Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Ths Trần Đức Cảnh, tổng giám đốc công ty Du lịch và khách sạn Việt Mỹ: Không thể lấy Việt Nam ra khỏi tôi

SGTT.VN - Là chuyên gia chính sách công tại Mỹ, là cầu nối quan trọng của Việt Nam với chương trình Fulbright ngay từ những ngày đầu, con đường trở về của ông gắn liền với những dự án đột phá mang ý nghĩa xã hội. Từng được bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải Công ty Mỹ xuất sắc nhất thế giới năm 2001 trong vai trò tổng giám đốc Selco Vietnam, đưa năng lượng mặt trời đến các hộ dân vùng sâu vùng xa, công trình khách sạn Crown Plaza Nha Trang sắp khánh thành cũng là một bước đệm để ông thực hiện giấc mơ đời mình: xây dựng thành phố du lịch Vĩnh Hội tại Bình Định thành “Bali của Việt Nam”.

Ông có quá mạo hiểm khi chọn Bình Định để đầu tư khu nghỉ dưỡng? Khó khăn lớn nhất mà ông phải vượt qua suốt năm năm để theo đuổi dự án này trong tình trạng khủng hoảng kinh tế và những trở ngại... không nằm trong kinh doanh?
Tham quan và khảo sát rất nhiều vùng biển Việt Nam trong hơn mười năm, tôi thấy Vĩnh Hội đạt ba tiêu chí quan trọng. Về địa lý tự nhiên, cát, biển, nắng và núi bao quanh, hình thành một vịnh biển đẹp. Về hạ tầng và hậu cần, có khoảng cách thích hợp từ sân bay Phù Cát và thành phố Quy Nhơn. Bình Định còn có một lịch sử văn hoá đặc sắc với những tên tuổi lớn trong thi ca Việt Nam như Đào Tấn, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… thêm vào đó là lịch sử Chiêm Thành, nhà Tây Sơn… Tôi hy vọng du khách sẽ sớm nhận ra vẻ đẹp và tính hấp dẫn của vùng đất này.
Người làm dự án tại Việt Nam phải rất kiên nhẫn, đặc biệt là dự án có quy mô lớn như Vĩnh Hội Resort. Những người bạn của tôi trong chính quyền cũng không lường hết khó khăn trong giai đoạn triển khai dự án. Làm việc trong môi trường Việt Nam phải “xử lý tình huống” hơi nhiều, thay vì tập trung vào công việc. Dù đã chuẩn bị tinh thần cho việc đầu tư thời gian, nhưng tiến độ công việc rất chậm. Khủng hoảng kinh tế Mỹ và thế giới cũng làm cho khó khăn hơn, tuy nhiên quan niệm của tôi: nếu chúng ta có ước vọng đi tới thì con đường sẽ tự vạch ra. Tôi hoàn toàn tin vào công việc và sự thành công của nó, không lý gì phải chùn bước.
Với quy mô lớn như vậy, dự án có phá vỡ môi trường sống, môi trường văn hoá của người làng chài Vĩnh Hội nói riêng và Bình Định nói chung?
Phải cân đối giữa quyền lợi công ty, quyền lợi cộng đồng làm du lịch ở miền Trung với quyền lợi của người dân Bình Định. Nếu không nghĩ đến quyền lợi cộng đồng thì trước sau gì cũng có vấn đề, vì làm du lịch gắn liền với môi trường xung quanh, với văn hoá. Nếu không, cũng chỉ là bán dự án thôi, không triển khai được.
Là chuyên gia chính sách công, ông nhìn thấy lỗ hổng nào lớn nhất trong phát triển du lịch Việt Nam?
Chưa bao giờ đất nước mình phát triển nhanh như vậy, nhưng nhìn vào sự phát triển hiện nay, tôi thấy nguy cơ xấu nhiều hơn tốt. Mình đang trong giai đoạn tranh tối tranh sáng, mọi thứ không rõ ràng, nhập nhằng, tốt xấu lẫn lộn. Nhà nước chưa làm tốt vai trò quy hoạch. Chuyện thuê những tập đoàn quốc tế giỏi về quy hoạch dù tốn kém cũng không phải là cao, nhưng quan trọng phải là một quy hoạch mở, chấp nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau, công bố cho toàn dân tranh luận, chỉnh sửa, chọn ra một phương án tương đối chấp nhận được. Nhưng ở ta, mạnh thành phố nào thành phố ấy làm, không có sự cân đối, hài hoà giữa các tỉnh. Quy hoạch một thành phố mà chỉ tập trung ở một, hai người quyết định, nhận thức giới hạn, chưa kể có quyền lợi riêng trong đó, rủi ro cao lắm. Kế hoạch kiểm soát quy hoạch của ta cũng rất yếu, rất cục bộ, nên từ “phượng hoàng” ra chim câu, chim sẻ cũng là chuyện thường.
Tôi tin vào sự trung thực và điều tốt. Cứ làm tốt từ phía mình trước, sẽ nhận được sự phản hồi tốt.
