Xem thêm:
Ngày 25/8 tới đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Sáng 21/8, văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức gặp mặt các thế hệ người giúp việc cho Đại tướng.
Trước đó một ngày, hơn 350 chiến sĩ Điện Biên Phủ đã họp mặt tại tại TP.HCM mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Chị Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng đã bay từ Hà Nội vào TP.HCM dự cuộc họp mặt này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký thiệp cảm ơn những người tới chúc thọ
Trả lời câu hỏi của Bee.net.vn về sức khỏe của Đại tướng, anh Võ Điện Biên cho biết: “Trong những ngày này, sức khỏe của Đại tướng ổn định. Vừa rồi, cụ đã ký thiệp cảm ơn những người tới chúc thọ tròn 100 tuổi”.
Theo anh Võ Điện Biên, các trợ lý vẫn mang báo tới cho Đại tướng và Đại tướng chỉ đọc lướt những tít lớn (in chữ to).
Chị Võ Hòa Bình bổ sung: “Khi có những sự kiện quan trọng, được dư luận quan tâm như căng thẳng trên Biển Đông, động đất ở Nhật Bản…, gia đình mới kể tường tận cho cụ” .
Lương Bích Ngọc
- "Anh đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân”. Suốt cuộc đời, Anh đã cống hiến cho dân, cho nước, nên Anh được toàn dân thương yêu, quý trọng. Đó là phần thưởng cao quý nhất, là nguồn động viên to lớn nhất và là tài sản tinh thần vô giá mà Anh gặt hái được trong cuộc đời cách mạng".
Ngày 21/8/2011, những người từng làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp mặt tại Văn phòng Đại tướng để mừng Đại tướng tròn 100 tuổi. Nhân dịp này, Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài viết về Đại tướng. Bee.net.vn xin đăng toàn văn bài viết:
Nhìn lại lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, từ xưa đến nay, Anh là một vị tướng kiệt xuất sống lâu nhất, thọ nhất. Thật là tự hào cho đất nước và hạnh phúc cho Anh cùng gia đình.
Hơn một năm nay, tuổi ngày càng cao, sức khỏe ngày càng giảm, Anh phải nằm điều dưỡng ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhiều đồng bào, đồng chí trong nước, ngoài nước đã hướng về Hà Nội theo dõi sức khỏe của Anh, mong Anh sống lâu, sống thọ trên 100 tuổi.
Lòng mong ước ấy nay đã trở thành hiện thực. Chúng ta cảm ơn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc Anh.
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, với tất cả tấm lòng yêu thương, quý trọng Anh Văn - Đại tướng nguyên Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng ta vui mừng kính gửi đến Anh lời mừng thọ, lời chúc mừng thắm thiết nhất. Chúc Anh với sự chăm sóc tận tình của bệnh viện, sức khỏe tiếp tục ổn định, tỉnh táo, trường thọ để chứng kiến sự phát triển tiến lên của đất nước trong công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đại tướng đến thăm đền Mê Linh, một lão nông đã tặng đĩa bánh trôi, tượng trưng cho lòng kính trọng của dân làng đối với người có công với dân, với nước (1995). Ảnh Trần Tuấn
Sự nuôi dạy của gia đình, quê hương, truyền thống và văn hóa của dân tộc, lý tưởng và cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng - Bác Hồ, của toàn dân, toàn quân ta đã hun đúc nên một nhân vật lịch sử tiêu biểu, một vị tướng kiệt xuất, người con anh hùng của dân tộc, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.Nhìn lại cuộc đời Anh, từ đầu thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 đến nay, một thế kỷ qua, Anh đã sống, học tập, hoạt động, chiến đấu hết sức phong phú và sáng tạo, hết sức sôi nổi và hào hùng, trọn đời vì nước vì dân.
