Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Lời cảnh báo thống thiết

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng

SGTT.VN - “Kỷ nguyên hậu – kháng sinh đã bắt đầu, đồng nghĩa với sự chấm hết nền y học hiện đại của chúng ta”, đó là lời cảnh báo thống thiết của TS Margaret Chan, Tổng giám đốc tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bà Chan có hù doạ không. Nghe sợ quá!

Niềm phấn khởi không dài lâu. Penicillin được Alexander Fleming (1881 – 1955) khám phá vào năm 1929. Hơn mười năm sau mới có sản xuất đại trà. Kỷ nguyên kháng sinh bắt đầu. Đúng là thần dược! Các thuốc kháng sinh diệt trừ các căn bệnh do vi khuẩn mà không gây hại cho người bệnh. Vậy là thiên nhiên và bệnh tật đã ở trong tầm kiểm soát của loài người. Than ôi! Niềm phấn khởi quá ngắn ngủi. Chẳng bao lâu sau, thế giới vi khuẩn vi diệu phát huy khả năng thần kỳ đáp trả các thuốc chống lại chúng. Các vi khuẩn đã lờn thuốc (kháng thuốc, quen thuốc).

Có mối đe doạ toàn cầu
Kỷ nguyên hậu kháng sinh. “Vi khuẩn đã vuột khỏi tầm tay của các kháng sinh, các thứ bệnh thông thường như viêm họng hoặc trẻ bị xước da đầu gối lại có thể đe doạ mạng sống” – Đó là lời cảnh báo của Margaret Chan, trong một hội nghị ở Copenhagen, Đan Mạch vào giữa tháng 3.2012. Mối đe dọa “có tính toàn cầu, cực kỳ nghiêm trọng và đang gia tăng”. Bà Chan nói: “Vài chuyên gia cho rằng chúng ta đang trở về kỷ nguyên tiền – kháng sinh. Không phải đâu. Đây sẽ là kỷ nguyên hậu – kháng sinh. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt nền y học hiện đại như chúng ta biết. Những phẫu thuật phức tạp, như thay khớp háng, ghép tạng các loại, hoá trị ung thư... trở thành khó khăn hơn nhiều hoặc rất nguy hiểm”. Tổng giám đốc WHO nhắc nhở không thể để mất các thuốc kháng khuẩn chủ yếu, cần cho việc săn sóc hàng triệu người, trở thành cơn khủng hoảng toàn cầu.
Thật là một cú sốc lớn khi các nhà nghiên cứu cơ quan CDC tổng kết, trong một năm rưỡi (2011), vi trùng S.aureus kháng thuốc methicilline (MRSA-Methicillin resistant Staphylococcus aureus) đã giết nhiều người hơn là HIV/AIDS tại Hoa Kỳ (trên 18.000 người mỗi năm). Các thuốc quý trị bệnh lao, sốt rét và HIV/AIDS có thể bị ảnh hưởng. Theo TS Chan, trong tổng số 12 triệu ca lao trên thế giới, ước lượng có 650.000 mang các chủng lao lờn nhiều thuốc (MDR-TB). Điều trị lao cực kỳ phức tạp, cần tới hai năm dùng thuốc rất độc và rất đắt tiền.
Báo cáo năm 2011 của viện Hàn lâm Vi sinh Hoa Kỳ mở đầu: “Cuộc vật lộn chống lại sự lờn thuốc là cuộc chiến mà chúng ta sẽ khó thắng được. Sức mạnh của hàng ngàn tỉ vi sinh vật, kết hợp với lực tiến hoá chắc chắn là ở thế thượng phong, sự kháng thuốc sẽ luôn xảy ra”.
Tổng giám đốc WHO quy cho việc dùng kháng sinh không đúng cách cho người và lạm dụng thuốc trong chăn nuôi súc vật. Tìm kiếm và sản xuất thuốc mới rất khó khăn. Nguồn thuốc hiện có đang khô cạn. Cơ hội thay đổi tình thế này thật mỏng manh.
Lúng túng. Theo hiệp hội Bệnh nhiễm Hoa Kỳ, công nghệ dược phẩm không còn mặn mà với việc phát triển các kháng sinh mới. Đây là một quyết định có tính kinh doanh: các thuốc trị thấp khớp hoặc giảm cholesterol được sử dụng hàng tháng, hàng năm và các thuốc chống ung thư mà người bệnh và bảo hiểm y tế chịu trả hầu hết phí tổn giúp thu hồi vốn và lợi nhuận tốt hơn. Còn đầu tư cho các thuốc kháng sinh rất tốn kém, chỉ biên toa vài ngày trong thời điểm nào đó thôi và thuốc kháng sinh không tránh được bị lờn. Trong tương lai tìm và sản xuất kháng sinh mới là một thách thức to lớn, nhưng chỉ mới được nửa cuộc chiến. Còn cần phải theo dõi tốt các chủng vi khuẩn lờn thuốc, kiểm soát tốt nhiễm khuẩn trong bệnh viện, quản lý đúng mức dùng kháng sinh trong nông nghiệp, giữ vệ sinh và vô trùng bệnh viện.

