Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Người Việt Nam tại nước ngoài là một cầu tàu mở ra cho sự giao lưu vì sự tiến bộ của đất nước

  • PHẠM TRỌNG CHÁNH giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Phạm Trọng Chánh và Nhà thơ Xuân DiệuPhạm Trọng Chánh và Nhà thơ Xuân Diệu
LỜI TÒA SOẠN:Tiến sĩ khoa học giáo dục Phạm Trọng Chánh của Viện Đại học Paris V, ngoài chuyên môn hẹp của mình, còn là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học Việt Nam cổ điển có khá nhiều thành tựu được ghi nhận. Ông cũng là người có nhiều mối lương duyên với các trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng ở trong và ngoài nước. VHNA đã có cuộc trao đổi với ông nhân dịp đầu năm mới 2016.
Phan Văn Thắng (PVT): Thưa ông, là một trí thức Việt Nam được đào tạo từ môi trường Đại học Tây phương,  trưởng thành và làm việc nhiều chục năm tại Paris, duyên cớ nào mà ông vẫn miệt mài nghiên cứu văn học nước nhà nhất là thơ chữ Nôm, chữ Hán Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...?
Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh (TS. PTC): Đối với trí thức trong nước, nghiên cứu văn chương Việt Nam là một nghề như bao ngành nghề khác trong Khoa học Xã hội, nhưng đối với người Việt ở nước ngoài, nghiên cứu văn chương Việt Nam là một “cái nghiệp”, “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách quẩn trời gần trời xa”. Nghiệp giống như con tằm phải nhả tơ, không viết ra thì bực bội khó chịu, viết được thì tâm hồn phơi phới, nghiệp là vì chẳng ai trả lương, chẳng được lợi lộc gì về vật chất, nhưng bỏ thì chẳng bỏ được, dù cho vợ thì mắng: “Anh đồ gàn”,  vớ vẩn, hết thơ Đường đến thơ muối, còn bao nhiêu người đọc tiếng Việt mà viết». Nhưng gàn vẫn gàn, mèo vẫn hoàn mèo, nước ta có 93 triệu dân trong nước, và 4 triệu tại hải ngoại, viết được tiếng Việt ngày nào cứ viết. Ở nước Pháp, nếu nghiên cứu bằng tiếng Pháp, sách xuất bản có nhà xuất bản lo in ấn trả  tiền tác quyền. Còn viết bằng tiếng Việt thì tự in ấn, tự phổ biến, lớp bán lớp tặng, công việc chẳng khác thời Nguyễn An Ninh những năm 1930-1940, ngày xưa. Gửi đi bán các hiệu sách Việt Nam các nước, thì chờ hồi âm thanh toán là một chuyện xa vời. Ngày nay với việc phổ biến trên internet, vui hơn ngày xưa bài viết được nhanh chóng phổ biến. Cái nghiệp lạ lùng đó, việc nghiên cứu văn chương Việt Nam tại Pháp cũng như tại các nước ngoài vẫn tồn tại, dù nó chẳng nuôi sống được một ai.
Tôi có may mắn được gần gũi với hai bậc thầy: GS Lê Thành Khôi, và GS Hoàng Xuân Hãn. Tôi soạn luận án về Giáo dục Việt Nam với gs Lê Thành Khôi tại Viện Đại Học Paris Sorbonne. Tôi gặp GS Hoàng Xuân Hãn, để xin tài liệu về Chương trình Giáo dục năm 1945, là chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt đầu tiên thời bác làm Bộ trưởng. Tại  Paris, tôi có trong Ban Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội của Hội Khoa học Xã hội Việt Nam tại Pháp, do GS Lê Thành Khôi làm Hội trưởng, tôi có nhiều dịp gặp gỡ tiếp xúc với giáo sư Hoàng Xuân Hãn để xin bài. Từ nghiên cứu giáo dục, tôi đã say mê những chuyện GS Hoàng Xuân Hãn làm về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Có những công việc bác Hãn làm còn dang dở về Hồ Xuân Hương, do ông Đào Thái Tôn cất giữ Lưu Hương ký độc quyền suốt 30 năm, tôi đã tiếp nối công trình GS Hoàng Xuân Hãn sau khi GS mất.
PVTÔng mê ai hơn trong các nhà thơ cổ điển Việt Nam, vì sao vậy?
