Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
Tháng 6 năm 2011, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều đã đến Mỹ dự hội thảo văn học. Sau chuyến đi, ông đã gửi cho Tuanvietnam một ghi chép. Những câu chuyện trong ghi chép này là cách nhìn của ông về những điều rất bình dị của cuộc sống. Tuanvietnam xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc ghi chép này.
Câu chuyện thứ nhất:
Mấy năm trước, tôi đưa con trai đi cùng trong chuyến đi dự hội thảo ở Mỹ năm 2007. Khi bước vào phòng lãnh sự, tôi thấy sự hoang mang trên gương mặt chàng trai trẻ. Sau này, chàng trai nói với tôi là cậu sợ khi nhìn thấy một poster treo trên tường với hình ảnh một người đàn ông đứng sau hàng rào dây thép và dòng chữ Nếu bạn nói dối một lần thì cánh cửa trước bạn sẽ đóng lại vĩnh viễn. Chữ bạn là do tôi dịch. Còn con trai tôi dịch là: Nếu ngươi.... Cách chọn từ của con trai tôi đã lột tả đúng tâm trạng của cậu và tôi tin nó cũng đúng với tâm trạng của không ít người lần đầu tiên phỏng vấn visa Mỹ.
Đứng về nguyên tắc sống và luật pháp, tôi ủng hộ nội dung câu nói đó. Nhưng tôi thấy nước Mỹ đâu cần phải treo một poster như vậy trong căn phòng ấy bên cạnh ảnh của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ...Vì theo tôi, đó là những hình ảnh đầu tiên về "lãnh thổ" nước Mỹ. Tại sao ở đó không treo những bức ảnh về đất nước Mỹ văn minh với một thiên nhiên lộng lẫy hoặc hình ảnh của các nhà văn, nghệ sỹ danh tiếng, những ngôi sao thể thao, điện ảnh, âm nhạc... mà nhiều người Việt Nam đã biết đến và yêu mến.
Một góc thành phố Boston, nước Mỹ. Ảnh: Boston Discovery Guide
Tôi đã từng đến phòng lãnh sự của một số nước Châu Âu, nơi mà quả thực xin visa với nhiều người Việt Nam không một chút dễ dàng. Nhưng trong phòng phỏng vấn visa, tôi chỉ thấy những bức ảnh đẹp giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa của họ. Chắc chắn trong hàng ngàn, hàng vạn người phỏng vấn visa sẽ có người nói dối về một điều gì đó. Và trong những lời nói dối của họ sẽ có những lời nói dối đáng yêu và chẳng tội lỗi gì mà chỉ bởi một nỗi hoang mang mơ hồ nào đó. Tất nhiên con trai tôi không phải nói dối điều gì. Nhưng trong tâm hồn trong sáng của cậu thì hàng rào dây thép và lời cảnh báo đầy tính đe dọa không phải là nhắm vào cậu cũng vẫn làm cho cậu hoảng sợ.
Và trong một lần thuyết trình ở Trung tâm Hoa Kỳ, tôi đã nói về cảm giác ấy. Nước Mỹ không cần làm điều đó vì để phát hiện ai đó nói dối là nhiệm vụ của các nhân viên lãnh sự Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sức mạnh chinh phục một cách thực sự của bất cứ quốc gia nào là sức mạnh của những vẻ đẹp văn hóa và nhân văn.
Nhưng đến năm 2009, tôi bước vào phòng lãnh sự Mỹ và không thấy bức poster đó nữa. Có lẽ, không chỉ mình tôi mà nhiều người khác bằng một cách trực tiếp hay gián tiếp đã nói tới các nhân viên Sứ quán Hoa Kỳ cảm giác ấy. Hoặc có thể các nhân viên phòng lãnh sự cũng nhận thấy tấm poster đó thật vô lý và chẳng có hiệu quả gì ngoài việc làm cho một số người hoang mang, lo sợ về một điều gì đó từ nước Mỹ mà họ chưa hiểu được.
Những năm gần đây, việc cấp visa cho người Việt Nam vào Mỹ đã mở rộng rất nhiều, đặc biệt là visa cho sinh viên và nhất là đối với những sinh viên đã được cấp visa trước đó và về Việt Nam nghỉ hè. Những sinh viên này chỉ cần gửi hồ sơ qua đường bưu điện mà không phải phỏng vấn nữa. Sự đổi mới này làm cho cái nhìn của những người trẻ và thân nhân của họ thấy nhẹ nhõm và thấy nước Mỹ gần gũi hơn với họ.
Tôi còn nhớ khi bà Hilary Clinton trở thành Ngoại trưởng Mỹ, văn phòng của bà đã gửi thư cho những người Việt Nam đã đến Mỹ theo chương trình của Chính phủ Mỹ. Nội dung bức thư đó là mời những người đó hãy nói cho Bộ Ngoại giao Mỹ biết những gì trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam mà Chính quyền Mỹ cần thay đổi. Họ cũng đề nghị những người họ gửi thư hãy cho họ biết họ cần phải làm gì để quan hệ Mỹ - Việt được tốt nhất. Bức thư cũng nói rõ nếu người góp ý ngại ngùng điều gì thì có quyền ẩn danh và sự ẩn danh đó được Bộ Ngoại giao Mỹ tôn trọng.
Trước kia, có một thực tế là: rất nhiều người Việt Nam nghĩ rằng quan hệ ngoại giao Mỹ và Việt Nam là một quan hệ bị phía Mỹ áp đặt. Ngoại giao như thế một số người gọi là ngoại giao độc tài mà lúc này trên thế giới vẫn có những quốc gia thực hiện chính sách ngoại giao độc tài đó. Nhưng qua cách làm của bà Hilary Clinton, tôi nhận thấy nước Mỹ đang lắng nghe các đối tác của mình để có thể phát triển quan hệ của mình với các quốc gia khác một cách tốt nhất. Đó là sự tôn trọng các quốc gia có quan hệ với Mỹ. Và đó cũng là cách tốt nhất mà Mỹ hay các quốc gia phải làm nếu họ muốn hình ảnh của đất nước họ hiện ra ấn tượng trước mắt các quốc gia khác.
