Với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong và ngoài nước, vị "lão tướng" FPT chia sẻ những góc nhìn công tâm, khách quan về những đóng góp của khu vực FDI với nền kinh tế Việt Nam.
Đã có những lo ngại về việc doanh nghiệp FDI chuyển dịch đơn hàng sang nước khác. Những lo ngại này của nhiều doanh nhân, nhiều người dân Việt Nam xuất hiện trong những ngày vừa qua khi chứng kiến việc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn, nhất là tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam khác.
Tôi cho rằng FDI là đầu tư lâu dài phải mất nhiều năm chuẩn bị thủ tục và 1-2 năm để triển khai nên không thể có chuyện chỉ mới gặp khó khăn vì dịch bệnh một vài tháng đã quyết định chuyển dòng vốn đi sang nước khác. Khả năng lớn hơn là các dự án FDI đang chuẩn bị đầu tư có thể bị tạm dừng lại chờ diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian tiếp theo.
Việc chuyển một vài đơn hàng từ Việt Nam sang sản xuất ở các nước khác là việc làm hợp lý để duy trì sản xuất và cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện giãn cách, phong tỏa ở một vài tỉnh thành phố.
Thế nhưng, các doanh nghiệp FDI chỉ có thể chuyển những đơn hàng mà trong hệ thống sản xuất của họ trên toàn cầu có nhà máy ở những quốc gia vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.
Vậy có đáng lo ngại chưa trước những cảnh báo về việc doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam? Tôi cảm thấy lo ngại một chút, nhưng không lo ngại nhiều bằng việc chúng ta chống dịch, khống chế được dịch, tiêm phủ vắc xin, nới lỏng dần giãn cách, từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa có nhanh chóng hay không?
Thực tiễn ở Việt Nam trong gần 2 năm qua đã chứng minh rằng chính chống dịch tốt là cách tốt nhất để duy trì sản xuất, để giữ chân các nhà đầu tư cũng như thu hút thêm các dự án đầu tư mới.
Cho đến nay, độ phủ vắc xin ở TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh thành phố khác đã đạt tỷ lệ khá cao, đấy là cơ sở để chúng ta nới lỏng dần giãn cách, từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Khi ấy, các nhà đầu tư sẽ dần an tâm và hiển nhiên với họ việc tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam sẽ dễ dàng hơn rất nhiều lần việc chuyển đầu tư sang một quốc gia khác.
Một điểm nữa là trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát trên toàn cầu chính các nhà đầu tư FDI cũng đang ở tình thế rất khó khăn, không dễ cho họ khi lựa chọn quốc gia an toàn dài hạn để chuyển sản xuất sang Ấn Độ cũng chỉ vừa thoát đợt dịch Covid-19 khủng khiếp đợt tháng 5. Indonesia, Philippines, Malaysia thì còn đứng cuối cùng trong bảng phục hồi kinh tế của Bloomberg (dưới cả Việt Nam). Thái Lan cũng chỉ đứng trên Việt Nam một bậc.
Mexico, Bangladesh, Pakistan thì cũng chỉ hơn Việt Nam một vài bậc thôi (bảng xếp hạng của Bloomberg 3 nước đúng cuối bảng là Indonesia, Philippines, Malaysia). Có nghĩa rằng tất cả quốc gia có thể tổ chức sản xuất vào thời điểm này đều đang gặp khó khăn như nhau. Vì vậy, nếu để chuyển sản xuất thì các nhà đầu tư FDI chỉ có một lựa chọn duy nhất là đưa sản xuất quay trở lại Trung Quốc.
Thế nhưng lựa chọn ấy lại đi ngược với chiến lược "chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, không muốn phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc" của chính họ lập ra năm 2020 và họ chỉ vừa mới bắt đầu thực hiện được một phần nhỏ.
Thật bất ngờ là trong báo cáo "Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2021 World Bank lại đưa ra nhận định: "Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy lòng tin vào nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì".
Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng nhất trong việc thu hút vốn đầu tư FDI đã được thực tế chứng minh bằng con số cụ thể thông qua số dự án, số vốn đầu tư, số vốn giải ngân trong 5-10 năm gần đây.
Theo thống kê của Statista thì tổng số vốn đầu tư FDI đã giải ngân, trong 7 năm (2013-2019), Việt Nam vượt trội Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar cả về giá trị tuyệt đối, cả về tỷ trọng đầu tư FDI trên tổng GDP quốc gia, cao hơn Ấn Độ 3,7 lần, cao hơn Indonesia 5,7 lần về tỷ trọng đầu tư trên tổng GDP quốc gia (số liệu FDI 2013-2019: Việt Nam 92,48 tỷ USD, 7,8%; Thái Lan 60,21 tỷ USD, 1,2%; Malaysia: 61,51 tỷ USD, 2,1%; Indonesia: 126,93 tỷ USD, 2,1%; Singapore: 508,95 tỷ USD,25,4%; Philippines: 51,45 tỷ USD, 2,1%; Myanmar: 17,47 tỷ USD, 3,8%; Ấn Độ: 218,74 tỷ USD, 1,36%).
Còn đây là nhận định của Forbes (7/9/2020) về kinh tế Việt Nam: "Việt Nam chính là quốc gia phát triển nhanh chóng vượt trội nhất thế giới 20 năm gần đây!", "Thật khó tin, nhưng Việt Nam chính là một trong 50 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ phát triển vô cùng nhanh chóng trong suốt hai thập kỷ qua, chưa từng có quốc gia nào làm được như Việt Nam. Tương lai tới, Việt Nam sẽ dần trở thành một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc".
Samsung - tập đoàn công nghệ lớn thứ 2 thế giới (sau Apple), doanh nghiệp lớn thứ 15 thế giới trong Fortune 500 - chính là minh chứng điển hình nhất cho đầu tư FDI ở Việt Nam.
Hiện tại, tổng số vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD. Hai nhà máy Samsung Bắc Ninh và Samsung Thái Nguyên là 2 trong 3 nhà máy lớn nhất thế giới của Samsung trên toàn cầu (chưa kể tổ hợp sản xuất đồ điện tử tại TPHCM). Không những thế, Samsung còn đặt trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D) với qui mô 3.000 người tại Hà Nội.
Tôi nhắc lại FDI là đầu tư lâu dài, dựa trên những nền tảng có tính bền vững, có tầm nhìn dài hạn và trung hạn 10, 20, 30 năm, thế nên không thể chỉ vì 3-4 tháng dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam lại có thể thay đổi được chiến lược, đánh giá của các nhà đầu tư có kinh nghiệm.
Theo báo cáo của World Bank tháng 9/2021 thì trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký là 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020, còn vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngay tháng 8, giữa đại dịch vốn FDI đăng ký đạt 2,4 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 7. Mức tăng trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Còn đây là những minh chứng cho việc đầu tư FDI vào Việt Nam giữa đại dịch:
Ngày 19/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án thứ 2 về Công nghệ tấm Silic Solar trị giá 400 triệu USD cho tập đoàn Jinko Solar (Hồng Kông).
Trước đó, tháng 3, Jinko Solar đã đầu tư dự án Công nghệ Tế bào quang điện trị giá 500 triệu USD (Sản phẩm của dự án Sinko Solar 2 chính là nguyên liệu đầu vào của dự án Sinko Solar 1). Jinko Solar Hong Kong là nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn nhất thế giới, nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu.
Jinko Solar cam kết sẽ đưa cả 2 nhà máy đi vào hoạt động, sản xuất lô sản phẩm đầu tiên ngay trong cuối năm nay, chậm nhất là tháng 1/2022.
