Vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo về đổi mới hoạt động của hệ thống bệnh viện trên toàn quốc theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Với sự tham gia của đại diện các sở y tế địa phương, các chuyên gia y tế nước ngoài đã cho thấy vấn đề đổi mới hoạt động bệnh viện không phụ thuộc quá lớn vào vấn đề tài chính, trang thiết bị hiện đại mà nó bắt đầu từ những giải pháp để sử dụng hiệu quả những trang thiết bị sẵn có, trong một môi trường làm việc nhân văn.Theo thống kê của Vụ Điều trị, cả nước có 1.029 bệnh viện công, 54 bệnh viện tư nhân với 134.37 giường bệnh, đạt tỷ lệ 16,7 giường/1 vạn dân, đang đứng ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực. Với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân lên đến 100 triệu lượt/năm, đã gây ra tình trạng quá tải ở hầu hết các tuyến y tế. Ngành y tế cũng đã đưa ra hàng loạt chương trình, dự án để nâng cấp cải tạo hệ thống bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, huyện. Trong những năm qua, các dự án này đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuy nhiên một số nơi do thiếu cán bộ chuyên môn kỹ thuật nên đã không phát huy được hiệu quả đầu tư. Nhiều ý kiến tại hội thảo đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư, sử dụng nguồn lực con người, thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng là do hàng loạt quy định về quản lý hoạt động bệnh viện không còn phù hợp. Đặc biệt, cơ chế hoạt động phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước và bảo hiểm tiếp tục là môi trường để tư duy bao cấp tồn tại với cơ chế không khuyến khích nhân viên y tế làm việc, chi phí dịch vụ không sát thực tế làm nảy sinh tình trạng “chi phí ngầm”; phân bổ tài chính bị “đóng khung” theo quy định mà không tính đến nhu cầu thực tế của từng bệnh viện... Đại diện sở y tế Hưng Yên cho rằng, tình trạng thiếu điều dưỡng, hộ lý sẽ không đến mức trầm trọng như hiện nay nếu có một chiến lược sắp xếp hợp lý cũng như có cơ chế thưởng phạt rõ ràng.Giám đốc Bệnh viện Bình Dương Đinh Văn Khai bức xúc: “Chúng ta nói rất nhiều tới việc chấn chỉnh thái độ, phục vụ bệnh nhân của cán bộ y tế song ngay cả giám đốc bệnh viện cũng không có quyền sa thải bất cứ nhân viên y tế nào dưới quyền. Vậy thật khó để cải thiện được vấn đề y đức hiện nay”. Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp Trần Trung Dũng, cho rằng: chúng ta đã giao quyền tự chủ tài chính cho các giám đốc nhưng việc thu chi từ ngân sách nhà nước cấp vẫn phụ thuộc vào “kế hoạch cứng”, phải xin phép sở y tế thay vì đưa ra những bộ tiêu chuẩn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị... để kiểm tra những dự án đầu tư mà bệnh viện tự triển khai theo nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, trình độ quản lý thiếu chuyên nghiệp của giám đốc các bệnh viện cũng là một trở ngại đáng kể. Thực tế, hầu hết các giám đốc bệnh viện hiện nay đều là nhà chuyên môn có uy tín vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý nên không thể bao quát cũng như triển khai chiến lược phát triển toàn diện cho bệnh viện đang quản lý.Rất nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng đổi mới bệnh viện cần đi kèm với việc tạo một nguồn lực tài chính ổn định nhằm tạo động lực để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bệnh viện, đào tạo nhân viên y tế, nâng cao năng lực khám chữa bệnh. Theo đó, quy chế bệnh viện cần phải được sửa đổi để đảm bảo có sự cải thiện chất lượng – công bằng – hiệu quả trong công tác điều trị. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhiều chuyên gia nước ngoài tại nhiều bệnh viện cho thấy, chất lượng điều trị không phải vì không có trang thiết bị hiện đại, không có kinh phí, nhân viên y tế không được tập huấn mà bởi vì thái độ làm việc thiếu thân thiện của một số y bác sỹ được được bệnh nhân chấp nhận, coi là chuyện bình thường. Đồng tình với nhận định này, Phó Giám đốc bệnh viện đại học y dược Tp.HCM Nguyễn Hoàng Bắc cho rằng việc tạo ra một môi trường làm việc tốt, cơ hội học tập, thăng tiến đối với một bác sỹ mới là những yếu tố quan trọng nhất đối với một bác sỹ, và thu nhập chỉ đứng hàng ưu tiên thứ tư. Ông Nguyễn Hoàng Bắc dẫn chứng ngay tại bệnh viện y dược từ năng lực khám chữa bệnh đạt doanh thu 12 tỷ/tháng thì nay đã đạt được mốc doanh số 40 tỷ/tháng trong khi giá thành điều trị tại bệnh viện này luôn thấp hơn so với rất nhiều bệnh viện khác tại Tp.HCM. “Theo tôi, có quá tải hay không là do quan niệm, vấn đề là cần phải thay đối cung cách tư duy trong quản lý, nâng chất lượng điều trị để bác sỹ luôn tất bật với công việc của mình trong điều kiện làm việc tốt nhất chứ không phải để họ mệt mỏi với chuyện “cơm - áo - gạo - tiền”. ở Bệnh viện đại học y dược, bác sỹ chỉ cần thông báo họ cần thiết bị gì để khám chữa bệnh hiệu quả, những vấn đề khác sẽ do đội ngũ quản lý, làm dự án triển khai.”, ông Bắc nói. Rõ ràng, tiềm lực tài chính là rất quan trọng nhưng nó không phải là yếu tố hàng đầu để đổi mới hoạt động bệnh viện hiện nay khi mà các cơ sở y tế vẫn chưa tận dụng hết những ưu thế sẵn có của mình. Vụ trưởng Vụ Điều trị, Bộ Y tế, TS Lý Ngọc Kính cho rằng, ngay trong thời gian tới chúng ta cần nhanh chóng xây dựng đội ngũ quản lý bệnh viện chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động chuyên môn, dịch vụ của bệnh viện, đồng thời khuyến khích y tế tư nhân phát triển với sự liên kết nước ngoài để cung cấp các dịch vụ y tế kỹ thuật hiện đại cho người có thu nhập cao nhằm tập trung nguồn lực ngân sách đáp ứng cho nhu cầu điều trị người thu nhập thấp, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa... từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện cho ngành y tế trong tương lai.
Lê Hảo
Ngày 30/07/2007
Nguồn: Tạp chí Bệnh viện
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:j3HZptlNcAoJ:www.moh.gov.vn/homebyt/vn/portal/InfoDetail.jsp%3Farea%3D58%26cat%3D1461%26ID%3D5496+%22Dinh+Van+Khai%22&cd=22&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
(ANTĐ) - Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân lên đến 100 triệu lượt/năm, đã gây ra tình trạng quá tải ở hầu hết các tuyến y tế. Nhiều bệnh viện "vin" vào cái cớ bệnh nhân đông, điều kiện vật chất thiếu thốn để lý giải cho chất lượng điều trị chưa được tốt của mình. Làm thế nào để đổi mới hoạt động của bệnh viện, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân? Đó là nội dung chính được bàn luận trong hội nghị khoa học được Bộ Y tế tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Những bất cập thường ngày
Theo thống kê của Vụ Điều trị, cả nước có 1.029 bệnh viện công, 54 bệnh viện tư nhân với 134.37 giường bệnh, đạt tỷ lệ 16,7 giường/1 vạn dân, đang đứng ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực. Với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân lên đến 100 triệu lượt/năm, đã gây ra tình trạng quá tải ở hầu hết các tuyến y tế.
Trên thực tế, ngành y tế cũng đã đưa ra hàng loạt chương trình, dự án để nâng cấp cải tạo hệ thống bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, huyện, với kinh phí dự tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Với điều kiện kinh tế còn hạn hẹp của đất nước, những dự án trên đang phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ từ nước ngoài. Tuy nhiên, bản thân việc hỗ trợ này không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Rất nhiều trang thiết bị y tế đắt tiền, nhiều phòng khám, phòng mổ được đầu tư hiện đại lại bị bỏ phí vì thiếu người sử dụng, dù nhu cầu thực tế là rất lớn. Bên cạnh đó, trình độ quản lý thiếu chuyên nghiệp của giám đốc các bệnh viện cũng là một trở ngại đáng kể. Hầu hết các giám đốc bệnh viện hiện nay đều vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý, nên không thể bao quát và triển khai chiến lược phát triển toàn diện cho bệnh viện đang quản lý.
