Trần Khuyết Nghi
Đã từ khá nhiều năm, sau khi chấm dứt
cuộc chiến tranh khốc liệt 30 năm (1945-1975) làm cho cả hai bên chiến tuyến đều
có những đau thương mất mát nhất định nhưng khác nhau đôi chút, sự đoàn tụ của
kiều bào người Việt về thăm quê hương ngày càng đông đảo trong dịp Tết truyền
thống hằng năm được coi như một trong những biểu tượng rõ nét của tinh thần đoàn
kết, hòa giải hòa hợp dân tộc.
Nếu nói có một cái gì chung nhất ở mọi người Việt Nam, thì đó chính là cái Tết. Tuy vẫn có thể có những biểu hiện khác nhau tùy theo hoàn cảnh sinh hoạt và địa vị xã hội của mỗi người, nhưng phàm đã là người Việt thì hình như không ai dửng dưng hoàn toàn được trước cái Tết, và ai ai cũng ăn tết. Điều đó có nghĩa, dù giàu hay nghèo, trong nước hay ngoài nước, cái Tết vẫn luôn được coi là một trong những phong tục tập quán gắn liền với tâm hồn người Việt. Đối với mọi người Việt Nam, ngày Tết âm lịch mang nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí còn có thể nói là thiêng liêng nữa. Tết đem lại sự nôn nao, niềm hi vọng, tống cựu nghênh tân, là khoảng thời gian ngăn cách tượng trưng, tạm lắng tạm xả trong dòng thời gian bất tận để xóa cũ đón mới, quên bỏ những quá khứ đau buồn để cùng hướng về tương lai với một niềm hi vọng tràn trề, biểu thị rõ nét qua tục chúc tết đầu xuân. Đó là cái cái mốc của thời gian và vận hạn chuyển đổi: trời thêm năm tháng người thêm tuổi, xuân khắp càn khôn phúc khắp nhà.
Ngoài cái Tết cho thấy dấu chỉ chung của mọi người Việt Nam máu đỏ da vàng, dân tộc Việt chúng ta còn có những đặc điểm chung truyền thống tốt đẹp khác nữa, đó là giàu lòng nhân ái, có tinh thần tương trợ lẫn nhau (thấy người hoạn nạn thì thương…), có đức bao dung, không cực đoan cố chấp, dễ tha thứ cho nhau, chấp nhận nhiều lối sống và tín ngưỡng khác nhau, yêu chuộng hòa bình…. Nếu nhìn những ưu điểm này trên góc độ “vốn xã hội” (social capital), ta sẽ không ngần ngại nói về mặt truyền thống lâu đời, dân tộc Việt Nam có sẵn một số vốn xã hội khá phong phú mà nếu biết khai thác đúng cách, đầy đủ sẽ là điều kiện quan trọng nhất để xây dựng đất nước thành công. Bên cạnh những đặc điểm truyền thống vừa kể, còn có một loại vốn khác lớn hơn nữa, đó là mối gắn kết giữa con người với nhau trong tinh thần gia tộc.
Ở Việt Nam, khái niệm về vốn xã hội còn tương đối mới mẻ, chỉ mấy năm gần đây mới được nhắc đến ngày một nhiều hơn, nên tưởng cũng nên lặp lại một định nghĩa để làm căn cứ kiểm nghiệm lại thực tế số vốn xã hội còn lại của người Việt, từ đó tìm cách điều chỉnh, phát huy.
Phân biệt với vốn vật chất (physical capital), “Vốn xã hội bao gồm phần lớn sự hợp tác xây dựng giữa con người với nhau: Sự tin tưởng, sự hiểu biết lẫn nhau, và sự chia sẻ những giá trị đạo đức, phong cách nối kết những thành viên trong các tập đoàn, các cộng đồng lại với nhau làm cho việc phối hợp hành động có khả năng thực hiện được” (định nghĩa của Cohen và Prusak, 2001, dẫn lại theo http://www.trankiemdoan.net). Như vậy, vốn xã hội cũng chính là con người, xét trong mối tương quan giữa họ với nhau về tinh thần hợp tác, sự tin cẩn, có được nhờ những đặc điểm giống nhau về mặt truyền thống, phong tục tập quán, lý tưởng, sở thích, tín ngưỡng của các cộng đồng người trong xã hội.
