Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Sài Gòn sẽ nóng hơn với cao ốc Ba Son, Tân Cảng

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định: “Xây nhà cao tầng dọc bờ sông khu Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn… sẽ tạo thành bức tường chắn gió thổi vào phía trong. Chắc chắn những công trình này xây xong thì các khu đất phía trong Sài Gòn sẽ ngày càng nóng hơn, không có gió, không thông thoáng, bị chắn tầm nhìn...”
Nhận định trên được TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tại hội thảo “Bảo tồn di sản văn hóa TP.HCM – Biện pháp tối ưu & góc nhìn của chuyên gia: làm sao bảo tồn và phát triển để đôi bên cùng có lợi”, do Tổng lãnh sự Pháp và Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM tổ chức, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ quản lý phát triển đô thị TP.HCM, diễn ra cuối tháng 4.2016.

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đang trình bày tại hội thảo. Ảnh: Tấn Phúc
Các nước không xây nhà cao tầng ven sông
Theo KTS. Nam Sơn, năm 2007 công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã thực hiện Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu vực trung tâm TP.HCM và có một số đề xuất được UBND TP.HCM chấp thuận. Trong đó có đề xuất khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (ở vị trí sát phía trên khu đất đối diện Thảo Cầm Viên Sài Gòn, bên kia đường -  NV) chỉ nên cho phép xây hai, ba nhà cao tầng, phần còn lại dùng nối dài mảng xanh của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đến bờ sông Sài Gòn, bảo tồn khu vực ụ tàu Ba Son.
“Đây là một đề xuất rất tốt và thành phố đã chấp thuận nhưng không hiểu vì sao gần đây thành phố đổi ngược, xóa bỏ chuyện đó, chấp nhận cho xây công trình cao tầng ở đây”, ông Sơn nói.   

Các công trình xây dựng càng gần bờ sông Sài Gòn thì càng cao lên, khiến khí hậu TP.HCM sẽ nóng hơn, bức bối hơn. Ảnh: VGP/Nguyễn Bảo
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, tham gia nhiều dự án lớn về quy hoạch đô thị ở Mỹ, Canada, Nhật, Singapore và một số nước Á châu khác,… KTS. Nam Sơn cho biết, xu hướng chung của các nước thường là nhà cao tầng nằm ở phía trong và giảm dần độ cao về phía gần bờ sông.
“Ở trung tâm TP.HCM chúng ta thấy ngược lại, công trình càng về gần bờ sông thì càng cao lên. Ba Son nếu giữ được và cải tạo cho phát triển đúng giá trị thì chúng ta sẽ có những không gian công cộng rất thu hút người dân”,  ông Sơn nhận xét.
Cũng theo KTS. Nam Sơn, nếu không có sự xâm phạm như đang diễn ra, giá trị khu trung tâm TP.HCM sẽ tốt hơn. Với phương án Ba Son đã được phê duyệt quy hoạch, nhà đầu tư nếu xây dựng những dãy nhà cao tầng như phối cảnh họ công bố, thì chắc chắn sẽ chắn tầm nhìn của khu trung tâm ra hướng sông, chắn hết gió từ phía sông thổi vào. Khi đó, khí hậu TP.HCM sẽ nóng hơn, bức bối hơn.
Quy hoạch hiện hữu đang làm cho giá trị của Thủ Thiêm không bằng giá trị ba khu đất Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn. Ảnh: TL
Tư duy quy hoạch bờ Tây – bờ Đông không thống nhất
Lý giải những hạn chế trong quy hoạch phát triển đô thị Sài Gòn, KTS. Nam Sơn cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ngay từ đầu TP.HCM đã không xác định ranh giới khu trung tâm lịch sử, khu vực di sản cần bảo tồn… như các nước đã thực hiện.
