Một buổi sáng tháng 5, anh bắt đầu một chuyến đi vào rừng như cả trăm chuyến đi rừng khác để săn ảnh động vật quý hiếm.
Hóa ra, đấy lại là chuyến đi rừng dài nhất xưa nay đối với nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã Tăng A Pẩu: cho tới ngày bài báo này lên khuôn, anh vẫn đang ở trong Vườn quốc gia Cát Tiên.
5 tháng cách ly bất đắc dĩ vì đại dịch COVID ấy lại mang đến những món quà bất ngờ và đặc biệt... Anh kể chuyện cho TTCT.
Hồi tháng 4 năm nay, mấy anh ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đã gọi điện rủ tôi lên chơi, nói hoa muồng đào đang nở đẹp lắm. VQG Cát Tiên với tôi không xa lạ gì, từ năm 2008 đến nay tôi tới đó không biết bao nhiêu chuyến.
Thường mỗi chuyến đi lên đây của tôi chỉ kéo dài 3 - 4 ngày. Sáng 28-5, tôi xách xe đi, dự tính đến 30-5 rồi về, vì vậy trên người chỉ có đúng một bộ quần áo cùng máy móc.
Ngày 30-5 tôi nghe tin TP.HCM bắt đầu giãn cách, lúc ấy nếu quyết về thì cũng được nhưng trong đầu lại lóe lên ý nghĩ: mình về nhà lúc này thì cũng làm được gì đâu, thôi ở lại đây luôn, chắc hai tuần giãn cách chứ mấy... Tôi gọi về nhà bảo gửi quần áo lên, dặn mua gửi luôn một cái máy làm bánh mì để đổi bữa với anh em kiểm lâm. Không ngờ dự tính hai tuần kéo dài đến gần 5 tháng...
Nhiều người quen bảo ở 5 tháng trên ấy chắc “tự kỷ” rồi, bắt đầu nói chuyện với cây cỏ rồi... Nhưng đó là 5 tháng của một chuyến đi lịch sử trong đời tôi, giúp tôi làm được nhiều việc mà bình thường không thể làm được.
Ví dụ, cách đây đúng 10 năm, trong một chuyến đi săn ảnh ở VQG Cát Tiên, tôi đã thấy được con cú đại bàng, còn gọi là dù dì Nepal (Spot-belliedeagle-owl). Loài này to bằng con gà trống cỡ lớn.
Nhưng cái “thấy” của 10 năm trước là cái “thấy” thoáng qua, tôi không kịp chụp ảnh nó. Lần này, tôi nghĩ mình có thời gian và lên kế hoạch săn ảnh nó. Cú là một loài mà khi đã chọn nơi nào để cư trú, nó sẽ ở miết đó, tới tận đời con đời cháu. Nó chỉ đi khi cái cây làm tổ ấy bị ngã hay bị sét đánh...
Tôi quay về khu vực mình từng thoáng thấy nó 10 năm trước. Lần mò khu vực này từ chạng vạng đến nửa đêm, cuối cùng số phận cũng mỉm cười cho tôi gặp được nó. Không chỉ 1, mà đến 3 con!
Nhưng đâu phải cứ gặp là có ảnh. Khi thì nó bị khuất cành cây nhiều quá, không chụp được. Khi thì nó nhát quá, cũng bó tay. Đi chụp ảnh động vật hoang dã vừa phải am hiểu vừa phải có sự may mắn nữa.
Những lúc mình dễ chụp nhất là khi nó đang săn mồi, quên béng mọi chuyện. May mắn là cuối cùng, kết quả của hơn một tháng đeo bám nó, tôi cũng chụp được tấm ảnh tạm gọi là ưng ý.
Nhưng thành công lớn nhất trong cuộc cách ly đi săn ảnh suốt 5 tháng này là con voọc bạc. Xưa nay voọc bạc thường chỉ nghe nói đến ở Hà Tiên, nhưng đó là con voọc bạc Đông Dương, có mái tóc dựng đứng như vuốt keo, tên khoa học là Trachypithecus germaini.
Còn ở vườn Cát Tiên là voọc bạc Trường Sơn, còn gọi là voọc bạc Việt Nam (các nhà khoa học gọi là Annamese silvered Langur), có mái tóc xẹp, tên khoa học là Trachypithecus margarita. Voọc bạc Việt Nam hiếm lắm, tôi chưa bao giờ có ảnh.
Hôm nghe các anh ở VQG Cát Tiên bảo họ đã phát hiện con voọc bạc Trường Sơn này, tôi quyết săn ảnh bằng được. Hỏi nó ở đâu, họ dẫn đi, chỉ “khu đó”! Trời, khu đó là một vạt rừng mấy kilômet vuông. Sau ba tháng kiên trì đi tìm hết khu, tôi thấy được nó 6 lần, trong đó có 4 lần bấm máy, và thành công được... 1 lần!
Cứ thế, sáng thì lần mò đi tìm voọc bạc Việt Nam, tối thì tôi đi tìm cú, nhím... Quay đi quay lại thấy hết 5 tháng, làm sao mà trầm cảm được. Đi săn ảnh con nhím không thôi cũng đủ bận rộn.
