Minh Anh (thực hiện)
Thưa ông, là người trong cuộc, ông có thể cho biết về công việc chuẩn bị cho chiến dịch Huế Mùa Xuân năm 1968 diễn ra như thế nào?
Tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vốn xuất thân trong Phong trào đấu tranh đô thị Mùa hè năm 1966, sau bị chính quyền Sài Gòn truy nã khủng bố nên chúng tôi thoát ly theo Cách mạng vào tháng 7.1966. Cả hai chúng tôi được Thành ủy Huế bố trí làm báo Cờ Giải Phóng với bác Ưng Trí (cháu nội Tuy Lứ Vương) và nhà thơ Thanh Hải. Đến cuối năm 1967, hai chúng tôi được gọi vào gặp Thường vụ Thành ủy báo cáo với các ông Lê Tự Nhiên – Khu ủy Trị Thiên và Hoàng Phương Thảo – Thường vụ Thành ủy Huế về Phong trào đấu tranh đô thị ở Huế năm 1966. Thành ủy đánh giá Phong trào này rất tiến bộ và cho biết Trung ương có chủ trương thành lập thêm một Mặt trận thứ hai gồm các trí thức, giáo sư, sinh viên, văn nghệ sĩ, các nhà tu hành, doanh nhân liên minh với Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đấu tranh giải phong đất nước. Yêu cầu hai chúng tôi góp sức thành lập Mặt trận thứ hai nầy ở Huế.
Về sau nghiên cứu tôi mới biết đây là một chủ trương lớn của Trung ương. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng Lao Động (tháng 1.1968) có đoạn viết: “Để triệt để cô lập đế quốc Mỹ và bè lũ Thiệu - Kỳ, để phân hoá địch đến mức cao nhất, tập hợp thêm những lực lượng, những cá nhân có tinh thần chống Mỹ và Thiệu - Kỳ và tranh thủ các tầng lớp trung gian ở các thành thị, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi hơn nữa ở ngoài nước, trong cao trào cách mạng của quần chúng, cần thành lập một Mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lấy một tên thích hợp với cương lĩnh rộng rãi hơn Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Mặt trận thứ hai này sẽ giữ thái độ độc lập đối với Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, nhưng tuyên bố thực hiện liên minh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng và tất cả những người muốn phấn đấu cho miền Nam Việt Nam có độc lập, chủ quyền, dân chủ, hoà bình và trung lập”.
Sau nhiều ngày nghiên cứu tên của các phong trào đấu tranh đô thị diễn ra trong ba năm 1963-1966, như Hội đồng Nhân dân Cứu quốc, Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, Lực lượng Nhân dân Tranh thủ Cách mạng, Hội đồng Sinh viên Tranh thủ Cách mạng, Lực lượng Giáo chức Tranh thủ Dân chủ... lãnh đạo đặt tên cho mặt trận thứ hai này là Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế (gọi tắt là Liên Minh).
Đoàn Liên Minh được lãnh đạo Trung ương đón tiếp trọng thị. Ảnh TL
Với Cương lĩnh-Mục tiêu tranh đấu rõ ràng là: “độc lập, dân chủ, hoà bình”, ông và nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường được Thành ủy giao nhiệm vụ gì?
Chúng tôi được giao giúp việc cho ông Lê Tự Nhiên, Hoàng Phương Thảo, soạn thảo Cương lĩnh của Mặt trận Liên Minh. Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là người văn hay chữ tốt, ý kiến tích cực, đã chắp bút hoàn thành 12 bản thảo Cương lĩnh cho Liên Minh. Bản thảo được tướng Trần Văn Quang-Bí thư Khu ủy Trị Thiên sửa đổi đôi chút rồi cho in. Bản Cương lĩnh của một mặt trận hợp pháp nên không được in ty-pô giống như báo Cờ Giải Phóng. Muốn hợp pháp phải in rô-nê-ô. Với kinh nghiệm của thời làm báo trong các Phong trào đô thị, chúng tôi đã sáng tạo ra một cách in rô-nê-ô “thủ công” để in báo Việt Nam Trẻ trong rừng.
