Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Đúng 40 năm trước, Kissinger sang Tàu

1.NGÀY NÀY NĂM XƯA.

Bắt tay với Trung Quốc trong một phân chia thế giới mới song song với "Hòa bình trong danh dự” ở VN, đó chính là mục tiêu của chuyến du hành bí mật sang Trung Quốc hôm 9/7/1971 mà nay Trung Quốc và ông Kissinger cùng long trọng kỷ niệm.
Trong quyển hồi ký xuất bản năm 1979, tựa đề "Những năm tháng trong Nhà trắng” (White House Years), TS Kissinger thuật lại cuộc gặp đầu tiên hôm thứ sáu 9/7/1971 với Thủ tướng TQ Chu Ân Lai như sau: "Chu Ân Lai và tôi bắt đầu nói chuyện vào chiều ngày 9/7 tại nhà khách chính phủ khoảng bốn tiếng sau khi tôi đến Bắc Kinh.... Ngày đầu tiên nói chuyện của chúng tôi kết thúc lúc 11g20 tối. Chu và tôi cả hai cùng đạt đến kết luận rằng kết quả quan trong nhất của cuộc gặp đâu tiên này là việc mỗi bên hiểu các mục đích yêu cầu cơ bản của bên kia...Chu dành thời giờ trong cuộc gặp kéo dài gần bẩy giờ với tôi (tính luôn bữa tối) để bày tỏ sự nhất trí tổng thể của mình với các nguyên tắc mà Tổng thống Nixon đã đề ra trong bài diễn văn ngày 6/7 trước đó tại TP Kansas. Tôi hơi bị thất thế do không hay biết gì mấy về nội dung bài diễn văn này...Tổng Thống Nixon dự kiến một thế giới gồm "năm siêu cường" là Mỹ, Tây Âu, Nhật, Liên Xô và TQ, mà mối quan hệ giữa năm siêu cường đó sẽ sẽ ấn định cấu trúc hòa bình trong thời đại này. Chu bác bỏ từ ngữ "siêu cường": TQ không muốn chơi trò chơi đó. Đó là một (thái độ) thành thật và thận trọng; TQ lúc đó cần đến nước Mỹ chúng ta do không có đủ sức để tự đối trọng với LX”.
Số học mà nói, thử giở webiste Indexmundi chuyên ghi chép GDP các nước, sẽ thấy TQ năm 1971 ấy, với GDP/đầu người là 117,18 USD , so với Malaysia cùng năm ấy đã là 405,67USD , xem ra cũng khó nhận lời rủ rê nhảy ngay vào hàng ngũ siêu cường! Trường kỳ mai phục vậy. Kissinger kể tiếp: "Đài Loan chỉ được nêu ra thật ngắn ngủi trong cuộc gặp đầu tiên này. Thời giờ được dành nhiều hơn cho tôi giải thích chính sách của chúng tôi ở Đông Dương, đặc biệt nhấn mạnh đến các cuộc hội đàm bí mật với Lê Đức Thọ".
Sáng hôm sau, Kissinger cùng phái đoàn bỏ túi gồm sáu người của ông, ngoài ba viên chức ngoại giao còn có hai nhân viên mật vụ Mỹ là Ready và McLeod, được xả súp-páp đi thăm Tử Cấm Thành. Đến chiều mới họp lại với Thủ tướng Chu Ân Lai, lần này tại Đại sảnh đường nhân dân ở bên kia đường, chính xác là trong phòng họp mang tên "Phúc Kiến", tên của một tỉnh đối diện với đảo Đài Loan.
Kissinger thuật lại như sau: "Chẳng mất công mầu mè khách sáo, Chu huỵch toẹt giới thiệu quan điểm của TQ...Rằng Đài Loan là một phần của TQ...; Rằng các cường quốc đang câu kết với nhau chống TQ (không chỉ Mỹ với LX, mà cả Nhật Bản quân phiệt); rằng Ấn Độ thì xâm lấn; rằng LX thì tham lam và đe dọa thế giới; Rằng TQ trong quá khứ và tương lai không bao giờ muốn là một siêu cường giống Mỹ và LX; Rằng Mỹ đang gặp khó khăn vì giang tay ra quá xa. Chu hào hứng thuyết giảng rồi kết thúc bằng một câu hỏi đánh đố: Xét dị biệt hai bên quá lớn như thế, một chuyến viếng thăm của Tổng thống sẽ có ý nghĩa gì không? ”.

