Các con thương yêu,
Chiều hôm qua các bạn cựu học sinh Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm tổ chức mừng sinh nhật thứ 60 cho ba mà người Việt Nam thường gọi là lễ chúc thọ lục tuần.
Bên cạnh, có mẹ con, có các con và những người bạn vong niên của ba. Bánh sinh nhật được cắt, và một buổi văn nghệ cây nhà lá vườn, bỏ túi riêng tặng cho ba, vừa vui vừa có ý nghĩa, làm cho ba thật cảm động, thật xúc động.
Về nhà một mình ba nằm miên man suy nghĩ và man mác buồn. Ba cảm thấy rõ đời người ngắn ngủi thật. Mới ngày nào, ba còn là một thằng bé nhà quê, vừa ngu nghê vừa khờ khạo, bỡ ngỡ bước vào lớp Đệ Thất trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, mà nay đã trên 60 năm cuộc đời rồi. Trong tâm trạng nầy ba viết đôi dòng cho các con.
Thế hệ của ba thật bất hạnh, sinh ra ở một đất nước vừa nghèo vừa chiến tranh triền miên. Lúc nào cũng phải phấn đấu, và trong gian nan trong nghèo khổ để tồn tại. Tuổi trẻ của thời ba rất ít những ngày vui. Tương lai thì mù mịt, đen tối với thiếu thốn, với thân phận của người dân trong thời chiến.
Ba cưới mẹ năm 1967, đến nay tròn 40 năm nhưng thời gian thật sự ba mẹ có bên nhau để lo lắng cho nhau và chia sẻ, an ủi nhau chẳng được bao nhiêu, có lẽ tối đa 20 năm là cùng. Không phải chỉ riêng một mình ba đâu, thế hệ của ba có rất nhiều người cùng chung một số phận ngược đãi, hẩm hiu như vậy. Xa nhau với muôn ngàn hình thái, đi làm xa, tham dự cuộc chiến, bị giam cầm, tù tội, chia lìa bỏ xứ… Tạ ơn Thượng đế để hiện nay ba mẹ bên nhau và có mấy con kề cận. Và thương cãm cho rất nhiều cho những người không có được ân phước như ba đang có.
Từ tâm cảnh chia cách một thời gian vì hoàn cảnh của riêng ba mẹ, ba gói gọn trong lá thư nầy gởi đến các con về hạnh phúc gia đình.
Như bất cứ cặp vợ chồng nào, ngay những ngày đầu lứa đôi, cả ba và mẹ luôn mơ ước có được một đời sống gia đình vừa đẹp và hạnh phúc. Những ngày phải xa mẹ con, tụi con ba có cảm tưởng như lạc vào sa mạc hoặc đang trôi dạt ở ngoài biển khơi và thiếu nước uống, một giọt nước quý hơn tất cả các con à; tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình cũng vậy thôi. Chỉ khi nào người ta sống cô độc bơ vơ, chồng mất vợ, vợ mất chồng, tình yêu tan vỡ, lúc đó người ta mới cãm thấy trân quý tình chồng nghĩa vợ. Trừ hoàn cảnh cay nghiệt thì phải chịu, ba thấy tiếc cho biết bao nhiêu người có phúc lớn, có điều kiện đang sống trong hạnh phúc nhưng họ sống trong tâm thức của kẻ đứng núi này trông núi nọ, không biết quí những gì mình đang có, và hậu quả đưa đến sự tan nát gia đình, và hệ quả tiếp theo là con thiếu cha, thiếu mẹ thật đáng buồn. Đến khi nhìn lại, biết ân hận thì đã quá muộn màng, quá trễ tràng để cứu chuộc.
Ba đã trãi qua hơn 60 năm cuộc đời, hơn 40 năm xây dựng mái ấm gia đình, bị biết bao nhiêu phong ba bão tố vùi dập, thế mà ba vẫn luôn với tất cả cố gắng, cắn răng chịu đựng để vượt qua, để mong có cả ba, có lẫn mẹ kề cận với các các con. Và với sự góp phần của mọi người, cùng ân phước của Thượng Đế cho gia đình ta, để chúng ta có một gia đình hạnh phúc trong chừng mực nào đó. Ba mẹ đang có nhau và có các con quanh quẩn với ba mẹ và tụi con có gia đình hạnh phúc với các cháu ngoan của ba mẹ.
Kinh nghiệm sống đã dạy cho ba biết rằng đời sống thật ngắn ngủi và rất là vô thường, Sinh mạng, sức khoẻ, vật chất, sự nghiệp đến và đi một cách dễ dàng. Do đó được sống ngày nào trên thế gian nầy hãy dùng lý trí và tính nhân hậu của con người của mình để bằng mọi cách tạo niềm vui và hạnh phúc cho gia đình, trong đó hẳn nhiên có chính bản thân của mình. Không ráng tận lực để làm điều nầy thì quả là điều không mấy khôn ngoan vì sẽ mất mát, sẽ thiệt thòi và sẽ phí phạm thời gian mà Thượng Đế đã dành đặc ân cho riêng mỗi chúng ta, và đều có thời hạn cả, phải không các con?
Muốn xây dựng nên một mái gia đình hạnh phúc, ấm cúng, theo ba thì không quá khó lắm đâu. Nếu cả chồng và vợ hết lòng cho nhau. Những dị biệt vốn có đó, nhưng nếu biết gạt bỏ những cái khác nhau, quên mình một chút, biết hy sinh cái tôi, cái ích kỷ của cá nhân, cắt xén, chế ngự, dung hợp để bổ túc cho nhau và cùng chia sẻ, chung hưởng với nhau trong thuận lợi, cùng xớt chia, chịu đựng trong hoàn cảnh khốn khó mà của cuộc đời hay số mệnh đun đẩy, thử thách và sẽ được đền bù như trường hợp của ba mẹ.
