Nguyễn
Thị Hồng Mai
Việt
Nam và Nhật Bản cùng khẳng định, hoà bình và ổn định trên biển là lợi ích chung
của cả hai nước cũng như của cộng đồng quốc tế. Lưu tâm đến các kết nối hàng hải
và hàng không giữa Nhật Bản và Việt Nam trong khu vực, Thủ tướng Sinzo Abe tuyên
bố không thể xem nhẹ bất kỳ hành động mang tính đơn phương, cưỡng ép nào thách
thức hoà bình và ổn định.
Việt Nam quan trọng đối với Nhật
Bản về chiến lược. Quan hệ nồng ấm giữa hai nước bước vào thời kỳ rực rỡ. Bang
giao Việt-Nhật có 3 cái nhất: ODA lớn nhất, FDI nhiều nhất và Nhật Bản là một
trong những nước có quan hệ “đối tác chiến lược” gần cận nhất với Việt Nam. Mối
quan hệ đối tác giữa hai nước trở thành hình mẫu lý tưởng trong khu vực và tạo
nên một dấu ấn quan trọng trong quá trình hình thành nên diện mạo của một châu Á
mới. Đấy là những điểm xuyết nhanh từ các nhận định của giới chuyên gia trong
vùng và trên thế giới về chuyến thăm Nhật vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang. Tại chuyến thăm cấp Nhà nước từ 16-19/3 này, hai nước đã quyết định nâng
mối quan hệ lên một tầm cao mới thành “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì
hòa bình, phồn vinh ở châu Á”.
Quý
hơn cả tiền bạc
Liên hệ Việt Nam-Nhật Bản không
chỉ đơn thuần là mối “quan hệ đối tác chiến lược”, từ nay được nâng lên
thành “đối tác chiến lược sâu rộng”. Nội hàm của hình dung từ “sâu
rộng” hẳn nhiên bao trùm giải tần mọi giá trị gia tăng của mạng liên kết
địa-chiến lược và địa-kinh tế từ thấp lên cao. Nhưng vượt lên trên các giá trị
đong đếm và không đong đếm được ấy, tình bằng hữu Việt-Nhật, biểu đạt bằng ngôn
ngữ của chính cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama, được xây đắp từ những tương đồng
“cùng chung nhịp đập trái tim”. Giá trị này, đối với người Việt, quý hơn cả tiền
bạc. Hãy nghe đánh giá của ông Hatoyama, “đối với Nhật, hơn bất kỳ quốc gia nào
khác, Việt Nam là quốc gia có thể dùng cụm từ “dĩ tâm truyền tâm”, nghĩa là
người dân hai nước có thể hiểu nhau mà không cần dùng lời để nói”. “Việt Nam
chính là nước mà Nhật Bản đã xây dựng được quan hệ tin cậy nhất”, vị cựu Thủ
tướng xác quyết như vậy.
Lời
kêu gọi của Chủ tịch nước Việt Nam gợi lại ứng xử văn hóa chính trị của người
Nhật sau Chiến tranh thế giới II, khi mà dân nước này không tỏ ra oán giận, mà
còn tiếp nhận Tướng MacArthur của Mỹ như một chính khách có công lớn trong việc
tái thiết, xây dựng nên nước Nhật hiện đại.
Tiếp
nhận nhưng không thành chư hầu, không chịu thân phận thuộc quốc. Tiếp nhận để
kết nối các giá trị truyền thống với hiện đại, quốc gia với quốc
tế.
|
Với tư cách là quốc khách, Chủ
tịch nước Việt Nam đã cổ võ cho việc đổi mới tư duy về cách nhìn nhận đánh giá
môi trường chiến lược cũng như phương thức hợp tác và quan hệ giữa các nước. Lời
kêu gọi này gợi cho ta nhớ lại ứng xử văn hóa chính trị của người Nhật sau Chiến
tranh thế giới thứ hai, khi mà người dân nước này không hề tỏ ra oán giận, mà
còn tiếp nhận Tướng Tham mưu trưởng lục quân MacArthur của Hoa Kỳ như một trong
những chính khách có công lớn trong việc tái thiết, xây dựng nên nước Nhật hiện
đại. Tiếp nhận nhưng không phải để thành chư hầu, chịu thân phận thuộc quốc.
