Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Thư khiếu nại của phụ huynh: Những khỏan thu…trên trời

Những khỏan thu trời ơi. Ảnh mang tính minh họa.
Những khỏan thu đau lòng phụ huynh. Ảnh mang tính minh họa.
Hiệu Minh blog. Tòa soạn nhận được bức thư rất dài sau của một phụ huynh có con đi học tại trường X. Trong thư, tác giả nói rõ tên trường, nhưng vì không có điều kiện kiểm chứng thông tin trong bài viết nên Hiệu Minh blog xin phép đăng ẩn danh.
Mong các bạn đọc xem và góp ý. Nếu chuyện thu trên trời này có thật tại phần đông các trường thì cần phải chấn chỉnh. Nếu bạn đọc thấy đây là thông tin sai sự thật cũng xin cho biết ý kiến để Hiệu Minh blog sẽ không đăng những chuyện tương tự. 

Chúng tôi là những phụ huynh học sinh trường X, Hà nội, xin gửi Hiệu Minh blog thư khiếu nại viết sau. Vì con cái của chúng tôi đang học ở trường nên xin phép được giấu tên.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, điều tra, chúng tôi thấy chuyện lạm thu và chi sai nguyên tắc ngày càng mở rộng và khá trắng trợn tại trường. Tình trạng này kéo dài rất nhiều năm, phụ huynh ai cũng biết, bức xúc, nhưng vì con cái nên đành chịu nhịn cho qua. Nhưng vì càng ngày nhà trường càng quá đáng, càng coi thường phụ huynh, nên chúng tôi mở cuộc điều tra mấy năm nay.
Xin lấy năm học 2013 – 2014 làm ví dụ. Trong vô số những khoản thu vô lý thì sau đây là những khoản vô lý nhất. Và chúng tôi cũng muốn đặt ra cho các nhà quản lý một số câu hỏi:
1 – Quỹ phụ huynh trường:
Mỗi lớp đã có quỹ phụ huynh lớp (từ 500 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng/học sinh/năm, tùy lớp, mà nhà trường chỉ đạo là 600 ngàn đồng!), thì mỗi phụ huynh phải nộp một khoản “quỹ phụ huynh trường” (200 ngàn đồng/học sinh/năm). Vậy quỹ này để dùng vào việc gì?
Vì cuối mỗi học kỳ, cuối năm đều có công khai thu, chi quỹ phụ huynh lớp nhưng không bao giờ có công khai thu, chi quỹ phụ huynh trường. Trong khi đó, các ngày lễ, cuối năm học đều trích quỹ phụ huynh lớp tặng quà (tiền) cho các thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn, hiệu trưởng, hiệu phó rồi, và cũng trích quỹ phụ huynh lớp để mua phần thưởng cho học sinh.
Như vậy, những ngày lễ, ngày cuối năm, hiệu trưởng, hiệu phó sẽ được 17 suất quà (tiền) khoảng 200 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng/lớp. Trường X năm học 2013-2014 có 17 lớp. Quỹ phụ huynh lớp là do phụ huynh quyết định thu, chi, vậy tại sao nhà trường lại chỉ đạo quỹ phụ huynh lớp là 600 ngàn đồng/học sinh/năm? Và quỹ phụ huynh trường dùng làm việc gì? Tại sao không công khai thu, chi?