SẤM ĐỘNG TOÀN CẦU.
Kissinger sẽ còn hop tiếp với Chu Ân Lai, lưu lại Bắc Kinh đến chủ nhật 11/7, tổng cộng hai ngày hai đêm, ra về với một bản loan báo chung dự trù sẽ công bố vào ngày thứ năm 15/7 sau đó. Tối hôm đó, Tổng Thống Nixon xuất hiện trên truyền hình NBC cho môt bài diễn văn kéo dài bẩy phút: "Chào buổi tối... Như tôi đã nhiều lần chỉ ra trong hơn ba năm qua, không thể có hòa bình ổn định và lâu dài mà không có sự tham gia của TQ cùng 750 triệu dân nước này. Đó là lý do tôi đã tiến hành một số sáng kiến trong nhiều lĩnh vực để mở cửa cho những quan hệ bình thường hơn nữa giữa hai nước. Nhằm đeo đuổi mục đích đó, tôi đã phái TS Kissinger, phụ tá an ninh quốc gia của tôi, sang Bắc Kinh nhân chuyến công du thế giới của ông, nhằm hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai....Biết mong muốn của Tổng thống Nixon là thăm viếng nước CHNDTQ, Thủ tướng Chu Ân Lai đã ngỏ lời mời Tổng thống Nixon sang thăm TQ vào môt thời điểm thích hợp trước tháng 5/1972. Tổng Thống Nixon đã hoan hỉ nhận lời mời. Các nhà lãnh đạo TQ và Mỹ là nhằm tìm cách bình thường hóa quan hệ giữa hai nước... Việc chúng ta tìm kiếm một mối quan hệ mới với CHNDTH sẽ không gây thiệt hại cho các bạn bè cũ của chúng ta. Chúng ta làm bạn với mọi nước. Bất cứ nước nào cũng có thể là bạn của chúng ta mà không trở thành kẻ thù của bất cứ nước nào khác...Tôi tin chắc rằng mọi nước sẽ đều hưởng lợi từ việc giảm căng thẳng và quan hệ tốt hơn giữa Mỹ và CHNDTH...".
Trong hồi ký "Những năm tháng ở Nhà trắng" của mình, Kissinger hai lần gọi bài diễn văn ngày 15/7 đó của Tổng thống Nixon là "sự loan báo làm chấn động thế giới" (tr.755). Kissinger thuât lại làn sóng chấn động đó như sau: "...Những ngày kế tiếp đó là những ngày phấn kích đến tận phi lý. Khen ngợi từ khắp thế giới đổ về. Báo chí đồng thanh ca ngợi...
Chua chát lớn nhất đến từ Nhật Bản, Thủ tướng Esaku Sato đã từng là bạn trung thành của nước Mỹ. Quả là đau khổ khi phải làm buồn phiền một người đã từng ra sức kết gắn tình hữu nghị giữa hai nước. Việc loan báo này được biết đến ở Nhật như là ”cú sốc Nixon”. Armin Meyer, Đại sứ của chúng tôi tại Nhật Bản vào lúc đó, là một trong những người bối rối nhất. Ông ta nghe loan báo qua đài phát thanh của quân lực Mỹ khi đang ngồi hớt tóc. Căn cứ hồi ký của ông ấy, phản ứng đầu tiên của ông chính là cay đắng, một phản ứng mà, theo ông, được nhiều người Mỹ và Nhật khác ở Tokyo chia sẻ...”.
Trong quyển hồi ký, TS Kissinger khá vắn tắt khi thuật lại những "ngang trái" ông đã gây ra. Thế nhưng, đó lại không phải là điều mà một số người khác cùng cảm nhận. Joel Skousen của World Affairs, trong bài viết mang tựa đề “Sự gian trá của Kissinger ở Trung quốc” (Kissinger Treachery In China) đã viết rằng 28.000 trang tài liệu mới giải mật về những tiếp xúc giữa ông Kissinger và ông Chu Ân Lai cho thấy "Henry Kissinger đã phản bội lợi ích của nước Mỹ. Ma đạo Machiavel đã dâng hiến các lý tưởng Mỹ trên bàn thờ của chủ nghĩa thực dụng và thực tế trong chính trị (realpolitik)”.