Năm nay, tôi đưa vợ tôi đến Mỹ để thăm hai con tôi đang theo học ở đó. Và cũng để vợ tôi biết đến một đất nước mà tôi đã có biết bao kỷ niệm vui buồn trong hơn 20 năm qua. Và khi đưa vợ tôi đến phòng lãnh sự Mỹ, tôi lại mang cảm giác lo lắng và không dám tin 100% rằng vợ tôi có thể được cấp visa. Tại sao tôi lại không dám tin? Vì nếu vợ tôi đến Mỹ cùng tôi thì gia đình tôi đã có mặt ở Mỹ đầy đủ. Lúc đó, nếu tôi muốn định cư ở Mỹ thì tôi không phải lo sợ hay dày vò bởi một thành viên nào đó trong gia đình nhỏ của tôi phải ở lại.
Tôi vẫn thường nghe nói phía Mỹ sẽ không cấp visa cho toàn bộ một gia đình nào đó đến Mỹ. Điều đó nghe cũng thật có lý. Thế nhưng vợ tôi được cấp visa mà chẳng phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Nhưng nhân viên phỏng vấn là một phụ nữ đã hỏi tôi một câu. Câu hỏi đó là: "Chúng tôi có gây phiền hà cho ông trong việc cấp visa không?".
Câu hỏi đó làm cho tôi ngạc nhiên không hiểu lý do. Tôi nói với bà rằng cá nhân tôi chưa một lần gặp phiền hà gì trong việc xin visa vào Mỹ cả. Nghe tôi nói, bà cầm một tờ giấy đưa lên và nói với một giọng không vui: "Tôi cứ nghĩ rằng ông thấy chúng tôi gây phiền hà gì đó cho ông nên ông mới nhờ đến ngài Thượng nghị sỹ của chúng tôi viết thư can thiệp".
Lá thư của Thượng nghị sỹ John Kerry, ứng cử viên tổng thống Mỹ gần 7 năm về trước
Lúc đó tôi mới nhìn rõ tờ giấy ấy. Đó là một lá thư. Người viết lá thư đó là Thượng nghị sỹ John Kerry, ứng cử viên tổng thống Mỹ gần 7 năm về trước. Trong thư ông đề nghị phòng lãnh sự Mỹ hãy giúp đỡ cho vợ chồng tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quyến đi cùng đến Mỹ được thuận lợi.
Sau buổi phỏng vấn visa, tôi nghĩ mãi về lá thư đó. Tôi thường nghĩ về nước Mỹ với một cách làm việc đầy nguyên tắc. Và tôi không bao giờ nghĩ một Thượng nghị sỹ, một ứng cử viên Tổng thống Mỹ lại có thể ngồi xuống viết một lá thư xin giúp đỡ cấp visa cho một người Việt Nam vô danh, một người Việt Nam chẳng có một chút cần thiết nào cho nước Mỹ. Không phải vì tôi đã từng đến Mỹ, vì tôi có những người bạn Mỹ thân thiết hay vì các con tôi đang theo học ở đó mà tôi đang nói những điều như vậy về nước Mỹ. Mà bởi những việc cụ thể mà người Mỹ đang sống. Tôi muốn công bằng khi nói về một ai đó.
Tôi nhớ năm 2003, tôi đến Mỹ với học bổng của văn phòng John Kerry. Một trợ lý của John Kerry đã tiếp chúng tôi ở văn phòng của ông ở Washington. Người trợ lý đó đã đề nghị tôi hãy nói cho ông nghe những điều không hay của nước Mỹ mà tôi đã nhìn thấy trong chuyến đi của tôi. Năm 1993, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Lê Minh Khuê cùng tôi đến New York. Chúng tôi gặp nhà văn danh tiếng Susan Brownmiller. Bà đã đưa chúng tôi đến phố 42. Lúc đó, phố 42 có thể gọi là phố tình dục. Người ta có thể thấy mọi thứ phục vụ cho tình dục được hiển thị ở đó. Bà nói với chúng tôi: "Tôi chỉ cho các anh chị thấy phần tồi tệ của nước Mỹ còn phần đẹp đẽ các anh chị hãy tự tìm lấy". Susan là nhà văn nổi tiếng với cuốn sách: Thiện chí của chúng ta, đàn ông đàn bà và sự cưỡng hiếp. Ngay trong năm 1993, cuốn sách đó đã mang lại cho bà một triệu đô la tiền nhuận bút.
Trong cuốn sách đó có một chương viết về lính Mỹ cưỡng dâm trẻ vị thành niên ở Miền nam Việt Nam trong chiến tranh như thế nào. Trong thời gian chiến tranh, Susan làm cho một kênh truyền hình Mỹ. Nhưng sau khi phát hiện ra sự nói dối của kênh truyền hình này về cuộc chiến ở Việt Nam, bà đã đập nát tivi và bỏ việc. Susan đã từng đến Việt Nam và bà tuyên bố rằng bà mong Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới này không có gái mãi dâm.
Trong chuyến đi lần thứ hai đến Việt Nam, bà đã đi từ Hà Nội đến Sài Gòn. Bà quan sát đời sống ở các đô thị. Bà thấy gái mại dâm nhiều hơn lần thứ nhất bà đến Việt Nam. Và bà hoàn toàn thất vọng. Tôi đã đến Mỹ nhiều chuyến và tôi thường được nghe người Mỹ hỏi với câu hỏi giống nhau: "Anh nhìn thấy những điều tồi tệ gì ở nước Mỹ ?". Một giáo sư của đại học Berkeley nói với tôi: "Người Mỹ mang ơn những ai có khả năng phát hiện ra những sai lầm và những điều tồi tệ của nước Mỹ". Bởi những phát hiện đó chỉ làm cho nước Mỹ lớn mạnh mà thôi. Có lẽ nước Mỹ trở thành cường quốc bởi chính khả năng nói thật của mình.
Có một câu chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi trong chuyến đến Mỹ năm 2007. Trong chuyến đi đó, tôi đã bỏ quên một loại giấy tờ vô cùng quan trọng mà nếu không có giấy đó, tôi không thể nhập cảnh vào Mỹ được. Nhưng vì mọi chuyện đã chuẩn bị, tôi cứ phải lên đường. Ở trạm an ninh cửa khẩu sân bay Los Angles, nhân viên an ninh cửa khẩu đã đưa tôi vào phòng an ninh. Họ nói với tôi phải quay về vì thiếu loại giấy tờ đó. Với loại visa của tôi thì visa chỉ quan trọng một nửa, một nửa kia là cái giấy có chữ ký sống của người được cơ quan di trú của Mỹ ủy quyền ký. Tôi không biết nói gì với họ. Lỗi thuộc về tôi.
