Bà Võ Thị Thắng, người vừa qua đời ở tuổi 69 ở TP. HCM, nổi tiếng vì nụ cười khi bà bị xử án trước Tòa án ở Sài Gòn năm 1968, là một người "không có tai tiếng" và "trong sạch", theo một nhà vận động ủng hộ dân chủ hiện nay từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 23/8/2014, ông Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, một tổ chức có liên hệ với các lực lượng chính trị, quân sự của miền Bắc Việt Nam, hoạt động ở Sài Gòn trước 1975, nói:
"Tôi thấy trong cuộc đời của chị Thắng, chị không mang tai tiếng gì. Vẫn là con người trong sạch.
"Có một thời kỳ, có một bộ phận nào đó đã vu cáo cho chị ấy là thế này, thế khác, và chị ấy suýt bị một án rất nặng, khi mà người ta ghép cho chị ấy là 'tình báo', là 'phản quốc'"
Ông Hạ Đình Nguyên
"Khi tuổi còn trẻ chị hoạt động cho Mặt trận Giải phóng, chị có một tuyên bố nổi tiếng ở Tòa rằng chế độ trước không tồn tại đủ 20 năm để chị ở hết án tù của chị.
"Về sau này chị đã làm việc và chị lên bậc Trung ương Ủy viên, nhưng trong suốt thời gian vậy, không nghe thấy chị có tai tiếng gì về hoạt động.
'Suýt bị khép án'
Đề cập một vụ việc vài chục năm trước, khi có tin nói bà Võ Thị Thắng bị một số người trong nội bộ Đảng và chính quyền cáo buộc và ghép vào một vụ án 'chính trị' và suýt bị thọ nạn, ông Hạ Đình Nguyên cho hay:
"Có một thời kỳ, có một bộ phận nào đó đã vu cáo cho chị ấy là thế này, thế khác, và chị ấy suýt bị một án rất nặng, khi mà người ta ghép cho chị ấy là 'tình báo', là 'phản quốc'.
"Nhưng mà may rằng bộ phận dựng nên chuyện đó đã không thành công, cho nên chị mới trắng án, nếu không chị đã bị khép án đó rồi."
Nhà hoạt động cho rằng bà Võ Thị Thắng trong nhiều năm cuối đời đã có sự 'ủng hộ ngầm' đối với phong trào đấu tranh vì dân chủ ở trong nước.
Ông Hạ Đình Nguyên nói tiếp: "Về mặt tư tưởng bên trong, chị rất thích theo dõi phong trào đấu tranh dân chủ, và chị là người rất thích đọc những bài viết của tôi.
"Tức là bên trong, chị rất ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ.
"Bà ở trong thế mà bà không nói gì về công khai, hoặc nói gì ở Trung ương thì tôi đâu có biết, nhưng trong khi gặp gỡ, thì bà rất bày tỏ ủng hộ những hoạt động dân chủ."
Bà Võ Thị Thắng 'chết vinh quang'
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ghi trong sổ tang của bà Võ Thị Thắng rằng dù bị "đối xử bất nhân" trong thời bình, bà vẫn "sống vĩ đại, chết vinh quang".
Cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng qua đời vì bệnh nặng hôm 22/8 ở tuổi 69.
Lễ tang bà được cử hành hôm 25/8 tại TP Hồ Chí Minh.
Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã tới viếng bà và ghi sổ tang.
Ông Trương Tấn Sang viết trong sổ tang: "Với Võ Thị Thắng: Khi nước nhà tao loạn, Võ Thị Thắng phận gái mà vẫn hiên ngang đứng lên cầm súng..."
"Khi đất nước thanh bình, lý ra Võ Thị Thắng phải được cống hiến sức mình cho đất nước trong môi trường thuân lợi nhưng không hẳn được như vậy!"
Ông Sang viết: "Thời nào cũng có kẻ hiểm ác, giấu mặt, đối xử bất nhân nhưng Võ Thị Thắng vẫn lại hiên ngang ngẩng cao đầu "Sống vĩ đại, chết vinh quang"!
