Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Nhà thơ Thanh Thảo bình về nhạc sĩ Phạm Duy: Người thật thà phức tạp

 Nhà thơ Thanh Thảo



Ngày 5.10.2021 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy. Tạp chí Một Thế Giới nhân dịp này xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Thanh Thảo về vị nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam.

Xin nói ngay, cái tổ hợp từ “thật thà phức tạp” này là tôi mượn từ nhà thơ Nguyễn Đức Tùng ở Canada. Vậy xin phép anh Tùng cho tôi dùng đỡ tổ hợp từ này, vì tôi thấy nó hay quá.

Hay và hợp với cả cuộc đời Phạm Duy, người mà hôm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Phạm Duy hơn Văn Cao 2 tuổi (Văn Cao sinh năm 1923), nhưng trong đời, hai ông dù ở cách rất xa nhau, vẫn coi nhau là bạn tri kỷ. Văn Cao đã nhiều lần nói những lời rất tốt đẹp về Phạm Duy. Và ngược lại, Phạm Duy luôn công khai ca ngợi Văn Cao là một thiên tài.

Tôi vừa chọn nghe lại mấy bài hát của Phạm Duy sáng tác đã cách nay hơn nửa thế kỷ. Như “Bà mẹ Gio Linh”. Như “Áo anh sứt chỉ đường tà” (phổ thơ Hữu Loan, bài “Màu tím hoa sim”), như “Khối tình Trương Chi (sáng tác tại Huế năm 1946), rồi “Ngày trở về”, “Thuyền viễn xứ”, “Ngậm ngùi” (phổ thơ Huy Cận), hay “Ngày xưa Hoàng Thị” (phổ thơ Phạm Thiên Thư sau năm 1955)… Tôi nghe “Bà mẹ Gio Linh” mà không cầm được nước mắt. Đó là sáng tác của một người nhạc sĩ thật sự thương dân, thực sự yêu nước, dù sau này cuộc đời ông có nhiều khúc rẽ, nhiều lúc “phức tạp” tới đâu. Để cuối cùng, Phạm Duy lại trở về với Tổ quốc mình, sống những năm cuối đời tại Sài Gòn thân thương, và vĩnh biệt trần gian ở ngay thành phố ấy.

Nói tới Phạm Duy là nói tới một nghệ sĩ lớn, một nhạc sĩ lớn. Nhưng con người ấy lại có cuộc sống bình dị đến không ngờ. Khi ông mất, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha khóc ông bằng bài thơ “Một ngọn khói”. Đúng là ngọn khói, thì vừa thực vừa ảo, tụ đó rồi tán đó, nhưng mùa qua mùa, khi người nông dân Nam Bộ đốt đồng, những ngọn khói thơm mùi rơm rạ lại cuộn bay lên tới trời xanh.

Những năm cuối đời, khi về sống tại Sài Gòn, Phạm Duy gặp và chơi thân thiết với một người cháu ruột của thi sĩ Bích Khê. Anh Lê Quốc Ân gọi Bích Khê bằng chú ruột. Anh Ân đam mê văn học nghệ thuật, đam mê ca hát, và là một “fan” chung thủy của âm nhạc Phạm Duy. Chính từ cuộc gặp gỡ và chơi thân mật giữa anh Lê Quốc Ân và Phạm Duy, mà nhạc sĩ đã đọc lại rất kỹ 60 bài thơ Bích Khê, và ông nảy ra ý định phổ nhạc một số bài thơ ấy. Xin trích ở đây một đoạn Phạm Duy viết về cái duyên phổ nhạc Bích Khê, mà anh Lê Quốc Ân vừa gửi cho tôi:

“Tôi phổ thơ của ông (Bích Khê), và đặt tên DỊ KHÚC, chữ Dị ở đây có nghĩa là bình dị. Trong một tháng, January - tức là tháng giêng năm 2010, tôi đã hoàn tất 9 bài, cộng với một bài tôi đã phổ từ năm 1969, tất cả nằm trong một hợp khúc gọi là Dị Khúc Bích Khê. Đó là những bài: Bích Khê Nghê thường, Sầu lãng tử, Huế đa tình, Hoàng hoa, Tranh lõa thể, Một cõi trời, Thi vị, Mơ tiên, Tôi đã chết rồi tiếng nói như châu và Tỳ Bà”.

