Kỳ 1: Đánh giập đầu điệp báo
Họ có thể là bộ đội, công an, dân quân, tự vệ... nhưng đều ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những cuộc tranh đấu - giằng co giữ từng góc rừng, đoạn suối, cột mốc, vạt nương luôn âm thầm dai dẳng, không phải ai cũng biết và hình dung nổi. Bao giờ cũng vậy, chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm. 36 năm qua cùng ngàn năm nữa, điều này vẫn vẹn nguyên giá trị.
Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), nơi ghi dấu chiến công của lực lượng trinh sát, bóc dỡ mạng lưới gián điệp Trung Quốc năm 1974
|
Kỳ 1: Đánh giập đầu điệp báo
Nhắc đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, người ta thường đề cập đến mốc thời gian 17.2.1979 – ngày Trung Quốc đồng loạt nổ súng tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Ít ai biết rằng, ngay từ năm 1974, cùng với việc tranh thủ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc còn đồng thời tiến hành các hoạt động tranh chấp tại biên giới phía Bắc và tung người dọc biên giới nhằm điều tra tình báo, lũng đoạn lực lượng.
Bắt gián điệp “con thoi”
Giữa năm 1974, đoàn khảo sát biên giới tỉnh Cao Bằng tiến hành khảo sát đoạn Trà Lĩnh, đối diện với công an xã Long Bang (huyện Trịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Ngay khi đoàn tiến hành công việc, số người từ Trung Quốc qua biên giới đi chợ, thăm thân nhân tăng lên đột biến và qua xác minh thấy có nhiều đối tượng khả nghi, trong đó nổi bật là Đàm Quế Thỏ.
Với nhận định ban đầu: “Đàm Quế Thỏ có khả năng là gián điệp con thoi, do một trung tâm tình báo bên kia chỉ huy, xâm nhập vào khu vực biên phòng Trà Lĩnh để thu thập tình báo, gây dựng cơ sở hoạt động phá hoại”, cơ quan chức năng quyết định cử một tổ cán bộ nghiệp vụ từ dưới xuôi lên đánh án.
Với nhận định ban đầu: “Đàm Quế Thỏ có khả năng là gián điệp con thoi, do một trung tâm tình báo bên kia chỉ huy, xâm nhập vào khu vực biên phòng Trà Lĩnh để thu thập tình báo, gây dựng cơ sở hoạt động phá hoại”, cơ quan chức năng quyết định cử một tổ cán bộ nghiệp vụ từ dưới xuôi lên đánh án.
Ông Vàng Vần Sải (nguyên cán bộ xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) kể lại những ngày phối hợp cùng bộ đội, công an phục bắt gián điệp Trung Quốc
|
Các biện pháp nghiệp vụ được triển khai đồng thời với công tác xác minh làm rõ đã nhận định: “Thỏ là gián điệp xâm nhập kiểu con thoi”. Điều này được khẳng định khi Đàm Quế Thỏ liên tục mò sang dò la.
Giữa tháng 9.1974, khi hai ô tô của Công an vũ trang tỉnh tới Đồn Trà Lĩnh, Thỏ sang tìm chiến sĩ có họ với y đang công tác trong đơn vị và tò mò: “Xe đưa những ai mà đông thế? Có việc gì quan trọng à? Chừng nào họ về, cho em đi nhờ một quãng?”.
Ngay sau đó, phía Trung Quốc cho một phân đội bộ đội với đầy đủ vũ khí tới đóng ở Phai Can, đồng thời 1 tổ công an Trung Quốc cũng được phái đến phối hợp với bộ đội của họ.
Cuối tháng 9.1974, Thỏ giả vào thăm Trạm Kiểm soát Trà Lĩnh giữa lúc chiến sĩ Vũ đang ghi chép sổ sách. Lấy lý do đi tráng ấm pha trà, chiến sĩ Vũ để nguyên sổ sách và từ góc bí mật, cán bộ ta ghi nhận Thỏ đọc trộm tài liệu. Khi chiến sĩ Vũ đem nước ra mời, Thỏ giả vờ nhắc nhở: “Cần phải đề cao cảnh giác!”...