Những dòng tâm thư của ông chủ tịch nước đã gây chú ý vì trong tiểu sử được công bố chính thức, không có chi tiết nào cho thấy bà Võ Thị Thắng từng là nạn nhân của những "kẻ hiểm ác, giấu mặt".
'Đối xử bất nhân'
Bà Võ Thị Thắng sinh năm 1945 ở Long An.
Bà tham gia phong trào từ năm 16 tuổi. Năm 1968, trong chiến dịch Mậu Thân, bà bị chính quyền miền Nam bắt và đưa đi Côn Đảo.
Một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất về bà là bức hình chụp nụ cười của bà Thắng sau khi bị tuyên án 20 năm tù giam, với câu nói được phe Cộng sản ghi lại là “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”
Bà Võ Thị Thắng từng làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX và khóa X; Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; và Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Trên blog riêng của mình, nhà văn Đào Hiếu - người tự nhận là "người nhà" của bà Thắng, hé lộ Bấmmột số điều mà ông Hiếu gọi là "mưu đồ ma quỷ" của những kẻ giấu mặt đối với bà.
Theo đó, bà Võ Thị Thắng đã từng bị vu cho là gián điệp CIA trong một 'hồ sơ nguỵ tạo', đến nỗi bà đã từng có ý định quyên sinh.
Tuy nhiên, cũng theo blog của ông Đào Hiếu, năm 2000 bà đã được Bộ Chính trị minh oan.
Lưu bút của ông Trương Tấn Sang, không hiểu vô tình hay hữu ý, đã gợi lại những chi tiết ít khi được nhắc tới liên quan nội bộ Đảng Cộng sản.
Những bức ảnh gắn với cuộc đời 'nụ cười'
Võ Thị Thắng
Bị kết án khổ sai 20 năm, đáp trả lại lời hả hê tự đắc của hội đồng xét xử, bà Thắng mỉm cười: "Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?".
Bà Võ Thị Thắng sinh ra tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An. Năm 1968, trong một lần ám sát hụt một tên mật thám, bà bị bắt, bị tòa tuyên án 20 năm khổ sai. Đáp lại lời hả hê tự đắc của thành viên Hội đồng xét xử: "Vậy là cuộc đời cô nữ sinh kể từ đây chôn vùi trong khám tối", bà Thắng đanh thép vặn lại: "Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?". Và nụ cười rực rỡ, hiên ngang của cô nữ sinh trẻ tuổi đã được một phóng viên người Nhật kịp ghi lại.
|
Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” với câu nói ngắn gọn, đanh thép của cô gái miền Nam, nữ sinh trường Gia Long Võ Thị Thắng đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng của văn nghệ sĩ trong nước và ngoài nước lúc bấy giờ. Đúng như câu nói của bà, chỉ 5 năm sau, lính Mỹ phải xách va li về nước theo Hiệp định Paris. Ảnh chụp vào tháng 3/1973 tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Theo tinh thần bản Hiệp định Paris, kẻ địch buộc phải trao trả những người yêu nước bị cầm tù. Nữ sinh viên, chiến sĩ biệt động thành Võ Thị Thắng nằm trong nhóm cuối cùng của chiếc máy bay trao trả tù binh năm 1974. Bà Thắng là người thứ 3 từ phải sang. |
Bà Võ Thị Thắng (bìa phải) cùng các bạn tù chính trị nữ trong đợt trao trả tù binh tại Lộc Ninh tháng 4/1974. |
Biên tập viên Hương Tuấn Vũ của Đài Giải phóng đã phỏng vấn Võ Thị Thắng khi bà vừa được thả tại sân bay Lộc Ninh năm 1974. |
Bà Võ Thị Thắng được trao trả ngày 7/3/1974, mặc dù phía đối phương vẫn gây ra không ít khó khăn và trở ngại. |
Và sau này, khi ở cương vị là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bà Võ Thị Thắng vẫn luôn thể hiện khí phách "dám nghĩ dám làm" của một người con gái gan dạ năm xưa. |
Vào lúc 8h20 phút sáng 22/8, bà Võ Thị Thắng, người phụ nữ có “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng, sau một thời gian lâm bệnh nặng đã qua đời tại TP.HCM, hưởng thọ 69 tuổi. "Nụ cười chiến thắng" của bà sẽ luôn sống mãi trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. |
Bà Võ Thị Thắng sinh ra tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An. Năm 11 tuổi, bà đã tham gia đưa thư liên lạc cho cách mạng. Lớn lên, bà tham gia phong trào đấu tranh xuống đường của thanh niên sinh viên, học sinh Sài Gòn Gia Định; gây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ chính trị nội thành, chuẩn bị vào đợt Mậu thân 1968.