Theo khái niệm nêu trên thì vốn xã hội của chúng ta hiện nay dường như đã bị hao hụt đi một phần khá nhiều, do sự phát sinh và tồn tại của những yếu tố ngoài ý muốn vì những lý do ngoắt ngoéo của lịch sử. Xét hiện trạng, nhiều cái cũng khá đáng bi quan, trước tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, mâu thuẫn xã hội gia tăng, nạn tham nhũng tràn lan không phương cứu chữa, dẫn đến nạn cướp của giết người và các tệ đoan xã hội khác ngày càng tăng theo chưa có giải pháp gì để ngăn chặn, văn hóa-đạo đức xuống cấp trầm trọng, lòng tin vào tương lai và giữa con người với nhau đã và đang tiếp tục bị giảm dần… Tất cả những điều này hợp lại làm cho từng cộng đồng và cả dân tộc suy yếu, tổng vốn xã hội của chúng ta bị co rút, nếu không muốn nói hầu như sắp gần đứt vốn, và vì thế rất khó phối hợp hành động để thực hiện những mục tiêu chung.
Để hoán chuyển tình thế, một nhiệm vụ vô cùng khó khăn (nếu không khéo chưa chắc làm được) nhằm bổ sung số vốn đã bị hao hụt, cần quay trở lại để trùng tu con người Việt Nam, trên cơ sở thấy hết những mặt mạnh chủ yếu cần được phục hồi, và những mặt yếu kém, sai lầm khuyết điểm cần được khắc phục. Để được như vậy, điều trước tiên là thực hiện đại đoàn kết dân tộc, bằng cách xóa bỏ hẳn mọi quá khứ đau thương của thời kỳ chiến tranh đau khổ vừa qua để cùng nhau hợp tác hướng về tương lai.
Như trên đã nói, số vốn mạnh nhất của người Việt chúng ta là tình gia tộc, nó là một trong những chỗ dựa căn bản của tinh thần đoàn kết. Nói cách khác, tinh thần đoàn kết trong gia đình là sức mạnh của dân tộc chúng ta. Trong suốt mấy thời kỳ chiến tranh, không hiếm trường hợp những gia đình cha con anh em chính kiến khác nhau, thậm chí đứng hẳn ở hai bên chiến tuyến, song vẫn quý mến lo lắng cho nhau. Có trường hợp ông tướng bên này lại can thiệp xin thả tù cho ông cán bộ cấp lớn bên kia, dù có thể bất đồng nhưng hễ gặp nhau thì tạm gác bỏ hết mọi thứ chính kiến, ý thức hệ đi, để chỉ nghĩ tới tình ruột thịt.
Cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt ngày 30.4.1975 lùi xa vào
dĩ vãng đã gần tròn 38 năm. Với bằng ấy thời gian, bên cạnh niềm tự hào đương
nhiên về thắng lợi lớn đã được lặp đi lặp lại xuyên suốt qua các phương tiện
thông tin đại chúng hằng ngày, vẫn còn có không ít những niềm trăn trở, suy nghĩ
và đánh giá lại vấn đề một cách toàn diện hơn và đi vào những góc cạnh chi tiết
khác hơn, liên quan đến một số sự kiện hoặc con người cụ thể, trong bối cảnh
lịch sử hết sức đặc thù của dân tộc.