2. CÁI TÔI TỰ HÀO và CÁI TÔI LỢI ÍCH.


Có thể thấy trong các quyển hồi ký của mình, khi nhìn lại chuyến đi ấy, TS Kissinger vẫn còn nguyên cảm giác tự hào. Tự hào vì thành đạt. Trong một xã hội như xã hội Mỹ, vốn phân rạch ròi kẻ thắng/người thua trong cuộc đời bằng từ ngữ chê bai bậc nhất là từ "a loser" (kẻ thua cuộc), thành đạt càng được xem như là giá trị nền tảng. Từ niềm tự hào thành đạt ấy, người ta có thể tự đồng hóa bản thân với chính cái vật tạo nên sự thành đạt của mình.
Tân Hoa Xã, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chuyến đi bí mật của Kissinger, luận như sau về niềm tự hào này của ông: "40 năm sau, sau khi đã thăm TQ hơn 50 lần và quen biết những bốn thế hệ lãnh đạo TQ, Kissinger phát biểu trong một phỏng vấn của Tân Hoa Xã: "TQ là nước mà tôi làm việc lâu dài nhất và sâu sắc nhất. Thành ra, TQ trở nên một phần rất quan trọng của cuộc đời tôi; và các bạn hữu TQ đối với tôi là vô cùng to lớn.... Điều còn tồn đọng từ kinh nghiệm của tôi là tình hữu nghị và sự trung tín mà người TQ tỏ ra với bạn bè của họ. Thành ra, tôi nhìn lại 40 năm với niềm tự hào đáng kể".