2 – Nước uống:
Mỗi học sinh phải đóng 132 ngàn đồng/năm x 600 học sinh (làm tròn) = 79,2 triệu đồng, chia cho 10 ngàn đồng/bình (giá bán lẻ là 12 ngàn đồng/bình) = 7.920 bình nước. Nhưng theo quan sát, theo dõi cùng với các thông tin học sinh cung cấp thì: Học sinh đi học vào những tháng mát mẻ và rét, lạnh (tháng 9 đến tháng 5), hơn nữa do nước đóng bình không đảm bảo vệ sinh (rẻ tiền) nên nhu cầu uống nước của học sinh là rất ít. Ngay hôm họp phụ huynh đầu năm, trong rất nhiều lớp học, tuy có bình nước nhưng không có một chiếc cốc nào! (điều này chứng tỏ không ai quan tâm học sinh có uống hay không mà chỉ quan tâm đến thu tiền). Những gia đình cẩn thận thường cho con mang theo nước uống. Chúng tôi đã theo dõi và nhờ học sinh đánh dấu để theo dõi thì mỗi lớp (khoảng 35 học sinh) một tuần hết một bình (những ngày ấm nóng) và 2 tuần, thậm chí 3 tuần mới hết một bình (những ngày lạnh). (Thực chất chỉ có một số học sinh đùa nghịch uống nước nhưng vì không có cốc nên ngửa cổ uống trực tiếp nên rơi vãi ra ngoài nhiều). Có những lúc nước hết cả một tuần không được thay bình mới. Như vậy mỗi năm học sinh toàn trường sử dụng tối đa hết khoảng 600 bình nước (một tuần/bình/lớp). Vậy còn lại 7.320 bình nước (hay 73,2 triệu đồng) đi đâu?
Tham khảo: http://ohido.vn/Desktop.aspx/Chi-tiet/khach-hang-hoi/Loi_nhuan_khi_dau_tu_kinh_doanh_loc_nuoc_dong_binh/
3 – Tiền quét lớp:
Mỗi học sinh phải đóng 150 ngàn đồng/năm x 600 học sinh = 90 triệu đồng. Theo điều tra của chúng tôi thì, nhà trường có thuê 2 người (có lúc một người) quét 17 lớp học. Chủ yếu làm từ 6 giờ đến 7 giờ và từ 17 giờ đến 18 giờ với lương khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Vậy 9 tháng x 4 triệu = 36 triệu đồng + 1 triệu mua dụng cụ. Vậy còn lại 53 triệu đồng đi đâu?
4 – Tiền gửi xe đạp:
Minh bạch ? Ảnh minh họa
Minh bạch ? Ảnh minh họa
Mỗi học sinh phải đóng 15 ngàn đồng/tháng x 10 tháng x 600 học sinh = 90 triệu đồng. Theo điều tra của chúng tôi thì: Mỗi tháng nhà trường chi bồi dưỡng cho mỗi bảo vệ là 500 ngàn đồng (có 3 bảo vệ). Tức một năm (10 tháng) hết 15 triệu đồng. Tiền đầu tư ban đầu và khấu hao nhà để xe (gồm xây dựng ban đầu và sửa chữa) hết khoảng 10% (tức 9 triệu đồng mỗi năm). Vậy còn lại 66 triệu đồng mỗi năm đi đâu? Chúng tôi được biết mặt bằng (đất) không phải thuê. Nhà để xe làm bằng mái tôn, nền xi măng thì chỉ làm một lần cho mấy chục năm không phải sửa chữa hay làm lại. Và tiền xã hội hóa giáo dục có chi cho việc này không? Nếu có thì số tiền thừa còn cao hơn nữa.
 5 – Học thêm:
Trước đây nhà trường phát cho học sinh một đơn xin học thêm in sẵn, phụ huynh chỉ việc ký vào (hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm), nhưng những năm gần đây không có đơn nữa mà họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm áp đặt học môn gì, mấy buổi và bao nhiêu tiền. Trước đây mỗi tiết học thêm (45 phút) là 15 ngàn đồng/học sinh. Sau này, biến tướng thành học nhóm (một lớp chia 2 nhóm khá và yếu) nên mỗi ca là 50 ngàn đồng/học sinh. Bình quân mỗi học sinh một tháng phải nộp 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng tiền học thêm. Ngoài dạy thêm ở trường, cô giáo còn nhận kèm học sinh ở nhà. Vậy tại sao không dạy hết chương trình ở lớp mà phải học thêm? Tại sao nhà trường áp đặt số buổi và số tiền học thêm? Dạy thêm kiểu đó có được sự đồng ý của bộ GD-ĐT không? Theo văn bản nào?
