Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xài sang & Bản lĩnh của người lãnh đạo



(Petrotimes) - Sống sang, ăn sang, tiêu sang, chơi sang đang thành cái mốt của không ít người. Kẻ lắm tiền đã vậy, người ít tiền cũng cố đua đòi, tập tọng “học làm sang”. Người ta ganh đua nhau, chỉ sợ mình mang tiếng là hèn kém, là “không chịu chơi”, là “tẩm”.
(Bài đã đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 10-1987)

Trong bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 11/8/1987, đồng chí N.V.L đã nêu hiện tượng có một số cơ quan và cán bộ công tác ở nước ngoài thích sắm và đi xe ôtô sang trọng, đắt tiền, mỗi chiếc phải mua với giá tương đương với toàn bộ số ngoại tệ của một huyện thu được do xuất khẩu lạc trong một năm… Hiện nay, khắp các tỉnh, thành cả nước, trong khi các xe hơi dùng còn tốt, nhiều cơ quan, thủ trưởng vẫn cho sắm các xe con kiểu mới để đi lại cho oai, cho sang… Bài báo đã gọi “đây là một sự thật nhức nhối”.
Cuộc sống hiện nay đang có không biết bao nhiêu những hiện tượng nhức nhối kiểu như vậy.
Có người cậy mình buôn bán, lắm của nhiều tiền, hợm hĩnh, thích phô trương, sĩ diện, ăn tiêu theo lối “ném tiền qua cửa sổ”. Người ta cưới vợ cho con hoặc làm ma báo hiếu cho cha mẹ ăn uống linh đình mấy ngày.
Có người ỷ thế có nguồn cứu trợ từ nước ngoài hay có khoản hoa hồng “trời cho” nào đó, ăn chơi đập phá xả láng, lai rai nhậu nhẹt tối ngày. Qua những tiệm rượu, tiệm cà phê, có thể thấy tấp nập những người có máu “anh chị” “chịu chơi”; họ xài toàn những thứ thiệt sang, thiệt quý. Bia phải bia hộp, rượu phải rượu Tây, thuốc lá phải galăng hay ba số. Món ăn giò chả đối với họ chẳng nghĩa lý gì, xoàng họ cũng phải dùng những thứ “đặc sản” khó kiếm…
Sống sang, ăn sang, tiêu sang, chơi sang đang thành cái mốt của không ít người. Kẻ lắm tiền đã vậy, người ít tiền cũng cố đua đòi, tập tọng “học làm sang”. Người ta ganh đua nhau, chỉ sợ mình mang tiếng là hèn kém, là “không chịu chơi”, là “tẩm”.
Cái bệnh sĩ diện, thích chơi sang lây lan vào cả một số cơ quan, đơn vị hành chính. Không ít nơi chạy vạy cố xây cho được những trụ sở sang trọng, nhà văn hóa kiểu cách, cửa hàng diêm dúa, lộng lẫy… tốn rất nhiều tiền, nhưng dường như chỉ để phô trương, hiệu quả sử dụng rất kém. Trong khi Nhà nước còn thiếu ngoại tệ để mua vật tư, nguyên liệu, phân bón, thuốc trừ sâu… những thứ thiết yếu phục vụ sản xuất, thì có cơ quan vẫn cứ dùng ngoại tệ, kể cả ngoại tệ mạnh, để mua sắm những thứ hàng tiêu dùng cao cấp chưa thật cần thiết, hoặc những hàng xa xỉ, không phù hợp với điều kiện và túi tiền của mình.