Minh chứng thứ hai là việc các nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới như Samsung, Foxconn, Luxshare đặt các nhà máy lớn ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Hiện tại các nhà máy của Samsung, Foxconn, Luxshare vẫn đang sản xuất bình thường. Họ vẫn đang tuyển dụng mới hàng nghìn lao động.
Samsung dự tính lượng hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng 10% và họ đang có kế hoạch mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh để nâng sản lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngay trong năm nay. Trung tâm R&D của Samsung trị giá 220 triệu USD đang được xây dựng ở Tây Hồ Tây Hà Nội bất chấp đại dịch.
Ngày 31/8, LG Hàn Quốc nhận được quyết định đầu tư thêm 1,4 tỷ USD cho dự án LG Display tại Hải Phòng. Dự án LG Display Hải Phòng chuyên sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED tivi, màn hình LCD...
Với sự đầu tư mới này, doanh thu xuất khẩu của LG sẽ tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD một năm, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.
Tất nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 khiến làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu bị chững lại, các nhà đầu tư cần có thêm thời gian để cân nhắc và suy tính.
Thế nhưng đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, cả thế giới đều đang thống nhất sẽ phải sống chung với Covid-19 và vaccine sẽ là "tấm khiên" giúp chúng ta sống chung với dịch bệnh.
Hiện tại việc tiêm vaccine có sự nhanh chậm giữa các quốc gia, thế nhưng chỉ sang năm 2022 thôi thì sự khác biệt về độ phủ vaccine giữa các quốc gia Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ Latin sẽ không còn sự khác biệt lớn.
Khi ấy sức mạnh cốt lõi, tiềm năng của mỗi quốc gia mới là yếu tố quyết định và tôi tin rằng cơ hội đón đầu tư FDI, cơ hội đón nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nguyên, thậm chí lớn hơn, bởi nền tảng về nhân lực CNTT, phần mềm của Việt Nam rất lớn và đấy chính là lợi thế của người Việt Nam chúng ta.
Tương tự như vậy việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc hiện đang chững lại, nhưng khi cả thế giới đã sống chung với Covid-19, khi mà sản xuất, kinh doanh, đi lại toàn cầu trở lại trạng thái bình thường mới thì xu thế ấy lại quay trở lại và khi ấy cơ hội của Việt Nam lại mở ra, bởi gốc rễ là những khác biệt về thể chế và quyền lợi quốc gia giữa Mỹ, Nhật Bản, EU với Trung Quốc vẫn còn nguyên.
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như AmCham, EuroCham, KoCham… cho rằng "Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại". Tôi nghĩ là các hiệp hội ấy nói như vậy trong bối cảnh các hoạt động sản xuất của một số nhà máy trong các hiệp hội đang gặp khó khăn bởi lệnh phong tỏa. Tôi tin rằng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, sản xuất khôi phục dần dần thì họ sẽ không còn nghĩ như vậy nữa.
Cá nhân tôi muốn chia sẻ thêm với họ thế này: Dịch Covid-19 đã diễn ra từ đầu năm 2020. Trong 21 tháng qua, cả thế giới chao đảo thì không một nền kinh tế mở nào không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, tùy từng giai đoạn của dịch. Thế nên nếu nhìn cả chặng dài 21 tháng từ đầu dịch đến giờ thì Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng ít nhất. Chính các nhà đầu tư đã được hưởng lợi trong 18 tháng Việt Nam chống dịch tốt rồi.
Là bạn tốt, là nhà đầu tư chiến lược thì nên chia ngọt sẻ bùi, không nên chỉ nhìn vào 3 tháng khó khăn mà quên đi 18 tháng thuận lợi.
Tuy nhiên, việc chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh là việc chung của cả chính phủ lẫn doanh nghiệp, vì thế Chính phủ cũng cần lắng nghe, trao đổi thường xuyên với họ về chiến lược, phương cách vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, làm cách nào để họ hiểu lợi ích và mục tiêu của họ và của Việt Nam là giống nhau, cả hai phải cùng đứng về một phía.
Đỗ Cao Bảo