Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Nếu đi hết biển...


chungdokwan

Đạo diễn Trần Văn Thủy của “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai” kể lại một câu chuyện đơn sơ nhưng vô cùng cảm động
Đạo diễn Trần Văn Thủy của “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai” kể lại một câu chuyện đơn sơ nhưng vô cùng cảm động. Bà thím nhà quê của ông khi trả lời câu hỏi của đứa cháu "Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím?". Bà trả lời rành rẽ hết làng này sẽ đến làng kia, hết làng kia sẽ gặp làng nọ. Đến ngôi làng cuối cùng sẽ gặp biển. “Thế đi hết biển thì đến đâu hả thím?”. Bà trả lời buồn bã "Đi hết biển đến đâu thì thím không biết…”. Khi lớn lên đã đi nhiều nơi trên thế giới, qua nhiều xứ sở văn minh nhưng xa lạ, một ngày kia ông bỗng nhận ra câu trả lời: "Bây giờ cháu đã biết rồi thím ạ! Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các Châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, về làng mình thím ạ!…”
 
Hình: internet
Về làng mình!
Chỉ gọn ghẽ vài từ thế thôi mà sao ta phải đi hết cả cuộc đời mới hay, mới biết. Cũng như tôi, đi gần hết cuộc đời mới biết có làng để về, để gặp tưởng như ai cũng có thể mà đâu phải vậy. Tôi là kẻ chẳng có làng mà về, mà gặp mỗi cuối năm, mỗi lần Tết đến. Nhưng "về “ là khái niệm tượng trưng. Người có quê cứ về quê, kẻ không có quê sẽ về kiểu của mình.
 
Hình: internet
Mỗi năm tôi đều quay trở lại xóm cũ thời thơ ấu. Một xứ đạo như mọi xứ đạo vùng Ngã ba Ông Tạ. “Từ Thức về làng” chính là trường hợp của  tôi khi đi lại trên những đường ngang ngõ tắt đã thuộc như lòng bàn tay nơi xóm đạo này. Đi và nhớ lại từng gương mặt bạn bè, từng bãi ruộng, bờ ao. Đi và đứng tần ngần trước cửa một ngôi nhà nào đó rồi rụt rè hỏi “T còn ở đây không?…” mười lần hỏi, đủ mười lần gặp câu trả lời “Không biết ai tên ấy…” mới giật mình nhớ ra khi ta quay về xóm cũ thời gian đã là…nửa thế kỷ mất rồi. Nửa thế kỷ nghĩa là đã gần hết một đời người, thời gian, cảnh vật con người đã thay đổi xiêu tán hết cả. Năm nào cũng về và năm nào cũng quên mất điều bình thường ấy. Ruộng rau muống nơi lũ trẻ trong ấy có mình ngày xưa thường thả diều nay đã là những khu phố mới "Thương hải biến vi tang điền…" lâu rồi mà ký ức chưa chịu quên. Lại trở về ngôi nhà cũ của mình nay vẫn là quán cà phê như cái quán cà phê xưa của mẹ. Vào ngồi yên lặng, lại hỏi thăm chủ quán có biết người chủ ngày xưa ở đây vẫn gặp cái lắc đầu vì lẽ ngôi nhà này đã qua mấy đời chủ,ai biết được người chủ ban đầu, ai biết được thằng nhóc 10 tuổi bây giờ đã là người đàn ông trên 50 tuổi ngồi đây hỏi chuyện…Chẳng ai biết. Tôi không sinh ra ở làng, tôi lớn lên ở đây ngay tai Sài Gòn nghĩ lại cũng là điều hiếm, hơn 50 năm có đi đâu, lưu lạc nơi nào thì cũng vẫn cứ ngay trong Sài Gòn nghĩa là như chẳng đi đâu hết, nghĩa là chứng kiến bao nhiêu là đổi thay, biến động của mảnh đất này. Mỗi năm có về chính là về tìm lại tuổi thơ đã mất, tìm lại những gương mặt từng lê la ao ruộng bắn chim, tát cá, thả diều với mình mà nay hầu hết đều không gặp lại. Có người định cư nước ngoài, có kẻ đã ngồi trên tủ thờ vì chiến tranh tao loạn… Nghĩ mình như thế vẫn may, vẫn sống, vẫn như loanh quanh một đời nơi đã sinh ra, đã lớn lên, đã sống. không phải làng mà như về làng. Ký ức vẫn nguyên vẹn, sống động, những thước phim cũ vẫn mới nguyên. Vừa thích thú, vừa pha chút muộn phiền. Cái nhớ nhung nào mà không gây bồi hồi, cảm thán? Đêm qua, một email gửi về từ xứ người xa xôi hỏi “Anh có phải con bà…ở xóm…nhà có cây vú sữa trong sân cạnh nhà ông…”. Thế là biết ngay gặp lại một người quen xóm cũ sau 40 năm thất lạc. Email hỏi xóm cũ thế nào? Ai còn ai mất? thì bài viết này thay câu trả lời phần nào câu hỏi ấy. Anh cứ về mà đi như tôi sẽ thấy mình thành Từ Thức về làng ngay thôi.
 
Hình: internet
Nếu đi hết biển…
Tôi cũng đã đi, thoạt đầu đi từ nơi tuổi nhỏ của mình như qua làng khác. Từ đó phiêu dạt đi nữa, đi mãi cho đến ngày kia thấy mình đã ở bên kia Đại Tây Dương, thấy dấu giày của mình in trên hè phố xứ người…Vậy là ta đã đi hết biển, đã băng qua đại dương mênh mông hơn nửa vòng trái đất. Hết biển rồi, hết đại dương rồi thì gặp gì? Gặp lại lòng mình “nhớ nhà châm điếu thuốc…” và cười một nụ nhẹ nhàng "Thế nhé! Đã đi rồi nhé, đã đến rồi nhé, đã gặp rồi nhé, đã thấy rồi nhé!…” và ta lại về, và ta (quả thật) gặp lại làng trong nỗi nhớ nhung từ ngọn gió se lạnh cuối năm, từ cái nắng vàng hanh cuối năm, từ tiếng lích chích rất nhẹ con chim sẻ trên mái phố buổi chiều đầy gió…
Nếu đi hết biển…
 
