Nguyễn Đình Đăng
Tháng 1. 2014 vừa qua truyền thông Nhật Bản tưng bừng loan tin một nhóm nhà khoa học Nhật Bản tại Trung tâm Sinh học Phát triển của viện RIKEN (RIKEN Center for Developmental Biology, viết tắt CDB, đóng tại Kobe – thành phố nằm trên bờ vịnh Osaka, phía nam đảo Honshu) vừa thành công trong việc biến tế bào gốc (stem cells) thành các tế bào gốc đa năng (pluripotent stem cells).
Tế bào gốc đa năng có thể biệt hóa thành hầu hết các loại tế bào tạo nên các mô và các bộ phận trong cơ thể sống. Nếu chế ra được các tế bào gốc đa năng bằng phương pháp nhân tạo, các nhà khoa học có thể tạo nên các bộ phận của cơ thể người, thay thế các cơ quan bị hỏng do bệnh tật. Các phương pháp đang được nghiên cứu trên thế giới hiện nay đều khá phức tạp và mất nhiều thời gian, vì thế tiến bộ rất chậm. Năm 2012 GS Shinya Yamanaka (Nhật Bản) và GS John Gurdon (Hoa Kỳ) đã đoạt giải Nobel y học vì đã phát hiện ra rằng có thể chuyển hóa các tế bào trưởng thành sang các tế bào gốc đa năng, được gọi là iPS cells (induced pluripotent stem cells). Tuy nhiên cái khó trong phát minh của Yamanaka là hiệu suất sản xuất ra các iPS cells không cao và cả 4 yếu tố phiên mã (transcriptional factor) đều gây khối u.
Nhóm nghiên cứu tại RIKEN CDB đã lấy các tiểu thể bạch huyết (lymph corpuscle) của chuột 7 ngày tuổi ngâm vào dung dịch acid loãng (độ pH thấp) trong vòng 30 phút, sau đó cấy chúng vào chuột. Nhóm này nói họ thấy các tế bào này phát triển thành các mô thần kinh và mô cơ. Họ gọi các tế bào được tạo ra bằng cách này là STAP cells (Stimulus-triggered acquisition of pluripotency cells) tức các tế bào đa năng được tạo bởi kích hoạt kích thích. Phát minh này được đăng trong 2 bài báo ngày 30.01.2014 trên tạp chí Nature nổi tiếng [1].
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu này là Haruko Obokata (sinh năm 1983), người mới bảo vệ luận án tiến sĩ cách đây 3 năm tại Đại học Waseda, sau khi tu nghiệp 2 năm tại trường y của Đại học Harvard. Với tư cách một nữ khoa học gia trẻ được đào tại Đại học Waseda lại từng nghiên cứu tại các trung tâm danh giá như Đại học Harvard và viện RIKEN, Haruko Obokata trong phút chốc bỗng trở thành nổi tiếng toàn cầu nhờ phát minh này. Truyền thông Nhật Bản “lăng-xê” Obokata như một ngôi sao nhạc pop. Đây là một phát minh cực kỳ quan trọng bởi nó sẽ gây ra cuộc cách mạng trong sinh học … nếu Obokata và các cộng sự đúng.
Vâng, nếu kết quả này là đúng, bởi ngay sau đó, nghi ngờ đã xuất hiện trong cộng đồng khoa học quốc tế. Trong khoa học thực nghiệm một phát minh được cộng đồng khoa học công nhận chỉ khi nào các trung tâm nghiên cứu độc lập có thể lặp lại thí nghiệm và thu được kết quả giống như vậy. Rủi thay, các nhà khoa học tại 5 viện nghiên cứu khác nhau trên thế giới đã ra sức làm theo quy trình của nhóm Obokata nhưng hoài công: cho tới giờ chưa ai thu được STAP cells như được mô tả trong 2 bài báo.
