Những hình ảnh về "người rừng" Hồ Văn Lang xuất hiện trên báo Anh
Câu chuyện về "người rừng" Hồ Văn Lang đã từng gây sửng sốt đối với độc giả quốc tế khi người ta tìm thấy anh hồi năm 2013. Anh Lang đã qua đời hồi tháng 9 năm nay vì bệnh tật hiểm nghèo.
Mới đây, tờ tin tức Daily Mail (Anh) đã đăng tải một đoạn clip nằm trong bộ phim tài liệu do nhà làm phim người Tây Ban Nha Alvaro Cerezo từng thực hiện về "người rừng" Hồ Văn Lang lúc sinh thời.
Đoạn clip ghi lại biểu cảm của anh Hồ Văn Lang khi được nhìn ngắm thế giới hiện đại sau 40 năm sống trong rừng sâu. Đoạn clip ngắn này đã được nhà làm phim Alvaro Cerezo cắt cúp và giới thiệu với người xem, sau khi anh Hồ Văn Lang đã qua đời trong tháng 9 vừa qua ở tuổi 52 vì căn bệnh ung thư.
Trước khi được tìm thấy, "người rừng" Hồ Văn Lang đã sống trong rừng sâu ở Việt Nam hơn 40 năm. Trong thời kỳ chiến tranh, cha của anh Lang đã đưa anh vào rừng sâu sinh sống để tránh những cuộc thả bom tàn khốc, đã có nhiều người thân trong gia đình của anh Lang chết trong những cuộc thả bom. Thời điểm hai cha con anh bắt đầu vào rừng sâu sinh sống là năm 1972.
Sống trong rừng, hai cha con anh tồn tại bằng việc săn bắn, hái lượm và trồng ngô. Họ mặc khố làm từ vỏ cây và sống trong một chiếc chòi dựng ở trên cây, cách mặt đất khoảng 5 mét.
Hồ Văn Lang và cha là ông Hồ Văn Thanh đã sinh sống biệt lập ở một khoảnh rừng hoang sơ thuộc huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, trong suốt hơn 40 năm và hoàn toàn xa lạ với thế giới loài người.
Sau nhiều năm sinh sống biệt lập, đến năm 2013, người dân địa phương đã tìm thấy cha con anh Thanh và đưa hai người về với cuộc sống văn minh.
Mọi việc bắt đầu từ khi những người đi rừng thi thoảng nhìn thấy cha con anh Lang, họ đã về thông báo với chính quyền địa phương, đến tháng 8/2013, người ta đã chính thức tìm thấy cha con anh. Người con trai còn lại của ông Thanh - anh Hồ Văn Tri mong muốn đón cha và anh trai về sống với mình, bởi lúc này sức khỏe của ông Thanh cũng đã giảm sút nhiều.
Khi được tìm thấy, cha con anh Hồ Văn Lang vẫn không hề biết rằng chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Ông Thanh lúc này đã gần 90 tuổi, sức khỏe đã suy yếu, sau khi trở về sống với gia đình người con trai thứ, ông Thanh đã qua đời hồi năm 2017 vì bệnh tuổi già.
Khi được tìm thấy, anh Lang thường được nhắc tới trên mặt báo với biệt danh "người rừng". Anh Lang không biết gì nhiều về xã hội bên ngoài.
Thực tế, ngoài Lang, ông Thanh còn một người con trai dưới anh Lang, là anh Hồ Văn Tri. Anh Tri có một cuộc sống bình thường trong xã hội hiện đại, anh đã là người chăm sóc cha và em trai kể từ khi hai người được đưa từ rừng trở về làng.
Khi trở về sống bên gia đình của người em trai ruột, anh Lang đã dần học được cách thích nghi với cuộc sống mới. Chính lúc này, nhà làm phim Alvaro Cerezo quyết định sẽ tới Việt Nam để ghi lại những thước phim tài liệu về anh Lang. Hai năm sau, anh Alvaro Cerezo có mặt tại Việt Nam, tìm đến gặp anh Hồ Văn Lang và bắt tay vào thực hiện một bộ phim tài liệu.