Ngày cuối tháng 1.1975, trong khi uống rượu với 1 cán bộ Hợp tác xã mua bán huyện, Thỏ moi hỏi nhiều tin tức bí mật về Đồn Công an vũ trang và dân quân Trà Lĩnh, sau đó ghi chép vào giấy, giấu trong gấu áo.
Sau đó ít giờ, tổ tuần tra Công an Vũ trang đã bắt quả tang Thỏ trao đổi tài liệu mật và y đã phải khai nhận: được Vương Minh Lượng, đặc phái viên của Sở Phái xuất thuộc Công an Trung Quốc huấn luyện nghiệp vụ và nhận nhiệm vụ “Điều tra để cung cấp tin tức về chính trị, quân sự, kinh tế Việt Nam”...
Di tích cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế (Hà Giang), đây là tuyến giao thông huyết mạch từ huyện lỵ Mèo Vạc đi các xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ những năm trước và trong chiến tranh biên giới
|
Sự thật về “Tổ Công tác Dân tộc”
|
38 năm trôi qua, nhưng nhiều cán bộ Tỉnh ủy Hà Tuyên (nay là Hà Giang) vẫn không quên Chuyên án PL-92, làm rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của bọn gián điệp từ bên kia biên giới.
Sự việc bắt đầu vào cuối tháng 12.1978, tại xã Phú Lũng, Đồng Văn (đối diện bên kia biên giới là Công xã Phù Sáng, huyện Ma Li Pho, Vân Nam, Trung Quốc).
Đồn Công an Vũ trang Bạch Đích phát hiện các đối tượng từ Trung Quốc xâm nhập qua Việt Nam tìm cách gặp 1 cán bộ người Dao có uy tín trong xã và viết thư đề nghị: “Vận động nhân dân tập hợp lực lượng chống lại chính quyền. Trung Quốc sẽ giúp đỡ”.
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan chức năng và sự phối hợp, giúp đỡ của lực lượng nghiệp vụ, cán bộ ta đã triển khai các động tác giả theo phía bên kia. Đại diện nhóm người bên kia biên giới là Phàn Vần Xèng đã chỉ đạo cán bộ ta “Tổ chức lại dân quân gồm những người thân tín, càng đông càng tốt. Thông qua lực lượng này và những đồng chí thân Trung Quốc mà vận động dân bám biên giới, không di chuyển về sau”.
Thậm chí, Xèng còn yêu cầu gửi gấp danh sách “dân quân thân Trung Quốc” gồm 24 người, để Xèng “báo cáo xin vũ khí trang bị cho họ” và sau đó Xèng dẫn hai đối tượng khác mang theo súng ngắn, AK báng gấp xâm nhập Việt Nam.
Khi bị phục kích bắt gọn tại “điểm hẹn”, các đối tượng thừa nhận là gián điệp Trung Quốc đã phải khai nhận: “Hoạt động thám báo, tình báo vào khu vực biên phòng Việt Nam với nhiệm vụ xâm nhập, điều tra, thu thập tin tức tình báo phục vụ cho các yêu cầu về quân sự; đồng thời lôi kéo, móc nối cơ sở trong hàng ngũ chủ chốt cấp xã để xây dựng chính quyền hai mặt, phục tùng sự điều khiển của Trung Quốc”...
Ba đối tượng gián điệp còn cho biết: chính quyền Trung Quốc phiên chế những kẻ xâm nhập trong các tổ chức được gọi là “Tổ Công tác Dân tộc”. Thực chất đây là những tổ tình báo gián điệp hoạt động sâu vào lãnh thổ Việt Nam, có sự chỉ đạo chặt chẽ theo hệ thống bí mật từ trên xuống dưới.
