Đất nước dường như chưa bao giờ rối ren như lúc này. Đêm 13, rạng sáng 14/5, bạo loạn bùng nổ ở Bình Dương và lan dần ra các nơi khác: Biên Hòa, Đồng Nai, Hà Tĩnh… Hàng nghìn người xuống đường, đổ máu, đánh lộn, đập phá đồ đạc và cướp bóc, hôi của đã xảy ra. Trên mạng xã hội, tràn ngập thông tin và hình ảnh chia sẻ về tình hình bạo động. Bên cạnh đó là những lời buồn, than cho số phận nước Việt, trách móc dân Việt, lên án chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đả đảo chính quyền, thương công nhân, căm thù Trung Quốc, v.v. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đánh giá: “Đây là cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất kể từ sau ngày Việt Nam thống nhất, và cũng là cuộc tấn công và hôi của các công ty nước ngoài táo tợn nhất tại Đông Nam Á trong những năm gần đây”.
Trong khi đó, trên Biển Đông, giàn khoan của Trung Quốc vẫn sừng sững đó. Bắc Kinh, với tâm lý ngạo ngược và sĩ diện vốn có của một bá quyền khu vực, sẽ không đời nào rút lui, và ngay cả khi buộc phải xuống nước đi chăng nữa thì cũng vẫn phải là “trên thế thắng”, giống như chiến tranh biên giới 1979 là cuộc chiến cả hai bên tham gia đều tuyên bố chiến thắng.
ASEAN chẳng tỏ vẻ gì là đứng về phía Việt Nam, và truyền thông phương Tây thì bắt đầu phản ánh hình ảnh một nước Việt Nam hỗn loạn vì thù hằn, nghèo đói, dân tộc chủ nghĩa, ưa bạo lực.
Chưa bao giờ, kể từ ngày Internet vào Việt Nam (tháng 11/1997), không khí chính trị-xã hội lại căng thẳng và rối ren như thế này. Có thể trước cái mốc 19/11/1997, đã có nhiều vụ việc tương tự vụ Bình Dương xảy ra – ví dụ như biến cố Thái Bình tháng 6/1997 – nhưng vì khi ấy Internet chưa phổ biến và mạng xã hội chưa ra đời, cho nên thông tin không lan truyền và người ta không cảm thấy hoang mang như hiện nay.
Vì vậy, đây đó trong không gian mạng đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi “đừng chia sẻ hình ảnh bạo lực”, “đừng bình luận”, “đừng làm nhiễu loạn thông tin nữa”, v.v.
Nhưng, “của tin còn một chút này”, nếu có thể bằng niềm tin mà vực dậy trong khủng hoảng, thì chúng ta hãy tin rằng:
Người Việt Nam không ngu dốt, không ác!
Nói một cách khác, xã hội của chúng ta tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ sự lương thiện vẫn là nền tảng, nhờ lương tâm xã hội vẫn còn. Có phải vì thế mà, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch HĐQT tập đoàn InvestConsult, trong một lần nói chuyện với sinh viên, đã tha thiết khuyên:
“Các cháu sẽ không ngẩng mặt được một cách thật lòng, một cách duyên dáng nếu các cháu không lương thiện. Không ai đeo đồ trang sức ăn trộm để đi dự vũ hội đầu đời của mình cả, không ai mặc một bộ quần áo ăn trộm để đến gặp người bạn trai hay bạn gái của mình cả. Các cháu phải giữ bằng mọi giá sự lương thiện của mình, không đánh đổi nó bằng bất kỳ cái gì cả, đấy là lời khuyên của một người ngoài 60 tuổi đối với các cháu”.
Vì thế cho nên, mặc dù trong làn sóng bình luận, chia sẻ thông tin, lên tiếng về một sự kiện nào đó, luôn có ý kiến cho rằng đó chỉ là biểu hiện của sự “đạo đức giả”, “anh hùng bàn phím”, “a dua, bầy đàn theo tâm lý đám đông”, nhưng khuynh hướng chung lại là cái tốt sẽ trụ lại được và cái xấu sẽ chìm dần, nhờ sự điều chỉnh của lương tâm xã hội.
Cho đến giờ phút này, lương tâm xã hội – thể hiện qua những bình luận, bài viết và ảnh trên mạng – vẫn đang hướng dẫn mỗi người tự điều chỉnh: Không cực đoan chống lại tất cả người dân Trung Quốc, không cổ vũ bạo lực và cướp bóc, không kích động chiến tranh, nhưng cũng không chấp nhận đường lối ngoại giao đu dây, kín kín hở hở, coi quốc gia bá quyền phương bắc là bạn vàng, đồng chí tốt. Và, hãy bảo vệ quyền lợi của công nhân thông qua những công đoàn thực chất.
Cuối cùng, vì lương tâm xã hội và cũng để giữ gìn lấy cái xã hội đang hỗn loạn của chúng ta, hãy để tất cả mọi người cùng lên tiếng phản đối bạo lực.
Đoan Trang