Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Nghi án hối lộ: Sao chỉ nước ngoài phát hiện?

-Nhìn vào những vụ tham nhũng có liên quan yếu tố nước ngoài ở ta thời gian qua, rất dễ nhận thấy là hầu hết vụ việc không phải do trong nước khui ra.
Nghi án hối lộ 16 tỷ: Tạm đình chỉ 2 Phó tổng GĐ đường sắt
"Nghi án" hối lộ: JTC, PCI và thanh danh quốc gia
Tại sao lại là... nước ngoài khui ra?
Thông tin Chủ tịch Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản hối lộ cho quan chức ngành đường sắt VN hơn 80 triệu Yen để trúng gói thầu tư vấn dự án đường sắt đô thị số 1 tại Hà Nội đang gây chấn động dư luận.
tham nhũng, hối lộ, đường sắt
Ảnh minh họa: Vũ Điệp
Báo Yomiuri Shimbun hôm 21-3 đưa tin ông Tamio Kakinuma - chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) - thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước VN, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.
Ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc họp với các đơn vị có liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 để làm rõ thông tin báo chí Nhật Bản đã phản ánh. Tại cuộc họp, ông Đinh La Thăng cho biết sẽ kiên quyết, khẩn trương kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, "bất kể người đó là ai".
Đây có lẽ là vụ việc mà những người có trách nhiệm ở Việt Nam vào cuộc nhanh và quyết liệt nhất.
Nhưng, nó cũng khiến ta không khỏi liên tưởng tới các vụ việc ồn ào khác thời gian qua, là câu chuyện đưa hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sĩ của công ty PCI (Pacific Consultants International), câu chuyện in tiền Polyme. Cả hai vụ án này cũng đều do nước bạn phát hiện ra, điều tra và xử lý. Thậm chí là ngay cả khi trong nước vẫn đang tiếp tục tranh luận…
Nhìn vào những vụ tham nhũng có liên quan yếu tố nước ngoài ở ta thời gian qua, rất dễ nhận thấy là hầu hết vụ việc không phải do trong nước khui ra. Có vụ việc báo chí nước ngoài viết, báo ta viết nhưng khi hỏi đến các cơ quan chức năng thì đều có câu trả lời rất giống nhau: Chưa nhận được thông tin.
Và khi ở nước ngoài đã đưa ra xét xử thì ngay trong nước, cơ quan chức năng vẫn trả lời kiểu úp mở. Thậm chí còn nói, phải mất cả năm để dịch tài liệu.
Sự thận trọng trong những vụ việc có liên quan đến đối tác nước ngoài là điều nên làm, nhưng khi mà người khác đã công khai và vào cuộc xử lý thì sự thận trọng có còn cần thiết?
Dư luận đặt câu hỏi vì sao ở Việt Nam cả hệ thống chính trị vào cuộc, đã thông qua luật và một hệ thống chuyên làm nhiệm vụ này, thế mà lại không phát hiện ra nhiều vụ việc lớn trong nước, nhất là những vụ có yếu tố nước ngoài? Phải chăng  trong địa hạt phòng chống tham nhũng vẫn còn thiếu “cái gì đó”?
Kiểm soát thay cho… làm phong trào
Thật ra chính quản lý tiền tệ là khâu yếu nhất, chưa phục vụ cho việc minh bạch công khai, chưa phục vụ cho chống tham nhũng.
Ở nước ngoài dòng tiền ở đâu đến, chi cho ai, cái gì… ngân hàng đều nắm chứ không có chuyện “chui” bí mật vào ví. Những chuyện như “cô em nuôi” cho tiền quan chức làm nhà; con của bí thư có tiền mua đất xây biệt thự hoành tráng, xây khu sinh thái; những vụ đưa hàng vali Đôla cho quan chức để nhận thầu như một lời khai… đều ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng và cơ quan chức năng, vì vậy cứ thả sức cho nhận “ngoài luồng”.
Những đồng tiền “bẩn” của ta không ai biết và cũng không ai quản lý được. “Lại quả” “hoa hồng” đã trở thành dịch, phá hỏng cả các mối quan hệ tốt đẹp. Càng “lại quả” cao càng được nhận dự án chứ không phải chỉ dựa mỗi trên năng lực thực tế.
Cho nên kê khai tài sản hay công khai thu nhập cũng chỉ là hình thức. Nếu tính thu nhập bằng lương thì ở ta ăn chưa đủ chứ nói gì đến chuyện xây dựng, làm nhà. Chuyện cho con đi du học của các quan chức cũng vậy, chỉ làm một phép cộng trừ thông thường thì chả có ai kể cả những người cao lương nhất của ta (không kể các doanh nghiệp) thì đều chỉ đủ ăn là may chứ không có khả năng cho con đi du học. Vậy số tiền đó ở đâu ra? Quản lý chặt chẽ thông qua ngân hàng là biết ngay.
Đây chính là một trong những lổ hổng để công tác phòng chống tham nhũng hiện nay chưa đạt yêu cầu. Chừng nào chúng ta chưa quản lý được dòng tiền thì câu chuyện kiểm soát, chống tham nhũng vẫn chỉ là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Quay trở lại vụ việc đang gây chấn động dư luận mấy ngày vừa qua. Phải nói sự nhanh nhạy kịp thời khi nhận và xử lý thông tin của Bộ GTVT là dấu ấn và là niềm tin ban đầu. Chưa tìm ra, chưa phát hiện nhưng kịp thời xử lý cũng là một bước tiến.
Được biết tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, JTC có mặt ở hầu hết các dự án liên quan đến đường sắt như các dự án an toàn giao thông đường sắt Bắc - Nam, xử lý cầu yếu, dự án đường sắt đô thị và cả dự án nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Chủ đầu tư các dự án này đều là Tổng công ty đường sắt VN.
Những vụ việc bị khui ra khi làm ăn với nước ngoài đã cho ta những kinh nghiệm quý báu để phòng chống tham nhũng hiệu quả. Đó chính là cơ chế kiểm soát thay cho “cơ chế phong trào”. Cơ chế để: Không dám tham nhũng; không thể tham nhũng; không cần tham nhũng; không được tham nhũng, đó mới là chìa khóa cho cuộc chiến này hiệu quả.
Nguyễn Đăng Tấn