Hơn mười năm giúp đại học Harvard làm công tác tuyển sinh cấp cử nhân, ông có thể cho biết những cơ hội nào cho sinh viên Việt Nam bước chân vào trường đại học danh tiếng này?
Tôi đang thực hiện một dự án nhỏ, hướng dẫn một số em có khả năng vào đại học Harvard. Mỗi năm dự án có thể hướng dẫn khoảng mười em nộp đơn vào Harvard và 20 trường hàng đầu của Mỹ, khả năng ít nhất ba em được nhận vào Harvard, số còn lại có thể được nhận vào 20 trường danh tiếng nhất của Mỹ và được nhận học bổng. Tôi muốn thấy nhiều sinh viên giỏi Việt Nam học ở 100 trường (college và university) của Mỹ trong tương lai và một số sẽ nhận được học bổng. Quan trọng là tài năng và trí tuệ của các bạn trẻ được phát huy ngay từ đầu, thay vì phải đi lòng vòng, lãng phí tiền bạc và thời gian… Sống, học tập và làm việc ở Mỹ gần 25 năm, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm học tập và sự hiểu biết của mình trong nhiều năm tham gia các tổ chức giáo dục đại học Mỹ với các bạn trẻ.
Từng giữ chức vụ quản lý, làm chính sách cho các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, xã hội, di trú và phát triển kinh tế cộng đồng của bang Massachusetts trong nhiều năm, lý do gì ông lại chuyển sang kinh doanh?
Mới sang Mỹ, như bao thanh niên khác, tôi nghĩ lấy được tấm bằng tiến sĩ về chắc mẹ mừng lắm. Nhưng khi làm luận án, đi dạy học, tôi không thấy đam mê, tôi ngộ ra mình không phải là con người làm nghiên cứu, mà là con người hành động, con người thực hành. Tôi quyết định nhảy qua học thạc sĩ kinh tế, hành chính công để đi làm.
Tôi sẽ không bao giờ mướn một ông giáo sư nổi tiếng để điều hành doanh nghiệp, vì ông ấy có thể nói rất hay, nhưng không làm được. Con người kinh doanh là con người hành động, bén nhạy, quyết đoán. Nhưng thú thực càng học cao càng khó quyết đoán, vì phải theo logic nhất định, giống như luật sư rất sợ bị kiện, bác sĩ rất sợ bị bệnh, tiến sĩ rất sợ thất bại. Mà sợ thất bại thì làm sao kinh doanh được. Tôi không phải là nhà giáo dục thuần tuý, cũng không phải nhà hành chính thuần tuý, cái gì cũng biết, cũng có thể góp ý, nhưng không phải là người chuyên sâu. Tôi rất sợ chuyên sâu.
Bước sang kinh doanh tôi không thành công ngay, cũng chập choạng lắm, vì con người mình nặng về xã hội. Mỗi lần làm dự án, điều lưu tâm nhất là không để xảy ra những trường hợp ảnh hưởng tới người khác. Tôi không thể làm những chương trình ngắn hạn được, mà chỉ làm những dự án quy mô lớn tập trung sản xuất, có sự tham gia của rất nhiều người. Điều này giúp tôi bổ sung sự thiếu bén nhạy của mình. Tôi là người chiến lược, người khởi xướng, kêu gọi góp vốn, vì tôi đủ bản lĩnh về kinh tế, tính toán để có cái nhìn chiến lược, người khác sẽ giúp tôi làm cụ thể. Còn có những điều tôi không thể làm được, thậm chí rất khổ sở, đó là chuyện… vận động hành lang (lobby). Khi mình hiểu mình là ai, ưu khuyết chỗ nào, có thời gian suy nghĩ lại về mình, có điều kiện triển khai thì mình sẽ làm được.
Điều gì ông muốn truyền lại cho hai người con đã thành đạt của mình, để giữ lại gốc gác Việt Nam?
Nếu không nghĩ đến quyền lợi cộng đồng thì trước sau gì cũng có vấn đề, vì làm du lịch gắn liền với môi trường xung quanh, với văn hoá.
Tôi nhớ ngày xưa đọc Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse, thái tử Siddhartha sau khi sang sông đã quay lại tìm người con trai, nhưng người chèo đò nói con trai anh đã ở một môi trường khác, một cái tổ khác, hãy để nó đi theo con đường riêng. Kiến thức có thể được dạy, nhưng sự thông thái đến từ kinh nghiệm… Tôi chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho con cái qua nếp sống gia đình, để ở mức độ nào đó con hiểu được những giá trị truyền thống, biết trân trọng, thích thú. Còn sống ở Mỹ, một môi trường hoàn toàn khác, giáo dục khác, kỷ niệm khác… nếu quá áp đặt văn hoá Việt Nam từ nhỏ, các cháu sẽ bị lẫn lộn. Khuynh hướng của tôi là để con phát triển tự nhiên, theo đuổi con đường riêng nếu con cảm thấy hạnh phúc, tự con sẽ có bản lĩnh để phân biệt tốt – xấu.