Bà Thắng đã từng giữ các trọng trách: Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cu ba, Ủy viên Trung ương Đảng…
Tang lễ được cử hành tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu vào lúc 8h30 ngày 23/8. Sau đó, đưa đi an táng tại quê nhà Long An vào sáng thứ hai 25/8.
Ảnh tư liệu
VÕ THỊ THẮNG: có một nụ cười khác
Tám giờ mười lăm phút sáng ngày 22/8/2014 chị Võ Thị Thắng, uỷ viên trung ương đảng CS Việt Nam, nguyên Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã từ trần tại TPHCM sau một thời gian dài bị bệnh nan y.
Với tư cách là “người nhà” của chị, tôi xin ghi lại đôi điều mà tôi từng được nghe chị kể cùng với những kỷ niệm nhỏ giữa tôi và chị như một sự bày tỏ lòng thương tiếc và yêu mến.
*
Trước đây tôi không từng hoạt động chung với chị vì hai người ở hai đơn vị khác nhau nhưng do sự sắp xếp ngẫu nhiên của xã hội mà sau này chúng tôi trở thành người nhà với nhau: chị làm dâu, còn tôi làm rể họ Trần.
Với tư cách là “người nhà” của chị, tôi xin ghi lại đôi điều mà tôi từng được nghe chị kể cùng với những kỷ niệm nhỏ giữa tôi và chị như một sự bày tỏ lòng thương tiếc và yêu mến.
*
Trước đây tôi không từng hoạt động chung với chị vì hai người ở hai đơn vị khác nhau nhưng do sự sắp xếp ngẫu nhiên của xã hội mà sau này chúng tôi trở thành người nhà với nhau: chị làm dâu, còn tôi làm rể họ Trần.
Trong chuyến về quê chồng (Bình Định) tảo mộ, gia đình chị và tôi cùng đi trên một chiếc xe mười sáu chỗ của ngành du lịch. Suốt hai ngày đường, chúng tôi nghỉ lại nhiều nơi và đó là dịp mà chị đã kể lại những “biến cố đầy kịch tính” mà chị đã phải trải qua trong suốt thời gian làm Tổng Cục Trưởng. Những biến cố ấy có thể viết thành một cuốn sách dày, li kỳ hấp dẫn như phim hình sự Mỹ. Nhưng chị không dám viết, cũng không dám nhờ tôi viết dù tài liệu thì có rất nhiều. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó những tài liệu ấy sẽ được công bố, hoặc là cuốn sách ấy sẽ được viết ra, nhưng bây giờ thì không.
Bây giờ chỉ có ký họa.
Bây giờ chỉ vài đường nét bằng bút chì, bằng ngón tay nguệch ngoạc trên cát biển Qui Nhơn, bằng hòn than vẽ trên bức tường cũ… phác thảo bi kịch của một người đàn bà có địa vị ngang hàng với bộ trưởng, một người từng gan lì đuổi theo địch thủ của mình với một khẩu súng rỉ sét, một nữ sinh trường Gia Long đã nghĩ ra được câu tuyên bố để đời. Rồi cuối cùng chiếc ghế Tổng Cục Trưởng mà người ta trao cho chị cũng bị đặt trên bốn trái mìn nổ chậm được làm bằng lòng đố kỵ, bằng thù oán cá nhân, bằng những mưu đồ ma quỷ.
Người con gái “anh hùng” ngày xưa chợt biến thành nhân viên CIA Mỹ với tập hồ sơ dày cộm.
Đó là những ngày cuối năm 1996. Nhiều nhân vật có tình cảm với Võ Thị Thắng trong Bộ Chính Trị đều rất bàng hoàng. Con chạch lại leo lên đẻ trên ngọn đa! Vậy mà người ta vẫn có đầy đủ những tài liệu về một con chạch như vậy!