“Nếu có việc xác định đó thì trong khu trung tâm lịch sử, việc phát triển nhà cao tầng, đặc biệt kế hoạch tàn phá nhà cổ để xây dựng, hoàn toàn phải ngăn cấm. Đối với những khu vực lân cận khu trung tâm, cho phát triển nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng nhẹ nhàng hơn vì ít dính dáng đến các công trình di sản.
Đơn cử ở Sài Gòn, những nhà đầu tư nếu muốn phát triển nhà cao tầng có thể thực hiện bên phía Thủ Thiêm. Khu trung tâm hiện hữu ở bờ Tây không nên cho xây nhà cao tầng mà tập trung việc đó cho khu bờ Đông. Khi đó sẽ có khu trung tâm lịch sử và khu trung tâm mới. Các bản sắc của khu trung tâm từ đó dần dần hình thành”, ông Sơn nói.
      Không có khu đô thị nào trên thế giới lại quy hoạch chiều cao cho trung tâm đô thị chỉ tập trung cao nhất vào khu chạy dọc ven bờ sông, vì điều ấy vừa không khoa học, vừa chỉ có lợi cho kinh doanh bất động sản ven sông, nhưng người dân sẽ bị thiệt hại. 
Một bất cập khác trong quy hoạch của đô thị Sài Gòn, theo KTS. Nam Sơn, là quy hoạch bờ Tây và bờ Đông không cùng lúc, không cùng đơn vị thực hiện và có tư duy quy hoạch khác nhau, thiếu phối hợp và thỏa thuận về chiến lược thực hiện sao cho đôi bờ cùng hưởng lợi ích.
So sánh hai quy hoạch của bờ Đông và bờ Tây, dễ dàng nhận ra nhà cao tầng tập trung bên khu bờ Tây nhiều hơn. Bên bờ Đông - khu Thủ Thiêm không có nhiều nhà cao tầng, “Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì không có đủ cầu đường đi qua khu Thủ Thiêm, thiếu kết nối trực tiếp ở vùng lõi hai bờ nên không phát triển được đô thị, không thu hút được nhà đầu tư qua Thủ Thiêm. Điều đó lý giải vì sao nhà đầu tư họ thích xây ở Ba Son, Tân Cảng và Cảng Sài Gòn. Quy hoạch hiện hữu như thế này là tạo giá trị cho khu bờ Tây, giá trị của Thủ Thiêm không bằng giá trị ba khu đất này”,  ông Sơn nói.

 Khi chấp nhận quy hoạch phân khu bờ Tây Sài Gòn theo 5 khu trung tâm, TP.HCM đã có sự chuẩn bị làm nhà cao tầng dọc theo bờ sông. Ảnh: Thanh Hảo
Theo KTS. Nam Sơn, việc thiếu các chính sách ưu đãi cao cho Thủ Thiêm để thu hút đầu tư vào bờ Đông và thả lỏng cho bờ Tây phát triển tự do, đã dẫn đến các dự án cao tầng và dự án hạ tầng xây dựng tại bờ Tây cạnh tranh gay gắt và có phần thiếu lành mạnh với các dự án cùng loại tại bờ Đông. Thiếu lành mạnh bởi trong khi bờ Tây đang quá tải về hạ tầng thì lại càng tập trung phát triển thêm nhà cao tầng với chiều cao được duyệt lên đến 50 – 80 tầng cho khu ven sông, tương đương chiều cao tối đa của toàn khu Thủ Thiêm.
Sự mất cân đối này làm gia tăng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, để sau đó ngân sách buộc phải rót thêm vốn cho việc nâng cấp tiếp hạ tầng. Điều này còn làm cho tính cạnh tranh của bờ Đông thua sút hẳn so với bờ Tây, trong khi phải đối phó với gánh nợ trả lãi khoảng gần 4 tỷ đồng một ngày (*).  
Nhà đầu tư kiếm lợi là chuyện bình thường, trách nhiệm của nhà quản lý đô thị là làm sao cho nhà đầu tư họ kiếm lợi ở vị trí đúng chỗ, làm tốt hơn cho thành phố chứ không phải làm hại di sản.     