Các đối tượng thừa nhận vậy và cung cấp thêm: Ở Ma Ly Pho còn có 3 tổ tình báo khác hoạt động tại các hướng Má Lĩnh, Pả Pú, Múng Tủng (đối diện huyện Đồng Văn). Tất cả các tổ đang cố gắng móc nối sang Việt Nam để nhanh chóng biến chính quyền cấp xã ở khu vực biên giới Việt - Trung của Việt Nam thành chính quyền 2 mặt, biến dân quân Việt Nam thành lực lượng ngầm tại chỗ của Trung Quốc, sẵn sàng nổi dậy gây bạo loạn chống Việt Nam... (Còn tiếp)
Di tích cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế (Hà Giang), đây là tuyến giao thông huyết mạch từ huyện lỵ Mèo Vạc đi các xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ những năm trước và trong chiến tranh biên giới. Đây cũng là nơi các lực lượng chức năng chặn bắt các đối tượng gián điệp, tình báo Trung Quốc đột nhập vào nội địa Việt Nam.
|
Khu vực mốc 485 đặt tại địa bàn xã Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang ngay sát đường ô tô hai nước Việt - Trung đi lại nên được coi là điểm đáng chú ý trong việc ngăn chặn đối tượng xâm nhập trái phép
|
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) thắp hương tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ Biên phòng đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, tháng 2.1979
|
Kỳ 2: Chặn đứng âm mưu xâm lấn
(TNO) Sáng sớm 17.2.1979, những quả pháo từ bên kia Trung Quốc nã vào đất Việt Nam có thể khiến nhiều người sửng sốt, nhưng với các chiến sĩ Công an Vũ trang Hà Tuyên (nay là Bộ đội Biên phòng Hà Giang) thì điều này không có gì bất ngờ. Bởi từ trước đó, họ đã đối mặt với vô số âm mưu xâm lấn từ phía Trung Quốc.
Khu vực gần mốc 3 (cũ), nơi Tổ công tác của Đồn Công an nhân dân Vũ trang Nghĩa Thuận bị lực lượng Vũ trang Trung Quốc bắt cóc trái phép, tháng 5.1977
|
10 ngày tuyệt thực
Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) giờ đóng ngay trung tâm xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) cạnh khu chợ mỗi tuần 1 lần tíu tít đông vui và quấn quýt trường học, trạm y tế, cơ quan hành chính của xã.
Ít ai biết ngày 29.3.1959, tiền thân của đơn vị là Đồn Công an nhân dân Vũ trang Nghĩa Thuận ra đời và đứng chân ngay tại Đồn Na Tro Cai (do người Pháp xây dựng từ trước đây) với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến đường biên dài gần 40 km thuộc 2 xã Nghĩa Thuận, Cao Tả Tùng.
Mốc giới 18 cũ từ thời Pháp - Thanh phân định biên giới Việt - Trung, đang được trưng bày tại Đồn Biên phòng Tùng Vài (Quản Bạ, Hà Giang), sau khi đã cắm mốc mới
|
Ông Giàng Thìn Lù, nguyên Đồn trưởng Nghĩa Thuận (thời kỳ 1977-1984) đến giờ vẫn không quên thời điểm 1976-1977, khi ông là Đồn phó Trinh sát và cả đơn vị ngày đêm đối mặt với tình trạng lính Trung Quốc xâm nhập vũ trang, xâm canh lấn chiếm khu vực biên giới Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn.
Đỉnh điểm trong thời kỳ này là một đêm đầu tháng 5.1977, tại khu vực mốc 3 (đối diện thôn Hoàng Thèn, Bắc Bố, Trung Quốc) lợi dụng sương mù dày đặc, ỷ thế đông người, lực lượng vũ trang Trung Quốc đã mai phục, bắt cóc, đưa về bên kia biên giới cả tổ tuần tra gồm 6 cán bộ chiến sĩ do Trung úy - Đội trưởng Viên Đình Thượng phụ trách, đang trên đường tuần tra từ thôn Cao Mã Pờ về Đồn Nghĩa Thuận.
Lúc đầu, phía Trung Quốc dụ dỗ, mua chuộc từng chiến sĩ công nhận việc “vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”. Không đạt được kết quả, phía Trung Quốc chuyển sang đe dọa, hành hung, hòng mong chiến sĩ ta công nhận vị trí cột mốc biên giới mà họ mới di chuyển là “đúng thực tế lịch sử”... Trong nhà giam đối phương, các chiến sĩ đã nêu cao khí tiết, kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu thủ đoạn lấn chiếm, hành động vu khống và đồng loạt tuyệt thực, yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng lịch sử, đưa cột mốc biên giới trở về đúng vị trí ban đầu.