Tôi sẽ gặp con ngõ ngày xưa mẹ thường ngồi với gánh chè xôi cho lũ trẻ dưới chân cột đèn. Con ngõ còn đó, cột đèn còn đó chỉ mẹ vắng lâu rồi. Mẹ à! Con thường đến đấy mỗi cuối năm khi Sài Gòn tản gió, đến ngồi im lặng bên vỉa hè và khi đứng lên con thường cắm xuống chân cột đèn một nén nhanh thơm cho mẹ.
Con đã đi hết biển…Con đã về “làng”…Về làng con lại gặp mẹ.
A! Nếu đi hết biển thì con gặp mẹ!
Đơn giản thế là cùng…

Có những người Việt xấu xí

TT - Tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt giữ, tổ bay bị cảnh sát Nhật điều tra về hành vi vận chuyển hàng ăn cắp. Đây không phải lần đầu tiên người Việt bị điều tra vì hành vi này tại Nhật. Vì sao?

>> Tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật
>> Tiếp viên hàng không phải giữ bộ mặt quốc gia
>> Vụ tiếp viên bị bắt tại Nhật, đình chỉ năm thành viên tổ bay

Nhà nghiên cứu Tai Odaka - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại VN, ông Tai Odaka (Nhật Bản) chia sẻ với Tuổi Trẻ những câu chuyện liên quan đến người Việt ở Nhật (cuộc trò chuyện diễn ra bằng tiếng Việt).
* Giáo sư NGÔ ĐỨC THỊNH
(nhà nghiên cứu văn hóa):
Cái xấu phản tỉnh
Lâu nay người Việt chỉ quen nói đến những cái tốt mà ít khi động đến cái xấu của mình. Việc nằm ngủ quá lâu trên giấc mơ tốt đẹp đến giờ phải trả giá. Những vụ việc liên quan đến ăn cắp, tham nhũng vừa rồi rất đáng xấu hổ. Ăn cắp không phải đến bây giờ mới diễn ra mà có từ rất lâu rồi. Nhưng trong một xã hội thiếu lành mạnh thì cái xấu càng bộc lộ ra nhiều hơn.
Thật ra, phải nhìn nhận mọi việc ở hai khía cạnh. Thứ nhất, cá nhân phải chịu trách nhiệm về nhân cách của họ. Thứ hai là môi trường xã hội bây giờ dễ dẫn người ta đến hành vi như vậy.
Nhưng ở một khía cạnh nào đó, việc cái xấu bùng ra cũng là một cách cảnh tỉnh, cảnh báo cho xã hội mà tôi gọi là cái xấu phản tỉnh. Sẽ có nhiều người phải đặt câu hỏi: hóa ra dân tộc mình cũng có những tính xấu đó? Tôi nghĩ truyền thông phản ánh những mặt xấu đó còn có tác dụng đến nhân cách ứng xử của con người hơn là những lời khen ngợi.
H.HƯƠNG ghi