Nghe qua thì thấy con nhím cũng thường nhưng đừng nói tới tôi, cả mấy anh kiểm lâm cũng bảo hiếm ai thấy được con nhím vào ban ngày. Vậy mà đi miết thì tôi cũng thấy được nó một lần, song không kịp chụp. Nhưng tôi đã biết khu vực nó sống, biết loại trái cây rừng nó thích... nên đêm đêm ra rình chụp.
Hôm chụp nhím thành công nhất là dưới gốc cây bứa đang mùa chín. Trên cây, một chú cầy vòi hương đang ăn. Nó ăn hỗn, nhơi nhơi vài miếng là vứt xuống. Dưới gốc cây, mẹ con nhím chờ bữa ăn dở của cầy vòi hương thả xuống. Ngờ đâu, heo rừng cũng thích quả bứa chín.
Sau tôi khoảng 7m, một heo rừng mẹ đang mong tôi biến đi để ra ăn ké quả bứa với mẹ con nhím. Chờ mãi, hơn hai tiếng nó bắt đầu mất kiên nhẫn, hực lên mấy tiếng báo hiệu như sắp tấn công tôi. Vừa ớn heo rừng mẹ, cũng đã chụp ảnh nhím thỏa thuê, nghĩ cũng đến lúc để heo rừng mẹ kiếm miếng khoái khẩu, tôi rút lui. Khi ấy xem đồng hồ đã 11h đêm.
Nhưng 5 tháng đó, tôi không chỉ đi săn ảnh. Nhớ không lầm thì trong thời gian này có 4, 5 cuộc họp trực tuyến của VQG Cát Tiên về bảo vệ động vật hoang dã, tham vấn phát triển du lịch sinh thái... Các anh ở đây mời tôi dự họp luôn. Và hình như tôi cũng đóng góp được chút đỉnh ý tưởng có ích.
Chuyện đó thật ra cũng đơn giản thôi. Các anh rành về rừng, về quản lý, còn mình thì có cặp mắt của một nhà nhiếp ảnh, cũng đi nhiều nên có đôi chút kinh nghiệm để tham gia vài việc.
Có một chuyện vui vui, ở đây có một khu nhà nghỉ dành cho du khách đam mê du lịch sinh thái, ngay cạnh chỗ ở của anh em kiểm lâm.
Lên tour lên tuyến thì phải có cái tên cho khu nhà nghỉ, thế là vườn mời gọi mọi người đặt tên. Người thì đề nghị gọi là “Nhà nghỉ kiểm lâm”, người thì đề xuất “Hotel kiểm lâm”...
Tôi được hỏi ý kiến và tôi đề nghị gọi là “Lữ quán Kơ nia” vì cạnh đó có một cây kơ nia. Các tên gọi được đưa lên group của VQG cho mọi người bình chọn, vui làm sao, “Lữ quán Kơ nia” được chọn...
Hay khi bàn mở một tuyến mới phục vụ du khách, trên tuyến đó có một cụm 6 cây đa rất đẹp chụm vào nhau. Các anh ở VQG lại gọi tôi, nói tìm giúp cái tên gì hay hay một chút để hấp dẫn du khách.
Tôi gọi là cụm cây đa Lộc giao, giải thích rằng cái tên ấy có từ “lộc” là du khách thích ngay, dân Việt ai chả thích “lộc”, còn giao là giao thoa, giao hòa giữa trời và đất. Tán thế nhưng cũng làm xuôi tai mọi người, và cái tên ấy được chọn!
Chắc cũng do đôi mắt của một nhiếp ảnh gia, tôi thấy một chút khiếm khuyết trong việc khai thác du lịch sinh thái ở VQG Cát Tiên do địa hình ở đây khá bằng phẳng, khó tạo được những điểm nhấn hấp dẫn du khách.
Trong một lần men theo con đường đến khu cứu hộ gấu, tôi lên núi Tượng (gọi là núi nhưng chỉ cao chừng 100m), thấy ở đó có một vị trí lý tưởng để ngắm hoàng hôn. Đưa chương trình “ngắm hoàng hôn Nam Cát Tiên từ núi Tượng” vào tour du lịch, tôi nghĩ sẽ hấp dẫn với du khách, khiến tour đi rừng không bị nhàm. Đề xuất đó cũng được VQG đón nhận.
Nhưng đáng giá nhất trong vai “nhân viên bất đắc dĩ” của VQG là tôi được mời tham gia làm cuốn Sách giới thiệu về VQG Nam Cát Tiên dày 200 trang, dự kiến ra mắt tháng 12-2021.
Tôi như người giám tuyển ảnh cho cuốn sách. Ban đầu cũng hơi ngại vì sợ ảnh của mình về VQG Cát Tiên cũng khá nhiều, dễ bị gọi là “vừa đá bóng vừa thổi còi” nhưng tôi luôn nhủ thầm “công tâm, công tâm...”.
Bức ảnh của tôi chụp trong đợt cách ly 5 tháng này, hình một chú nai có cặp sừng thật đẹp ở tiền cảnh, phía sau là một đàn bò tót, được chọn làm bìa. Thật lòng tôi thích tấm ảnh này, vì cả hai loài này tuy không xung đột với nhau nhưng cùng lọt vào trong một khung hình là điều hiếm thấy.