Mốc 504 do Đồn Biên phòng Lũng Làn (Mèo Vạc, Hà Giang) quản lý
|
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Chỉ huy Công an nhân dân Vũ trang Hà Tuyên đã cử Đoàn cán bộ do đồng chí Ma Phúc Cung phụ trách, sang cơ quan Biên phòng Trung Quốc phản kháng, đòi phía Trung Quốc phải tôn trọng đường biên giới nguyên trạng lịch sử, yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ bị bắt trái phép và trao trả ngay cho phía Việt Nam.
Sau 10 ngày kiên trì phản kháng, phía Trung Quốc buộc phải trao trả toàn bộ 6 cán bộ chiến sĩ Đồn Công an vũ trang Nghĩa Thuận cùng với vũ khí, trang bị.
5 chọi 40
Bia Tưởng niệm ghi tên các Liệt sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai)
hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược
hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược
Lâu nay, cứ nhắc đến Đồn Biên phòng Lũng Làn (Mèo Vạc, Hà Giang) là người ta nghĩ ngay đến Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lộc Viễn Tài, người Đồn trưởng đã chỉ huy cán bộ chiến sĩ quyết liệt đánh trả quân Trung Quốc xâm lược ngay từ mờ sáng 17.2.1979, là người chặn địch cho thương binh rút vào rừng an toàn và hy sinh khi bắn đến viên đạn cuối cùng. Nhưng trước ngày 17.2.1979, Lũng Làn cũng đã từng đổ máu...
Đại tá Lưu Đức Hùng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang kể: Trước năm 1979, phần lãnh thổ giữa cột mốc 23, 24 - đoạn III là khu vực rộng gần 6 km2 thuộc bản Lũng Ly (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc), do Đồn Công an Vũ trang Lũng Làn phụ trách. Đây là nơi đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc canh tác nên phía Trung Quốc rắp tâm lấn chiếm. Trong 3 năm (1975-1978), phía Trung Quốc đã 11 lần tổ chức lấn chiếm khu vực này, nhưng đều bị Công an Vũ trang Đồn Lũng Làn và nhân dân các bản Lũng Ly, Lẻo Trá Phìn đấu tranh ngăn chặn, đồng thời đẩy đuổi người Trung Quốc xâm canh, xâm cư lấn chiếm về phía bên kia đường biên giới.
Đỉnh điểm là ngày 10.8.1978, phía Trung Quốc cho 40 “xã viên” công xã Tà Sáy (chủ yếu là lính Biên phòng cải trang) xâm nhập khu vực giữa mốc 23 và 24 hì hục phát cây cuốc đất làm nương. Hành động này bị tổ tuần tra của Đồn Lũng Làn (gồm 3 chiến sĩ Nguyễn Vũ Dương, Hoàng Văn Nở, Nguyễn Văn Định) đang trên đường làm nhiệm vụ phát hiện.
Nhận thấy việc đấu tranh sẽ căng thẳng hơn những lần trước do tương quan lực lượng chênh lệch, cả tổ hội ý chớp nhoáng và quyết định cử chiến sĩ Nguyễn Văn Định quay về đơn vị báo cáo tình hình, xin thêm chi viện. Đồn cử thêm 2 chiến sĩ tăng cường và cả tổ 5 người vừa tiếp cận địa bàn, vừa tuyên truyền giáo dục, ngăn cản hành động lấn chiếm của “xã viên” Trung Quốc.
Trung tâm xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) từng là nơi tập hợp nhân dân cùng bộ đội đến các điểm nóng ngăn chặn dân binh Trung Quốc lấn chiếm đất đai của đồng báo các dân tộc trong xã
Bia Tưởng niệm ghi tên các Liệt sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai)
hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược |
Trước hành động hung hãn, cả tổ tựa lưng, chắn hậu cho nhau và dùng báng súng kiên quyết chống trả các đòn tấn công của các đối tượng côn đồ, đồng thời mở đường phá vây. Đội hình của các “xã viên” liên tục co vào, giãn ra theo thế chống trả của chiến sĩ ta. Lợi dụng địa thế có lợi, tổ trưởng Nguyễn Vũ Dương lệnh cho 2 chiến sĩ phóng mình qua vách đá, lùm cây chạy về đơn vị xin chi viện.