Bộ GD&ĐT quy định mỗi năm học 9 tháng (5/9 – 5/6), nhưng nhà trường tổ chức học trước nửa tháng (15/8) và thu tiền học phí và các khoản là 10,5 tháng. Riêng học sinh khối 9 thì cuối tháng 4 là thi học kỳ II và kết thúc chương trình học, chuyển sang ôn thi lớp 10. Do vậy nhà trường thu tiền học ôn 2 tháng (từ tháng 5 đến lúc thi lớp 10), mỗi tiết học ôn là 20 ngàn đồng/học sinh. Như vậy các giáo viên văn và toán khối 9 không dạy theo chương trình mà chỉ dạy ôn thi buổi sáng và dạy thêm buổi chiều và được hưởng 3 lần lương (vì học sinh đóng 3 lần học phí: Học phí theo quy định của nhà nước; học phí ôn thi và học phí học thêm). Việc này được núp dưới danh nghĩa hội phụ huynh và có bản thông báo ghi rõ thời gian dự kiến ôn thi là từ 15/5 – 15/6, sau đó có thể kéo dài đến ngày thi, ghi rõ số tiết học (văn 50, toán 50), mỗi tiết học mỗi học sinh phải đóng là 20 ngàn đồng. Và ghi rõ tỷ lệ ăn chia của các giáo viên và nhà trường là 70/30. Như vậy những tháng cuối năm học, giáo viên văn và toán khối 9 thu nhập là khổng lồ. (Lương chính và phụ cấp + dạy ôn thi buổi sáng (35hs x 80 ngàn đồng cho 4 tiết học = 2,8 triệu đồng). + dạy thêm buổi chiều (35hs x 100 ngàn đồng cho 4 tiết học = 3,5 triệu đồng), tất cả nhân với 26 ngày/tháng thì lên đến hàng trăm triệu đồng!
Chủ trương này là của ai? Bộ hay Sở, hay là Phòng???
 6 – Đồng phục học sinh:
Họp phụ huynh đã không tán thành việc thay toàn bộ đồng phục, nhưng nhà trường vẫn bắt buộc phải thay toàn bộ đồng phục thể dục. Vì đồng phục thể dục ít mặc (1 tuần 1 buổi) nên đại đa số còn rất mới (chỉ có vài học sinh là bị ngắn, chật hoặc bẩn). Theo ý kiến của phụ huynh thì những học sinh mà đồng phục bị ngắn, chật, bẩn thì nên thay. Còn lại nên giữ nguyên, một phần vì lãng phí, một phần vì màu cờ sắc áo (học sinh trường này đã dùng màu áo đó nhiều năm và rất đẹp).
Hơn nữa, theo công văn số 8527/SGD&DT-VP ngày 22/8/2013 của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội gửi Phòng GD&DT các quận, huyện trong thành phố về vấn đề đồng phục. Trong đó có ghi: “…Các học sinh chỉ cần mặc sạch để khuyến khích tiết kiệm và có thể chia sẻ cùng anh chị em trong gia đình, các bạn có hoàn cảnh khó khăn. …Hiệu trưởng không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới (hoặc chưa kịp mua) mà không được vào trường học. …Đồng phục phải được thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận, dễ tìm mua hoặc may ở nhà, chất liệu bền, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế. …Nhà trường không thay đổi, thêm bớt các chi tiết trên đồng phục hàng năm làm khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Nếu thật sự cần thiết phải thay đổi, nhà trường phải có sự bàn bạc cụ thể và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Việc thực hiện đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, ngày 30/9/2009 của Bộ GD – ĐT đã quy định.”
