ĐIẾU VĂN
ĐỌC TẠI LỄ TANG HỌA
SĨ LÃO THÀNH TRẦN DUY
Hà Nội,
21/03/2014
Họa
sĩ TRẦN DUY, họ tên thật là Trần Quang Tăng,
qua
đời ngày 14/03/2014 tại nhà riêng, 62 Khâm Thiên, Hà Nội.
Lễ
tang họa sĩ Trần Duy do gia đình tổ chức, cử hành
hồi
8h30 sáng ngày 21/03/2014 tại nhà tang lễ 135 Phùng Hưng, Hà Nội.
Đông
đảo người thân, bạn bè trong giới văn nghệ
và
công chúng yêu văn nghệ đã đến vĩnh biệt họa sĩ
và
chia buồn cùng gia đình ông. Trong lễ truy điệu, ông Phan An Sa,
con
trai nhà văn Phan Khôi, cựu Chủ nhiệm báo “Nhân Văn” (Hà Nội, 1956)
nơi
mà họa sĩ Trần Duy từng làm việc trong vai trò Thư ký tòa soạn,
đã
đọc điếu văn. Dưới đây là toàn văn điếu văn đọc tại lễ truy điệu.
95 năm
trước, tại cố đô Huế, một gia đình hoàng phái vui mừng sinh hạ được một bé trai
đầu lòng nối dõi. Trải ngót một thế kỷ thăng trầm, bé trai năm nào trở thành họa
sĩ Trần Duy nổi tiếng. Hôm nay, giữa lòng Hà Nội, gia đình, người thân và đông
đảo trí thức, văn nghệ sĩ đến với ông lần cuối để tiễn ông sang thế giới bên
kia.
Trong giờ
phút thiêng liêng này, ôn lại cuộc đời ông, là cách chúng ta gửi theo ông một
lời chia sẻ với kiếp trầm luân mà ông đã phải gánh chịu, gửi theo ông lòng
ngưỡng mộ một con người dành trọn đời mình cho nghệ thuật hội họa với lòng yêu
nước, yêu dân tộc, chuộng tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
***
Trần Duy
tên thật là Trần Quang Tăng, nguyên quán thôn Lục Lễ, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình
Định; sinh ngày 20 tháng 7 năm 1920 trong một gia đình phong kiến suy tàn, ngụ
tại thôn An Cựu, thành phố Huế. Hồi nhỏ, cậu học trường tiểu học Quy Nhơn ở quê
hương Bình Định; lớn lên ra Huế học trường Trung học Khải Định, lấy bằng tú tài
năm 1940. Sống trong một gia đình vọng tộc đang hồi sa sút, chàng trai tìm thấy
lối thoát cho cuộc đời mình ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngoài Hà Nội.
Năm 1945, tháng 3 Nhật đảo chính Pháp, học bổng liền bị cắt; đến tháng 8 xảy
cách mạng, cha bị bắt, nguồn tài trợ của gia đình theo đó cũng mất luôn; chàng
sinh viên mỹ thuật đành dừng bước ở năm thứ ba. Rồi, như một lẽ tự nhiên, chỉ
bằng lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết vốn chỉ tuổi trẻ mới có, chàng sinh viên
mỹ thuật hồ hởi, vô tư, tự nguyện cuốn vào dòng thác cách mạng đang hồi cao
trào.
Tại Hà Nội,
anh Lê Hữu Kiều là Hướng đạo sinh giới thiệu Trần Duy vào Thành bộ Việt Minh Hà
Nội. Tại đây, biết anh mong muốn được đứng trong một tổ chức chân chính để có cơ
hội làm những việc có ích cho đất nước, người ta giới thiệu anh vào đảng Dân
chủ. Rồi ông Hoàng Minh Chính giao cho anh nhiệm vụ mua vũ khí cho Việt Minh,
anh đã liên lạc với đám lính Nhật là tù binh của phe Đồng minh, cả với lính Tàu
Tưởng ở Hải Dương, mua được nhiều vũ khí, chở về Hà Nội trang bị cho các đơn vị
Vệ quốc đoàn. Đến ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), anh được điều động
vào Đội Quyết tử đánh trường bay Gia Lâm do ông Hoàng Minh Chính chỉ huy, tham
gia liền mấy trận tập kích, cho đến trận cuối cùng ông Hoàng Minh Chính bị trọng
thương, ban chỉ huy đánh trường bay Gia Lâm giải thể.
