Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Học chỗ nọ, chỗ kia

Tôi tốt nghiệp phổ thông năm 2000, hiện tại không làm trong ngành giáo dục. Tôi cũng chưa có dịp tham khảo lại các chương trình dạy học ngày nay. Nhưng cho tôi xin được chia sẻ những suy nghĩ của mình về giáo dục, mặc dù đây chỉ là những kinh nghiệm cá nhân qua những năm tháng học ở Việt Nam rồi học ở Mỹ từ Community College lên đến University.

1. Năm học lớp Tiếng Anh đầu tiên trình độ Đại Học ở Mỹ (Composition), tôi học cách viết luận văn Problem Solution. Đề bài là: học sinh tự chọn một vấn đề mình quan tâm trong xã hội và tìm ra cách giải quyết. Yêu cầu của giáo viên: nêu vấn đề, nêu 3 cách làm cụ thể để giải quyết, ở mỗi cách làm, suy nghĩ ra các phản biện (counter arguments), rồi phản biện lại các phản biện đó.
Ở đây, học sinh học cách lập luận, học cách quan tâm các vấn đề xã hội, học cách tham gia, giải quyết các vấn đề. Nếu đi học mà chẳng học gì liên quan đến các vấn đề xung quanh mình, các sự kiện trong cuộc sống, thì học để làm gì?

2. Lớp Tiếng Anh thứ hai trình độ Đại Học (Critical Thinking), giáo viên cho đọc một bài văn của Alice Walker. Bài viết về gia đình có hai chị em, người chị tân tiến trong khi người em bảo vệ giá trị truyền thống… Đề bài giáo viên cho, đại ý như sau: nêu quan điểm của bạn về 2 chị em, theo bạn, bạn sẽ noi gương theo người chị hay em.
Tôi sống hướng nội, lớn lên với bà, nên giá trị truyền thống bao giờ cũng trên hết. Tôi nêu quan điểm bên vực người em. Bạn học cùng lớp, dân bản xứ, mạnh dạn lên án gay gắt các giá trị truyền thống, bóp nát các ý nghĩ tân tiến, sáng tạo của người trẻ. Cả hai đối lập nhau, nhưng đều có dẫn chứng cho quan điểm của mình… Kết quả cả hai đứa tôi đều được điểm cao. Giáo viên không bàn ai đúng ai sai, chỉ nhắn nhủ học sinh, hãy suy nghĩ thêm.
Ở Việt Nam mình, dạy phân tích văn là phải nêu được “đại ý” bài văn. Những đại ý này được truyền đạt từ giáo viên, và đã được công nhận là đại ý của bài. Ông bà mình nói 9 người 10 ý. Vậy mà, nền giáo dục của mình tham vọng đào tạo tất cả các thế hệ với các ý chính đã được định sẵn!
Chưa kể, khi dạy các “đại ý” như vậy, mình đã không dạy học sinh khả năng tự đọc hiểu, tự suy nghĩ, tự tìm tòi dẫn chứng, bảo vệ cho suy nghĩ đó. Tất cả rất cần thiết, nhất là sau này, khi ra đời, học sinh có khả năng phân tích, đánh giá, chứ không phải lúc nào cũng hùa theo suy nghĩ của người khác (rất quan trọng trong xã hội thời nay khi mà một bộ phận truyền thông bóp méo sự việc vì lý do cá nhân như được nhiều người đọc, nhiều người bình luận…)

3. Học sử Mỹ năm 2004, tôi được học về vụ tấn công ngày 11/9 năm 2001. Chừng nào môn sử ở Việt Nam mình sẽ cập nhật nhanh như vậy?
Cũng trong lớp học sử này, tôi có làm một bài tập về nhà như sau: coi phim A, B, C… mô tả giai đoạn lịch sử phản ánh qua phim. Coi phim, phân tích phim, rồi viết, nêu dẫn chứng,… Khả năng nhận thức, đọc/xem – hiểu, lập luận không chỉ học ở tiết Văn, mà còn thực hành ở lớp Sử. Trong khi đó, ở nước mình thì kiểm tra sử là kiểm tra thuộc lòng, nêu ngày giờ, sự kiện.