"Văn lo vận nước văn thành Võ/Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”
Thời tuổi trẻ, Anh học giỏi thông minh, thường đứng đầu lớp, đứng đầu kỳ thi lúc học trường Tổng, trường huyện, giỏi tiếng Việt, tiếng Pháp, tự học vươn lên đậu tú tài, vừa đi dạy, vừa hoạt động, vừa đi học đã đỗ thủ khoa môn kinh tế - chính trị học trong kỳ thi học sinh giỏi toàn Đông Dương, sau đó đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp cử nhân luật. Anh sớm nhận biết nỗi nhục mất nước, ghét Tây, nên ngay từ đầu đã chọn đúng hướng đi cho cuộc đời: Từ chối học bổng của chính quyền thực dân cấp cho sang Pháp học để về làm việc cho họ, mà dấn thân vào phong trào yêu nước, tham gia Đảng Cộng sản để đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, cứu nước, cứu dân. Đang hoạt động ở trong nước, khi cách mạng cần, Anh đã sẵn sàng rời bục giảng, xếp bút nghiên, từ giã vợ con yêu dấu để lên đường đi hoạt động theo sự phân công của Đảng.Là một trí thức tham gia cách mạng, anh đã may mắn sớm gặp được Bác Hồ, được Bác giao nhiệm vụ, rèn luyện thử thách trong thời kỳ đầu cách mạng. Với nhãn quan sắc sảo, Bác Hồ đã sớm phát hiện ra phẩm chất và tài năng của Anh. Một thầy giáo, người làm việc văn mà tiềm ẩn bên trong một tài năng về võ. Bác và Đảng đã tin tưởng giao cho Anh phụ trách quân sự, có nhiệm vụ thành lập ra đội quân chủ lực đầu tiên, xây dựng đội quân ấy nhanh chóng phát triển thành Việt Nam Giải phóng quân - Quân đội quốc gia về sau gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam và ủy quyền làm Tổng chỉ huy, về sau là Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy quân đội ấy đánh giặc, cứu nước.
Mặc dầu giao cho anh việc Võ, nhưng Bác vẫn gọi anh là Văn. Phải chăng, Bác Hồ muốn căn dặn làm việc Võ nhưng phải trên nền Văn. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công-Hà Nội khái quát về anh thật biện chứng, sâu sắc: “Văn lo vận nước văn thành Võ/Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”.
Qua sự kiện này, chúng ta càng thấy Bác Hồ thật sáng suốt, Bác đã chọn đúng người, giao đúng việc. Có thể nói, đây là một hạnh phúc cho dân tộc ta, quân đội ta. Anh đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Bác giao, là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và là người học trò xuất sắc, gần gũi nhất của Bác Hồ. Anh thuộc thế hệ những người lãnh đạo cùng với Bác Hồ chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.
Anh là một vị tướng không qua trường lớp quân sự nào và ngay từ đầu không phải đã có sẵn quân đội mà qua hoạt động chính trị, đi vận động quần chúng, phát triển lực lượng chính trị rồi tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập và xây dựng đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, càng đánh càng mạnh, càng thắng, trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Qua tôi luyện trong thực tế chiến đấu và nghiên cứu học tập kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc ta và của thế giới, Anh đã trở thành một vị tướng kiệt xuất, đã từng đánh bại nhiều Đại tướng sừng sỏ của các đội quân xâm lược.
Anh là một vị tướng bậc thầy của chiến tranh nhân dân. Đánh giặc luôn dựa chắc vào nhân dân, vào sức mạnh đoàn kết quân dân, vào sức mạnh của ba thứ quân, lấy quân chủ lực làm nòng cốt. Đánh giặc với tinh thần tiến công quyết chiến, quyết thắng, kết hợp với trí thông minh sáng tạo, dũng cảm và mưu trí. Đánh giặc bằng mọi cách: Kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, với tư tưởng chỉ đạo: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.
Tư tưởng chiến lược là tiến công, nhưng cách đánh thì có tiến công, có phòng ngự khi cần thiết. Đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, kết hợp thô sơ và hiện đại; lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều; luôn coi trọng bí mật bất ngờ, nghi binh lừa địch; coi trọng làm đường quân sự để bảo đảm hậu cần và bảo đảm cơ động lực lượng.
