Thường Chiếu là một trong những thiền viện đầu tiên thuộc hệ thống Trúc Lâm thiền viện do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập, tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; đoạn cây số 76 - 77, quốc lộ 51. Ngày nay thiền viện Thường Chiếu là một điểm tham quan mà du khách thường ghé tới trên đường từ TPHCM đi Vũng Tàu. Thường Chiếu là pháp danh một vị thiền sư nổi tiếng đời Lý, thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái Vô Ngôn Thông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Theo “Kỷ yếu
25 năm thiền viện Thường Chiếu”, thiền viện này hình thành vào những năm 1973 -
1974. Ban đầu, thiền viện là một ngôi chùa lợp lá tàu vách đất trên nền cao có
sẵn bên cạnh cây bồ đề. Từ một vùng bạt ngàn cỏ tranh với tre gai, dứa dại và
sình lầy... ngày nay thiền viện Thường Chiếu trở thành ngôi chùa thanh thoát và
rợp ngời bóng mát, cảnh quan tôn nghiêm.Trong ảnh là tam quan trước lối vào
thiền viện.
Bước qua tam
quan, vào khuôn viên sân chùa lộng gió, du khách sẽ choáng ngợp trước một khung
cảnh rộng lớn và xanh mát, yên bình. Phía trước chánh điện hai bên tả hữu là
tháp chuông và tháp trống lớn. Trong ảnh là tháp chuông với góc mái cong
vút.
Tháng 4-1986,
chánh điện Thường Chiếu được khánh thành. Ngôi chánh điện sừng sững trang nghiêm
giữa hai hàng cây tùng vút cao.
Bên trong
chánh điện, nơi thờ Phật được trang trí rất thoáng và đẹp mắt theo mô hình tứ
trụ của kiểu kiến trúc truyền thống chùa Nam bộ
Trong thập
niên 1990, nhiều hạng mục khác được xây dựng, trùng tu như tổ đường, giảng
đường, thiền thất và toàn bộ cơ sở nhà tăng, thư viện... Năm 1998, tổ đường
thiền viện Thường Chiếu được đại trùng tu. Trong khu đất rộng 10 hecta, hiện nay
thiền viện đang ngày càng được mở rộng và trở thành trung tâm của các thiền viện
nổi tiếng khác trong vùng như thiền viện Viên Chiếu, thiền viện Linh Chiếu,
thiền viện Huệ Chiếu, thiền viện Phổ Chiếu, thiền viện Liễu
Đức…
Ngoài chánh
điện, tháp trống, tháp chuông, thiền viện còn có tăng đường, thư viện, tông môn
tàng thư - nơi lưu giữ nhiều bộ sách quý do hoà thượng Thích Thanh Từ dịch và
biên soạn. Phía sau chánh điện là tổ đình trang nghiêm, trai đường; khu thiền
viện còn có nhà khách, tăng thất, khu thiền thất, bệnh xá, nhà trù… Trong ảnh là
nhà khách của thiền viện.
Tạm xa lánh
chốn ồn ào đông đúc, dạo bước giữa một không gian rộng rãi, thoáng đãng, đầy
bóng cây xanh và nghe văng vẳng đâu đây tiếng chim hót líu lo, lòng người du
khách chợt thấy thanh tịnh lạ.
Bên dưới vườn
cây xanh mát là những chiếc ghế đá được đặt ngay ngắn cho các du khách và Phật
tử bốn phương nghỉ chân sau khi đi một vòng thăm thiền viện. Nơi đây từ lâu đã
trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, là nơi dừng chân của rất nhiều du khách
trên đường đi Vũng Tàu, và phật tử bốn phương tụ hội về.
Bài và ảnh:
Nguyễn thị Bình An