Đồng phục có gía cao? Ảnh: Minh họa
Đồng phục có gía cao? Ảnh: Minh họa
Khi phụ huynh thắc mắc thì cô giáo nói đó là chủ trương của nhà trường! Chủ trương nào thì cũng phải đúng pháp luật và hợp lòng dân. Ở đây, nhà trường không chia sẻ với phụ huynh? Không được sự đồng thuận của phụ huynh và đi ngược lại công văn của Sở! Và câu hỏi đặt ra là: Mục đích của việc thay toàn bộ đồng phục thể dục (thay đổi màu để không ai được mặc đồng phục cũ) để làm gì? Đồng phục thể dục chỉ mặc mỗi tuần 1 lần nên gần như hoàn toàn mới, có những gia đình có 2, 3 anh chị em cùng học 1 trường nên có đến 2, 3 bộ đồng phục mới nguyên (đồng phục thể dục thì trai gái đều như nhau và không cần vừa vặn như quần áo sơ mi). Câu hỏi thứ 2: Tiền đồng phục thể dục phải đóng là 241 ngàn đồng/bộ. Chúng tôi đã mang mẫu ra chợ Đồng Xuân hỏi thì được biết đó là hàng Trung quốc may sẵn về may phù hiệu trường vào. Có 3 kích cở (size) cho cả quần và áo, với giá tiền là 100 ngàn đồng, 120 ngàn đồng và 140 ngàn đồng cho một bộ bán lẻ (cho các lứa tuổi từ 12 tuổi đến người lớn). Nếu mua từ 100 bộ trở lên, giá sẽ thấp hơn. (Quần gió thể thao, áo phông cộc tay).
Chúng tôi cũng đã mang mẫu đến 2 cơ sở may đo đồng phục học sinh và được biết. Đây có thể là hàng mua sẵn hoặc là đặt may đo nhưng đó là vải Trung quốc. Nếu đặt may đo thì quần (to nhất) là 90 ngàn đồng/chiếc. Áo là 70 ngàn đồng/chiếc. Nếu số lượng trên 250 cái sẽ được giảm khoảng 5% và chúng tôi sẽ được trích hoa hồng khoảng 1% – 2%.
Như vậy, nếu mua sẵn thì chỉ hết 120 ngàn đồng/bộ (loại trung bình) + 10 ngàn đồng phù hiệu. Vậy còn 111 ngàn đồng/bộ (111 ngàn đồng x 600 học sinh = 66,6 triệu đồng). Đi đâu?
Nếu đặt may đo thì hết 160  ngàn đồng/bộ + 10 ngàn đồng phù hiệu. Vậy còn 71 ngàn đồng/bộ (71 ngàn đồng x 600 học sinh = 42,6 triệu đồng) Đi đâu?
Ở đây có thể là may sẵn vì có rất nhiều học sinh cao lớn không mặc vừa, dù đã đổi đi đổi lại nhiều lần. (Nhà trường cũng cho người về đo từng học sinh nhưng tại sao có nhiều học sinh không mặc vừa? Có thể chỉ đo lấy lệ).
7 – Sổ liên lạc điện tử:
Lúc đầu nhà trường phổ biến là sẽ tham khảo ý kiến phụ huynh rồi mới quyết định. Nhưng khi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm vừa đưa tờ xác nhận có đồng ý hay không vừa thu tiền 30 ngàn đồng/tháng/học sinh. Như vậy là vừa áp đặt vừa tùy tiện. Vì giá thành sổ liên lạc điện tử phụ thuộc vào số người dùng, nhưng ở đây chưa biết bao nhiêu người dùng đã thu 30 ngàn đồng/học sinh/tháng. Theo điều tra của chúng tôi thì giá thành dao động từ 20 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng/học sinh/năm, tùy theo số lượng học sinh dùng. Vậy 30 ngàn đồng x 10 tháng x 600 học sinh = 180 triệu đồng. Trừ đi (50 ngàn đồng x 600 học sinh = 30 triệu đồng). Vậy còn lại 120 triệu đồng đi đâu?