Tiếp nhận để biết kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống với hiện đại,
giữa quốc gia với quốc tế. Nihonjin-Người Nhật không hổ danh là dân tộc
có nhân cách, nước Nhật xứng đáng được biết đến như một xứ sở có “quốc cách”
chính hiệu (tư cách một quốc gia đã trưởng thành).
Chính vì muốn duy trì “căn cước”
của dân tộc, Nhật Bản đã không hề muốn trở thành một quốc gia như Thụy Sỹ giữa
lòng châu Á. Thay vào đó, họ tôn vinh chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa yêu nước,
tinh thần vượt khó, sáng tạo và đặc biệt là lòng tự tôn dân tộc (kiểu Nhật) để
vượt qua mọi hiểm nghèo. Đa phần ở đây mọi thứ thường được đẩy lên đỉnh, từ “hoa
đạo”, “trà đạo” đến “võ sĩ đạo”, “kiếm đạo”, “thư đạo” và cả nghệ thuật origami…
Họ thể hiện ý thức đặc biệt đối với cái đẹp như ngắm hoa hanami hay ngắm trăng
tsukimi. Trong đối nhân xử thế Nihonjin thường khiêm cung, tiết kiệm,
tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt, có đẳng cấp và cống hiến hết sức mình cho
công việc. Hiện nay, người Nhật đang chủ động điều chỉnh một số tính cách để làm
phong phú thêm và hoàn thiện hơn văn hoá kinh doanh để đem lại sức mạnh cho quốc
gia và giữ vững vị thế như một cường quốc kinh tế; từ củng cố lòng tin đến tái
định vị hệ giá trị, từ giữ vững đến nâng cao bản sắc để tăng sức bền chịu được
nhiều áp lực đa chiều.
Người Nhật có xu hướng thích nghi
nhanh với các áp lực đa chiều do những thay đổi trong quá trình chuyển dịch các
loại quyền lực cứng-mềm-thông minh mang lại. Trong tương quan này, để phát huy
tối đa tính hiệu quả trong hợp tác kinh tế, văn hóa quản lý, cũng như phối hợp
trên các đường hướng đối ngoại, rất cần những nỗ lực mang tính cách mạng từ nội
tại của Việt Nam, đặc biệt từ hệ thống cấu trúc chính trị-kinh tế hiện nay. Tính
từ thời cận đại, hai nước quả là đã có tương đồng khá lớn về hoàn cảnh cũng như
về văn hóa (Ít nhất, cả hai đều thuộc vùng ngoại vi của Khổng giáo). Hiểu vậy để
thấy hết các giá trị của mối “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”
với một nền dân chủ cốt cách Á Đông, với một mô hình khá thành công như Nhật
Bản! Bởi vì, “tấm huân chương nào chẳng có mặt trái”. Làm ăn với một nước
bạn như thế, nếu Việt Nam không chuẩn bị công phu và có bài bản thích hợp để
giao đãi/tiếp biến, để thích nghi/thay đổi, thì việc phát huy lợi thế của
“quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng” chắc chắn sẽ bị hạn chế.
Ba
đoàn cấp cao một năm
Từ khi ông Shinzo Abe quay trở
lại giữ chức thủ tướng Nhật vào tháng 12/2012, Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng
việc củng cố quan hệ với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Chuyến
công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi trở lại nắm quyền không phải là Mỹ
hay một quốc gia nào khác mà là Việt Nam khi ông thăm chính thức Hà Nội vào
tháng 1/2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sang Nhật vào tháng 12/2013. Lần
này, với chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong vòng chỉ hơn có
một năm, hai bên đã có tới ba chuyến thăm cấp cao. Và chắc chắn, kinh tế không
phải là lý do duy nhất để lãnh đạo hai nước có nhiều chuyến thăm cấp cao trong
một thời gian ngắn như vậy. Ở đây, ngoài sự nhậy bén về chính trị của giới lãnh
đạo hiện nay, còn là sự tiếp nối của những nỗ lực trong nhiều năm từ cả hai
phía, thể hiện một tầm nhìn xa về chiến lược, vượt lên trên mọi tính toán lợi
ích ngắn hạn.