Tôi sử dụng cách in ấy, in hàng ngàn bản Cương Lĩnh của Liên Minh. Sau đó cán bộ đem về Huế phát cho dân chúng trong Chiến dịch Huế Xuân Mậu Thân 68. Các bản in Cương lĩnh Liên Minh (Huế) không ai còn lưu giữ được. May sao, sau đó ở Miền Nam thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, người ta đã sử dụng Cương lĩnh của Liên Minh Huế sửa đổi một số nội dung để thích hợp với tình hình chung và đổi tên thành Chương trình Chính trị của Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (31.7.1968) do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Những tiêu đề chính của Chương trình chính trị này là:
1.Cứu quốc: Đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, kiên quyết chống chến tranh xâm lược, đánh đổ chế độ bù nhìn tay sai, thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc, giành độc lập, dân chủ và hòa bình;
2.Kiến quốc: Kiến tạo Nam Việt Nam thành một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình, trung lập và thịnh vượng.
3.Vấn đề thống nhất: Chính phủ hai miền Nam Bắc cùng nhau thương lượng để tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc.
Hẳn ông còn nhớ về những lá cờ thời đó?
- Liên Minh có tên, có Cương lĩnh rồi, cần phải có cờ. Do tính chất cách mạng và dân tộc mà thiết kế nên hình thức và màu sắc của lá cờ. Cờ Cách mạng màu đỏ có ngôi sao vàng (cờ của nước VNDCCH và cờ CHXHCNVN ngày nay); Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN (Một nửa là dân tộc, một nửa là cách mạng) nên Cờ Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam VN nửa đỏ nửa xanh. Cờ của Mặt trận Liên minh (Huế) tính cách mạng thấp hơn cờ Dân tộc Giải phóng Miền Nam một bậc nên chỉ đạt 1/3 Cách mạng và 2/3 Dân tộc nên được thiết kế một phần ba (1/3) ở giữa màu đỏ mang ngôi sao vàng, 1/3 xanh ở trên và 1/3 xanh ở dưới.
Lá cờ của Liên minh các Lực lượng Dân tộc- vẽ theo trí nhớ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Thành ủy Huế phải nhờ cơ sở mua một chiếc máy may để may lá cờ nầy. Người được giao may lá cờ Liên Minh là chị Lê Thị Mai (chị của GS Lê Quang Vịnh). Lá cờ lớn nhất dài 12m, rộng 8m, may xong vị tư lệnh của Mặt trận giao cho Trung đoàn sáu (E 6) mang về Huế. 8 giờ sáng ngày 31.1.1968, quân Giải phóng làm chủ được Thành phố Huế, lá cờ được treo trên đỉnh cột cờ Thành Nội Huế. Sau đó nó bị hàng tấn bom Mỹ hủy diệt nhưng nó vẫn ngạo nghễ tồn tại suốt 26 ngày đêm.
Chương trình Chính trị của Liên Minh in tháng 8-1968 in nhầm màu sắc lá cờ của Liên Minh (xanh thành đỏ và đỏ thành xanh).
Lá cờ Liên Minh thứ hai nhỏ hơn và đã được treo trên cột cờ tỉnh đường Thừa Thiên. Hai lá cờ Liên Minh được treo hai nơi trên đôi bờ Nam Bắc sông Hương giữa lúc chiến tranh hủy diệt vô cùng ác liệt nên không mấy người còn để ý đến hình ảnh chính xác của lá cờ này. Các lực lượng đối phương khẳng định hai lá cờ trên đỉnh Cột cờ Thành Nội là cờ Dân tộc Giải phóng. Về phía các đoàn thể Cách mạng ở miền Nam khi in lá cờ Liên Minh lên Chương trình Chính trị của Liên Minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa Bình Việt Nam thì dùng màu ngược với màu cờ Liên Minh. Cờ Liên Minh 1/3 ở giữa màu đỏ lại in màu xanh, hai 1/3 hai bên màu xanh lại nhuộm đỏ. Tính chất cách mạng (màu đỏ) của Mặt trận Liên Minh mà lớn hơn Mặt trận Dân tộc Giải phóng được sao? Sự nhầm lẫn nầy đã gây cho nhiều nhà nghiên cứu sau đó nhầm lẫn tiếp cho đến bây giờ.
