Trọng Thành
Cuối tháng 7/2011 vừa qua, tại Việt Nam kết quả môn lịch sử trong kỳ thi vào các trường Đại học đã gây chấn động dư luận. Tại rất nhiều trường, hơn 90% học sinh có điểm sử dưới trung bình. Kết quả gây bàng hoàng này cũng là dịp công luận đặt câu hỏi: những nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng học vấn kém cỏi đến mức độ này ?
Trong số các giải thích được đưa ra, một số ý kiến tập trung nhấn mạnh vào tính chất « chính trị hóa » nặng nề mà môn lịch sử phải gánh chịu (xem Phạm Quốc Sử hay Nguyên Ngọc ). Nói một cách khác là, môn lịch sử trong nhà trường bị biến thành nơi tuyên truyền cho một số giá trị được áp đặt từ trên xuống. Điều này được coi là một nguyên nhân cơ bản nhất khiến cho việc xây dựng chương trình, soạn sách giáo khoa, giảng dạy và học tập môn lịch sử lâm vào tình trạng bê bối và bế tắc như hiện nay. Mà, điểm đặc biệt nổi bật là : rất nhiều học sinh thờ ơ và mất lòng tin vào một môn học, vốn hết sức quan trọng đối với việc nhận thức về xã hội và đối với việc xây dựng một ý thức công dân trong xã hội.
Để thoát ra khỏi trở lực của sự « chính trị hóa » kể trên, có người nhấn mạnh trực tiếp đến việc thay đổi chương trình giảng dạy và sách giáo khoa của môn học này, có tác giả hướng sự chú ý tới việc thay đổi toàn bộ « hệ thống quan điểm giáo dục » nói chung, hay chủ trương « thế tục hóa » nền giáo dục. Tựu chung, tất cả các quan điểm kể trên đều giống nhau ở một điểm : kêu gọi những người đang nắm quyền lãnh đạo trả lại cho môn lịch sử tính trung thực – tính chất căn bản tạo nên giá trị riêng biệt của nó.
Điều đáng chú ý là, có ý kiến cho rằng : các trở lực khiến môn lịch sử trong trường học Việt Nam hiện nay không thể trở thành một môn học trung thực, không hẳn chỉ do ý chí của một bộ phận những người lãnh đạo. Chính không khí tin tưởng rất phổ biến, trong xã hội nói chung, vào những điều huyền hoặc, sự lệ thuộc vào một thế giới thần linh « hư hư thực thực », tạo ra một môi trường rất bất lợi cho sự phát triển của óc tư duy độc lập – nền tảng của các môn khoa học nói chung, trong đó có môn lịch sử. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, quan hệ giữa cái nhìn mang tính huyền thoại về cuộc sống và khả năng nhận thức trung thực về lịch sử là một câu chuyện không dễ lý giải.
Ban Việt ngữ RFI đã đặt câu hỏi với nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội và tổng thư ký Hội sử học Việt Nam. Những suy tư, nhận định và phân tích của ông cung cấp một góc nhìn về thực trạng môn lịch sử tại trường phổ thông Việt Nam hiện nay, góp phần xới lên một số vấn đề, vốn từ trước đến nay còn ít được bàn thảo tại Việt Nam.
RFI : Xin thân chào nhà sử học Dương Trung Quốc. Thưa anh, ở Việt Nam vừa diễn ra kỳ thi Đại học Khối C, trong đó kết quả môn thi sử thấp đến mức kỷ lục. Từ hơn một tuần nay, anh đã trả lời báo giới trong nước, cho biết các nhận định và phân tích của anh về thực trạng này. Trong cuộc phỏng vấn mà anh vui lòng nhận lời RFI hôm nay, anh có thể cho biết vì sao việc giảng dạy và học tập môn lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam lại rơi vào tình trạng tội tệ như vậy, thưa anh ?
Dương Trung Quốc : Thứ nhất, chúng ta đang bàn đến kết quả cuộc thi. Phải để xem xem là cuộc thi có vấn đề gì không, trong cách đặt câu hỏi, cách chấm cuộc thi. Theo tôi biết, có rất nhiều điểm 0 là do học sinh bỏ không thi.