Hơn nữa, GS Teruhiko Wakayama, một trong 14 tác giả của công trình trên, sau khi rời nhóm của Obokata tại RIKEN, chuyển sang Đại học Yamanashi, cũng không thể nào lặp lại kết quả mà chính ông đã từng thu được duy nhất 1 lần tại RIKEN khi dùng tế bào do Obokata cung cấp. Thứ Hai vừa rồi Wakayama đã lên tiếng kêu gọi các đồng tác giả của 2 bài báo này rút bài xuống bởi ông không còn tin vào các kết quả này nữa [2], cho dù Obokata và 2 tác giả khác đã đăng một bản hướng dẫn các bước kỹ thuật để các nhà nghiên cứu có thể lắp lại kết quả của nhóm Obokata [3].
Trong khi đó, cộng đồng mạng tại Nhật Bản và trên thế giới liên tiếp tìm ra các điều bất thường trong các bài báo này, ví dụ một hình chụp kết quả thực nghiệm đã được “xử lý” để gắn một hình con vào giữa, có những hình được lấy từ công trình cũ với nội dung hoàn toàn khác. (Xem hình bên dưới trích từ http://stapcell.blogspot.jp).
Nhiều đoạn trong hai bài báo tại Nature là bản chép nguyên xi từ công trình của các tác giả khác [4]. Hôm qua, đài NHK còn cho biết người ta đã phát hiện ra 3 hình chụp các tế bào đa năng được cho là của chuột trong công trình đăng tại Nature giống gần như y chang 3 hình từ luận án tiến sĩ năm 2011 của Obokata, chụp các tế bào đa năng của phôi người trong một thí nghiệm hoàn toàn khác.
Trong tuyên bố hôm thứ Ba vừa qua, hội Sinh học Phân tử Nhật Bản nhận định: “Các số liệu trong 2 bài báo trên có nhiều sai lầm khiến khó nói rằng các kết luận của nhóm tác giả này dựa trên sự thực khoa học và được đảm bảo đúng mức. Số trường hợp giả mạo nhiều tới mức vượt ra ngoài cơ may để có thể xem chúng như các sai sót tầm thường.” Bộ trưởng khoa học Nhật Hakubun Shimomura cũng cho rằng hai bài báo này cần được gỡ bỏ [5].
Chưa hết, ngạn ngữ có câu “Việc đã hỏng là hỏng hoàn toàn.” (When things go wrong, they go completely wrong). Một công dân mạng tại Nhật còn phát hiện ra rằng toàn bộ chương mở đầu luận án tiến sĩ (hơn 20 trang trong tổng số 108 trang), được Obokata bảo vệ tại Đại học Waseda năm 2011, là kết quả Obokata đạo văn từ trang web của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (US National Institut of Health, hay NIH) [6 - 8]. Tại chương 3 của luận án này, trang tài liệu trích dẫn có 38 công trình theo thứ tự chữ cái từ A tới P giống nguyên xi trang tài liệu trích dẫn trong công trình của một nhóm tác giả Hàn Quốc, nhưng nội dung luận án lại không có liên hệ gì với các tài liệu trích dẫn đó cả! Điều tồi tệ và đáng ngạc nhiên hơn nữa là giáo sư hướng dẫn luận án cho cô tiến sĩ này cùng toàn thể hội đồng chấm luận án của cơ sở có tên “Đại học Waseda” không hề nhận ra, nên đã thản nhiên cho qua.
Một giáo sư Nhật Bản, đã nghỉ hưu nhưng hàng tuần vẫn tới RIKEN làm việc, nói với tôi: “Điều đó có nghĩa Đại học Waseda không xứng đáng được gọi là ‘đại học’ nữa. Vụ đạo văn này sẽ và phải làm ‘đại học’ Waseda tổn thương nghiêm trọng.” Ông còn nói: “Thật kinh ngạc khi cộng đồng khoa học Nhật Bản và quốc tế đã vạch ra các công trình khoa học sai một cách nhanh chóng như vậy. Trong khi đó ‘Beethoven Nhật bản’ đã lừa dối công chúng Nhật và cả đài NHK suốt 18 năm trời thì chẳng ai biết.” [9]
Trước sức ép của cộng đồng khoa học và công luận, ngày 13.02.2014 viện RIKEN đã mở cuộc điều tra. Chiều mai RIKEN sẽ ra thông cáo về vụ này. Chúng ta hãy chờ xem RIKEN phán quyết như thế nào.