Và nhiều kế hoạch “ám sát” đã được nghĩ đến: xông thằng vào cuộc họp quốc hội “bắt nóng”? Hay bắn tỉa? Bắn ở đâu?
Năm 1999 Tổng Cục Trưởng Võ Thị Thắng nhận được giấy mời sang Mỹ dự hội nghị về du lịch. OK. Sao không cho người bắn tỉa tại sân bay Los Angeles? Ngay khi đối tượng bước ra cổng phi trường là gởi một viên đạn vào đầu rồi đổ thừa cho CIA giết người diệt khẩu. Thật gọn nhẹ.
Kế hoạch lập tức được triển khai. Một anh chàng James Bond 007 mũi tẹt da vàng được chọn trong đám thân tín tại Mỹ để thực hiện Mission Impossible này. Và Mme Thắng không hề hay biết gì về âm mưu đó.
Mấy hôm sau chị lại nhận được một giấy mời của ngành du lịch Trung Quốc. Và, một cách ngẫu nhiên, chị đã chọn đi Trung Quốc.
Chàng James Bond ngồi ngáp ruồi ở sân bay Los Angeles.
Không giết được tên CIA Võ Thị Thắng ở Los thì sẽ bắt cóc hắn tại sân bay Nội Bài khi hắn ta trở về Việt Nam.
Một phương án mới được triển khai ngay lập tức: khi máy bay đáp xuống, xe con của Tổng Cục Du Lịch đến đón sếp thì sẽ có một xe mười sáu chỗ trờ tới, ép nó sát lề, chặn đầu. Khống chế tài xế, bắt cóc bà Tổng Cục Trưởng chạy ra khỏi phi trường, thẳng về nơi giam giữ.
Và mọi việc đã xảy ra y như kịch bản. Nhưng khi những kẻ bắt cóc mở cửa chiếc xe con của Tổng Cục Du Lịch thì chỉ nhìn thấy “bác tài” đang “há hốc mồm” vì kinh ngạc.
-Bà Thắng đâu?
-Xe khác đã đến đón rồi!
Sự thực chẳng hề có chiếc “xe khác” nào cả. Chỉ có phép lạ của phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài đã làm cho chiếc va-li của Võ Thị Thắng lạc mất. Mme Thắng xuống máy bay nhưng không tìm thấy hành lý, đứng chờ ở cái vòng xoay cả tiếng đồng hồ. Tài xế chiếc xe con đến đón bấm điện thoại di động gọi nhưng tắt máy, anh ta tưởng sếp đã có người nhà đến đón nên chạy xe không về và bị những kẻ bắt cóc ép vô lề.
Mme Thắng tìm được hành lý thì đã quá trễ. Chị đành gọi một chiếc taxi.
*
Kẻ thù giấu mặt ấy là ai? Chị biết, Bộ chính trị cũng biết nhưng không làm gì được.
Và bà Tổng Cục Trưởng đã nghĩ đến cái chết. Nhiều người trong Bộ chính trị không tin những hồ sơ ngụy tạo ấy nhưng cũng không “dám” bác bỏ. Chị gần như đơn độc. Chỉ trừ một người bạn giấu mặt. Một ân nhân của chị mà cho đến giờ này, khi sóng gió đã yên, khi một số tay chân của kẻ thù đã bị Bộ công an bắt, bị tòa án xét xử và khi chị đã nghỉ hưu… chị cũng không hề biết người đó là ai?
Trong những lúc lâm nguy nhất, người đó đã gọi điện cho chị, từ một trạm điện thoại công cộng, và báo cho chị hay rằng đang có một âm mưu như thế, như thế… rằng sự việc sẽ diễn ra như thế, như thế…
Nhưng đó cũng chỉ là những an ủi nhất thời. Tuy nhiều lần người ấy đã cứu chị thoát chết nhưng tại sao chị phải lâm vào tình thế ấy? Tại sao lại phải sợ hãi những kẻ đứng trong bóng tối? Tại sao kẻ trong sạch lại phải sợ bọn tội phạm? Tại sao một cán bộ cao cấp như chị lại phải sợ một thứ quyền lực đen nào đấy?