Trước khi rời khỏi phòng an ninh cửa khẩu để quay lại phòng đợi để trở về Việt Nam, tôi nói với nhân viên an ninh cửa khẩu Mỹ rằng tôi sang Mỹ chỉ để làm một việc là nói về thơ ca và đọc thơ mà thôi. Tôi nói với ông tôi đã in thơ trên hơn 30 tạp chí của Mỹ và xuất bản một tập thơ ở Mỹ. Nghe vậy, ông hỏi tôi tên tập thơ. Sau khi nghe tôi nói về tập thơ, ông cúi xuống gõ máy.
Sau này tôi biết rằng ông đã gõ máy để tìm trên Google hay gì đó để xem tôi có xuất bản tập thơ ở Mỹ thật không. Rôi ông mỉm cười rất kín đáo và hỏi tôi ai là người cùng dịch thơ với tôi. Sau nghi nghe tôi trả lời, ông nói tôi có thể nhập cảnh Mỹ. Tôi đã kể chuyện này cho nhiều người Mỹ và họ không tin nổi là tôi có thể nhập cảnh mà không có cái giấy kia.
Hai mươi năm trước, tôi biết đến một nước Mỹ với sự nghiêm minh của luật pháp, với những nguyên tắc sống khó thay đổi và nhiều khi máy móc. Nhưng bây giờ tôi biết thêm một nước Mỹ khác, một nước Mỹ có những ứng xử phi nguyên tắc nhưng nó lại chứa đựng một nguyên tắc tối quan trọng. Đó là nguyên tắc của sự lắng nghe, của sự chia sẻ, của sự tôn trọng và tình người cho dù ở nước Mỹ đâu đấy vẫn còn những điều thật đau lòng và thật vô lý khi phải nói ra.
Câu chuyện thứ hai:
Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi và chữa chạy mọi thứ điên rồ, lầm lạc của con người. Bất cứ con đường nào trên thế gian này cuối cùng cũng đi về "khu vườn" của bình yên. Những người lính nhà văn của một cuộc chiến tranh tàn khốc đã tìm đến với nhau sớm hơn tất cả.
Khi tôi đang ở Mỹ thì vấn đề biển Đông nóng lên từng ngày. Có những người Mỹ lo lắng về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Việt Nam tuy rằng họ đang sống trong yên bình. Lúc đó đang mùa hạ, cây lá phủ một màu xanh bất tận. Mọi khu vườn của các gia đình Mỹ rộn ràng tiếng chim và náo động bởi những bầy sóc, chồn và thỏ đi kiếm ăn.
Những ngày giữa tháng Sáu, tôi sống ở Oberrlin trong ngôi nhà của nhà thơ cựu binh Mỹ - Bruce Weigl, một ngôi nhà cách xa Việt Nam hàng ngàn dặm chìm trong hoa lá, một ngôi nhà có cảm giác không một hạt bụi hay sự phiền muộn nào lọt vào.
Có lẽ rất nhiều người Việt Nam biết đến ông, đặc biệt gần đây với hai tập sách của ông được dịch và xuất bản ở Việt Nam: Vòng tròn của Hạnh (hồi ký) và Sau mưa thôi nã đạn (thơ). Trong tập thơ của ông do Phan Quế Mai dịch, có một bài viết về một bà mẹ nông dân Việt Nam. Và tôi thấy đó là một trong những bài thơ viết hay nhất về người mẹ Việt Nam mà tôi đã đọc được. Bruce tự nhận là Đại sứ nước mắm của Việt Nam. Gọi là Đại sứ nước mắm vì ông quá mê nước mắm và vì quá yêu nước Việt.
Cho đến bây giờ, với những gì tôi đã đọc được về nước mắm thì bài viết của Bruce vô cùng ấn tượng. Mấy tháng trước, ông trở lại Việt Nam thực hiện một số công việc dịch thuật. Trong chuyến đi đó, ông được công ty nước mắm Thanh Hà mời ra thăm đảo Phú Quốc. Ở đó, ông đã chứng kiến công nghệ làm nước mắm của Việt Nam. Cũng trong chuyến đi này, Bruce và nhà thơ, dịch giả Phan Thị Quế Mai đã trao học bổng cho năm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Ông cũng quyết định lập một quỹ nhỏ để tài trợ hàng năm cho một số học sinh khó khăn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong khu vườn của nhà thơ Bruce Weigl tại Mỹ.
Khi thấy chúng tôi bàn luận về vấn đề biển Đông, Bruce nói một câu bằng tiếng Việt "không sợ". Rồi Bruce cười và nói: "Lính Trung Trung Đỉnh đã thắng lính Bruce thì sẽ thắng tất cả những lính khác". Vì sao lại có câu nói đó? Câu chuyện liên quan đến câu nói đó được kể trong khu vườn bình yên của gia đình Bruce ở Oberlin.
Bruce gặp người lính, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhiều lần ở Hà Nội. Nhưng cho đến chuyến đi gần đây nhất đến Hà Nội, Bruce mới ngồi uống trà với nhà văn Trung Trung Đỉnh. Họ nói về những năm tháng chiến tranh, về đời sống thường nhật và về văn học. Lúc đó, Bruce mới biết rằng Bruce và Trung Trung Đình đã từng chiến đấu trong cùng một mặt trận ở An Khê.
Cuộc đời thật lạ lùng và luôn luôn đi những bước đi bí ẩn và bất ngờ. Lúc đó, hai người có thể đã từng tìm cách phát hiện nhau, lẩn trốn nhau và săn lùng nhau. Tôi cứ nghĩ nếu một trong hai người lộ ra sẽ bị người kia tiêu diệt. Hoặc nếu hai người bất ngờ đứng trước nhau trong khi tay lăm lăm súng thì họ sẽ làm gì ? Tôi cược 90% là họ sẽ bóp cò súng....Chiến tranh là thế.
Nhưng Bruce nói chỉ Trung Trung Đỉnh mới có thể tiêu diệt được Bruce còn Bruce không thể tiêu diệt được Trung Trung Đỉnh vì mỗi khi phải bắn là Bruce chúi đầu xuống, chĩa súng lên trời và bóp cò. Hơn nữa, Trung Trung Đỉnh có lý do để tiêu diệt Bruce. Bruce nói ông không có lý do để bắn vào bất cứ mục tiêu nào trên xứ sở mà quân đội của đất nước ông chiếm đóng.
