook the fighters, so they rushed into the Square though they already knew that snipers were set up on rooftops of the buildings lining the square.
The rebels retreated, Ehad said, because of snipers and because it is a high priority for the rebels is to keep all families inside their homes and safe.
Ehad also told CNN that the opposition will not storm Gadhafi's Bab Al-Aziziya compound until NATO gives the go-ahead. "There should be some airstrikes as far as we know," he said. "We are hoping there will be a big bombardment in that area before."
[Updated at 12:30 a.m. ET, 6:30 a.m. in Libya] Good morning, the battle for Tripoli entered a new day Tuesday, with the whereabouts of Libyan leader Moammar Gadhafi still not known. Here's a recap of where things stand:

PREVIOUSLY REPORTED
– Two of Gadhafi's sons, who had been reported captured over the weekend, were free early Tuesday. Saif al-Islam Gadhafi, who is wanted by the International Criminal Court on war crimes charges, spoke briefly to CNN at the Rixos Hotel, one of the remaining pro-Gadhafi bastions in Tripoli.
– Mohammed Gadhafi escaped from rebel custody Monday, Libyan Ambassador Ali Suleiman Aujali told CNN.
– There was no explanation from the National Transitional Council, the rebel leadership, which had announced the capture of both Gadhafi sons.
– Renewed fighting could be heard around Zawiya, about 30 miles west of the capital. The town was a strategic stepping stone for the rebel advance into Tripoli over the weekend.
– The situation in Libya "is still very fluid," U.S. President Barack Obama said Monday. "There remains a degree of uncertainty and there are still regime elements who pose a threat."
– The U.S. State Department is "focused like a laser" on the issue of getting funding to the rebels' National Transitional Council, department spokeswoman Victoria Nuland said Monday. Nuland did not specify how much money could be provided, but said it would go toward "humanitarian needs" and "maintenance of essential services."
– Several U.S. politicians called on Libyan officials to take action against Abdel Basset Ali Mohmed al-Megrahi, the convicted bomber of Pan Am Flight 103. Al-Megrahi was the only person convicted over the 1988 bombing of Pan Am Flight 103, which killed 270 people. He was released from a Scottish prison in 2009.
– United Nations officials have not been able to contact Moammar Gadhafi, U.N. Secretary-General Ban Ki-moon told reporters Monday. "We've been trying to get in touch with him," Ban said, adding that he did not know Gadhafi's whereabouts.
– Ban said he plans to hold an urgent high-level meeting this week to discuss the situation with several regional organizations, including the African Union, the League of Arab States and the European Union.
– Libyan rebels have taken control of the country's state television network, Rebel TV reported. The Libyan state network was broadcasting a black screen.

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Đại tướng vừa ký thiệp cảm ơn người chúc thọ

Xem thêm:

- “Trong những ngày này, sức khỏe của Đại tướng ổn định. Vừa rồi, cụ đã ký thiệp cảm ơn những người tới chúc thọ tròn 100 tuổi” – Anh Võ Điện Biên, con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết.
Ngày 25/8 tới đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Sáng 21/8, văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức gặp mặt các thế hệ người giúp việc cho Đại tướng.

Trước đó một ngày, hơn 350 chiến sĩ Điện Biên Phủ đã họp mặt tại tại TP.HCM mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Chị Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng đã bay từ Hà Nội vào TP.HCM dự cuộc họp mặt này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký thiệp cảm ơn những người tới chúc thọ

Trả lời câu hỏi của Bee.net.vn về sức khỏe của Đại tướng, anh Võ Điện Biên cho biết: “Trong những ngày này, sức khỏe của Đại tướng ổn định. Vừa rồi, cụ đã ký thiệp cảm ơn những người tới chúc thọ tròn 100 tuổi”.

Theo anh Võ Điện Biên, các trợ lý vẫn mang báo tới cho Đại tướng và Đại tướng chỉ đọc lướt những tít lớn (in chữ to).

Chị Võ Hòa Bình bổ sung: “Khi có những sự kiện quan trọng, được dư luận quan tâm như căng thẳng trên Biển Đông, động đất ở Nhật Bản…, gia đình mới kể tường tận cho cụ” .

“Cụ vẫn nói chuyện nhưng nói nhỏ và khó nghe” – chị Võ Hòa Bình cho hay.

Lương Bích Ngọc



- "Anh đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân”. Suốt cuộc đời, Anh đã cống hiến cho dân, cho nước, nên Anh được toàn dân thương yêu, quý trọng. Đó là phần thưởng cao quý nhất, là nguồn động viên to lớn nhất và là tài sản tinh thần vô giá mà Anh gặt hái được trong cuộc đời cách mạng".

Ngày 21/8/2011, những người từng làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp mặt tại Văn phòng Đại tướng để mừng Đại tướng tròn 100 tuổi. Nhân dịp này, Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài viết về Đại tướng. Bee.net.vn xin đăng toàn văn bài viết:

Mùa thu tháng tám năm 2011 đã đến, năm nay Anh Văn - Đại tướng nguyên Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tròn 100 tuổi (Anh sinh ngày 25/8/1911). Tính tuổi theo phong tục dân tộc, năm nay Tân Mão anh đã tròn 101 xuân.
Nhìn lại lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, từ xưa đến nay, Anh là một vị tướng kiệt xuất sống lâu nhất, thọ nhất. Thật là tự hào cho đất nước và hạnh phúc cho Anh cùng gia đình.
Hơn một năm nay, tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng giảm, Anh phải nằm điều dưỡng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhiều đồng bào, đồng chí trong nước, ngoài nước đã hướng về Hà Nội theo dõi sức khỏe của Anh, mong Anh sống lâu, sống thọ trên 100 tuổi.
Lòng mong ước ấy nay đã trở thành hiện thực. Chúng ta cảm ơn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc Anh.
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, với tất cả tấm lòng yêu thương, quý trọng Anh Văn - Đại tướng nguyên Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng ta vui mừng kính gửi đến Anh lời mừng thọ, lời chúc mừng thắm thiết nhất. Chúc Anh với sự chăm sóc tận tình của bệnh viện, sức khỏe tiếp tục ổn định, tỉnh táo, trường thọ để chứng kiến sự phát triển tiến lên của đất nước trong công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại tướng đến thăm đền Mê Linh, một lão nông đã tặng đĩa bánh trôi, tượng trưng cho lòng kính trọng của dân làng đối với người có công với dân, với nước (1995). Ảnh Trần Tuấn
Sự nuôi dạy của gia đình, quê hương, truyền thống và văn hóa của dân tộc, lý tưởng và cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng - Bác Hồ, của toàn dân, toàn quân ta đã hun đúc nên một nhân vật lịch sử tiêu biểu, một vị tướng kiệt xuất, người con anh hùng của dân tộc, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Nhìn lại cuộc đời Anh, từ đầu thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 đến nay, một thế kỷ qua, Anh đã sống, học tập, hoạt động, chiến đấu hết sức phong phú và sáng tạo, hết sức sôi nổi và hào hùng, trọn đời vì nước vì dân.

"Văn lo vận nước văn thành Võ/Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”
Thời tuổi trẻ, Anh học giỏi thông minh, thường đứng đầu lớp, đứng đầu kỳ thi lúc học trường Tổng, trường huyện, giỏi tiếng Việt, tiếng Pháp, tự học vươn lên đậu tú tài, vừa đi dạy, vừa hoạt động, vừa đi học đã đỗ thủ khoa môn kinh tế - chính trị học trong kỳ thi học sinh giỏi toàn Đông Dương, sau đó đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp cử nhân luật. Anh sớm nhận biết nỗi nhục mất nước, ghét Tây, nên ngay từ đầu đã chọn đúng hướng đi cho cuộc đời: Từ chối học bổng của chính quyền thực dân cấp cho sang Pháp học để về làm việc cho họ, mà dấn thân vào phong trào yêu nước, tham gia Đảng Cộng sản để đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, cứu nước, cứu dân. Đang hoạt động ở trong nước, khi cách mạng cần, Anh đã sẵn sàng rời bục giảng, xếp bút nghiên, từ giã vợ con yêu dấu để lên đường đi hoạt động theo sự phân công của Đảng.
Là một trí thức tham gia cách mạng, anh đã may mắn sớm gặp được Bác Hồ, được Bác giao nhiệm vụ, rèn luyện thử thách trong thời kỳ đầu cách mạng. Với nhãn quan sắc sảo, Bác Hồ đã sớm phát hiện ra phẩm chất và tài năng của Anh. Một thầy giáo, người làm việc văn mà tiềm ẩn bên trong một tài năng về võ. Bác và Đảng đã tin tưởng giao cho Anh phụ trách quân sự, có nhiệm vụ thành lập ra đội quân chủ lực đầu tiên, xây dựng đội quân ấy nhanh chóng phát triển thành Việt Nam Giải phóng quân - Quân đội quốc gia về sau gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam và ủy quyền làm Tổng chỉ huy, về sau là Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy quân đội ấy đánh giặc, cứu nước.
Mặc dầu giao cho anh việc Võ, nhưng Bác vẫn gọi anh là Văn. Phải chăng, Bác Hồ muốn căn dặn làm việc Võ nhưng phải trên nền Văn. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công-Hà Nội khái quát về anh thật biện chứng, sâu sắc: “Văn lo vận nước văn thành Võ/Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”.
Qua sự kiện này, chúng ta càng thấy Bác Hồ thật sáng suốt, Bác đã chọn đúng người, giao đúng việc. Có thể nói, đây là một hạnh phúc cho dân tộc ta, quân đội ta. Anh đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Bác giao, là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và là người học trò xuất sắc, gần gũi nhất của Bác Hồ. Anh thuộc thế hệ những người lãnh đạo cùng với Bác Hồ chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.
Anh là một vị tướng không qua trường lớp quân sự nào và ngay từ đầu không phải đã có sẵn quân đội mà qua hoạt động chính trị, đi vận động quần chúng, phát triển lực lượng chính trị rồi tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập và xây dựng đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, càng đánh càng mạnh, càng thắng, trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Qua tôi luyện trong thực tế chiến đấu và nghiên cứu học tập kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc ta và của thế giới, Anh đã trở thành một vị tướng kiệt xuất, đã từng đánh bại nhiều Đại tướng sừng sỏ của các đội quân xâm lược.
Anh là một vị tướng bậc thầy của chiến tranh nhân dân. Đánh giặc luôn dựa chắc vào nhân dân, vào sức mạnh đoàn kết quân dân, vào sức mạnh của ba thứ quân, lấy quân chủ lực làm nòng cốt. Đánh giặc với tinh thần tiến công quyết chiến, quyết thắng, kết hợp với trí thông minh sáng tạo, dũng cảm và mưu trí. Đánh giặc bằng mọi cách: Kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, với tư tưởng chỉ đạo: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.
Tư tưởng chiến lược là tiến công, nhưng cách đánh thì có tiến công, có phòng ngự khi cần thiết. Đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, kết hợp thô sơ và hiện đại; lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều; luôn coi trọng bí mật bất ngờ, nghi binh lừa địch; coi trọng làm đường quân sự để bảo đảm hậu cần và bảo đảm cơ động lực lượng.
Anh luôn xuất phát từ thực tiễn, phân tích so sánh lực lượng một cách biện chứng, làm rõ chỗ mạnh, chỗ yếu, thuận lợi, khó khăn của địch, của ta để tìm ra cách đánh phù hợp, hiệu quả cao, thương vong ít, quyết đoán, táo bạo nhưng chắc thắng, không chủ quan duy ý chí. Anh luôn coi trọng tổng kết thực tiễn rút kinh nghiệm để quân đội càng đánh càng trưởng thành, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học để xây dựng nền khoa học quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trong 34 năm cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Anh đã góp phần lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám; với tư cách là Tổng tư lệnh, Bí thư Tổng Quân ủy sau này là Quân ủy Trung ương, Anh đã trực tiếp chỉ huy quân đội ta cùng với toàn dân chiến đấu lập nhiều chiến công oanh liệt, nhiều thành tích vẻ vang trong cuộc kháng chiến 30 năm đánh thắng hai đế quốc to, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Vị tướng của nhân dân
Khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, Anh được phân công phụ trách hai lĩnh vực khoa học và giáo dục, trong đó có một thời gian tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn 20 năm phụ trách các công tác ấy, Anh đã góp phần xây dựng nền khoa học và nền giáo dục nước nhà đạt một số thành tựu phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới, đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta.
Suốt thời gian về nghỉ, tuy tuổi cao, nhưng Anh luôn quan tâm theo dõi tình hình đất nước và quốc tế, tích cực đóng góp ý kiến với lãnh đạo những vấn đề mà Anh cho là quan trọng. Anh đã có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới như: Cổ vũ tinh thần thực tiễn, năng động, sáng tạo, chống giáo điều bảo thủ, tham gia ý kiến về chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; chiến lược phát triển kinh tế và khoa học biển; chiến lược bảo vệ Tổ quốc; về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; về chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực…
Anh là một vị tướng hầu như được toàn quân tuyệt đối tin tưởng, kính trọng, yêu mến. Tướng lĩnh của quân đội ta đã từng ca ngợi Anh: Là “vị tướng văn võ song toàn”, “nhà chiến lược thiên tài, nhà quân sự lỗi lạc”, “vị tướng huyền thoại”, “vị tướng kiệt xuất”, “là tướng của các vị tướng, tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”, “là vị Tổng tư lệnh không phạm sai lầm trong chiến lược, chiến thuật”. Có vị tướng cho rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực chất là Đại nguyên soái thời đại Hồ Chí Minh. Đúng Anh là người Anh cả của quân đội ta.
Anh là một vị tướng được đồng bào, đồng chí trong cả nước quý trọng, tin tưởng, biết ơn. Trong nhiều năm qua, khi anh đã về nghỉ, cứ đến ngày lễ, ngày Tết, sinh nhật, đông đảo đồng bào, đồng chí đến thăm, chúc mừng anh. Nhiều đồng chí cho rằng đây là một hiện tượng hiếm có. Một đồng chí lãnh đạo mà khi về nghỉ, người đến thăm hỏi đông hơn, nhiều hơn khi còn làm việc và thể hiện tình cảm thắm thiết, sâu nặng. Đúng Anh là một vị tướng của nhân dân!
Anh cũng là một vị tướng được đông đảo bạn bè quốc tế kính phục. Nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam đã đến tận nhà thăm Anh. Nhiều chính khách, nhiều nhà khoa học, sử học, nhà quân sự nhiều nước, kể cả các tướng lĩnh là đối phương trước đây đều khâm phục Anh, có nhiều tác phẩm viết về Anh. Họ coi Anh “là vị tướng huyền thoại”, “một vị tướng vĩ đại”, “một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20” “một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại”. Anh đúng là một vị tướng kiệt xuất của nhân loại!
Anh là vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới, không chỉ vì tài năng và sự nghiệp Anh đã cống hiến mà còn vì phẩm chất đạo đức trong sáng. Anh đã hết lòng yêu nước, thương dân, “dĩ công vi thượng”, toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Anh sống khiêm nhường, bao dung độ lượng, lắng nghe ý kiến, dân chủ bàn bạc, chan hòa, gần gũi, thương yêu cán bộ chiến sĩ, tôn trọng nhân dân, quan tâm đến gia đình, bạn bè, đồng chí. Anh sống trọng nhân nghĩa, trung thực, liêm khiết, gương mẫu. Đúng anh là một vị nhân tướng!
Tình cảm yêu thương, quý trọng của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đối với Anh thật là bao la, thể hiện nghĩa tình thật là sâu đậm. Tình cảm ấy đã đi vào các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Biết bao tác phẩm về thơ, câu đối, nhạc, kịch, phim, ảnh, tượng, tranh, sách, báo trong nước và ngoài nước nói về Anh. Biết bao vật phẩm quý báu được mang đến tặng Anh. Tất cả đều thể hiện một tình cảm chân thành và nồng hậu. Lòng dân là tất cả.
Anh đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân”. Suốt cuộc đời, Anh đã cống hiến cho dân, cho nước, nên Anh được toàn dân thương yêu, quý trọng. Đó là phần thưởng cao quý nhất, là nguồn động viên to lớn nhất và là tài sản tinh thần vô giá mà Anh gặt hái được trong cuộc đời cách mạng.
Năm nay, Anh đã vượt 100 tuổi, xin chúc Anh vui, thanh thản, trường thọ.


Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp



Đại tá Nguyễn Văn Nhựa, người bác sĩ riêng gần 20 năm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, sức khỏe của Đại tướng vẫn ổn định. "Sáng nào tôi cũng vào thăm, kiểm tra sức khỏe Đại tướng. Gần đến ngày sinh nhật lần thứ 100, tinh thần Đại tướng có phần phấn chấn hơn", đại tá Nhựa cho hay.
Cũng theo vị bác sĩ này, tướng Giáp rất tỉnh táo, minh mẫn. Tất cả bạn bè, người thân vào thăm, ông đều nhận ra và bắt tay. Để đáp lại tấm lòng của những đồng chí, đồng đội và bạn bè tới thăm, chúc thọ nhân dịp tròn 100 tuổi (25/8/2011), đích thân Đại tướng còn ký thiệp để cảm ơn những người tới thăm, chúc thọ dù tay run và chữ ký không đẹp như xưa.

Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng nhận tác phẩm 101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ NguyênGiáp từ nhà báo, nghệ sĩ Trần Tuấn (ngoài cùng bên phải) Ảnh:Nguyễn Hưng.
Sáng 21/8, văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức cuộc gặp mặt các thế hệ người giúp việc cho Đại tướng. Ngoài những người trợ lý lâu năm, cuộc gặp gỡ còn có nhiều đồng đội, nghệ sĩ, bạn bè gắn bó lâu năm với gia đình Đại tướng.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đại tá Nguyễn Huyên, người trợ lý lâu năm nhất của Đại tướng khẳng định, lịch sử nước ta cũng như thế giới từ xưa tới nay, chưa có vị tướng kiệt xuất nào sống thọ như Đại tướng. Đây là niềm tự hào, hạnh phúc cho đất nước cũng như gia đình.
Theo vị đại tá này, trong nhiều năm qua, khi Đại tướng đã về nghỉ, cứ đến ngày lễ, ngày tết, sinh nhật, đông đảo đồng bào, đồng chí đã đến thăm, chúc mừng. "Nhiều đồng chí cho rằng đây là một hiện tượng hiếm có. Một đồng chí lãnh đạo mà khi về nghỉ, người đến thăm hỏi đông hơn, nhiều hơn khi còn làm việc và thể hiện tình cảm thắm thiết, sâu nặng", người trợ lý 40 năm của tướng Giáp bồi hồi.
Nhắc lại quãng đời binh nghiệp của Đại tướng, đại tá Huyên kể, dù giao cho anh việc Võ, nhưng Bác Hồ vẫn gọi anh là Văn. "Phải chăng, Bác Hồ muốn căn dặn làm việc Võ nhưng phải trên nền Văn. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công (Hà Nội) khái quát về anh: 'Văn lo vận nước văn thành Võ. Võ thấu lòng dân võ hóa Văn'", đại tá Huyên nói.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Giáo sư Phan Huy Lê tặng gia đình Đại tướng bức ảnh ông chụp chung với Hội sử học Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Không kìm được nước mắt khi phát biểu, nghệ sĩ tranh cát Ý Lan cho biết, ý tưởng khắc họa chân dung Đại tướng trên tranh cát không gì ngoài lòng yêu kính với vị Tổng tư lệnh của quân đội nhân dân Việt Nam. Sắp tới, toàn bộ những tác phẩm về Đại tướng sẽ được bà tặng lại cho gia đình. Trong khi đó, vừa kịp hoàn thành tác phẩm "101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp" sau 35 năm theo chân Đại tướng, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn cũng trực tiếp trao tặng cho bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng...
Ngoài những người trực tiếp có mặt tại cuộc gặp, gia đình Đại tướng cũng đã nhận được tình cảm của người dân từ khắp nơi trên cả nước với những lẵng hoa, câu thơ chúc mừng dịp Đại tướng 100 tuổi như cựu chiến binh Trần Thịnh ở (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội): "Dùng binh thao lược tựa Lý, Trần/ Tận trung với nước, hiếu với dân/ Vược mọi phong ba tâm trong sáng/ Thọ ngoại bách niên danh vạn xuân"; hay người dân ở làng Thượng Phú Đình (Thái Nguyên): "Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/ Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc bách niên thọ/ Hoàn cầu có một không có hai"...

Theo vnexpress

Báo Pháp: "Tướng Giáp, nhà chiến lược của
tự do”

Tạp chí Nhân đạo của Pháp số cuối tuần gần đây đã dành đặc biệt 6 trang in màu để viết về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bài viết có tiêu đề “Tướng Giáp, nhà chiến lược của tự do” do nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel - nguyên là phóng viên thường trú báo Nhân đạo tại Việt Nam trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, viết.
Tác giả cũng đã sử dụng những bức ảnh tư liệu quý giá về cuộc làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
p với Bác Hồ; về đoàn xe đạp thồ với “khoảng 260.000 chiếc" vượt qua rừng rậm đi dưới làn bom napal của thực dân Pháp để tiếp viện chiến dịch Điện Biện Phủ, rồi hình ảnh các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam vẫy cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng De Castries, ngày 7/5/1954, tại chiến dịch Điên Biên Phủ; ảnh xe tăng Việt Nam đâm đổ cánh cổng của Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn giành chiến thắng kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước… để minh họa cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cuộc đời ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam trước đây.
Trong bài báo của mình, Daniel Roussel thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt Nam, từ sinh trưởng cho tới khi trở thành vị Đại tướng, chỉ huy cuộc đấu tranh của quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trước thực dân Pháp với trận Điện Biên Phủ vang dội địa cầu.
Tác giả cũng nêu bật vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước cũng như những đóng góp của ông đối với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam.
Tác giả viết: "Năm 1986, ông ủng hộ cho chính sách đổi mới về kinh tế đất nước, chính sự đổi mới này đã đưa Việt Nam đi lên trên con đường phát triển. Ông luôn gần gũi nhân dân và thấy được mọi khó khăn của người dân."
Bài báo cũng có đoạn: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại một làng nhỏ ở miền Trung Việt Nam, trong một gia đình trồng lúa. Nhưng rồi lần lượt ông đã trở thành giáo sư, nhà báo, nhà lãnh đạo chính trị và Đại tướng của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông sinh ra không hề được báo trước là sẽ trở thành một thiên tài về quân sự. Nhưng năm 1940, khi lần đầu tiên ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, ông bắt đầu nghiên cứu các vấn đề quân sự và những thao lược quân sự trong sách giáo khoa của Pháp. Ông nghiên cứu nghệ thuật chiến tranh trong như từng nghiên cứu chủ nghĩa Mác…"
Tác giả cũng cho biết, bài viết này là kết quả của hàng chục lần tác giả được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả tình cảm quý mến và sự kính trọng.
Theo ông, Đại tướng là con người rất dễ chịu, thạo nói tiếng Pháp, có cái nhìn trực diện và cái bắt tay chắc nịch. Đây cũng chính là những biểu hiện của người lãnh đạo.
Kể lại những kỷ niệm của tác giả khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông ở tuổi 30, tác giả Daniel Roussel cho biết trong những cuộc gặp này không bao giờ có vấn đề gì bị coi là cấm kỵ không được đề cập đến. Nhưng khi gặp một vấn đề khó chịu, giọng Đại tướng trở nên đanh lại. Ông là con người của sự nhiệt huyết và là "vị tướng của hòa bình.”
Daniel Roussel viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống ở Việt Nam - nhà chiến lược đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc chiến tranh của Thực dân Pháp; năm 1973 buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt sự xâm lược Việt Nam và năm 1975, làm tan rã quân đội “bù nhìn” miền Nam Việt Nam thống nhất đất nước. Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược chiến tranh nhân dân.”
Nhưng theo Daniel Roussel, trước hết đối với nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại diện cho một trong những người trung thành với tư tưởng Hồ Chí Chí Minh - người đã khai sinh ra nền độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Theo Lê Hà
Vietnam+