Và đã có lúc chị cầm một sợi dây thòng lọng. Chị cuộn nó lại, giấu trong túi xách, đến soi mặt mình trong gương. Một đêm mất ngủ. Và khóc. Một đêm ngồi trong góc tối của căn phòng nhìn chồng nhìn con và nhìn bức ảnh nổi tiếng của mình. Bức ảnh chụp chị đứng trước tòa án, giữa hai người quân cảnh đeo kính đen. Chị nhìn cái miệng cười của mình. Nước mắt lặng lẽ lăn xuống gò má. Bởi vì giờ đây chị không “được” đứng trước một tòa án để mà cười. Chị đang đứng trước một thế lực vô hình, chị đang bị rình rập, truy sát.
Ngày xưa chị nhìn thấy kẻ thù ngay trước mặt, chị bắn nó bằng một khẩu súng rỉ sét nhưng chị ở thế chủ động, chị là thợ săn còn kẻ địch là con mồi. Bây giờ thì chị không biết kẻ thù đang đứng chỗ nào, mặt mũi nó ra sao. Bây giờ chị có một khẩu K59 mới tinh nhưng chị sẽ bắn vào đâu? Bắn vào bóng tối? Vào hư vô?
Không ai trả lời những câu hỏi ấy và điều đó làm chị tuyệt vọng.
Sẽ phải treo sợi dây thòng lọng ở đâu? Trên xà nhà? Trước cửa? Hay trên một cành cây?
Không thể chết tầm thường được. Phải biến nó thành một lời cảnh tỉnh, một cáo trạng. Có lẽ chỗ tốt nhất là Hội trường Văn phòng Trung ương Đảng.
Chị quyết định vào đó để chọn một vị trí thích hợp.
Thính phòng im phăng phắc. Sân khấu mờ ảo. Những dãy ghế quen thuộc cũng đang lặng thinh, nín thở, chờ xem người đàn bà quen mặt này sẽ làm gì. Chị bước lên sân khấu, ngước nhìn những phông màn, những giàn đèn và những sợi dây kéo. Chị đi một vòng, chậm rãi, thầm lặng. Rồi chị bước xuống những bậc cấp, tìm đến chiếc ghế mà chị vẫn thường ngồi trong các phiên họp Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Chiếc ghế ôm chị vào lòng nó, cũng mềm mại, ấm áp như ngày nào. Chị ngửa cổ, tựa đầu vào lưng ghế. Và khóc.
Dường như chị có thiếp đi được một lúc cho đến khi chuông điện thoại reo. Chị mở túi xách, Chiếc điện thoại màu bordeaux đang sáng lên giữa những cuộn dây thòng lọng.
Đó là cuộc gọi của người vô danh, ân nhân giấu mặt của chị. Chị nhận ra giọng nói quen thuộc. Nó ấm áp và chậm rãi. Những lần trước, chị đã cố nghĩ xem đó là giọng của ai nhưng không biết được. Chị chỉ biết chắc người đó đã gọi cho chị theo lệnh của một đồng chí nào đó trong Bộ Chính Trị. Lần này giọng nói ấy chỉ là một câu đơn giản.
-Bộ công an đã bắt hết chúng rồi. Chúc mừng đồng chí.
Chị lặng người đi. Hội trường như sáng lên. Chị thọc tay vào túi xách, nắm chặt sợi dây thòng lọng.
Chị thấm nước mắt bằng chiếc khăn rằn của du kích Miền Nam mà chị đã chuẩn bị sẵn. Chị nhìn thẳng lên sân khấu và cười. Tiếc thay anh nhà báo người Nhật năm nào đã không có mặt để ghi lại nụ cười ấy. Nó vẫn đẹp. Và nếu được công bố với đầy đủ những tình huống đắng cay thì nụ cười trong buổi sáng cuối năm 2000 ở Hội trường này cũng sẽ trở thành một huyền thoại, và có khi còn nổi tiếng hơn cả nụ cười của mấy mươi năm về trước.
—————–
Blog Đào Hiếu, ngày 23/8/2014