Đôi khi số phận một dòng chảy cho ta biết một phần tương lai của chính mình, một cộng đồng, một thành phố, một đất nước, một dân tộc? Hãy ngắm nhìn, lắng nghe, cảm nhận và tự vấn...
Suối Cheonggyecheon
Nguồn mạch Cheonggyecheon
Những câu hỏi tương tự từng xuất hiện trước những người có trọng trách quy hoạch Seoul khi họ đứng trước dòng Danube ở Vienna (Áo) - vốn đã được điều chỉnh vào cuối thế kỷ 19 bằng một công trình đồ sộ nhằm phục vụ sự phát triển của cộng đồng. Những tự vấn đầy trách nhiệm đó hẳn tái hiện khi người Seoul thả bộ, ngắm nhìn, tận hưởng Wacker Drive - tác phẩm quy hoạch kinh điển của Burnham ở Chicago (Mỹ)hồi 1926. Và, ấn tượng hoài nghi, tâm trạng phản tỉnh đó đã có cơ hội thực chứng khi người Seoul đến bên sông Singapore, nơi Lý Quang Diệu từng quyết tâm “trả lại cá cho dòng sông” hồi 1977…
Với tâm thức ấy, cùng với những nỗ lực khác thường, ngay đầu thiên niên kỷ mới, “người Seoul” đã nói được với “nhiều người” một điều thật giản dị: Hàn Quốc không chỉ có “kỳ tích sông Hàn”. Ngay trung tâm của đô thị vào loại lớn nhất thế giới này, sự có mặt của Cheonggyecheon - một dòng suối nhân tạo nhỏ bé - chính là thành quả của sự nỗ lực sau những tự vấn kể trên.
Từ cái tên Gaecheon - “sông đào” - hồi thế kỷ 15, dòng chảy này được đổi thành Takgyecheon - “dòng nước bẩn” rồi Cheonggyecheon - “dòng nước trong lành” hồi đầu thế kỷ 20. Sau hơn 600 năm tồn sinh cùng Seoul, Cheonggyecheon và những thăng trầm diện mạo của nó cho thấy để có được một diện mạo và tinh thần như hôm nay thật không dễ dàng.
Tại Seoul, dòng sông đào có tới 23 nhánh ôm phủ, nuôi dưỡng Seoul đã từng bị xoá sổ. Ngay từ thế kỷ 15, dưới thời vua Taejong, Sejong, bên cạnh việc cải tạo dòng chảy như một nỗ lực chống lụt hay khắc chế những ảnh hưởng tiêu cực với phong thuỷ, Cheonggyecheon chỉ là nơi xả nước thải. Những năm giữa thế kỷ 20, Cheonggyecheon dần biến thành đường cao tốc và đèo bòng bao hệ luỵ buồn thảm của một đô thị nghèo kiệt, dơ bẩn. Và cho đến hơn 10 năm trước, hình ảnh Cheonggyecheon cũng chẳng khác mấy so với Kim Ngưu, Tô Lịch hiện nay của Hà Nội hoặc Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây ở TP.HCM.
Trong hơn hai năm, hơn 900 triệu Mỹ kim đã được Seoul đầu tư để xoá bỏ tuyến đường trên cao và tạo cho con suối một nhận dạng mới. Chung quanh Cheonggyecheon không chỉ là phối cảnh được tạo nên bởi những cao ốc, toà nhà thương mại, ngân hàng. Khu chợ cổ Dongdaemoon thu hút nhiều khách hơn tưởng tượng. Trong những ngày mùa hè, dòng nước, thảm thực vật đa dạng đã làm giảm đáng kể nhiệt độ khu vực quanh nó. Một hệ sinh thái ngập nước hình thành không chỉ là môi trường sống mới của chim, thú. Với một bộ phận giới trẻ, Cheonggyecheon trở thành nơi hẹn hò lý tưởng. Với các nghệ sĩ, đó là một không gian nghệ thuật thể nghiệm ngoài trời hấp dẫn. Mỗi ngày có hơn 500.000 người đi bộ quanh dòng suối dài 5,8km này...
900 triệu USD đã được đầu tư vào đây
Sohn Kwang Ik, tác giả của cuốn Những người ở Cheonggyecheon, quê hương tôi, từng viết: “ Dù chảy trên bề mặt hay len lỏi sâu dưới lòng đất, dòng suối vẫn không thể bị loại khỏi cuộc sống của con người nơi đây. Cheonggyecheon vẫn lắng nghe cuộc sống hôm nay và ôm trong mình bao mơ ước của tương lai”.