* Gần đây, một tiếp viên Hãng hàng không VN (Vietnam Airlines) đã bị bắt giữ vì nghi có liên quan đến đường dây chuyển đồ ăn cắp tại Nhật về VN. Ông bình luận như thế nào về câu chuyện này?
- Tôi nghĩ rằng bối cảnh của vụ này có cái chung và cái riêng. Cái chung là mọi vụ trộm cắp đều bắt nguồn từ điều kiện kinh tế - xã hội của VN. Trong nước đang có nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên bất kể ai có điều kiện thì đều tận dụng vị trí của mình để tăng thêm thu nhập.
Hiện nay người Việt sang Nhật đông hơn trước, trong đó chắc chắn có nhiều người am hiểu về nước Nhật, tức là nhiều người biết hàng xách tay không phải chỉ là hàng hóa đàng hoàng mà cũng có hàng “tiêu cực” nhưng cứ lờ đi miễn rẻ tiền là được. Bây giờ người có kiến thức cũng như người giàu khá nhiều rồi, vậy tại sao ngay trong nước không lên tiếng hãy đừng mua bán những “hàng hóa tiêu cực” đó? Tôi cho rằng VN vẫn đang ở giai đoạn thay đổi, tức vẫn non trẻ. Trong xã hội chưa được thiết lập một tiêu chuẩn về lối sống có tính đạo đức một cách vững vàng.
* Trước đây có một số tiếp viên, lưu học sinh, lao động xuất khẩu người Việt cũng liên quan đến chuyện ăn cắp tại siêu thị Nhật. Ông nghĩ sao khi có siêu thị, trung tâm thương mại ở nước ngoài treo các biển cảnh báo cấm ăn cắp bằng tiếng Việt? Ông có lời khuyên nào cho những người Việt?
- Tôi nghĩ sự giao lưu giữa hai nước càng sâu rộng thì tiêu cực cũng tăng lên. Đó là điều không thể tránh khỏi. Tôi không biết đã có siêu thị Nhật nào từng treo biển cảnh báo bằng tiếng Việt hay không. Thông thường người Nhật không dám phân biệt đối xử với người nước ngoài như vậy. Nếu đã từng có thì chắc là tình hình quá căng thẳng.
Theo tôi, tất cả cơ quan, tổ chức liên quan đến xuất khẩu lao động, nhà trường nên xem xét lại khâu định hướng cho người đi nước ngoài học tập và lao động. Đối với người đi học thì giáo dục định hướng sang Nhật để làm gì, sau khi quay trở lại nước mình sẽ làm gì... Nếu chỉ là đi kiếm tiền thôi thì suy nghĩ chưa sâu sắc lắm, hãy chỉ cho họ cái nhìn lâu dài hơn. Đối với các bạn đi dạng tu nghiệp (hiện nay gọi là thực tập sinh kỹ thuật) thì không chỉ kiếm tiền mà có thêm tay nghề và nâng cao trình độ tiếng Nhật để sau khi về nước có công ăn việc làm tốt hơn. Còn tiếp viên thì tôi chịu, vì việc này là thuộc về Hãng hàng không quốc gia VN rồi.
* Ông từng tham gia hỗ trợ cảnh sát Nhật Bản trong các vụ án liên quan đến người Việt với tư cách phiên dịch tiếng Việt. Những cuộc làm việc như vậy đã diễn ra như thế nào? Thái độ của những người Việt khi bị cảnh sát Nhật thẩm vấn ra sao, thưa ông?
- Khi tôi bắt đầu học cao học tại Nhật, tức là đầu những năm 1990 thì bắt đầu xảy ra một số vụ trộm cắp do một số người Việt sinh sống tại Nhật gây ra. Họ là những người định cư chứ không phải mới từ VN sang. Những món hàng mất mát ban đầu là xe máy, ngoài ra họ cũng đi phá những máy Pachinko (một dạng máy đánh bạc phổ biến tại Nhật được luật pháp cho phép, người chơi đánh viên bi vào đúng những lỗ trong máy thì sẽ được thưởng tiền) để lấy tiền. Sau đó là trộm cắp mỹ phẩm, máy ảnh, máy quay phim... Hồi đó cảnh sát Nhật chưa quen người Việt như bây giờ, tức là không hiểu nổi phương pháp trộm cắp vì hành vi hoàn toàn khác với người Nhật. Trong quá trình kiểm tra giấy tờ, họ cứ thắc mắc tại sao những nghi phạm này đã định cư tại Nhật mà cứ hay đi đi lại lại giữa Nhật và VN như đi chợ buôn bán.
Hồi đó tôi mới bắt đầu nghiên cứu về VN nên có ấn tượng rất mạnh là phần lớn người bị bắt không bao giờ khai tội của mình trong khi bằng chứng thì đầy đủ, vì thông thường người Nhật sẽ khai hết nếu chẳng có gì để chối cãi. Đã có bằng chứng rõ ràng thì thà khai thật ra cho xong việc, làm thế để nhẹ người mà sau khi bị tuyên án có tội thì khả năng được giảm nhẹ tội sẽ cao hơn. Nhưng người Việt thì không làm vậy. Họ cứ cãi bằng được, làm cho ấn tượng càng xấu đi vì họ không hiểu cách nghĩ của người Nhật. Khi gặp trường hợp này, cảnh sát Nhật xác định người này khó mà tiến bộ nên phải cho ở tù dài hơn... Hồi đó tôi vừa phiên dịch vừa tìm hiểu người Việt nên những điều này làm cách nhìn của tôi đối với người Việt hơi lộn xộn. Dĩ nhiên bây giờ tôi cũng hiểu được nhiều hơn so với thời điểm đó.
* Ông suy nghĩ như thế nào khi ngày càng nhiều người nói đến cụm từ “người Việt xấu xí”?
- Thật ra tôi không có quyền bình luận về việc dân tộc này hay dân tộc kia xấu xí. Nhưng tôi xin phép nêu ra một số điều như sau, mang ý nghĩa đóng góp. Đó là một số sự khác biệt giữa hai nước, hai dân tộc mà tôi đã từng cảm thấy một cách rõ rệt như:
- Người Nhật hay đòi hỏi vệ sinh trong ăn uống hoặc nhà vệ sinh hơi chi tiết. Trong khi đó nhiều người Việt rất đơn giản trong chuyện này (tôi không dám nói bên nào tốt bên nào xấu).
- Khi đi công tác thì người Nhật chú trọng nội dung công việc nên hay bỏ bớt chuyện cá nhân, nhưng người Việt thì đôi khi rất nặng nề chuyện mua bán, quà cáp cho người nhà và đồng nghiệp...
- Người Nhật hơi nghiêm khắc về giờ giấc trong việc hẹn hò nhưng người Việt hơi thoải mái.
- Người Nhật không bận tâm nhiều về hàng “made in China” nhưng người Việt thì khác. Có lẽ người Nhật đã biết chọn hàng “made in Japan” thì phải chấp nhận giá cao hơn.
- Người Nhật nói nhiều câu “cảm ơn” trong giao tiếp hằng ngày nên người Việt gặp người Nhật mà dùng nhiều từ này thì càng gần gũi nhau.
- Người Nhật có thói quen truyền đạt những thông tin cần thiết cho những người khác sau khi kết thúc công việc nào đó. Họ làm hơi chi li nhưng nó mang lại nhiều lợi ích sau này. Nhưng tôi thấy người Việt không chú trọng mấy việc này. Theo tôi, người Việt cũng nên làm điều này vì như thế năng suất sẽ được nâng cao hơn.
HÀ HƯƠNG thực hiện

* ĐOÀN NGỌC DUY (33 tuổi, Q.9, TP.HCM)
Xấu “hùa”
Tôi không dám bao quát “tính xấu của người Việt” mà chỉ nói về tính xấu của nhiều người tôi đã gặp (nhấn mạnh tính xấu chứ không phải tính cách), đó là tham lam, vô kỷ luật và không dám chịu trách nhiệm những việc mình làm. Người ta đua chen, lừa bịp nhau, phớt lờ quy tắc và mặc kệ tác hại có thể gây ra cho người khác, chỉ cần thu về lợi ích cho bản thân.
Tuy nhiên, tôi không cho rằng nông nỗi này do lỗi của văn hóa. Tính cách dân tộc nào cũng có xấu có tốt, nhưng cách quản lý xã hội lỏng lẻo, bất hợp lý đã vô tình tạo điều kiện cho tính xấu ngày càng bành trướng, tính tốt càng bị chèn ép mất hút. Đầu tiên là một số ít lợi dụng sự lỏng lẻo để lách, rồi họ thu được lợi thay vì bị phạt, vậy là số đông hùa theo, làm theo, hành vi xấu nhanh chóng nhân rộng. Một người không xếp hàng nhưng vẫn được bán vé trước, vào trước, số còn lại sẽ không xếp hàng nữa. Một số ít hay đi trễ nhưng vẫn được chờ đợi, số người đi đúng giờ sẽ rút kinh nghiệm không đúng giờ nữa, làm thành một tập thể trễ nải, như chuyện đi đám cưới. Anh đút lót, mọi sự dễ dàng hơn thì tôi dại gì đi đường chính vòng vèo... Không có sự nghiêm minh, công bằng thì người ta sẽ tìm cách đạt lợi ích bằng hành vi xấu. Lâu dần lan dần thành thói quen, thói xấu của cả cộng đồng.
* NGUYỄN THỊ HOÀNG NGÂN
(24 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Không biết mình xấu
Người Việt mình có nhiều tật xấu, trong đó tật xấu nhất là... không ý thức được đó là những tật xấu và chúng xấu đến mức độ nào. Nhiều người không muốn tiếp thu những lời phê bình thẳng thắn. Khi bị chê trách, họ hay phản ứng bằng kiểu thái độ “có gì to tát đâu, ai chẳng vậy” hoặc “bạn hơn gì tôi mà bạn nói, biết gì tôi mà nói”. Bảo thủ nhưng lại không có chính kiến. Tôi thấy đa số người trẻ rất dễ hùa theo những cái gọi là trào lưu. Người ta ghét cái gì, mình ghét cái đó. Nhiều “anh hùng bàn phím” cực lực “ném đá” một nhân vật, sự kiện dù chưa biết đầu cua tai nheo ra sao.
Người Việt cũng hay thấy cái lợi trước mắt cho bản thân chứ không màng cái hại lâu dài cho cộng đồng. Nhà mình giữ sạch nhưng ra đường thì xả rác. Vượt đèn đỏ tranh thủ nhanh được vài giây nhưng lại làm ách tắc cả ngã tư. Xe chở bia bị tai nạn, mạnh ai nấy vào “hôi”, chỉ biết mình kiếm vài lon bia chứ không quan tâm nạn nhân mất vài chục triệu. Điện nước công cộng xài thả ga gần như không biết đó là thiệt hại của công.
HẢI THI thực hiện