Hiện tượng dùng tiền của công để quà cáp biếu xén cho nhau, liên hoan chè chén, chiêu đãi, thù tiếp lẫn nhau, xảy ra khá phổ biến. Có những ông giám đốc, những vị thủ trưởng quanh năm mùa nào thức ấy, được cấp dưới biếu quà, gửi tặng phẩm một cách trọng thị. Thôi thì ngày tết, ngày lễ, ngày kỷ niệm thành lập xí nghiệp, thành lập ngành, mừng hoàn thành kế hoạch sản xuất, mừng khánh thành một ngôi nhà mới dựng, một công trình mới xây… cứ mỗi dịp lại một món quà có giá. Nạn ăn uống chè chén khá lu bù. Báo Nhân Dân, ngày 18/8/1987, cho biết, chỉ tính riêng 6 khách sạn ở tỉnh H, trong 6 tháng đầu năm đã có 166 bữa tiệc hội nghị, chi ăn mỗi suất tốn bằng mấy tháng lương của một kỹ sư vừa hết thời hạn thực tập. Nghe nói đó mới chỉ là những “bữa cơm hội nghị” loại bình thường hoặc loại xoàng. Ở nhiều nơi còn có những bữa tiệc sang hơn, thịnh soạn hơn; có những bữa chiêu đãi, khách vừa ăn vừa nhậu thỏa thích, vừa được nghe nữ ca sĩ hát rất “mùi”… Thậm chí có ông giám đốc ngân hàng ra Hà Nội họp, nghỉ tại khách sạn cũng tổ chức chiêu đãi, có “ca sĩ” mà ông luôn mang theo. Nếu ai bớt thời gian thử tính xem một năm các địa phương, các đơn vị có bao nhiêu cuộc hội nghị, bao nhiêu buổi liên hoan, bao nhiêu lần tiếp khách (khách đến, khách đi, khách cấp trên, khách bạn hàng, khách kiểm tra, thanh tra, khách tham quan trao đổi kinh nghiệm, khách ban thi đua, khách nhà báo, khách trong nước và cả khách nước ngoài…), tổng cộng cả nước có bao nhiêu khách sạn phục vụ những cuộc tiệc tùng như thế, chắc sẽ không khỏi kinh ngạc, giật mình bởi những con số chi phí quá to, quá nhức nhối.
Điều đáng nói là có những vị ăn ở, đi lại quá cầu kỳ, kiểu cách và tốn kém. Ở thì rộng quá xa tiêu chuẩn, với nhiều căn hộ, ở nhiều địa điểm khác nhau. Tiện nghi trang bị, mua sắm toàn những thứ sang trọng, đắt tiền. Có vị xây xong nhà cho mình lại xây luôn nhà cho con; hôm nay quét vôi màu này, ngày mai không ưng lại cho quét thay màu khác. Nhiều người tiêu xài quá đáng. Điện Nhà nước họ cứ việc dùng, một tháng hết 4.000-5.000 số, cũng không cần để ý. Rồi còn con cái, anh em thân thích. Họ mặc toàn đồ sang, dùng toàn thứ quý, ăn uống đủ thứ ngon vật lạ. Của cải ấy, tiền bạc ấy ở đâu ra? Chắc chắn không phải hoàn toàn do lao động chân chính của họ mang lại. Nhưng dù từ nguồn nào thì tất cả những của cải, tiền bạc ấy, xét cho cùng đều là mồ hôi, là nước mắt, thậm chí cả xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta. Ai cho họ được mặc sức tiêu xài phóng túng như vậy? Phải chăng họ cậy mình có quyền thế, có tiền bạc, tự cho phép mình được vung phí của công, không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của nhân dân, quên mất cả thanh liêm đạo đức?
Cái tệ sử dụng lãng phí xe con cũng đang khá nghiêm trọng. Theo Báo Nhân Dân, ngày 4/9/1987, hiện nay cả nước có hơn 50 nghìn xe con các loại, chiếm hơn 25% tổng số xe hiện có. Có nhiều trường hợp dùng xe không đúng quy định, không có tiêu chuẩn cũng cứ dùng xe con của công đi làm. Nhiều xe công được dùng vào việc riêng. Tổ chức một đám cưới cho con cũng phải có xe đưa đón dâu, rể… Do việc dùng xe con bừa bãi như vậy cho nên rất tốn xăng dầu. Tính ra, số xăng dầu mà xe con dùng quá mức quy định đã làm lãng phí từ 50 đến 70 nghìn tấn một năm…