Nhưng rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi đi và chữa chạy mọi thứ điên rồ, lầm lạc của con người. Bất cứ con đường nào trên thế gian này cuối cùng cũng đi về "khu vườn" của bình yên. Những người lính nhà văn của một cuộc chiến tranh tàn khốc đã tìm đến với nhau sớm hơn tất cả.
Nhà thơ - Cựu binh Mỹ Bruce Weigl
Khi câu chuyện kể xong thì bóng tối đã lan tỏa khắp khu vườn. Chỉ còn tiếng gió lùa trên những vòm lá và tiếng chim về tổ kêu da diết. Bruce đứng dậy bước vào nhà. Ông mang ra một cái hộp bằng da rất đẹp. Đến trước tôi, ông nói ông được thưởng huân chương đồng của Chính phủ Mỹ sau khi mãn hạn quân dịch ở chiến trường Việt Nam về. Ông đã để tấm huân chương này trong một góc phòng suốt mấy chục năm nay và chưa một lần mở ra. Ông chẳng thấy tự hào gì về tấm huân chương ấy.
Còn bây giờ, ông muốn trao tấm huân chương cho người lính, nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ông nghĩ rằng: Huân chương là phần thưởng cho những người lính chân chính và dũng cảm. Với ông, chỉ có Trung Trung Đỉnh và đồng đội của ông mới là những người lính chân chính và dũng cảm. Họ mới là người xứng đáng nhận phần thưởng đó chứ không phải ông và những lính Mỹ khác. Rồi Bruce nhờ tôi mang tấm huân chương về Việt Nam để tặng lại cho Trung Trung Đỉnh. Và ông nói đây không phải là huân chương của Chính phủ Mỹ mà là huân chương của một người lính với lòng kính phục kẻ thù cũ của mình.
Một buổi chiều, nhà văn George Kovach, Tổng biên tập Tạp chí Comsequence ở Boston mời chúng tôi đến nhà ăn tối. Tháng sáu năm 2010, ông đã đến Hà Nội dự Hội thảo 35 năm và con đường văn học Việt Nam đến Mỹ. Chuyến đi đó đã để lại trong lòng ông những kỷ niệm lạ lùng và không thể nào quên.
Khi gặp tôi, vợ ông đã nói với tôi rằng bà cám ơn chúng tôi đã tổ chức chuyến đi đó cho chồng bà. George Kovach là một cựu binh tham chiến ở Việt Nam. Ông đã mắc chứng bệnh tâm thần một thời gian vì hội chứng chiến tranh Việt Nam. Cuối cùng ông đã tìm đến văn chương để chữa bệnh sau khi đã tìm đến rất nhiều bác sỹ.
Bây giờ, ông có thể cất giữ những ám ảnh chiến tranh vào quá khứ sau hơn 40 năm từ chiến trường Việt Nam trở về. Bữa tối đó có một số nhà văn, nhà thơ Mỹ tên tuổi từng đoạt giải Pulitzer và giải sách quốc gia Mỹ. Và cho dù bữa tối trong khu vườn bình yên đến tưởng như làm cho thân xác nặng nề của chúng tôi cũng khẽ khàng bay lên và trôi trong sự bình yên ấy thì cuối cùng chúng tôi vẫn lại nói về vấn đề biển Đông, nói về nguy cơ của một cuộc chiến tranh và nói về cái giá của hòa bình. Có thể bởi sự hiện diện của những người Việt Nam ở đó, có thể bởi một sự trắng trợn nào đó của một quốc gia đối với một quốc gia và cũng có thể những cựu binh kia đang bị hai từ chiến tranh kéo trở lại quá khứ, một quá khứ mà họ đã phải đấu tranh quá khó khăn để chạy thoát như trường hợp George Kovach.
Và trong bóng tối đang phủ xuống khu vườn bỗng vang lên lời của một ai đó "Hãy ủng hộ Trường Sa". Ngay sau đó, Bruce liền mở ví đưa cho chúng tôi 100 đô la để ủng hộ Trường Sa. Bruce cũng lấy thêm 100 đô la nữa đưa cho chúng tôi và nói: "Đây là 100 đô của Kevin". Tôi hỏi: "Liệu Kevin có đồng ý không?". "Đồng ý hai tay", Bruce quả quyết. Cùng với Bruce là một số những thanh niên nam nữ cũng bắt tay và đưa tiền dù chỉ 10 hay 20 đô la ủng hộ Trường Sa.
Tôi hỏi Bruce liệu Kevin có ủng hộ không là đùa vậy thôi chứ tôi biết một trong những người yêu dân tộc chúng ta nhất chính là Kevin, cựu binh, nhà thơ và là giáo sư văn chương Đại học Massachusetts.
Tháng 3 năm 2011, Kevin cùng gia đình đã vào Việt Nam để nhận giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh vì đóng góp của ông trong việc truyền bá văn học và văn hóa Việt Nam vào nước Mỹ và những đấu tranh bền bỉ của ông để phá bỏ hàng rào cấm vận của Mỹ với Việt Nam và tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước.
Trong chuyến đi đó, Kevin ra mắt tập thơ Khúc hát Thành Cổ Loa do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Trong tập thơ này có bài Thành Cổ Loa. Bài thơ ông viết về lịch sử Thành Cổ Loa. Bài thơ kết với ý: những người Việt Nam có một cái lẫy nỏ thần còn những người như ông chẳng bao giờ có được. Ông quá hiểu lịch sử giữ nước của người Việt Nam, quá hiểu câu chuyện Thành Cổ Loa và quá hiểu sức mạnh của dân tộc này khi có ngoại bang. Và ông hiểu cái lẫy nỏ thần ấy là biểu tượng của sức mạnh yêu nước của người Việt Nam ngàn đời nay.
Trước khi tiễn chúng tôi ra về, George Kovach ôm lấy tôi và nói trong hơi thở: "Sẽ không có chuyện gì tồi tệ xảy ra đâu". Tôi hiểu George. Ông muốn nói với tôi rằng sẽ không có một cuộc chiến tranh nào cả. Nhưng tôi biết họ cảm nhận được một nguy cơ nào đó vẫn đeo bám họ cho dù thật mơ hồ.