Làm ăn với một nước bạn như Nhật Bản, nếu Việt Nam không chuẩn bị công phu và có bài bản thích hợp để giao đãi/tiếp biến, để thích nghi/thay đổi, thì việc phát huy các lợi thế của “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng” chắc chắn sẽ bị hạn chế. |
Một đúc kết điển hình về quan hệ
Nhật-Việt đã được chính ông Shinzo Abe đưa ra tại Hà Nội, trong chuyến thăm đầu
năm ngoái: "Hai nước chúng ta cùng chia sẻ những thử thách giống nhau, trong
lúc hai nền kinh tế có thể hỗ trợ lẫn nhau". Đây cũng là thời gian ông Abe
đang ra sức thi hành "chính sách kinh tế mới" dưới cái tên Abenomics nhằm
kềm chế giảm phát cùng lúc với việc sử dụng các gói kích thích để đưa Nhật ra
khỏi suy thoái kinh tế. Việt Nam ủng hộ Nhật như một ứng
viên cho quy chế thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Nhật, Mỹ và Philipinnes phản
đối bản đồ “đường lưỡi bò”, tức là đòi hỏi của Trung Quốc chiếm đoạt gần 90%
diện tích Biển Đông. Sự hỗ trợ các nước dành cho nhau ở đây không phải là những
lợi ích vị kỷ, nhất thời. Hy vọng quá trình hoán chuyển do chính sách quốc tế
mới của Nhật tạo ra, đang được mô hình hóa một cách cụ thể, thiết thực và phù
hợp, “đối tác chiến lược sâu rộng” Việt-Nhật sẽ góp phần giúp cho các mục
tiêu của Abenomics về đích sớm.
Tuyên bố chung dài hơn 5.600 chữ
mà Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch nước Việt Nam vừa đặt bút ký lại thêm minh
chứng mới cho sự phát triển phong phú và đa dạng của những liên kết song phương
lẫn đa phương trong bang giao. Cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, sự phục hồi
kinh tế Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các nước ASEAN, trong đó có Việt
Nam và sự tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho Nhật Bản. Thông qua chính
sách Abenomics, sự phục hồi kinh tế Nhật Bản nói lên bản lĩnh và tính kỷ
luật cao của dân Nhật, minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Quốc hội và Chính
phủ Nhật. Chuyến thăm cấp Nhà nước lần này còn là sự kiện chính trị quan trọng,
góp phần tăng cường lòng tin chiến lược cũng như nâng cấp mối quan hệ đối tác
chiến lược giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang có
nhiều biến chuyển dữ dội.