Phạm Duy đã phân tích từng bài thơ Bích Khê được ông phổ nhạc, tôi đọc rất thú vị, vì Phạm Duy đã chứng tỏ ông am hiểu về thơ, cả cổ điển và hiện đại, và phân tích “đâu ra đó” cả 10 bài thơ Bích Khê. Tôi nhớ, Phạm Duy đã so sánh nghệ thuật “thơ cắt dán” của Bích Khê với nghệ thuật “thơ tưởng tượng” của Hàn Mặc Tử, và đó là một so sánh rất mới lạ khi đọc và nghiên cứu về thơ của hai thiên tài này:

“Trước hết tôi thấy thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa thơ cổ và thơ hiện đại, kiến trúc nghệ thuật, âm nhạc và hội họa. Đặc biệt trong lối tạo hình ông đã sử dụng một phương pháp mới là phương pháp cắt dán. Hình ảnh trong thơ Bích khê là sự lắp ghép, còn hình ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử là sự tưởng tượng. Do vậy nhìn bề ngoài có vẻ giống nhau, nhưng thật ra rất khác. Thơ Bích Khê mới hơn thơ Hàn Mặc Tử vì Bích Khê tiếp nhận được thêm những kiến thức siêu thực. Cùng trong hoàn cảnh bệnh tật, Bích Khê không cô đơn, tuyệt vọng như thi sĩ họ Hàn nên thơ Bích Khê không đạt được mức đớn đau, tuyệt tác như thơ Hàn Mặc Tử”.

Nhận xét và so sánh về thơ như thế là đạt tới đỉnh của phê bình nghệ thuật. Thời Bích Khê làm thơ, thì nghệ thuật cắt dán trong hội họa có thể chưa ra đời. Nếu vậy, thơ Bích Khê đã đi trước một bước trong sự hòa hợp nghệ thuật, điều mà nhiều nhà thơ ở thế kỷ hai mươi rất ham chuộng, và đã thể hiện với nhiều thành công.

Xem ra, thì đúng là Phạm Duy “phức tạp” thật. Nhưng đây là sự phức tạp trong tâm hồn, trong nhận thức, trong những tiếp biến về nghệ thuật mà những nghệ sĩ lớn thường có. Dù có thể không làm thơ như Văn Cao, nhưng Phạm Duy am hiểu sâu sắc về thơ, điều đó giúp ông rất nhiều trong việc phổ nhạc cho thơ.

Tôi còn nhớ, một người bạn thân của tôi ngày ở Đà Nẵng là cố nhà thơ Vũ Hữu Định. Thơ Vũ Hữu Định hết sức tự do, đậm chất giang hồ nghĩa hiệp, như chính con người anh. Phạm Duy ngày chưa hòa bình (năm 1970) ấy không hề quen biết Vũ Hữu Định, nhưng ông đã chọn đúng một bài thơ kiệt xuất của Vũ Hữu Định để phổ nhạc. Bài thơ của Định có nhan đề “Còn chút gì để nhớ”, còn ca khúc của Phạm Duy phổ thơ Định giữ nguyên lời thơ và cũng mang tên “Còn chút gì để nhớ”:

“phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương

phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng”

Đó là bài thơ hay nhất viết về Pleiku, và Phạm Duy đã rất tinh tường khi nhận ra giá trị của nó. Ông đã phổ nhạc rất hay bài thơ này, khiến cả bài hát và bài thơ cùng nổi tiếng từ những năm đầu 70 của thế kỷ trước.

Chính nhờ sự phức tạp và phong phú trong tâm hồn mà Phạm Duy không chỉ sáng tác những ca khúc rất hay, mà phổ nhạc những bài thơ cũng rất tuyệt. Tôi nhớ ca khúc nổi tiếng của ông “Áo anh sứt chỉ đường tà”, ông phổ từ bài thơ “Màu tím hoa sim” hết sức nổi tiếng của Hữu Loan. Cái độc đáo của ca khúc này là sự phối hợp giữa những đoạn nhạc trữ tình mang đậm chất nhạc Việt và những đoạn hành khúc rất nhạc Tây, mỗi đoạn nhạc đều mang những thông điệp riêng, nhưng kết hợp lại nhuần nhuyễn trong một cấu trúc rất chặt chẽ. Có thể coi đó là sự gặp gỡ giữa âm nhạc dân tộc Việt và âm nhạc phương Tây chăng?

Những nhà nghệ sĩ lớn, hầu hết đều phức tạp. Điều đó phản ánh độ dung chứa rất cao của tâm hồn họ. Vì thế, cần hiểu và chia sẻ với họ, hơn là phê phán họ.

Phạm Duy là một nhạc sĩ rất thật thà và rất “phức tạp” như thế, và tâm hồn ông cũng thật sự phong phú, thật sự tinh tế và thật sự bình dị, cởi mở.