TS. PTC: Thật là khó nói vì tôi yêu, tôi mê nhiều người lắm. Tôi say mê Hồ Xuân Hương qua Lưu Hương ký, Nguyễn Du qua ba tập thơ chữ Hán. Tôi lưu ý đến ba nhà thơ được Phạm Đình Hổ nhắc đến như bậc thầy thi ca thời Lê Trung Hưng là Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống với tài thi ca và sự nghiệp giáo dục đáng khâm phục. Nhà thơ nổi danh đồng thời với Nguyễn Du là Ngô Thời Vị, tác giả chính của Hoàng Lê Nhất Thống Chí - một trong An Nam ngũ tuyệt. Các anh em Nguyễn Du cũng là những nhà thơ lừng lẫy: Nguyễn Khản các bài ca quan Lại Bộ Thượng thư, nhân gian một thời truyền tụng, Nguyễn Nễ được Đoàn Nguyễn Tuấn xưng tụng là đỉnh cao thi trận nước Nam, được vua Quang Trung nể vì học thức thường gióng ngựa quý tới thăm. Nguyễn Nghi người em thứ 10 của Nguyễn Du viết truyện thơ Quân Trung Đối, một áng văn tuyệt tác chẳng kém Nhị Độ Mai bị quên lãng.  Nguyễn Hành cháu Nguyễn Du là một trong năm nhà thơ hay nhất nước Nam. Tôi lưu ý đến vua Lê Thánh Tông và mối tình nhà vua với Trường Lạc Hoàng Hậu là con gái Nguyễn Trãi. Những thi ca của nhà vua được gán cho Hồ Xuân Hương phải trả về tác giả còn nhiều điều để khám phá. Trần Bích San với Xuân Đường đàm thoại viết về Hồ Xuân Hương. Tốn Phong với 31 bài thơ tình  tặng Hồ Xuân Hương. Nguyễn Thông, một nhà thám hiểm đã khám phá ra Cao nguyên Trung phần còn lưu lại thi ca trên những bước đường khai phá. Trần Thiện Chánh nhà thơ tài hoa khí khái bán cả gia tài để mộ quân chống Pháp. Còn rất nhiều chuyện để khám phá về các nhà thơ cổ điển Việt Nam bằng chữ Hán.
PVTÔng có hai quốc tịch, và trong ông cũng có hai nền văn hóa?
TS. PTC: Tôi đi du học năm 18 tuổi  với quốc tịch miền Nam Việt Nam, do hoạt động chống chiến tranh, bạn bè đồng thời với Nguyễn Thái Bình, giấy tờ Sài Gòn bị khó dễ,  tôi hãnh diện mang quốc tịch nước Việt Nam khi đất nước thống nhất. Năm 1977, 1980, tôi dự tính về nước nhưng việc không thành, do công việc sinh sống tôi lại vào quốc tịch Pháp. Việc có hai quốc tịch ngày nay dễ dàng, chi cần đóng một chút lệ phí, nhưng quốc tịch Việt Nam lại phiền phức khi đi du lịch khắp thế giới. Mỗi năm tôi còn đi du lịch hai hay ba nước nên chưa vội. Mỗi ngày tôi mưu sinh, tiếp xúc mọi người bằng tiếng Pháp. Tôi vẫn luôn luôn thấy mình là người Việt Nam và viết bằng tiếng Việt khi đêm về đối diện với lòng mình, và tôi vẫn viết thường xuyên từ thi ca đến nghiên cứu, suốt hơn  45 năm bằng tiếng Việt.
PVTÔng có suy nghĩ gì về tương lai giao lưu văn hóa Pháp - Việt?
TS. PTC: Việc giới thiệu văn hóa Việt Nam, ra nước  ngoài, thầy tôi - GS Lê Thành Khôi đã làm nhiều qua hai quyển Lịch sử Việt Nam, và Tổng tập Văn học Việt Nam và hơn 40 công trình biên khảo đồ sộ trong nhiều lãnh vực. Anh Phan Huy Đường có dịch nhiều tiểu thuyết các tác giả trẻ Việt Nam sang tiếng Pháp. Tôi có sở trường hơn bằng tiếng Việt. Tôi mơ ước mở con đường ngược lại là thu nhận những tinh anh văn hóa xứ người và diễn đạt lại bằng ngôn ngữ Việt Nam, giúp người Việt không thưởng thức được trực tiếp bằng tiếng nước ngoài hiểu được cái hay văn chương thế giới và để không ngừng nâng cao dân trí Việt Nam... Về triết học có anh Nguyễn Văn Khoa, bạn tôi đã dịch nhiều sách và được giải thưởng Phan Châu Trinh, về tiểu thuyết có nhiều người dịch. Tôi thích thú lãnh vực khó khăn là các sử thi, các  trường ca danh tiếng các nước. Tuy nhiên, con đường đó vẫn là con đường kẹt, vì vẫn khó khăn chưa tìm ra nhà xuất bản trong nước, xuất bản tác phẩm mình.