NGƯỜI VỚI TA TUY HAI LÀ MỘT
Kissinger của hôm 29/6/ 2011 tại hội thảo về toàn cầu hóa tại Bắc Kinh đã tỏ rõ ông với Bắc Kinh "tuy hai mà một" như thế nào. Nathan Gardels của tờ Los Angeles Tines đã thuật lại như sau bài phát biểu mở màn của ông Kissinger: "Khi ông Henry Kissinger nay 88 tuổi nguồi xuống cùng Chủ tịch Mao bàn bạc về việc mở cửa TQ vào đầu những năm 1970, nước Mỹ đang ở trên đỉnh thế lực của mình. Lúc đó, trong đầu ông Kissinger nhất định không hề có chút ý nghĩa nào về việc non nửa thế kỷ sau, khi đảng CSTQ kín đáo kỷ niệm 90 năm ngày sinh của mình, ông lại sẽ quay lại Bắc Kinh để trao cây gậy lãnh đạo thế giới cho chủ nhà. Mở đầu cuộc hội thảo của nhóm nghiên cứu quan trọng nhất TQ về toàn cầu hóa, nhà chính khách vĩ đại này đã so sánh TQ ngày nay với nước Mỹ năm 1947. Năm 1947 ấy, ngoại trưởng Ernest Bevin của những ngày tàn của đế chế Anh, cảm thấy bị thôi thúc phải bảo với đồng sự người Mỹ của mình rằng” là nước chủ nợ lớn nhất thế giới, nước Mỹ nay phải nhận quyền lãnh đạo để định hình trật tự mới". Kế hoạch Marshall tái thiết hậu chiến đã tung lên vai trò thống trị của đồng dollar và con đường thăng hoa của Mỹ trong phần còn lại của thế kỷ 20. Nay là chủ nợ lớn nhất thế giới, TQ đang ở tại vị trí mà nước Mỹ đã ở vào năm 1947. Hệ thống thế giới đã thoát ra khỏi cái cực Bắc Đại Tây Dương của nó rồi mà hướng về TQ cùng các nền kinh tế đang nổi lên. Giai đoạn chuyển tiếp từ một hệ thống này sang một hệ thống khác có thể sẽ mất 30 năm”.
Những phát hiện của TS Kissinger không mới cũng chẳng thậm xưng. Đó là một thực tế mà bất cứ ai cũng đều cảm nhận hàng ngày từ ít nhất 10 năm qua từ sau vụ 11/9 ở Mỹ và hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan mà Tổng thống Bush đã bày ra. Chi phí cho cuộc chiến tranh kép 1,217 ngàn tỷ ấy cũng vừa bằng số trái phiếu ngân khố Mỹ mà TQ hiện nắm trong tay 1,144 ngàn tỷ . Cái vực sâu thâm thủng ngân sách liên bang mà nay ông Obama đang gánh cũng bắt đầu với ông Bush sau khi ông này nhận bàn giao một ngân sách liên bang thặng dư trở lại từ tay ông Clinton. Vụ đổ nợ hiện nay ở Mỹ cũng đã xuất phát từ chính sách lãi suất gần bằng không của ông Alan Greenspan, tạo điều kiện cho ”bong bóng” nhà đất được bơm căng và nổ tan xác... Người Pháp có câu "Người ta không chết một cách tự nhiên mà vì... tự tử"!

ĐỊNH NGHĨA MỚI VỀ THẾ LỰC CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC.
40 năm làm bạn với TQ đã giúp TS Kissinger đề ra những định nghĩa sau trong quyển “On China” mới nhất của ông. Theo ông” đặc trưng của Mỹ mang tính khai phóng. Nghĩa là nước Mỹ có nhiệm vụ gieo rắc các giá trị của mình đến mọi nơi trên thế giới. Còn đặc trưng của TQ mang tính văn hóa. Đây là một truyền thống từ lịch sử TQ, TQ không đi “cải đạo”, các nước khác chỉ đồng hóa ít hay nhiều các hình thái văn hóa, chính trị của TQ thôi (tr xvi)”.
Quá trình đồng hóa ấy, trong suốt luận thuyết “On China” của Kissinger là hiền hòa. Kissinger viết: "Từ khi TQ nổi lên như là một nhà nước thống nhất vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên cho đến khi triều Thanh sụp đổ vào năm 1912, TQ đứng ở vị trí trung tâm của một hệ thống Đông Á bền vững đáng kể. Vị hoàng đế TQ được xem và công nhận bởi đa số các nước láng giềng như là đỉnh cao chót vót của một hệ thống tôn ti trật tự chung, các thủ lĩnh các nước khác phục vụ như là chư hầu…”.
Không thấy TS Kissinger, trong luận thuyết cuối đời của mình về TQ, dấu vết của sự đối kháng các nước “chư hầu” mà nhờ đó các nước ấy vẫn giữ được nét đặc trưng của mình và tồn tại cho đến ngày nay. Đọc “On China”, sẽ thấy một Trung Quốc toàn bích, không khác gì đi thăm Bắc Kinh bằng tour du lịch, được hướng dẫn viên dắt đến Tử Cấm Thành, Di Hòa viên, đại lộ Tràng An… để không bao giờ biết rằng chỉ cách Tử Cấm Thành không đầy 4km, qua khỏi vườn ngự uyển một chút đã đến những khu phố lụp xụp hình như của một dân tộc ít người nào đấy thì phải, căn cứ theo tô mì họ bán…

