Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, tốt nghiệp thủ khoa Học viện Kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản) năm 2002, nhận bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004. Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa từng được bình chọn là một trong 10 kiến trúc sư tiêu biểu của năm 2012 do tạp chí kiến trúc Architectural Record bình chọn.
Chiêm ngưỡng những công trình ấn tượng nhất do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế:
Công trình Nhà Bình Thạnh đoạt giải Công trình của năm 2014
Giải thưởng này do tạp chí kiến trúc uy tín và nổi tiếng hành đầu ở Mỹ - ArchDaily - thành lập. Cái tên Võ Trọng Nghĩa vốn đã rất quen thuộc trên tạp chí kiến trúc này khi anh đã nhiều lần xuất hiện trong danh sách những kiến trúc sư có công trình đoạt giải thưởng của ArchDaily.
Với công trình “Nhà Bình Thạnh”, đầu năm 2014 này, Võ Trọng Nghĩa một lần nữa lại trở thành kiến trúc sư Việt Nam có công trình gây ấn tượng đối với giới kiến trúc sư quốc tế. Thế mạnh của Võ Trọng Nghĩa tại giải này là các công trình nhà ở.
Năm ngoái, anh cũng đã đoạt giải thưởng “Công trình của năm” với một thiết kế nhà ở khác, tiếp tục, sang năm nay, anh vẫn khẳng định được sức sáng tạo mạnh mẽ của mình ở hạng mục nhà ở và giành được giải cao.
Công trình Nhà Xanh đoạt giải Công trình của năm 2013
Công trình “Nhà xanh” của Võ Trọng Nghĩa từng đoạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế của Mỹ (International Architecture Award), giải thưởng Green Good Design dành cho những thiết kế thân thiện với môi trường, giành huy chương vàng tại Festival Kiến trúc Thế giới và đoạt giải “Công trình của năm” ở hạng mục nhà ở do tạp chí kiến trúc uy tín ArchDaily bình chọn.
Tham quan kiến trúc nhà ở tại TPHCM, hội đồng chấm giải của ArchDaily nhận thấy tuy người dân thành phố có chú ý tới không gian xanh trong nhà nhưng cách xử lý còn quá rập khuôn.
Khi quyết định trao giải cho công trình “Nhà Xanh” của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, ArchDaily hy vọng công trình sẽ truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư và người dân thành phố, để có những cách nhìn mới mẻ hơn về kiến trúc nhà ở thân thiện với môi trường.
Công trình Nhà hội nghị Đại Lải đoạt giải Kiến trúc Quốc tế 2013
Nhà hội nghị Đại Lải từng đoạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế (International Architecture Awards) năm 2013 - một giải thưởng danh giá trong giới kiến trúc sư trên khắp thế giới.
Công trình Nhà hàng tre Bamboo Wing đoạt giải Kiến trúc Quốc tế 2011
Công trình Nhà hàng tre Bamboo Wing thuộc Flamingo Đại Lải Resort lấy ý tưởng từ hình cánh chim, để tạo thành một khối kiến trúc ấn tượng, trong đó, tre không chỉ được sử dụng như vật liệu trang trí sau khi quá trình xây dựng đã hoàn tất mà nó còn được sử dụng như một vật liệu xây dựng chủ đạo.
Đối với những công trình thân thiện với môi trường, Võ Trọng Nghĩa rất tôn trọng vật liệu tre và không đưa thêm vào các vật liệu nhân tạo khác như sắt thép, bê tông…
Những công trình sử dụng tre, gỗ của Võ Trọng Nghĩa không chỉ là thành tựu trong việc nghiên cứu sử dụng tre trong xây dựng mà còn giúp hình thành một xu hướng mới trong việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường để thiết kế xây dựng tại Việt Nam.
Trong mọi công trình, Võ Trọng Nghĩa luôn tính toán tới việc tiêu tốn ít năng lượng trong quá trình sử dụng nhất có thể. Với thiết kế không gian mở như thế này, công trình sẽ không cần phải sử dụng hệ thống thông gió, điều hòa mà lại khiến người sử dụng cảm thấy thư giãn khi được hòa mình vào thiên nhiên.
Công trình quán café Gió và Nước (wNw) đoạt giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008
Các công trình của Võ Trọng Nghĩa thường thể hiện mối tương quan giữa kiến trúc hiện đại và sự hòa hợp với môi trường tự nhiên.
Công trình quán café Gió và Nước là công trình kiến trúc đầu tiên sử dụng nguyên lý khí động học tại Việt Nam, theo đó, Võ Trọng Nghĩa sử dụng gió tự nhiên, gió từ hồ và nước hồ để làm mát không gian bên trong, vì vậy, không cần phải sử dụng hệ thống thông hơi, điều hòa.
Với công trình này, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Vàng tại giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008.
Đối với thiết kế của quán café Gió và Nước, tre lại tiếp tục được sử dụng làm chất liệu chủ đạo. Ở đây, tre không còn là chất liệu giản dị, thô mộc mà được thiết kế một cách tinh tế để làm nổi bật lên vẻ đẹp sang trọng mà không phô trương, quý phái mà vẫn gần gũi, thân thuộc, tạo cảm giác ấm áp, dễ chịu đối với người sử dụng.
Công trình quán bar Gió và Nước (wNw)
Công trình quán bar Gió và Nước nằm bên trong một chiếc hồ nhân tạo, cạnh quán café Gió và Nước. Để tạo sự đối lập với không gian mở của quán café, quán bar được thiết kế với không gian đóng, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng như tổ chức hòa nhạc, trình diễn, lễ kỷ niệm…
Với thiết kế này, quán bar hầu như không phải sử dụng đến hệ thống thông hơi hay làm mát bởi gió từ hồ sẽ giúp làm mát không gian bên trong, thêm vào đó, một chóp mở ở trên mái nhà góp phần giúp gió đưa hơi nóng ra khỏi không gian bên trong quán bar.
Công trình quán bar Gió và Nước của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa vừa đề cao tính truyền thống vừa đưa lại cảm nhận về sự tinh tế, hiện đại, sang trọng, thể hiện cách ứng xử nhẹ nhàng, văn minh của con người đối với môi trường thiên nhiên.
Công trình Kontum Indochina Café nằm trong danh sách đề cử tại Festival Kiến trúc Thế giới 2013
Công trình Kontum Indochina Café dù không đoạt giải ở hạng mục Nhà hàng - Khách sạn tại Festival Kiến trúc Thế giới 2013 (World Architecture Festival 2013) nhưng khi công trình nhận giải được vinh danh, ban giám khảo cũng nói thêm rằng:
“Chúng tôi rất đề cao công trình Kontum Indochina Café ở Việt Nam, do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế bởi công trình này thể hiện sự nghiên cứu cầu kỳ và quá trình thực hiện đáng kinh ngạc khi đem sử dụng một chất liệu lạ vào trong xây dựng”.
Bích Ngọc(Theo Dân Trí)