Trong thế giới với 7 tỷ người, chắc có độ 3 tỷ rưỡi người đàn bà nhưng chỉ có một người đó xứng đáng là Mẹ mình, là Mẹ tôi hay Mẹ bạn, không tìm đựơc ai khác thay thế.
Rồi sau cùng ngày ấy cũng đến, sáng nay 7 giờ dậy sớm con bật máy tính xem email như thường lệ mỗi ngày, đọc thư em Loan chỉ hai dòng báo tin Mợ (cách gọi mẹ tôi) vừa mất lúc 11g10 sáng, giờ Cali, tức vào quá 1g sáng Sài Gòn đêm qua lúc con vô tình tắt máy điện thoại tay để đi ngủ và không nghe được gia đình gọi 8 lần báo tin.
Dù có ân hận, là đã không nghe được điện và càng ân hận hơn là đáng nhẽ đã quyết định về Cali thăm Mợ lần chót từ tuần trước, nhưng cố lo nốt các chuyện phù phiếm ở đời như lịch họp ở Hà nội vào tuần tới trước khi giữ vé đi Cali vào ngày 20/4 này, con đã không được ở bên mẹ như hai em gái con lúc Mợ ra đi. Mợ đã đi sớm hai tuần trước ngày con định về thăm Mợ.
Con có cái bất hạnh hay thật sự vô hạnh từ ngày đã vắng mặt ở Sài Gòn lúc Cậu (cha tôi) ra đi năm 1970 vì đang du học ở Canada. Ngày đó gia đình ở Việt Nam thì con đi du học xa. Bây giờ hơn 40 năm sau gia đình sang Bắc Mỹ, thì con lại đang quay về làm việc ở Sài Gòn, có phải ngoài sự bất hiếu chỉ lo toan tính theo đuổi các bận tâm phù phiếm trong đời người, con bị vận thêm vào người sao tử vi "cô thần quả tú" luôn sống cô độc xa gia đình như ngày xưa bố mình đã xem lá số tử vi từ thuở bé và đã truyền lại như vậy?
Những giọt nước mắt tự nhiên trào ra không thể ngăn cản, như hai lần trước đã trưởng thành nhưng còn khóc được, lần cha tôi mất tháng 2 năm 1970 (bị gia đình dấu tin 2 tháng mới cho biết) và lần 30/4/75 lúc tưởng phải chia lìa vĩnh viễn mảnh đất quê hương trên trại Guam xứ Mỹ. Con ra hãng máy bay đặt vé đi Los Angeles lúc 8g 30 và chỉ hai tiếng sau đã có mặt trên chuyến bay rời Sài Gòn đi Mỹ. Tôi như người mộng du từ phút đó.
Trong buổi lễ hỏa táng mẹ tôi ở Quận Cam (California) hai hôm sau, tôi được thay mặt cho 12 anh em chị em khác trong gia đình để nói vài lời cuối cho Mẹ tôi sắp trở về với tro bụi, như lời thường được nói đến như luật tạo hóa.
Tôi được cái vinh dự thay mặt ấy, không phải vì tôi có tài ăn nói đặc biệt gì hết, nhưng vì tôi từ xa lặn lội đến đây, vâng từ Sài Gòn mới sang vài hôm, và phần nữa vì tôi có một số tâm sự xin được bày tỏ, và nhất là cộng thêm một số cảm xúc, ngoài các điều mà tất cả các anh chị em muốn bầy tỏ chung. Và tôi xin bắt đầu bằng những ý của các anh chị em trước.
Trước hết là ý nghĩ biết ơn chân thành của tất cả các anh chị em chúng tôi muốn nói với Mợ là công dưỡng dục nuôi nấng từ nhiều năm. Chỉ là người đàn bà có được giáo dục khiêm tốn của lớp Nhì (lớp 4) trong xã hội thời ấy, Mợ đã hy sinh suốt đời mình, giúp chồng lập nên cơ nghiệp của một người công chức thành danh, và sau này cho các con 7 đứa được tốt nghiệp bậc đại học hay cao hơn.