 Tham khảo:  http://www.vn2c.com/?id=411&cat=050300
 8 – Đi tham quan du lịch:
Hàng năm, nhà trường tổ chức 1 đến 2 lần cho học sinh đi tham quan đến các tỉnh lân cận (đi, về trong ngày). Mức thu mỗi học sinh từ 200 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng tùy theo khoảng cách. Lần gần đây nhất là thứ 5 ngày 06/3/2014 (thứ 2 đến thứ 5 giá rẻ hơn thứ 6 đến chủ nhật). Toàn trường đi tham quan ở Khoang xanh Suối tiên, Ba vì. Cách Hà nội 50km, mỗi học sinh phải đóng 280 ngàn đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì một xe Hyundai 45 chỗ trọn gói khoảng 3 triệu đồng/ca (một ca là từ 6 giờ đến 18 giờ, với khoảng cách dưới 60km), cộng thêm phụ trội thời gian và km thì lên khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng tùy hãng (du lịch Vạn Xuân là 3,8 triệu đồng), lần này nhà trường thuê xe Vạn Xuân. Mỗi xe chở được 45 học sinh x 280 ngàn đồng = 12,6 triệu đồng/xe. Ăn trưa và vé dịch vụ học sinh tự lo, như vậy mỗi xe thừa ra 8,8 triệu đồng (12,6tr – 3,8tr = 8,8tr). Nếu học sinh toàn trường đi hết (600 học sinh) thì phải sử dụng 13 xe x 8,8 triệu đồng (tiền thừa) = 114,4 triệu đồng đi đâu?
Tham khảo:
http://thuexedulich123.com/pages/Detail.aspx?product_id=126
 9 – Tiền báo đội.
Mua và đọc báo là tự nguyện. Tại sao nhà trường lại áp đặt học sinh phải mua? Bây giờ học sinh không đọc báo giấy như cha mẹ chúng nữa, vì có những trò chơi giải trí hấp dẫn mà bổ ích hơn nhiều (game; phim trực tuyến;  nghe nhạc; facebook.v.v…).
Mỗi học sinh phải đóng 55 ngàn đồng/năm. Ai ra chủ trương này và mua báo để không ai đọc thì làm gì?
10 – Thời gian nghỉ học:
Trước đây, sau ngày khai giảng (5/9) học sinh mới đi học, những năm gần đây, học sinh chỉ nghỉ hè được 2 tuần là phải đi học hè rồi. Tiền học phí và các khoản đều được thu 10 tháng +  thêm nửa tháng 8 và hơn 2 tháng học hè nữa. Bố mẹ học sinh thì gồng mình lên để nộp học phí, còn học sinh thì không có hè. Có những ngày nhà trường tự ý cho học sinh nghỉ học vì những lý do tùy tiện. Ví dụ ngày 14/3/2014 (thứ 6), học sinh toàn trường nghỉ học để các thầy cô giáo đi lễ chùa!
Vậy học trước ngày khai giảng và các khoản tiền thu thêm là chủ trương của ai? Nhà trường cho học sinh nghỉ học để đi chùa có đúng không? Có được sự đồng  ý của Phòng hay Sở không? Được đi học là quyền lợi của học sinh vì phụ huynh đã đóng tiền để được đi học, giáo viên nhận tiền lương là để dạy học sinh nhưng ở đây nhà trường quá tùy tiện, quá coi thường phụ huynh và lạm dụng.
 11 – Mái che sân trường:
Hai năm trước, nhà trường thu tiền làm mái che sân trường, nhưng đến nay mái che vẫn chưa có. Khai giảng năm học 2013 – 2014 phải thuê bạt khi trời mưa! Thật ra, sân trường PTCS X là một trong những sân trường râm mát nhất trong các trường học ở Hà Nội. Các nhà cao tầng làm thành chữ U, giữa sân là 5 cây xà cừ lớn và hàng chục cây phượng xung quanh nên sân trường râm mát gần như cả ngày. Mỗi tuần chào cờ 1 lần vào đầu giờ sáng nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của học sinh. Với lại làm mái che kín thì không còn cảnh quan của một trường học nữa. Việc này phụ huynh không được bàn bạc mà hiệu trưởng tuyên bố sẽ góp tiền để làm trong một buổi họp phụ huynh toàn trường. Vậy mái che bao giờ thì làm và giá thành có đắt nhất hành tinh không?
12 – Học vi tính:
Lạm thu. Ảnh minh họa.
Lạm thu. Ảnh minh họa.
