Những năm gần đây, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân Việt Nam tìm đến các bệnh viện ở nước ngoài để điều trị, và cũng đã có nhiều bệnh viện tư của người nước ngoài vào Việt Nam hành nghề. Vì những lẽ gì mà ngành y tế nước ta chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân?
Hệ thống các cơ sở đào tạo cán bộ y tế gồm các trường Đại học Y Dược, Cao đẳng, Trung cấp, thuộc trung ương và địa phương hàng năm đào tạo ra hàng nghìn người từ bác sĩ, y sĩ tới kỹ thuật viên, điều dưỡng, y tá v.v... Và hệ thống các bệnh viện dân sự lẫn quân sự dàn trải khắp các tỉnh thành, phục vụ nhân dân từ mấy chục năm nay.
Như vậy, về cơ cấu tổ chức Bộ Y tế, các cơ sở đào tạo cán bộ y tế và hệ thống bệnh viện của nước ta tương đối đầy đủ. Nhưng hãy xem, nền y tế của ta có giải quyết thỏa đáng được mọi nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh cho dân ta chưa?
Ở nông thôn, người dân vẫn chưa được chữa trị kịp thời, để xảy ra nhiều ca tử vong đáng tiếc. Ngay ở các bệnh viện tỉnh cũng vậy, tay nghề của các bác sĩ còn hạn chế, nên các bệnh viện lớn ở thành phố luôn trong tình trạng quá tải. Mặt khác, các bệnh viện của nước ta cũng không thể điều trị hữu hiệu cho bệnh nhân trong những trường hợp bệnh nặng, bệnh khó như các bệnh viện ở các nước quanh nước ta.
Kim Hồng và bác sĩ Tan tại Singapore ngày 16/5/2011. Ảnh: T.N
Điều này đã khiến cho không những người dân, mà cả những quan chức nhà nước ta cũng tìm tới Singapore, Thái Lan… để điều trị. Chẳng hạn, nữ cầu thủ bóng đá Trần Thị Kim Hồng bị chấn thương đầu gối phải qua bệnh viện ở Singapore và được bác sĩ Tan điều trị, tháng 5/2011. Bác sĩ Tan còn rất trẻ nhưng đã điều trị được cho Kim Hồng trong khi ở nước ta hiện có rất nhiều bác sĩ đầy đủ học hàm, học vị: giáo sư-tiến sĩ-bác sĩ lại không điều trị thì nghĩa làm sao? Các vị có thẩm quyền trong ngành y tế ở ta nghĩ gì về tình trạng này? Chúng ta thử nêu ra vài lý do:
1. Phải chăng nguồn tuyển sinh y khoa của ta kém chất lượng? Không! Những sinh viên được tuyển vào trường Đại học Y Dược Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hầu hết là học sinh giỏi, trong số đó có một số là học sinh xuất sắc. Như vậy, chỉ trừ những trường hợp như đào tạo hợp đồng riêng cho địa phương, hoặc chuyên tu, tại chức, các sinh viên chính quy của các trường đại học y lớn của ta là những người giỏi không thua gì sinh viên được vào học ngành y tại các nước khác.
2. Thời gian đào tạo của ta ít? Chương trình học tại đại học y của ta kéo dài 6 năm. Các nước khác thì sao? Tài liệu của các nước cho biết(2): 4 năm rưỡi: Ấn Độ và Nepal; 5 năm: Singapore, Trung Quốc, Đức, Bolivia, Nam Phi, Sri Lanka; 6 năm: Thái Lan, Nhật, Nigeria, châu Âu (trừ Đức: 5 năm), Úc; 8 năm: Canada, Mỹ. Mô hình 8 năm = 4 năm cử nhân Đại học Tổng hợp + 4 năm Đại học Y của Mỹ và Canada cũng đang được Hàn Quốc áp dụng.
Hiện nay, ngoài mô hình 4 + 4, một số đại học y ở Mỹ dùng mô hình 7 năm: tuyển sinh viên vừa tốt nghiệp trung học, học 4 năm đầu gồm chương trình 4 năm cử nhân kết hợp với chương trình năm thứ nhất tại đại học y, sau đó học tiếp 3 năm chuyên về y. Như vậy thời gian học 6 năm ở trường đại học y của ta không phải là ít mà còn dài hơn ở nhiều nước và bằng đại đa số các nước tiên tiến, chỉ thua Mỹ và Canada.