13.03.2014
*
Chủ tịch viện RIKEN xin lỗi công chúng về vụ 2 bài báo tế bào gốc
Theo NHK World [10] và the Wall Street Journal [11], tại cuộc họp báo kéo dài tới 4 tiếng đồng hổ chiều 14.03.2014, trước gần 200 nhà báo, khoảng 30 video camera, và hàng chục máy ảnh, lãnh đạo viện RIKEN đã cúi rạp đầu xin lỗi công chúng.
Chủ tịch RIKEN Ryoji Noyori – người đoạt giải Nobel hoá học năm 2001 – xin lỗi vì đã gây ra tình huống có thể gây phương hại độ tin cậy của cộng đồng khoa học. Ông nói việc để xảy ra những lỗi nghiêm trọng trong hai công trình nói trên là cực kỳ đáng tiếc. RIKEN sẽ tiếp tục điều tra vụ này và, nếu khẳng định được đúng là có những hành vi bất chính trong nghiên cứu, viện sẽ xử phạt nghiêm khắc.
Giám đốc Trung tâm Sinh học Phát triển (CDB) Masatoshi Takeichi cũng khẳng định hai bài báo có nhiều lỗi làm suy giảm nghiêm trọng độ tin cậy của các kết quả. Ông cho rằng cần nhanh chóng gỡ bỏ hai bài báo bày, tiến hành nghiên cứu lại, và ông đề nghị các tác giả làm như vậy.
Giám đốc điều hành RIKEN Maki Kawai nói trên cơ sở các sự thực được khẳng định cho đến giờ có thể thấy đã xảy ra nhiều vi phạm đạo đức khoa học. Bà nói thêm là không thể bỏ qua sự thiếu đạo đức và RIKEN sẽ phải làm tốt hơn điều này.
TS. Shunsuke Ishii – trưởng ban điều tra các sai phạm nghiên cứu trong vụ này cho biết, theo báo cáo sơ bộ [12], có một số dữ liệu đã được xử dụng không thích đáng, trong khi Haruko Obokata vẫn khẳng định rằng đó chỉ là sai sót chứ không phải hành vi cố tình vi phạm đạo đức nghiên cứu. Báo cáo sơ bộ tiếp tục điều tra cáo buộc rằng một hình vẽ quan trọng trong một bài báo rõ ràng đã bị sửa đổi bằng cắt dán. Khi bị chất vấn, Obokata trả lời cô không biết rằng không được phép sửa đổi hình theo cách như vậy! Đại diện của RIKEN cũng cho biết 3 hình được đưa ra trong một bài báo như bằng chứng rằng STAP cells có thể biệt hóa thành bất kỳ loại mô nào cũng là sai nốt, vì 3 hình đó được lấy từ luận án TS của Obokata từ 3 năm trước, nhưng nhóm nghiên cứu đã không báo cáo cho ban điều tra về việc này. Obokata còn bị cáo buộc là đã sao chép cách giải thích phương pháp thí nghiệm từ công trình của một tác giả khác. Khi bị chất vấn, cô trả lời không nhớ nguồn từ đâu! Ban điều tra sẽ tiếp tục thẩm định để đưa ra kết luận cuối cùng.
Các đại diện của RIKEN tại buổi họp báo đều tránh nói đến hành vi của Obokata. TS Ryoji Noyori chỉ nói cô Obokata còn “chưa chín chắn” và “luộm thuộm“, trong khi TS Masatoshi Takaichi thì nói hai bài báo ở Nature “chưa ra dáng hai bài báo“. Khi được hỏi cô Obokata hiện ở đâu, TS. Ishii cho biết cô đang ở Kobe, việc nghiên cứu của cô tạm thời bị đình chỉ, và “trạng thái tâm lý” của cô hiện nay không tốt.