Liền đó,
ông Đặng Việt Châu giới thiệu anh với ban chỉ huy Khu 10 đóng ở Tuyên Quang -
Phú Thọ, nên Trần Duy tìm đường lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây, cuối năm 1946
đầu năm 1947, ông Song Hào điều động anh vào làm việc tại Ban địch vận. Anh có
mặt trong các chiến dịch của Khu 10, ngày đêm viết, vẽ cho tờ báo Sông
Lô bên cạnh ông Đặng Văn Việt là chỉ huy trưởng chiến dịch đường số 4.
Cũng tại Việt Bắc, năm 1948, Trần Duy kết hôn với cô gái trẻ Lê Bạch Tuyết, 18
tuổi, người ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, là con của một gia đình công chức có bố là
công trình sư ngành đường sắt. Cô là nữ sinh vừa tốt nghiệp trường Đồng Khánh,
lên Việt Bắc hồi đầu năm 1947, đang đảm nhiệm chân thư ký của đảng Dân chủ kiêm
việc dạy tiếng Pháp cho một hàng binh trí thức người Đức tham gia hàng ngũ kháng
chiến của ta từ hồi bí mật, tên là Erwin Borches − tên Việt Nam là Chiến Sĩ −
vốn thuộc đội quân lê dương của Pháp; và sau này học lại từ ông ấy tiếng Đức. Kể
từ đó, cùng với cái gia đình nhỏ đầy hạnh phúc của mình, người họa sĩ trẻ bất
chấp mọi gian khó trong hoàn cảnh kháng chiến, càng hồ hởi dấn thân vào bất cứ
công việc gì tổ chức giao cho với lòng nhiệt thành trong sáng.
Tháng
3/1950, ông Nguyễn Huy Tưởng nhận Trần Duy về Hội Văn nghệ Việt Nam. Trong thời
gian này, Cục trưởng Cục Quân y là bác sĩ Vũ Văn Cẩn có đề nghị anh giúp ông Từ
Giấy trong việc trình bày và vẽ minh họa cho báo Vui Sống, tuyên
truyền cổ động cho phong trào vệ sinh phòng bệnh. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ
(tháng 7/1954), Trần Duy được cử về Tuyên Quang làm phiên dịch tiếng Pháp cho
ông Erwin Borches (Chiến Sĩ) lúc này đang phụ trách trại tù binh đóng ở Núi Cố.
Cuối năm
1954, Hội Văn nghệ cử Trần Duy cùng một số văn nghệ sĩ tham gia đoàn cải cách
ruộng đất tại Yên Thế, Bắc Giang. Anh tận mắt chứng kiến và tỏ ý bất bình về cái
cách mà người ta bắt bớ, đấu tố, xử án những người bị quy thành phần địa chủ; và
vì thế, anh bị cái án kỷ luật chống cải cách ruộng đất, bị thải hồi, giao trả về
Hội Văn nghệ.
Ngày
14/10/1954, Trần Duy về lại Hà Nội cùng một lượt với Hội Văn nghệ. Chấp nhận cái
án kỷ luật đầu tiên trong đời, người trí thức trẻ cảm thấy thật sự bất ngờ và
hiểu thêm ra nhiều điều, nhưng tai họa tiếp tục giáng xuống đầu anh bằng một sự
kiện khác. Đầu năm 1955 ở Hà Nội, anh hăng hái lao vào cuộc vận động các nhà tư
sản có tiền, có cơ sở sản xuất, có tâm huyết với kháng chiến gia nhập các tổ
chức kinh doanh kiểu mới đang được lập ra. Sau chưa đầy một năm, các tổ chức này
trở tay lật ngược những điều quy ước trước đó, biến các nhà tư sản yêu nước trở
thành đối tượng đấu tố trong trào lưu đánh đổ giai cấp tư sản. Thành ra bên nào
cũng coi anh như kẻ địch, khiến anh rơi vào hụt hẫng, thất vọng, bế tắc đến mức
không còn biết đặt niềm tin vào đâu nữa!