Cổ phần hoá sẽ giúp các bệnh viện có thêm những trang thiết bị hiện đại
Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp - Trần Trung Dũng cho rằng: Bộ Y tế đã giao quyền tự chủ tài chính cho các giám đốc nhưng việc thu chi từ ngân sách nhà nước cấp vẫn phụ thuộc vào “kế hoạch cứng”, phải xin phép Sở Y tế, thay vì đưa ra những bộ tiêu chuẩn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị… để kiểm tra những dự án đầu tư mà bệnh viện tự triển khai theo nhu cầu thực tế. Giám đốc Bệnh viện Bình Dương Đinh Văn Khai bức xúc: “Chúng ta nói rất nhiều tới việc chấn chỉnh thái độ, phục vụ bệnh nhân của cán bộ y tế, song, ngay cả giám đốc bệnh viện cũng không có quyền sa thải bất cứ nhân viên y tế nào dưới quyền. Vậy thật khó để cải thiện được vấn đề y đức hiện nay”.
Cần có một cơ chế
Đổi mới bệnh viện cần đi kèm với tạo một nguồn lực tài chính ổn định, nhằm tạo động lực để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của bệnh viện, đào tạo nhân viên y tế, nâng cao năng lực khám chữa bệnh. Theo đó, quy chế bệnh viện cần phải được sửa đổi để đảm bảo có sự cải thiện chất lượng – công bằng – hiệu quả trong công tác điều trị.
Nghiên cứu của nhiều chuyên gia nước ngoài tại nhiều bệnh viện cho thấy, chất lượng điều trị không phải không có trang thiết bị hiện đại, không có kinh phí, nhân viên y tế không được tập huấn, mà bởi vì thái độ làm việc thiếu thân thiện của một số y - bác sỹ lại được bệnh nhân bao che, chấp nhận, coi là chuyện bình thường. Một ví dụ khác được các chuyên gia nước ngoài nêu ra, là việc đào tạo kỹ thuật viên sử dụng máy siêu âm tại Thụy Điển phải mất tới 5 năm nhưng ở Việt Nam thì việc này được đào tạo rất qua loa. Chính vì vậy, nhiều thiết bị y tế hiện đại được đầu tư để rồi… đắp chiếu, không có người sử dụng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y - Dược TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Bắc cho rằng, việc tạo ra một môi trường làm việc tốt, cơ hội học tập, thăng tiến đối với một bác sỹ trẻ là những yếu tố quan trọng nhất đối với một bác sỹ, thu nhập chỉ đứng hàng ưu tiên thứ tư. Ông Nguyễn Hoàng Bắc đưa ra dẫn chứng rằng, Bệnh viện Y - Dược TP. HCM có doanh thu từ năng lực khám chữa bệnh là 12 tỷ đồng/tháng, nay đã đạt 40 tỷ đồng/tháng, giá thành điều trị tại bệnh viện này luôn thấp hơn so với rất nhiều bệnh viện khác tại TP.HCM.
Ông Bắc khẳng định, việc bệnh viện có quá tải hay không là do quan niệm, vấn đề là cần phải thay đối cung cách tư duy trong quản lý. Hiện nay, hoạt động của bệnh viện do thị trường quyết định. Vì vậy, cần phải tạo nguồn bệnh, nâng chất lượng điều trị, để bác sỹ luôn tất bật với công việc của mình trong điều kiện làm việc tốt nhất, chứ không phải để họ mệt mỏi với chuyện “cơm - áo - gạo – tiền”.
Cho nên, cổ phần hóa hiện được xem là xu thế tất yếu trong quá trình đổi mới hoạt động của nhiều bệnh viện. Theo Giám đốc Sở Y tế Hải Dương Nguyễn Thành Công, cổ phần hóa cũng là một cách đổi mới hoạt động bệnh viện. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nước ngoài cũng cảnh báo rằng, việc cổ phần hóa bệnh viện cũng cần được tính toán kỹ. Tại Mỹ, cổ phần hóa bệnh viện kéo theo vấn đề tài chính, có nghĩa là, khi nhập viện bệnh nhân phải chứng minh được khả năng tài chính của mình trước khi được cung cấp các dịch vụ y tế. Chính vì thế, việc cổ phần hóa các bệnh viện cũng cần có một lộ trình thích hợp, nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân.
Hằng Thu
http://www.anninhthudo.vn/TIANYON/Index.aspx?ArticleID=2566&ChannelID=5