Hơn thế, cả hai phải biết ý thức vai trò của mình, Cả chồng hay vợ phải cố gắng làm tròn bổn phận của mình mà Thượng Đế đã khéo léo và cố tình phân công để vợ chồng bổ xung cho nhau.
Nếu chịu quan sát chúng ta sẽ thấy, nam hay nữ, lúc còn rất nhỏ hay trưởng thành đã thể hiện sự khác nhau về thể hình, tiếng nói, cách sinh hoạt, bày tỏ tình cảm... Người Nam với vóc dáng to lớn hơn nhưng thô kệch, tiếng nói rổn rảng, đơn giản hơn trong cách thể hiện tình cảm, thích trò chơi mạo hiểm… Rõ ràng phái nam được sinh ra để chóng chọi để đứng đầu cơn sóng, ngọn gió, để đối phó với những gian nguy mà cuộc đời mang đến như thách đố để có thể gánh vác những công việc nặng nề hơn, để gánh trách nhiệm sự thịnh suy của gia đình, hẳn nhiên lớn hơn, nặng nề hơn, đầy phong trần và đầy phiền nảo. Bù lại, để nhân loại được tồn tại thì Thượng Đế đã tạo dựng người đàn bà với ý niệm mỹ thuật tuyệt hảo về nhân dáng và tâm tình nên đã tạo cho phái nữ sắc đẹp, duyên dáng, dịu dàng, tay chân mềm mại, tiếng nói êm nhẹ, ngọt ngào, quyến rũ, tính tình có vẻ hiền ngoan hơn, và tế nhị hơn, và tình cảm vừa tha thiết, vừa chịu đựng… Sửa của của người mẹ để nuôi con rõ ràng cũng là do sự khéo chọn của Thượng đế đã tạo dựng phái nữ để làm công việc nuôi nấng một cách tuyệt diệu và còn là nguồn an ủi chia sẻ cho người đàn ông. Để họ được rảnh hơn, nhiều nghị lực hơn hầu chống chọi với những vấn nạn do cuộc đời đưa tới, và với tất cả sự tận lực chăm lo cho gia đình.
Một người bình thường nào cũng cần có tình yêu. Người đàn ông bình thường nào cần có người đàn bà, và ngược lại. Sống đơn lẻ, cô độc một mình về phương diện nào đó có thể lắm phiền hà, nhiều rắc rối, và chắc chắn sẽ buồn lắm.
Các con thương yêu,
Với bao sóng gió cuộc đời đã thử thách và bắt cả mẹ con lẫn ba phải chịu đựng. Và hôm nay được gia đình và bạn bè đã tổ chức làm lễ mừng lục tuần cho ba, nghĩa là sống tới tuổi này cũng khó khăn lắm đó. Ở vào cái tuổi gần đất xa trời này ba vẫn tin tưởng rằng chỉ có tình thương yêu, tấm lòng rộng lượng, nhân hậu, biết sống có tình có nghĩa mới mang lại cho ta niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Chính những điều đó cũng là tài sản vô cùng quý báu để làm gương, để dạy dỗ, để truyền lại cho con cháu. Bởi vì chỉ với hành trang này mới làm cho lòng ta lúc nào cũng cãm thấy thảnh thơi vui vẻ, không hận thù phiền nảo. Với chỉ sự chọn lựa đó mới tạo được niềm vui và hạnh phúc cho những người thân yêu của ta mà thôi. Và cũng chỉ do chính phẩm hạnh này mới được mọi người yêu thương và quý mến. Làm vua như Saddam Hussein có tất cả quyền lực tuyệt đối và tiền tài thật lớn nhưng thiếu lòng nhân hậu và đạo nghĩa, cuối cùng cả gia đình con cháu phải mang thảm họa tiêu vong. Khi chết ông ta có mang theo được gì đâu, hay chỉ để lại cho đời biết bao xấu xa, tội lổi, biết bao hận thù nguyền rủa.
Bất cứ người cha mẹ nào cũng vậy, niềm an ủi lớn lao, niềm hạnh phúc lớn lao, niềm hãnh diện lớn lao là nhìn thấy được các con, các cháu có nhân cách, có đạo nghĩa, anh em biết nhường nhịn thương yêu nhau, biết xây dựng một tổ ấm gia đình, vợ chồng hòa thuận, con cháu ngoan hiền, tất cả được thoải mái, vui tươi, rạng rỡ. Đi đâu, lúc nào ba mẹ cũng luyến nhớ mong sớm được trở về. Có được như vậy dù mai này ba không còn nữa nhưng linh hồn vẫn cãm thấy nhẹ nhàng, mãn nguyện bởi tin chắc rằng các con, các cháu của ba luôn mãi là người tốt, biết sống và hữu dụng.
Lay hoay rồi đây, các con cũng sẽ già yếu như ba, ba tin rằng lúc đó các con cũng sẽ có những điều mơ ước giống như ba mà thôi.
Thương yêu các con thật nhiều.
Ba,
HUỲNH VĂN CÔNG
(Viết cho đặc san NLS Bảo Lộc 2008)
|
Trang blog này nhằm lưu lại những bài viết của chính tác giả hoặc của những tác giả khác đã viết và công bố trên các ấn phẩm chính thức, trên phương tiện truyền thông đại chúng, và trên mạng Internet, về những vấn đề Kinh Tế, Văn hoá, Xã hội, Y tế & Giáo dục đang cần tìm hiểu...lúc tuổi già. Không biết nói gì hơn, ngoài lời được xin phép và trân trọng cám ơn các bạn có bài đăng lại trên Blog này.