Muốn thật sự hòa giải, cần loại bỏ ngay khuynh hướng cường
điệu ca tụng khía cạnh những võ công oanh liệt, lặp đi lặp lại quá nhiều, và
phải coi việc hàn gắn vết thương chiến tranh bằng cách hòa giải hòa hợp dân
tộc như một thứ trách nhiệm tự nhiên phải làm chứ không có tính cách ban phát sự
hòa giải cho phía thua cuộc và chờ người ta phải tỏ ý trước… xin xỏ!. Nếu
khiêm tốn nhìn thẳng vào sự thật, chắc ai cũng biết rằng dân tộc của chúng ta
chỉ là nước nhỏ lạc hậu, lại bị chi phối bởi những thế lực, âm mưu chính trị của
một số cường quốc khác, nên chẳng phải tài ba gì mà chiến thắng để tự hào quá
đáng, cũng như không có gì xấu xa khi thua cuộc để phải mặc cảm kéo dài, khi cả
hai bên thực chất đều đứng chung trong gọng kềm khắt nghiệt của lịch sử mà nhiều
việc mình không thể chủ động được một cách hoàn toàn. Còn về những sự mất mát do
chiến tranh gây ra, cũng là mất mát chung, không đau buồn thì thôi chứ vui vẻ gì
cứ tự hào mãi? Sinh thời, vào năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc lại
chiến thắng nhân dịp kỷ niệm ngày 30.4 năm đó, đã từng viết mấy câu chí tình chí
nghĩa: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu
người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc,
cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Cụ thể, từ nay trở đi, nên bỏ bớt những cuộc lễ nào mà có
nhắc lại những kỷ niệm không vui của thời kỳ chiến tranh đã rơi vào dĩ vãng quá
xa, và loại trừ hết mọi sự phân biệt về lý lịch, thành phần, dưới mọi hình thức,
một cách thực chất chứ không chỉ hình thức màu mè. Các sách giáo khoa có nội
dung nhắc lại thành tích chiến tranh cũng cần viết lại, nếu cần chỉ đưa vào môn
học Lịch sử, nhưng phải biên soạn trung thực…
Ở một mặt khác, sau chiến tranh, cũng do sự run rủi lịch sử,
chúng ta tình cờ có được một số vốn lớn vô cùng quý báu là khối cộng đồng người
Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đây là loại vốn xã hội lớn thứ hai (sau tình
gia tộc) mà trong rủi ro chúng ta may mắn có được. Trong thời kỳ đầu tái thiết,
nền kinh tế trong nước có lúc suy sụp trầm trọng, chính cũng nhờ tình gia đình
như đã nói trên mà Việt Nam có được một lượng kiều hối đáng kể từ ngoài gởi về,
dưới dạng giúp đỡ gia đình, tạm thời bù đắp cho những khoản thiếu thốn do chế độ
quan liêu bao cấp mọi mặt gây ra. Nhưng tiềm lực của người Việt định cư nước
ngoài đâu chỉ có chuyện tiền bạc, của cải vật chất, mà đó còn là nguồn lực tinh
hoa của trí tuệ, nếu có được chính sách đúng đắn áp dụng một cách thật tình chứ
không chỉ thể hiện trên văn bản hoặc lời nói cửa miệng, thì đây là một lực lượng
vô cùng quý báu, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng lại đất nước, trước hết
trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học và phát triển kinh tế. Muốn phát huy được
tác dụng của lực lượng quan trọng này, điều cần nhất vẫn là thái độ đối xử
thành thật, bởi nếu chỉ tuyên bố ngoài cửa miệng thì chẳng những không lừa dối
được ai mà đôi khi còn bị phản tác dụng. Phải dám giao cho chuyên viên, trí
thức từ nước ngoài về phục vụ quê hương những chức vụ có thực quyền quan trọng,
không phân biệt đối xử, với sự đãi ngộ xứng đáng ít nhất và trước hết cũng về
phương diện tinh thần. Nên sớm gột rửa tư tưởng “lợi dụng” tài năng của trí
thức cho những việc mình chưa có khả năng làm, mà coi họ là những người đồng
hành với mình trên con đường xây dựng chung quê hương xứ sở…
Nguồn vốn xã hội lớn thứ ba của chúng ta có lẽ là các tôn giáo, mà theo khái niệm về vốn xã hội là những cộng đồng đã có sẵn sự gắn kết với nhau về mặt tín ngưỡng.
