Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Một Sài Gòn đang trở nên xa lạ

Quy hoạch mỹ miều 300 năm của Hòn ngọc Viễn Đông đang phải nhường chỗ cho đô thị hiện đại chưa được định dạng.
Áp lực xe cộ trên từng con đường dẫn vào trung tâm TP.HCM đang ngày càng khủng khiếp. Vào giờ cao điểm, dòng xe chật cứng như nêm cứ nhích từng tí, từng tí một. Tiếng máy xe rền rĩ, tiếng còi xe chát chúa, tiếng máy móc ồn ào từ những công trình đang thi công cứ thi nhau xé nát cả một không gian từ lâu vốn nổi tiếng yên bình.
Còn đâu nét xưa Sài Gòn
Hơn 100 năm trước, khu trung tâm Sài Gòn được quy hoạch rất quy củ, tương tự ô bàn cờ với những điểm nhấn đặc sắc như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm, Nhà hát lớn, chợ Bến Thành, Tòa Đô chính (nay là trụ sở UBND TP), thương xá Tax, khu Eden... Các chỉ số chiều cao, mật độ xây dựng, cây xanh, diện tích đường sá đều đạt đến “tỉ lệ vàng”. Nhưng nay khái niệm “tỉ lệ vàng” không còn nữa, thay vào đó là “khu đất vàng”. Hầu như khu đất trống, nhà biệt thự, công sở nào ở trung tâm quận 1, quận 3 cũng trở thành đất vàng, đất bạc và thường được xây cao tầng cho có “hiệu quả kinh tế”. Nét Sài Gòn xưa của TP.HCM cứ ngày một lụi tàn dần.
Theo thống kê, hiện có khoảng 180 cao ốc đã và đang mọc lên ở khu trung tâm Sài Gòn. Hàng loạt dự án cũng đang tiếp tục triển khai như dự án SJC Tower (diện tích 4.000 m2, cao 58 tầng, chiếm bốn mặt đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực). Dự án Sài Gòn Center giai đoạn 2 cũng vừa được chủ đầu tư làm lễ khởi công. Không lâu nữa, gần ngôi chợ Bến Thành đậm chất Sài Gòn xưa sẽ mọc lên cao ốc 45 tầng với 200 căn hộ cùng khu chức năng văn phòng, thương mại.
Chưa hết, góc đường Lê Lợi - Huỳnh Thúc Kháng cũng đang được rào lại để xây một khách sạn to đùng. Rồi BV Sài Gòn cũng được hoán chuyển thành khách sạn năm sao 400 phòng cùng với một khu văn phòng rộng 30.000 m2… Sau khi khu Eden bị xóa sổ để thay bằng một trung tâm thương mại, thương xá Tax (từng được cải tạo để trở nên… xấu xí hơn) cũng sắp trở thành dĩ vãng. Một thời gian ngắn nữa, công trình có kiến trúc tuyệt đẹp thời Pháp này sẽ bị đập bỏ để hình thành một cao ốc 40 tầng.
