Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Việt Nam không còn là tên gọi một cuộc chiến


 )
(GDVN) - Điều đó nói lên rằng, nước Mỹ đã và đang chuyển sang một thế hệ lãnh đạo mới, với họ chiến tranh Việt Nam chỉ còn là dư âm của lịch sử.
LTS: Ông Trần Đức Cảnh - một người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts (Hoa Kỳ).
Ông từng giúp kết nối nhiều chương trình giáo dục Mỹ với Việt Nam hơn hai thập niên qua và rất quan tâm đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nhân chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Brack Obama, ông Trần Đức Cảnh đã dành cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cuộc trao đổi xung quanh chuyến thăm này.

PV: Ông nhận xét thế nào về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama lần này, so với các lần trước của tổng thống George W. Bush và Bill Clinton?
Ông Trần Đức Cảnh: Sau 12 mùa tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, lần đầu chiến tranh Việt Nam không hề được nhắc đến, không còn được các ứng cử viên lấy làm chủ đề bàn luận, tranh cử.
Điều đó nói lên rằng, nước Mỹ đã chuyển sang một thế hệ lãnh đạo mới, với họ chiến tranh Việt Nam chỉ còn là dư âm của lịch sử.  
Những người từng tham gia trong chiến tranh như Ngoại trưởng John Kerry cũng sẽ nghỉ hưu sau nhiệm kỳ này, và Thương Nghị Sĩ John McCain có thể thêm một nhiệm kỳ nếu tái đắc cử năm nay. 
Dù đang ở năm cuối của nhiệm kỳ cho phép, Tổng thống Obama thuộc lớp lãnh đạo mới này.
Thông điệp của ông trong chuyến thăm Việt Nam chắc chắn sẽ là giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong chiến tranh và hướng về tương lai giữa hai nước Việt-Mỹ.
Sau hơn 43 năm kể từ khi quân đội Mỹ rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thời gian như thế là quá chậm.
Tôi không nhớ trong lịch sử nước Mỹ, có sự dằng dai với nước nào lâu như thế sau chiến tranh.
Tôi tin là Tổng thống Obama sẽ tiếp tục đóng vai trò rất tích cực trong chuyến thăm này.
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel đã tuyên bố với báo chí trong nước tuần trước về 5 trọng tâm của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, tôi cho là khá đầy đủ và phù hợp.
Hoa Kỳ quan tâm đối với "một nước Việt Nam mạnh mẽ, an toàn, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng quyền con người và pháp quyền"; quan hệ hai nước là một phần quan trọng của chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương; Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam triển khai TPP hiệu quả cũng như những hợp tác quốc phòng giữa hai nước. 
Tôi cho đây là cốt lõi trong quan hệ Việt-Mỹ, bền vững và lâu dài, và việc tái cân bằng và phát triển khu vực Á Châu. 
Giải thưởng Công ty Mỹ xuất sắc (US State Department Corporate Excellence Award) của 2001 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao cho Công ty Selco-Vietnam.
Trong địa chính trị, một nước Nhật hùng mạnh, không những là đồng minh kinh tế mà còn giúp Hoa Kỳ phía Đông Á.
Nếu có được một Việt Nam như thế phía Đông Nam Á là điều mơ ước, Hoa Kỳ khó tìm một quốc gia nào ở khu vực có vị trí chiến lược thuận lợi và tiềm lực như Việt Nam.  
Để xây dựng một Việt Nam như thế cần có thời gian và quy trình phát triển chuẩn mực về cả phần cứng lẫn mềm.     
Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương là một trong những tác nhân chính giúp phát triển kinh tế Việt Nam với Hoa Kỳ và 10 nước trong nhóm. 
Ông nhận định thế nào về triển vọng phát triển kinh tế-thương mại giữa hai nước sau khi TPP chính thức đi vào hoạt động?
Ông Trần Đức Cảnh: Mậu dịch giữa Việt-Mỹ năm 2015 là trên 40 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ nhập từ Việt Nam khoảng 38 tỷ USD trong khi xuất cho Việt Nam 7 tỷ USD.
Ý kiến cho rằng nếu TPP đi vào hiện thực thì con số này dự kiến sẽ gấp đôi trong 5 năm.  