Obokata và các đồng tác giả tại RIKEN đã viết một bản thành tâm xin lỗi vì các sai sót trong hai bài báo nói trên. Họ nói họ đang xem xét nghiêm túc vụ này và đang liên lạc với các đồng tác giả ngoài RIKEN để rút hai bài báo này xuống. (Theo quy định, tạp chí Nature chỉ rút bài nếu có sự đồng thuận của tất cả các đồng tác giả. Nhưng người phát ngôn của Nature cũng cho biết tạp chí có thể vẫn quyết định rút kể cả trong trường hợp có đồng tác giả không đồng ý. Khi đó Nature sẽ ghi chú quan điểm bất đồng trong tuyên bố rút bài.)
Về cáo buộc đạo văn trong luận án TS, trong một email gửi tạp chí The Wall Street Journal, Obokata nói rằng phần luận văn TS của cô mà một blogger đã nêu ra trên internet, có nội dung được sao chép nguyên văn từ trang web của viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ là bản nháp, không phải là bản chính mà hội đồng chấm luận văn TS của Đại học Waseda đã thông qua. Cô nói cô đã yêu cầu ĐH Waseda gỡ bỏ bản mà cô gọi là nháp này khỏi trang web nhà trường. Tuy nhiên người phát ngôn của ĐH Waseda lại nói trường không hề nhận được yêu cầu nào như vậy và không hề biết một bản luận văn nào khác của cô Obokata ngoài bản hiện có. Người phát ngôn này còn nói nhà trường hiện vẫn đang tiếp tục điều tra các nghi vấn liên quan tới luận văn TS này [13].
14.03.2014
*
Haruko Obokata đề nghị rút luận án tiến sĩ
Theo tin từ Asahi Shimbunn ngày 15.03.2014, Haruko Obokata – tác giả đứng đầu hai công trình về STAP cells hiện đang bị điều tra do có nhiều nghi ngờ về nội dung sai lầm và gian lận – vừa đề nghị Đại học Waseda cho rút luận án tiến sĩ đã bảo vệ năm 2011 sau khi bị cáo buộc đã đạo văn từ trang web của viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ. Người phát ngôn của ĐH Waseda cho biết chỉ đại học này mới có quyền rút luận án tiến sĩ và một khi luận án bị rút thì học vị tiến sĩ cũng bị tước luôn. Đại học vẫn đang điều tra vụ đạo văn này.
15.03.2014
_____________
[1] H. Obokata, T. Wakayama, Y. Sasai, K. Kojima, M.P. Vacanti, H. Niwa, M. Yamato, and C.A. Vacanti, Nature 505, 641–647 (2014);
H. Obokata, Y. Sasai, H. Niwa, M. Kadota, M. Andrabi, N. Takata, M. Tokoro, Y. Terashita, S. Yonemura, C.A. Vacanti, and T. Wakayama, Nature 505, 676–680 (2014).
[2] K. Kaplan, Scientist who created STAP stem cells says studies should be withdrawn, Los Ageles Times, 11.03.2014.
[3] H. Obokata, Y. Sasai, and H. Niwa, Essential technical tips for STAP cell conversion culture from somatic cells, Nature – Protocol Exchange, 5.03.2014.
[4] Paul Knoepfler, STAP stem cell new allegations: situation turns darker, 27.02. 2014.
[5] Skepticism grows over STAP cell reports in scientific circles, The Asahi Shimbun, 12.03.2014.
[6] Beth, Netizens notice STAP cell scientist’s PhD ‘plagiarism’, 12.03.2014.
[7] Fumikazu Asai, Doubts raised about STAP cell scientist’s doctoral dissertation, The Asahi Shimbun, 12.03.2014.
[8] Alexander Martin, Five Allegations Against Riken Stem-Cell Researcher in Japan, The Wall Street Journal, 12.03.2014.
[9] Nguyễn Đình Đăng, Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá, 9.02.2014.
[10] Scientists considering retracting STAP cell papers, NHK World 14.03.2014; RIKEN issues interim report on STAP cell, NHK World 14.03.2014.
[11] Alexander Martin, Head of Japan’s Riken Institute Apologizes Over Stem-Cell Papers, The Wall Street Journal, 14.03.2014.
[12] Interim report on the investigation of the Obokata et al. articles, RIKEN Press release 14.03.2014.
[13] Alexander Martin, Japan Stem-Cell Researcher Offers Defense Over Plagiarism Allegation, The Wall Street Journal, 14.03.2014.