Trớ trêu: con người trợ giúp các siêu trùng
Các bệnh viện là môi trường lý tưởng cho vi trùng lờn thuốc. Nhiễm khuẩn bệnh viện thường thuộc các loại bệnh nhiễm khó trị nhất. Lượng người bệnh dày đặc, sự sát trùng kém, HIV/AIDS và dùng nhiều kháng sinh gộp lại làm tăng nhanh đà tiến hoá của các siêu trùng (super bug), tên gọi mới dành cho vi khuẩn lờn thuốc.
Chăn nuôi công nghiệp. Ở Hoa Kỳ gần 80% các thuốc kháng sinh dùng cho công nghiệp chăn nuôi lấy thịt, nhiều gấp bội lượng thuốc điều trị người bệnh. Dùng liều thấp nuôi các súc vật khoẻ để kích thích lớn mau và để hạn chế nhiễm khuẩn trong môi trường vệ sinh kém. Thật ngon lành cho siêu trùng gây nhiễm.
Các trại dưỡng lão. Mật độ đông những người có hệ miễn dịch yếu kém, các người già thường nhiễm trùng kéo dài, kháng sinh phòng ngừa. HIV/AIDS gây mức lờn thuốc kháng khuẩn rất cao. Bị suy giảm miễn dịch, các người bệnh dễ mắc bệnh nhiễm.

Cuộc giằng co sinh tử
Kháng sinh tác động theo hai kiểu: giết chết các vi khuẩn hoặc ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn. Các kháng sinh tấn công ba đích chính: sự tổng hợp protein của vi khuẩn; sự phân đôi và sửa chữa của acid nucleic vi khuẩn; các enzyme tổng hợp của vỏ tế bào vi khuẩn. Tetracyclin bám dính vào các ribôsôm, vi khuẩn không chế tạo được protein nên không tăng trưởng được. Thuốc penicillin ngăn sự sản xuất Peptidoglycan, một chất tạo vỏ vi khuẩn.
Vi khuẩn né đòn. Vi khuẩn thường dùng các enzyme để vô hiệu hoá kháng sinh. Enzyme bêta lactamaz phá huỷ thuốc penicillin nhiều kiểu tránh đòn: đối với Chloramphenicol vi khuẩn hạn chế thuốc nhập vào mình; đối với tetracyclin chúng tích cực bơm thuốc ra ngoài tế bào…
Lan truyền sự lờn thuốc. Có một kháng sinh mới thì có sự lờn thuốc, không tránh được. Tỷ lệ lờn thuốc gia tăng khủng khiếp. Có sự lan tràn các chủng lờn nhiều thuốc. Vài loại vi khuẩn có những chủng lờn nhiều thuốc đến độ coi như hết thuốc chữa.
Mặc dầu sự đột biến gen lờn thuốc tần suất thật hiếm, nhưng tốc độ sinh sôi rất nhanh nên sự lờn thuốc chẳng cần thời gian dài để xuất hiện. Gen lờn thuốc được truyền cho hậu duệ: chuyển gen theo hàng dọc. Con vi khuẩn có một bộ phận gọi là plasmid, cấu trúc gen ngoài thể nhiễm sắc. Chính plasmid lo các công tác chuyển giao các gen lờn thuốc kháng sinh. Các vi khuẩn kháng thuốc đem các gen này biếu tặng quần thể và sự lờn thuốc mau chóng tràn lan. Cách này là chuyển gen hàng ngang.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng
Cư dân chính của địa cầu. Vi sinh vật đơn bào này là dạng thái sự sống thống trị trái đất. Hành tinh này là của các vi khuẩn, loài người chúng ta chỉ sống ké thôi. Tổng khối sinh học của các vi khuẩn thì nặng hơn tất cả cây cối và động vật hợp lại. Các vi khuẩn sống trên địa cầu từ các đỉnh cao nhất đến các vực sâu thẳm của đại dương.
Charles Darwin sống lại sẽ rất vui. Vi khuẩn trở thành lờn thuốc với một ngón nghề rất đơn giản: sự chọn lọc tự nhiên (dùng từ của Darwin). Lần đầu tiên gặp thuốc kháng sinh, hầu hết (có thể là tất cả) các vi khuẩn đều chết đi. Nếu như có một hoặc vài con sống sót thì có chuyện. Các trùng này lập tức sinh sôi nảy nở thành một dòng vi khuẩn mới. Mỗi vi khuẩn hậu duệ thừa kế sự kháng một loại thuốc đặc biệt nào đó. Đây là các siêu trùng (super bug). Sự lờn thuốc minh hoạ rõ các nguyên lý tiến hoá của Darwin.