KTS. Nam Sơn nhận xét, quy hoạch hiện hữu đã không giữ được giá trị của khu vực có những đặc tính của khu trung tâm lịch sử. Khi chấp nhận quy hoạch phân khu bờ Tây Sài Gòn theo 5 khu trung tâm, TP.HCM đã có sự chuẩn bị làm nhà cao tầng dọc theo bờ sông.
Quy hoạch cao tầng của hai bên bờ sông thể hiện sự thiếu nhất quán và thiếu khoa học. Hình phối cảnh cho thấy trọng tâm nhà cao tầng của toàn khu đặt ở bờ Tây, đặc biệt khu ven sông. Trong khi hầu hết công trình khu trung tâm tài chính hiện đại xây ở khu đất trống 650ha bên kia sông của bờ Đông lại thấp tầng và mờ nhạt.
Không có khu đô thị nào trên thế giới lại quy hoạch chiều cao cho trung tâm đô thị chỉ tập trung cao nhất vào khu chạy dọc ven bờ sông, vì điều ấy vừa không khoa học, vừa chỉ có lợi cho kinh doanh bất động sản ven sông, nhưng người dân nói chung sẽ bị thiệt hại nhiều về nhiều mặt.
Cho dù Thủ Thiêm đất thấp và yếu, nhưng vì đất sạch nên rất dễ xây mới hạ tầng hiện đại, và đó lại càng là lý do để xây cao hơn, vì như thế có thể làm móng sâu đến lớp đất cứng phía dưới cho hiệu quả kinh tế xây dựng hơn nhiều (*). 
Nên bảo tồn khu trung tâm hiện hữu của Sài Gòn
KTS. Nam Sơn cho biết, quy hoạch khu trung tâm bờ Tây chưa tạo được hiệu quả trong việc bảo vệ các giá trị di sản và thiên nhiên của một Sài Gòn có lịch sử hơn 300 năm, một sự đánh đổi quá lớn để dọn đường cho các phát triển mới, trong khi vẫn có thể thực hiện những giải pháp dung hòa việc đáp ứng cho cả hai nhu cầu bảo tồn và phát triển.

Nhà cao tầng ven sông nếu xây dựng quá dày đặc, sẽ tạo thành một bức tường chắn gió khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: TL
Rất nhiều công trình di sản đã bị đập bỏ để xây nhà cao tầng tại khu trung tâm bờ Tây, trong khi bờ Đông chưa thu hút được các dự án đầu tư cao tầng quan trọng, dù cho đất sạch và vị trí lý tưởng. Nhiều cây xanh, bao gồm trên 300 cây cổ thụ tại đường Tôn Đức Thắng, đã và sẽ bị chặt hạ, để dành chỗ cho việc xây dựng hạ tầng.
Trong quá trình nghiên cứu và phê duyệt dự án cầu, người ta đã bỏ qua việc xem xét nguy cơ phải chặt cây cho đến khi dự án phê duyệt xong và chuẩn bị thực hiện thì mới thông báo. Thật ra, chỉ cần dịch chuyển vị trí cầu sang trục Nguyễn Bỉnh Khiêm như nhiều bản quy hoạch kết nối với Thủ Thiêm trước đó, là có thể giữ lại toàn bộ các cây cổ thụ này (*). 
“Theo tôi, nên bảo tồn khu trung tâm hiện hữu, có thể cải tạo nâng tầm nhưng cũng cao vừa vừa thôi. Làm sao kết nối tốt với khu trung tâm tài chính tương lai ở bờ Đông, để trong quy hoạch sắp tới những nhà cao tầng dự định triển khai ở bờ Tây sẽ thu hút về đây. Chiều cao khi đó có thể gấp hai, gấp ba. Nhà đầu tư vẫn kiếm được giá trị tương xứng với đầu tư và TP.HCM vẫn bảo vệ được di sản ở khu vực trung tâm.