Cuộc chiến đấu của 3 chiến sĩ còn lại diễn ra trong hơn 2 tiếng đồng hồ, khiến nhiều tên côn đồ dính đòn phản công ngã gục. Thấy tổ công tác thấm mệt, các “xã viên” Trung Quốc ào lên tấn công từ 4 phía và dùng dây giật ngã chiến sĩ ta, trói chặt từng người.
Lợi dụng phút sơ hở khi các đối tượng côn đồ túm tụm chặt cây làm đòn khiêng chiến sĩ về phía Trung Quốc, chiến sĩ Hoàng Văn Nở trườn người, cọ dây trói lên cạnh đá sắc làm đứt dây. Sau đó, anh Nở dùng động tác võ thuật hạ tên đang đứng canh, cởi trói giải thoát cho 2 chiến sĩ Dương và Định.
Khi 3 chiến sĩ vừa thoát khỏi vòng vây, cũng đồng thời lực lượng chi viện do Đồn trưởng Công an Vũ trang Lũng Làn chỉ huy, cùng nhân dân các bản gần đó ào lên đấu tranh. Thấy lực lượng ta áp đảo, các đối tượng côn đồ xưng là “xã viên Công xã Tà Sáy” hò nhau tháo chạy về bên kia biên giới...
Năm 1978 có thể nói là thời điểm gian nan nhất của lực lượng Công an Vũ trang kể từ khi được thành lập, trong đó phải kể đến địa bàn tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang). Theo thống kê của Ban Chỉ huy Công an Vũ trang Hà Tuyên, trong năm 1978 đã xảy ra 32 vụ (tại 11 điểm) phía Trung Quốc lấn chiếm với tính chất hung bạo, khiêu khích ngày càng rõ rệt.
Ở phía Tây, khu vực Hồ Pả, Mã Tẻn (xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì) nhiều năm bị người Trung Quốc xâm canh trái phép. Ngày 20.7.1978, phía Trung Quốc lén lút di chuyển cột mốc và cho lực lượng vũ trang của họ mai phục, bắt trói tổ công tác 3 người của Đồn Công an Vũ trang Bản Máy, do Thiếu úy Nguyễn Xuân Thiều chỉ huy, đang làm nhiệm vụ tuần tra.
Lính Trung Quốc cải trang làm dân thường không chỉ bắt trói, khênh các chiến sĩ Công an Vũ trang về Trung Quốc mà còn la ó, vu khống tổ công tác “vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”. Thấy chiến sĩ ta kiên quyết đấu tranh phản đối hành động bắt người sai trái và thủ đoạn đơn phương di dời cột mốc, lính Trung Quốc xúm lại dùng sống dao và báng súng đánh đập.
|
Kỳ 3: Súng nổ trước ngày nổ súng
(TNO) Trạm Kiểm soát Biên phòng Lùng Than (Đồn Biên phòng Dào San, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) nằm ở bản Lùng Than, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, cách Đồn hơn 20km đường toàn rừng sâu núi cao. Doanh trại của đơn vị chỉ đơn giản là ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ và gian bếp vách gỗ mái tranh xiêu vẹo. Các cựu chiến binh Dào San bảo: Lùng Than là nơi bộ đội Biên phòng đổ máu nhiều nhất, từ trước những ngày tháng 2.1979.
Trạm Kiểm soát Biên phòng Lùng Than, tháng 2.2015
|
Cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ Trạm Kiểm soát Biên phòng Lùng Than
|
Cán bộ Báo Thanh Niên thăm mốc 68 bên bờ sông Nậm Na, thuộc quản lý của Trạm Lùng Than
|
Thắp hương tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ Biên phòng Dào San hy sinh tại địa bàn trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc tháng 2.1979
|
Sông Nậm Na, nơi nhiều cán bộ chiến sĩ Công an Vũ trang Lai Châu hy sinh trước ngày 17.2.1979
|
Cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ, Lai Châu) trước kia là chiến trường ác liệt, nay thành trung tâm kinh tế của cả vùng Tây Bắc
|
Bức ảnh chụp chung và lời đề tặng của Thiếu tướng Hà Ngọc Tiếu (khi đó là Phó Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang) với cán bộ chiến sĩ Đồn Ma Lù Thàng, sau cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược
|
Sôi sục Nậm Na
Sông Nậm Na bắt nguồn từ suối Bản Lĩnh (Mường Là, Trung Quốc), chảy qua Phong Thổ, hợp lưu với dòng Pa Nậm Cúm tại cửa khẩu Ma Lù Thàng và đổ ra Sông Đà. Đoạn sông Nậm Na chảy qua Lùng Than tuy không dài, nhưng luôn ẩn chứa phức tạp - đe dọa từ phía bên kia biên giới, đặc biệt là năm 1978, khi phía Trung Quốc gia tăng khiêu khích vũ trang.