Đúng như Chủ tịch Trương Tấn Sang
đã nhấn mạnh trước Quốc hội Nhật Bản, thành quả của mối quan hệ hai nước không
chỉ mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực cho nhân dân mỗi nước, mà còn
khẳng định một chân lý rằng, tinh thần khoan dung, đối thoại thay cho đối đầu,
tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là sự lựa chọn tốt nhất đối với các quốc
gia, dân tộc. Sự hợp tác hiệu quả về mặt kinh tế giữa hai nước được thể hiện
bằng những con số biết nói. Với khoảng 24 tỷ USD, Nhật Bản chiếm đến 30% tổng
ODA cho Việt Nam. Với 1990 dự án đầu tư và tổng số vốn lên đến 32,6 tỷ USD, Nhật
Bản là quốc gia có đầu tư FDI lớn nhất ở Việt Nam. Kim ngạch thương mại song
phương hiện ước đạt 25,6 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi vào năm
2020. Hiện hai nước đang tích cực tham gia vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hòa
bình-Phồn vinh cho châu Á
Điều đặc biệt khích lệ là khi Thủ
tướng Sinzo Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai kế
hoạch hành động cho 6 ngành được lựa chọn từ Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt
Nam trong khuôn khổ hợp tác hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Các ngành này gồm
chế biến nông/thủy sản, điện tử ô tô/phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp
môi trường/tiết kiệm năng lượng và đóng tàu. Nhật Bản còn cam kết sẽ hợp tác
giúp phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam hoàn
thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 thông qua việc nâng
cao năng lực hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp. Theo yêu cầu của
Việt Nam, Nhật tiếp tục hỗ trợ phát triển hai khu công nghiệp tại Hải Phòng và
Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đưa tin về chuyến thăm Tokyo của
Chủ tịch nước Việt Nam, hãng Kyodo cho biết, “trong hội đàm giữa Thủ tướng Abe
và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo hai nước ưu tiên bàn cả về an ninh và
các vấn đề khác ở châu Á khi mà Trung Quốc đang ngày càng mạnh bạo hơn trên
biển”. Quả đúng là, nếu không có biện pháp bảo đảm hòa bình thì không thể có an
ninh, mà không có an ninh thì đừng nói chuyện hợp tác vì phồn vinh. Triết lý của
“đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh ở châu Á” chính là ở
“bí mật công khai” ấy. Thủ tướng Sinzo Abe đánh giá cao các nỗ lực của
Việt Nam hướng tới giải quyết các vấn đề trên biển bao gồm lĩnh vực an ninh hàng
hải dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ lập
trường rằng tất cả các bên hữu quan cần thúc đẩy Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển
Đông (COC), tuân thủ luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật biển 1982
(UNCLOS).
Lưu tâm đến các kết nối hàng hải
và hàng không quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nhật Bản cũng cho rằng không thể xem
nhẹ bất kỳ hành động mang tính đơn phương, cưỡng ép nào thách thức hoà bình và
ổn định. Tính chất “sâu rộng” của “quan hệ đối tác chiến lược”
Nhật-Việt hẳn còn được thể hiện ở phương cách đối phó với những thách thức
trên các biển Đông. An ninh từ đây là một và không thể chia cắt. Hoà bình, ổn
định trên các biển châu Á là lợi ích chung của cả hai nước cũng như cộng đồng
quốc tế. Chính sách an ninh của Nhật Bản, nhất là các nỗ lực trong khuôn khổ
chính sách “chủ nghĩa hòa bình tích cực” xuất phát từ các nguyên tắc hợp tác
quốc tế. Việt Nam hết sức hoan nghênh và tiếp tục đặt niềm tin vào thành công
của Nhật. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ mong muốn Nhật Bản tiếp tục đóng
góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Đây sẽ là nguồn kinh nghiệm
quý báu để Việt Nam tham khảo trong quá trình đổi mới.
“Arigatô
Gôzaimashita!”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói lời cám ơn bằng Nhật ngữ để kết thúc bài
phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, một cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất
ở châu Á và có vai trò rất quan trọng trong suốt 125 năm lịch sử của đất nước
Mặt Trời mọc. Với đầu đề “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới
đang thay đổi”, bài phát biểu vừa là bức thông điệp khẳng định mong muốn tăng
cường quan hệ hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai dân tộc Việt-Nhật, vừa nêu
bật những đánh giá sâu sắc về tình hình thế giới, khu vực và những xu thế lớn
của thời đại. Đổi mới, sáng tạo chính là “con đường sáng” trong kỷ nguyên
Abenomics của Nhật và tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Thông điệp
sáng rõ này được Lưỡng Viện Nhật hoan nghênh nhiệt liệt và chắc chắn sẽ để lại
ấn tượng sâu đậm và mạnh mẽ trong chính giới cũng như công chúng Nhật
Bản./.
Hà Nội, cuối tháng
3/2014
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-3-14
(Một phiên bản của bài này được đăng trên báo Văn Hóa Nghệ An ngày 24-3-14)
(Một phiên bản của bài này được đăng trên báo Văn Hóa Nghệ An ngày 24-3-14)