Gia tài văn hóa Việt Nam phần lớn là thơ ca bằng chữ Hán, ngày nay chúng ta  khó chịu khi đọc thi ca cha ông, như người ngoại quốc, người có khả năng dịch thơ chữ Hán ra thơ Việt ngày một hiếm. Tôi ước mơ chuyển ngữ gia tài thi ca cha ông, để mọi người cùng đọc cùng hiểu và cùng thưởng thức được cái hay của thi ca  tổ tiên ta ngày xưa.
Người Việt tại Pháp có những thuận lợi, góp phần vào công cuộc giao lưu văn hóa Việt Pháp. Điều kiện sinh sống, tài liệu nghiên cứu, tiếp cận các  phương pháp nghiên cứu hiện đại, người Việt ở nước ngoài có thể có những đóng góp thuận lợi. Thiền sư Nhất Hạnh có hơn một trăm quyển sách về Phật giáo được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp. Nhiều quyển là sách bán chạy nhất trong năm. Trịnh Xuân Thuận có nhiều tác phẩm về Thiên văn học bằng tiếng Pháp, Anh được xem là sách phổ biến rộng tại Đại học. GS Trịnh Văn Thảo có nhiều sách nghiên cứu về xã hội Việt Nam. Anh Cao Huy Thuần đã có nhiều sách xuất bản tại Việt Nam. Anh Đặng Tiến, chị Thụy Khuê có nhiều sách về phê bình văn học.
Tuy nhiên, tôi hơi bi quan về tình trạng in ấn sách báo trong nước. Việt Nam hiện nay chưa có một hệ thống thư viện miễn phí, tại các thành phố, khu phố, làng mạc. Tại Pháp có hệ thống hàng chục ngàn thư viện miễn phí, chỉ  hệ thống thư viện mua đã giải quyết lợi nhuận quyển sách. Một quyển sách xuất bản trong nước chỉ in ấn 500, một ngàn bản cho 93 triệu dân thì quá ít. Một phóng viên đi hằng tuần mới tìm ra một người cầm sách đọc, trung bình một người dân nước ta đọc mỗi năm không đến một quyển sách, thì dân trí nước ta không tiến mà thụt lùi. Với hệ thống Internet, người Việt Nam có tu bổ kiến thức qua các phương tiện thông tin mới, tuy nhiên  thấy giới trẻ bỏ quá nhiều thì giờ qua điện thoại, nhắn tin vớ vẫn. Tôi e ngại nếu không có một chính sách giáo dục, khuyến khích trẻ em đọc sách, tra tự điển, tự tìm hiểu sách vở từ nhỏ, người đọc, người viết bằng tiếng Việt ngày sẽ giảm dần đi.
PVTTôi nghe nói ông đã có công sưu tầm được quyển Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc.
TS. PTC: Có vậy thật. Năm 1970, tôi tìm ra được quyển Bản án Thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc bản in năm 1923. Năm 1977, tôi về nước mang theo làm quà tặng. Thuở ấy chưa có máy bay đi thẳng từ Paris đến Hà Nội, phải ghé lại Moscou, chờ đợi 5 giờ. Trên chuyến đi từ Moscou về Hà Nội, tôi tình cờ ngồi kế bên hai ông Vũ Kỳ và Cù Văn Chước, thư ký riêng cụ Hồ và Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đi tham quan Viện Bảo tàng Lênin, Liên Xô để về thành lập bảo tàng. Làm sao nói được niềm vui hai ông khi gặp được vật quý. Thế là vừa về đến Hà Nội, tôi đã được ông Vũ Kỳ mang xe đến đón, làm lễ trao tặng quà, ông cũng tặng lại tôi nhiều sách về cụ Hồ, và dành một buổi sáng dẫn tôi đi tham quan lăng Cụ Hồ, nhà sàn, phủ Chủ tịch và đùa bảo: “Anh là vị khách đầu tiên tham quan Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh mới thành lập”.
Năm 1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Pháp, Hội Khoa học Xã hội Việt Nam tại Pháp quyết định tặng một món quà bất ngờ. Mọi người đi tìm trong Văn khố Bộ Thuộc địa, được công bố sau 50 năm, các hồ sơ mật thám Pháp ghi chép bản án lưu đày Côn Đảo  về ông Phạm Văn Đồng. Tôi đóng lại thành tập sách dày. Thật vui sướng khó tả khi nhìn ánh mắt Thủ tướng rưng rưng khi cầm trong tay nhật ký đời mình viết bằng những tay mật thám và bản án lưu đày thời thuộc địa.
