Nguyễn Trọng Bình
Thêm một lần nữa, vấn đề chất lượng đào tạo của nền giáo dục nước nhà bị dư luận xã hội nghi ngờ và mang ra mổ xẻ. Lần này là chuyện về đội ngũ các “nhà khoa học” được cấp bằng công nhận học vị Tiến sĩ. Thật đau lòng vì trước một vấn đề vốn rất nghiêm túc nhưng giờ đây, cả xã hội mạnh ai nấy thể hiện sự xem thường không chỉ bằng những cách gọi mỉa mai mà còn những bức tranh biếm họa, cợt đùa, cay nghiệt...
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cùng thời điểm dư luận “nổi sóng” về vấn nạn “Tiến sĩ giấy” là sự kiện cá chết dọc dài theo bờ biển các tỉnh miền Trung gần một tháng qua nhưng vẫn chưa kết luận cụ thể, rõ ràng và xác đáng về nguyên nhân của nó. Người viết bài này tự hỏi có mối liên quan nào không giữa hai sự kiện này? Dĩ nhiên, mối liên quan ở đây cần được hiểu trên tinh thần đất nước và xã hội luôn luôn và bao giờ cũng cần đến những cái đầu của đội ngũ các nhà khoa học thực thụ, ngoài tư cách tư cách công dân thông thường còn là tư cách của một trí thức chân chính.
Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng nếu bỏ qua một vài quan điểm và cái nhìn phiến diện, cực đoan thì việc dư luận nghi ngờ và bức xúc về vấn nạn “Tiến sĩ giấy” hiện nay là hoàn toàn có cơ sở, không có gì là oan ức. Đặc biệt là khi giới truyền thông tiếp tục phanh phui và bàn tán về các công trình nghiên của các “nhà khoa học” mà chỉ đọc qua tên đề tài thôi đã thấy chua xót, não nề. Đó là chưa kể vô số các công trình tương tự mà chủ nhân của nó đã và đang giấu nhẹm không dám công bố với lý do “tế nhị” và “nhạy cảm”; hay các thông tin về việc các quan chức lãnh đạo đua nhau đổ xô đi học Tiến sĩ góp phần làm nên đội ngũ 24.000 TS trên cả nước hiện nay...
Công tâm mà nói, 24.000 TS trong một đất nước với hơn 90 triệu dân thì cũng không hẳn là nhiều (hay như một số người gọi quá lên là “lạm phát”). Tuy nhiên, như người xưa nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Hơn nữa, trong hoàn cảnh đất nước đang rất cần tiếng nói và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nhưng có quá nhiều người không chính danh và giả mạo thì đó không chỉ là sự lãng phí mà còn rất nguy hiểm cho sự phát triển lành mạnh của xã hội nếu nhìn ở phương diện văn hóa và đạo đức khoa học.
Trước năm 1975, ở miền Nam, học giả Nguyễn Văn Trung trong khi bàn về vai trò và tư cách của những bậc thức giả trong xã hội, có nói rằng: “Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hay sau đại học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức mà thái độ trí thức đối với các vốn kiến thức ấy và, nhất là đối với các vấn đề của cuộc sống trước mặt đặt ra”.
Từ đây, trở lại vấn đề cá chết dọc các bờ biển các tỉnh miền Trung gần một tháng trời nhưng các nhà khoa học trên khắp nước Việt vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để trả lời xác đáng với dư luận. Tại sao như vậy? Thôi thì bỏ qua và cũng thông cảm cho các nhà khoa học vì mấy chuyện “chính chị, chính em” muôn thuở trên đất nước này (nhất là mỗi khi có sự kiện lớn, bất thường nào đó xảy ra có liên quan tới yếu tố Trung Quốc). Nhưng các nhà khoa học nghĩ gì trước hàng vạn đồng bào đang lâm vào cảnh lầm than đói kém ngoài kia vì đại nạn này? Và trước đó nữa, những nhà khoa học nào đã trực tiếp chịu trách nhiệm phản biện, giám sát vấn đề tác động môi trường từ các công trình dự án có yếu tố nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) trên khắp đất nước này? Phải chăng tất cả sự chậm trễ này hay rộng hơn cái hệ lụy “rừng đã hết và biển thì đã chết” trên khắp đất nước Việt hôm nay đều có có chung mối liên hệ tất yếu với vấn đề tư cách và thái độ trí thức của phần lớn các nhà khoa học như cách nói của học giả Nguyễn Văn Trung?
Vẫn biết dư luận và tâm lý đám đông không phải lúc nào cũng đúng nếu không muốn nói đôi khi rất cực đoan và đầy cay nghiệt nên ít nhiều đã vô tình làm tổn thương (số ít) những nhà khoa học thực thụ và tử tế. Nhưng riêng trong chuyện này, thử hỏi tất cả “những người trong cuộc” có bao giờ tự phản tỉnh và nghiêm túc nhìn lại chính mình chưa? Hay là vẫn tiếp tục “bưng tai giả điếc”, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc không thì im lặng và nghĩ “chắc nó trừ mình ra” kiểu như dân làng Vũ Đại mỗi khi bị Chí Phèo chửi mắng, xúc phạm...
Ngoài ra, tại sao một đề tài, một công trình nghiên cứu rất “trời ơi đất hỡi” nhưng vẫn được cả hội đồng thẩm định (toàn TS, PGS, GS) thông qua? Hay các quan chức lãnh đạo quanh năm bù đầu bù cổ với không biết bao nhiêu là cuộc họp lớn nhỏ; rồi những chuyến công du ra nước ngoài như đi chợ thì thời gian đâu mà đi học “làm” TS, làm nhà khoa học? Thế nhưng tại sao các cơ sở đào tạo vẫn cấp bằng công nhận...? Phải chăng tất cả chuyện giả danh và ngụy khoa học này đều có chung một nguyên nhân là sự mạt vận của đạo đức khoa học và sự băng hoại lương tâm của đội ngũ trí thức Việt trong thời đại hôm nay? Hay nói như cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, đây chính là“Nỗi sỉ nhục buốt lòng.../ Khi bao điều tưởng thiêng liêng, trong sạch/ Bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn”.
Cá dọc các bờ biển miền Trung đã chết, đồng bào miền Trung đang lâm vào cảnh đói khổ đó là những sự thật không thể chối cãi được. Vậy thì ai trong số 24000 TS đã góp phần làm nên nỗi tang thương này? Nhất là các TS, các “nhà khoa học” đã và đang kiêm luôn những chức vụ lãnh đạo cấp cao từ trung ương đến địa phương? Dắt tay nhau nhảy xuống cùng biển tắm ư; mua cá của ngư dân luộc ăn tại chỗ ư? Tổ chức tiếp xúc cử tri toàn những người cùng hội cùng thuyền để ghi hình và tuyên truyền, xoa dịu, trấn an dân chúng ư...? Xin thưa đây chỉ là những vở diễn, vai diễn tồi của những tay đạo diễn và diễn viên nghiệp dư; người lãnh đạo có trách nhiệm, nhà khoa học, người trí thức có lương tâm không ai làm như vậy!
***
Nói cho cùng “Tiến sĩ giấy” (hay nói rộng ra chuyện học giả bằng thật) là một vấn nạn muôn thuở trong bất kỳ xã hội Đông, Tây kim cổ nào. Chủ quan mà nói, nếu phải truy xuất nguyên nhân cội rễ của vấn nạn này thiết nghĩ, có lẽ cũng nên tham khảo thêm quan điểm của giáo lý nhà Phật. Đó là vấn đề thuộc về bản chất của con người nói chung – vấn đề “tam độc”: tham, sân, si; là người phàm mắt thịt thì khó có ai thoát khỏi những điều trên. Tuy nhiên, khách quan mà nói, nguyên nhân trực tiếp và quyết định nhất gây nên vấn nạn trên phần lớn phụ thuộc vào các yếu tố như: đặc trưng về thể chế chính trị (tính dân chủ, công khai, minh bạch...); môi trường sống và sinh hoạt của con người (nội lực văn hóa, nền tảng đạo đức, đường lối quan điểm về học thuật...) ở mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia... trong những thời điểm nhất định.
Từ đây, có thể nói “Tiến sĩ giấy” vốn là câu chuyện cũ của ngày hôm qua được dư luận hôm nay thêm một lần nữa xới lại vì nó quá trầm trọng và thối nát. Âu cũng là thêm một bằng chứng cho thấy bức tranh toàn cảnh của nền giáo dục nước nhà. Một bức tranh xám xịt và u tối; một cái vòng luẩn quẩn của các công cuộc đổi mới, tưởng là cải tiến nhưng hóa ra cải... lùi!
CT, 9/5/2016
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-5-16