Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Hải chiến Hoàng Sa 1974: Vác bụng bầu chạy tìm xác chồng

 

(TNO) Cuộc chiến dù thành hay bại thì vẫn có sự hi sinh và chia ly mất mát. Người chết thì đã chết, còn lại những người mẹ, người vợ ở quê nhà phải sống chung cùng nỗi đau quặn thắt khi mất người thân.



Hải chiến Hoàng Sa 1974: Vác bụng bầu chạy tìm xác chồng4
Đào giếng nước ngọt ở Hoàng Sa - Ảnh chụp lại tư liệu Kỷ yếu Hoàng Sa
Lãnh tử ngày 28 Tết
Bà Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1948, là vợ người lính địa phương quân Trần Văn Hảo, sinh năm 1938, nhận nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa.
Đầu năm 1974, ông Hảo nhận Sự vụ lệnh lên đường đi Hoàng Sa 6 tháng, nghe tin chồng đi lính biển, bà Lan như hồn treo cột buồm.
Lúc này hai vợ chồng đã có 4 người con, vắng chồng, một mình bà tảo tần buôn gánh bán bưng mưu sinh.
“Ngày 28 Tết (20.1.1974), đơn vị ổng báo về Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm giành đảo, chưa rõ địa phương quân sống chết ra sao”, bà Lan kể.
Khi đó bà Lan đang mang thai anh Trần Văn Vinh (sinh năm 1974) phải ôm bụng bầu tức tốc vượt sông Hàn qua biển Đà Nẵng tìm chồng trong số xác hải quân đưa về.
Bà Lan thẫn thờ suốt mấy ngày Tết chờ xác, không ăn uống vừa lo cho 4 đứa con nhỏ vì đứa đầu lớn nhất mới 9 tuổi nên tiều tụy rất nhanh.
“Đơn vị nói làm giấy lãnh tử, tui làm rồi và được hẹn cuối tuần vô nhận, nhưng rồi mấy ngày sau, anh tui trên Tây nguyên đọc được tờ báo đâu ở Sài Gòn thấy tên và ảnh ông Hảo bị bắt làm tù binh nên mới gửi thư thông báo tui biết”, bà Lan kể lại.
Hải chiến Hoàng Sa 1974: Vác bụng bầu chạy tìm xác chồng
Bà Nguyễn Thị Lan và ông Trần Văn Hảo - Ảnh: Nguyễn Tú
Sau 3 tháng bị cầm tù, ông Hảo được trao trả về nước nhưng dường như đã trở thành người khác. Bà Lan kể từ đó ông Hảo hay thẫn thờ như chưa dứt được ám ảnh về ký ức kinh hoàng bị kẻ thù tấn công vào đảo và rất nhiều đêm giật mình bởi ác mộng.
Từ đó ông Hảo làm việc gì cũng không tập trung đầu óc, ông đạp xe thồ một thời gian thì xin đi phụ thợ hồ ở công trình xây dựng.
Rồi tai nạn lao động xảy ra, ông càng thêm ngơ ngẩn khi bị chấn thương sọ não.
Lúc đó hai vợ chồng đã có 7 người con, bà Lan một tay gạt nước mắt, một tay gánh hàng rong bươn chải nuôi gần chục miệng ăn trong gia đình, tài sản trong nhà lần lượt ra đi để điều trị cho ông Hảo.
Hiện đầu óc ông Hảo vẫn còn chút tỉnh táo nhưng đôi chân thì nhiều năm qua đã không đi lại được.
“Thương ổng, ngày xưa tui nói ổng trốn lính để còn sống cho vợ cho con mà không được, thôi thì phận làm vợ mình ráng vì chồng, vì con mà sống vậy”, bà Lan ngậm ngùi.
Bị bắt trước ngày cưới
Một người vợ, người mẹ khác của lính bảo vệ Hoàng Sa sau trận hải chiến 1974 cũng phải lặn lội ôm bụng bầu tìm xác chồng những ngày giáp Tết năm đó là bà Nguyễn Thị Mỹ, sinh năm 1947.
Bà Mỹ là vợ trung sĩ công binh Nguyễn Văn Cúc, theo giấy tờ sinh năm 1952, Đại đội 812, Tiểu đoàn 81 công binh kiến tạo, Quân đoàn 1, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hai vợ chồng có con đầu vào năm 1971, ông Cúc làm lính công binh thường xuyên vắng nhà, bà Mỹ trồng hoa ở làng hoa Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng với mẹ chồng và chăm con.
Hải chiến Hoàng Sa 1974: Vác bụng bầu chạy tìm xác chồng1Bà Nguyễn Thị Mỹ và ông Nguyễn Văn Cúc - Ảnh: Nguyễn Tú
Hải chiến Hoàng Sa 1974: Vác bụng bầu chạy tìm xác chồng2
Bà Mỹ và ông Cúc trước lúc ông Cúc ra đảo Hoàng Sa 1974 - Ảnh ông Cúc cung cấp
Đầu năm 1974, đội công binh của ông Cúc nhận lệnh đi Hoàng Sa để lấy mẫu đất khảo sát xây dựng sân bay.
Lẽ ra ông Cúc không có trong danh sách này vì bà Mỹ đang mang bầu đứa thứ 2 và trong năm 1973 ông Cúc đã 2 lần ra Hoàng Sa xây bể ngầm chứa nước ngọt.
Nhưng thiếu người vào phút cuối, ông Cúc lại có bằng lái tàu nhờ từ nhỏ đã theo gia đình ra khơi đánh cá nên đơn vị đưa vào danh sách.
“Hồi đó giáp Tết rồi, đài đọc nghe chết nhiều lắm tui phát hoảng, suốt ngày tui với mẹ chồng ôm đài ngóng tin”, bà Mỹ nhớ lại.
Một tháng sau, khi báo chí Sài Gòn đưa tin Trung Quốc trao trả 5 người bị bắt ở Hoàng Sa, trong đó có ông Cúc đang bị thương ở chân, thì bà Mỹ mới thở phào nhẹ nhõm.
Một người lính khác bị chia lìa hạnh phúc lứa đôi trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 là ông Lê Lan, sinh năm 1952, quê quán xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, y tá quân khu Tiểu khu Quảng Nam.
Lần đầu ông Lan ra Hoàng Sa khoảng giữa mùa thu 1971, chàng y tá 19 tuổi khi ấy là người trẻ tuổi nhất trong chuyến đổi quân đợt 45 ở Hoàng Sa.
Sau 3 tháng hoàn thành nhiệm vụ, ông Lan trở về đất liền; đến tháng 10.1973 thì tiếp tục ra Hoàng Sa đổi quân đợt 54.
Ông Lan kể khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa ngày 19.1.1974, thì chỉ còn một tuần nữa là ông Lan kết thúc chuyến công tác và sẽ về nhà cưới vợ.
Dự định là vậy nhưng “chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu và giữ lấy đảo vì đảo là chủ quyền của chúng ta, nhưng chúng (Trung Quốc) đông quá cùng tàu chiến nhiều, cuối cùng chúng cũng chiếm được Hoàng Sa”, ông Lan nói.
Ông Lan nhớ trên đảo có 32 người Việt Nam bị bắt làm tù binh, khi đưa về đảo Hải Nam (Trung Quốc) thì có thêm 21 người Việt Nam khác cũng bị bắt giữ.
Một tháng sau, ông Lan được trao trả về cho chính quyền Sài Gòn.
Nguyễn Tú
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 3: Tương quan lực lượng
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 4: Nổ súng chống giặc
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 5: Bỏ mình vì nước
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 1: Bàn cờ nước lớn
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 2: Hoàng Sa ở Hội đồng Bảo an LHQ
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 3: Toan tính của Trung Quốc
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 1)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 2)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 3)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 4)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 5)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 6)
>> Một sự thật khác về Hải chiến Hoàng Sa (?)
>> Hải chiến Hoàng Sa: Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH ngày 19.1.1974
>> Hải chiến Hoàng Sa: Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
>> Danh sách các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hi sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa
>> Tài liệu Trung Quốc về Hải chiến Hoàng Sa: Lần đầu hé lộ về vũ khí
>> Tài liệu Trung Quốc về Hải chiến Hoàng Sa: Tưởng Giới Thạch không hợp tác với đại lục?
>> Hải chiến Hoàng Sa 1.1974: Trận chiến không chỉ 30 phút