Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Hãy nhớ quanh ta có nỗi buồn

 



(TBKTSG) - Theo truyền thông Hàn Quốc, một quan chức cấp cao thuộc Bộ an ninh và Quản lý công cộng đã phải xin nghỉ việc ngày 20-4, sau khi bị chỉ trích chụp ảnh lưu niệm trước gia đình các nạn nhân vụ chìm phà Sewol.
Giới chức Hàn Quốc thường chụp ảnh nhóm trong các chuyến công du và quan chức cao cấp này, như thói quen, định chụp ảnh gần nơi người dân tập trung chờ tin tức thân nhân trên đảo Jindo. Giữa lúc chính phủ đang bị chỉ trích ứng phó chậm trễ trước thảm kịch, hành động vô tình kia đã làm dấy lên sự giận dữ không chỉ với các gia đình bất hạnh. “Ông ta đã chụp ảnh lưu niệm mà không để tâm đến nỗi đau của thân nhân những người mất tích”, phát ngôn viên của tổng thống nói.
Cùng thời gian, Chung Mong-joon, nghị sĩ quốc hội và là ứng viên thị trưởng Seoul cũng phải chính thức xin lỗi về những phát ngôn “làm tổn thương trái tim mọi người” của cậu con trên Facebook khi chỉ trích thân nhân người mất tích “thiếu văn minh” với chính phủ, cụ thể hét vô mặt tổng thống và ném chai nước vô thủ tướng khi họ đến thăm hỏi.
Câu chuyện chụp ảnh vô tâm, vô duyên của quan chức Hàn Quốc khiến người viết nhớ câu chuyện chụp ảnh cũng vô duyên, vô tâm không kém của một phóng viên Việt Nam trong phiên tòa quốc tế đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ở Paris tháng 6-2009.
Phiên tòa diễn ra được nửa ngày với khá đông nhân chứng đến từ nhiều nước. Trong lúc cả khán phòng lặng đi vì những chứng tích bi thương, bất ngờ người đàn ông trẻ áo ca rô bước vô, thong dong đặt máy quay giữa sảnh, che ống kính của đồng nghiệp phương Tây khiến người này phải vịn vai nhắc nhở. Anh ca rô dịch máy, thong dong quay mấy phút, và trước khi đi có thêm một thong dong khác: xoay lưng về phía khán đài, đưa máy ảnh nhờ một ông Tây bấm giúp. Ngồi ngay sau ông Tây, người viết thấy rõ một khung hình rất “đẹp”: Anh - nhân vật chính tiền cảnh, các thẩm phán quốc tế và nhân chứng loang loang hậu cảnh.Vậy rồi anh mang máy đi, đi luôn với tấm ảnh “souvenir” phiên tòa đau xót của dân tộc mình.
Chấm dứt chiến tranh là quá đủ cho một niềm vui. Nhắc hoài sự thắng-bại là ngăn cản hòa hợp, ngăn cản sự chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước.
Cách đây hai năm dư luận kêu rêu một ứng xử vô tâm ở Hà Nội. Chuyện rằng chiều 19-12-2012, khi Vũ Ngọc Cương, lớp trưởng lớp Kiến trúc K15 trường Đại học Kinh doanh - Công nghệ đang ngồi ở cửa lớp nghe nhạc thì một nhóm sinh viên cùng trường đến bảo Cương “nhìn đểu” và hùng hổ lao vào chém cho đến khi Cương tử vong. Hai ngày sau cái chết của một sinh viên trên giảng đường, cuộc thi Miss Kinh doanh và công nghệ đã được trường đại học Kinh doanh - Công nghệ tổ chức ngay tại sân trường khi hình ảnh cái chết và đám tang thê thiết của Vũ Ngọc Cương vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bạn học. Trả lời câu hỏi vì sao có thể tổ chức cuộc vui rầm rộ khi vụ án mạng dã man vẫn đang là sự kinh hãi của rất đông sinh viên, bí thư Đoàn trường cho rằng sự việc xảy ra là điều không ai muốn, Đoàn cũng đã cử người đến chia buồn với gia đình Cương, nhưng do lãnh đạo trường... chưa có lệnh dừng nên việc có trong kế hoạch thì vẫn phải làm (!). Phó hiệu trưởng trường thì phân bua ban tổ chức đã chuẩn bị rất lâu, hoãn lại sẽ ảnh hưởng nhiều kế hoạch. Và rằng “Sự kiện vui, buồn xảy ra liên tục, chúng ta không chờ được đến hết buồn rồi mới được vui” (?!).
Thuộc về “phe chiến thắng”, nhưng người viết cho rằng từ nay nên thôi bớt những rừng rực phô trương, những chữ khẩu hiệu, văn bản... ngập phủ hai từ chiến thắng bởi nó không mang lại gì hơn ngoài sự hao tốn tiền bạc. Và cũng nên thôi hẳn các ngôn từ sát khí bởi 39 năm đã đủ hai thế hệ lớn lên vô tư, bình đẳng; riết róng thắng-thua chỉ khơi lại niềm đau trong từng mỗi gia đình, như câu nói sinh thời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”. Chấm dứt chiến tranh là quá đủ cho một niềm vui. Nhắc hoài sự thắng-bại là ngăn cản hòa hợp, ngăn cản sự chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước.

Việt Linh