PVT:Những thế hệ công dân có nhiều dòng máu rồi đây theo ông sẽ thuộc về nền văn hóa nào. Phụ thuộc vào tính gen sinh học hay là môi trường và truyền thống gia đình, xã hội? Vì sao?
TS. PTC: Việt Nam cũng như các nước, mỗi ngày một hội nhập vào cộng đồng thế giới, tất nhiên những tư duy về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủng tộc màu da cũng sẽ giảm dần và có cái nhìn thoáng hơn. Tại các nước tiên tiến, người sinh nơi nào thì trở thành công dân nước ấy, bất kể cha mẹ có nguồn gốc nào. Các nước giàu mạnh dùng người không phân biệt chủng tộc... Người Việt Nam tại các nước do tài năng có thể đạt đến những địa vị cao trong xã hội xứ người, nhưng về Việt Nam vẫn còn đâu đó cái hàng rào vô hình: Ông này người Pháp gốc Việt? Ông này ở nước ngoài mấy chục năm thì còn biết gì về Vệt Nam mà nói? Tôi mơ ước một ngày nào đó, người Việt Nam không nhìn hậu duệ của vua Duy Tân qua màu da đen, hậu duệ vua Hàm Nghi qua màu da trắng. Thấy Việt Nam có những nàng dâu đầm, rể Tây họ hàng có những anh em bà con, hai dòng máu là một cơ hội để người Việt Nam tiếp cận với thế giới hiện đại, nhanh chóng tiến kịp với thế giới. Tìm thấy Việt Nam trong lịch sử thời kháng chiến, có những người lính Việt Minh da trắng chiến đấu cho tổ quốc Việt Nam, bất chấp bị bản án tử hình nước Pháp như trường hợp Giáo sư George Boudarelle, tác giả luận án và những công trình nghiên cứu về cụ Phan Bội Châu. Quốc tịch không do màu da chủng tộc mà do tấm lòng của mình. Tại Pháp tôi có dịp gặp gỡ những học giả giáo sư người Pháp hiểu biết sâu rộng về văn hóa Việt Nam, nói tiếng Việt sành sõi, cầm cả một bài văn chữ Nôm, chữ Hán bia ký của cha ông ta giải thích rành mạch. Tôi gặp một họa sĩ, nàng dâu Việt Nam, dù chồng mất đã lâu, thế mà cứ vẽ đề tài phong cảnh con người Việt Nam. Việc học tiếng Việt ngày nay dễ dàng, chỉ cần 6 tháng, một năm là có thể nói rành rõi. Tại các Đại học trên thế giới, có nhiều trường dạy tiếng Việt, sinh viên nước ngoài nói tiếng Việt, thuộc Kiều không kém người Việt Nam. Người Việt Nam tương lai sẽ nói hai ba thứ tiếng, ta sẽ không dựa vào tiếng nói đểphân biệt người Việt Nam. Chúng ta sẽ tặng quốc tịch Việt Nam và công dân danh dự cho hậu duệ vua Duy Tân, Hàm Nghi, cho những người ta biết ơn.
PVTVề những nhà thơ Việt tại Pháp hiện nay, ông có biết nhiều về họ không? Theo ông nghĩ thì thơ của họ thuộc về văn hóa Pháp hay thuộc về văn hóa Việt Nam vì sao?
TS. PTC: Tại Pháp cũng như ở nhiều nước khác, có nhiều nhà thơ Việt Nam. Tôi có tham gia Hội Các Nhà Thơ Tài Tử Việt Nam tại hải ngoại và theo dõi thơ trên các báo, các site. Thế hệ trước tôi có nhà thơ Nguyên Sa, Bạch Lãng, Thi Vũ...  Bạn bè, cùng thời tôi có những nhà thơ như: Nguyễn Hồi Thủ, Đào Hữu Dũng, Huỳnh Mạnh Tiên, Đan Tâm, Thu Trang, Tuấn Lan, Đỗ Bình, Bích Xuân, Thy An, Phạm Ngọc, Trần Mộng Tú, Trần Vấn Lệ... Tôi thích nhất thơ anh Đặng Tiến, bài Về một ánh trăng anh viết cho vợ anh - chị Nguyệt.  Làm thơ phải là thơ hay, cái gì hay nó tồn tại, cái dở nó chìm mất tăm, chưa có thơ hay thì không thể bàn định nó thuộc về dòng văn hóa nào.