 ------------------------------------
* Tin bài liên quan:

Chất xám của người Việt ở World Bank

Hai bài viết của người Việt trên trang World Bank. HM chụp từ màn hình.
Hai bài viết của người Việt trên trang World Bank. HM chụp từ màn hình.
Như một sự trùng lặp kỳ lạ, hôm nay thấy hai cái tên của người Việt xuất hiện cùng lúc trên trang nội bộ của World Bank Group. Đó là chuyên gia kinh tế hàng đầu (lead economist) Đinh Trường Hinh và chuyên gia kinh tế cao cấp (senior economist) Nguyễn Vân Trang. Một người ở lứa tuổi U50 và một ở U30. Chị Vân Trang thuộc thế hệ U30 đã là senior economist tại World Bank, chứng tỏ một tài năng trẻ.

Anh Đinh Trường Hinh: Muốn thoát nghèo hăy bắt đầu từ sản xuất công nghiệp nhẹ
Khi bàn về làm thế nào để các nước nghèo vượt lên, anh Hinh cho rằng, những quốc gia này phải bắt đầu bằng sản xuất nhỏ và công nghiệp nhẹ (manufacturing).
Kinh tế gia hàng đầu Trương Đình Hinh. Ảnh: WB
Kinh tế gia hàng đầu Trương Đình Hinh. Ảnh: WB
“Lịch sử kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt, các nước nghèo không thể tiến lên nếu không bắt đầu bằng những sản xuất nhỏ và công nghiệp nhẹ. Đó là một sự bắt đầu bắt buộc” Anh Hinh nói trong một cuộc phỏng vấn nội bộ.
Những người lao động kỹ thuật thấp như bán hàng rong, làm trong nhà hàng, có đôi chút cơ hội, nhưng hiệu quả thấp, thu nhập qua ngày đoạn tháng. Công nhân mỏ cũng vậy vì khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng ít tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Làm công nhân trong các nhà máy lại khác. Nó tạo ra thu nhập ổn định và không bị ảnh hưởng của mùa vụ, tạo ra kỷ luật và đạo đức của người lao động, cũng như cơ hội học hỏi về tạo ra kinh doanh.
Tuy nhiên, sản xuất nhỏ hay công nghiệp nhẹ, theo anh Hinh, ngược lại với công nghiệp nặng, các quốc gia nghèo lại cần sản xuất ra những hàng hóa cần thiết hàng ngày cho gia đình, làng xóm và cộng đồng như thức ăn, đồ uống, thuộc da, đồ gỗ hay cao hơn là gia công sắt thép hay đồ gia dụng.
Kiểu sản xuất nhỏ đó lại cần lượng lớn số lao động kỹ thuật thấp (tính hàng triệu) mà các nước kém phát triển có dư thừa. Dòng vốn đầu tư không cần lớn, công nghệ đơn giản và có sẵn. Thật tiện cho nước nghèo.
Khi kinh tế phát triển, từ chỗ sản xuất nhỏ tiến lên trình độ cao hơn, sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao và có nhiều lọai mặt hàng hơn. Trong quá trình dần hoàn thiện đó, quốc gia dần được công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Đầu thế kỷ 20, Nhật Bản từng sản xuất vải vóc và may mặc, nhưng nay họ đang sở hữu những nhà máy công nghệ cao và hàng hóa chất lượng tinh xảo và hiện đại.
Anh Hinh kết luận, lịch sử đã chứng minh, cách làm bắt đầu từ sản xuất nhỏ đã giúp các quốc gia cất cánh. “History has proven over and over again that only this approach works.”
Có nghĩa rằng, các nước nghèo như ở Châu Phi, châu Á, sẽ phải bị giam trong cái bẫy sản xuất nhỏ hay công nghiệp nhẹ một thời gian.
Anh Hinh cho rằng, hiện nay có xu hướng quốc gia đi từ nước thu nhập thấp lên thu nhập cao mất ít thời gian hơn. Châu Âu và Hoa Kỳ mất 100 năm mới qua được ngưỡng này. Nhật Bản mất 60 năm. Hàn Quốc và Đài Loan mất 40 năm. Với xu hướng toàn cầu hóa và công nghệ phát triển như Internet thì các nước nghèo ở châu Phi có thể chỉ mất 30 năm.
Anh Hinh có lấy ví dụ Việt Nam và Ethiopia. Năm 2009, Ethiopia có 8000 công nhân trong ngành sản xuất da, tạo được 8 triệu đô la xuất khẩu. Việt Nam có 600 ngàn công nhân, xuất khẩu 3,5 tỷ đô la và hiện đang lên tới 10 tỷ. Ethiopia nên bắt chước.
Theo Của Times, đây là một thông điệp khá hãy cho mục tiêu phát triển kinh tế nước nhà. Một cuốn sách “Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam” của anh Hinh cũng đã được xuất bản tại bằng tiếng Việt tại Việt Nam cùng chủ đề và đã có một số các đề nghị để tăng trưởng kinh tế.
Theo anh Hinh viết trong sách, nếu Việt Nam muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và tạo việc làm thì phải chuyển đổi cơ cấu chuyển dần công nhân từ khu vực nông nghiệp với năng suất lao động thấp và khu vực chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp sản phẩm nhập khẩu đơn thuần sang những hoạt động sản xuất với năng suất cao hơn.