Khoảng 10 năm trở về trước, việc đưa tin học vào trường phổ thông được coi là đúng. Nhưng những năm trở lại đây, nhà trường đã không theo kịp với sự phát triển của xã hội về nhiều mặt, trong đó có tin học. Bây giờ nhà nào cũng có máy vi tính và các gia đình không quản chặt con em sử dụng máy vi tính như trước đây (nếu quản ở nhà thì sẽ đến chỗ khác và vi tính cũng có nhiều mặt tích cực), nên từ học sinh tiểu học cũng đã biết sử dụng thành thạo vi tính, biết chat, email, facebook, sử dụng các công cụ tìm kiếm, các phần mềm ứng dụng.v.v… Trong khi ở trường chỉ dạy tắt, mở máy và các thao tác đơn giản trên những máy cũ kỹ, lạc hậu. Vậy có nên dạy vi tính trong nhà trường để làm mất thời gian và tốn kém tiền của nữa không?
13 – Máy chiếu:
Vi tính, máy chiếu là những sản phẩm của một thời chạy theo thành tích. Đó là những điều kiện để được công nhận trường chuẩn! Song, học sinh thì không có kỹ năng sống, thiếu hiểu biết về xã hội, kiến thức về văn học, toán học, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý.v.v.. rất hạn chế (thậm chí quá kém). Vậy có nên đưa máy chiếu vào trường học? Tiền đầu tư thì rất lớn nhưng hiệu quả lại rất nhỏ! Mỗi tuần chỉ sử dụng vài chục phút.
14 – Tiền bàn ghế:
Từ lớp 6, các phòng học được giữ nguyên của từng lớp đến hết lớp 9. Bàn ghế và các tài sản trong phòng học, học sinh lớp đó phải tự bảo vệ, nếu cuối lớp 9 mà bị hư hỏng, xây xước thì phụ huynh phải đền. Đó là một cách làm hay, nhưng tổ chức thực hiện thì không tốt. Đó là: Việc đổi chỗ ngồi liên tục nhưng không đổi bàn ghế đã tạo nên ý thức kém của một số học sinh nghịch bẩn và dường như đó là chủ ý của nhà trường. Nên cuối lớp 9 hầu như tất cả các lớp đều bị đền tiền bàn ghế (từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng). Việc đáng nói ở đây là mặt bàn chỉ bị vẽ bẩn một chút cũng phải đền tiền bằng mặt bàn mới với giá cả trên trời, và việc tiếp theo của nhà trường là sơn sửa, trau chuốt lại rồi dùng cho những năm tiếp theo.
Tất cả các khối lớp đều có nhiều khoản thu vô lý, nhưng khối lớp 9 là tận thu.
15 – Họp phụ huynh:
Mỗi năm có 3 cuộc họp phụ huynh (đầu năm, giữa năm và cuối năm). Nội dung họp chủ yếu là đóng tiền. Nhà trường không bao giờ lắng nghe ý kiến của phụ huynh, thậm chí còn tỏ thái độ không tốt với học sinh của ai có ý kiến thẳng thắn bảo vệ quyền lợi của học sinh. Thời gian họp phụ huynh đúng ra là phải chủ nhật nhưng nhà trường cho các giáo viên chủ nhiệm tự ý quyết định. Và thường họp vào ngày thường (ngày mà giáo viên có mặt ở trường). Như vậy giáo viên chủ nhiệm không muốn mất đi một ngày nghỉ mà bắt hàng trăm phụ huynh bỏ một ngày làm, ngày mà không phụ huynh nào muốn (ngày đi đóng tiền). Như vậy là nhà trường và giáo viên tùy tiện, coi thường phụ huynh.
Trước đây, các khoản thu đều được photo cho mỗi phụ huynh một bản, nhưng những năm gần đây các khoản thu được cô giáo chủ nhiệm ghi lên bảng đen, phụ huynh chỉ cần ghi tổng số, họp phụ huynh xong là xóa ngay, ai muốn mượn bản đánh máy của cô cũng không được. Do đó không thể có chứng cứ các khoản thu, nhưng nếu các cơ quan chủ quản muốn biết thì cũng không khó khăn gì.
Họp phụ huynh. Các khoản thu ghi đầy bảng đen, giáo viên hỏi ai có ý kiến gì không? Hàng trăm con người bất động như những xác chết để kền kền róc rỉa thịt xương. Một xã hội nhẫn nhục, cam chịu, nhu nhược và hèn nhát.