Tôi nhớ năm 2003 trong chuyến đi đến Mỹ, tôi đã tham dự một buổi đàm đạo về chiến tranh. Tôi đã nói với những người nghe rằng: Nếu bây giờ nước Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh với đất nước chúng tôi một lần nữa thì tôi biết rằng Myles, cậu con trai của nhà thơ Kevin, một cậu bé mơ trở thành siêu sao bóng rổ Mỹ phải cầm súng đến Việt Nam. Và tôi sẽ không còn cách nào khác là để con trai tôi, một cậu bé mơ trở thành chuyên gia số một về vật lý lý thuyết cầm súng ra chiến trường để bảo vệ tổ quốc tôi. Nhưng tôi biết, ý nghĩ về một cuộc chiến tranh khủng khiếp như thế sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Nhưng nói như vậy là tôi muốn gửi đi một thông điệp rằng: Người Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bất cứ một đội quân xâm lược nào.
Câu chuyện thứ ba:
Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên miếng sườn đó.
Đến Australia, đến Na-uy, đến Mỹ...ở đâu tôi cũng mang cảm giác bị "thập diện mai phục" bởi hàng hóa và những người Trung Quốc. Trong chuyến đi Mỹ tháng sáu vừa qua, tôi đã như lục tung một số siêu thị khổng lồ ở Mỹ để tìm mua mấy món quà cho bạn bè mà không có dòng chữ "made in China" nhưng tôi đã thất bại...
Khoảng mười năm trở lại đây, nỗi ám ảnh về hàng hóa "made in China" làm tôi ngạt thở. Nỗi ám ảnh này gây nên bởi những cuộc "xâm lược" của hàng hóa độc hại và rẻ tiền Trung Quốc qua biên giới Việt - Trung. Đấy không phải là cơn hoảng sợ vô căn cứ của tôi. Đấy là sự thật mà chính không ít những người Trung Quốc cũng phải thừa nhận.
Những cuộc tấn công của hàng ngàn tấn thực phẩm tươi sống ướp hóa chất mà báo chí mấy năm gần đây nói đến như những đợt sóng thần khổng lồ vượt qua những dãy núi cao ngất ở phía Bắc đổ vào các thành phố Việt Nam. Và những người buôn bán tham lam và ngốc nghếch Việt Nam đã tiếp sức đẩy những con sóng thần ấy lan rộng. Nhiều lúc, tôi nghĩ rằng: hàng trăm ngàn tấn thực phẩm "chết người" đó chẳng khác gì những quả bom sinh học ném xuống mảnh đất của chúng ta. Và hậu quả của nó như thế nào trong tương lai gần thì ai cũng hiểu.
Chiến lược của Trung Quốc thật ghê gớm. Năm 1992, tôi đến Australia. Tôi tìm mua một con búp bê cho con gái mình. Và tôi nhận ra rằng: ẩn sâu trong con búp bê có gương mặt xinh đẹp và cái môi đỏ chót là một dòng chữ nhỏ xíu: Made in China. Tôi có nói chuyện với một giáo sư Australia về chuyện đó. Nghe xong, ông mỉm cười bí hiểm và kể cho tôi nghe câu chuyện về các China Town ở Australia.
Sau vài chục năm theo dõi, ông nhận thấy rằng: mười năm đầu khi một China Town nào đó được thành lập, những người Australia đến thăm với cảm giác họ đi thăm một hội chợ hàng Trung Quốc ở Australia. Nhưng sau mười năm, họ đến China Town và nhận ra đó là đất Trung Quốc nằm trong lãnh thổ Australia. Cái giật mình về một điều gì đó bắt đầu từ đấy.
Lou - Một sinh viên Trung Quốc theo học nhạc ở Mỹ
Mười lăm năm trước, tôi có đọc một cuốn sách xuất bản tại Mỹ viết về những dòng người Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Tác giả cuốn sách cho biết: mỗi năm (vào những năm đầu 1990) có khoảng 70.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc đến Mỹ học tập và nghiên cứu. Rồi những người này tìm cách vào làm việc trong các công sở, viện nghiên cứu, trường đại học...của Mỹ và tìm cách ở lại và bắt đầu cuộc hành trình vào sâu trong nước Mỹ. Tác giả cuốn sách dự báo rồi đến một ngày nào đó, những người Mỹ tỉnh dậy và nhận thấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã bị Trung Hoa hóa hay nói cách khác là bị Trung Hoa ăn rỗng bên trong.
Tôi đã từng viết về một thanh niên Trung Quốc bán trứng ở Australia. Anh ta kiên nhẫn ngày ngày xách một khay trứng đi bán. Sự kiên nhẫn của anh làm cho tôi nghĩ rằng sẽ không có gì có thể làm cho sự kiên nhẫn của anh ta gục ngã. Dù anh ta không nói nhưng tôi biết bên trong đôi mắt một mí kia là một tham vọng ghê gớm và một sự kiên nhẫn kinh hoàng. Đã có những người Trung Quốc nhẫn nại bán từng gói lạc rang húng lìu, từng chiếc bánh bao nhân thịt...trở thành những tỉ phú. Và người thanh niên bán trứng kia cũng mang tham vọng ấy.
Và lúc này, tôi bắt đầu muốn nói về Lou, một sinh viên Trung Quốc theo học nhạc ở Mỹ. Tôi gặp Lou ở nhà một giáo sư Mỹ. Lou được một giáo sư Mỹ dạy nhạc xin cho học bổng một phần sang Mỹ học. Người giáo sư bạn tôi thấy gia đình Lou khó khăn đã giúp đỡ cậu bằng cách đưa cậu về ở nhà mình. Lou ở trong một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm. Cậu nói bố mẹ cậu làm công nhân và thật khó để kiếm được 5.000 đô la cho cậu đóng tiền học trong một năm. Nhưng sau một năm, cậu đã tìm cách xin được học bổng toàn phần. Cậu cứ lặng lẽ gặp từng giáo sư Mỹ dạy cậu và những người có liên quan ở trường và cuối cùng cậu đã "thắng" từng giáo sư dẫn đến "thắng" tất Hội đồng giáo sư và họ đồng ý trao học bổng toàn phần cho cậu. Và hàng ngày, cậu vẫn lặng lẽ lên xe của con cái chúng ta để đi nhờ đến trường trong tuyết lạnh.
Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên dẻ sườn đó. Đó là mỳ tôm Hảo Hảo mà chúng tôi mang từ Việt Nam sang và sườn nướng ướp theo kiểu Mỹ mà vị giáo đã nướng. Có thể, mỳ tôm và sườn nướng kia không hợp với khẩu vị của cậu như há cảo, vằn thắn, màn thầu... Nhưng mỳ tôm của ai, sườn nướng ướp gia vị gì không quan trọng với cậu lúc này. Cậu cần phải ăn và cần phải đi tiếp con đường đã vạch trong đầu cậu và có thể cả những tham vọng phía sau đôi mắt một mí ấy.
Trong mấy ngày ở trong ngôi nhà người bạn giáo sư, tôi thấy cậu mang dáng vẻ của một cậu bé con nhà ngèo và yếu thế qua cách ăn nói, đi đứng. Nhưng có thể đến một ngày nào đó, cậu bỗng hiện ra là một người khác và mua một biệt thự sang trọng, giành lấy một trang trại... chứ không phải ở trong một phòng dưới tầng hầm mà người ta dành cho cậu với sự chia sẻ và biến những người khác thành kẻ cầu xin mình. Nhưng bây giờ, cậu chỉ là một sinh viên như con cái chúng ta. Cậu đang cầu xin người khác hãy thương cậu, hãy giúp cậu. Và với lòng nhân ái, những người tốt đã đưa bàn tay về phía cậu.
Khi viết về cậu sinh viên Lou, tôi lại nhớ về một người Trung Quốc mà tôi gặp ở Đài Bắc năm 2007 khi tôi đến đó dự Liên hoan thơ quốc tế. Người đàn ông đó là Lưu Kiến Sinh. Ông đã từ Chợ Lớn, Sài Gòn sang định cư ở Pháp rồi về Đài Bắc. Với tôi, ông là một Trung Quốc khác. Sau chuyến đi ấy, tôi đã viết về ông. Bây giờ, tôi xin trích một số đoạn trong bài viết về người đàn ông Trung Quốc này 5 năm về trước:
Lưu Kiến Sinh đọc báo thấy có một nhà thơ Việt Nam đến Đài Bắc dự Liên hoan thơ Đài Bắc 2007. Ông đến để gặp một người từ mảnh đất ông đã sinh ra và lớn lên. Buổi tối ấy, Lưu Kiến Sinh chọn một chỗ ngồi gần cuối hội trường. Ông lặng lẽ nghe các nhà thơ đọc thơ. Khi tôi kết thúc phần đọc thơ, ông không đến bắt tay chúc mừng tôi như những người Đài Loan khác có mặt ở đó. Ông vẫn ngồi im lặng và nhìn về phía tôi. Chỉ khi đêm thơ kết thúc và những người bạn Đài Loan đến dự đêm thơ đó đã chia tay tôi, ông mới đến trước tôi và nói rằng ông đã im lặng để nghe tiếng Việt qua giọng đọc thơ của tôi. Tôi cố tìm kiếm một sự xúc động trên gương mặt ông. Nhưng tôi vẫn chỉ thấy ánh buồn từ đôi mắt ông. Lúc đó, tôi cảm giác như ông là một cái gì đó xa xôi và khuất một nửa trong bóng tối.
Sau đêm thơ, mấy người bạn nghệ sỹ Đài Bắc rủ tôi đi chợ đêm. Chợ đêm ở Đài Bắc là một "đặc sản" không chỉ dành cho những người du lịch mà cả những người Đài Bắc. Chúng tôi đi lang thang và trò chuyện về mọi thứ. Thi thoảng tôi chợt nhớ đến Lưu Kiến Sinh đi cùng, tôi quay lại kiếm tìm ông và vẫn thấy ông lặng lẽ đi sau chúng tôi. Hình như ông chẳng tham gia vào bất cứ câu chuyện nào của chúng tôi. Nhưng ông không rời bỏ chúng tôi nửa bước. Trong chuyến đi chơi chợ đêm đó, Lưu Kiến Sinh chỉ hỏi tôi một câu là Hà Nội bây giờ ra sao và có chợ đêm như ở Đài Bắc không.
Lưu Kiến Sinh đã đến thăm Hà Nội hai lần sau năm 1975. Trước năm 1975, ông chỉ biết đến Hà Nội qua những trang viết của Nhất Linh. Ông nói với tôi cho đến bây giờ ông vẫn giữ mãi hình ảnh của Hà Nội qua văn của Nhất Linh. Gần 30 năm sống ở nước ngoài, ông chưa một lần trở về Trung Quốc cho dù đó chính là nơi cụ kị ông sinh ra và lớn lên. Nhưng cứ vài năm ông lại trở về Việt Nam và tìm cách đi Hà Nội khi nào có thể.
Sau khi phải rời Việt Nam, Lưu Kiến Sinh định cư ở Đài Loan một thời gian. Nhưng ông vẫn cảm thấy trống vắng và hoang mang. Một cái gì đó làm cho ông cảm thấy ông không thể nào yên lòng. Cái gì? Ông cũng không biết một cách rành mạch và đầy đủ. Thế rồi ông quyết định sang Pháp làm ăn và sinh sống. Ông đã yêu một cô gái Trung Quốc sống ở Bắc Kinh sang Pháp du học. Rồi họ lấy nhau và sinh một cậu con trai. Nhưng ông vẫn không một lần trở về Trung Quốc. Ông nói ông sợ với một nỗi sợ vừa rành rọt vừa mơ hồ.
Sau gần mười năm sống ở Paris, ông vẫn thấy ông chưa ở đâu cả mà vẫn lang thang trên con đường nào đó trên mặt đất này. Ông nói với tôi rằng mỗi tối trở về ngôi nhà ở Paris ông vẫn thấy gió lạnh thổi vào lưng. Có lẽ đó là cách nói của ông để nói về sự trống vắng nào đó chăng? Và gần mười năm ở Paris, theo ông, công việc có ý nghĩa nhất của ông là dịch tác phẩm của Nhất Linh sang tiếng Hoa và in trên một tờ Trung Hoa Báo xuất bản ở Pháp.