Tình bạn nào đã giúp ông có thêm nghị lực sống mỗi ngày?
Tôi có nhiều bạn lắm, nhất là những người bạn nối khố, chỉ tiếc mình quá ít thời gian nên trò chuyện qua điện thoại thôi, chứ ít khi gặp mặt. Có một người bạn lớn tôi rất kính trọng, đó là nhà văn Nguyên Ngọc. Tâm huyết của bác, chuyện bác làm… không nghĩ đến mình, sống không cần vật chất, một người hoàn toàn cống hiến cho đất nước, luôn nghĩ về tương lai đất nước. Bác là một hình mẫu khiến tôi xúc động, quý trọng. Một người nhiều tuổi hơn mình mà còn làm được vậy, hà cớ gì ở tuổi này cái gì cũng nói khó?
Đi về giữa hai “thế giới”, ông thấy mình thuộc về đâu? Cách để ông có thể vượt qua những bất trắc, stress của riêng mình?
Là người từng sống và lớn lên ở Việt Nam, nhất là những người có chuyên môn, có kỹ năng nào đó có thể đóng góp được, ai cũng muốn về quê hương hết, nhưng để làm được điều gì đó thì không dễ. Nếu không có kinh nghiệm thực tế, không biết thích nghi, sẽ dễ bỏ cuộc. Tôi đã xa Việt Nam một thời gian dài, hiểu biết về Việt Nam cũng chỉ ở mức độ nào. Những “bài toán khó nhất” ở Mỹ mình đã làm được, chỉ thích hay không thôi. Để làm gì mới là chuyện quan trọng, chính điều đó cho tôi sự lạc quan… Càng đi sâu vào công việc ở đây, tính rủi ro bất trắc càng nhiều, nhưng không vì thế mà mình mất đi sự lạc quan. Mọi thứ có thể mất thời gian hơn, nhưng đều giải quyết được hết. Có thể lấy tôi ra khỏi Việt Nam, nhưng không thể lấy Việt Nam ra khỏi tôi được.
Stress bao giờ cũng có, nhưng khác nhau. Ở Mỹ công việc nhiều, lúc nào cũng thấy không đủ thời gian, cái nào cũng có “hạn chót” hết. Mọi thứ đã vào khung, vào hệ thống, mình luôn phải chạy để đuổi kịp, nên rất dễ bị stress. Nhưng mình nhìn thấy công việc chạy, có kết quả nhất định, có quy luật, logic, văn hoá làm việc nhất định, chứ không phải đối diện với “vòng kim cô”, sự ràng buộc vô lý như ở Việt Nam. Làm việc ở Mỹ cho ta quyền được đồng ý hay không đồng ý. Tôi đã từng phản đối thống đốc bang, đưa ra logic của riêng mình. Con cái cũng có quyền tranh luận với cha mẹ, thầy cô. Đó là tinh thần giáo dục Mỹ. Những điều không đúng, phản logic sẽ bị đào thải trong một xã hội mở. Còn ở Việt Nam, mình bị giới hạn ngay cả trong gia đình, xã hội luôn bị lẩn quẩn trong một vòng kim cô, không phải tất cả mọi thứ đều đúng. Stress vì nhiều lý do mang tính bất cập từ hệ thống. Có những cái biết mà không sửa được. Công việc chạy hay không chạy cũng bị stress. Chuyện bất trắc, rủi ro xảy ra ở phương Tây không nhiều bằng Việt Nam…
Làm thế nào để ông tìm thấy hạnh phúc và sự bình yên trong từng giây phút sống?
Mỗi người có một cách giải stress khác nhau, với tôi, lao vào công việc giống như “dĩ độc trị độc” vậy. Cuộc sống có thay đổi, lúc này lúc kia, nhưng không có thất bại nào làm tôi chững lại. Ở tuổi này, tôi vẫn là con người của hành động, của công việc, không ngồi yên được. Hễ có thời gian rảnh là nghĩ ra dự án mới, về quê phát học bổng, tự nhiên vui cả tuần, thấy cuộc đời đáng sống hơn. Cuộc sống tự nó cân phân, quân bình. Tôi đam mê từng công việc hay dự án cụ thể, ý nghĩa và kết quả của nó, nếu không thì tôi sẽ rất nhàm chán. Mục tiêu của đời sống là làm và đóng góp những gì mình có thể, với mong muốn nhìn thấy đời sống chung quanh mình mỗi ngày một tốt hơn. Theo đuổi điều mình đam mê, và cố gắng làm cho thật tốt thì vật chất tự nhiên sẽ đến. Tôi tin vào sự trung thực và điều tốt. Cứ làm tốt từ phía mình trước, sẽ nhận được sự phản hồi tốt. Dù có mất bao nhiêu thời gian đi nữa, kết quả nhận được cũng sẽ như nhau, đó là quy luật của đời sống.
Thực hiện: Kim Yến
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường