Tiêu đề tự truyện nghề nghiệp BS Nguyễn Tấn Tờn
Tác giả Nguyễn Tấn Tờn
Nhà xuất bản nguyen thai son
tự truyện nghề nghiệp BS Nguyễn Tấn Tờn
https://play.google.com/books/reader?id=DS3ZAgAAQBAJ&pg=GBS.PA3&hl=vi
Năm 1963 tôi vào các trường Đại Học. Tôi ghi danh học chính thức 3 trường Đại Học Quốc Gia. Thứ nhất là trường Đại Học Luật (Gần hồ Con Rùa), thứ hai là trường Văn Khoa (Gần chợ Bến Thành), thứ ba là trường Đại học khoa học (Nay là trường đại học khoa học tự nhiên, đường Nguyễn Văn Cừ). Thời ấy ba trường đó là những trường trong nhiều trường được ghi danh tự do nếu đã đậu bằng tú tài toàn phần. Ngoài những giờ đi “dạy kèm” kiếm sống, tôi chạy “sô” cả ba trường nhưng không thấy “mệt” vì tôi còn trẻ. Buổi chiều từ 5 giờ đến 6 giờ tôi tập thể hình, rồi ăn “cơm bụi” qua loa, từ 8 giờ đến 9 giờ tối tôi đi uống cà phê với bạn bè rồi về nhà trọ, học bài cho đến khi nào ngủ gục trên bàn thì đi ngủ. Sáu giờ sáng hôm sau lại một ngày như mọi ngày. Môt buổi sáng nọ tôi đang lang thang sân trường Đại Học khoa học chờ giờ vào giảng đường (tôi đang học chứng chỉ MPC tức là Toán Lý Hoá) thì thấy vài chục sinh viên chen chúc trước cửa một căn nhà gần giảng đường, tôi ghé vào hỏi họ làm gì? Họ nói: “Xin đơn dự thi APM”. Tôi chẳng biết “APM” là “mô tê” gì? Nhưng cũng chen vào xin đơn! Ngày hôm sau tôi góp đơn thi “APM”!
Bên ngoài đường phố: Sinh viên, học sinh khắp nơi biểu tình rầm rộ, đòi lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Nếu xong việc thì tôi cũng đi theo dòng người hô hào lật đổ, chống đối “độc tài”. Ai sao mình vậy. Tôi cũng là sinh viên cũng có quyền biểu tình! Rồi ngày thi “APM” cũng đến. Tôi đi thi. Một thời gian sau có kết quả niêm yết danh sách: Tôi đậu vào học “APM”, tôi đậu thứ 95 trong gần 200 sinh viên trúng tuyển. Hỏi các bạn tôi mới biết “APM” là chứng chỉ học tại trường Đại học khoa học, thi đậu vào đã là chuyện khó, cuối năm thi đậu chứng chỉ lại là chuyện khác! Đậu chứng chỉ “APM” mới được nhận vào học trường Đại học y khoa. “APM” viết tắt là: Année Préparatoire de Médecine, nghĩa là năm dự bị y khoa…! Ồ, tôi làm sao lại học cái ngành này, cái ngành học mà tôi không có một chút khái niệm gì cả, ngay cả cái chữ y khoa tôi cũng thấy lạ! Tôi không hề tự hỏi cuối con đường học, tôi sẽ có cái nghề gì? Thế nhưng tôi cũng bỏ hết các trường đại học khác mà tôi đã ghi danh, đóng học phí để theo học cái chứng chỉ “APM”, dù sao được học cái chứng chỉ này cũng không phải dễ, hàng ngàn sinh viên thi vào chỉ đậu không quá 200. Tôi cố thử học xem sao? Các môn học chứng chỉ “APM” đối với tôi thật “quái ác”. Toàn bộ bằng tiếng Pháp, thầy Pháp dạy bằng tiếng Pháp đã đành, thầy Việt cũng dạy bằng tiếng Pháp! Tôi lại đậu bằng tú tài toàn phần ban toán nên những vấn đề về khoa học tự nhiên dùng cho y học tôi “dốt đặc”, ngay cả cái tên môn học tôi cũng quá lạ. Nào là Biologie Animale, Chimiologie, Physiologie…Tôi lại dốt tiếng Pháp mà sách, bài giảng toàn tiếng Pháp thì làm sao đây? Thôi đành “ăn dầm nằm dề” tại thư viện vậy! Suốt ngày tôi ở thư viện, trừ giờ lên lớp và đi “kiếm ăn kế hoạch nhỏ”, tôi ôm khư khư cuốn tự điển Pháp Việt bỏ túi nhỏ xíu, theo mình bất cứ ở đâu. Buồn cười nhất là trong lúc học môn Biologie có nhiều danh từ động vật, tôi đọc đến đâu thì tra từ điển đến đó, cố mà hiểu bằng cái đầu! Đặc biệt chữ “Cellule” là “tế bào” trong sách câu nào cũng nói đến. Tôi tra từ điền thì lại nói “Cellule” là “xà lim” là “cái phòng nhỏ”? Tôi không hiểu tại sao Biologie lại có “xà lim”, “phòng nhỏ”? cái tự điển ngu xuẩn, chết tiệt…Nhưng nó không sai vì nó đâu phải tự điển y học? Tôi lại cố lục lạo các tự điển khác thì có chữ “Cellule” là “tế bào”, nhưng “tế bào” thì tôi cũng mơ mơ màng màng. Tôi học môn toán nên vấn đề sinh học kém quá! Thế nhưng nhờ khỗ luyện, dần dần tôi cũng biết được chút ít..Cuối năm thi, tôi lại có tên đậu chứng chỉ “APM”. Thật hú hồn! Một năm bỏ cả mộng ước làm “luật sư”. Làm “cử nhân văn chương”. Làm “nhà toán học”! Cuối cùng cũng đàng hoàng bước vào trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Hồi đó tôi học mấy năm đầu tại trừong cũ ở đường Trần Quí Cáp (nay là đường Võ Văn Tần), mấy năm sau đó về trường mới khang trang hơn (Trường đại học y khoa bây giờ). Sau năm 1975 trường y khoa cũ ở đường Võ Văn Tần được làm nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy.
Nhớ ngày tựu trường giáo sư thạc sĩ Phạm Biểu Tâm Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Sài Gòn nói với sinh viên “lính mới tò te” như chúng tôi về gian nan học nghề, về y đức và nhiều điều nữa. Sao mà lúc đó lòng tôi nao nao sung sướng quá? Mặc dù tôi không biết sau này bản thân tôi sẽ thành cái gì? Và có làm được việc gì hay không?Thế nhưng hơn 35 năm nay tôi cũng đã làm được một người thầy thuốc bình thường và tự xét mình vẫn giữ được “Y ĐỨC”
09-09-2006