3. Ta thua họ về nội trú: Ở những nước ngoài, sau khi tốt nghiệp trường đại học y, có được bằng Bác sĩ Y khoa, thì người bác sĩ vẫn chưa được phép hành nghề bác sĩ tại bất cứ đâu, mà phải trải qua một thời gian làm nội trú tại một bệnh viện, và sau đó thi để lấy giấy phép hành nghề mới có thể hành nghề bác sĩ. Thời gian làm nội trú dài ngắn khác nhau tùy theo nước, tùy theo chuyên ngành.
Chẳng hạn, thời gian nội trú: 1 năm: Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Kenya; 15 tháng: Bolivia; 1 năm nội trú + 1 tới 2 năm được thực tập ở nước ngoài: Sri Lanka; 2 năm nội trú + 1 năm phục vụ cộng đồng: Nam Phi. Ở Mỹ, Canada: 1 tới 3 năm cho bác sĩ tổng quát, bác sĩ gia đình; 4 năm cho bác sĩ nhi khoa, bác sĩ phẫu thuật tổng quát; 6 năm cho bác sĩ phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tim.Trong khi ở ta, sau khi tốt nghiệp trường y với học trình 6 năm, hầu hết các bác sĩ không được làm nội trú ở bệnh viện mà được đi hành nghề ngay tại các bệnh viện, chỉ có một vài người được mỗi chuyên khoa của đại học y chọn ở lại làm nội trú trong 3 năm.
Có thể vì ta không buộc các bác sĩ vừa tốt nghiệp trường y làm nội trú mà dẫn đến tình trạng nhiều bác sĩ của ta không có chuyên môn cao và y đức cũng không như mong muốn chăng? Ai cũng biết rằng thời gian làm nội trú là vô cùng quan trọng để giúp người bác sĩ học được những điều rất cần thiết cho sự hành nghề.
Thời gian đầu của nội trú, người bác sĩ mới ra trường chưa được phép tự mình ra y lệnh, xử lý các tình huống bệnh lý mà phải tham khảo ý kiến của người thầy hướng dẫn, người đàn anh đã có kinh nghiệm, nhờ đó học tập được kinh nghiệm để sau mới vững vàng tự giải quyết được vấn đề.
4. Bệnh viện và Phòng khám chữa bệnh tư của người nước ngoài:
Những bệnh viện và phòng khám chữa bệnh do người nước ngoài liên kết đầu tư hay tự đầu tư 100% vốn trên đất nước ta hiện có nhiều vấn đề mà nhà nước ta cũng như Bộ Y tế của ta cần phải suy nghĩ lại trong việc cấp giấy phép và quản lý sao cho có lợi cho nhân dân ta.Thứ nhất là các bác sĩ tốt nghiệp tại nước ngoài có đủ tư cách hành nghề tại nước ta chưa? Nhiều nước trên thế giới không cho phép người tốt nghiệp bác sĩ tại nước khác tới hành nghề ở nước mình, chẳng hạn như Thái Lan và Mỹ. Ở Mỹ, một bác sĩ tốt nghiệp nước ngoài muốn hành nghề bác sĩ phải thi đậu USMLE (The United States Medical Licensing Examination)(3) do ECFMG (Educational Commission for Foreign Medical Graduates) đánh giá, và phải qua giai đoạn nội trú tại Mỹ.
Xét về mặt văn hóa điều này hoàn toàn đúng vì người bác sĩ, ngoài khả năng chuyên môn, còn phải am hiểu ngôn ngữ địa phương, nếp sống xã hội địa phương và sự vận hành trong bệnh viện địa phương mới có thể giúp chữa trị tốt cho bệnh nhân. Chưa kể luật bảo vệ công ăn việc làm và uy tín cho giới bác sĩ nội địa.
Không rõ Bộ Y tế của ta có nghĩ đến những điều đó không mà hiện có nhiều phòng khám, bệnh viện tư tại nước ta đang có những bác sĩ nước ngoài hành nghề thoải mái. Chẳng hạn, phòng khám Đông y của một số bác sĩ Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh quảng cáo liên tục trên báo chí và các đài truyền hình ở TP.HCM, khiến người Việt nghe như họ đang múa gậy vườn hoang như là chỉ họ mới chữa được các thứ bệnh của dân ta!