Đơn cử: ngày 29.11.1978, Trung Quốc cho 1 đại đội tập kích Trạm Công an Vũ trang Lùng Chan (khi đó thuộc Đồn Ma Lù Thàng); ngày 29.1.1979, tổ công tác gồm 3 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tuần tra biên giới dọc sông Nậm Na thì bị 1 trung đội vũ trang Trung Quốc phục kích tấn công khiến 1 chiến sĩ hy sinh ngay tại chỗ. Chiến sĩ Bình bị bắt trên đường độc đạo, trong lúc bị dẫn giải, anh Bình đã dùng võ thuật đánh gục đối tượng áp giải và chạy thoát...
Đặc biệt, ngày 6.2.1979, khi Đại đội 5 Cơ động của Công an Vũ trang Lai Châu lên lập chốt tăng cường cho Trạm, 11 ngày trước khi nổ súng tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, phía Trung Quốc đã cho 2 Đại đội bộ binh tập kích vào chốt Lùng Than của Đại đội 5 làm 3 chiến sĩ hy sinh
Lịch sử Biên phòng Việt Nam ghi rõ: Trên tuyến biên giới Việt Trung vào những ngày trước khi nổ ra chiến tranh, đoạn biên giới Lai Châu đã xảy ra nhiều vụ tập kích vũ trang nhất so với các nơi khác. Trong đó, ngày 30.1.1979, tại xã Vàng Ma Chải (Phong Thổ), lính Trung Quốc thấy chiến sĩ Chiến nằm im sau gò mối nổi, tưởng đã chết nên cho 4 tên sang lấy súng. Khi tốp lính đang lò dò vượt suối, anh Chiến bất ngờ nổ súng diệt tại chỗ 2 tên, làm bị thương 2 tên…
Nóng bỏng trên toàn tuyến
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nếu như năm 1974, lực lượng vũ trang Trung Quốc vi phạm biên giới phía Bắc hơn 400 lần thì năm 1975, cường độ vi phạm tăng lên 523 lần và họ còn ngang nhiên tranh chấp 88 điểm với lý do “đó là đất Trung Quốc”.
Địa bàn căng thẳng nhất ở mốc 20, 23, 29, 15, 16 thuộc Lạng Sơn, mốc 53 Cao Bằng, là những vùng có tài nguyên khoáng sản, rừng gỗ quý và nguồn nước thiên nhiên phong phú.
Không chỉ cố tình vi phạm biên giới, lính Trung còn cố tình nổ súng khiêu khích sát thương nhân dân và chiến sĩ ta.
Leo thang căng thẳng, phía Trung Quốc thực hiện hành động lấn chiếm đất đai ở nhiều địa bàn hiểm yếu. Ngày 18.9.1978, lính Trung Quốc ở Ái Điểm ồ ạt kéo sang địa phận Chi Ma (Lạng Sơn), nhổ hết chông ở đoạn giữa mốc 41 và mốc 49; ngày 16.10.1978 ở Lạng Sơn, lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm phạm đồi Cò Mìn, gỡ đi 20 quả mìn…
Nghiêm trọng nhất là ngày 10.2.1979, Trung Quốc cho 1 tiểu đoàn đánh chiếm đồi 400 (Lạng Sơn), nằm sâu trong lãnh thổ ta 2 km. Đặc biệt, sáng 25.8.1978, chiến sĩ Lê Đình Chinh (Đại đội 6, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 Cơ động Công an Vũ trang) đã bị bọn côn đồ từ bên Trung Quốc hành hung bằng dao rựa, gạch đá. Anh Lê Đình Chinh anh dũng hy sinh khi mới 18 tuổi, ngay đỉnh đồi Pò Cốc Phung (bản Nà Pàn, xã Bảo Lâm), cạnh Đồn Biên phòng Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Lịch sử Biên phòng Việt Nam ghi nhận: Nếu số vụ lấn chiếm lãnh thổ, khiêu khích vũ trang do Trung Quốc gây ra trong năm 1975 là 234 vụ thì đến năm 1978 con số ấy tăng lên 2.175 vụ (gấp 10 lần). Chỉ riêng 2 năm 1977-1978, đã có 1.500 vụ phía Trung Quốc vi phạm biên giới, khiêu khích vũ trang làm ta bị thương 307 người, có 14 người bị Trung Quốc bắt cóc...