PVT: Một nhận xét nhanh của anh về thi ca Việt hôm nay?
TS. PTC: Nhìn chung thi ca Việt Nam ngày nay vẫn chưa vượt qua nổi thời kỳ Thơ Mới. Thi ca Việt Nam ngày nay trong và ngoài nước, yếu kém về mặt tư tưởng, chất lượng  so với thi ca các nước do người làm thơ không đủ hành trang kiến thức để đi đường trường. Ra đời  thi sĩ Việt Nam cũng đủ tài chẳng thua kém ai, nhưng đường dài, chỉ đủ sức đánh ba búa là hết sức, hết vốn liếng kiến thức, đến tác phẩm thứ tư là chỉ lặp đi lặp lại nhạt mờ dần.
PVTThật là một nhận xét rất mạnh dạn và vì thế nên rất hiếm.
Thưa ông, duyên cớ nào ông thân thiết với hai nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu. Thơ ông có chịu tý nào ảnh hưởng hai ông này? Ông có bí mật gì, tư liệu di cảo hay kỷ niệm về hai nhà thơ này?
TS. PTC: Đối với tôi, Huy Cận và Xuân Diệu là những nhà thơ bậc thầy, khi làm thơ tôi đã thuộc lòng các bài thơ tình của hai ông. Khi đi du học tôi đã có tác phẩm. Tại hải ngoại thơ tôi đăng trên báo chí Việt Kiều, và in nhiều tập thơ, những thời điểm những lời thơ viết về đất nước làm xúc động lòng người. Tôi trở thành một nhà thơ, được các báo Pháp như Le Monde nói đến, đài phát thanh  Pháp phỏng vấn, được Việt Kiều  trân trọng, tôi tham gia  hòa bình Việt Nam như một nhà văn thành phần thứ ba, bên cạnh nhà  văn Thiếu Sơn, nhà báo Cao Minh Chiếm, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhà báo Võ Như Lanh... Với vị trí đó tôi có dịp tiếp xúc trao đổi với nhiều các nhân vật từ Nam ra Bắc, chính kiến khác biệt từ Vua Bảo Đại, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Gs Phạm Huy Thông, Gs Trần Đức Thảo, Gs Lê Văn Hảo, Gs Võ Nhân Trí, Gs Vũ Quốc Thúc. Tôi tham dự nhiều sự kiện và viết bài cho các báo. Đám tang cựu hoàng Bảo Đại tôi có tham dự và viết bài. Đám tang Gs Vũ Văn Mẫu tại Paris tôi viết điếu văn, đọc tiểu sử trước khi hạ huyệt. Tôi có một bộ sưu tập đầy đủ các tác phẩm, bài viết Gs Trần Đức Thảo..
Tôi gặp gỡ nhà thơ Huy Cận, từ những năm 1980 khi ông thường qua Pháp dự Hội Đồng Pháp Ngữ. Ông được Tổng Thống François  Mittérand cử vào Thường trực Hội đồng, đại diện vùng Đông Nam Á. Tôi và anh Đặng Tiến được ông xem là bạn thân thiết. Năm 1981, nhà thơ Xuân Diệu sang Paris, ông nhờ tôi đưa đi chơi trong vòng một tháng. Xuân Diệu rất thú vị khi có người thuộc lòng thơ ông, mỗi bài thơ ông lấy cảm hứng từ  bài thơ nào của các nhà thơ Pháp tôi đều biết, tôi trở thành bạn tri kỷ tri âm và Xuân Diệu đã ký thác toàn bộ di cảo tâm sự của ông cho tôi. Nhất là những bài thơ nói về cuộc tình tan vỡ của ông và bà Bạch Diệp, ông không thể thổ lộ lúc còn sống. Ông Huy Cận có lẽ đã chán những nghi thức trịnh trọng dành cho một vị Bộ trưởng, chán những lời  ca tụng ông, ông thích điện thoại tôi gặp ông để đi chơi lang thang  Paris như một thi sĩ. Tuy nhỏ tuổi hơn ông rất nhiều, tôi thẳng thắng và thành thật với ông,  ông tìm thấy nơi tôi những gìông có thể tâm sự chuyện đất nước, chuyện gia đình. Nhiều lần ông đến dùng cơm và ở lại nhà; nhiều vấn đề ông thường hỏi ý kiến tôi nghĩ như thế nào. Có những tác phẩm ông chỉ còn một bản cuối cùng, ông giao cho tôi và ghi viết chì: nhờ anh Chánh giữ hộ.
Năm 1981, có mặt hai ông tại nhà tôi, tôi hỏi đùa hai ông ước mơ điều gì để lại cho đời. Ông Xuân Diệu đáp: Tôi có ba điều ước:
- Thơ tình tôi sẽ được soạn thảo để trở thành Tự Điển Tình Yêu để các thế hệ mai sau khi mở ra sẽ đọc được những trang thơ nói về tâm tình mình.
- Ngôi nhà 24 đường Điện Biên sẽ trở thành  nhà kỷ niệm Xuân Diệu - Huy Cận.
- Khi mất được yên nghỉ trên một ngọn đồi không xa Hà Nội, trở thành một công viên, nơi đó những người yêu nhau có thể đến đó dạo chơi, đọc thơ tình.
Ông Huy Cận cũng ước mơ điều đó. Ông Xuân Diệu trao tôi toàn bộ di cảo thơ văn ông và bảo tôi in sao chép lại gìn giữ cho ông; Nhất là ba, bốn trăm bài thơ viết về cuộc tình ông và bà Bạch Diệp, nói về tình yêu tan vỡ, ông không thể thổ lộ được. Các văn bản đã in, ông cũng cẩn thận ngồi sửa lại từng lỗi chính tả, bôi xóa viết lại những câu sai ý thơ ông.
PVTVà về học giả Hoàng Xuân Hãn có điều gì chưa từng được công bố? Ông có thể công bố cho bạn đọc Tạp chí Văn hóa Nghệ An? Sở dĩ chúng tôi đề xuất vì đây là 3 người xứ Nghệ.
TS. PTC: Mỗi mùa hè, tôi thường về nghỉ tại dã thự Cam Tuyền ở Trouville, bờ biển  cách Paris 200 km, nhà nghỉ hè GS Hoàng Xuân Hãn, nhà rộng như một lâu đài nhỏ. Tôi có biết ông có cho Hội Người Việt Nam tại Pháp 4 căn hộ. Bác Hãn viết cả ngày, buổi trưa ăn xong bác đi bách bộ, tôi chờ bác ra đi theo trò chuyện cùng. Khi đưa các bài thơ chữ Hán tôi dịch nhờ bác xem, bác tâm đắc khen. Có lần nhà tôi gọi vào rửa chén, bác Hãn gái đã xua tay: “Anh Chánh là chou chou (cục cưng) của bác Hãn  đấy để anh bàn chuyện văn học với Bác”. Thế là tôi được miễn.
Về Gs Hoàng Xuân Hãn có điều chưa được công bố và chưa ai biết. Giữa tiếng súng chiến tranh Pháp - Việt 1946, học giả Dương Quảng Hàm lao mình vào cứu kho sách và chết cháy theo kho sách di sản cha ông. Gs Hoàng Xuân Hãn vẫn tiếp tục ở lại Hà Nội, góp nhặt, thu mua từng gánh sách di sản văn học, con cái các đại gia gánh đi bán làm giấy bổi, cho đến ngày buộc phải  rời Việt Nam sang Pháp. Có lần tôi thắc mắc hỏi bác: “Tại sao bác không được thu xếp để đưa vào vùng kháng chiến”. Bác Hãn cười trả lời: “Vì nhà thuốc Tây bác gái là nơi cung cấp thuốc men cần thiết cho kháng chiến. Vì  Chính phủ cụ Hồ muốn bác làm Thủ tướng cho Quốc trưởng Bảo Đại, để tiện việc thu xếp khi thống nhất”. Tôi có hỏi câu này với Bác sĩ  Hồ Tá Khanh, Bộ trưởng Kinh tế Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, người bạn thân của bác, người cùng quê với tôi, thân phụ ông, cụ Hồ Tá Bang, Chủ tịch Công ty Liên Thành Phan Thiết, nhân vật hàng đầu trong phong trào Chấn hưng Công Thương nghiệp là người tổ chức cho cụ Phan Chu Trinh, thầy Nguyễn Tất Thành đi Pháp. Bác sĩ Khanh trả lời: Ông Hoàng Văn Chí, nguyên Giám đốc Ngân khố có thuật với ông rằng: “Có lần ông ngồi trong Nhà hát Tây Hà Nội, bên cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Đồng chỉ ông Phan Anh và Hoàng Xuân Hãn nói với ông: Phan Anh có thể dùng được, nhưng Hoàng Xuân Hãn thì không được. Hoàng Xuân Hãn điều khiển chánh phủ, chứ chánh phủ không thể điều khiển được Hoàng Xuân Hãn”.
Tôi hỏi bác sĩ Hồ Tá Khanh, tại sao ông Hoàng Văn Chí nói thế. Bác sĩ Khanh trả lời: “Nơi nào có mặt Hoàng Xuân Hãn thì mọi người đều ngả theo ý kiến của ông, làm sao mà điều khiển ai được! Việt Minh không thuyết phục được nhóm các ông Bộ trưởng Chính phủ Trần Trọng Kim đã từ chức (Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trần Đình Nam...) và cả cụ Huỳnh Thúc Kháng về  thuyết Đại Đồng, chủ nghĩa Quốc tế Cộng sản. Nhóm này trung thành với đường lối đấu tranh bất bạo động của cụ Phan Châu Trinh. Đường lối này cho rằng: có bạo động mà nhờ Nhật hay Nga, Tàu, Mỹ đánh đổ Pháp cũng chỉ là việc thay người cưỡi ngựa. Khi mình ngu dốt, hèn yếu, không ai là bạn mình cả, có làm bạn rồi cũng sẽ lừa bịp để cưỡi lên đầu mình. Điều ưu tiên là phải Nâng cao dân trí, Chấn hưng công thương nghiệp, rồi tiến đến vận động Cải cách dân chủ. Khi dân trí mình lên cao, nông công nghiệp mình phát triễn, mình sẽ cởi bỏ ách thực dân dễ dàng. Bạo động trong điều kiện dân trí thấp kém, nước nghèo đói, chỉ đi từ bạo động này đến bạo động khác hao tổn xương máu dân tộc.”
Không làm chính trị để thay đổi vận mệnh dân tộc, GS Hoàng Xuân Hãn vẫn không buồn. Ông lấy việc nghiên cứu di sản văn hóa cha ông làm nguồn vui. Ông mang hết sách vở thu nhặt được sang Pháp, ông đi khắp các thư viện Paris  tìm kiếm các di sản văn hóa Việt Nam mà người Pháp đã thu nhập, lưu giữ. Tìm được tài liệu nào ông lại gửi về Việt Nam. Có lần tôi hỏi giáo sư: tại sao bác là một nhà  bách khoa (politechnien), một nhà khoa học, một nhà toán học, một kỹ sư hầm mỏ, sao bác lại qua lãnh vực văn học. Gs Hoàng Xuân Hãn trả lời: “Việc khoa học bác đã đặt nền tảng Danh từ khoa học, và một chương trình giáo dục bằng tiếng Việt được áp dụng trên hai miền đất nước. Việc khoa học sẽ có nhiều anh em trẻ làm giỏi hơn bác. Nhưng việc di sản văn hóa tổ tiên, nếu mình không làm gấp nhiều di sản sẽ mất đi, không còn tìm lại được.”
PVT: Ở Pháp, họ quan niệm về trí thức như thế nào? Xã hội Pháp đòi hỏi và chờ đợi gì ở tầng lớp trí thức?
TS. PTC: Nước giàu có thịnh vượng, hơn nước nghèo đói chậm tiến ở chỗ biết tổ chức xã hội. Nước Pháp có nhiều trí thức giỏi như bà Hélène Carrière d’Encausse, từ năm 1975 đã viết sách, phân tích tiên đoán sự sụp đổ và vỡ thành nhiều mảnh của Liên Xô, trước sự kiện 15 năm. Lúc đó khó ai tin điều này sẽ xảy ra. Trí thức nước Pháp cách đây vài chục năm thường cãi nhau về các vấn đề chủ nghĩa Tư bản, Xã hội, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ... Trí thức ngày nay thực tiễn hơn, họ chú trọng công ăn việc làm. 
PVTÔng có tìm hiểu về các trí thức Việt Nam tại Pháp từ trước đến nay. Theo ông mỗi thế hệ họ có điều gì nổi bật. Nếu chúng tôi đề nghị ông chọn một danh sách 10 người tiêu biểu của đội ngũ này, tất nhiên theo quan niệm và tiêu chí của ông, ông sẽ chọn những ai?
TS. PTC: Người Việt Nam du học ở Pháp từ hơn một thế kỷ qua, mỗi thế hệ đều có những người tài, họ đạt được những địa vị cao trong xã hội Pháp. Mỗi người âm thầm làm việc trong lãnh vực của mình, chẳng ai tự quảng cáo về mình. Mỗi thế hệ có những ưu tư riêng của mình. Thời trước trí thức còn thao thức với vấn đề chủ nghĩa này, chủ nghĩa khác, về đấu tranh giành độc lập... Ngày nay thế hệ trẻ suy nghĩ và sống thực tế hơn trong công ăn việc làm, chẳng lo lắng xa xôi các lý thuyết chủ nghĩa. Khó mà chọn 10 người ưu tú vì mỗi người một ngành nghề khác nhau.