Tục ngữ có câu “miệng ăn núi lở”, “mưa dầm lâu cũng lụt”, mà “đã lụt thì lút cả làng”. Một nền kinh tế dù có vững vàng bao nhiêu, sản xuất dù phát triển như thế nào, nhưng nếu không tiết kiệm, cứ tiêu dùng hoang phí thì chẳng khác nào gió vào nhà trống, rốt cuộc của cải vào lỗ hà ra lỗ hổng, làm bao nhiêu tay không vẫn hoàn tay không. Không phải ngẫu nhiên mà các nước có nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân rất cao người ta vẫn rất đề cao vấn đề tiết kiệm. Tiết kiệm đối với họ bao giờ cũng là quốc sách. Huống chi đối với ta, một đất nước phải chịu hậu quả nặng nề của mấy cuộc chiến tranh tàn phá ác liệt, hiện đang cần phải xây dựng nhiều thứ, trước mắt có rất nhiều khó khăn, làm sao lại có thể lãng quên vấn đề tiết kiệm, chi tiêu một cách xả láng? Những người tự bỏ tiền túi của mình ra để tiêu xài lãng phí trong khi đất nước còn nghèo và có nhiều khó khăn đã là thất nhân tâm, rất đáng phê phán. Những người lấy tiền của của Nhà nước, của tập thể để chi dùng quá mức cho cuộc sống riêng của mình càng cần phải nghiêm khắc phê phán và tùy trường hợp phải bị xử lý thích đáng…
Chúng ta không phản đối việc ăn ngon, mặc đẹp, ở rộng, đầy đủ tiện nghi, đi lại thuận tiện, dễ dàng; không bác bỏ cuộc sống đầy đủ, đàng hoàng do thu nhập chính đáng bằng lao động của mỗi người đem lại, không đố kỵ với những người có điều kiện sống khá giả. Trái lại, sống sung sướng, hạnh phúc trong công bằng là mục đích của chủ nghĩa xã hội; chúng ta phấn đấu hy sinh là cốt làm cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ngày càng được sung sướng hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng chúng ta không thể đồng tình với những lối sống quá cầu kỳ, hợm hĩnh, quá cách biệt, xa lạ với đời sống chung của mọi người lao động, không phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Đồng thời, chúng ta kiên quyết lên án những hành vi lợi dụng chức quyền tham ô, ăn cắp của công, làm lãng phí nghiêm trọng tài sản của Nhà nước và của tập thể để có cuộc sống xa hoa, phè phỡn. Mọi sự tiêu dùng lãng phí, xa xỉ không thể làm tăng thêm danh giá cho cơ quan hay cá nhân người nào. Trái lại, nó gây ra không biết bao nhiêu tốn kém, ảnh hưởng đến nền kinh tế tài chính của nước ta, tạo ra một lối sống không lành mạnh trong xã hội ta, làm hư hỏng nhiều cán bộ, đảng viên và góp phần tạo ra sự cách biệt giữa cán bộ và quần chúng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
N.P.T



(Petrotimes) - Bản lĩnh và rèn luyện để có được bản lĩnh là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi người. Nó quyết định khả năng làm việc, phong cách sống và uy tín của người đó.
 
Hình minh họa

Cán bộ lãnh đạo là người chịu trách nhiệm trước một tổ chức, một đơn vị cho nên lại càng cần có bản lĩnh. Người có bản lĩnh thì làm việc dễ thành công, lãnh đạo và giáo dục người khác có sức thuyết phục, được mọi người quý nể, trân trọng. Trái lại, nếu thiếu hoặc không có bản lĩnh cần thiết thì họ khó có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, khó có thể lãnh đạo, giáo dục người khác được. Nói cách khác, người có bản lĩnh dễ khẳng định được mình một cách mạnh mẽ và sâu sắc.
Trong đời sống thường ngày, ta thường nhận xét, bình phẩm người này có bản lĩnh, người kia không có bản lĩnh hoặc kém bản lĩnh. Vậy thế nào là người có bản lĩnh? Cái gì quy định bản lĩnh của người lãnh đạo?
Xét trên đại thể, đã là người lãnh đạo thì ai cũng phải đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, tức là có tinh thần và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Người lãnh đạo có bản lĩnh trước hết phải là người có phẩm chất và năng lực. Đồng thời trên những tiêu chuẩn chung về phẩm chất và năng lực, họ có một số nét đặc sắc, một số điểm sáng nổi bật, khắc họa rõ nét hơn bản sắc, tính cách của họ, làm cho họ trở thành người “có góc, có cạnh”.