Nhưng điều bí mật nhất cho tôi là làm sao Mẹ tôi đã có thể hoàn thành vai trò cao quý đó của nhiều ngưới đàn bà Á đông, cộng thêm sự thành công của cà một nữ thương nhân đã gây dựng căn bản vật chất cho cả gia đình tôi trong nhiều năm sau này?
Và sau biến cố đổi đời 30/4/75 cho nhiều người, chúng tôi sang đến Mỹ, Mẹ tôi lại hy sinh lần nữa và còn cao cả hơn, là mặc dù không có mặt của Bố tôi (đã mất từ 1970),và Mẹ tôi không có một chữ tiếng Anh làm vốn ở Mỹ, đã chọn lựa ở nhà nuôi lũ cháu đông đảo (và điều này tôi muốn nhấn mạnh với các cháu tôi có mặt đông đủ ở buổi lễ này cùng thế hệ tới là các chắt của Bà), để các bố mẹ là anh em chúng tôi có thì giờ đi học lại và lập lại sự nghiệp ở Mỹ.
Tôi không có đủ lời trong ngôn ngữ thường để nói lên sự hy sinh cao đẹp ấy của một thế hệ phụ nữ di dân như Mẹ tôi, đã lầm lũi suốt ngày trong sự cô đơn để lo lắng dọn dẹp nhà cửa, nuôi ăn trưa lũ cháu , đợi chờ các con đi làm hay đi học về ở cuối ngày, trong nhiều năm như vậy, không một lời ta thán. Trong cách nhìn lại bây giờ, chúng tôi thấy đau xót vì có thể coi đó như một cõi cô đơn-như cách gọi của một nữ văn sĩ nào đó-- cho những người mẹ hy sinh âm thầm trong nhiều năm tháng dài như vậy.
Bây giờ nghĩ về những điều cá nhân của riêng tôi hơn và vui hơn. Tôi chợt nghĩ đến những ngày giỗ Tết trong gia đình, được mẹ tôi gọi vào bếp cho nếm các bát đồ nấu để phê bình mặn nhạt. Buổi sáng mồng một Tết hàng năm lúc còn nhỏ, vào bếp ngồi xổm từ 5-6 giờ sáng bên Mợ chờ ăn những miếng chả quế cắt hình con thoi, nhặt những miếng đầu thừa đuôi thẹo. Ôi những kỷ niệm đó sẽ còn đi theo tôi suốt cuộc đời!
Và những lần thất bại trong cuộc đời, chuyện nhỏ như thi cử, hay chuyện lớn hơn như vấp váp chuyện làm ăn hay đôi lúc trong cuộc sống hôn nhân, Mẹ thường cho tôi nghị lực sống, vực tôi dậy bằng những lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thấm thía.
Khi nhìn lại quá khứ, mình cũng đã dành nhiều ưu tiên trong đời sống hướng đến cha mẹ, để ông bà vui và hãnh diện. Và có khi nhớ về những "ngỗ nghịch" sai trái mà vì vô tình hay cố ý mình đã làm khiến cha mẹ buồn lòng, thì làm phận con tất nhiên đã xót xa ân hận; nhưng từ khi có con, tôi lại nhận ra trễ là cha mẹ mình luôn bao la trong bao dung tha thứ ... Làm cha mẹ chỉ biết có cho và không bao giờ đòi lại điều gì.
Từ đó, tôi tin rằng dù ở nơi đâu, cha mẹ mình đều muốn mình sống vui, thăng hoa, hạnh phúc. Và cũng từ đó, nhìn lại sai trái của mình đối với ông bà, mình ghi nhớ, đổi thay, rồi tự tha thứ với thời gian. Dù mẹ tôi ra đi hôm nay, bên cạnh sự thương nhớ tri ân Mẹ tôi, những lúc gặp khó đau buồn trong tương lai, tôi hy vọng sẽ vượt qua dễ dàng hơn, vì sẽ tự nhủ cha mẹ mình luôn muốn mình có cuộc sống an bình, vui sướng. ...