Trong sự bế
tắc, lòng yêu nước và tin vào lẽ phải của Trần Duy không tắt, ông vẫn đi tìm lối
thoát cho cuộc đời mình bằng cách lần lượt cho đăng trên Giai phẩm mùa
thu 1956 của nhà xuất bản Minh Đức các truyện ngắn Tiếng sáo tiền
kiếp, Người khổng lồ… và bức tranh Ốc sên không cánh mà bay
cao. Chưa dừng lại ở đó, cũng trong năm này − cùng với học giả Phan Khôi
nhận lời làm Chủ nhiệm − Trần Duy nhận lời làm Thư ký tòa soạn báo Nhân
văn do Lê Đạt, Văn Cao, Nguyến Hữu Đang chủ trương, cùng với Trần Dần,
Hoàng Cầm, Tử Phác... Ông đến với Nhân văn chỉ với mong muốn đóng
góp thêm một tiếng nói cho dân chủ, cho tự do sáng tác và kỳ vọng nó sẽ là con
đường nghệ thuật chân chính để mình nương tựa. Ông nỗ lực hết mình để tờ báo ra
đời, và sau đó, chăm chút cho từng mỗi số báo, từ trình bày, minh họa, lên
khuôn; đến lo mực in, giấy in, tiền bạc và biết bao công việc không tên khác.
Nhưng Nhân văn chỉ sống được đúng 3 tháng với 5 số báo, ngày
15/12/1956 tờ báo bị đóng cửa, số 6 đang in bị tịch thu. Thứ vũ khí đầu tiên và
cũng là cuối cùng của phong trào đòi dân chủ và tự do sáng tác của trí thức và
văn nghệ sĩ bị xóa sổ, và không lâu sau đó, phong trào bị dập tắt với những án
kỷ luật nặng nề, trong đó Trần Duy vào loại nặng nhất: bị khai trừ khỏi Hội Mỹ
thuật, bị đình chỉ công tác. Thế là, đang từ một họa sĩ-chiến sĩ hào hứng dâng
mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc, chỉ trong vòng có mấy năm sau hòa bình
lập lại 1954, Trần Duy rơi thẳng xuống đáy vực thẳm. Gia đình bên ông, bên vợ
ông đều gián tiếp bị liên lụy và xảy ra những chuyện rất đau lòng. Từ đó, nỗi
oan ức, cay đắng, khổ tâm đày đọa cả một đời ông còn đáng sợ hơn cả cái chết.
Trong tình thế đó, ông vẫn phải sống chỉ vì Trời chưa cho ông chết!
***
Trong bản
thảo hồi ký Một câu hỏi còn chưa được trả lời viết giữa năm 2009,
họa sĩ Trần Duy có những lời thật thống thiết:
"Từ khi tôi rời nhà trường phổ
thông trung học và gia đình, có một nơi không bao giờ phụ tôi, lúc nào cũng an
ủi tôi và vực tôi dậy. Đó là Mỹ Thuật! Không có Mỹ Thuật, không có Cái Đẹp thì
không còn có cánh cửa nào mở ra để tôi bước vào đời. Cái Đẹp ấy đúng là cái
cuống rốn đã thay mẹ tôi nuôi dưỡng tôi và cho tôi tiếp xúc với cuộc sống, với
con người... Tôi thành người, thành một người yêu đất nước, yêu dân tộc chính là
nhờ Mỹ Thuật − vì ngay cái chủ nghĩa yêu
nước của tôi cũng là chủ nghĩa yêu Cái Đẹp của đất nước, yêu Con Người của đất
nước, mà thôi".
Cái lý
tưởng lãng mạn ấy đã theo ông suốt cuộc đời và vực ông dậy, giúp ông vượt qua
cơn tuyệt vọng, sự chán nản cùng với nỗi sợ hãi, nghèo khó và cô đơn. Đó là cả
một cuộc đấu tranh tự thân. Ông nhìn lại một đống bỏ xó với những bút, cọ, màu,
giấy, toan... mà thấy việc trở lại với nghệ thuật thật là khó khăn. Ông tự hỏi:
vẽ cái gì đây...? Vẽ cho ai...? Vẽ để làm gì...? Nhung rồi ông đã cầm lại
được bút vẽ, đầu tiên là làm trưng bày triển lãm ở Công ty Mỹ thuật Hà Nội, rồi
vẽ các loại tranh áp phích đấu tranh thống nhất đất nước, tranh cổ động sản xuất
nhưng không được ký tên Trần Duy, chỉ được lĩnh tiền công. Rồi đi vẽ phong cảnh các làng
quê. Rồi nhận các
đơn hàng vẽ bưu thiếp, vẽ tranh lụa khổ nhỏ, tranh khắc gỗ và ký dưới bút danh
Nhị Hà − tên cô con gái út. Rồi dịch sách cho các nhà xuất bản... Từng công việc
nhỏ nhặt và ít lãng mạn ấy giúp ông có đồng tiền để sinh sống, nó còn giúp ông
hiểu ra một chân lý: ở đâu người ta đố kỵ ông, muốn chối bỏ ông, chứ dân tộc và
đồng bào của ông thì không bỏ ông, vẫn che chở cho ông và cả gia đình ông. Đó là
một động lực lớn lao giúp ông tiếp tục sống và tiếp tục làm việc.