Khi còn ở Chợ Lớn, ông đã dịch Nhớ rừng của Thế Lữ sang tiếng Hoa và xuất bản trên tờ báo tiếng Hoa ở Sài Gòn năm 1972. Tôi tự đoán lý do vì sao ông lại yêu bài thơ Nhớ rừng như thế. Có một khoảng u tối và một khát vọng mạnh mẽ trong thân xác mong manh và gương mặt yếu đuối của người đàn ông là Lưu Kiến Sinh. Thế là sau nhiều năm ở Paris, ông lại trở về Đài Bắc. Ông vẫn đi tìm một nơi trú ngụ. Một nơi mà mỗi tối để ông trở về không còn thấy gió lạnh thổi vào lưng nữa.
Trong những ngày ở Đài Bắc, buổi nào có tôi đọc thơ là ông lại đến. Vẫn như lần đầu tôi nhìn thấy, ông lặng lẽ tìm một chỗ ngồi hơi khuất ánh sáng và nghe thơ. Tôi không biết ông đến để nghe thơ hay nghe giọng nói tiếng Việt. Ông cũng sáng tác thơ nhưng không nhiều và sáng tác bằng tiếng Trung Quốc. Mấy năm nay ông viết ca khúc. Ông có ý định xuất bản một đĩa nhạc gồm những ca khúc của ông ở Việt Nam. Ông hỏi tôi ông có thể thu âm những ca khúc của ông ở Việt Nam không? Ông vẫn ao ước lời những ca khúc của ông được dịch ra tiếng Việt và được hát ở Việt Nam.
Một chiều được nghỉ, tôi và ông lang thang dọc một số đường phố ở Đài Bắc. Trời có gió và bắt đầu se lạnh. Khi chúng tôi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế ở khu phố đi bộ, tôi đề nghị ông hát một bài hát của ông cho tôi nghe. Ông cúi đầu một lát rồi cất giọng hát. Có một người đi vào trong rừng và không bao giờ trở lại...Đấy là lời bài hát mà ông dịch ra tiếng Việt cho tôi nghe. Trong gió lạnh ở một chốn xa lạ và với đôi mắt lúc nào cũng buồn và xa xôi.
Cho đến lúc này, lòng tôi mỗi lúc một vang lên câu hỏi: Lưu Kiến Sinh, ông là một người Trung Hoa. Cố hương của ông là ở chốn đó sao ông lại sợ trở về?
Câu chuyện thứ tư:
Một lời từ chối lịch sự, một cái cúi đầu, một bước đi lùi, một nụ cười thân ái, một gương mặt tự tin chỉ của một người hầu bàn đã một lần nữa làm nên nhân cách người Nhật.
Cả lượt đi và về Hà Nội - Boston và Boston - Hà Nội, tôi đều quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo chừng dăm tiếng đồng hồ. Khi mua vé, một số người khuyên đừng đi qua Nhật vì có thể bị nhiễm phóng xạ. Nhưng có lẽ vì tôi đã quá cảnh Tokyo nhiều lần rồi nên thành thói quen và cũng thấy nhớ. Và thú thực, tôi cũng muốn được quan sát nước Nhật đang sống như thế nào sau cơn " tiểu hồng thủy" mới tràn qua cho dù chỉ ở một trong không gian nhỏ là một sân bay. Báo chí đã nói về bản lĩnh và nhân cách người Nhật sau thảm họa sóng thần cũng như bản lĩnh và nhân cách người Nhật sau khi người Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất nước này. Và cả bản lĩnh của người Nhật ngay khi dân tộc họ trở thành một trong những dân tộc giàu có nhất thế giới.
Ở nhiều nơi trong khu vực sân bay Narita, người ta có dán một tờ giấy với nội dung nước Nhật đang gặp khó khăn sau thảm họa sóng thần nên thiếu năng lượng, vì vậy quản lý sân bay xin lỗi hành khách khi hệ thống điều hòa trong khu vực sân bay không thể phục vụ hành khách như trước kia. Lúc đầu không nhìn thấy lời xin lỗi đó, tôi tỏ ra khó chịu với sự nóng bức trong sân bay sau một chuyến bay quá dài. Nhưng khi đọc được lời xin lỗi đó thì tôi lại thầm xin lỗi những người Nhật. Lúc đó, tôi thấy mình thật ích kỷ. Sống tử tế thật khó. Có lẽ chỉ khi chết rồi con người mới có thể tuyên bố rằng mình đã sống hoàn toàn tử tế.
Tôi là kẻ nghiện thuốc lá. Bởi thế, xuống đến sân bay là tôi đảo mắt kiếm tìm phòng hút thuốc. Cho đến bây giờ, chỉ ở Mỹ là tôi không tìm thấy phòng hút thuốc trong sân bay còn tất cả các sân bay tôi đã từng qua đều có phòng hút thuốc. Nhưng chưa ở đâu, phòng hút thuốc trong sân bay lại rộng, đẹp và sạch như ở sân bay Narita. Tất cả mọi thứ trong phòng hút thuốc ở Narita đều đẹp và sạch như là một phòng khánh tiết. Nhìn là biết những người quản lý sân bay đã quan tâm đến cái phòng hút thuốc như thế nào. Nhưng xin bạn nhớ rằng họ quan tâm không phải vì họ khuyến khích người ta hút thuốc mà là lối sống văn hóa của họ. Hút thuốc có hại sức khỏe cho người hút thuốc và cũng có hại phần nào đó cho người bên cạnh. Nhưng không vì sự có hại đó mà người không hút thuốc tẩy chay người hút thuốc. Phép ứng xử với những người hút thuốc qua cách thiết kế và chăm sóc các phòng hút thuốc là một phép ứng xử văn hóa của những người quản lý sân bay Narita. Hút thuốc không có tội, nghĩa là không vi phạm luật pháp trừ khi anh hút thuốc ở nơi cấm hút. Và vì vậy, người hút thuốc phải được ứng xử một cách văn hóa và bình đẳng. Tôi nói vậy vì tôi thấy phòng hút thuốc ở nhiều sân bay trên thế giới giống như địa ngục. Một cái phòng nhỏ xíu chỉ dăm người vào hút thuốc là chật cứng. Những người hút thuốc chen nhau trong mù mịt khói thuốc trông thật thảm hại. Có lẽ những người quản lý ở các sân bay đó tìm cách đày đọa và sỉ nhục những người hút thuốc để cho họ phải bỏ thuốc chăng ?