Trong vài ngày qua ở nhà quàn này, tôi đã cố nắm bàn tay lạnh nhăn nheo của Mẹ khi nhà sư tụng niệm, mong tìm cũng như truyền cho Mẹ một hơi ấm nhỏ nhoi, nhưng hơi ấm đó thật sự không còn nữa trên cõi trần này. Mẹ đã ra đi dù hồn Mẹ có lẽ còn quanh quẩn?
Để biết thật sự rằng từ nay mỗi dịp Vu Lan chỉ còn được cài trên áo một bông hoa trắng, và mất đi "bông hồng cài áo" của người còn mẹ--như lời nhà văn Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách cùng tên. Trong thương tiếc khôn nguôi, chỉ còn biết nhắn với các bạn còn mẹ hãy biết những trân quí của cuộc đời còn dành cho mình, bớt đi công việc hàng ngày để thêm thì giờ với mẹ mình và đừng nuối tiếc như tôi lúc này, nhẹ nhàng tìm lời nói thương yêu hàng ngày, thêm quả cam quả táo cho mẹ lúc ra chợ, dẫn cụ đi ăn bát phở bát mì sáng thứ 7 hay chủ nhật, gần mẹ gần bố hơn.
Trong thế giới với 7 tỷ người, chắc có độ 3 tỷ rưỡi người đàn bà nhưng chỉ có một người đó xứng đáng là Mẹ mình, là Mẹ tôi hay Mẹ bạn, không tìm đựơc ai khác thay thế. Và không cần đợi Ngày của Mẹ ("Mother's Day") như tục bên Mỹ để nói lời thương yêu hay trao món quà cho Mẹ. Bạn hãy ra nhà ngoài tìm đến Mẹ với một nụ cười, thay vì tiếng nấc trong lòng tôi và anh chị em tôi ở giây phút này! Và chúng tôi mong mẹ tôi yên tâm ra đi, tin tưởng ở chúng tôi có thể tiếp tục cuộc sống này mà không có Mẹ.
Xin Mợ hãy ngủ yên, Mợ nhé!
Phạm Đỗ Chí
Rồi sau cùng ngày ấy cũng đến, sáng nay 7 giờ dậy sớm con bật máy tính xem email như thường lệ mỗi ngày, đọc thư em Loan chỉ hai dòng báo tin Mợ (cách gọi mẹ tôi) vừa mất lúc 11g10 sáng, giờ Cali, tức vào quá 1g sáng Sài Gòn đêm qua lúc con vô tình tắt máy điện thoại tay để đi ngủ và không nghe được gia đình gọi 8 lần báo tin.
Dù có ân hận, là đã không nghe được điện và càng ân hận hơn là đáng nhẽ đã quyết định về Cali thăm Mợ lần chót từ tuần trước, nhưng cố lo nốt các chuyện phù phiếm ở đời như lịch họp ở Hà nội vào tuần tới trước khi giữ vé đi Cali vào ngày 20/4 này, con đã không được ở bên mẹ như hai em gái con lúc Mợ ra đi. Mợ đã đi sớm hai tuần trước ngày con định về thăm Mợ.
Con có cái bất hạnh hay thật sự vô hạnh từ ngày đã vắng mặt ở Sài Gòn lúc Cậu (cha tôi) ra đi năm 1970 vì đang du học ở Canada. Ngày đó gia đình ở Việt Nam thì con đi du học xa. Bây giờ hơn 40 năm sau gia đình sang Bắc Mỹ, thì con lại đang quay về làm việc ở Sài Gòn, có phải ngoài sự bất hiếu chỉ lo toan tính theo đuổi các bận tâm phù phiếm trong đời người, con bị vận thêm vào người sao tử vi "cô thần quả tú" luôn sống cô độc xa gia đình như ngày xưa bố mình đã xem lá số tử vi từ thuở bé và đã truyền lại như vậy?