Anh luôn xuất phát từ thực tiễn, phân tích so sánh lực lượng một cách biện chứng, làm rõ chỗ mạnh, chỗ yếu, thuận lợi, khó khăn của địch, của ta để tìm ra cách đánh phù hợp, hiệu quả cao, thương vong ít, quyết đoán, táo bạo nhưng chắc thắng, không chủ quan duy ý chí. Anh luôn coi trọng tổng kết thực tiễn rút kinh nghiệm để quân đội càng đánh càng trưởng thành, coi trọng công tác nghiên cứu khoa học để xây dựng nền khoa học quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trong 34 năm cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Anh đã góp phần lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám; với tư cách là Tổng tư lệnh, Bí thư Tổng Quân ủy sau này là Quân ủy Trung ương, Anh đã trực tiếp chỉ huy quân đội ta cùng với toàn dân chiến đấu lập nhiều chiến công oanh liệt, nhiều thành tích vẻ vang trong cuộc kháng chiến 30 năm đánh thắng hai đế quốc to, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Vị tướng của nhân dân
Khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, Anh được phân công phụ trách hai lĩnh vực khoa học và giáo dục, trong đó có một thời gian tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn 20 năm phụ trách các công tác ấy, Anh đã góp phần xây dựng nền khoa học và nền giáo dục nước nhà đạt một số thành tựu phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới, đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta.
Suốt thời gian về nghỉ, tuy tuổi cao, nhưng Anh luôn quan tâm theo dõi tình hình đất nước và quốc tế, tích cực đóng góp ý kiến với lãnh đạo những vấn đề mà Anh cho là quan trọng. Anh đã có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới như: Cổ vũ tinh thần thực tiễn, năng động, sáng tạo, chống giáo điều bảo thủ, tham gia ý kiến về chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; chiến lược phát triển kinh tế và khoa học biển; chiến lược bảo vệ Tổ quốc; về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; về chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực…
Anh là một vị tướng hầu như được toàn quân tuyệt đối tin tưởng, kính trọng, yêu mến. Tướng lĩnh của quân đội ta đã từng ca ngợi Anh: Là “vị tướng văn võ song toàn”, “nhà chiến lược thiên tài, nhà quân sự lỗi lạc”, “vị tướng huyền thoại”, “vị tướng kiệt xuất”, “là tướng của các vị tướng, tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”, “là vị Tổng tư lệnh không phạm sai lầm trong chiến lược, chiến thuật”. Có vị tướng cho rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực chất là Đại nguyên soái thời đại Hồ Chí Minh. Đúng Anh là người Anh cả của quân đội ta.
Anh là một vị tướng được đồng bào, đồng chí trong cả nước quý trọng, tin tưởng, biết ơn. Trong nhiều năm qua, khi anh đã về nghỉ, cứ đến ngày lễ, ngày Tết, sinh nhật, đông đảo đồng bào, đồng chí đến thăm, chúc mừng anh. Nhiều đồng chí cho rằng đây là một hiện tượng hiếm có. Một đồng chí lãnh đạo mà khi về nghỉ, người đến thăm hỏi đông hơn, nhiều hơn khi còn làm việc và thể hiện tình cảm thắm thiết, sâu nặng. Đúng Anh là một vị tướng của nhân dân!
Anh cũng là một vị tướng được đông đảo bạn bè quốc tế kính phục. Nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam đã đến tận nhà thăm Anh. Nhiều chính khách, nhiều nhà khoa học, sử học, nhà quân sự nhiều nước, kể cả các tướng lĩnh là đối phương trước đây đều khâm phục Anh, có nhiều tác phẩm viết về Anh. Họ coi Anh “là vị tướng huyền thoại”, “một vị tướng vĩ đại”, “một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20” “một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại”. Anh đúng là một vị tướng kiệt xuất của nhân loại!
Anh là vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới, không chỉ vì tài năng và sự nghiệp Anh đã cống hiến mà còn vì phẩm chất đạo đức trong sáng. Anh đã hết lòng yêu nước, thương dân, “dĩ công vi thượng”, toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Anh sống khiêm nhường, bao dung độ lượng, lắng nghe ý kiến, dân chủ bàn bạc, chan hòa, gần gũi, thương yêu cán bộ chiến sĩ, tôn trọng nhân dân, quan tâm đến gia đình, bạn bè, đồng chí. Anh sống trọng nhân nghĩa, trung thực, liêm khiết, gương mẫu. Đúng anh là một vị nhân tướng!
Tình cảm yêu thương, quý trọng của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đối với Anh thật là bao la, thể hiện nghĩa tình thật là sâu đậm. Tình cảm ấy đã đi vào các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Biết bao tác phẩm về thơ, câu đối, nhạc, kịch, phim, ảnh, tượng, tranh, sách, báo trong nước và ngoài nước nói về Anh. Biết bao vật phẩm quý báu được mang đến tặng Anh. Tất cả đều thể hiện một tình cảm chân thành và nồng hậu. Lòng dân là tất cả.