16 – Cánh tay nối dài:
Họp phụ huynh lớp mỗi đầu năm, các phụ huynh phải ký khống 4 chữ ký vào 4 tờ giấy trắng (không ai biết để làm gì nhưng không ai dám hỏi). Sau khi họp phụ huynh lớp vài ngày là họp hội phụ huynh trường. Bao gồm các trưởng ban phụ huynh lớp (có 17 trưởng ban), hiệu trưởng và hiệu phó. Trong 17 trưởng ban có một hội trưởng hội phụ huynh trường.
Trước khi vào họp, hội trưởng phụ huynh tặng hiệu trưởng, hiệu phó hoa, kèm theo phong bì. Tiếp đến hội trưởng phát cho mỗi trưởng ban phụ huynh lớp một phong bì loại khác với phong bì của hiệu trưởng, hiệu phó (phong bì của hiệu trưởng, hiệu phó làm bằng giấy trắng A4, phong bì của mọi người là phong bì thư bình thường). Nội dung họp chủ yếu là hiệu trưởng hỏi mọi người xem họp phụ huynh lớp có ai có ý kiến gì không, người đó là ai? Phụ huynh của học sinh nào? Sau đó hiệu trưởng đưa một tập giấy đánh máy sẵn được gim chặt phía trên cho từng người viết phụ huynh lớp… nhất trí 100% vào hàng chấm chấm (…) rồi ký tên, ghi rõ họ tên ở dưới. Có khoảng 5 tập như vậy. Hiệu trưởng luôn dục ký nhanh và người cuối cùng ký là hội trưởng, nên không ai có thể đọc được nội dung các tập đó là gì.
Vì tương lai con em chúng ta. Ảnh minh họa.
Vì tương lai con em chúng ta. Ảnh minh họa.
Vậy xin hỏi: Trong phong bì có phải là tiền không? (hay là thư tình!). Nếu là tiền thì của các trưởng ban phụ huynh lớp là bao nhiêu và của hiệu trưởng, hiệu phó là bao nhiêu? Và tiền đó lấy ở đâu ra? Tại sao lại phải tặng tiền? Các tập giấy đánh máy đó ghi những gì? Phụ huynh ở lớp ký 4 chữ ký khống vào để làm gì?
Mỗi lớp đều có ban phụ huynh khoảng 3 người, nhưng nếu ai có ý kiến thẳng thắn hoặc bảo vệ quyền lợi của học sinh thì sẽ bị tẩy chay ngay, không được tham gia bất kỳ hoạt động nào của hội nữa và năm tới sẽ bầu người khác thay. Con của phụ huynh đó sẽ bị làm khó dễ, còn con của đại diện phụ huynh đang tại vị đều được ưu ái hơn, được nâng điểm tổng kết cuối kỳ, cuối năm.
Như vậy, ở đây không chỉ là cánh tay nối dài mà hội phụ huynh còn là tấm bình phong để nhà trường kiếm chác trên lưng phụ huynh và bóc lọt học sinh. Học sinh là con tin và bố mẹ chúng là những nạn nhân.
 Lời kết:
Vẫn biết rằng, lương giáo viên không đủ sống (bây giờ nghành nào lương cũng không đủ sống cả), nhưng không thể tăng thu nhập bằng những cách này. Phụ huynh cảm thấy như mình bị móc túi, còn học sinh thì như bị ăn bớt khẩu phần. Thà rằng tăng tiền học phí lên để trả lương thêm cho giáo viên hoặc có một khoản đóng góp cụ thể là tiền bồi dưỡng cho giáo viên còn hơn là mập mờ kiểu này. Những đồng tiền đó là mồ hôi, nước mắt của cha mẹ học sinh, đối với đa số là đồng tiền sạch, rất sạch. Sau khi lòng vòng núp bóng những khoản đóng góp sẽ chảy vào túi ai, đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời.
Những việc làm như vậy của nhà trường, các cấp trên liệu có biết???
Một bạn đọc ở Hồ Tây (Hà Nội).