LỢI ÍCH KEO SƠN.
Tân Hoa Xã khi thuật lại việc Kissinger quay lại TQ nhân kỷ niệm 40 năm, có trích lời ông này khoe rằng “mối quan hệ của ông với TQ đã len vào trong gia đình ông. Cháu gái ông sau này sang TQ học hành’. Gắn bó keo sơn giữa ông Kissinger với TQ còn thể hiện qua việc ông đã từng là nhà lobbyist thượng thặng vận động cho lợi ích TQ trong lòng Washington. Tháng 7/2005, khi nước Mỹ xôn xao vì việc tập đoàn dầu khí TQ CNOOC đòi mua lại tập đoàn dầu hỏa Unocal của Mỹ đang khánh tận ngay trước mũi tập đoàn Chevron của Mỹ bằng sức mạnh kim tiền. CNOOC bỏ giá thầu là 18,5 tỷ USD để mua lại Unocal là chuyện thường tình trong thương trường, song việc CNOOC đòi rút lại 16,6 tỷ USD đã góp vốn cho Chevron trước đó, để Chevron đùng một cái đứt vốn, quả là “lấy thịt đè người”. Sự viêc càng gây xôn xao khi bàn dân thiên hạ hay biết rằng Ngài Kissinger, người đã từng giữ chức vụ phụ tá an ninh quốc gia Mỹ từ 20/1/1969 đến 3/11/1979, vị ngoại trưởng Mỹ từ 22/9/ 1973 đến 20/1 1977, vào lúc mà tập đoàn CNOOC của TQ đang sắp sửa nuốt ngành dàu hỏa Mỹ, thì ông Kissinger lại đang nằm trong ban cố vấn của tập đoàn này của TQ. Càng đáng ngại hơn nữa khi ông Kissinger lúc đó cũng đang là cố vấn của tập đoàn Unocal mà tập đoàn UNOOC đang muốn tung tiền ra nuốt. Lần đó, toàn thể hệ thống chính trị Mỹ, đặc biêt là lập pháp, đã phải nhảy vào cuộc, để chặn đứng âm mưu thôn tính này. Cố vấn cho chính phủ nước này, cố vấn cho chính phủ nước kia, tư vấn cho tập đoàn nước này, tư vấn cho tập đoàn nước kia, có lẽ trên thế gian mới chỉ có một ông Cố vấn Kissinger, người khai sáng ra chủ nghĩa thực dụng và thực tế (Realpolitik) trong ngoại giao. Cố vấn Kissinger đã không chỉ tư vấn và lobby cho CNOOC trong mỗi vụ Unocal mà hầu như trong các kế hoạch thôn tính khác của CNOOC.
Việc “phân thân” đó của ông Kissinger không có gì khó hiểu. Ông Kissinger đã từng để đời với phát biểu sau (vào lúc mà ở Liên Xô người gốc Do Thái nhao nhao đòi xuất cảnh về lại Israel): "Nếu họ (tức LX) nay có đưa người Do Thái vô phòng hơi ngạt đi nữa, thì Mỹ cũng chẳng quan tâm”! Ian Fletcher, khi nhắc lại câu này của Kissinger, còn nhắc rằng ông này không chỉ gốc Do Thái mà còn đã chạy trốn Hitler sang Mỹ năm 1939!


 3. CẢNH CŨ, NGƯỜI XƯA

Cách đây đúng 40 năm, hôm thứ sáu 9/7/1971, tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Richard Nixon, đã lần đầu tiên đặt chân đến Bắc Kinh. Chuyến đi bí mật này đã mở cửa Trung Quốc và là bệ phóng đưa Trung Quốc trở thành đại cường. "Henry Kissinger là môt nhân vật gây tranh cãi", trang tiểu sử về ông của Wikipedia nhận xét.