Anh đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân”. Suốt cuộc đời, Anh đã cống hiến cho dân, cho nước, nên Anh được toàn dân thương yêu, quý trọng. Đó là phần thưởng cao quý nhất, là nguồn động viên to lớn nhất và là tài sản tinh thần vô giá mà Anh gặt hái được trong cuộc đời cách mạng.
Năm nay, Anh đã vượt 100 tuổi, xin chúc Anh vui, thanh thản, trường thọ.
Đại tá Nguyễn Huyên, Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tá Nguyễn Văn Nhựa, người bác sĩ riêng gần 20 năm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, sức khỏe của Đại tướng vẫn ổn định. "Sáng nào tôi cũng vào thăm, kiểm tra sức khỏe Đại tướng. Gần đến ngày sinh nhật lần thứ 100, tinh thần Đại tướng có phần phấn chấn hơn", đại tá Nhựa cho hay.
Cũng theo vị bác sĩ này, tướng Giáp rất tỉnh táo, minh mẫn. Tất cả bạn bè, người thân vào thăm, ông đều nhận ra và bắt tay. Để đáp lại tấm lòng của những đồng chí, đồng đội và bạn bè tới thăm, chúc thọ nhân dịp tròn 100 tuổi (25/8/2011), đích thân Đại tướng còn ký thiệp để cảm ơn những người tới thăm, chúc thọ dù tay run và chữ ký không đẹp như xưa.
Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng nhận tác phẩm 101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ NguyênGiáp từ nhà báo, nghệ sĩ Trần Tuấn (ngoài cùng bên phải) Ảnh:Nguyễn Hưng.
Sáng 21/8, văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổ chức cuộc gặp mặt các thế hệ người giúp việc cho Đại tướng. Ngoài những người trợ lý lâu năm, cuộc gặp gỡ còn có nhiều đồng đội, nghệ sĩ, bạn bè gắn bó lâu năm với gia đình Đại tướng.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, đại tá Nguyễn Huyên, người trợ lý lâu năm nhất của Đại tướng khẳng định, lịch sử nước ta cũng như thế giới từ xưa tới nay, chưa có vị tướng kiệt xuất nào sống thọ như Đại tướng. Đây là niềm tự hào, hạnh phúc cho đất nước cũng như gia đình.
Theo vị đại tá này, trong nhiều năm qua, khi Đại tướng đã về nghỉ, cứ đến ngày lễ, ngày tết, sinh nhật, đông đảo đồng bào, đồng chí đã đến thăm, chúc mừng. "Nhiều đồng chí cho rằng đây là một hiện tượng hiếm có. Một đồng chí lãnh đạo mà khi về nghỉ, người đến thăm hỏi đông hơn, nhiều hơn khi còn làm việc và thể hiện tình cảm thắm thiết, sâu nặng", người trợ lý 40 năm của tướng Giáp bồi hồi.
Nhắc lại quãng đời binh nghiệp của Đại tướng, đại tá Huyên kể, dù giao cho anh việc Võ, nhưng Bác Hồ vẫn gọi anh là Văn. "Phải chăng, Bác Hồ muốn căn dặn làm việc Võ nhưng phải trên nền Văn. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công (Hà Nội) khái quát về anh: 'Văn lo vận nước văn thành Võ. Võ thấu lòng dân võ hóa Văn'", đại tá Huyên nói.
Giáo sư Phan Huy Lê tặng gia đình Đại tướng bức ảnh ông chụp chung với Hội sử học Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Không kìm được nước mắt khi phát biểu, nghệ sĩ tranh cát Ý Lan cho biết, ý tưởng khắc họa chân dung Đại tướng trên tranh cát không gì ngoài lòng yêu kính với vị Tổng tư lệnh của quân đội nhân dân Việt Nam. Sắp tới, toàn bộ những tác phẩm về Đại tướng sẽ được bà tặng lại cho gia đình. Trong khi đó, vừa kịp hoàn thành tác phẩm "101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp" sau 35 năm theo chân Đại tướng, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn cũng trực tiếp trao tặng cho bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng...