Thực chất họ tài giỏi đến đâu, chữa như thế nào? Hay họ chỉ đánh lừa dân ta để làm giàu bất chính? Chưa kể, những bệnh viện do người nước ngoài đầu tư có khả năng khám và chữa bệnh như bệnh viện tại nước họ không? Hay họ chỉ đưa tới nước ta những dụng cụ lạc hậu, phế thải từ nước họ, những bác sĩ tầm thường, không xin được việc tại nước họ tới nước ta hành nghề, xem nhân dân nước ta là một thị trường béo bở để họ làm tiền mà thôi?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một số đề nghị
1. Việc nội trú: Buộc tất cả các bác sĩ tốt nghiệp 6 năm ở đại học y phải qua nội trú ít nhất 1 năm, sau đó thi lấy giấp phép hành nghề. Ai đậu kỳ thi này mới được cấp giấp phép hành nghề, và mới được xin làm việc tại các bệnh viện công cũng như tư. Để có thể làm được điều này thì mỗi đại học y cần phải được quyền điều hành chuyên môn tại một số bệnh viện. Hoặc bệnh viện thuộc hoàn toàn trường đại học y, hoặc ít nhất các trưởng khoa tại một số bệnh viện là những cán bộ trong biên chế của đại học y.
2. Bãi bỏ chế độ liên thông trong đào tạo: Muốn trở thành bác sĩ phải qua đào tạo chính quy: 6 năm học tại đại học y + ít nhất 1 năm nội trú. Đã qua cái thời quá cần đào tạo gấp: từ y tá liên thông lên cán sự, lên y sĩ, lên bác sĩ. Nói cách khác bỏ hệ chuyên tu, tại chức trong việc đào tạo bác sĩ. Chỉ có thể đào tạo chuyên tu, tại chức, và cử tuyển theo nhu cầu địa phương đến cấp điều dưỡng mà thôi. Đào tạo liên thông chỉ nên hiểu là đào tạo nâng cao trong từng ngành, chẳng hạn: bác sĩ cấp 1 lên bác sĩ cấp 2...; điều dưỡng cấp 1 lên điều dưỡng cấp 2...
3. Xem xét nội dung thăng tiến của bác sĩ: Việc đòi hỏi người bác sĩ có chứng chỉ B hay C ngoại ngữ, và chứng chỉ Tin học căn bản, chứng chỉ chính trị để được lên bác sĩ chính như lâu nay thì không những không nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ của người bác sĩ, mà còn tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ.
Các khả năng ngoại ngữ, sử dụng vi tính, tư tưởng chính trị v.v... của người bác sĩ là thuộc phạm vi đánh giá trong quá trình học 6 năm của trường đại học y và 1 năm nội trú. Khi người bác sĩ đã có giấy phép hành nghề do nhà nước cấp là đủ bao hàm các khả năng ấy. Đúng ra, nếu có thi vào ngạch bác sĩ chính thì chỉ nên thi kiến thức chuyên môn, lâm sàng trên một số chuyên ngành sau khi được tham dự các khóa học chuyên sâu.
4. Cải cách chế độ lương của bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên...: Người bác sĩ phải trải qua một học trình dài, làm việc căng thẳng với những tình huống sống chết của bệnh nhân, với những ca trực ngày đêm... Nhưng lương của bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... hiện nay chưa tương xứng với công học tập, sức lao động của họ. So với một số ngành nghề khác, học trình ngắn hơn như ngành ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông, dầu khí... thì đại đa số bác sĩ và cán bộ y tế sau 5 năm, 10 năm làm việc lương căn bản vẫn thấp hơn nhân viên các ngành kinh tế khác.
Ở các nước khác thì ngược lại, giới bác sĩ có lương khởi điểm cao nhất. Chẳng hạn, ở Mỹ thì khi bắt đầu làm việc, lương của bác sĩ đã lớn hơn nhiều so với lương của những người chỉ học 4 năm đại học. Lương khởi điểm khoảng 120.000 USD/năm (thấp nhất với bác sĩ gia đình); lương trung bình: thấp nhất với bác sĩ gia đình: 166.000USD/năm, cao nhất với bác sĩ giải phẫu điều chỉnh, tái tạo cơ quan và chức năng (plastic surgeon): 459.000USD(4).Trong khi đó những người tốt nghiệp đại học 4 năm thì giới kỹ sư có lương khởi điểm trung bình cao nhất, trong khoảng 52.048 - 83.121USD/năm(5); lương trung bình: thấp nhất với kỹ sư nông nghiệp: 81.085USD, cao nhất với kỹ sư gốm sứ: 126.788USD(6). Các giáo sư đại học, lương trung bình: 79.439USD/năm. Trung bình theo ngạch trật: giáo sư: 108.749USD; phó giáo sư: 76.147USD; giáo sư phụ tá: 63.827USD. (Tại các trường cao đẳng (college) thì lương thấp hơn). Như vậy, so ra lương bác sĩ vẫn thuộc loại cao nhất.