Ông nghĩ sao về những sự nhầm lẫn ấy?
- Là người trong cuộc, tôi khẳng định đó là sự sai lầm. Nếu có ai đó chưa tin thì có thể kiểm chứng với tấm ảnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ hạ được lá cờ Liên Minh trước tỉnh đường Thừa Thiên Huế và trưng ra cho phóng viên báo Life.
Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ hạ được lá cờ Liên Minh trước tỉnh đường Thừa Thiên Huế và trưng ra cho phóng viên báo Life. (Ảnh tư liệu riêng do Nguyễn Đắc Xuân sưu tập).
Còn về nhân sự của Liên Minh?
- Về nhân sự thì tôi không nhớ Liên Minh Huế có những ai, chỉ biết những người có tên tuổi và hoạt động tích cực như: TS Lê Văn Hảo – Giáo sư Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Huế (Chủ tịch Liên Minh Huế); Hòa thượng Thích Đôn Hậu – Trú trì chùa Thiên Mụ (Phó Chủ tịch Liên Minh Huế); Bà Nguyễn Đình Chi - Cựu Hiệu trưởng trường Đồng Khánh, Huế - (Phó Chủ tịch); Hoàng Phủ Ngọc Tường -Thầy giáo dạy Văn và Triết học, trường Quốc Học Huế (Tổng thư ký).
Sau này tôi được biết trong Liên Minh Huế có cụ Nguyễn Đóa – một cựu Giám thị ở trường Quốc Học, ông Nguyễn Thúc Tuân, ông Tôn Thất Dương Tiềm, nhưng không rõ các vị giữ chức vụ gì trong Liên Minh.
Vai trò của ông đối với Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình thì sao?
- Tôi được tham gia tổ chức Liên Minh Huế, nhưng khi thoát ly tôi vẫn còn là một sinh viên Đại học Sư phạm, chưa có chức danh gì nên không có tên trong Liên Minh. Khi tham gia Chiến dịch Huế Xuân 1968, về Huế, tôi được Chánh ủy Cánh Bắc là ông Trần Anh Liên cho tôi làm Ủy viên Thanh niên của Liên Minh Huế để đi vận động thanh niên Sinh viên học sinh “tham gia cách mạng”.
Như vậy thì vai trò của Liên Minh trong cuộc tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân như thế nào?
- Liên Minh Huế ra đời để hiệu triệu dân chúng Huế “nổi dậy” phối hợp với lực lượng vũ trang làm chủ Thành phố Huế. Biểu tượng cao nhất là hai lá cờ Liên Minh treo trên đỉnh cột cờ Thành nội và cột cờ trước sân tỉnh đường Thừa Thiên Huế. Lời kêu gọi dân chúng “nổi dậy” được Tiến sĩ Lê Văn Hảo – vừa là Chủ tịch Liên Minh vừa là Chủ tịch UBND Cách mạng Thành phố Huế đọc qua máy ghi âm. Nghe cái giọng Huế quen thuộc của Tiến sĩ Hảo, nhiều người dân Huế yên tâm. Tôi với danh nghĩa Ủy viên Thanh niên của Liên Minh đi vận động được một số bạn trẻ tham gia Cách mạng, nhiều người bổ sung vào bộ đội, một số lớn hình thành Đội tự vệ Thanh niên Thành Nội hoạt động dọc bờ thành từ cửa Đông Ba đến cửa Thượng Tứ. Nhiều người sau đó được ra Bắc học, sau ngày Thống nhất đất nước họ trở về giữ những chức vụ chủ chốt trong Viện Kiểm sát Đà Nẵng, Đài VTV Huế, nhiều người làm bác sĩ, làm giảng viên Đại học.