Nét đặc sắc đầu tiên tạo nên bản lĩnh của người lãnh đạo là ý chí và nghị lực đối với công việc. Ý chí và nghị lực đó biểu hiện ở quyết tâm trong bất cứ tình hình nào cũng thực hiện bằng được ý định, mục tiêu đã vạch ra. Là giám đốc một xí nghiệp, thủ trưởng một đơn vị, hay phụ trách một lĩnh vực công tác, một địa phương, người có bản lĩnh luôn luôn nắm vững mục tiêu hành động, hiểu rõ chức trách, nhiệm vụ được giao, tìm mọi cách thực hiện cho kỳ được mục tiêu và kế hoạch công tác. Trên con đường đi tới mục đích, có thể có vô vàn gian khổ, khó khăn, thậm chí có khi tạm thời thất bại, nhưng gian khổ khó khăn không làm họ nhụt chí, thất bại tạm thời không làm họ nản lòng. Trái lại họ quyết đạp bằng mọi khó khăn và không cam chịu khoanh tay ngồi nhìn thất bại. Thua keo này, họ rút kinh nghiệm rồi làm lại keo khác. Và dù có phải làm đi làm lại nhiều lần để hoàn thành nhiệm vụ họ cũng sẵn sàng làm; dù có phải chống lại cả một lề thói cũ, bảo thủ, thâm căn cố đế họ cũng không quản ngại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, người lãnh đạo có bản lĩnh là người “khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết, kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn”.
Ý chí và nghị lực của người lãnh đạo còn biểu hiện ở chỗ biết hy sinh cái nhỏ vì cái lớn, cái trước mắt vì cái lâu dài, cái cá nhân vì tập thể, cái bộ phận vì toàn cục. Họ không tham cái nhỏ bỏ cái lớn, không vì việc riêng mà làm hỏng việc chung. Với tầm hiểu biết rộng, họ luôn luôn nhận rõ đâu là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, từ đó biết tập trung mọi cố gắng cho phương hướng chính. Bản lĩnh của người lãnh đạo không cho phép sa vào những nhiệm vụ thứ yếu, những lợi ích trước mắt, vụn vặt, càng không chỉ quẩn quanh tính toán những lợi ích riêng tư.
Bên cạnh ý chí và nghị lực lớn, người lãnh đạo có bản lĩnh là người có dũng khí đấu tranh, dám quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Là người phụ trách, họ không né tránh những vấn đề gai góc, những công việc phức tạp, không sợ khuyết điểm sai lầm, không sợ mất quyền, mất chức. Với đức tính trung thực, thẳng thắn, họ ghét cay, ghét đắng cái thói a dua, sàm nịnh, tâng bốc trước mặt người này, công kích, nói xấu sau lưng người khác, rất “lèm nhèm”, “tiểu nhân”. Họ không xu nịnh và cũng không thích người khác nịnh. Trước những vấn đề gai góc họ thường điều tra, nghiên cứu nghiêm túc, kết luận dứt khoát, rõ ràng, trên cơ sở đó có cách giải quyết tích cực. Trước những tình huống phức tạp, bất ngờ, họ nhanh chóng tỏ rõ quan điểm, thái độ của mình, tìm ra giải pháp đúng đắn và quyết định một cách dứt khoát, táo bạo, không dựa dẫm, do dự. Một khi đã biết rõ chân lý thì đấu tranh đến cùng để bảo vệ chân lý. Một khi đã thấy ý kiến của mình là đúng, là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng thì chỉ đạo thực hiện bằng được. Bản lĩnh của người lãnh đạo không tương dung với thói khúm núm, ngập ngừng, gió chiều nào che chiều ấy, sợ khuyết điểm, sợ liên lụy trách nhiệm, sợ không được đề bạt, cất nhắc. Trong khuôn khổ kỷ luật của tổ chức, đôi khi họ có vẻ như “bướng bỉnh”, “ngang tàng” trong việc đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng, họ có gan nói những ý kiến độc lập của mình, dám đấu tranh thẳng thắn, chân tình với mọi thái độ và việc làm sai, dù đó là của người chỉ huy họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ có đào tạo được những cán bộ “có gan phụ trách, có gan làm việc”, “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến” Đảng mới thành công. Trái lại, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, “đập đi, họ đứng”, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng”. Người khẳng định: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo”.