Không biện luận nhiều, có lẽ ai cũng thừa nhận ý nghĩa-vai trò tích cực của các tôn giáo đối với cuộc nhân sinh, trong việc các tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng như thế nào vào nỗ lực xây dựng cuộc đời, mang lại những điều tốt đẹp chung cho xã hội.
Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, mối quan hệ giữa các tôn giáo và chính quyền đã có nhiều bước cải thiện đáng kể, nhưng chưa phải đã xóa được hết thảy mọi chỗ mắc mứu. Tuy không có tình trạng tôn giáo bị bức hại, thậm chí còn được đối xử tốt, nhiều chùa chiền, nhà thờ lớn đã mọc lên, hoạt động lễ hội, tu học, thuyết giảng giáo lý và in ấn sách báo tương đối tự do, nhưng giả định vẫn tiếp tục tồn tại khuynh hướng một số nhà chức trách nào đó, do quan niệm thiếu chuẩn xác, chỉ muốn coi tôn giáo như một lực lượng có lợi cho mình về phương diện chính trị mà can thiệp hơi sâu vào hoạt động của giáo hội, thì đó chẳng những không phải là cách tốt nhất giúp các tôn giáo phát triển đúng hướng một cách tự nhiên mà còn có thể vô tình là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho tôn giáo khó giữ được tính độc lập cùng những bản sắc cố hữu của nó. Giữa chính quyền và các tôn giáo nói chung, trái lại nên có một sự phân công rõ ràng hơn, trong đó phần các tôn giáo giữ vai trò tích cực góp phần giáo dục đời sống tinh thần của dân chúng để trong nước ngày càng có nhiều hơn những công dân lương thiện, nhờ thế mà Chính phủ đỡ đi gánh nặng rất nhiều trong việc gìn giữ trị an, bài trừ tội ác và các tệ nạn xã hội hiện đang bị gia tăng dưới mọi hình thức mà hầu như chưa có một giải pháp khả thi toàn diện nào có thể ngăn chặn kịp thời. Còn phía Chính phủ, đối với các tôn giáo, chỉ nên đóng vai trò trọng tài, bảo vệ luật pháp, ngăn cấm và xử lý nếu có xảy ra những tình trạng lạm dụng tự do tín ngưỡng. Đó là đường lối xử trí tốt đẹp nhất mà hai bên có thể hợp tác chân thành với nhau vì mục tiêu chung tốt đạo đẹp đời.
Phải thành
thật nhận rằng bàn về mối quan hệ giữa tôn giáo với chính quyền vốn không phải
chuyện dễ, nhất là trong điều kiện tế nhị giữa chính quyền với các tôn giáo đang
có thế giới quan cơ bản đối lập nhau. Tuy nhiên, vấn đề thế giới quan dần dần
cũng ít quan trọng đi, trước thực tế sống động của cuộc sống thực mà dường như
không ai dám đảm bảo có một thế giới quan nào là chân lý tuyệt đối. Nếu đứng
trên phương diện chính quyền mà nói, và nếu chịu nhìn người giáo dân hay tín đồ
của một tôn giáo cũng là công dân sống trong môi trường xã hội của một quốc gia
mà chính quyền chỉ là người thay mặt quản lý thì mọi việc sẽ thấy trở nên dễ
dàng vô cùng: người theo một tôn giáo tồn tại cùng lúc hai tư cách tín hữu và
công dân, vậy họ chỉ việc tôn trọng cùng lúc các giáo luật thuộc tôn giáo và
những quy định của luật pháp nhà nước, thế là đủ.