Vì Chiến dịch Huế Xuân 68 nhân danh Mặt trận Liên Minh nên nhiều vị trong Liên Minh đã có ý kiến với Mặt trận Giải phóng Huế về một số chính sách không phù hợp với tinh thần “dân tộc-dân chủ và hòa bình” của Liên Minh. Tôi không có dịp hỏi chuyện các vị trong Liên Minh Huế nên không biết rõ các vị trong Liên Minh Huế đã đóng góp những ý kiến gì với lãnh đạo Chiến dịch Huế Xuân 68. Riêng với bà Nguyễn Đình Chi – người tôi xem như bà mẹ văn hóa của tôi-tôi có dịp được hỏi bà: Trong những ý kiến cô đóng góp với Mặt trận trong tết Mậu thân, cô tâm đắc nhất ý kiến nào và lãnh đạo của Mặt trận lúc đó có nhận xét gì về ý kiến đó của cô không?”.
Bà đáp: “Có lẽ là ý kiến cô phản đối chủ trương mở tòa án nhân dân của một cán bộ cao cấp nào đó. Ý kiến của cô được các vị trong Liên Minh tán thành nên lãnh đạo Mặt trận rất quan tâm và hủy bỏ ý kiến mở tòa án nhân dân ở Huế năm 1968.”
Một thông tin lịch sử khá bí mật, nếu tôi không có dịp hỏi chuyện bà và xem Nhật ký của bà thì không bao giờ tôi được biết trong Chiến dịch Huế Xuân 68 đã từng có ý tưởng mở tòa án nhân dân ấy.
Báo Cứu Lấy Quê Hương của Liên Minh các LLDTDC&HB VN Thành phố Huế, số tết,1971
Sau mùa Xuân năm 1968, vùng chiến khu Thừa Thiên Huế bị bom đạn dữ dội. Đến trung tuần Tháng 5.1968, đoàn Liên Minh (trừ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân) lên tá túc ở chiến khu Trị Thiên giáp biên giới nước bạn Lào. Đến tháng 7.1968 thì được đưa ra Hà Nội.
Có thể khẳng định: Tổ chức Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình là một chủ trương lớn của Trung ương để hiệu triệu dân chúng phục vụ cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy ở các tỉnh thành lớn ở miền Nam VN vào Mùa Xuân năm 1968. Nhưng xét trên thực tế chiến trường toàn miền Nam, chỉ có Liên Minh Huế ra đời kịp thời, phục vụ chiến trường từ đầu đến cuối và được cả thế giới biết đến. Sau Liên Minh Huế, Liên Minh Việt Nam ra đời (4.1968) do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Bộ phận năng động của Liên Minh VN cấu tạo bới các nhân vật trong Liên Minh Huế. Trên đất Bắc, các nhân vật Liên Minh Huế tích cực hoạt động đoàn thể và ra nước ngoài làm công tác ngoại giao, ở chiến trường miền Nam, Liên Minh Huế vẫn bám dân với tờ báo Cứu Lấy Quê Hương cho đến ngày thống nhất đất nước.
Sau ngày Liên Minh kết thúc nhiệm vụ, nhiều vị trong Liên Minh Huế tiếp tục giữ những chức vụ cao trong Mặt trận Tổ quốc VN. Nhiều vị còn được dân bầu vào nhiều khóa Quốc hội. Nhân sự của Liên Minh Huế được mời để “hiệu triệu”, nhưng đến khi rời khỏi chiến trường thì làm công tác đoàn thể tốt, đi làm ngoại giao có kết quả. Khi đưa ra cho dân bầu vào Quốc hội thì được dân tín nhiệm. Chứng tỏ lãnh đạo Thành phố Huế lúc ấy đã thực hiện chủ trương của cấp trên một cách xuất sắc – chọn được những người có đủ đức và tài để phục vụ cách mạng.
Xin cảm ơn ông!