Việt Nam cần giải quyết những vấn đề cơ bản trong ngành công nghiệp nhẹ. Cho đến nay phần đóng góp của công nghiệp nhẹ bị các số lượng tăng trưởng kinh tế che lấp nên các nhà làm chính sách chưa nhìn ra tầm quan trọng của ngành này. Ngoài ra, cuốn sách cho thấy có sự phân cực giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Đừng cố tiến thẳng lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khi lực lượng sản xuất và hạ tầng chưa sẵn sàng.
Chị Nguyễn Vân Trang: Kinh nghiệm giảm đói nghèo ở châu Á.
Trong khoảng 10 năm qua, nhiều quốc gia ở Đông Á, không chỉ Trung Quốc đã thành công trong giảm nghèo, vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009. Năm 2005, vùng này có 17,1% dân số thu nhập 1,25$/ngày (nghèo) thì năm 2010 đã giảm xuống 12,5%, trong điều kiện các chính sách quốc gia tại đây thường khắc nghiệt hơn ở Mỹ La tin và Đông Âu.
Kinh tế gia cao cấp Nguyễn Vân Trang. Ảnh: WB.
Kinh tế gia cao cấp Nguyễn Vân Trang. Ảnh: WB.
Có ba nguyên nhân chính: (1) Labor Income. Thu nhập từ lao động do công ăn việc làm mang lại đã đóng góp 40% cho giảm nghèo. Việt Nam và Campuchia thì tỷ lệ này có tới 70%, trong khi tại Timor Leste do chiến tranh (2001-2007) và xung đột làm cho việc làm bị mất, chương trình thoát nghèo bị chậm lại, (2)
(2) Non-labor income – Thu nhập ngoài lương. Bao gồm tài sản, đầu tư riêng của gia đính, trợ giúp xã hội, bảo hiểm… là những yếu tố quan trọng trong một số quốc gia.
(3) Demographic change. Thay đổi về dân số, nhất là tỷ lệ sinh giảm và người lớn có điều kiện đi làm, thu nhập cao hơn trên từng đầu người trong gia đình. Đó cũng là yếu tố quan trọng giảm nghèo nếu có chương trình kế hoạch hóa gia đình tôt.
Chị Vân Trang ở lứa tuổi trên dưới 30, có bằng tiến sỹ kinh tế MIT (Massachusetts Institute of Technology) năm 2008, thuộc hàng tài năng trẻ của World Bank (young professional). Những người được vào WB thuộc lớp Young Professional thường sau này trở thành nhà quản lý, kinh tế gia, hay chuyên viên hàng đầu thế giới.
Tôi cũng chỉ tóm tắt hai bài này gửi bạn đọc. Toàn bài có thể tham khảo trong một entry riêng bằng tiếng Anh, dành cho bạn đọc nào biết và muốn nghiên cứu về kinh tế.
Chiều thứ 6, mọi người về hết. Tự nhiên thấy vui vì người Việt ở World Bank. Chất xám của nước mình có ở khắp nơi, làm thế nào sử dụng nhân tài là một câu chuyện dài.
Có lẽ Cua Times sẽ phỏng vấn hai người và làm một entry riêng về con đường đi lên của họ tại tổ chức quốc tế này.
Cũng rất vui vì cả hai người cũng tham gia đóng góp cho Nhịp cầu Hoàng Sa vừa rồi.
Chúc các bạn vui đi làm đầu tuần.
HM. 30-1-2014
PS. Bài viết này theo yêu cầu của độc giả Phùng Văn Nhân, hãy viết về những gì tốt đẹp của người Việt khắp năm châu. Cảm ơn bác Nhân.
Toàn bài bằng tiếng Anh ở đây
Bìa cuốn sách của anh Đinh Trường Hinh.
Bìa cuốn sách của anh Đinh Trường Hinh.

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Cầu Gành chứ không phải cầu Ghềnh

Biên Hòa có chiếc cầu nổi tiếng là cầu Gành. Đây là chiếc cầu cổ xưa nhất thành phố Biên Hòa có tuổi đời hơn 100 năm, và do kiến trúc sư lừng danh Eiffel của Pháp thiết kế. Hình ảnh chiếc cầu sắt cổ kính này gần như đã thành biểu tượng của Biên Hòa.




Cầu Gành - Ảnh: PHN

Khốn khổ thay, tên cầu đã bị gọi sai thành cầu Ghềnh gần bốn mươi năm nay. Vì đâu nên nỗi như vậy? Bạn hãy đọc đoạn trích bài viết sau của nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải) nhé:



Tất cả các báo, từ báo mạng đến báo chữ, từ báo trung ương đến báo tỉnh (gồm cả báo Đồng Nai); từ các nhà báo ở xa đến các nhà báo ở Biên Hòa, ở Đồng Nai... đều gọi tên chiếc cầu là CẦU GHỀNH. Có câu chuyện thế này: Một hôm có một người lạ đến Biên Hòa hỏi thăm một bác lớn tuổi đang ngồi uống cà phê vỉa hè, đường đi đến "Cầu Ghềnh". Bác này bèn trả lời: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa này, nay đã ngoại sáu chục tuổi rồi mà chưa nghe ai nói ở đây có cầu Ghềnh. Nếu cậu hỏi cầu Gành thì tôi biết, tôi chỉ đường cho".

Không phải chuyện đùa vì thực ra tên đúng của chiếc cầu là CẦU GÀNH. Riêng chữ Gành có nghĩa như trong địa danh GÀNH HÀO ở miền Tây.

Vậy thì các nhà báo đã viết sai tên chiếc cầu? Không! Họ viết đúng như bảng tên chiếc cầu được kẻ ở đầu cầuCẦU GHỀNH.