Ông cam
chịu cảnh sống đó và chẳng dám chờ đợi điều gì, nhưng rồi Đổi Mới đến và năm
1987 ông được phục hồi tư cách Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông lần lượt mở
hai cuộc triển lãm tranh vào năm 1991 và 2004; viết và cho công bố
một loạt tác phẩm Ký họa trên đất Pháp (NXB Văn hóa - Thông tin,
1996), Trần Duy (NXB Mỹ thuật, 1997), Cảm luận về nghệ
thuật (NXB Mỹ thuật, 2002), Suy nghĩ về nghệ thuật (NXB
Hội Nhà văn, 2008), "Nguời xem và tác
phẩm
"(NXB Mỹ thuật,
2009) cùng cả
ngàn bức tranh lụa
và tranh sơn dầu vẽ cảnh đẹp và các di tích lịch sử của đất nước. Ông đã tự mình
sống được bằng tiền bán tranh, bên cạnh đồng lương hưu chỉ có tính an
ủi.
Càng về già
ông càng trở lại là một Trần Duy, một họa sĩ lão thành có biệt tài vẽ tranh
phong cảnh và tranh lụa với tính sáng tạo cao, một người am tường về lý luận và
lịch sử mỹ thuật cổ điển. Nhưng trước hết, người đời biết ông, nhớ về ông,
ngưỡng mộ ông với tư cách ông là một người yêu nước, dấn thân vì dân chủ, vì tự
do và chấp nhận thua thiệt.
Tuy chưa
bao giờ thoát khỏi khỏi nỗi ám ảnh của những ngày đen tối cách đây 60 năm, nhưng
những năm cuối đời, họa sĩ lão thành Trần Duy đã tìm thấy hơi ấm của cuộc sống
thảo dân cùng vợ con và một đàn cháu chắt đông đúc, trưởng thành, lương thiện.
Chỉ còn một điều khiến ông ân hận suốt đời, là 60 năm trước, với tư cách phóng
viên báo Nhân văn, ông đã mời các nhà trí thức đáng kính Đào Duy
Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Văn Ngữ cho ý kiến về tự do, dân chủ, đưa ra kiến
nghị, mong muốn lãnh đạo tạo thuận lợi cho trí thức và văn nghệ sĩ trong hoạt
động nghề nghiệp; các ý kiến đó đăng báo Nhân văn khiến các vị bị
vạ lây, suốt nhiều chục năm bị coi là những phần tử xấu. Và theo đó, ông cho
rằng: câu hỏi Nhân văn là tờ báo thế nào? là câu hỏi của
Đất Nước mà các thế hệ sau cần phải trả lời cho rành rẽ, minh bạch!
Đối với ông
và gia đình, cái Tết Giáp Ngọ vừa rồi trôi qua trong tình cảm ấm áp mà chỉ những
người ruột thịt mới có. Sau Tết, thi thoảng ông bị những cơn khó thở, nhưng ăn
vẫn thấy ngon miệng, vẫn vui tính, vẫn nói chuyện dí dỏm theo cách của ông. Thế
mà rồi, như ngọn đèn hết dầu, ông lặng lẽ ra đi hồi 22 giờ 30 phút, ngày 14
tháng 03 năm 2014, tức ngày 14 tháng 02 năm Giáp Ngọ, tại ngôi nhà riêng của vợ
chồng con cái ông ở số 62 phố Khâm Thiên, Hà Nội. Ông ra đi nhẹ nhõm như chẳng
còn gì vướng bận với cõi trần nữa...
Khổ một đời
như ông mà sống được như ông, thì quả thật sự ra đi ở tuổi 95 đại thượng thọ của
ông chỉ là một cú lướt nhẹ về trời, ở đó chắc chắn không có những khổ đau mà ông
và những người như ông đã phải gánh chịu.
Thưa họa
sĩ lão thành Trần Duy, kính tiễn ông về với trời đất, chúng tôi, những người ở
lại sau ông, hiểu ông và ngưỡng vọng ông!
Xin
kính cẩn dành một phút mặc niệm
tiễn ông về nơi Vĩnh hằng
!
Phan An
Sa
(*) Bài điếu được soạn căn cứ vào tư liệu của gia đình, tác phẩm
Suy nghĩ về nghệ thuật (NXB Hội Nhà văn, 2008), bản thảo hồi ký
Một câu hỏi còn chưa được trả lời và các tác phẩm khác của người
quá cố.