Trong đoạn clip ngắn vừa được đưa ra, người xem có thể thấy anh Lang trải nghiệm việc đi máy bay hay lần đầu tiên nhìn thấy biển.
Đoạn clip sau khi được nhà làm phim Alvaro Cerezo chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút nhiều sự chú ý. Người xem bị ấn tượng mạnh bởi biểu cảm hồn nhiên của anh Hồ Văn Lang trước những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Chia sẻ về sự ra đi của anh Lang, nhà làm phim Alvaro Cerezo nói: "Tôi rất buồn khi nghe tin anh ấy ra đi, nhưng đối với tôi, ra đi là một sự giải thoát. Anh ấy là một con người đẹp đẽ, tôi sẽ không thể nào quên anh ấy, thậm chí tôi vẫn nhớ về anh ấy một cách bất ngờ trong những trải nghiệm thường ngày".
Bên cạnh bộ phim tài liệu, Alvaro Cerezo còn muốn viết một cuốn sách về cuộc đời của anh Hồ Văn Lang. Cerezo đã tìm hiểu rất kỹ về cuộc sống biệt lập của cha con anh Lang khi còn sống trong rừng sâu, cách dựng nhà, cách kiếm thức ăn, cách tạo ra lửa, làm quần áo, làm nông cụ, cách bảo vệ sức khỏe, chống lại thú dữ, cách phân bổ thời gian sinh hoạt, cách hai cha con giao tiếp…
Ngoài ra, còn có những câu chuyện trừu tượng hơn, như về tư duy, anh Lang biết đếm từ 1-10 và thế là đủ cho cuộc sống của hai cha con khi còn ở trong rừng, anh biết đếm số nông cụ của mình và chưa từng làm mất một món nông cụ nào.
Về đức tin, Lang không nề hà trả lời bất cứ câu hỏi nào của Cerezo bằng vốn từ ngữ ít ỏi và khả năng diễn đạt hạn chế của mình, nhưng anh Lang luôn lảng tránh và nhất quyết không trả lời những câu hỏi về cái chết, dường như đó là đề tài cấm kỵ mà Lang không bao giờ muốn đề cập tới.
Về giới tính, anh Lang dường như là người… vô tính, anh không hiểu tồn tại nam và nữ để làm gì, những bác sĩ tâm lý từng khám cho Lang đã khẳng định rằng nhận thức của anh về đời sống xã hội chỉ bằng một đứa trẻ đang học nói. Năng lực ngôn ngữ của cha con anh Lang khi trở lại với đời sống hiện đại là rất hạn chế. Về sau, anh Lang đã gia tăng khả năng ngôn ngữ của mình hơn trước.
Cách tư duy của Lang cũng rất giản đơn, chẳng hạn có lần cả nhà đang xem tivi, những đứa trẻ chạy chơi bên ngoài quá ồn ã, anh Tri đã nói đùa với anh Lang, bảo anh hãy chạy ra cho mỗi đứa trẻ một roi. Điều không ngờ là Lang đã thực sự đi kiếm một thanh tre và chạy ra cho mỗi đứa trẻ một roi, nhưng mặt anh thì vẫn "cười toe" với lũ trẻ.
Khi còn khỏe mạnh, anh Lang đã giúp người em trai của mình làm việc nhà nông, với những hiểu biết của Lang về cuộc sống trong rừng, anh Tri chia sẻ rằng Lang đã giúp được mình nhiều. Dù sống lâu trong rừng và không giao tiếp với ai ngoài cha, nhưng anh Lang có cách cư xử rất từ tốn và nhẹ nhàng.
Có lần thấy một đứa bé khóc, anh Lang đã thổi nhẹ vào mặt đứa bé như một cách để dỗ dành. Càng tiếp xúc với Lang, Cerezo càng cảm thấy thích thú và cho rằng đây là con người đáng mến nhất mà anh từng gặp.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail/ Docastaway