Những giọt nước mắt tự nhiên trào ra không thể ngăn cản, như hai lần trước đã trưởng thành nhưng còn khóc được, lần cha tôi mất tháng 2 năm 1970 (bị gia đình dấu tin 2 tháng mới cho biết) và lần 30/4/75 lúc tưởng phải chia lìa vĩnh viễn mảnh đất quê hương trên trại Guam xứ Mỹ. Con ra hãng máy bay đặt vé đi Los Angeles lúc 8g 30 và chỉ hai tiếng sau đã có mặt trên chuyến bay rời Sài Gòn đi Mỹ. Tôi như người mộng du từ phút đó.
Trong buổi lễ hỏa táng mẹ tôi ở Quận Cam (California) hai hôm sau, tôi được thay mặt cho 12 anh em chị em khác trong gia đình để nói vài lời cuối cho Mẹ tôi sắp trở về với tro bụi, như lời thường được nói đến như luật tạo hóa.
Tôi được cái vinh dự thay mặt ấy, không phải vì tôi có tài ăn nói đặc biệt gì hết, nhưng vì tôi từ xa lặn lội đến đây, vâng từ Sài Gòn mới sang vài hôm, và phần nữa vì tôi có một số tâm sự xin được bày tỏ, và nhất là cộng thêm một số cảm xúc, ngoài các điều mà tất cả các anh chị em muốn bầy tỏ chung. Và tôi xin bắt đầu bằng những ý của các anh chị em trước.
Trước hết là ý nghĩ biết ơn chân thành của tất cả các anh chị em chúng tôi muốn nói với Mợ là công dưỡng dục nuôi nấng từ nhiều năm. Chỉ là người đàn bà có được giáo dục khiêm tốn của lớp Nhì (lớp 4) trong xã hội thời ấy, Mợ đã hy sinh suốt đời mình, giúp chồng lập nên cơ nghiệp của một người công chức thành danh, và sau này cho các con 7 đứa được tốt nghiệp bậc đại học hay cao hơn.
Nhưng điều bí mật nhất cho tôi là làm sao Mẹ tôi đã có thể hoàn thành vai trò cao quý đó của nhiều ngưới đàn bà Á đông, cộng thêm sự thành công của cà một nữ thương nhân đã gây dựng căn bản vật chất cho cả gia đình tôi trong nhiều năm sau này?
Và sau biến cố đổi đời 30/4/75 cho nhiều người, chúng tôi sang đến Mỹ, Mẹ tôi lại hy sinh lần nữa và còn cao cả hơn, là mặc dù không có mặt của Bố tôi (đã mất từ 1970),và Mẹ tôi không có một chữ tiếng Anh làm vốn ở Mỹ, đã chọn lựa ở nhà nuôi lũ cháu đông đảo (và điều này tôi muốn nhấn mạnh với các cháu tôi có mặt đông đủ ở buổi lễ này cùng thế hệ tới là các chắt của Bà), để các bố mẹ là anh em chúng tôi có thì giờ đi học lại và lập lại sự nghiệp ở Mỹ.
Tôi không có đủ lời trong ngôn ngữ thường để nói lên sự hy sinh cao đẹp ấy của một thế hệ phụ nữ di dân như Mẹ tôi, đã lầm lũi suốt ngày trong sự cô đơn để lo lắng dọn dẹp nhà cửa, nuôi ăn trưa lũ cháu , đợi chờ các con đi làm hay đi học về ở cuối ngày, trong nhiều năm như vậy, không một lời ta thán. Trong cách nhìn lại bây giờ, chúng tôi thấy đau xót vì có thể coi đó như một cõi cô đơn-như cách gọi của một nữ văn sĩ nào đó-- cho những người mẹ hy sinh âm thầm trong nhiều năm tháng dài như vậy.