Nhưng phải nói rằng, cuộc thi này cũng nằm trong một bối cảnh chung, là « những vấn đề » liên quan đến việc dạy sử trong nhà trường, cũng như là tri thức về lịch sử trong giới trẻ, đã tồn tại cả chục năm nay rồi. Chỉ có điều là, mỗi lần với các kết quả thi (tồi tệ như thế) nào đó, thì nó lại rộ lên như một điểm nhấn, một cảnh báo mà thôi.Phân tích nguyên nhân cái này, thì ngoài các cuộc thi cụ thể (gây chấn động), như cuộc thi năm nay, cũng có nhiều cuộc thi nó cũng diễn ra một cách không gây náo động lắm.
cách biên soạn sách giáo khoa hiện nay rất xơ cứng (…) hoàn toàn không có tính hấp dẫn, và đồng thời mang lại sự không tin cậy vào lịch sử.
Tôi nghĩ rằng, trong giáo dục học đường, điều mà xã hội rất quan tâm, chúng ta cũng ghi nhận là : ở Việt Nam, người ta cũng quan tâm đến lịch sử hơn, kể cả ngành giáo dục, từ việc in sách, từ việc làm những chương trình video clip, rồi đến các cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, … đều có quan tâm đến lịch sử cả. Thế nhưng cái vấn đề cơ bản nhất liên quan đến cuộc thi, chính là chương trình dạy học, chương trình của môn lịch sử và hệ thống sách giáo khoa, cũng như đội ngũ các giáo viên.
Riêng đội ngũ các giáo viên, thì cũng là thành phần của hội chúng tôi. Phải nói anh chị em cũng rất là băn khoăn, cũng rất là trăn trở, cũng muốn tìm một cái gì đó để cải thiện việc dạy sử của mình. Đúng là cái vướng nằm ở chương trình và sách giáo khoa.
Phải nói rằng, rõ ràng cách biên soạn sách giáo khoa hiện nay rất xơ cứng. Và cách tổ chức thực hiện như thế mang lại cho học sinh một bộ sách hoàn toàn không có tính hấp dẫn, và đồng thời mang lại sự không tin cậy vào lịch sử.
Ở đây tôi muốn nói đến một điều rộng hơn, là những người làm sử học, chúng tôi cũng đồng chịu trách nhiệm.
Sử học muốn nói gì thì nói, theo quan niệm của tôi chẳng bao giờ có một chủ nghĩa khách quan tuyệt đối cả, luôn luôn nó (sử học) hướng về một cái lợi ích nào đó, có thể là lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, một giai cấp hay triều đại nào đó… Và nhất là lịch sử Việt Nam trải qua hàng mấy chục năm hướng vào mục tiêu « giải phóng dân tộc », « bốn nghìn năm đi vào trận đánh », cho nên nó dẫn đến việc « chính trị hóa » nền sử học ấy. Nếu trong thời kỳ chiến tranh, thì người ta sẵn sàng bỏ qua tất cả, với định hướng chỉ để chiến thắng. Nhưng rõ ràng là hòa bình thì lại khác. Chính vì thế yếu tố « chính trị hóa » đã làm xơ cứng lịch sử, mất đi sự tin cậy vào lịch sử ấy. Điều này phản ánh trong sách giáo khoa, trong hệ thống giảng dạy, hệ thống tuyên truyền.
Tôi lấy một ví dụ thôi. Đi vào Bảo tàng Cách mạng, tức bảo tàng lịch sử hiện đại Việt Nam, người ta không thấy bóng dáng nào của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Có lẽ vì để « giữ gìn » một quan hệ nào đó trong hiện tại, (ý muốn) của các nhà lãnh đạo Việt Nam, mà sẵn sàng tạm gác chuyện đó lại. Ở đây, tôi muốn nói đến một nguyên lý mà ở Việt Nam hay hành xử, gọi là « gác lại quá khứ, hướng tới tương lai ». Nghe thì rất hay, nhưng chính điều đó thì không hợp lý và làm cho lịch sử mất đi không chỉ sự hấp dẫn, mà sự tin cậy. Bởi vì lịch sử chỉ hấp dẫn khi nó có hai thuộc tính là công bằng và trung thực.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải thay đổi nhận thức về lịch sử. Cần phải nhìn lịch sử với tính cách « ngụ ngôn » nó, bên cạnh cái yếu tố tạm gọi là « khoa học chính xác ». Ví dụ, ta cần thiết phải nói chính xác về ngày giờ, địa điểm, sự kiện, … Nhưng những điều đó ngày càng thứ yếu, vì chúng ta đã có một công cụ rất thuận lợi của công nghệ truyền thông hiện nay rồi. Chỉ cần nhấp chuột là các cháu có thể biết được tất cả các dữ liệu của mọi sự kiện. Nhưng điều quan trọng là mang lại cái tính ngụ ngôn, cái nguyên lý, cái trở thành quy luật. Thí dụ quy luật nhân quả chẳng hạn. « Gieo gió thì phải gặt bão » chẳng hạn, « ở hiền thì gặp lành » chẳng hạn. Đấy là cốt lõi của lịch sử.
Thì chúng ta chưa khai thác cái mặt đó, làm cho các bạn trẻ không tin cậy vào lịch sử mà người ta trao truyền. Trong khi các cháu lại đứng trước một thực tế là : vẫn sống 24 tiếng một ngày, như mọi người xưa kia, mà phải xử lý tất cả các thông tin, lựa chọn nhiều con đường để có thể hướng nghiệp được, tồn tại mưu sinh được. Đương nhiên, sâu thẳm trong đó có những vấn đề mà chúng ta rất muốn, là trao truyền các « giá trị truyền thống », « giá trị dân tộc », « bản sắc của tổ tiên » và « lòng yêu nước ».
nguyên lý (…) « gác lại quá khứ, hướng tới tương lai » nghe thì rất hay, nhưng không hợp lý và làm cho lịch sử mất đi không chỉ sự hấp dẫn, mà sự tin cậy. Bởi vì lịch sử chỉ hấp dẫn khi nó có hai thuộc tính : công bằng và trung thực.
Chính vì thế, trong bối cảnh cái hiện tượng đang diễn ra (tức thực trạng tồi tệ trong việc dạy và học sử), tôi không dùng khái niệm là « bình thường » như ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam, mà tôi nói là « cũng là chuyện khó tránh ». Và có điều, tôi cũng theo dõi ở một số quốc gia, kể cả các nền giáo dục phát triển cũng rơi vào tình trạng ấy : là đám trẻ nó không đủ điều kiện và sự hấp dẫn để hướng đến giá trị truyền thống. Tuy nhiên, người ta có các giải pháp (…) nhưng ở Việt Nam thì (dù) rất là quan tâm, nhưng cái gốc của giải pháp là giáo dục, thì ta vẫn chưa giải quyết được.
RFI : Thưa anh, vừa rồi anh nói đến tính trung thực và công bằng, là hai điều khiến môn lịch sử có thể trở nên « đích thực ». Đồng thời bên cạnh đó, anh có nói đến tính ngụ ngôn, hay nguyên lý, vậy anh có thể giải thích rõ hơn về điều này được không ?
Tôi lấy ví dụ, nói về trận đánh, chỉ nói đến ngày tháng, nói đến bên này chết bao nhiêu, bên kia chết bao nhiêu, để cố gắng tôn vinh nó (chiến thắng) lên. Mà không thấy, một cuộc chiến tranh như thế, nó có mặt chính nghĩa của nó : vì sao chúng ta phải hy sinh đến mức độ đó, để đạt đến cái giá trị gì, và bài học cuối cùng của chiến tranh là bao giờ cũng phải hướng về mong ước hòa bình. (Thế mà) tưởng như là phải ghi nhớ cuộc chiến tranh ấy như một chiến thắng thuần túy, có kẻ thắng, kẻ thua, … Mà cái bài học lớn nhất là làm sao dân tộc không phải lâm vào một cuộc chiến tranh như thế, thì lại chưa được giảng dạy, nhất là không có trong hệ thống sách giáo khoa. Chỉ tôn vinh một chiều thôi.
Chính như vậy, làm cho các cháu khi học, phải khổ sai trí nhớ, nhớ hết chi tiết này đến chi tiết khác (…) và đồng thời các cháu luôn luôn cảm nhận rằng hình như có một cái gì đó mà người ta chưa nói, người lớn chưa nói được với mình tất cả. Và điều đó nó làm cho các cháu nó cảm thấy: đấy là một cái môn sử học làm cho nó học để mà học thôi, chứ không phải học để mà hiểu.
RFI : Vừa rồi trong bài thi môn sử, có câu đầu tiên là giải thích nguyên nhân của việc Nguyễn Tất Thành « đi tìm đường cứu nước », thì có lẽ như anh nói, học sinh bị ép buộc phải nói những điều mà chưa chắc thực tế đã là như vậy, có đúng không ạ ?
Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ rằng, nếu liên quan đến tiểu sử một nhân vật, như cụ Hồ Chí Minh, thì việc cụ lựa chọn con đường đi cũng là một điều đáng quan tâm. Nhưng chắc chắn nên để cho giới sử học quan tâm để tìm ra các yếu tố tạo nên một tính cách, cũng như vai trò lịch sử của một nhân vật thôi. Khi mà biến nó thành một kiến thức giáo khoa, thì đương nhiên, thế nào nó cũng bị áp đặt. Các cháu không có điều kiện để tự đặt vào hoàn cảnh ấy, để suy nghĩ rằng : đấy, ngày xưa trong thời kỳ mất nước, cụ Hồ lựa chọn con đường ấy, thì nếu như rơi vào hoàn cảnh các cháu bây giờ, thì các cháu sẽ suy nghĩ gì về việc đó.
Sự liên tưởng tôi cho là cần thiết, vì các cháu có thể nghĩ rằng, con người có thể rơi vào hoàn cảnh như thế, tuy thời đại khác nhau, thì yếu tố nào (sẽ thúc đẩy hành động). Thí dụ như ở đây là nghĩ đến đất nước, tìm ra con đường cứu nước, điều đó rất là quý. Nhưng bây giờ (ngược lại) chúng ta cho các cháu học một cách học rất xơ cứng, chúng phải nói đủ các chi tiết trong đáp án, để trên cơ sở đó mà có điểm. Điều đó rõ ràng là làm thui chột đi sự hấp dẫn đối với bọn trẻ. Và khi không hấp dẫn, thì nó chỉ làm như cái máy. May là nó nhớ và ghi chép được đến đâu thì ghi, và cái điểm chấm không phải chấm về « tri thức » của một đứa trẻ, « tri thức » hiểu theo nghĩa rộng, tức là suy nghĩ, tư duy của đứa trẻ, mà chỉ còn là sự khổ sai của trí nhớ, vì cái thứ học sáo rỗng ấy.RFI : Tức là có phải ở đây chính là chỗ mà anh nói đến cái ranh giới giữa một bên là sự chính trị hóa môn lịch sử, và bên kia là việc giảng dạy môn này như là sự truyền đạt các giá trị, nhưng không gò ép, có phải không ạ ?
Dương Trung Quốc : Tôi chỉ nói nguyên một điều này thôi. Người ta bảo, các cháu đi thi thì phải cố gắng làm gần với đáp án nhất. Các cháu bảo, à, năm nay là kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thì phải học về Cách mạng tháng Tám, năm nay kỷ niệm Điện Biên Phủ thì tập trung vào,… còn năm nay thì rõ ràng là kỷ niệm ngày ra đi của cụ Hồ, thì các cháu lại học (theo chủ đề ấy). Tức là tất cả những cái đó chỉ để phục vụ nhu cầu của đời sống tuyên truyền thôi. Tuyên truyền trong xã hội là cần thiết. Nhưng mà biến học đường thành một công cụ tuyên truyền nữa thì tôi cho là không hợp lý. Giáo dục là phải giáo dục cái rất cơ bản, cái lâu bền, chứ không phải cái nhất thời.
RFI : Thưa anh, anh có nói đến một « lộ trình » để thay đổi việc giảng dạy môn sử, thay đổi một cách thực sự. Vậy thì lộ trình đó là gì ạ ?
Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ rằng, cái lộ trình đó có cả trong giáo dục lịch sử trong học đường, cả trong « xã hội », cả trong « nhận thức xã hội », và cao hơn là cả trong « thượng tầng », tức là quan điểm về lịch sử của các nhà chính trị, để có thể dùng nó như một hệ thống giá trị tác động vào đời sống hiện đại. Tôi nghĩ rằng quốc gia nào cũng quan tâm đến điều đó thôi. Ta không chính trị hóa, nhưng ta phải khai thác các yếu tố mang tính chính trị, mà sử học có thể mang lại.
Tôi nghĩ rằng, riêng với học đường, rất nhiều nhà giáo dục đã nhận ra rằng, một là chương trình, hai là sách giáo khoa. Đương nhiên những cái đó có liên quan đến luật giáo dục. Nhưng tôi nghĩ hoàn toàn có thể có những thử nghiệm được, thử nghiệm làm cho tính đa dạng phát huy được. Thầy giáo và học trò có quyền lựa chọn, miễn sao có được chương trình chuẩn. Tôi nghĩ chuyện này là chuyện nên làm sớm nhất (…).Cái thứ hai là, quan niệm về lịch sử phải thay đổi, trong đó có vai trò của giới sử học chúng tôi. Tôi cũng đã bàn rất nhiều về vấn đề đổi mới trong sử học như thế nào. Nhưng tôi nghĩ đây là một quá trình. Và quá trình này phải thuyết phục được các nhà chính trị, các nhà quản lý, để thấy rằng : lịch sử thật ra là cái lợi khí cho sự phát triển, chứ không phải e ngại gì đối với lịch sử cả.
Vì cái tính ngụ ngôn, thì dễ liên tưởng là lấy xưa nói nay, … nhưng tôi nghĩ rằng đây là một cách nghĩ đơn giản. Nếu khai thác được tất cả các yếu tố tích cực của sử học, thì nó làm cho đời sống không những phong phú hơn, mà còn làm cho tư duy của con người nó cũng mạnh mẽ hơn và sáng tạo hơn. Nhất là trong lúc mà, vấn đề dân tộc, vấn đề tinh thần yêu nước, vấn đề giữ gìn bản sắc của dân tộc, đang trở thành một vấn đề lớn trong bối cảnh xã hội hiện nay.
RFI : Liên quan đến những cản trở trong việc thay đổi cách nhìn nhận về lịch sử, tức là rộng hơn chuyện dạy và học sử trong nhà trường, thì anh có nói đến việc thay đổi trong cách tư duy, cách nhìn, không bị chính trị hóa, không bị giới hạn như vậy. Vấn đề đặt ra là, ngoài các cản trở trong bản thân những người làm công tác giảng dạy (tức là về mặt chương trình), và đồng thời những cản trở từ phía các nhà lãnh đạo, thì phải chăng hiện nay, cái không khí, mà phổ biến cách nhìn tin vào những chuyện huyền hoặc, những chuyện thần bí để đạt được những lợi ích rất cụ thể trong cuộc sống, thì đây có phải cũng là một yếu tố, một môi trường cản trở cái nhìn trung thực, một cái nhìn công bằng và chính xác về lịch sử có thể ra đời được không, thưa anh ?
Dương Trung Quốc : Tôi nghĩ rằng, lịch sử có hai mặt. Về mặt khoa học, ta phải tìm tòi, có thể một tư liệu mới, hay một cuộc khai quật mới, có thể mang lại rất nhiều thông tin, thậm chí nhận thức mới, thậm chí là thay đổi …
Nhưng cái thứ hai nữa là cái tính thực dụng của những nhà chính trị, những nhà quản lý. Tôi thấy rằng điều này hết sức quan trọng. Tôi lấy ví dụ, ở Việt Nam, thường là đối với các vấn đề của quá khứ, của lịch sử, đôi khi thấy phức tạp quá thì bảo, thôi, khép lại quá khứ ! Mà khép lại quá khứ, thì đôi khi lại đồng nghĩa với quên quá khứ đi. Như câu chuyện mà tôi nói về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ở trong Bảo tàng Cách mạng Việt nam.
Nhưng bây giờ, tôi cho rằng phải thay đổi. Chính nhìn vào quá khứ càng sâu sắc bao nhiêu, thì chúng ta càng hoạch định tương lai tốt đẹp bấy nhiêu. Nếu mà có ý thức như thế thì chúng ta sẽ phân tích tất cả những hiện tượng, những sự kiện trong quá khứ để tìm ra bài học, mà (từ) cái bài học ấy, ít nhất là chúng ta tránh những sai lầm và phát huy những mặt thành công mà lịch sử đã mang lại cho chúng ta. Và hình như là có một cái quan niệm cho rằng, lịch sử là một cái gì đó có thể quên đi được, chôn đi được, nhưng tôi nghĩ không phải. Lịch sử vẫn tiếp tục tồn tại trong đời sống xã hội, và nó sẽ xuất hiện ở đúng những khúc quanh quan trọng nhất, và nếu không cẩn thận nó sẽ làm một đòn vu hồi vào những người muốn quên lịch sử ấy đi. Tôi nghĩ rằng, những biến cố lịch sử trên thế giới, nhiều cái bắt đầu từ lịch sử, hoặc ít nhất là coi lịch sử là nguyên cớ. Những cuộc khủng hoảng chính trị ở không ít quốc gia bắt đầu từ việc đánh giá lại lịch sử.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, càng mạnh dạn nhìn thẳng vào quá khứ bao nhiêu, nếu có niềm tin vào tính chính đáng của lịch sử, tôi nghĩ đó cũng vẫn là thái độ khôn ngoan và tích cực, kể cả đối với các nhà chính trị.