Ai đã gọi và cho kẻ bảng tên này? 

Một số người biết chuyện đã giải thích như sau:




Sau giải phóng 1975, một số cán bộ, công chức từ miền Bắc vào Biên Hòa làm việc, thấy tên "Gành" thì cho là viết sai nên đã tự sửa lại, gọi là "Ghềnh". Nhiều bài báo, sáng tác văn học đã dùng tên gọi "Cầu Ghềnh" cho đến tận ngày nay.

Việc kẻ bảng tên cầu không thuộc trách nhiệm của chính quyền sở tại (TP Biên Hòa, Đồng Nai), mà thuộc quyền Cục đường sắt (?) là đơn vị quản lý chiếc cầu thuộc tuyến Bắc Nam. Các vị có trách nhiệm ở đây đã chọn tên "Ghềnh" cho có nghĩa!

Cù lao Phố là tên thường gọi của xã Hiệp Hòa, một phía nối với các phường nội ô bằng chiếc cầu Rạch Cát (Gọi theo nghĩa tên nhánh sông Sa Hà mà nó bắc qua), phía kia nối với các phường ngoại ô về hướng TP HCM bởi chiếc cầu Gành. Nhiều người còn gọi chung cả hai chiếc cầu sắt này là "Cầu Gành". Những người sống lâu năm ở Biên Hòa đều gọi tên chiếc cầu là Cầu Gành. Trước 1975, trên giấy tờ, nó cũng mang tên Cầu Gành. 

Nếu bảo là "gành" và "ghềnh" cùng nghĩa, cần "viết lại cho đúng" thì không thuyết phục. Nói vậy có khác nào bảo người tên Dõng đổi thành tên Dũng, tên Võ đổi thành tên Vũ... Ở đây không phải là ngữ nghĩa, mà là chuyện CÁI TÊN. Đã là TÊN thì không thể thay đổi. Có người tên NIẾU, không có nghĩa gì nhưng không ai có quyền đổi tên của người này! Đằng này chữ GÀNH vừa là TÊN, vừa có nghĩa! Sao lại đổi?

Tôi chợt nảy ra ý định viết một lá đơn có nội dung kiến nghị các cấp chính quyền trung ương và địa phương, xác định và quyết định gọi tên đúng của chiếc cầu là CẦU GÀNH. Nhưng... cũng chợt nghĩ không biết mình mà làm việc này, có bị thiên hạ bảo là "khùng" hay không nữa?




Phạm Hoài Nhân ghi lại
Xem them:

Thiền viện Thường Chiếu


Thường Chiếu là một trong những thiền viện đầu tiên thuộc hệ thống Trúc Lâm thiền viện do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập, tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; đoạn cây số 76 - 77, quốc lộ 51. Ngày nay thiền viện Thường Chiếu là một điểm tham quan mà du khách thường ghé tới trên đường từ TPHCM đi Vũng Tàu. Thường Chiếu là pháp danh một vị thiền sư nổi tiếng đời Lý, thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Vô Ngôn Thông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Theo “Kỷ yếu 25 năm thiền viện Thường Chiếu”, thiền viện này hình thành vào những năm 1973 - 1974. Ban đầu, thiền viện là một ngôi chùa lợp lá tàu vách đất trên nền cao có sẵn bên cạnh cây bồ đề. Từ một vùng bạt ngàn cỏ tranh với tre gai, dứa dại và sình lầy... ngày nay thiền viện Thường Chiếu trở thành ngôi chùa thanh thoát và rợp ngời bóng mát, cảnh quan tôn nghiêm.Trong ảnh là tam quan trước lối vào thiền viện.


Bước qua tam quan, vào khuôn viên sân chùa lộng gió, du khách sẽ choáng ngợp trước một khung cảnh rộng lớn và xanh mát, yên bình. Phía trước chánh điện hai bên tả hữu là tháp chuông và tháp trống lớn. Trong ảnh là tháp chuông với góc mái cong vút.

Tháng 4-1986, chánh điện Thường Chiếu được khánh thành. Ngôi chánh điện sừng sững trang nghiêm giữa hai hàng cây tùng vút cao.

Bên trong chánh điện, nơi thờ Phật được trang trí rất thoáng và đẹp mắt theo mô hình tứ trụ của kiểu kiến trúc truyền thống chùa Nam bộ

Trong thập niên 1990, nhiều hạng mục khác được xây dựng, trùng tu như tổ đường, giảng đường, thiền thất và toàn bộ cơ sở nhà tăng, thư viện... Năm 1998, tổ đường thiền viện Thường Chiếu được đại trùng tu. Trong khu đất rộng 10 hecta, hiện nay thiền viện đang ngày càng được mở rộng và trở thành trung tâm của các thiền viện nổi tiếng khác trong vùng như thiền viện Viên Chiếu, thiền viện Linh Chiếu, thiền viện Huệ Chiếu, thiền viện Phổ Chiếu, thiền viện Liễu Đức…

Ngoài chánh điện, tháp trống, tháp chuông, thiền viện còn có tăng đường, thư viện, tông môn tàng thư - nơi lưu giữ nhiều bộ sách quý do hoà thượng Thích Thanh Từ dịch và biên soạn. Phía sau chánh điện là tổ đình trang nghiêm, trai đường; khu thiền viện còn có nhà khách, tăng thất, khu thiền thất, bệnh xá, nhà trù… Trong ảnh là nhà khách của thiền viện.

Tạm xa lánh chốn ồn ào đông đúc, dạo bước giữa một không gian rộng rãi, thoáng đãng, đầy bóng cây xanh và nghe văng vẳng đâu đây tiếng chim hót líu lo, lòng người du khách chợt thấy thanh tịnh lạ.

Bên dưới vườn cây xanh mát là những chiếc ghế đá được đặt ngay ngắn cho các du khách và Phật tử bốn phương nghỉ chân sau khi đi một vòng thăm thiền viện. Nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, là nơi dừng chân của rất nhiều du khách trên đường đi Vũng Tàu, và phật tử bốn phương tụ hội về.

Bài và ảnh: Nguyễn thị Bình An

Quốc lộ 13

Trước năm 1975, quốc lộ 13 là nơi diễn ra những trận đánh kinh hoàng giữa quân đội Giải phóng và quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ác liệt nhất là trận đánh An Lộc - Bình Long năm 1972.

Chiến sự dữ dội khiến cho đường 13 không lưu thông được vì mất an ninh. Mà khi chiến sự đã dừng thì cũng không lưu thông được, vì con đường đã bị đạn pháo cày nát.

Một bài hát trước 1975 (Những vùng đất mang tên anh) có những câu thế này:

Lộ Mười Ba dưới trận mưa pháo
Giọt nước mắt khóc linh hồn vô danh

Người dân thường nói: Tại quốc lộ mang tên 13, là số xui, nên mới thê thảm như vậy!

Quốc lộ 13 bắt đầu từ TPHCM, qua Bình Dương, Bình Phước (trước đây là tỉnh Bình Long). Từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột, con đường gần nhất là qua quốc lộ 13 rồi quốc lộ 14, khoảng 330 km. Thế nhưng vì không đi qua quốc lộ 13 được, nên phải đi đường vòng: từ TPHCM đi Nha Trang theo quốc lộ 1, rồi từ Nha Trang theo quốc lộ 26 sang Buôn Ma Thuột, mất 620 km. Tương tự như vậy, từ TPHCM đi Pleiku nếu đi theo quốc lộ 13, quốc lộ 14 chỉ khoảng 500 km, nhưng không qua lộ 13, 14 được, phải đi theo quốc lộ 1 tới Quy Nhơn, rồi từ Quy Nhơn theo quốc lộ 19 sang Pleiku, hơn 800 km!

Sau Giải phóng một thời gian dài, quốc lộ 13 (và 14) bị hư hỏng nặng nên vẫn không đi được.

Bây giờ, quốc lộ 13 đã mang bộ mặt khác hẳn.

PhotobucketMột quang cảnh ở quốc lộ 13, đoạn qua Thủ Đức

Từ Bình Thạnh (TPHCM) đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nối dài thành Quốc lộ 13, qua Thủ Đức. Khi sang địa phận Bình Dương, quốc lộ 13 thành Đại lộ Bình Dương - đại lộ lớn nhất tỉnh Bình Dương (và có lẽ cả vùng Đông Nam bộ).

Photobucket

Đại lộ Bình Dương

Qua khỏi Thủ Dầu Một (tỉnh lỵ Bình Dương), quốc lộ 13 không còn rộng rãi nữa, nhưng vẫn là con đường dễ đi, chứ không sặc mùi thuốc súng, máu lửa như ngày nào. Cảnh quan hai bên đường có phần xơ xác, nhưng cũng rất thú vị nếu bạn muốn... làm thơ!

Photobucket

Quốc lộ 13 ngày nay

Nhớ về một thời chiến tranh khi đi qua con đường 13 nổi tiếng có lẽ cũng là một cảm xúc đặc biệt trên đường đi các bạn ạ.

Con số 13 có lẽ không còn xui như ngày nào, nhưng có một điều không lấy gì làm vui khi bạn đi trên cung đường này (nếu đi bằng xe hơi). Đó là: Có lẽ đây là con đường có nhiều trạm thu phí nhất Việt Nam đó các bạn!

Ảnh màu hiếm về nước Nga những năm 1910

.    Chiêm ngưỡng Phòng Hổ phách huyền thoại của Nga hoàng
  • Hồi ức qua ảnh về vị Nga hoàng cuối cùng                                        

  • Đầu những năm 1900, nhiếp ảnh gia người Nga có tên Sergei Mikhailovich Prokudin-Gorskii đã đề xuất một cuộc nghiên cứu bằng hình ảnh về nước Nga và ngay lập tức được sự chấp thuận của Nga hoàng Nicholas II. Sau này, những bức ảnh của Prokudin-Gorskii đã trở thành các tài liệu lịch sử vô cùng quý giá.
    Giữa những năm 1909 và 1915, Prokudin-Gorskii đã đi xuyên nước Nga bằng tàu hỏa và chụp ảnh tại 11 vùng khác nhau.

    Điểm đặc biệt là tuy thời điểm đó chụp ảnh có màu là chưa thể nhưng Prokudin-Gorskii, từng là một nhà hóa học, đã thử nghiệm phương pháp chụp một vật thể 3 lần, mỗi lần sử dụng bộ phận lọc ánh sáng với màu đỏ, màu xanh lá cây và màu xanh nước biển. Sau đó qua một số công đoạn xử lý, những bức ảnh hiện ra có màu sắc sinh động.

    Ảnh chụp năm 1910 về một người phụ nữ Nga bên con sông bình lặng Sim, một nhánh của sông Volga vĩ đại.

    Nhóm trẻ em người Do thái chăm chú học bài cùng thầy, ảnh chụp năm 1910 tại Samarkand (nay là Uzbekistan).

    Một góc khu vực Sukhumi ở Abkhazia, ảnh chụp khoảng những năm 1910.

    Nhóm trẻ em Nga trên một sườn đồi gần tháp chuông ven Hồ Trắng năm 1909.

    Một nhà máy tại Kyn năm 1912.

    Những người phụ nữ ở Dagestan năm 1910.

    Nông dân sau nghỉ ngơi sau quãng thời gian thu hoạch năm 1909.

    Khung cảnh yên bình ở Mezhevaya Utka, năm 1912.

    Ảnh chụp công nhân say mê làm việc năm 1910.

    Công nhân đường sắt gần thị trấn Ust Katav năm 1910.

    Toàn cảnh của nhà thờ lớn Nikolaevskii ở phía tây nam Mozhaisk năm 1911.

    Một phụ nữ Armenia trong trang phục truyền thống gần Artvin (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

    Những cô thôn nữ Nga cùng các món ăn ngon mời khách tại thị trấn nhỏ Kirillov.

    Xe ngựa đơn sơ những năm 1910.