Nhà đầu tư kiếm lợi là chuyện bình thường, tôi ủng hộ chuyện đó nhưng trách nhiệm của nhà quản lý đô thị là làm sao cho nhà đầu tư họ kiếm lợi ở vị trí đúng chỗ, làm tốt hơn cho thành phố chứ không phải làm hại di sản”, ông Sơn nói.

Ba Son là cơ hội cuối cùng để tăng diện tích cây xanh cho khu bờ Tây (Ảnh tư liệu chụp 2015).
Dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son đang khẩn trương xây dựng. Ảnh: Trung Dũng (chụp tháng 1.2016) 
Theo KTS. Nam Sơn, chiến lược bảo tồn và phát triển của đô thị TP.HCM phải làm sao cân bằng được các lợi ích, để mọi người đều có lợi. Làm sao bảo tồn và xây mới phải khả thi về nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, lịch sử… chứ không phải bảo tồn rồi để đó ngắm hay xây mới mà tàn phá hết những giá trị di sản, lịch sử của Sài Gòn…
Phát triển nhà cao tầng phải đi cùng hệ thống giao thông công cộng thì mới đem lại sự phát triển tốt cho TP.HCM.  Mọi kế hoạch bảo tồn hay phát triển phải cung cấp hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Cần khoanh vùng và xác định được các khu vực có bản sắc đặc thù, để có hướng dẫn tương ứng về thiết kế đô thị và quản lý đô thị đối với công tác bảo tồn và phát triển. Nên xác định rõ ranh giới và có chính sách với những quy định riêng để gia tăng giá trị bản sắc đô thị. Xây dựng được nhiều khu vực mà mỗi khu vực có đặc trưng cho một thời kỳ phát triển khác nhau, mang dấu ấn bản sắc của thời kỳ đó. 
Tư duy và thực hiện quy hoạch khu trung tâm hai bờ Đông – Tây phải như một tổng thể thống nhất, được nghiên cứu, phê duyệt cùng lúc. Xây được kết nối tốt giữa khu lõi bờ Đông và bờ Tây. 
Các nhà cao tầng ven sông không được xây quá dày đặc, tạo thành một bức tường chắn gió mà phải chừa lại những không gian mở để gió mát từ sông có thể đưa vào sâu trong đất liền.
Hiện TP.HCM đã xài hết đất bờ Tây, trong phát triển thế kỷ 21 thì phát triển chỗ nào?. Ảnh: Thanh Hảo
Ba Son là cơ hội cuối cùng để gia tăng diện tích cây xanh cho khu trung tâm bờ Tây, nơi có tỷ lệ diện tích cây xanh tính trên đầu người thấp nhất trên cả nước. Trong khi khu vực Tân Cảng và Cảng Sài Gòn cũ có thể xây dựng nhà cao tầng, một phần lớn khu vực Ba Son không nên dành cho nhà cao tầng, mà nên dành cho không gian xanh kết nối liên hoàn với Thảo Cầm Viên Sài Gòn, với các công trình công cộng, văn hóa, và bảo tồn, bảo tàng phục vụ cho nhu cầu không gian xanh và không gian công cộng hiện đang quá ít ỏi tại khu trung tâm bờ Tây. 
Khi đó, nhà đầu tư khu vực Ba Son có thể sẽ sẵn lòng đánh đổi vị trí ở Ba Son để xây dựng cụm nhà cao tầng tại một vị trí mới ở Thủ Thiêm bên kia sông của đường Hàm Nghi, nếu cây cầu ở đường này được lên kế hoạch xây dựng nhanh trong thời gian tới (*). 