Ngoài những người trực tiếp có mặt tại cuộc gặp, gia đình Đại tướng cũng đã nhận được tình cảm của người dân từ khắp nơi trên cả nước với những lẵng hoa, câu thơ chúc mừng dịp Đại tướng 100 tuổi như cựu chiến binh Trần Thịnh ở (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội): "Dùng binh thao lược tựa Lý, Trần/ Tận trung với nước, hiếu với dân/ Vược mọi phong ba tâm trong sáng/ Thọ ngoại bách niên danh vạn xuân"; hay người dân ở làng Thượng Phú Đình (Thái Nguyên): "Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/ Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc bách niên thọ/ Hoàn cầu có một không có hai"...
Theo vnexpress
Báo Pháp: "Tướng Giáp, nhà chiến lược của
tự do”
Tạp chí Nhân đạo của Pháp số cuối tuần gần đây đã dành đặc biệt 6 trang in màu để viết về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bài viết có tiêu đề “Tướng Giáp, nhà chiến lược của tự do” do nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel - nguyên là phóng viên thường trú báo Nhân đạo tại Việt Nam trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, viết.
Tác giả cũng đã sử dụng những bức ảnh tư liệu quý giá về cuộc làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
p với Bác Hồ; về đoàn xe đạp thồ với “khoảng 260.000 chiếc" vượt qua rừng rậm đi dưới làn bom napal của thực dân Pháp để tiếp viện chiến dịch Điện Biện Phủ, rồi hình ảnh các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam vẫy cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng De Castries, ngày 7/5/1954, tại chiến dịch Điên Biên Phủ; ảnh xe tăng Việt Nam đâm đổ cánh cổng của Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn giành chiến thắng kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước… để minh họa cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cuộc đời ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam trước đây.
Trong bài báo của mình, Daniel Roussel thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt Nam, từ sinh trưởng cho tới khi trở thành vị Đại tướng, chỉ huy cuộc đấu tranh của quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trước thực dân Pháp với trận Điện Biên Phủ vang dội địa cầu.
Tác giả cũng nêu bật vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước cũng như những đóng góp của ông đối với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam.
Tác giả viết: "Năm 1986, ông ủng hộ cho chính sách đổi mới về kinh tế đất nước, chính sự đổi mới này đã đưa Việt Nam đi lên trên con đường phát triển. Ông luôn gần gũi nhân dân và thấy được mọi khó khăn của người dân."
Bài báo cũng có đoạn: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại một làng nhỏ ở miền Trung Việt Nam, trong một gia đình trồng lúa. Nhưng rồi lần lượt ông đã trở thành giáo sư, nhà báo, nhà lãnh đạo chính trị và Đại tướng của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông sinh ra không hề được báo trước là sẽ trở thành một thiên tài về quân sự. Nhưng năm 1940, khi lần đầu tiên ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, ông bắt đầu nghiên cứu các vấn đề quân sự và những thao lược quân sự trong sách giáo khoa của Pháp. Ông nghiên cứu nghệ thuật chiến tranh trong như từng nghiên cứu chủ nghĩa Mác…"
Tác giả cũng cho biết, bài viết này là kết quả của hàng chục lần tác giả được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả tình cảm quý mến và sự kính trọng.
Theo ông, Đại tướng là con người rất dễ chịu, thạo nói tiếng Pháp, có cái nhìn trực diện và cái bắt tay chắc nịch. Đây cũng chính là những biểu hiện của người lãnh đạo.
Kể lại những kỷ niệm của tác giả khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông ở tuổi 30, tác giả Daniel Roussel cho biết trong những cuộc gặp này không bao giờ có vấn đề gì bị coi là cấm kỵ không được đề cập đến. Nhưng khi gặp một vấn đề khó chịu, giọng Đại tướng trở nên đanh lại. Ông là con người của sự nhiệt huyết và là "vị tướng của hòa bình.”
Daniel Roussel viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống ở Việt Nam - nhà chiến lược đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc chiến tranh của Thực dân Pháp; năm 1973 buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt sự xâm lược Việt Nam và năm 1975, làm tan rã quân đội “bù nhìn” miền Nam Việt Nam thống nhất đất nước. Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược chiến tranh nhân dân.”
Nhưng theo Daniel Roussel, trước hết đối với nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại diện cho một trong những người trung thành với tư tưởng Hồ Chí Chí Minh - người đã khai sinh ra nền độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Theo Lê Hà
Vietnam+