    H.Linh
    (Theo BP)

    Tòa Thánh cốt tre nổi tiếng thế giới của Việt Nam


    Tòa Thánh Tây Ninh (Thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh) của đạo Cao Đài có lẽ là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo nhất trên thế giới.
    Tòa thánh Tây Ninh được khánh thành năm 1947. Tổng thể công trình mang hình tượng Long Mã bái sư. Mặt tiền Tòa Thánh như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía Tây. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa lầu chuông và lầu trống là tòa nhà lầu với tầng trệt có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Khu vực Bát Quái Đài nằm phía cuối của Đền Thánh là phần đuôi của Long Mã. Một điều đặc biệt là công trình này được xây dựng bằng bê tông cốt tre.
    Nằm trên Tịnh Tâm Đài ở mặt tiền, Phi Tưởng Đài như cái trán với hai cửa được coi như hai con mắt. Giữa hai cửa là biểu tượng Thiên Nhãn. Trên cao có tượng Phật ngồi trên lưng hổ và tòa sen. Biểu tượng con hổ tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm Khai Đạo Cao Đài.
    Bức tranh Cao Đài Tam Thánh (ba vị Thánh của đạo Cao Đài) ở lối vào chính của Tòa Thánh, do Họa sĩ Lê Minh Tòng vẽ năm 1947. Từ trái sang phải: Tôn Dật Tiên, Victor Hugo và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
    Nền Tòa Thánh có 9 cấp gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp tương ứng với một phẩm cấp của tín đồ. Trên trần là 9 khoảng bầu trời với các hình vẽ mây, rồng và sao.
    Hai hàng cột bên trong Tòa Thánh được trang trí hình rồng, chạm khắc tinh xảo, màu sắc rực rỡ.
    Khu chính điện của Tòa Thánh là nơi thờ Thiên Nhãn - biểu trưng cho con mắt của Thượng Đế nhìn thấy rõ tất cả những hành vi thiện ác của khắp nhân gian, để khen thưởng hay xử phạt một cách công bình. Nơi đây có quả Càn Khôn lớn tượng trưng cho vũ trụ với Thiên Nhãn nằm trên vì sao Bắc Đẩu xung quanh là 3.072 vì sao tượng trưng 72 quả địa cầu và 3.000 thế giới.
    Xung quanh vách của Đại điện có những khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình Thiên Nhãn chính giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát ra.
    Ngoài lối vào chính, Tòa Thánh có 6 lối vào phụ, hai bên có tượng Kim Mao Hẩu (sư tử lông vàng - con vật Văn Thù Bồ Tát cưỡi trong tích truyện Phật giáo).
    Nghinh Phong Đài là một đài cao 17m, trên có tượng Long Mã mang Hà Đồ chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng Đông, hàm nghĩa “Đạo phát ư Đông, di ư Tây, phản hồi ư Đông” (Đạo xuất phát từ phương Đông, truyền qua phương Tây, rồi cũng trở về phương Đông).
    Tòa Thánh còn có nhiều biểu tượng ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt, giống như những lời tiên tri trong các sấm truyền đang chờ người giải đáp.
    Theo thiết kế ban đầu, Tòa Thánh dài 135m, rộng 27m, nền cao 1,8m. Tuy nhiên, khi mới khởi công xây dựng Tòa Thánh, Hội Thánh gặp khó khăn về tài chính nên khi thi công đã thu bớt lại kích thước trên. Kích thước thực tế chỉ còn dài 97,5m, rộng 22m.
    Tòa Thánh tọa lạc trong khu Thánh địa có diện tích khoảng 100 ha, có hàng rào bao bọc xung quanh. Chánh môn là cửa chính và là cửa lớn nhất trong 12 cửa ra vào nội ô Thánh địa. Cửa này thường đóng và chỉ mở vào các dịp đón tiếp nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các Tôn giáo.
    Từ Chánh môn có con đường dẫn thẳng hướng Đông, qua khuôn viên trung tâm Đền Thánh. Tại khuôn viên này có 3 Bửu tháp của Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư và Thượng sanh Cao Hoài Sang, được chạm đắp nhiều hoa văn, họa tiết tinh tế.
    Trước Tòa Thánh là một sân rộng gọi là Đại Đồng Xã với thảm cỏ xanh, với tượng Thái tử Si Đạt Ta (tên Đức Phật thời trẻ) ngồi trên lưng ngựa đi tìm đạo.
    Tiếp theo là Cửu Trùng Thiên (nơi đặt di cốt của các chức sắc Cao Đài được phong từ bậc Tiên trở lên để hành tang lễ) có hình bát quái với 9 bậc và được sơn ba màu vàng, xanh, đỏ. Hai bên có hai khán đài gọi là Đông khán đài, và một ở phía tây gọi là Tây khán đài, là nơi để tín đồ hành hương và du khách về xem rước Cộ mẫu vào các kỳ Đại lễ và trưng bày những gian triển lãm của tín đồ các châu đạo về dự lễ.
    Khoảng sân gạch trước cửu trùng thiên hướng ra cây Bồ đề cổ thụ do Đại đức Thera Narada, phó Tăng thống Phật giáo Srilanka, tặng cây con chiết từ cây Bồ đề ở Chùa Mahabodhi (Bồ Đề Đạo Tràng), Ấn Độ cho Tòa Thánh năm 1953. Cách cội bồ đề không xa có cột phướn cao 18m.
    Đạo Cao Đài là một tôn giáo được thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Đây là một tôn giáo có tính dung hợp các tôn giáo lớn mà chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và Kitô giáo. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Giê su, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm... Ước tính hiện tại, toàn đạo có khoảng gần 3 triệu tín đồ trong cả nước, sinh hoạt tại 38 tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở Nam Bộ.
    Với kiến trúc độc đáo, thể hiện một sự dung hòa của nhiều yếu tố tâm linh từ Đông sang Tây, Tòa Thánh Tây Ninh không chỉ là nơi hành hương của các tín đồ đạo Cao Đài mà còn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới tham quan mỗi năm.
    Nếu muốn quan sát cách hành lễ của các tín đồ đạo Cao Đài, du khách nên đến tham quan Tòa Thánh vào khoảng 12 giờ trưa, giờ Tòa Thánh tổ chức Thánh lễ.
    Được nghe những bài Thánh ca của đạo Cao Đài vang lên trên nền nhạc được diễn tấu bằng các loại nhạc cụ truyền thống là trải nghiệm khó quên đối với mỗi du khách khi ghe thăm Tòa Thánh Tây Ninh.
    Theo KIẾN THỨC