Ông Giàng Thìn Lù, nguyên Đồn trưởng Đồn Công an nhân dân Vũ trang Nghĩa Thuận, Hà Tuyên (nay là Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, Hà Giang) kể: Cuối năm 1978, khi đang giữ chức vụ Đồn phó Trinh sát, ông cùng 2 chiến sĩ được giao nhiệm vụ sang Trạm công tác Công an Biên phòng Bát Bố (Trung Quốc) để đưa thư. Dọc đường đi, tổ công tác phát hiện nhiều đơn vị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc triển khai lực lượng ra biên giới và đối xử với chiến sĩ ta bằng thái độ thù địch.
Đến Trạm Công an Biên phòng Bát Bố, các ông bắt gặp binh lính ở đây đang lau chùi các loại vũ khí trang bị. “Thấy chúng tôi đến, họ vội vàng cất vũ khi đi và giải thích: Đây là ngày kỹ thuật bảo dưỡng vũ khí định kỳ!” - Ông Giàng Thìn Lù kể vậy và lắc đầu: “Họ nói dối và chúng tôi thừa biết là họ nói dối. Sáng sớm ngày 17.2.1979, khi bộ binh Trung Quốc tấn công vào chốt của Đồn ở mốc 4. Tôi nhìn rõ những người lau chùi vũ khí hôm đó điên cuồng xả đạn vào đội hình của chúng tôi!”...
“Ngày 13.2.1979, Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang ra Mệnh lệnh Báo động chiến đấu cấp 1. Đúng 4 ngày sau (17.2.1979), nhà cầm quyền Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta trên biên giới phía Bắc. Từ phút đầu nổ súng, 47 đồn Biên phòng tuy bị pháo kích, tấn công nhưng đã đánh trả quyết liệt. Hầu hết các Đại đội Cơ động tỉnh và các đơn vị của 2 Trung đoàn 12, 16 đã bước ngay vào cuộc chiến đấu mới. Phía Trung Quốc sử dụng cấp Trung đoàn để đánh vào trận địa 1 Đồn biên phòng, có nơi họ dùng đến 2 Trung đoàn (Đồn Hữu Nghị Quan), nhiều trường hợp họ huy động Tiểu đoàn để đánh vào 1 điểm chốt chỉ có 1 Tiểu đội hoặc tổ đóng giữ.
Khi quân xâm lược đánh tràn qua biên giới với quân số đông và hỏa lực mạnh, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang vẫn chiến đấu hết sức ngoan cường, dũng cảm với quyết tâm “1 tấc không đi, 1 ly không rời”...
(Ký sự lịch sử “Chiến sĩ Biên phòng”, do Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo nội dung; NXB CAND, năm 1988)
|
Mai Thanh Hải
>> Máu đào biên cương
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 6: Đừng lãng quên những trang sử viết bằng máu của cha ông
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 5: ‘Chiến đấu’ giữa đời thường
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 4: Chuyện chưa kể về cột bia chiến thắng Khánh Khê
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 3: Những kỹ sư cầm súng nơi Tĩnh Túc
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên
>> Biên cương nơi anh ngã xuống
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 6: Đừng lãng quên những trang sử viết bằng máu của cha ông
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 5: ‘Chiến đấu’ giữa đời thường
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 4: Chuyện chưa kể về cột bia chiến thắng Khánh Khê
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 3: Những kỹ sư cầm súng nơi Tĩnh Túc
>> Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 2: Nơi núi đá khắc tên
>> Biên cương nơi anh ngã xuống