Thoát khỏi giới hạn vật lý của một công trình, Cheonggyecheon trở thành một lõi đô thị có khả năng tích hợp và tạo dựng một không gian đa dạng, năng động, thân thiện. Tiếp nối, phát triển những lý thuyết về không gian kiến trúc truyền thống, Cheonggyecheon bổ sung những định nghĩa mới về quy hoạch phát triển đô thị hiện đại. Kết nối, tương tác với hiện thực phát triển năng động của một trung tâm kinh tế, chính trị, Cheonggyecheon đưa ra một quan niệm hay triết lý mới về không gian sống nhân văn, bền vững…
Từ Cheonggyecheon, có nhiều điều khác biệt và bài học đắt giá. Tuy nhiên, đáng ghi nhận nhất phải là tầm nhìn, tầm vóc, tinh thần dám làm, thái độ dám chịu trách nhiệm, cùng những nỗ lực tuyệt vời của các nhà lãnh đạo Seoul.
Cũng giống như Burnham từng bị chỉ trích là viết ra “Dự án chống Chúa”, cũng như các nhà tài phiệt Singapore từng giễu cợt Lý Quang Diệu rằng: “Sẽ rẻ hơn, hiệu quả hơn nếu hàng ngày ông mua và thả cá. Sự bẩn thỉu đã là một phần… di sản của con sông Singapore”, thị trưởng Seoul lúc bấy giờ - ông Lee Myung-bak, đã phải đương đầu với những quan điểm khác biệt, những chống đối quyết liệt của những nhân vật hay đảng phái không ủng hộ chủ trương tái tạo, hồi sinh Cheonggyecheon.
Không ít người phản đối việc phải đổ 120.000m3 nước mỗi ngày chỉ để có một biểu tượng mang tính hình thức. Vốn đầu tư bị đội lên khoảng 900 triệu đôla Mỹ và ước tính phải cần 12 tỉ Mỹ kim đầu tư thêm để phát triển lại 8km2 khu vực gần con suối dẫn vào một khu dân cư và thương mại quan trọng của thành phố. Một vài quan chức bị bắt vì những cáo buộc tham nhũng… Tất cả những trở lực đó vẫn không làm cho những người có trách nhiệm cao nhất chùn bước. Chính trong tiến trình biến đổi Seoul, Cheonggyecheon đã gán một tên gọi khác - biệt danh “xe ủi” - cho vị tổng thống tương lai Lee Myung-bak của Hàn Quốc.
Tự vấn?
Thời gian qua, hẳn nhiên là không ít cư dân của “xứ sở” Kim Ngưu, Tô Lịch, Nhiêu Lộc - Thị Nghè… đã đến với Cheonggyecheon.
Ngay sau lần diện kiến đầu tiên, trên rất nhiều trang mạng xã hội hay trong các album yêu thích đã hiện diện những bức ảnh chân dung rạng rỡ với hai ngón tay xoè hình chữ V. Ngỡ đó chính là những tác giả của một công trình từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về quy hoạch và kiến trúc, một di sản văn hoá sống động… Nhưng phía sau những bức ảnh khoe hàng ấy là gì? Có kinh nghiệm nào được nhận thấy, được vận dụng vào việc thay đổi hiện thực đời sống? Có bài học khai sáng nào từ những ảnh ảo đó?
Có bao nhiêu người Việt “có điều kiện” đã bớt thời gian mua sắm, chụp hình để thả bộ ngược xuôi cùng dòng chảy không dài này và chỉ để ngắm vài con cá hay những chú vịt, ngỗng bơi lội?
Sông Kim Ngưu (Hà Nội) năm 1999
Có bao nhiêu kiến trúc sư từng đoạt giải kiến trúc xanh đã dừng lại đủ lâu để cảm nhận về một kiểu tư duy quy hoạch đô thị, những giải pháp nhằm kiến tạo hệ thực vật ở vùng nước ngập nhằm tạo nên những biến đổi vi khí hậu hay hệ sinh thái? Có mấy ai trong số họ tưởng tượng ra những chuyển động của một phối cảnh tinh thần từ một bản thiết kế có những thay đổi mặt cắt của một dòng chảy?
Có bao nhiêu nhà văn hoá dừng chân trước những điêu khắc đức Phật vân du dưới chân Gwangtong - cây cầu đá cổ nhất Seoul - để nhận thấy những biến đổi thăng trầm của một con sông hay dòng chảy văn hoá?
Có nhà nghiên cứu nào từng đến đây để tìm hiểu và thực chứng “thế giới tri cảm” của triết gia Merleau- Ponty, quan niệm về không gian lõi đô thị của học giả Henri Lefebvre hay không gian xã hội dân sự của nhà triết học chính trị Hannah Arendt… - những yếu tố từng ảnh hưởng mạnh mẽ đến thái độ, cảm xúc, tầm nhìn của những người thiết kế dự án?
Thử hỏi có bao nhiêu quan chức, công chức quản lý đô thị ở ta thực sự quan tâm tới những tác động của Cheonggyecheon đến môi trường sống của người dân Seoul, sự tăng trưởng của kinh tế, các biến động về chính trị hay số phiếu bầu dành cho Lee Myung-bak vào ghế tổng thống sau công trình đáng nể Cheonggyecheon?
Riêng người viết thì tự nhắc nhở mình nhớ một câu được viết trong Luận Ngữ: “kiến hiền tư tề” - thấy người giỏi thì muốn bằng người!
Bài và ảnh: XUÂN BÌNH