CẢNH CŨ, NGƯỜI XƯA
Tháng 6 vừa qua, sự kiện "Kissinger sang Tàu" (mượn cách nói của báo chí Sài Gòn xưa) đã hai lần được đánh dấu. Trước hết bởi chính bản thân tiến sĩ Kissinger với quyển biên khảo kiêm hồi ký ”Về Trung quốc” (On China) của ông vừa được xuất bản. Kế đến bởi Nhà nước Trung Quốc với một hội thảo hôm thứ hai 27/6, long trọng "kỷ niệm 40 năm chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên" của ông này.
Tân Hoa Xã (1) cho biết trước hơn 100 nhà ngoại giao và học giả đã dự hội thảo kỷ niệm sứ mạng đã dọn đường cho những quan hệ làm mới giữa TQ và Mỹ, TS Kissinger phát biểu: "Thật là xúc động đối với tôi khi lại ở trong tòa nhà này, ngôi nhà TQ đầu tiên của tôi". Tòa nhà đó chính là nhà khách chính phủ Điếu ngư đài, một trong 10 dinh thự vĩ đại được xây dựng năm 1959 tại Bắc Kinh nhằm đánh dấu 10 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong số các công trình kiến trúc để đời khác, phải kể đến những địa chỉ quen thuộc như Đại sảnh đường nhân dân TQ, Cung văn hóa các dân tộc, Viện bảo tàng quốc gia, Viện bảo tàng quân sự cách mạng, sân vận động Công nhân, nhà ga xe lửa Bắc Kinh..., thảy do Viện thiết kế kiến trúc Bắc Kinh tạo dáng.
Tất nhiên, TS Kissinger đã không bồi hồi xúc động vì cái dinh thự với khuôn viên giả cổ ấy, mà vì nhớ lại mình đã “tái lập tiếp xúc với một đất nước nằm ở trung tâm lịch sử châu Á mà nước Mỹ đã không có quan hệ cấp cao trong suốt 20 năm trước đó”. Những hoài niệm đầy tự hào của TS Kissinger thật dễ hiểu: Là một chính khách chuyên nghiệp khởi đầu cho trường phái Realpoltik bất cần những khuôn sáo trói buộc mang tính chất lý tưởng, ý thức hệ, đạo đức..., chỉ cần đạt đến kết quả mong muốn, thành hay bại cũng đều thiết thân, huống hồ là thành đạt ngoài sức tưởng tượng.

40 NĂM SAU
Thật vậy, người đồng cấp với cố vấn Kissinger ngày nay là Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc nhắc lại: "40 năm trước, các nhà lãnh đạo TQ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã nắm tay các ông Nixon và Kissinger mở cánh cửa quan hệ Trung-Mỹ. Điều đó đã đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong việc cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Mỹ, và đã có tác động vô cùng tích cực và lớn lao đến quan hệ hai nước".
Không dừng ở hoài niệm, người giữ vai trò cố vấn ngoại giao hiện nay của Nhà nước TQ, khi nhắc lại công lao của TS Kissinger 40 năm trước, đã nhắc nhở những người kế vị ông Kissinger ngày nay ở Washington về nhiệm vụ 40 năm sau: "Cả hai nước nên ghi nhớ các nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhà ngoại giao để mà giải quyết quan hệ Trung-Mỹ từ nhãn quan chiến lược và dài hạn”.
Thế hệ lãnh đạo đầu tiên ấy, ông Nixon thì đã ra người thiên cổ rồi, còn mỗi ông Kissinger; may chăng ở cấp dưới hơn, còn ông Winston Lord, khi xưa là trợ lý của ông Kissinger. Thôi thì noi gương TS Kissinger đây vậy!