Điều này trái ngược với ở ta. Người bác sĩ của ta vốn được học hành lâu năm, làm việc rất vất vả, dù họ có tinh thần cống hiến đến đâu nữa mà lương không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho cuộc sống gia đình, cho việc học tập của con cái thì họ phải “tìm mọi cách để tự cứu”. Và chính trong quá trình “tìm mọi cách để tự cứu” đã phát sinh ra rất nhiều chuyện làm suy yếu lòng nhân ái, y đức và chuyên môn của giới bác sĩ. Thiết tưởng nhà nước cần suy nghĩ lại việc ấn định mức lương cho bác sĩ và các cán bộ y tế để giúp cho nền y tế nước ta mau vững mạnh.
5. Cập nhật thông tin y tế và thiết bị chẩn đoán, điều trị bệnh: Bộ Y tế và các trường đại học y, các bệnh viện lớn cần phải có chính sách trong việc cập nhật những tiến bộ trong y học, trong chẩn đoán, điều trị bệnh của thế giới để phổ biến và nếu cần tổ chức hàng năm các đợt học tập bồi dưỡng cho bác sĩ, cán bộ y tế.
Song song việc đó, cần phải lựa chọn các thiết bị hiện đại tương ứng với những tiến bộ mới để mua sắm, ít nhất là các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải được trang bị các thiết bị hiện đại đủ để chẩn đoán và chữa được bệnh như các nước Thái Lan, Singapore. Nếu cần vốn mua sắm thiết bị thì có thể kêu gọi sự đầu tư của giới tư nhân.
6. Với bệnh viện có yếu tố nước ngoài:
a. Người nước ngoài tốt nghiệp bác sĩ ở nước họ phải có giấy phép hành nghề do Bộ Y tế Việt Nam cấp mới được phép hành nghề tại nước ta.b. Những bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh do người nước ngoài đầu tư, làm chủ phải có các thiết bị hiện đại ngang tầm hiện đại của bệnh viện nước họ và ít nhất phải hiện đại hơn tầm bệnh viện của ta. Các thiết bị và bác sĩ nước ngoài tại các cơ sở này phải chữa được bệnh như bệnh viện ở nước họ.
Có nghĩa là nếu bệnh viện của họ đầu tư ở nước ta mà không chữa được bệnh thì bệnh nhân không cần phải tới nước họ để chữa bệnh. Các bệnh viện này phải thu nhận một số bác sĩ Việt Nam vào làm việc và có nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật dần dần cho một số bác sĩ Việt Nam, để sau một thời gian, chẳng hạn 5 - 10 năm thì một nửa số bác sĩ tại đây là người Việt Nam và họ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tương đương với bác sĩ nước ngoài đang làm việc tại đây.
Nếu không như thế thì nước ta tuy độc lập, nhưng sức khỏe của dân ta là một thị trường để cho người nước ngoài tới tự do kinh doanh thu lợi riêng, mà nền y tế của ta vẫn phải luôn luôn tụt hậu so với họ.
7. Sự trợ giúp từ nước ngoài: Một số nước, đặc biệt là Pháp, có chương trình trợ giúp nước ta như cấp học bổng để các bác sĩ trẻ của ta tới làm việc “làm chức năng nội trú” (FFI = Faisant Fonction Interne) một năm tại bệnh viện của họ.