Thực tế ở
Việt Nam trong nhiều năm nay, âm ỉ đây đó vẫn còn có những biểu hiện không hài
lòng của phía các tôn giáo đối với chính quyền, tạo điều kiện cho những lực
lượng chống đối khác bên ngoài bám vào, mượn cớ tôn giáo để chỉ trích chính
quyền, là một điều rất phi lý mà chính quyền hoàn toàn có thể chủ động hóa giải
được chỉ bằng cách quan niệm lại cho đúng về tính khách quan sự tồn tại của
quyền tự do tín ngưỡng, từ đó cởi bỏ tất cả mọi hạn chế vô ích đối với các tôn
giáo. Trước hết, nên sửa lại những pháp lệnh đã có theo hướng cởi mở hơn nữa,
rồi bãi bỏ bớt những ban bệ thuộc và do nhà cầm quyền lập ra để kiểm soát, dưới
danh nghĩa nầy khác. Chỉ cần, nếu ai hoạt động tôn giáo mà làm trái pháp
luật thì dùng pháp luật để xử.
Qua tất cả
các cuộc điều tra xã hội đã có, người ta đều thấy tại những khu vực tập trung
tôn giáo, bất kể là đạo gì, đời sống đạo đức của nhân dân phát triển rất lành
mạnh, chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh, góp phần tích cực vào việc duy trì đạo
đức xã hội. Nhận xét chính xác nầy có lẽ nêu lên được một khía cạnh hết sức quan
trọng về vai trò tốt đẹp của tôn giáo trong việc làm cân bằng các mục tiêu phát
triển, giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh, mà nếu không có như thế con
người sẽ hoàn toàn bị tha hóa, trở nên thực dụng thô thiển, chỉ biết nhắm mắt
chạy theo đồng tiền cùng quyền lực, và vì thế không thể tránh khỏi tình trạng
hỗn loạn và tính phổ biến của tội ác, đi kèm với những hành vi tham nhũng, tiêu
cực như đã từng được thấy.
Cũng như đối với các thành phần của chế
độ cũ, với người Việt Nam ở nước ngoài, muốn phát huy giá trị vốn xã hội của các
tôn giáo, cần phải có sự phân chia nhiệm vụ và hợp tác chân thành, bằng cách mở
rộng quyền tự do hoạt động của tôn giáo trên các lĩnh vực giáo dục, công tác từ
thiện, công tác xuất bản truyền giáo…, trên cơ sở quy định của Hiến pháp và sự
kiểm soát chặt chẽ của luật pháp quốc gia. Điều này có nghĩa, phải mạnh dạn
cho phép các tôn giáo được tự do mở trường dân lập, lập viện cô nhi, nhà dưỡng
lão, cơ sở chữa bệnh từ thiện…, nếu có thêm sự hỗ trợ của chính quyền về mặt cơ
sở vật chất càng tốt, thay vì tìm cách khéo léo ngáng trở kiểu này kiểu
khác.
Tóm lại, để phát huy tổng lực mọi nguồn
vốn xã hội quý báu, phần trách nhiệm của Chính phủ là nên giảm bớt tối đa sự can
thiệp, chỉ giữ lại vai trò giám sát và xử lý bằng luật pháp khi có phát sinh vấn
đề này khác. Nói cách khác, phải mở rộng tự do tới mức tối đa trên cơ sở pháp
quyền dân chủ, để mọi công dân và từng nhóm cộng đồng có chung mục đích lý
tưởng tự nguyện hợp tác mà kết quả đạt được của họ cũng trúng vào mục tiêu của
các nhà chức trách. Bằng cách đó, gánh nặng nhà nước sẽ giảm đi rất nhiều, cũng
là một hình thức xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động, nhưng không bị mang tiếng xã
hội hóa theo kiểu bắt dân đóng thêm tiền sau khi đã nộp thuế, để “Nhà nước và
nhân dân cùng làm!”.
17.1.2013
Nguồn:
Nguyệt san Công Giáo & Dân Tộc, số 217 Xuân Quý Tỵ (1.2013)
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 7-3-2014