Rào chắn dựng lên để xây dựng ga metro và thương xá Tax cũng sẽ được thay thế bằng nhà cao tầng. (Ảnh chụp chiều 18-8) Ảnh: HTD

Hồn đô thị đã biến mất
Với một diện tích khiêm tốn vài trăm hecta, trung tâm Sài Gòn vốn được quy hoạch thành khu trung tâm hành chính và công cộng nay lại đang được nén chặt đến mức ngộp thở. Sài Gòn xưa giờ đang trở thành đô thị của một nước xa lạ nào đó, những bản sắc vốn có và hồn đô thị của thành phố 300 năm tuổi đang bị xóa nhòa. Liệu bạn có còn tìm được nét Sài Gòn xưa ở những cao ốc mang tên nước ngoài như Royal Garden, Eva Royal Plaza, Avalon, Sailing Tower, Centec Tower hay Kenton Residence, Gemadept Tower, The Manor? Cái tên Sài Gòn cũng được nhắc tới nhưng lại rặt một nét lai căng, ví như Saigon Sky Garden, Saigon Plaza…
Đôi khi tôi tự hỏi khu đô thị Thủ Thiêm cứ ì ạch thực hiện đã hơn 10 năm nay nhưng sao ở đó người ta không sớm xây dựng cao ốc, quảng trường, khu phức hợp? Tại sao không dời trung tâm hành chính về đó để tạo động lực thúc đẩy phố đông Sài Gòn, nhất là khi cầu, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành đang dần được hình thành? Một phố đông hiện đại, ngăn nắp và một phố tây cổ kính, hoài niệm sẽ cùng phát triển và là một sự bổ sung hoàn hảo cho nhau. Vậy mà…
Giờ đây, nét xưa của Sài Gòn đang dần biến mất. Những con đường, lề đường lát đá với hàng cổ thụ rợp bóng sẽ trở thành những kỷ niệm vô giá mà không biết bao giờ người Sài Gòn mới có thể nhìn thấy lại. Sài Gòn xưa đang dần thu nhỏ đi và người ta chỉ có thể tìm gặp lại qua hình ảnh trong các nhà hàng “phố cổ”, “phố xưa”. Một hồn đô thị đã vĩnh viễn biến mất khiến những người yêu Sài Gòn không khỏi ngậm ngùi. Quy hoạch mỹ miều 300 năm của Hòn ngọc Viễn Đông đang phải nhường chỗ cho đô thị hiện đại chưa được định dạng. Và khi nghe lại câu hát “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”, những người hoài cổ như tôi không khỏi buồn bã, xót xa…
KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
Tiểu thương thương xá Tax lo âu
Từ khi rào chắn dựng lên để xây dựng ga metro, tình hình kinh doanh ở khu vực đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi trở nên im ắng hẳn. Và trước thông tin một phần thương xá Tax phải bàn giao để thi công tháp thông gió của ga metro (hạn chót là ngày 1-10), các tiểu thương ở đây càng phải đua nhau “xả hàng”.
Ghi nhận tại thương xá Tax hôm 18-8, tiểu thương các ngành hàng quần áo, hàng lưu niệm, giày dép… đều trưng bảng giảm giá 20%-50%. Đặc biệt, ngành hàng thủ công mỹ nghệ đều giảm giá từ 50% trở lên.
Chủ sạp Liên Hoa cho hay chị đã kinh doanh ở thương xá Tax từ năm 1978 và đây là lần đầu tiên phải giảm giá nhiều như vậy. “Ban giám đốc thương xá rất thông cảm với tiểu thương nên đã miễn tiền mặt bằng trong hai tháng 8 và 9, đồng thời giới thiệu cho tôi chuyển sang Trung tâm C6 Phạm Hùng, quận 8. Tuy nhiên, nhà tôi ở Gò Vấp nên đi lại rất bất tiện, ngoài ra mặt hàng quần áo cũng chỉ phù hợp với đối tượng là khách nước ngoài nên qua đó sẽ gặp khó khăn. Tôi đang xin được kinh doanh tại Siêu thị Sài Gòn trên đường Ba Tháng Hai, quận 10” - chị chủ sạp cho hay.
Bà Trần Thúy Liên, Giám đốc thương xá Tax, cho biết từ ngày 1-10 phải bàn giao 500 m2 mặt tiền đường Lê Lợi cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị để thi công tháp thông gió của nhà ga tuyến metro số 1. Do hơn một tháng nay (từ khi dựng rào chắn) tiểu thương cũng không bán được hàng nên Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) quyết định đóng cửa sớm thương xá và sẽ miễn phí tiền mặt bằng cho các tiểu thương trong hai tháng 8 và 9.
“SATRA còn giới thiệu Siêu thị Sài Gòn trên đường Ba Tháng Hai, quận 10 và C6 đường Phạm Hùng, quận 8… cho các tiểu thương có nhu cầu. Riêng việc tiếp tục kinh doanh ở trung tâm quận 1 là rất khó thực hiện” - bà Liên cho hay.
TÚ UYÊN