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức lên tiếng về chuyến thăm Việt Nam của ông Obama

Các đối tác truyền thống của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... họ không chỉ tiếp cận được thị trường rộng lớn của Hoa Kỳ, mà còn chuyển giao kỹ thuật, kiến thức quản lý và nguồn vốn.
Đây là các yếu tố tối cần thiết để giúp một nước như Việt Nam phát triển nhanh, có chất lượng và bền vững. 
Ngược lại, các công ty, đối tác Hoa Kỳ phải có điều kiện kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam.
Khi nói về phát triển thương mại thì luôn phải hai chiều, win-win (hai bên cùng thắng), nếu không thì lâu dài chỉ chuốc lấy thất bại.
Ở thời điểm này, Hiệp định Thương Mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn gặp rắc rối là chưa biết lúc nào Quốc Hội Hoa Kỳ đưa ra quyết định, và nếu TPP không được phê chuẩn năm nay thì sang nhiệm kỳ Tổng thống mới, chưa biết sẽ ra sao. 
Hy vọng vào nỗ lực của Nhà trắng và thiện chí của Thượng viện Mỹ sẽ biến TPP trở thành hiện thực trong năm nay. 
Bước tiến giáo dục Việt – Mỹ
Ông có cho rằng xây dựng Đại học Fulbright (FUV) tại Việt Nam được cho là bước tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ?
Ông Trần Đức Cảnh: Thực chất, đây là một đại học Việt Nam, theo mô hình phi lợi nhuận như đa số đại học tư khác ở Mỹ.
Khi nó hình thành, người Việt có quyền tự hào.
Bình thường nếu một đại học nước ngoài khác, xin phép thành lập tại Việt Nam thì chắc sẽ không gây chú ý nhiều, nhưng vì có chính phủ Hoa Kỳ hổ trợ phần tài chính ban đầu, những người như Ngoại trưởng John Kerry giúp vận động thúc đẩy dự án đại học này, và cho phép trường lấy tên Fulbright, một chương trình trao đổi giáo dục của Mỹ toàn cầu, thành tên một đại học tại Việt Nam, cũng là điều rất ưu ái và đặc biệt.
Liên hệ của nhóm sáng lập FUV ở Mỹ đã có một quá trình làm việc và kết nối chương trình học bổng Fulbright với Việt Nam từ những năm 1990 của thế kỷ trước, sau đó là xây dựng chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh năm 1995 và các chương trình giáo dục và đào tạo Việt-Mỹ khác.  
Hình thành FUV là một khích lệ lớn cho Nhóm thực hiện FUV cả phía Mỹ lẫn Việt Nam, nỗ lực rất lớn trong nhiều năm qua.  
Giấy phép cho Đại học Fulbright do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký hôm thứ Hai rồi (16/5/2016), tuy thời gian rất sát với lịch của Tổng thống Obama sang Việt Nam, nhưng đây là bước tiến của giáo dục Việt-Mỹ. 
Tổng thống Obama muốn xây dựng mối liên hệ giữa người Mỹ và Việt Nam, làm thế nào để cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có cơ hội đóng góp thiết thực cho sự phát triển quan hệ này ?          
Ông Trần Đức Cảnh: Cộng đồng người Việt và người Mỹ gốc Việt nói chung đã trưởng thành sau hơn 40 năm ở Mỹ, ước tính khoảng 2 triệu người, chiếm khoảng 45% số người Việt hay gốc Việt sống khắp thế giới. 
Người gốc Việt đã đóng góp rất nhiều cho nước Mỹ trên mọi lĩnh vực.  
Dù đến Mỹ chậm hơn, nhưng đại đa số du học sinh Việt Nam, trong số 20,000, đã thành đạt và có những thành tích đáng kể.  
Trong quan hệ Việt-Mỹ lâu dài, tiếng nói của người Mỹ gốc Việt không thể thiếu. 
Cộng đồng người gốc Do Thái ở Mỹ là tiền đồn bảo vệ nước Israel trước nguy cơ bị duyệt vong ở vùng Trung Đông, qua sự vận động chính trị Mỹ, hỗ trợ kinh tế, xã hội và giáo dục.
Một nước Israel mạnh và bảo vệ cho họ được như ngày nay, công sức của Cộng đồng người Do Thái ở Mỹ không hề nhỏ.  
Về khía cạnh này, Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi, nhưng để kết nối được thì thiện chí và nỗ lực phải đến từ hai chiều, và bằng những hành động rất cụ thể và thiết thực.
Tổng thống Obama chắc chắn sẽ đề cập sự liên hệ và tạo niềm tin giửa nhân dân hai nước.
Một khi có sự tin tưởng, người Việt ở Hoa Kỳ có thể là những Hướng dẫn hay Cổ động viên tốt nhất cho việc nối kết này.

Theo ông, Tổng thống Obama sẽ có thông điệp gì dành cho giới trẻ Việt Nam?
Ông Trần Đức Cảnh: Trong chương trình của Tổng thống Obama, dự kiến có buổi nói chuyện với nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI). 
Ông Trần Đức Cảnh cùng với Đại sứ Raymond Burghardt tổ chức buổi lể trao giải, kết nối trực tiếp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Năm 2009, Tổng thống Obama có bài nói chuyện với sinh viên rất ấn tượng ở đại học Cairo, Ai Cập.
Tôi hy vọng, bài nói chuyện của ông với giới trẻ lần này sẽ ấn tượng không kém, thông điệp hòa bình, thịnh vượng, phát triển và sáng tạo mà chính giới trẻ là trung tâm, những người đón nhận và thực hiện thông điệp này chứ không ai khác.   
Vấn đề biển đông thu hút sự  quan tâm
Vấn đề biển Đông sẽ được đề cập như thế nào theo ông?
Ông Trần Đức Cảnh: Tuyên bố của Hoa Kỳ về vai trò và quan tâm về vấn để biển Đông thì chúng ta đã rõ. Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng tự do hàng hải trên biển Đông là cốt lõi. 

Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama dưới các góc nhìn khác nhau

(GDVN) - Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama (từ 23-25/5) đang là tâm điểm được cả thế giới chú ý.
Hoa Kỳ cũng thừa hiểu là nếu họ không rõ ràng trong chính sách đối với biển Đông, thì các nước trong khối sẽ chùn chân.
Như vậy, chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ ở Châu Á sẽ thất bại.
Hoa Kỳ cũng nhận thức rằng phần còn lại của thế kỷ 21 thuộc về Châu Á, một khu vực phát triển năng động trên nhiều lảnh vực, sẽ giúp nước Mỹ tiếp tục phát triển.
Một sự tương quan lợi ích vô cùng cần thiết, nhưng Hoa Kỳ cũng sẽ cân đối với các quyền lợi khác. 
Tuy nhiên, nguy cơ xung đột trên biển Đông là có thật và Hoa Kỳ cũng phải chuẩn bị.
Hoa Kỳ từng tuyên bố sẽ tiếp tục là cường quốc của Châu Á, vì đây cũng là quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới.  

Các vấn đề còn tồn đọng trong chiến tranh luôn được quan tâm, ông thấy nội dung này như thế nào?
Ông Trần Đức Cảnh: Các vấn đề còn tồn đọng trong chiến tranh như rà phá bom mìn, tìm kiếm và hồi hương người Mỹ mất tích trong chiến tranh, xử lý ô nhiễm dioxin như ở sân bay Đà Nẵng ... sẽ tiếp tục được quan tâm. 
Tôi cũng đã có đề xuất với chính quyền Mỹ là có chương trình giúp tìm kiếm binh sĩ Việt Nam mất tích trong chiến tranh (cả hai miền nam bắc), nhận diện rồi đưa về cho thân nhân của họ.
Sau hơn 40 năm, việc tìm kiếm này không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, người Mỹ có thể giúp về cung cấp thông tin, địa hình và nguồn lực cho công tác này. 
Theo tôi, sau chiến tranh thì sự hòa giải nào cũng phải bắt đầu từ những người chết ... nếu người chết không được tôn trọng thì ngôn từ nào với người sống cũng chỉ là vô nghĩa.
Việt Nam đã giúp tìm kiếm binh sĩ Hoa Kỳ mất tích gần 30 năm qua, đến lúc Hoa Kỳ phải thể hiện thiện chí và trách nhiệm trong việc này. 
Ông nghĩ gì về Việt Nam yêu cầu Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương?
Ông Trần Đức Cảnh: Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam chỉ mang tính biểu tượng, hơn là có giá trị thương mại.
Thực tế, Việt Nam cũng không nhất thiết phải mua vũ khí của Mỹ để phòng thủ, các nước khác có thể bán với giá thấp hơn và không phải sợ lệ thuộc lâu dài.  
Tôi nghĩ Tổng thống Obama sẽ công bố dỡ bỏ cấm vận này trong chuyến thăm, hoặc trong thời gian còn lại mà ông tại vị.    
Trân trọng cảm ơn ông.
Xuân Trung (thực hiện)