“Cần mạnh dạn đổi mới tư duy và bước đầu tiên là phải xác định lại những nguyên tắc quy hoạch mang tính chiến lược cho phát triển của thành phố, trước khi nói đến việc tổ chức quy hoạch lại cho khu trung tâm TP.HCM một cách bền vững hơn, nghĩa là đạt được những thành tựu tương xứng và cao hơn, nhưng với cái giá phải trả thấp hơn nhiều, đặc biệt không phải chấp nhận đánh đổi cái mới với tổn thất to lớn hơn là mất đi những giá trị di sản trên 300 năm mà thành phố đã đạt được...
Trong mọi chuyện chính quyền thành phố phải dành chỗ cho tương lai phát triển. Hiện TP.HCM đã xài hết đất bờ Tây, trong phát triển thế kỷ 21 thì phát triển chỗ nào đây? Quản lý phải có cái nhìn xa, nếu không những quyết định sai ngày hôm nay sẽ đóng cửa tương lai”, ông Sơn nói.
Tấn Phúc – Nguyễn Hữu
(*) Trích từ bài viết “Phát triển khu trung tâm TP.HCM – Tầm nhìn trăm năm” của TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn. 

Người Đô Thị lược ghi một số ý kiến khác của các chuyên gia phát biểu tại hội thảo “Bảo tồn di sản văn hóa TP.HCM – Biện pháp tối ưu & góc nhìn của chuyên gia: làm sao bảo tồn và phát triển để đôi bên cùng có lợi”.
TS. Nguyễn Thị Hậu: “Phá hủy Ba Son là một sai lầm”
    
   
TS. Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.Ảnh:CTV   
    
Xưởng Ba Son là một di tích cực kỳ quan trọng đối với cả nước chứ không phải chỉ riêng với lịch sử của Sài Gòn, bởi vì đó là di tích liên quan đến nghề đóng tàu, kinh tế biển… Phát triển Sài Gòn, miền Nam nói chung mà không nói đến yếu tố văn hóa biển, kinh tế biển thì đó là chiến lược không đúng đối với chiến lược phát triển phía Nam, mà Ba Son là một chứng tích ít nhất từ thế kỷ 17 đến giờ.
Việc phá hủy Ba Son là một sai lầm về mặt chiến lược bảo vệ di sản, cùng với chiến lược sai lầm về kinh tế đối với TP.HCM. 
Mỗi thành phố có một đặc điểm về di sản riêng, được hình thành do quá trình lịch sử, vị trí địa lý và phần nào do các sự kiện lịch sử tác động vào thành phố đó. Di sản TP.HCM không chỉ của riêng cộng đồng cư dân TP.HCM hay của miền Nam mà di sản này cần phải được coi là di sản của cả nước, cho nên việc phá hủy di sản ở TP.HCM, như phá hủy Ba Son, chính là việc phá hủy di sản của cả nước Việt Nam, chứ không phải chỉ có riêng thành phố.
Chính quyền TP.HCM phải đưa chiến lược bảo vệ di sản đô thị vào chiến lược phát triển, không phải chỉ là về phương diện văn hóa mà phải vào cùng với chiến lược phát triển kinh tế. Bởi vì di sản cũng có thể làm ra những giá trị kinh tế, chứ không phải chỉ được bảo tồn như những hiện vật nằm trong tủ kính của viện bảo tàng.
Trong quá trình phát triển của đô thị, tiếng nói của cộng đồng có vai trò quan trọng đối với các quyết sách của chính quyền. Nếu trước năm 2000, TP.HCM đưa ra khá nhiều thông tin quy hoạch nhưng công chúng gần như không biết, hoặc có biết thì cũng chưa đủ trình độ và đủ sự quan tâm, thời gian tìm hiểu để có ý kiến thì từ sau thời điểm ấy, đặc biệt từ 2010 đến nay công chúng đã có sự hiểu biết nhiều hơn về di sản văn hóa, lịch sử đô thị.
Những người trong công chúng ở các lĩnh vực khác nhau đã có những kiến thức nhất định về bảo tồn, cho nên họ có thể đóng góp với chính quyền những ý kiến xác đáng. Vì vậy chính quyền cần tôn trọng và lắng nghe tiếng nói của công chúng, không phải chỉ để điều chỉnh những quy hoạch mà sáng kiến của công chúng còn giúp ích cho chính quyền làm những dự án, kế hoạch phù hợp hơn với sự phát triển, nhất là đáp ứng tốt hơn các nhu cầu bảo vệ di sản, văn hóa.
Ngày tàn của Ba Son! (Ảnh do bạn đọc cung cấp)
Trong quy hoạch của vùng đất Sài Gòn dứt khoát khu vực di sản phải được bảo tồn tuyệt đối. Tất cả những công trình mới không được xây dựng trong đó. Nếu một công trình xây dựng được thì tất cả những công trình khác họ cũng dựa vào đó mà làm được. Đây là điều chúng tôi cũng biết nói ra đã là quá trễ đối với khu trung tâm của TP.HCM nhưng không thể không lên tiếng. 
Ở Sài Gòn, vùng lõi của đô thị, di sản chính là khu vực quận 1. Nếu lấy Nhà Thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất làm tâm thì có thể kéo ra bán kính từ 1 đến 2 cây số. Đây là vùng hết sức thận trọng khi đụng chạm vào xây dựng các công trình mới và công trình quá nhạy cảm.
Di sản văn hóa của Sài Gòn cũng là một lợi thế để các nhà đầu tư vào đây họ thấy thiện cảm với thành phố, khi ở đây có nhiều di sản tốt đẹp, đặc sắc. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng coi di sản văn hóa là một lợi thế, thậm chí họ coi đó là vật chướng để phá đi chứ không phải là mối lợi để họ giữ lại. Bởi vì di sản của TP.HCM đa số nằm ở khu đất mà người ta gọi là đất vàng và đất kim cương. Chọn nhà đầu tư nào để có thể bảo tồn di sản đó chính là câu hỏi mà chính quyền phải trả lời và lựa chọn.
KTS. Nguyễn Hữu Thái: “Tiếng nói của chính quyền, nhà đầu tư và cộng đồng phải bình đẳng như nhau”
       KTS. Nguyễn Hữu Thái.Ảnh:CTV
Khu Ba Son trước đây khi thực hiện Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu vực trung tâm TP.HCM, công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã đề xuất là khu văn hóa, lịch sử, khu trung tâm giải trí của Sài Gòn, mà giờ tôi thấy quảng cáo toàn hình ảnh phác thảo chỉ là những bloc nhà vuông vức đi lên.
Bản thân chúng tôi cũng bất ngờ, bây giờ nhóm lợi ích còn ghê gớm hơn nhóm lợi ích thời kỳ của Pháp. Thời Pháp, luôn có tranh chấp giữa phòng thương mại và những nhóm lợi ích về buôn bán với bên phía quy hoạch của chính quyền.
Đối với những người làm quy hoạch và nghiên cứu di sản như chúng tôi, hay gặp những người luôn luôn hỏi anh nghiên cứu di sản nhưng mà anh có làm tăng di sản không? Di sản có làm ra tiền không?
Khi chúng tôi gặp những nhà đầu tư từ Hà Nội vô đây, chúng tôi hỏi họ có chú ý vấn đề di sản không? Họ nói thẳng với chúng tôi mấy anh giữ di sản mà các anh có làm kinh tế phát triển tốt không? Sau đó, họ nói thẳng “tôi cá mấy anh đó, một miếng đất nào tốt nhất của Hà Nội và Sài Gòn nếu tôi muốn phát triển nó lên theo kiểu của tôi, tôi bảo đảm với các anh là với giá nào tôi lấy cũng được…”.