Điều nên lưu ý là trong năm đầu (intership) của giai đoạn nội trú (residency) thì người bác sĩ nội trú là người Pháp (hay Mỹ) vẫn chưa được quyền tự cho y lệnh mà chủ yếu là “thị phạm”, nhìn ngắm cung cách làm việc, xử lý của người thầy hướng dẫn, và tham khảo ý kiến của thầy, huống là bác sĩ trẻ của ta, vốn chưa tinh thông tiếng Pháp, họ lại càng không dễ gì cho sờ tới bệnh nhân của họ.Vì vậy tuy đi một năm FFI thì cũng có lợi, nhưng không có lợi nhiều lắm trong việc nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ. Chúng ta nên cảm ơn nước Pháp, nhưng sẽ là hữu ích hơn cho nền y tế của ta, nếu Bộ Y tế của ta đàm phán lại với Pháp là thay vì cho bác sĩ trẻ của làm FFI một năm thì xin làm vài năm để có cơ hội học được chuyên khoa như bác sĩ chuyên khoa của Pháp, và nếu cần thì nhà nước ta cấp kinh phí.
Ngoài ra, Bộ Y tế, các đại học y cần cấp học bổng và cần đàm phán để đại học y của họ giúp đào tạo các bác sĩ trẻ, các cán bộ giảng dạy trường y của ta. Chẳng hạn, lựa chọn những sinh viên y khoa ưu tú học hết năm thứ 5 của ta gởi đến Pháp để theo học năm thứ 6, cuối năm thi CSCT (Certificat de Synthèse de Clinique Thérapeutique), rồi vào làm nội trú hết quy trình như bác sĩ Pháp, mới trở về phục vụ đất nước.
Tương tự, các đại học y của ta có thể đàm phán với các đại học y của Mỹ để họ giúp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cho ta; đặc biệt, những cán bộ giảng dạy trẻ, những bác sĩ vừa tốt nghiệp ưu tú của ta có thể chuẩn bị học ôn để thi USMLE (The United States Medical Licensing Examination) để hợp tư cách xin làm bác sĩ nội trú tại Mỹ nhằm đạt trình độ lâm sàng như bác sĩ Mỹ.
Ngoài ra, cũng nên nghĩ đến việc mời các giáo sư y khoa tại Pháp, Mỹ v.v... đến làm seminar, giảng dạy ngắn ngày, chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ của ta tại các đại học y và bệnh viện chuyên ngành của ta. Với hai nguồn bác sĩ chuyên khoa được đào tạo từ Pháp và Mỹ này, bệnh viện của ta sẽ dễ có điều kiện ngang tầm với các bệnh viện của Thái Lan và Singapore.
Có thể đó là những điều nhà nước và Bộ Y tế của ta cần phải làm để trong 5-10 năm nữa, nền y tế của ta không thua kém nền y tế các nước xung quanh. Bấy giờ, không những người Việt không cần qua Thái Lan, Singapore chữa bệnh như hiện nay, vừa đỡ tốn kém rất nhiều, số ngoại tệ khá lớn không chạy ra khỏi nước ta, mà những người nước ngoài đang làm việc tại nước ta cũng có thể xin chữa bệnh tại các bệnh viện của ta, không cần về nước họ chữa bệnh như hiện nay tức là nước ta còn thu được ngoại tệ qua dịch vụ y tế. Điều này còn góp phần nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Đầu tư cho y tế cũng như cho giáo dục là ưu tiên trong chiến lược phát triển của đất nước, chỉ sau ưu tiên cho quốc phòng. Nếu không đầu tư đúng mức cho y tế và giáo dục mà lại dùng ngân sách cho những thứ có tính phô trương bề nổi khi ta còn nghèo, khoa học kỹ thuật, y tế của còn lạc hậu so với người ta thì chúng ta mãi mãi vẫn thua chứ đừng nói là bằng hay hơn ai được.
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Bộ Y tế (Việt Nam), http://vi.wikipedia.org/wiki/Bộ_Y_Tế_Việt_Nam
(2) Ministry of Health: Healthcare Facilities, http://www.moh.gov.sg/mohcorp/hcfacilities.aspx?id=106
In What Country is it Easiest to Become a Doctor?, http://www.wisegeek.com/in-what-country-is-it-easiest-to-become-a-doctor.htm
How Hard Is it to Become a Doctor?, http://www.wisegeek.com/how-hard-is-it-to-become-a-doctor.htm
(3) United States Medical Licensing Examination, http://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Medical_Licensing_Examination
(4) Starting salary, http://jobs.aol.com/articles/2010/02/01/doctor-salary/
(6) Theo Federal Government, tháng 3/2009, http://www.bls.gov/oco/ocos027.htm