4. Trong một giờ học lớp Toán tích phân, một học sinh hỏi thầy, làm sao cộng hai phân số. Tôi lo sợ, những tưởng ông thầy sẽ ầm ầm cho em này một trận cái tội mất kiến thức cơ bản. Vậy mà không, học sinh hỏi, thầy trả lời. Có thể thầy cũng bực bội, nhưng mắng nhiếc học sinh thì sẽ làm chúng quê, không hỏi, không phát biểu nữa, và sẽ làm lớp học xao lãng, không tập trung, rồi sẽ làm mất thời gian giảng dạy…
Còn ở Việt Nam mình, trong một lần thầy dạy hóa có sai xót lúc giải bài trên bảng, học sinh chúng tôi sửa bài thầy. Kết quả là 45 phút sau đó, thầy không giảng bài nữa, mà cằn nhằn chúng tôi “đủ lông đủ cánh” rồi, “lên lớp” thầy… mà sự thật là thầy làm sai! Xót dễ sợ, người lớn làm sai không nhận sai, ỷ lại mình lớn, mình có quyền, đánh phủ đầu học sinh.
Vậy đó, thầy dạy học sinh cái quan hệ cường quyền (power relationship): mình có quyền sẽ dễ dàng bắt nạt người khác. Học sinh đâu chỉ học đạo đức ở giờ đạo đức. Một số thầy cô chưa hiểu vấn đề này.

5. Năm 96-97, tỉnh tôi sắm cho trường chuyên mới mở của chúng tôi một phòng 20 máy vi tính, mới nhất tỉnh, chẳng nơi nào trong tỉnh có. Vậy mà cái phòng đó mở cửa vài tiếng một tuần. Tôi còn nhớ mình đã năn nỉ thầy hiệu trưởng mở cửa thêm giờ để thực tập, nhưng “máy hư ai chịu”? Thầy nhất quyết không mở cửa thêm giờ. Học sinh chúng tôi có 1-2 tiết/tuần để sử dụng máy. Trường lúc đó có 4-5 lớp, tổng cộng một trăm mấy học sinh, phòng máy mở cửa 5-6 tiếng/tuần!!!
Không biết người ta có đề ra mục tiêu khi trang bị phòng máy vi tính đó không? Nếu mục tiêu là “được tiếng” có đầy đủ trang thiết bị, trường tôi năm xưa đã thành công. Nếu mục tiêu là hỗ trợ việc học cho học sinh, thì trường tôi thất bại ghê gớm… Vậy thì, trong khi trang thiết bị rất tốt, rất cần cho giảng dạy (học phải đi đôi với hành mà), nhưng nếu không biết sử dụng nó thì cũng như không. Ở đây yếu tố con người, yếu tố quản lí rất quan trọng trong việc sắm sửa trang thiết bị, dụng cụ dạy học.
6. Không biết chương trình học phổ thông lúc này ra sao, còn nặng nề như những năm trước 2000 thời của tôi không? Tôi còn nhớ những năm cấp 3 suốt ngày chỉ học và học, để thi đại học. Thời gian con người ta là hữu hạn. Chương trình giáo dục nên chú trọng định hướng học sinh tìm sở thích, ngành nghề thích hợp cho bản thân. Chỉ làm những việc mình thích mới làm tốt được. Do đó, đừng dạy học sinh một cách giàn trãi, đều đều, nhồi nhét kiến thức mà không chú trọng đến phát triển của từng cá nhân. Một tiến sĩ ngành Tâm Lý Học mà tôi quen biết nói rằng bà chưa từng học qua toán đạo hàm (tôi nhớ mình đã học năm lớp 10). Chương trình phổ thông ở Mỹ thì có các lớp chuyên sâu tự chọn. Học sinh phổ thông bên đây có thể lựa chọn: hoặc là học nhạc, học toán chuyên sâu, học sinh học… để chuẩn bị trước cho chương trình Đại Học.
Học phổ thông là vậy. Còn học đại học ở Mỹ, học sinh cũng có 1-2 năm để lựa chọn chuyên ngành. Tôi có người quen, trong năm đầu, anh ấy học song song các lớp sinh học và công nghệ thông tin… vì anh chưa chắc chắn sẽ làm bác sĩ hay kỹ sư tin học. Sau năm đầu đó thì anh có lựa chính xác…
Tôi thích cách đặt vấn đề của TS Giáp Văn Dương: học cái gì, học ra sao, học để làm gì. Và tôi nghĩ trước hết, chúng ta cần xác định lại mục tiêu của việc dạy & học (học để làm gì), để từ đó, có chiến lược cách làm cụ thể để đạt mục tiêu (học cái gì & học ra sao). Ví dụ, nếu mục tiêu là khả năng đọc hiểu, biết phân tích đánh giá, thì học văn có thể là phân tích một bài văn/thơ của các cây bút trẻ (tìm hiểu xã hội của hiện tại rất thiết thực, rất cần, có thể là cần hơn giai đoạn 1945, 1954 nữa…), hay tường thuật phân tích một sự kiện xã hội (bao nhiêu là hỏa hoạn xảy ra thời gian gần đây – phải chăng học sinh nên thu thập dữ liệu, tìm hiểu lý do, suy nghĩ cách phòng chống)…
Trên đây chỉ là những trải nghiệm, những suy nghĩ thiển cận của bản thân tôi. Rất mong được sự chia sẻ, thảo luận thêm của các thầy cô, học sinh và của những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà.
Lâm Tú Ngọc