RFI : Nhưng thưa anh, vừa rồi trong một câu chuyện vui anh có kể lại trên báo Lao động. Cách đây 20 năm, anh đã kể câu chuyện mang tính huyền thoại về vua Quang Trung đi đánh giặc với cậu con trai (tinh thần của câu chuyện là : các binh sĩ, để đi được thật nhanh từ Huế ra Thăng Long, đã dùng võng khiêng người trong lúc ngủ, và cứ thế thay nhau để khỏi mất thời gian dừng chân lại). Anh đã giải thích đây hoàn toàn chỉ là một chuyện bịa, nhưng cô giáo cũng lại đã sử dụng điều này như một chuyện có thật để truyền lại cho học trò. Và có rất nhiều người đã tin vào điều này, coi như là một chuyện có thật trong lịch sử.
Dương Trung Quốc : Thật ra điều mà tôi muốn nói trong câu chuyện này là phương pháp giảng dạy phải phong phú. Tức là tôi cung cấp cho cô giáo một thông tin huyễn hoặc, để cô giáo dùng thông tin ấy để cuối cùng đưa ra các tri thức tạm gọi là tương đối chính xác hơn. Tôi nói rằng đây là một phương pháp, bởi vì một trong các yếu tố trong học sử, qua trải nghiệm, tôi thấy đó chính là sự truyền đạt của người thầy. Tính hấp dẫn của phương pháp truyền đạt làm cho lịch sử dễ tiếp cận, và nó trở nên sâu sắc hơn, nhất là đối với đứa trẻ.
Vì thế, tôi nghĩ rằng, huyền thoại bao giờ cũng tồn tại trong đời sống, và nó rất cần trong đời sống (để) nhận thức quá khứ. Không chỉ là cái gì mà ta chưa nhận thức ra, (cái) mơ hồ, nhưng dẫu sao nó cũng làm cho quá khứ nó long lanh hơn, nó nổi bật hơn và nó hấp dẫn. Tôi nói, đấy là phương pháp thôi.
RFI : Về vấn đề phương pháp, có câu chuyện « anh Lê Văn Tám », như anh biết, nhà sử học Phan Huy Lê cách đây mấy năm có nói rằng, cần phải công khai một lúc nào đó rằng, đây là một huyền thoại, chứ không phải là sự thực như vẫn được học trong sách giáo khoa.
Dương Trung Quốc : Nhưng mà ở đây, trong hạt nhân của huyền thoại này có một sự thực. Vấn đề là điều mà cụ Trần Huy Liệu nói với các học trò của mình, các học trò đàn em của mình, chính là ở chỗ ấy. Tức là trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra, con người sẵn sàng tin mọi cái, nếu như điều đó đáp ứng được suy nghĩ của mình, đó là đánh giặc ngoại xâm chẳng hạn, thì họ tin ngay. Cũng như bây giờ, không ai đặt vấn đề, có ông Thánh Gióng thật hay không cả. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là thế này : đến một lúc nào đó có điều kiện, thì vì đấy là một lịch sử hiện đại, người ta phải tìm ra hạt nhân của cái huyền thoại đó là cái gì. Có phải là ông Lê Văn Tám không, hay ông Trần Văn Chín, nhưng ít nhất nó có một sự thật là có một vụ nổ ở trong kho bom ấy. Và khi chưa đủ thông tin, thì yêu cầu của nhà tuyên truyền – tôi nhắc lại là ông Trần Huy Liệu lúc đó là bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Và tôi thấy có rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đang đi tìm hiểu chuyện đó. Hiện nay có nhiều giả thuyết khác nhau. Chắc chắn là có một vụ nổ ở kho bom ấy, còn giải thích ai đánh nó, đánh như thế nào thì (…) Nhưng cái huyền thoại xuất hiện vào thời điểm ấy có giá trị tuyên truyền, đúng nghĩa là tuyên truyền. Nhưng khi ta có thời gian rồi, thì ta phải gột bỏ dần những yếu tố mang tính huyền thoại để tìm cốt lõi bên trong. Còn huyền thoại ấy vẫn có thể tiếp tục tồn tại như huyền thoại.