Bây giờ nghĩ về những điều cá nhân của riêng tôi hơn và vui hơn. Tôi chợt nghĩ đến những ngày giỗ Tết trong gia đình, được mẹ tôi gọi vào bếp cho nếm các bát đồ nấu để phê bình mặn nhạt. Buổi sáng mồng một Tết hàng năm lúc còn nhỏ, vào bếp ngồi xổm từ 5-6 giờ sáng bên Mợ chờ ăn những miếng chả quế cắt hình con thoi, nhặt những miếng đầu thừa đuôi thẹo. Ôi những kỷ niệm đó sẽ còn đi theo tôi suốt cuộc đời!
Và những lần thất bại trong cuộc đời, chuyện nhỏ như thi cử, hay chuyện lớn hơn như vấp váp chuyện làm ăn hay đôi lúc trong cuộc sống hôn nhân, Mẹ thường cho tôi nghị lực sống, vực tôi dậy bằng những lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thấm thía.
Khi nhìn lại quá khứ, mình cũng đã dành nhiều ưu tiên trong đời sống hướng đến cha mẹ, để ông bà vui và hãnh diện. Và có khi nhớ về những "ngỗ nghịch" sai trái mà vì vô tình hay cố ý mình đã làm khiến cha mẹ buồn lòng, thì làm phận con tất nhiên đã xót xa ân hận; nhưng từ khi có con, tôi lại nhận ra trễ là cha mẹ mình luôn bao la trong bao dung tha thứ ... Làm cha mẹ chỉ biết có cho và không bao giờ đòi lại điều gì.
Từ đó, tôi tin rằng dù ở nơi đâu, cha mẹ mình đều muốn mình sống vui, thăng hoa, hạnh phúc. Và cũng từ đó, nhìn lại sai trái của mình đối với ông bà, mình ghi nhớ, đổi thay, rồi tự tha thứ với thời gian. Dù mẹ tôi ra đi hôm nay, bên cạnh sự thương nhớ tri ân Mẹ tôi, những lúc gặp khó đau buồn trong tương lai, tôi hy vọng sẽ vượt qua dễ dàng hơn, vì sẽ tự nhủ cha mẹ mình luôn muốn mình có cuộc sống an bình, vui sướng. ...
Trong vài ngày qua ở nhà quàn này, tôi đã cố nắm bàn tay lạnh nhăn nheo của Mẹ khi nhà sư tụng niệm, mong tìm cũng như truyền cho Mẹ một hơi ấm nhỏ nhoi, nhưng hơi ấm đó thật sự không còn nữa trên cõi trần này. Mẹ đã ra đi dù hồn Mẹ có lẽ còn quanh quẩn?
Để biết thật sự rằng từ nay mỗi dịp Vu Lan chỉ còn được cài trên áo một bông hoa trắng, và mất đi "bông hồng cài áo" của người còn mẹ--như lời nhà văn Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách cùng tên. Trong thương tiếc khôn nguôi, chỉ còn biết nhắn với các bạn còn mẹ hãy biết những trân quí của cuộc đời còn dành cho mình, bớt đi công việc hàng ngày để thêm thì giờ với mẹ mình và đừng nuối tiếc như tôi lúc này, nhẹ nhàng tìm lời nói thương yêu hàng ngày, thêm quả cam quả táo cho mẹ lúc ra chợ, dẫn cụ đi ăn bát phở bát mì sáng thứ 7 hay chủ nhật, gần mẹ gần bố hơn.
Trong thế giới với 7 tỷ người, chắc có độ 3 tỷ rưỡi người đàn bà nhưng chỉ có một người đó xứng đáng là Mẹ mình, là Mẹ tôi hay Mẹ bạn, không tìm đựơc ai khác thay thế. Và không cần đợi Ngày của Mẹ ("Mother's Day") như tục bên Mỹ để nói lời thương yêu hay trao món quà cho Mẹ. Bạn hãy ra nhà ngoài tìm đến Mẹ với một nụ cười, thay vì tiếng nấc trong lòng tôi và anh chị em tôi ở giây phút này! Và chúng tôi mong mẹ tôi yên tâm ra đi, tin tưởng ở chúng tôi có thể tiếp tục cuộc sống này mà không có Mẹ.
Xin Mợ hãy ngủ yên, Mợ nhé!
Phạm Đỗ Chí