Tôi còn nhớ mãi một trong những câu chuyện đau lòng trong các trại giam giữ những người Việt Nam vượt biên ở Hongkong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Cảnh sát Hongkong cai quản những trại đó đã ra lệnh những người Việt Nam vượt biên mỗi ngày mỗi người phải bắt 50 con ruồi thì mới được phát khẩu phần ăn. Đó là một sự sỉ nhục. Đó là vô lương tâm. Tôi đã trực tiếp trò chuyện với một số người từ trại đó trở về. Họ đã khóc khi kể lại câu chuyện bắt ruồi để được ăn. Trước kia tôi không nghĩ đến việc bỏ thuốc lá. Nhưng khi nhìn những phòng hút thuốc ở sân bay Narita và cách những người lao công lau chùi phòng hút thuốc đã làm tôi nghĩ tới việc bỏ thuốc lá. Người ta chỉ có thể thức tỉnh con người bằng văn hóa chứ không bao giờ thức tỉnh con người bằng áp bức dưới bất cứ hình thức nào được.
Trong sân bay Narita. Ảnh: Wikipeadia
Vì thời gian quá cảnh ở sân bay Narita quá dài nên chúng tôi tìm đến một quán ăn trong sân bay. Tôi gọi một bát mì hải sản. Theo trí nhớ của tôi thì giá một bát mì như vậy vẫn không có gì thay đổi sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đặc biệt sau thảm họa sóng thần. Lúc đó, nghĩ lại những cơn bão giá ở trong nước như trận đồ bát quái mà người tiêu dùng không thể tìm thấy đường thoát ra. Khi chúng tôi ngồi vào bàn thì một người hầu bàn bước đến cúi đầu chào chúng tôi và hỏi chúng tôi dùng gì. Rồi anh mang nước cho chúng tôi. Lúc đó, tôi vô tình chạm vào tay anh và làm đổ cốc nước. Nước làm ướt một chiếc giày của tôi. Trong khi tôi lúng túng chưa biết làm gì thì người hầu bàn đã nói lời xin lỗi và quỳ xuống lau chiếc giày của tôi bằng một chiếc khăn trắng tinh. Tôi thực sự bất ngờ và thấy xấu hổ. Tôi nghĩ đến cách ứng xử của những người Việt Nam ở những nơi công cộng. Người hầu bàn lau chiếc giày bị ướt của tôi kỹ lưỡng như đang lau một viên kim cương. Tôi cam chắc rằng nếu một người hầu bàn trong những quán ăn ở Việt Nam cúi xuống lau giày cho khách thì họ sẽ rất xấu hổ. Nhưng họ biết đâu rằng : chính tôi, người có chiếc giày được lau, mới là người thấy xấu hổ chứ không phải là người lau chiếc giày ấy cho tôi.
Khi ăn xong, tôi đã để lại một món tiền tip kha khá vì muốn bày tỏ sự biết ơn của mình với người hầu bàn đó. Nhưng người hầu bàn nói họ không nhận tiền tip. Một lần nữa, tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi cố tìm cách đưa tiền tip cho người hầu bàn nhưng người hầu bàn vẫn nhã nhặn từ chối. Năm 1992, trong chuyến đi đầu tiên của mình đến Mỹ, tôi có đến một quán ăn người Việt ở New York. Khi ăn xong tôi đã để 10 đô la tiền tip lại. Người hầu bàn là một người Mỹ gốc Việt đã tỏ ra vô cùng bực bội với tôi vì tôi đã không để 12 đô la mà chỉ để 10 đô la. Sau này tôi mới biết họ tính phần trăm tiền tip theo tổng giá của bữa ăn. Tôi thực sự không biết điều đó. Sao người hầu bàn kia không giải thích cho tôi? Và sao người hầu bàn kia không có thể nói: "Quý ông còn thiếu 2 đô la tiền tip theo quy định, nhưng nếu quý ông không có 2 đô la thì cũng không sao. Mong quý ông trở lại nhà hàng chúng tôi để chúng tôi được phục vụ quý ông". Nếu nói như vậy, người hầu bàn và nhà hàng của anh ta sẽ không bao giờ mất 2 đô la (vì đương nhiên tôi sẽ trả thêm) mà còn được một cái gì đó giá trị gấp ngàn lần giá trị của 2 đô la kia. Và chắc chắn những lần tới New York sau đó tôi sẽ tìm đến nhà hàng đó. Bởi có gì hạnh phúc hơn khi được trở lại một nơi chốn đã từng gieo vào lòng mình sự xúc động và kính trọng. Nhưng bây giờ, trong các nhà hàng ở Mỹ, người ta tính tiền tip vào luôn hóa đơn thanh toán. Nghe rất khoa học và sòng phẳng nhưng vẫn không ổn ở một khía cạnh nào đó.
Sau khi từ chối tiền tip, người hầu bàn hỏi chúng tôi có cần gì nữa mà anh ta có thể phục vụ chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn anh. Anh cúi đầu chào chúng tôi và bước lùi một bước mời chúng tôi đi. Một lời từ chối lịch sự, một cái cúi đầu, một bước đi lùi, một nụ cười thân ái, một gương mặt tự tin chỉ của một người hầu bàn đã một lần nữa làm nên nhân cách người Nhật. Họ đã từ một đất nước nghèo nàn và tan hoang vì chiến tranh trở thành một đất nước văn minh, văn hóa và giàu có. Họ không bán hàng giả, hàng độc hại, họ không dùng tiền hay vũ khí đe dọa người khác. Sự nhẫn nại trong hành động lau chiếc giày cho khách và sự chối từ tiền tip của người hầu bàn Nhật và sự nhẫn nại của người bán trứng Trung Quốc và cách ăn mì tôm của cậu sinh viên Trung Quốc hoàn toàn khác nhau.
Sự nhẫn nại của người Nhật là sự rèn luyện nhân cách, là ứng xử văn hóa, là sự tôn trọng con người và ý chí vươn lên. Sự nhẫn nại đó không chứa đựng những tham vọng ngông cuồng và những mưu mô. Cũng như người Nhật đã dạy cho con em của họ về những khó khăn mà dân tộc Nhật phải đương đầu, dạy cho mỗi người Nhật hãy bằng hành động trung thực của mình làm cho văn hóa Nhật, nhân cách Nhật cũng như giá trị những sản phẩm made in Japan lan tỏa vào lòng con người trên toàn thế giới chứ không phải là những cuộc "xâm lăng" đầy mưu tính đôi khi phi nhân và ác độc.
Câu chuyện thứ năm:
Người Mỹ "quên" khóa cửa và thấy khóa bị phá ở Nội Bài