RFI : Tức là trong cuộc sống, sức mạnh của con người nhiều khi đến từ niềm tin mang tính huyền thoại ?
Dương Trung Quốc : Vâng, nhất là trong thời kỳ chiến tranh, tôi cho rằng điều đó khó tránh khỏi.
RFI : Thế nhưng, việc mình để huyền thoại đó tồn tại quá lâu như một điều (thực sự) hiện hữu, tức là trộn nó với thực tế, tin rằng đó là điều thực, thì phải chăng điều đó cản trở óc phê phán, sự độc lập trong óc tư duy ?
Dương Trung Quốc : Tôi cho rằng, việc các nhà sử học chủ động hóa giải huyền thoại đó, thì huyền thoại ấy vẫn có giá trị, giá trị ở chỗ là nó đã tác động vào trong đời sống xã hội. (…) Nhưng bây giờ nếu một nhà phân tích lấy thực chứng ra phân tích các yếu tố, về sinh học chẳng hạn, thì không thể tin được. Nhưng đấy là chuyện bây giờ.
Muốn để cho cái thắc mắc ấy nó được hóa giải, thì ta phải nghiên cứu xem gốc gác ở đâu. Chắc chắn đây không phải là chuyện bịa đặt, mà là một cách giải thích một sự kiện có thực, nhưng chưa đủ thông tin, và lúc đó có nhu cầu của cuộc kháng chiến mới bùng nổ (…) Khi phân tích rõ ra (…) người ta tin hơn vào các huyền thoại. Tôi nghĩ rằng về sau vẫn có thể có chuyện Lê Văn Tám như là một huyền thoại, nhưng (những chuyện) đằng sau nó được giải thích một cách đầy đủ.
RFI : Trong thực tế Việt Nam hiện nay, rất nhiều người tin vào các hiện tượng huyền hoặc, người ta cầu xin thần thánh để được cái nọ cái kia. Điều này rất phổ biến.
Dương Trung Quốc : Điều này dễ hiểu thôi, khi xã hội chưa có sự ổn định, con người đứng trước nhiều sự thách đố, không giải thích được, thậm chí cái may rủi, thì đương nhiên là đằng sau nó có các yếu tố mang tính tôn giáo, mang tính tín ngưỡng, thậm chí các yếu tố ta gọi là mang tính « mê tín dị đoan » nó tác động vào đời sống. Vậy thôi !
RFI : Sự phổ biến của những niềm tin vào những điều huyền hoặc trong xã hội, thì thưa anh, có mối liên hệ gì không với việc giảng dạy chưa thoát ra khỏi những « thần thoại » trong sách giáo khoa, tức là như anh nói, chưa đạt đến chỗ mà các nhà sử học đặt « huyền thoại » vào đúng chỗ của nó, như là sản phẩm của con người, như hành động của con người. Vậy thưa anh, hai điều này có liên hệ với nhau như thế nào ?
Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nói là : sách giáo khoa hiện nay, thì cách biên soạn, cách lựa chọn cái chủ đề và cách trình bày nó, rõ ràng nó bất cập với nhu cầu của giới trẻ. Giới trẻ có thể tiếp cận với rất nhiều thông tin khác nhau, và các cháu có quyền đặt những câu hỏi. Tôi nghĩ đặt câu hỏi là tích cực. Sách giáo khoa chưa đáp ứng được điều đó, thì phải thay đổi, phải sửa đổi sách giáo khoa cho phù hợp. Cái đối tượng học sinh ngày hôm nay khác ngày xưa nhiều.
RFI : Như vậy, cái mấu chốt hiện nay là thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa ?
Dương Trung Quốc : Chương trình và sách giáo khoa là cái chủ yếu liên quan đến học đường thôi, vì chúng ta đang bàn bắt đầu từ câu chuyện thi cử mà. Chứ còn cái vấn đề « tri thức xã hội » là vấn đề rộng lớn hơn rất nhiều.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.