Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính đáng sợ như thế nào?


 Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM giám sát công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM giám sát công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương.
"Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính Mers – CoV là rất đáng sợ”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cảnh báo.
Ông Hưng cho hay, cùng lúc nhiều dịch bệnh bùng phát, chưa hết sởi đã đến sốt xuất huyết, tay chân miệng và đang lấp ló cả bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (Mers- CoV) tại khu vực Trung Đông có khả năng tấn công vào TP.HCM. 
Trong khi đó, TP lại đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao sẽ là điều kiện lý tưởng để phát sinh, lây lan các dịch bệnh do vi rút trên.
Cũng theo ông Hưng, đến giờ TP.HCM đã cơ bản khống chế được dịch sởi, số ca mắc sởi đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, ngành y tế cũng sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi cho các trẻ dưới 10 tuổi, duy trì lịch tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế phường – xã.
Mặc dù trong những tuần gần đây số ca sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm, nhưng nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong năm nay là rất hiện hữu. 
Điều này có nhiều nguyên nhân, nhất là chu kỳ dịch sốt xuất huyết có thể quay trở lại, nhiều vật chứa nước sản sinh lăng quăng vẫn đang tồn tại nhiều nơi trên địa bàn TP. Riêng số ca mắc tay chân miệng hiện đang gia tăng. 
Vậy ngành y tế TP.HCM đã có giải pháp phòng chống những dịch bệnh này như thế nào, khi mùa mưa đến, thời điểm rất tốt để bùng phát các dịch bệnh do vi rút gây ra thưa ông?
Ngành y tế TP đã tập trung nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó thực hiện chiến dịch khử khuẩn toàn TP, từ ngày 10.5 đến 10.6. Trong chiến dịch này không chỉ tập trung khử khuẩn mà còn xem như một chiến dịch tổng vệ sinh để thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, trong đó có dọn dẹp các vật chứa nước sản sinh lăng quăng ở các khu dân cư để phòng chống sốt xuất huyết.
Để thực hiện chiến dịch này, tất cả các trường mầm non, nhà trẻ trên địa bàn TP sẽ được khử khuẩn ít nhất mỗi tuần một lần.
Đối với những khu dân cư sẽ tập trung vào những khu vực trọng điểm đã từng xuất hiện nhiều ca bệnh hoặc điều kiện vệ sinh không đảm bảo, có nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng.
Để tạo điều kiện thuận lợi, người dân có thể sử dụng các loại hóa chất có trên thị trường. Trạm y tế sẽ cung cấp Cloramine B miễn phí cho người dân nào có nhu cầu để sử dụng trong gia đình.
Ngành y tế sẽ tăng cường giám sát các ca bệnh để phát hiện những trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh khác để cách ly, xử ý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ở khu dân cư cũng như trường học.
Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người lo ngại bệnh nhân sẽ tập trung quá đông ở các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa khiến cho bệnh nhân dễ bị lây nhiễm chéo, tình trạng bệnh nặng thêm, nguy cơ gây tử vong cao. Nghành y tế đã có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? 
Sở y tế đã chỉ đạo cho hệ thống điều trị tăng cường công tác điều trị trong thời điểm hiện nay đối với các dịch bệnh trên.
Các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa sẽ tập huấn, huấn luyện để nâng cao năng lực khám và điều trị cho các bệnh viện tuyến quận – huyện.
Ngoài các bệnh viện chuyên khoa, Sở Y tế cũng trang bị đầy đủ phương tiện cho các bệnh viện quận – huyện thực hiện công tác khám và điều trị dịch bệnh.
Nâng cao năng lực điều trị của các bệnh viện quận – huyện để các bệnh viện có khả năng khám và điều trị nhằm hạn chế các bệnh nhân được đẩy lên tuyến trên, khi chưa cần thiết, gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Hiện nay nhiều người dân đang rất lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính gây tử vong cao, có nguy cơ tấn công vào TP.HCM. 
Theo ông, điều đáng lo ngại ở dịch bệnh này là gì?
Triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính này giống với bệnh Sars. Tuy nhiên, điều đáng lo là theo ghi nhận trên thế giới hiện nay có những trường hợp mắc viêm hô hấp cấp cấp tính, nhưng lại không có triệu chứng.
Thêm nữa, nguy hiểm của dịch bệnh Mers – CoV là đã ghi nhận nhiều trường hợp lây từ người sang người trong khi ngay cả dịch Sars trước đây cũng chưa có bằng chứng lây từ người sang người.
Với dịch bệnh Mers – CoV thật sự rất khó tránh, vì bệnh này có thể lây mọi lúc mọi nơi, qua tuyến nước bọt. Tất cả những điều trên cho thấy, dịch bệnh Mers – CoV là rất đáng sợ.
Vậy, ngành y tế TP đã có giải pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này?
Theo thông tin của ngành y tế TP, hiện nay một số nước ở khu vực Trung Đông và mộ số nước khác, trong đó có cả những nước ở Châu Á xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính ( Mers – CoV) tại khu vực Trung Đông do chủng vi rút Corona gây ra.
Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh này, nhưng với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan giám sát các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, hoặc những trường hợp đi đến vùng dịch.
Đối với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế của TP.HCM đã triển khai những biện pháp để theo dõi thân nhiệt từ xa, phát hiện những người sốt, theo dõi những hành khách đến từ nơi vùng dịch.
Đồng thời cũng tập trung giám sát ở các bệnh viện của TP, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa. Khi phát hiện những người có triệu chứng nghi ngờ viêm hô hấp cấp, cộng với yếu tố dịch tể sẽ tăng cường giám sát để phát hiện bệnh sớm, tránh lây lan.
Những biện pháp phổ quát chung về truyền thông, vệ sinh phòng bệnh, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đáp ứng việc thu nhân điều trị bệnh này cũng đã được triển khai ở các bệnh viện, các cơ sở y tế.
Hồ Quang (thực hiện)