NHỮNG KHUYÊN BẢO CUỐI ĐỜI CỦA TS KISSINGER!
Gương gì? Gương trung kiên với quan hệ Trung-Mỹ. Ở tuổi 88 sắp cưỡi hạc, TS Kissinger vẫn còn trịnh trọng khuyến cáo: "Ngay cả khi có khó khăn trong quan hệ của chúng ta, cái tinh thần, vốn đã đưa chúng ta đến cùng nhau, sẽ dẫn đường cho hành động của chúng ta trong tương lai. TQ và Mỹ đã hợp tác với nhau trong 40 năm qua. Tôi hy vọng rằng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một sự hợp tác lớn hơn nữa”. Ít ai trân trọng quan hệ với Trung Quốc cho bằng TS Kissinger!
Sau bản tin đầu tiên hôm thứ hai 27/6 của Tân Hoa Xã, sang đến thứ ba 28/6, Kenneth Rapoza của tờ Forbes của Mỹ viết: "Mỹ và TQ không tranh nhau thống trị thế giới. Cạnh tranh kiểu đó chẳng có ý nghĩa gì cả”, tuyên bố của cựu ngoại trưởng Henry Kissinger được tờ China Daily hôm nay thứ ba trích lại. Về vấn đề biển Nam Hải (tức biển Đông của VN), ông Kissinger tuyên bố tự do hàng hải trong khu vực này, mà Mỹ cho là có lợi ích quốc gia trong đó, là một vấn đề riêng rẽ tách biệt hoàn toàn với các tranh cãi lãnh thổ giữa các nước trong khu vực. Ông Kissinger nhắc nhở: "Lợi ích tiên quyết của Mỹ là quan hệ tốt với TQ chớ không phải là gây khó khăn với TQ, và rằng Mỹ đừng kích động Philippines và Viet Nam". (2)

CON CHÁU CHẲNG NGHE.
Cùng thời khắc đó, ở Washington, Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết của hai nghị sĩ Jim Webb (đảng Dân chủ) và James Inhofe (đảng Cộng hòa) đưa ra, được các nghị sĩ Joseph Lieberman và Daniel Inouye đồng bảo trợ.Nghị quyết này:
1- Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp chủ quyền vùng biển tại Biển Đông. Cam kết tiếp tục những nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đa phương, hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp này.
2- Phê phán việc sử dụng vũ lực bởi tàu hải quân và hải giám Trung Quốc tại Biển Đông.
3- Kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ kiềm chế việc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình.
4- Ủng hộ việc tiếp tục hoạt động của lực lượng vũ trang Mỹ nhằm hỗ trợ quyền tự do hàng hải trong vùng biển và không phận quốc tế tại Biển Đông.
Nghị sĩ Jim Webb còn nhấn mạnh rằng nghị quyết này là “bước phát triển quan trọng nhằm thúc đẩy giải pháp đa phương cho các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình, tôn trọng chủ quyền của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền”.
Rõ ràng, Thượng nghị viện Mỹ của năm 2011 không chịu nghe lời dặn dò của vị cố vấn an ninh và ngoại trưởng Mỹ năm 1971. Họ có cái lý của họ, những người phải chịu trách nhiệm về sự sống còn của nước Mỹ năm 2011. Sự sống còn đó khác của nước Mỹ năm 2011 khác với sự sống còn của nước Mỹ năm 1971 là làm sao ra khỏi cuộc chiến tranh VN "trong danh dự", tức là làm sao đường hoàng đưa binh sĩ Mỹ ra khỏi VN, kết thúc cuộc chiến tranh của nước Mỹ....mà không phải kéo cờ trắng đầu hàng.
Thật ra, TS Kissinger cũng không "một trăm phần trăm" tán dương TQ. Trước khi lên đường sang Bắc Kinh dự kỷ niệm 40 năm chuyến thăm TQ lần đầu, trong môt hội thảo tai Canada, ông Kissinger cũng đã không thể không buông một khuyến cáo thẳng thắn: "TQ cần học tự kềm chế đôi chút trong cách thức yêu sách các lợi ích của mình trên thế giới" (3) - Nhân dân nhật báo Anh ngữ 24/6/2011 trích đăng.

THIÊN TRIỀU

(1) Seminar in Beijing marks 40th anniversary of Kissinger's first China visit, English.news.cn 2011-06-27
(2) Kissinger: US-China Not Competing for World Domination, By KENNETH RAPOZA Jun. 28 2011
(3) Henry Kissinger: China won't be next 'superpower' , By People's Daily June 24, 2011