Những người tài chung quanh mà có khi tôi không biết hết như trường hợp anh Nguyễn Thành Long. Gặp nhau thường nơi quán Monge, trong  những hoạt động  các Hội Việt kiều, chỉ biết anh là kỹ sư Cầu Đường, khi anh mất rồi mới hay anh là ”ông vua Lốp đường”, đã thay đổi diện mạo của đường xá. Trước đây đường xá được trải bằng đá sỏi, xe chạy bắn tung có thể vỡ kính. Dọc các xa lộ hàng núi lốp võ xe tích trữ không biết dùng làm gì, đốt đi thì khói đen làm ô nhiễm không khí. Công trình anh nghiên cứu xay nhuyễn lốp xe phế thải, trộn với nhựa, làm cho xe chạy êm, vỏ xe ít mòn, nước mưa hút nhanh chóng. Thế là áp dụng nghiên cứu của anh làm biến mất hàng núi vỏ xe xấu xí trên xa lộ, tạo hàng trăm ngàn công ăn việc làm, thế mà anh chẳng bao giờ mở miệng khoe tài mình, khoe bao huy chương anh được tặng thưởng. Bao nhiêu người tôi gặp tại Paris, kính phục như bậc thầy, bậc đàn anh là những nhân vật xuất sắc từ những GS Đại học Trần Văn Khê, Nguyễn Trần Huân, Nguyễn Phú Phong, Cao Huy Thuần, Tạ Trọng Hiệp, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Mộng Nguyên, Nguyễn Thế Anh, Vũ Quốc Thúc... những nghệ sĩ lớn: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm,  Mai Trung Thứ, Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Nguyễn Thiên Đạo. Các vị Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích Thiện Châu, Thích Huyền Vi... Các ngành Y khoa, Khoa học tôi ít quen biết hơn, nhiều vị cũng đạt những địa vị sáng chói trong Hàn lâm Viện Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia, các Đại học: Bác sĩ Hoàng Xuân Thanh,  Bùi Trọng Liễu, Nguyễn Đạt Xường, Nguyễn Quang Riệu, Phạm Xuân Yêm, Bùi Ngọc Đường... Cùng thế hệ tôi có những người như: Trịnh Xuân Thuận, Lê Dũng Tráng, Tạ Thu Thủy, Lê Thị Hương Du, Nguyên Lê... Có lẽ phải viết cả một tự điển để kể tiểu sử thành tích người Việt Nam tại Pháp trong thế kỷ qua.
PVTCá nhân ông nghĩ như thế thế nào về vai trò của trí thức trong lịch sử, và hôm nay?
TS. PTC: Tại Á Đông từ xưa đến nay trí thức có vai trò cố vấn: ví như ông Lưu Bị trong Tam Quốc Chí, khi gặp chuyện khó chỉ đứng khóc. Lưu Bị nếu không cầu được Khổng Minh, thì chẳng làm nên trò trống gì, nhưng Khổng Minh phò ông vua trẻ con Lưu Thiện thì mọi kế hoạch đều hỏng cả. Nguyễn Huệ nếu không có  Trung thư Trần Văn Kỷ bên màn, cố vấn cho việc dùng  Nguyễn Thiếp, Nguyễn Nễ, Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm... thì không trở thành vua Quang Trung lưu danh muôn thuở... Khi Trần Văn Kỷ bị đày làm lính thú, người tài bỏ đi thì triều đại Tây Sơn sụp đổ như lâu đài cát.
Ngày nay, với nhà nước ta, tôi nghĩ, cần xem Người Việt Nam tại nước ngoài là một cầu tàu mở ra cho sự giao lưu vì sự tiến bộ của đất nước.
Thời Minh Trị Thiên Hoàng, để mở đầu duy tân cho nước Nhật, nhà vua phải hy sinh 80% gia tài Hoàng gia cũng chỉ gửi được 2003 sinh viên và mướn 142 kỹ sư ngoại quốc về dạy học. Ngày nay Việt Nam có sẵn trong tay hằng triệu nhân tài để duy tân đất nước. Việt Nam cần hướng đến cải cách toàn diện để thu hút nhân tài, tập hợp lực lượng toàn dân tộc cho sự nghiệp bảo vệ và chấn hưng đất nước.
PVTCảm ơn ông về cuộc trao đổi này!