Trở lại vấn đề quy hoạch, không phải chúng ta không có tiếng nói của những người làm di sản, tiếng nói cộng đồng nhưng mà rất khó dung hòa được với nhóm lợi ích. Từ thời Pháp đến nay vẫn luôn bị như vậy. Quy hoạch của Việt Nam cần có sự dung hòa được tiếng nói bình đẳng của ba nhóm: chính quyền, nhà đầu tư, tiếng nói cộng đồng thì sẽ giải quyết được vấn đề bảo tồn và phát triển đang đặt ra.

 Diễn trình số phận pháp lý của Ba Son
Ụ tàu lớn Ba son được xây dựng năm 1884, hoàn thành 1888 (Ảnh tư liệu chụp 2015)
  • Ngày 12.8.1993, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1034 QĐ/BT về xếp hạng Di tích lịch sử Xưởng cơ khí thuộc Xí nghiệp liên hợp Ba Son là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
  • Ngày 17.11.2009,  Khu vực ụ tàu gần xưởng cơ khí đã được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận về mặt chủ trương xây dựng hồ sơ di tích bổ sung vào di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp liên hợp Ba Son (tại công văn số 919 ngày 17.11.2009)
    KTS Trần Hữu Khoa.Ảnh: P.T 
  • Ngày 10.7.2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến thẩm định (theo công văn số 2287/BVHTTDL-DSVH) và “thống nhất với phương án bảo tồn di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son” của Bộ Quốc phòng. Theo đó, diện tích Xưởng cơ khí 1.949m2 sẽ chỉ còn giữ lại 589m2, cải tạo một phần diện tích nhà xưởng cơ khí thành Nhà truyền thống Xí nghiệp liên hợp Ba Son tại khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, tổ chức trưng bày sa bàn tổng thể xưởng cơ khí và mô hình ụ tàu. 
  • Ngày 28.6.2013, UBND TP.HCM ra quyết định 3457/QĐ-UBND Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, quy định năm công trình lịch sử phải được giữ lại trong khu Ba Son, kể cả việc tái bố trí công năng sau này bao gồm: Depot (Xưởng cơ khi chính), Ụ tàu lớn, Ụ tàu nhỏ, văn phòng 1, văn phòng 2.
  • Tháng 03/2015, Bộ Quốc phòng vẫn giữ nguyên quan điểm và phương án cũ về bảo tồn di tích Ba Son.
  • Ngày 15.3.2016, UBND TP.HCM có công văn số 1055/UBND-VX (kèm theo hồ sơ di tích) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích quốc gia – Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xí nghiệp Liên hiệp Ba Son (nay là Tổng công ty Ba Son).
  • Ngày 30.3.2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh ký Quyết định số 1269/QĐ-BVHTTDL về việc điều chỉnh tên gọi và khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia “Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại tại xí nghiệp Liên hiệp Ba Son” (trong Quyết định số 1034/QĐ-BT ngày 12.8.1993) thành: Di tích lịch sử “Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son, gồm: ụ tàu nhỏ và triển nề”, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
(Theo tài liệu của KTS Trần Hữu Khoa trình bày tại hội thảo “Bảo tồn di sản văn hóa TP.HCM – Biện pháp tối ưu & góc nhìn của chuyên gia: làm sao bảo tồn và phát triển để đôi bên cùng có lợi”)
Tin, bài liên quan:
» Ba Son: Mai sau còn có những gì?
» Từ Ba Son nhìn sang Thủ Thiêm
» Ụ tàu Ba Son - một di tích quí hiếm của Sài Gòn
» Bứng 14 cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng
» Thủ Thiêm: Nửa thế kỷ long đong quy hoạch
» Dự án cầu Thủ Thiêm 2: Thêm một cây cầu mà bớt đi lịch sử
» Chặt cây đường Tôn Đức Thắng: Cây xanh là di sản, không thể đốn bừa
»Vẫn có phương án không cần chặt cây xanh đường Tôn Đức Thắng