Tổ chức Y tế thế giới họp khẩn
 về hội chứng MERS
Phúc Minh
Nhân viên y tế và người dân đeo khẩu trang phòng chống MERS tại một bệnh ở thành phố Jeddah, Ả-rập Saudi. Ảnh: THX
(TBKTSG Online) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp khẩn về virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS) trong hôm nay (13-5) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Virus MERS có nguồn gốc từ động vật, được phát hiện cách đây hai năm tại Ả-rập Saudi, đặc biệt nguy hiểm vì chưa có vắc-xin hay phương pháp điều trị.
Số ca nhiễm MERS tăng vọt trong thời gian gần đây tại Ả-rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và một số trường hợp lây nhiễm tại các nước khác gây lo ngại cho công chúng. Tại cuộc họp, WHO cũng sẽ xem xét báo cáo của nhóm chuyên gia sau chuyến thăm Ả-rập Saudi cách đây vài tuần, qua đó tham vấn cho Tổng Giám đốc WHO những bước đi tiếp theo.
Ngày 12-5, Bộ Y tế Ả-rập Saudi cho biết tổng số trường hợp tử vong do nhiễm MERS tại nước này lên đến 147 người, tăng 5 người so với số liệu công bố một ngày trước đó. Tổng số ca lây nhiễm được ghi nhận tính đến thời điểm này là 491 ca.
Ả-rập Saudi hiện là nước có diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại nhất trong số 16 nước ghi nhận có người nhiễm MERS. Người dân Ả-rập Saudi mong muốn minh bạch thông tin về sự lây lan của dịch bệnh, vì nguy cơ lây dịch bệnh tăng cao khi du khách từ khắp nơi trên thế giới đồ về nước này trong tháng lễ Ramadan vào tháng 7 và mùa hành hương vào tháng 10.
Cùng ngày, Bộ Y tế Jordan thông báo nạn nhân thứ ba tử vong vì virus MERS trong năm nay tại nước này. Kể từ khi trường hợp nhiễm MERS đầu tiên được phát hiện tại Jordan từ năm 2012 đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 9 ca nhiễm bệnh, trong đó 5 trường hợp đã tử vong.
Ngày 12-5, Bộ Y tế Ai Cập cho biết bệnh nhân duy nhất nhiễm MERS ở nước này đã phục hồi và xuất viện sau hai tuần điều trị liên tục tại một bệnh viện ở thủ đô Cairo. Ai Cập đang xem xét cấm các tín đồ Hồi giáo đến Ả-rập Saudi trong mùa hành hương sắp tới để tránh nguy cơ lây lan dịch MERS.
Cũng trong ngày 12-5, quan chức y tế Mỹ cho biết Mỹ phát hiện trường hợp thứ hai nhiễm virus MERS. Bệnh nhân đến từ Ả-rập Saudi để thăm người thân.





Hai công dân Philippines tử vong do virus MERS
Phúc Minh
Virus MERS khiến 173 người chết tại Ả-rập Saudi. Ảnh: Reuters
(TBKTSG Online) - Bộ Ngoại giao Philippines ngày 22-5 cho biết hai công dân nước này, làm việc tại Ả-rập Saudi, đã lần lượt tử vong vào ngày 12-5 và 18-5 do nhiễm virus gây Hội chứng suy đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS).
>> Tổ chức Y tế thế giới họp khẩn về hội chứng MERS
Hai công dân trên tử vong trong bối cảnh Philippines đang tăng cường các biện pháp phòng chống virus MERS bằng cách kiểm tra sức khỏe của những người nhập cảnh từ Trung Đông. Tháng trước, nước này đã cách ly một y tá có kết quả dương tính với virus MERS.
Philippines hiện có hàng ngàn công dân làm việc tại Trung Đông, điểm nóng nhiễm virus MERS, được cho là nguy hiểm hơn virus cùng họ gây Hội chứng suy đường hô hấp cấp SARS ở châu Á năm 2003.
Trong tuần này, quan chức y tế Ả-rập Saudi cho biết 173 người đã tử vong trong tổng số 537 người nhiễm virus MERS tại nước này .
Hiện nay, ngoài Ả-rập Saudi, công dân các nước Ai Cập, Jordan, Lebanon, Hà Lan, UAE, Mỹ và Philippines cũng đã bị nhiễm loại virus nói trên.