Bản lĩnh của người lãnh đạo không chỉ thể hiện ở ý chí, ở tinh thần mà còn thể hiện ở đầu óc tổ chức, ở năng lực chỉ đạo thực hiện. Người có bản lĩnh không chỉ dám nói, dám làm, mà còn biết nói, biết làm, sắc sảo, tháo vát trong lĩnh vực tổ chức. Am hiểu thực tiễn con người, thành thạo công việc, người lãnh đạo có bản lĩnh biết phát huy năng lực chủ quan, có khả năng điều hành tốt công việc. Trong quá trình tổ chức thực hiện, họ nắm vững công tác chính, biết việc nào làm trước, việc nào làm sau, dùng khâu nào hỗ trợ khâu nào, việc này giao cho ai, bao giờ hoàn thành, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng ra sao… rất cụ thể, tỉ mỉ, không đại khái, tùy tiện. Đặc biệt, người lãnh đạo có bản lĩnh là người biết trọng dụng nhân tài, biết sử dụng tổ chức và con người một cách tốt nhất. Họ chẳng những có khả năng lôi cuốn, tập hợp những người cộng tác tích cực chung quanh mình, mà còn biết dùng người này, đơn vị này để kích thích, động viên sự cố gắng của người khác, đơn vị khác; dùng mặt mạnh của người này, đơn vị này để bổ sung cho mặt yếu của người khác, đơn vị khác. Họ sắp xếp công việc, bố trí cán bộ sao cho phát huy được sở trường của từng cá nhân; dám phóng tay giao việc thích hợp cho cán bộ cấp dưới, thả cho họ làm, rồi theo dõi, kiểm tra, uốn nắn không bao biện, làm thay.
Họ luôn luôn dân chủ với quần chúng và cấp dưới, lắng nghe ý kiến của những người xung quanh, nhất là của những người cộng sự với mình.
Trong xử thế, người có bản lĩnh thường bình tĩnh, sáng suốt, biết mình, biết người và luôn luôn làm chủ được mình. Họ chỉ phát biểu ý kiến hoặc vạch chủ trương công tác sau khi đã nắm đủ và nắm đúng tình hình; không phán chung chung và càng không phán liều, phán ẩu. Họ sống thanh cao, đĩnh đạc, có khí phách, không bị vật chất, tiền bạc cám dỗ. Điềm đạm, độ lượng với người khác, nhưng lại rất nghiêm khắc với bản thân, biết đấu tranh kiềm chế những ham muốn tầm thường của bản thân. Khi cần thiết, người có bản lĩnh biết lấy “lạnh” chế “nóng”, dùng “nhu” hòa “cương”. Họ biết cười khi trong lòng đang nhức nhối, biết lạnh lùng khi nhiệt huyết đang sục sôi. Họ thận trọng nhưng táo bạo, mềm dẻo, linh hoạt, nhưng không xa rời nguyên tắc; gương mẫu, miệng nói tay làm, do đó họ có uy tín và sức thuyết phục lớn.
Phải chăng đó là những nét chủ yếu nhất nói lên bản lĩnh của người lãnh đạo. Trong thực tế không phải ai cũng có được bản lĩnh toàn diện và đầy đủ như thế. Bản lĩnh ở người này có thể ở mức độ này, ở người khác mức độ khác; nhưng chí ít cũng phải đạt được một vài điểm trong những nét đặc trưng trên. Và điều cơ bản những nét đặc trưng đó phải được quy tụ và bảo đảm vững chắc ở sự trung thực, lòng trung thành, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân.
Bản lĩnh của người lãnh đạo không phải là cái cao siêu không thể đạt được, nhưng cũng không phải tự nhiên mà có. Nó là kết quả của sự rèn luyện một cách công phu, nghiêm túc của mỗi cá nhân kết hợp với sự giáo dục, bồi dưỡng của tổ chức, của tập thể, trong suốt quá trình hoạt động thực tiễn. Do đó, nó trở thành một cái gì rất ổn định, rất nhuần nhuyễn, gần như bản tính tự nhiên của một người. Bản lĩnh tuyệt nhiên không phải là sự lên gân giả tạo, cố làm ra vẻ ta đây có bản lĩnh, cố tạo cho những nét ngang ngang, độc đáo khác người. Nếu có ai đó nghĩ rằng, bản lĩnh nghĩa là phải nói trái với ý của cấp trên (mặc dù ý kiến của cấp trên đúng đắn), hoặc làm ngược với quyết định của tổ chức (mặc dù quyết định của tổ chức là chính xác) thì người đó đã nhầm to rồi. Bản lĩnh hoàn toàn không phải là cái vẻ ngang ngang, gàn gàn như thế đâu. Vâng hoàn toàn không phải.
N.P.T
(Bài đã đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, số 2 – 1986)